Vài điểm nội dung chính
của tập Tài Liệu Làm Việc của THÐGM
Khóa Ðặc Biệt cho Ðại Dương Châu

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài điểm nội dung chính của tập Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Khóa Ðặc Biệt cho Ðại Dương Châu.

(CNS 27/08/98). Từ ngày 22 tháng 11 đến ngày 12 tháng 12/1998 tới đây, khóa họp đặc biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Ðại Dương Châu, sẽ được diễn ra tại Roma. Ðây là Thượng Hội Ðồng Giám Mục có liên hệ đến các cộng đoàn giáo hội Công Giáo vùng Nam Thái Bình Dương, và là một trong những Thượng Hội Ðồng Giám Mục đặc biệt cho từng đại lục, để chuẩn bị bước vào ngàn năm thứ ba. Tài Liệu làm việc (Instrumentum Laboris) của Khóa Họp vừa được Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục công bố và dày 90 trang. Vào khoảng giữa năm 1997, Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Ðồng Giám Mục đã gởi đến các giám mục Công Giáo tại Úc Châu, Tân Tây Lan, các quần đảo Melanesia, Polynesia và Micronesia, một văn kiện sơ khởi (Lineamenta) kèm heo một số câu hỏi, để xin ý kiến. Rồi dựa trên những góp ý gởi về, Văn Phòng đã soạn ra tập Tài Liệu Làm Việc mà nay được phổ biến. Sau đây, chúng ta hãy lướt qua vài điểm nội dung chính của Tập Tài Liệu nầy.

Trước hết, nhiều câu trả lời và góp ý của các Giám mục của các cộng đoàn Giáo Hội Công Giáo Vùng Nam Thái Bình Dương, đều lưu ý đến sự kiện nầy là Các Cộng Ðoàn Giáo Hội tại vùng Nam Thái Bình Dương tương đối là những cộng đoàn trẻ trung. Cuộc gặp gỡ đầu tiên của vùng nầy với Kitô Giáo, đã xảy ra vào thế kỷ thứ 16; nhưng chỉ một thế kỷ sau, tức vào thế kỷ thứ 17, thì mới có những công cuộc truyền giáo có tổ chức. Và chỉ vào hậu bán thế kỷ thứ 20 nầy, thì mới có những linh mục gốc dân bản xứ địa phương được bổ nhiệm vào tác vụ giám mục. Hơn nữa, nhiều quốc gia trong vùng Nam Thái Bình Dương, chỉ trở thành một quốc gia độc lập, sau thế chiến thứ hai mà thôi, và Giáo Hội Công Giáo trong vùng phải đương đầu với hai yếu tố: sự phát triển chính mình và những thay đổi xã hội nhanh chóng trong vùng. Nhiều vùng, nhiều quốc gia mới tại Nam Thái Bình Dương đang ở vào khúc quanh quan trọng, bởi vì những quốc gia nầy đang tìm một biểu lộ mới cho thực thể của họ trên bình diện chính trị, văn hóa và tôn giáo. Trong bối cảnh nầy, Giáo Hội Công Giáo có cơ may thuận tiện vừa đồng thời cũng có bổn phận cung cấp chiều hướng tinh thần và luân lý cho các cộng đoàn các dân tộc trẻ trung nầy. Một trong những hiện tượng đang quan sát được trong vùng là hiện tượng phổ biến rộng rãi các giá trị văn hóa của Tây Phương ngày nay, do bởi hai yếu tố: sự thuộc địa Tây Phương và ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đại chúng. Sự phổ biến các giá trị Tây Phương trong vùng mang lại những hậu quả tiêu cực và tích cực.

Những yếu tố tiêu cực như - chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tự do quá trớn và sự canh tranh có tính cách phá hoại - những yếu tố tiêu cực nầy làm cho các nền văn hóa địa phương trở thành đối nghịch, hoặc khép kín trước sứ điệp Phúc Âm.

Ðàng khác, những yếu tố tích cực, như sự kính trọng phẩm giá con người, những nhân quyền, sự tự do, - nếu được đưa lên hàng tuyệt đối, thì cũng trở thành không thuận lợi cho sứ điệp Phúc Âm, vì chúng cổ võ cho một thứ tinh thần trần tục, thẳng thừng chối bỏ những giá trị và những sự thật tôn giáo.

Các giám mục vùng Ðại Dương Châu gợi ý trong tập Tài Liệu Làm Việc là để đương đầu với tinh thần trần tục, thì giáo hội Công Giáo phải biết phát triển những giá trị văn hóa địa phương, biết thực hiện tinh thần đối thoại có phê phán, và biết vận dụng sự công tác của các thần học gia, các nhà tư tưởng. Trong sự vâng phục với quyền giáo huấn, nền thần học Công Giáo vừa trở nên phong phú với những yếu tố mới, vừa không đánh mất những yếu tố thiết yếu của truyền thống trong giáo hội. Trong các tôn giáo truyền thống của dân chúng tại địa phương, đều có một ý thức đích thực hướng về Thiên Chúa; và điều nầy cung cấp cho giáo hội Công Giáo những lợi điểm để gieo vào những lý tưởng Kitô.

Trên bình diện sinh hoạt truyền giáo, các giám mục vùng Nam Thái Bình Dương ghi nhận nhu cầu cần phải gia tăng và kiên trì nhiều hơn nữa trong nổ lực truyền giáo tại các vùng hẻo lánh xa xôi, nơi Phúc Âm Chúa chưa được rao giảng, và phải kiên trì hoạt động mục vụ nhiều hơn tại những nơi nào Phúc Âm Chúa, tuy đã được rao giảng, nhưng chưa ăn rễ sâu, mà còn nằm ở trên mặt mà thôi. Ðây là trường hợp của những người đã lãnh bí tích rửa tội, nhưng không thực hành đức tin. Tài liệu làm việc của Khóa Họp Ðặc Biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Ðại Dương Châu, gọi những người nầy là những người "Kitô văn hóa" (cultural christian), những người sống theo và trong nền văn hóa Kitô, nhưng không sống theo Chúa Kitô. Nếp sống của họ mâu thuẩn với những giá trị luân lý Kitô. Và giáo hội cần phải làm sao để đến được với họ, đưa họ trở về với nếp sống môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Trên bình diện hội nhập văn hóa, Các Giám Mục tỏ ra "bằng lòng" với diễn tiến hội nhập đức tin vào nền văn hóa địa phương; nhất là trên bình diện cử hành phụng vụ, các nghi thức trong phụng vụ của giáo hội trở nên có ý nghĩa hơn đối với dân chúng địa phương, qua việc hội nhập những cử chỉ, những vũ điệu địa phương, những bài hát và âm nhạc địa phương. Các nhà thờ mới được xây cất theo kiểu mẫu do các kiến trúc sư địa phương vẻ ra và được trang hoàng bởi tài năng nghệ thuật địa phương. Kinh Thánh đã được chuyển dịch ra nhiều thứ tiếng địa phương. Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập đức tin vào văn hóa địa phương, Giáo Hội cũng gặp những thách thức khó khăn, nhất là khi các sinh hoạt theo truyền thống văn hóa địa phương, nạn đa thê, nạn bùa phép, phù thủy, nạn tranh chấp giữa các bộ lạc, (tất cả những điều nầy) đi ngược lại Phúc Âm Chúa.

Cách riêng các Giám Mục Úc Châu và Tân Tây Lan, thì bày tỏ quan tâm về những thách thức khác nữa của giáo hội trong một đất nước đã phát triển. Dân chúng rời vùng thôn quê kéo về thành thị và từ từ xa rời Giáo Hội. Các Giám Mục Úc Châu và Tân Tây Lan ưu tư về vai trò của Giáo Hội Công Giáo trong công cuộc chống lại tinh thần kỳ thị chủng tộc, và trong những vấn đề liên hệ đến quyền sở hữu của người Thổ Dân Úc Châu, và của người MAORI tại New Zealand (Tân Tây Lan).

Ðó là vài điểm đáng lưu ý trong tập Tài Liệu Làm Việc của Khóa Họp Ðặc Biệt Thượng Hội Ðồng Giám Mục Ðại Dương Châu. Hẹn gặp lại trong các bài tường thuật khi Khóa Họp bắt đầu vào ngày 22 tháng 11/1998 tới đây.


Back to Radio Veritas Asia Home Page