Góp ý về các tài liệu
chuẩn bị THÐGM cho Á Châu

Nguyễn Ðăng Trúc, Pháp

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

I. Hai tài liệu chuẩn bị

- Từ khi Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố ý định triệu tập một Hội nghị đặc biệt của Thượng Hội đồng Giám mục cho Á châu được ghi trong Tông thư Tertio Millennio Adveniente (tháng 11.94) đến năm nay (1998), chúng ta có hai tài liệu chính thức chuẩn bị cho Hội nghị đặc biệt nầy liên quan đến Giáo hội Việt Nam.

- Một bản đề cương (Lineamenta) của Văn phòng Tổng thư ký Hội đồng Giám mục về Thế giới.

- Hai bản văn của Hội đồng Giám mục Việt Nam: Bản trả lời các câu hỏiBản góp ý.

Hai bản văn của Giáo hội, nhưng do những cấp thẩm quyền khác nhau với những trách nhiệm và ưu tư đặc loại, mặc dù cũng nhằm một mục đích chung là rao truyền Phúc âm Chúa Giêsu Kitô tại Á Châu. Những nét cá biệt đôi bên được thấy như sau:

a. Bản văn Lineamenta

* Trong bối cảnh chung của Giáo hội hoàn vũ, mà thực tế lịch sử đậm nét Tây phương trong suy tư, kinh nghiệm lề lối tổ chức cũng như ảnh hưởng ưu thắng của tỷ lệ Kitô hữu trên dân số..., cách nhìn về Á châu, dù được nhấn mạnh như một chi thể của Giáo hội, nhưng cách diễn tả còn cho thấy Á châu, Giáo hội tại Á châu là "một vùng truyền giáo" theo nghĩa còn xa lạ với nhịp sống của Giáo hội.

Chính vì buộc phải đặt mình giữa một Á châu thuần túy qua lăng kính lịch sử, và một Á Châu là chi thể của Ðức Kitô toàn thể trong Thánh Thần, mà có lúc bản văn viết:

- Giáo hội tại Á châu (L'Eglise dans le Continent asiatique, L'Eglise en Asie Phần dẫn nhập).

Nhưng vào chương IV lại ghi vào một đề tựa:

- Ðức Giêsu Kitô: Quà của Giáo hội cho Á châu (tựa đề số 24, chương IV); ở đây Giáo hội như một thực thể ngoài Á châu.

* Nhu cầu nhắc nhở đến cốt lõi của nội dung Tin Mừng (Ðức Giêsu Kitô Ðấng Cứu độ duy nhất) và dấu chỉ về sự hiệp nhất nhân loại qua Giáo hội.

Phần nầy được xếp làm hai chương VI và V.

Hai chương nầy hẳn nhiên đi sát chủ đề và khai triển chủ đề một cách sâu rộng, tuy nhiên tình trạng bất cân xứng về cách xếp các đề mục, nội dung có thể tạo cho các cộng đồng giáo hội địa phương giật mình vì người đọc có cảm tưởng Kitô hữu ở Á châu đã không nhìn nhận đức tin vào ơn cứu độ của Thiên Chúa qua Ðức Kitô; và các giáo hội địa phương đã không thể hiện đủ sự hiệp thông Giáo hội!

Thực tế Giáo hội tại Á châu luôn sống đức tin của Giáo hội nói chung về Ðức Giêsu Kitô và sống hiệp thông giáo hội như bao Cộng đồng giáo hội tại các vùng hay các châu khác; nên việc lặp lại các nội dung nầy với một đoạn văn quá dài thay vì nhắc qua, qui chiếu vào các tài liệu của giáo huấn có sẵn đã không đem lại hiệu năng công tác mà Thượng Hội Ðồng nhắm đến một cách cụ thể.

b. Hai bản văn của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

* Về Bản góp ý:

Ở phần nhận định về bản "Lineamenta", tức phần I, rõ rệt Hội đồng Giám mục muốn nói rõ quan điểm về Giáo hội học của mình: Giáo hội tại Á châu, chứ không phải là lục địa Á Châu trước một Giáo hội như một thực thể bên ngoài.

Ðoạn văn về "Ðề nghị một cơ cấu cho tài liệu làm việc" ở phần II lại phản ảnh một quyết tâm tự mang trách nhiệm và nhìn về đàng trước.

Nhưng trong ý hướng đi tới đó, dường như bản văn bỏ sót một yếu tố quan trọng là Lịch sử Giáo hội tại Á Châu. Ðoạn II. A. 3, lướt qua sự kiện có các tôn giáo lâu đời, sự dị ứng với Kitô giáo; nhưng toàn bộ đề nghị không có phần nào dành cho phần nhận định các kinh nghiệm, sự liên tục của cuộc sống đức tin trong quá khứ (dù đôi khi cũng có những điểm tiêu cực); không có yếu tố nầy, lấy gì để thiết định thực tại và định hướng cho tương lai?

* Bản văn trả lời các câu hỏi:

Tuy phần đề nghị cơ cấu cho tài liệu làm việc như không tiên liệu về việc rút tỉa kinh nghiệm quá khứ, nhưng bản trả lời đã dành cả chương I để nói lên những nét cần thiết về nếp sống đạo của Kitô hữu Việt Nam trong hoàn cảnh văn hoá xã hội của mình qua các thế kỷ. Và ở đây lối trình bày vẫn cho thấy quyết tâm của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam là muốn vượt qua những yếu tố lịch sử nhập nhằng, mà Kitô hữu Việt Nam với sự trong sáng Ðức tin của họ vào Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ, không muốn vướng mắc. Hoặc xét rằng việc nêu lên các yếu tố lịch sử nhập nhằng đó lúc nầy sẽ làm mất thì giờ, che lấp các nội dung cấp bách và quan trọng hơn; hoặc đây là dấu chỉ cho thấy cộng đồng Kitô hữu Việt Nam cần quyết tâm nhận lấy trách nhiệm truyền giáo của mình trong một nếp sống đạo trưởng thành.

II. Một biến cố quan trọng cho Giáo hội

a. Giáo hội nói chung

Giáo hội gắn liền với sứ mạng truyền bá Phúc âm. Thế mà thực tại nhân loại tại Á châu với dân số khổng lồ lại có tỷ lệ Kitô hữu thấp nhất so với các lục địa khác; cuộc sống văn hoá xã hội còn chưa thân quen với cách biểu lộ đức tin của Kitô hữu; và Á châu ấy cũng là nôi của nhiều nền văn hoá và tôn giáo, những giá trị mà đức tin Kitô giáo cho biết rằng phát sinh từ Thần Linh Ðức Giêsu Kitô và sẽ được hoàn thành trong Ðức Giêsu Kitô.

"Một đức tin không trở thành văn hoá là một đức tin không hoàn toàn được tiếp nhận, suy tư, và sống cách trung thực" (Thư của Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gửi Ðức Hồng y Quốc vụ khanh ngày 20.5.1982).

Nói cách khác, ngay cả trên bình diện lịch sử, Giáo hội tại Á châu rất xa xưa, nhưng cũng như mới khởi đầu trong việc tiếp nhận biến cố Ðức Giêsu Kitô trong cuộc sống văn hoá, xã hội của mình.

Chúng ta không hiểu tại sao hướng đi lịch sử của việc truyền giáo đã hướng về văn hoá Hy Lạp và nếp sống Tây phương, Ðịa Trung Hải từ lúc ban đầu và mãi tiếp tục qua nhiều thế kỷ đến hôm nay.

Nhưng quay trở lại Giáo hội thời nguyên thủy để tìm lại những chỉ dẫn từ Phúc âm, Công đồng Vaticanô II đã thoáng thấy được có thể có nhiều truyền thống văn hoá khác (ngoài truyền thống Hy Lạp) của nhiều vùng, nhiều dân tộc khác nhau, ở vào nhiều thời đại khác nhau thực sự cũng là những con đường đã được Thần Linh chuẩn bị để tiếp nhận Ðức Giêsu Kitô và hoàn thành trong Ngài.

Lịch sử cho thấy trong quá khứ và ngay cả hiện tại thế giới nói chung và đặc biệt Kitô giáo đã gặp gỡ, ảnh hưởng Á châu xuyên qua cách suy tư, lối diễn đạt của văn hoá Tây phương; nhưng cái gì của Á châu được hiểu và sống bởi con người Á châu thì chưa hay rất ít được lưu ý.

Do đó, lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, các vị chủ chăn đại diện cho cộng đồng Kitô hữu muốn cùng nhau gặp gỡ và tuyên xưng đức tin vào Ðức Giêsu kitô trong ngôn ngữ văn hoá của Á châu, để có thể rao truyền Ðức Giêsu kitô cho người Á châu trong chính ngôn ngữ và tâm tình của họ, và để hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ một cách linh hoạt trong Ðức Kitô hằng sống, phong phú luôn mới mẻ.

Với tầm quan trọng của các nền văn hoá lâu đời và đa dạng, với dân số bao la của Á châu, Giáo hội hoàn vũ chắc hẳn sẽ đón nhận biến cố Thượng Hội đồng Giám mục nầy như một thách đố lớn lao, và cũng là khúc ngoặt cho nếp sinh hoạt của mình.

b. Cộng đồng Kitô hữu Á châu và Giáo hội Việt Nam

Hai mươi lăm năm qua, Liên hiệp Hội đồng các Giám mục Á châu cũng đã từng có nhiều dịp gặp gỡ qua nhiêu cuộc họp. Tuy nhiên, ở đây Thượng Hội đồng Giám mục cho Á châu có một tầm quan trọng vượt lên trên tổ chức (FABC) Liên hiệp Hội Ðồng các Giám mục Á châu. Quan trọng vì Giáo hội quyết định muốn có một Hội nghị đặc biệt huy động được toàn cộng đồng Kitô hữu vùng Á châu, hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ, để mang lấy trách nhiệm hoạch định đường lối và chương trình sinh hoạt của Giáo hội tại Á châu trong tương lai về mặt thần học cũng như mục vụ.

Về phía Giáo hội Việt Nam, sau biến cố trọng đại thiết lập hàng Giáo phẩm (1960), đây là một biến cố có lẽ quan trọng hơn nữa trên phương diện mục vụ để mỗi một thành phần Dân Chúa xét lại nếp sống đạo của mình, của cộng đồng mình, ý thức trách nhiệm truyền giáo và thực hiện sự trưởng thành trong cuộc sống tôn giáo. Nói theo ngôn ngữ của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong bản trả lời các câu hỏi:

"Ðã đến thời mà người châu Á không còn bằng lòng sao chép, diễn dịch các tư tưởng thần học Tây phương" (II- Quan điểm).

Giáo hội Việt Nam lấy Thượng Hội đồng nầy làm mấu mốc để xác định trách nhiệm và ý chí muốn trưởng thành, để không mãi sao chép kèm theo những tâm tư của kẻ cần mãi được "cho bú mớm", nhưng can cường và thanh thản sống đạo của Ðấng đã giải thoát con người khỏi mọi sự sợ hãi, lo âu.

III. Bất cập trong việc chuẩn bị

Thời gian ba năm dành cho việc chuẩn bị không phải là quá bất cập, nhưng tại Giáo triều Rôma, cùng thời gian nầy các Thượng Hội đồng Giám mục thế giới khác liên tục được tổ chức như: Libanô, Phi châu, Mỹ châu..., thêm vào đó là các năm thánh hướng về năm Toàn xá 2000, nên một Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Á châu theo tầm quan trọng vừa thần học, vừa lịch sử cho sinh hoạt Giáo hội nói chung như phần II chúng ta trình bày khó lòng được thực hiện đúng theo mong ước.

Việc chuẩn bị tại các Cộng đồng giáo hội địa phương tại Á châu dường như cũng chưa huy động được sự tham gia tích cực của các thành phần Dân Chúa. Tôi xin đan cử một hiện tượng nhỏ để làm thí dụ. Tháng 4.1997 có một cuộc họp mặt của Hội những người công giáo nghiên cứu triết học tại Á châu tổ chức tại Nagasaki, Nhật bản, qui tụ khoảng 40 tham dự viên đến từ các Ðại học Công giáo Ðại Hàn, Trung Quốc, Ðài Loan, Việt Nam Hải ngoại, Nhật Bản, Phi luật tân, Bỉ. Nhiều vị trong các tham dự viên là Viện trưởng, Khoa trưởng các Ðại học Công giáo. Thế nhưng, vào đến thời điểm đó, chúng tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng không vị nào được thông tri hay được hỏi đến về bất cứ vấn đề gì liên quan đến Thượng Hội Ðồng Giám Mục cho Á châu cả!

Riêng Giáo hội Việt Nam, báo chí hoặc các phương tiện truyền thông khác cũng không thấy thông tri các tài liệu chuẩn bị. Ở trong nước, hoàn cảnh khó khăn về chính trị có thể giải thích phần lớn hiện tượng thờ ơ bất đắc dĩ nầy, nhưng ngay cả ở hải ngoại cũng không thấy có một chỉ dẫn nào cho các cộng đồng tham gia góp ý.

Phong trào Giáo dân Việt Nam Hải ngoại, Trung tâm Nguyễn Trường Tộ (mà chúng tôi là thành viên của trung tâm nầy) thật sự có những sinh hoạt tưởng chừng như được thúc đẩy bởi việc chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục về Á châu, như: Ngày Liên tôn cầu nguyện hoà bình tại Rôma (tháng 10.92), cổ súy và thực hiện việc đào tạo giáo dân, học hỏi Thánh Kinh, nghiên cứu và phát hành sách báo về hội nhập văn hoá, Tổ chức Tuần lễ xã hội, Ðại học hè cho thanh niên sinh viên, gặp gỡ thảo luận về việc khởi thảo thần học Việt Nam... Nhưng thành thực ghi nhận rằng đây là một sự trùng hợp (không hẹn mà gặp) về ý hướng chứ không phải được hướng dẫn bởi mục tiêu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục tại Á châu.

IV. Những bất ngờ: Hai bản văn của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam

Tuy diễn tiến chuẩn bị còn bất cập như thế, hai bản văn: Bản góp ýBản trả lời các câu hỏi của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam được phổ biến vào đầu năm 1998, như một biến cố tích cực bất ngờ.

a. Bất ngờ

Bất ngờ vì từ cách trình bày, nội dung được diễn tả không còn nằm trong lối mòn "phúc trình hành chánh" đúng khuôn, qua chuyện. Khi quá quen thuộc với lối văn phúc trình "hành chánh" gắn liền với một lối sinh hoạt, suy nghĩ... tưởng chừng như là nề nếp, thì hẳn hai bản văn nầy làm cho một số người dị ứng!

b. Một khung trời mới, một tinh thần mới
cho nếp sống đạo của Giáo hội Việt Nam

Với giọng văn chân thành, đầy hứng khởi của hai bản văn không phải chỉ nhằm phúc trình tình hình, trả lời câu hỏi, nhưng như là một tuyên ngôn về một cuộc đổi mới nếp sống đạo:

- Sát với tinh thần Phúc âm: Khiêm tốn, thành thực, thanh thản...
- Tinh thần trách nhiệm và trưởng thành.

Bản văn đã lặp đi lặp lại nhiều lần, trong nhiều cơ hội và lãnh vực khác nhau về quyết tâm muốn hiểu và thực hiện nước Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô Ðấng Cứu Ðộ bằng chính tâm thức, ngôn ngữ và các cách biểu lộ của Á châu.

Chẳng hạn các câu:

"...Giáo hội Việt Nam nghĩ rằng cần phải quan niệm lại cách thức loan báo Tin Mừng cho các dân tộc Á châu".

- Thần học Âu châu, nhất là thần học kinh viện không thích hợp với tinh thần tôn giáo Á châu, vì nó quá thuần lý.

- Nếu có lối suy tư diễn tả thần học của Tây phương, thì cũng cần có lối suy tư diễn tả của người Á châu, ít ra là cho người Á châu, và điều nầy không ai làm thay người Á châu được (bản trả lời - II Quan điểm).

c. Vượt thắng đường mòn khách sáo và hình thức
để thực sự thể hiện hiệp thông giáo hội

Biến cố trọng đại cho Giáo hội Công giáo Việt Nam qua sắc chỉ của cố Giáo hoàng Gioan XXIII thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam (ngày 24.11.1960) trong thời kỳ chuẩn bị Công đồng Vatican II, được chứng thực bằng một hành vi long trọng đáp trả, qua các bản văn nầy. Gần 40 năm qua, với nhiều thử thách và thăng trầm, Giáo hội Việt Nam thực hiện được mối hiệp thông giáo hội với tư cách một cộng đồng sống đạo trưởng thành. Hiệp thông ở đây là hiểu và thực thi các nội dung của Công đồng Vaticanô II, chia sẻ những giá trị Phúc âm được Giáo hội hoàn vũ, các Giáo hội địa phương đang tuyên dương: như tinh thần thống hối, tự kiểm, vượt qua được những âu lo bận rộn về lớp áo bên ngoài để can đảm làm chứng một Ðức Giêsu Kitô yêu thương và phục vụ (xem câu: ..."Cần phải xây dựng một Hội Thánh như một gia đình con cái Thiên Chúa, hơn là phẩm trật với những cơ chế và luật pháp kiện toàn - tlđd)

d. Một bản văn can đảm

Can đảm khi vượt qua tâm tình e ngại, tự biện minh để nói lên những bất cập, đặc biệt của lớp người vẫn còn được xem là tiêu biểu cho khuôn mặt Giáo hội: (chẳng hạn: Trong khi giảng thuyết với ngôn ngữ như thế, một số linh mục, tu sĩ, lại theo lối sống gần với người Tây phương hơn là với đồng bào; và vì có mức học vấn cao nên họ thường tỏ ra tự tin, có khi tự mãn).

Can đảm nêu lên những bức ép của quyền lực chính trị đối với quyền tự do tôn giáo:

"Sau biến cố năm 1975, Nhà nước Việt Nam đã đưa ra những giới hạn đối với sinh hoạt tôn giáo: hoạt động các hội đoàn, việc giáo huấn, thậm chí công tác mục vụ của các vị chủ chăn mọi cấp; các phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành độc quyền của Nhà nước; các cơ sở giáo dục, y tế v.v...trước đây của Giáo hội không còn nữa, khiến việc loan báo Tin Mừng như mất hết các phương tiện vật chất" (tlđd I.3.a).

Và về mặt tư tưởng là can đảm hơn cả: một cái nhìn mới không những về thần học, nhưng về toàn bộ lịch sử văn hoá nhân loại: văn hoá và văn minh Tây phương Hy Lạp không phải là con đường độc đạo, một số kiếp đẩy toàn nhân loại đi vào một nếp sống làm người theo một mẫu duy nhất, và thông thường người ta lầm tưởng là đồng hoá với Chân lý của Phúc âm.

V. Một số những gợi ý bổ sung

a. Một lỗ hổng về Á châu trên mặt sinh hoạt

Nói rằng Thượng Hội đồng có nghĩa là cùng đi, thế mà Á châu với các Giáo hội từng quốc gia như chỉ qui về Rôma, mà chưa cho thấy có một tương quan cụ thể nào giữa các cộng đồng Kitô hữu Á châu với nhau.

Không có một gợi ý nào để đề nghị những cơ cấu gặp gỡ, giao tiếp, và cộng tác với nhau.

Liên hiệp Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) có nhắc đến, nhưng 25 năm qua các cuộc họp, hoặc vì không cụ thể hoá nỗ lực liên đới, nên các sinh hoạt các cấp trong các cộng đồng Kitô hữu các quốc gia xem như chưa thấy thực hiện điều gì thiết thực.

b. Một lỗ hổng về sự hiện diện tích cực
của Kitô hữu trong cộng đồng dân chúng Á châu

Bản văn Hội đồng Giám mục Việt Nam nhắc đến việc làm chứng Tin Mừng bằng cách sống nghèo với những người nghèo. Nhưng dừng lại ở thái độ làm chứng tiêu cực đó là một nét thiếu sót của nếp sống Á đông. Có lẽ cần can đảm nêu lên những chỉ dẫn cụ thể hơn để dẫn lối cho cộng đồng Dân Chúa: Với tư cách Kitô hữu, và tư cách Cộng đồng Kitô giáo, bằng cách nào họ được thúc đẩy hay tham gia sinh hoạt xã hội tại Á châu, tại quê hương mình để văn minh tình thương của Phúc âm được thực hiện? Giáo hội tại Á châu vẫn để mặc, tùy nghi theo sáng kiến của mỗi một Kitô hữu như trong quá khứ, hay đã đến lúc không những suy nghĩ đến vấn đề đó, mà còn có một đường lối từ việc đào tạo lương tâm Kitô hữu phải dấn thân, đến việc qui hoạch chương trình, tạo điều kiện dấn thân từ các cấp lãnh đạo đến các cộng đồng... Bản văn của Hội đồng Giám mục Việt Nam nêu lên một cách mơ hồ như mọi khi:

"Giáo hội không được sai đến để giải quyết vấn đề kinh tế - xã hội.v.v... nhưng không phải vì thế mà Giáo hội không quan tâm đến những vấn đề ấy (tlđd III).

Tiếp theo câu nầy, bản văn kết luận: "Giáo hội phải biết chia sẻ những nỗi khổ đau, cũng như những nỗi "vui mừng và hy vọng" của họ".

Ðây là những lời lặp lại các nội dung chung của Công đồng Vaticanô II, nhưng một khi bản văn đã từng đi vào chi tiết (có vẻ bất cân xứng) để mô tả các con đường nhận thức thần học đặc loại Á châu, thì một vấn đề cũng cấp bách và thực tiễn như thế nầy bản văn không thể chỉ bằng lòng với ý niệm tổng quát được.

c. Giáo dân - Giáo sĩ

Tương quan bất ổn giữa Giáo dân - Giáo sĩ được nêu lên ở Bản góp ý (II.C. 6 và 7). Nhưng ngay phương thức chữa trị nêu lên trong bản văn tạo thắc mắc vì có lẽ chưa nói đầy đủ.

- Ở số 6, bản văn nói rằng: "Cần giúp giáo dân ý thức hơn nữa về ơn gọi và vai trò của họ, đồng thời tạo cho họ nhiều trách nhiệm..."

Lỗ hổng ở đây là: Giáo dân không tự sinh ra là biết Ðạo, và cũng không thể không biết gì về Ðạo mà có thể được trao "bừa" một chức vụ trong Cộng đồng Dân Chúa! Nói cách khác, muốn giáo dân đi vào tuyến đầu của sứ mạng truyền giáo, thì trước hết họ cần được trang bị đầy đủ đã. Thế mà, thực trạng, phải chăng ai có chức sắc trần thế thì dễ được đưa vào các chức vụ của Hội đồng mục vụ cộng đoàn! Như thế, có cái gì bất ổn? Bất ổn ở việc không quyết tâm, không có chương trình đào tạo Kitô hữu một cách linh động và chu đáo.

Trái lại ở số 7, bản văn lại minh nhiên ghi: "Trong việc đào tạo các linh mục...". Chính vì sự thiếu đào tạo về giáo lý cho giáo dân, và chỉ quan niệm đào tạo cho các linh mục, tu sĩ... mà thôi, nên xu hướng giáo sĩ trị (cléricalisme) được nuôi dưỡng và tồn tục.

d. Một dàn bài hơi bất cân xứng

Trong bản trả lời câu hỏi, vì ưu tư chính là góp ý về nét cá biệt của tư tưởng, tâm linh Á châu xem như là chìa khoá mở ra để hiểu và giải quyết các vấn đề khác, nên bản văn nầy của Hội đồng Giám mục Việt Nam dường như quá nặng về thần học hơn là một bản văn nêu lên những đường nét thiết yếu chỉ dẫn sinh hoạt.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page