Bài phát biểu của
ÐTGM F.X. Nguyễn Văn Thuận
trong khóa họp THÐGM về Châu Ðại Dương

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài phát biểu của Ðức Tổng Giám Mục F.X. Nguyễn Văn Thuận trong khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Ðại Dương.

Trong bài phát biểu ý kiến tại Khóa Họp đặc biệt của Thượng Hội Ðồng Giám Mục thế giới về Châu Ðại Dương, Ðức Tổng Giám Mục Phanxico Xaviê Nguyễn Văn Thuận, chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình, đã nhận xét như sau: Chúng ta có thể nói Châu Ðại Dương là một lục địa của những người di chuyển. Các dân tộc của lục địa này có một lịch sử lâu dài về những tiếp xúc và về chung sống hòa bình. Mặc dù những khoảng cách lớn lao giữa nhau, các dân tộc của Châu Ðại Dương luôn luôn giữ được mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bằng việc nhận ra rằng họ tùy thuộc lẫn nhau và bằng việc cổ võ việc nâng đỡ nhau.

Ðức Tổng Giám Mục chủ tịch Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình nói tiếp: Nhưng Châu Ðại Dương cũng là một lục địa "dễ bị thương tích". Ðây là một lục địa mênh mông, nhưng cũng là một miền có những quốc gia trong số các quốc gia nhỏ bé nhất trên thế giới. Lục địa này rất phong phú về thiên nhiên, nhưng đồng thời yếu ớt trước sự lan rộng của một nền kinh tế thế giới. Lục địa này có thể trở thành một lục địa của các quốc gia đảo nhỏ và cô lập, nhưng các đảo này có thể cũng trở nên trung tâm của một màng lưới các chiếc cầu nối với các miền khác nhau trên thế giới.

Ðức Tổng Giám Mục quả quyết: Thế giới ngày nay cần đến các giá trị truyền thống của Châu Ðại Dương. Ý nghĩa của tình liên đới là một trong các đặc tính cần thiết để lướt thắng các thách đố văn hóa thống trị của chủ nghĩa cá nhân và của việc tranh đua. Ước muốn của các dân tộc Châu Ðại Dương được sống trong hòa hợp với thiên nhiên và với thụ tạo là rất cần thiết để đối phó với việc trục lợi và việc khai thác thiên nhiên, đặc điểm của nền văn hóa tiêu thụ hiện đang thống trị. Nhưng chúng ta cũng nhận thấy rằng tình liên đới này đang bị đe dọa.

Ðức Tổng Giám Mục kết luận như sau: Hội Ðồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình trong những năm tới đây sẽ dành một sự lưu ý nhiều hơn cho việc huấn luyện về giáo huấn xã hội của Hội Thánh, cách riêng tại các chủng viện và cho hàng giáo sĩ của lục địa này.

Ðề tài chính yếu đã được nêu lên trong "Instrumentum laboris" (văn kiện làm việc) của Khóa họp Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Ðại Dương là "rao giảng Tin Mừng và tái rao giảng Tin Mừng". Ðây cũng là một trong các đề tài được tranh luận trong Khóa Họp Ðặc Biệt lần thứ hai của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Âu vào năm tới đây. Hiện nay Châu Ðại Dương, như Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận nhắc trên đây, là một Lục Ðịa dễ bị thương tích, bị đe dọa bởi ảnh hưởng nền văn hóa Tây Phương. Tại Châu Ðại Dương, một đàng, nạn tục hóa càng ngày càng lan rộng, các phong trào tôn giáo và giáo phái càng ngày càng được phổ biến; đàng khác, ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông xã hội rất sâu rộng, có tính cách tiêu cực hơn tích cực, xâm nhập cả vào những đảo rất nhỏ bé của Ðại Dương, rải rắc trong 180 triệu cây sô vuông. Thêm vào đó, việc suy giảm số linh mục hầu như không thể ngăn cản nổi. Theo thống kê trong năm 1970, mỗi linh mục lo mục vụ cho gần 1,500 giáo dân; trái lại từ ba năm nay mỗi linh mục phải trách nhiệm về hơn 2 ngàn tín hữu. Các vị chủ chăn đã bày tỏ sự lo lắng ưu tiên này trong các bài phát biểu và cả trong phiên họp chung chiều thứ Tư 02.12.98, trước sự hiện diện của ÐTC.

Trong khi đó Nguyệt San Jesus, số phát hành cho tháng 10.98, trong bài dành cho Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Ðại Dương, đã có những nhận định như sau: Nếu ảnh hưởng văn minh của Tây Phương trên các dân tộc địa phương đã đem đến những giá trị tích cực, như thăng tiến phẩm giá con người, phẩm giá người phụ nữ, quyền tự do, dân chủ, sự cần thiết góp công vào phát triển và thịnh vượng tất cả nhân loại, thì những sự dữ của xã hội Tây Phương, theo các Giám Mục, cũng đã ăn rễõ sâu vào Lục Ðịa này, như : Chủ Nghĩa Cá Nhân, Thuyết Duy Vật, Chủ Nghĩa Tự Do và sự thi đua khai thác thiên nhiên và làm ô nhiễm môi sinh (các vụ thử bom nguyên tử).

Những vấn đề như : Làm sinh động công việc truyền giáo và mục vụ; huấn luyện hàng giáo sĩ bản xứ, (hiện nay Hàng Giáo Phẩm gồm hầu hết các giám mục Tây Phương); rao giảng Tin Mừng, khởi sự từ các nền văn hóa truyền thống của các dân tộc miền này; củng cố việc đối thoại đại kết (thực sự đã có sự cộng tác giữa các người Công Giáo và Tin Lành), đẩy mạnh việc giảng dạy giáo lý và mục vụ giới trẻ ... Ðó là những đề tài được thảo luận sâu rộng trong Khóa Họp của Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Ðại Dương, một Khóa Họp khác hẳn với các khóa họp khác, vì tất các các giám mục đều được mời tham dự để góp ý kiến, để cộng tác chặt chẽ và liên đới hơn trong việc "rao giảng Tin Mừng và tái rao giảng Tin Mừng trong Ngàn Năm mới". Rao giảng Tin Mừng cho các dân tôïc địa phưiơng thuộc nhiều chủng tộc khác nhau: Melanesi, Polinesi, Micronesi... Tổng cộng tất cả gồm khoảng 7 triệu, sinh sống tại đây từ rất lâu đời - Khi các nhà truyền giáo đầu tiên đến miền này, các ngài không thấy một tôn giáo nào trong các tôn giáo lớn , mà chỉ có các tôn giáo của người địa phương. Công việc truyền giáo không gặp khó khăn. Người dân địa phương sẵn sàng đón nhận Tin Mừng. Công việc gay go hơn cả là tái rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, cách riêng tại Australia và New Zealand, nơi có nhiều người Công Giáo đến từ các nước Châu Âu: Ái Nhĩ Lan, Ý, Ba Lan, Malta... từ hai thế kỷ nay, nhưng dần dần mất đức tin , xa Giáo Hội, sống theo vật chất và tiêu thụ... như tại các nước Tây Phương. Châu Ðại Dương cần được rao giảng Tin Mừng và tái rao giảng Tin Mừng, theo đề tài đã được ÐTC ấn định cho Khóa Họp này: "Chúa Giêsu Kitô và các dân tộc Châu Ðại Dương: đi theo Con Ðường của Người, Rao Giảng Chân Lý của Người và sống Sự Sống của Người".


Back to Radio Veritas Asia Home Page