Tường thuật về
khóa họp đặc biệt của THÐGM Châu Ðại Dương
Nhập đề: Vài nét về Giáo Hội Công Giáo
tại Châu Ðại Dương

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Tường thuật về khóa họp đặc biệt của THÐGM Châu Ðại Dương- Nhập đề: Vài nét về Giáo Hội Công Giáo tại Châu Ðại Dương.

Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Châu Ðại Dương được khai mạc sáng Chúa Nhật 22.11.98 bằng thánh lễ đồng tế trọng thể do ÐTC chủ sự trong Ðền Thờ Thánh Phêrô. Khóa họp đặc biệt này nhằm giúp các vị chủ chăn Châu Ðại Dương tìm ra những phương tiện tương xứng hơn và cộng tác với nhau chặt chẽ hơn, để rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc trong miền, theo đề tài được thảo luận trong ba tuần lễ của khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục: "Chúa Giêsu Kitô và các dân tộc Châu Ðại Dương: đi theo Con Ðường của Người, rao giảng Chân Lý của Người, sống Sự Sống của Người". Một đề tài mang ý nghĩa rất sâu xa: chỉ mình Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế duy nhất phải được rao giảng cho mọi dân tộc, với sự hăng say mới và với những phương tiện mới trong Ngàn Năm thứ Ba tới đây.

Ðể rao giảng Chúa Giêsu trong Ngàn Năm thứ ba, cần nhìn lại Giáo Hội hiện nay của Châu Ðại Dương. Tại đây còn rất nhiều người chưa biết Thiên Chúa, cách riêng nơi các dân tộc địa phương. Ðàng khác, đối với những người đã biết Thiên Chúa, chẳng hạn như những người di dân từ Âu Châu đến lập nghiệp tại đây, thì có nhiều người hiện nay chịu ảnh hưởng của đời sống vật chất, sống xa Thiên Chúa, lãnh đạm với tôn giáo, như tại các thành phố lớn của Australia và New Zealand. Vì thế việc rao giảng Tin Mừng hướng về hai khía cạnh: rao giảng cho những người chưa biết Chúa Giêsu Kitô và tái rao giảng cho những người đã biết Chúa, nhưng không còn sống đức tin nữa.

Xét về phương diện tổ chức, Châu Ðại Dương được chia thành bốn Hội Ðồng Giám Mục:

1. Australia, một trong các đảo lớn nhất trên thế giới. Tại đây số người Công Giáo khoảng 5 triệu trong số 18 triệu dân cư. Cộng đồng Công Giáo, có thể nói, bị tục hóa nhiều như tại nhiều nước Âu Mỹ. Nạn thất nghiệp gia tăng tới 18%; cảnh nghèo nàn đang lan rộng; hố sâu giữa nguời giầu và người nghèo mỗi ngày mỗi thêm; hằng năm có rất nhiều vụ tự sát. Trong bối cảnh chuẩn bị Ðại Toàn Xá năm 2000, Hội Ðồng Giám Mục Úc Châu mời gọi các tín hữu hãy có những cử chỉ cụ thể về hòa giải với các dân tộc thổ cư, từ trước đến nay bị bỏ rơi ngoài lề xã hội và bị khai thác. Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Ðồng Giám Mục Úc Châu từ lâu dấn thân bênh vực các quyền của người dân thổ cư, để họ có quyền sỡ hữu về đất đai và có thể sống xứng đáng phẩm giá con người.

2. Hội Ðồng Giám Mục New Zealand cũng đang theo con đường hòa giải này với người dân Maori và coi đây là một trong các ưu tiên mục vụ và truyền giáo của Giáo Hội trong những năm chuẩn bị Ðại Toàn Xá. Cộng đồng Công Giáo tại đây gồm hầu hết các nguời di dân đến từ Châu Âu; một số đông đến từ các nước Châu Á và các đảo thuộc Thái Bình Dương, và hiện còn tiếp tục đến. Theo thành kiến, người dân Maori vẫn coi Kitô Giáo là tôn giáo của người thuộc địa. Sau hơn một thế kỷ truyền giáo, năm 1944, mới có một linh mục tiên khởi người Maori. Dấn thân truyền giáo cho các người Maori, xúc tiến việc hội nhập văn hóa vào đức tin Kitô và thăng tiến về xã hội là những thách đố lớn lao trong lúc này. Một hai thí dụ cho thấy tình trạng xã hội của người dân Maori: họ chiếm tới 43% dân số trong Ðảo, nhưng tuổi trung bình của họ thua kém người dân cũng trong Ðảo, từ 5 đến 6 tuổi. Cộng đồng Công Giáo New Zealand là môt cộng đồng nhiệt thành truyền giáo, gồm 500 ngàn tín hữu. Trong năm 1997 đã cung cấp cho các xứ truyền giáo tại Châu Á, Châu Mỹ Latinh và các đảo ở Thái Bình Dương 321 nhà truyền giáo thuộc nhiều thành phần: linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân.

3. Hội Ðồng Giám Mục thứ ba của Châu Ðại Dương gồm các vị giám mục thuộc các đảo Papua Tân Guinea và Các Ðảo Salomon. Trong miền có tới 700 ngôn ngữ khác nhau. Truyền giáo trong miền này cần phải có ơn nói nhiều thứ tiếng. Dân cư trong miền, có thể nói, hầu hết là tín hữu Kitô (Công Giáo và Tin Lành); nhưng còn cần được rao giảng Tin Mừng một cách sâu rộng; và đức tin cần được ăn rễ sâu vào các tập quán và truyền thống từ lâu đời. Việc hội nhập văn hóa vào đức tin còn cần kèm theo việc bênh vực các dân địa phương. Ðất đai và tài sản thiên nhiên của họ bị các xí nghiệp đa quốc chiếm đoạt và khai thác, mà không nghĩ đến việc thăng tiến con người, bằng việc xây cất trường học, bệnh viện, hệ thống giao thông... Từ lâu Giáo Hội vẫn dấn thân đem lại hòa bình tại Ðảo Bougainville từ 9 năm nay sống trong cuộc nội chiến đẫm máu.

4. Hội Ðồng Giám Mục thứ bốn là Hội Ðồng Giám Mục của Thái Bình Dương, trách nhiệm về khoảng một triệu người Công Giáo rãi rắc trong các đảo cách xa nhau cả 10 ngàn cây số. Có thể nói: đây là một Giáo Hội sống trên thuyền bè. Số linh mục khan hiếm và thiếu phương tiện di chuyển. Mỗi 4 linh mục phải coi sóc khoảng 10 ngàn tín hữu. Sánh với nhiều nơi, không phải là quá thiếu thốn; nhưng xét về khoảng cách địa dư và phương tiện giao thông, thật là một vấn đề quá lớn lao. Tại các đảo xa xôi, linh mục chỉ có thể tới một vài lần trong năm. Sinh hoạt của cộng đồng được trao phó trong tay các giáo lý viên, xét chung được chuẩn bị rất chu đáo và có khả năng. Ngoài vấn đề mục vụ và truyền giáo, trong miền này còn có vấn đề nghèo khổ. Cảnh nghèo khổ thúc đẩy nhiều người ra đi đến Australia hay New Zealand. Một vấn đề thê thảm khác là việc khai thác bừa bãi các khoáng sản về phía các công ty ngoại quốc và việc các chính phủ Âu Mỹ dùng miền này làm nơi thí nghiệm vũ khí hạt nhân (Nước Pháp thí nghiệm tại Muroa). Hội Ðồng các Giáo Hội miền Thái Bình Dương, trong đó có cả Hội Ðồng Giám Mục Công Giáo, đã lên tiếng nhiều lần bênh vực việc bảo tồn môi sinh và văn hóa của các dân tộc miền này.

Truyền giáo và tái rao giảng Tin Mừng cho một Lục Ðịa phức tạp về địa dự, tôn giáo, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, tại những thành phố tiến bộ với những tòa nhà chọc trời và tại những miền thôn quê xa vắng và chậm tiến tại các đảo với những nhà ở lúp túp... là một vấn đề vô cùng lớn lao. Vấn đề này dĩ nhiên được thảo luận trong Khóa Họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Ðại Dương. Trách nhiệm rất nặng nề đang chờ đợi các vị chủ chăn và tám triệu nguời Công Giáo trong miền này.

Trong diễn văn chào mừng và cảm ơn ÐTC trong buổi họp khai mạc sáng thứ Hai ngày 23/11/98, Ðức Hồng Y Pio Taofinu’u nói: "Trong hai năm, các Giáo Hội địa phương của chúng con đã cầu nguyện cho thành công của Thượng Hội Ðồng Giám Mục nầy, bằng việc khẩn xin sự bầu cử của Ðức Maria, Mẹ Giáo hội và Ngôi Sao Sáng của Biển Khơi. Các dân tộc của chúng con sẽ không thất vọng và họ sẽ được mời gọi bước vào Ngàn Năm mới, cùng với ÐTC, bằng việc đi theo Con Ðường của Chúa Giêsu Kitô, rao giảng Chân Lý của Người và sống Sự Sống của Người".


Back to Radio Veritas Asia Home Page