Tường thuật về THÐGM
khóa họp đặc biệt về Châu Ðại Dương Tuần I
Bài 6: Kết thúc giai đoạn I

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường thuật về Thượng Hội Ðồng Giám Mục khóa họp đặc biệt về Châu Ðại Dương. Bài 6: Kết thúc giai đoạn I (tuần I).

Khóa họp khoáng đại của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Châu Ðại Dương kết thúc giai đoạn nhất: giai đoạn họp khoáng đại để thảo luận về tình hình tôn giáo, chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa... và về những vấn đề liên hệ đến việc rao giảng Tin Mừng và tái rao giảng Tin Mừng tại Lục Ðịa mênh mông và phức tạp này trong Ngàn Năm thứ ba của Kỷ Nguyên Cứu Chuộc, dựa theo bài thuyết trình khởi đầu và những gợi ý trong tập Tài Liệu Làm Việc (Instrumentum Laboris).

Trong tuần vừa qua, từ thứ Hai 23/11/98 đến hết sáng thứ Bẩy 28/11/98, các nghị phụ và các vị tham dự khác đã phát biểu ý kiến. Trong bài trước đây, chúng tôi đã lược tóm những điểm đã được nêu lên trong các phiên họp chung từ thứ Hai 23/11/98 đến sáng thứ Năm 26/11/98. Trong bài này, chúng tôi xin lược tóm những cuộc phát biểu ý kiến từ chiều thứ Năm 26/11/98 đến hết chiều thứ Sáu 27/11/98.

Sáng thứ Hai 30.11.98, công việc của Khóa Họp bước vào giai đoạn hai: giai đoạn đào sâu các ý kiến trong các buổi họp nhóm, sau khi đã nghe bài thuyết trình tổng hợp (Relatio post disceptationem, có nghĩa là bài thuyết trình sau cuộc thảo luận) của Ðức Tổng Giám Mục Hickey.

Ai cũng nhận thấy rằng một trong các bổn phận chính của Thượng Hội Ðồng Giám Mục là chỉ vẽ cách làm thế nào để rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc của Châu Ðại Dương trong bối cảnh khó khăn của xã hội mỗi ngày mỗi trở nên đa hình thức và dân chủ, không còn muốn chấp nhận nguyên tắc về quyền bính. Nhưng Giáo Hội đã lãnh nhận mệnh lệnh của Chúa Giêsu Kitô: "Các con hãy đi và hãy rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc, mọi quốc gia"; Giáo Hội phải tiếp tục rao giảng Lời Chúa, Lời của Chân Lý, Lời ban sự sống vĩnh cửu... cho mọi người nam, nữ của Ngàn Năm mới.

Ðứng trước những khó khăn, nhiều lúc không thể vượt nổi, người ta bị cám dỗ tìm một Phúc Âm dễ dãi có thể được đại đa số chấp nhận; thậm chí có một số người đề nghị "tương đối hóa" chính Lời Chúa trong Thánh Kinh. Tính cách đa hình thức chính đáng bị biến thể, trở thành như một tổng hợp của nhiều thể chế, trong đó người ta cho rằng mọi ý kiến đều như nhau và có thể chấp nhận. Ðây là một nguy hiểm hết sức trầm trọng và đáng lo ngại. Con người sẽ không còn tin vào Ðấng Tuyệt Ðối, không còn tin vào Chân Lý mạc khải nữa. Tất cả là tương đối. Con người tự phong mình làm chủ mọi sự, "chủ trương xây dựng sự thịnh vượng và hạnh phúc của mình trên khoa học và kỹ thuật mà thôi". (trích lời ÐTC nói với các vị tham dự Khóa Họp thứ 52 của Liên Hiệp các trường hoạt động giáo dục Công Giáo tại Ý, trong diễn văn ngày 27.11.98) . Do đó con người liều đi đến việc loại Thiên Chúa ra ngoài xã hội, hoặc không tin có Thiên Chúa nữa hoặc sống lãnh đạm. Xã hội ngày nay chuyển từ chế độ vô thần "chống Thiên Chúa" thành xã hội vô thần "không có Thiên Chúa", một thuyết vô thần ít hung hăng hơn và bình thản hơn, một thuyết vô thần trở thành thuyết lãnh đạm tôn giáo, thuyết tục hóa, như một thứ dịch tễ ghê sợ đang lan tràn khắp nơi cách riêng tại các nước kỹ nghệ, giầu có.

Thượng Hội Ðồng Giám Mục hy vọng có thể đem đến một sự đóng góp hữu hiệu cho câu hỏi: Làm thế nào để rao giảng Tin Mừng với uy tín và với sức thuyết phục trong chính những xã hội bị tục hóa này. Ðây là một thách đố lớn lao, cách riêng cho các linh mục, các nhà truyền giáo, các vị chủ chăn các giáo hội địa phương. Cho tới nay, nhiều vị Giám Mục công nhận rằng việc huấn luyện linh mục không đạt mức thõa đáng, vì thiếu những phương tiện tương xứng. Xã hội tục hóa ngày nay cần có những linh mục có một đời sống thân mật với Chúa Kitô, có mức hiểu biết về các nền văn hóa và các truyền thống địa phương. Một ngăn trở không nhỏ đối với việc rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc Châu Ðại Dương là sự hiện diện của các người Tây Phương và nhất là các tín hữu Kitô không những không sống đạo, mà còn là gương mù cho các dân tộc địa phương vốn có tinh thần sâu xa về tôn giáo, về những truyền thống luân lý lành mạnh.

Vấn đề "hội nhập văn hóa" vẫn được nhiều nghị phụ nhắc đến và yêu cầu phải chiếm một trong các ưu tiên trong chương trình huấn luyện tại chủng viện. Vấn đề phụ nữ cũng được nhắc lại nhiều lần: cần phải giá trị hóa công việc của giới nữ trong đời sống Giáo Hội và xã hội. Những vấn đề khác gây lo lắng cho các vị chủ chăn: vấn đề đại kết và môi sinh; vấn đề tham dự của người giáo dân vào đời sống Giáo Hội và tinh thần hiệp nhất và hiệp thông giữa các cộng đồng Giáo Hội. Vai trò của các vị lãnh đạo giáo dân tại các cộng đồng giáo hội tại Châu Ðại Dương rất quan trọng, cách riêng tại những lãnh thổ xa xăm và cô lập. Chính người giáo dân làm cho đức tin sống động tại các nơi không có linh mục. Giáo dân ở những miền này không được dự thánh lễ, không được lãnh các bí tích, vì không có linh mục, hoặc linh mục chỉ có thể đến ít lần trong tháng, hay tệ hơn ít lần trong năm. Chính giáo dân và các giáo lý viên là những người hướng dẫn cộng đồng và làm cho đức tin phát triển.

Ðiểm lo lắng mục vụ chính của các Giám Mục Châu Ðại Dương là vấn đề giới trẻ. Các ngài đã đặt câu hỏi sau đây: "Bằng cách nào để tỏ ra cho giới trẻ của chúng ta biết họ phải làm sao để chiếm được sức mạnh thiêng liêng mà họ đang cần đến?" Các ngài lo lắng nhiều về việc giới trẻ xa Giáo Hội, trong một thế giới bị tục hóa, đa hình thức, ham vật chất, bị ảnh hưởng nặng nề bởi các phương tiện truyền thông xã hội. Giới trẻ Châu Ðại Dương cảm thấy cần được dẫn đưa đến Thiên Chúa, họ cảm thấy sự cần đến sức mạnh của Chúa Thánh Thần . Các giám Mục Châu Ðại Dương nhận ra sự cần thiết phải dùng một ngôn ngữ nói thẳng vào tâm hồn các người trẻ, và đem lại cho họ niềm hy vọng". Các vị Bề Trên Tổng Quyền các dòng có cộng đoàn hoạt động tại Châu Ðại Dương nói đến những khó khăn và những vấn đề gặp phải, nhưng cũng hài lòng về công việc tông đồ và truyền giáo trong miền này. Các vị dự thính viên nam, nữ nói đến những đề tài riêng, như việc hội nhập văn hóa, công bình xã hội, giáo dục tại các trường Công Giáo, chức Thầy Sáu vĩnh viễn, tình hình các nữ tu, vai trò của người phụ nữ trong Giáo Hội, việc lưu ý cách riêng đến người dân thổ cư. Bà Elise Heiss, một trong các dự thính viên và là người thổ cư tại Australia, và chịu trách nhiệm về Văn Phòng Mục Vụ riêng cho dân thổ cư của Giáo Phận Sydney, đã lên tiếng yêu cầu: "Xin hãy tôn trọng nền văn hóa của chúng tôi và xin hãy công nhận căn cước của chúng tôi".


Back to Radio Veritas Asia Home Page