Chương trình

Giáo Lý Thêm Sức năm thứ nhất

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy Học Viện Ða-minh Gò Vấp biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Bài 30

Các Thư Chung Và Sách Khải Huyền

 

I. Khởi Ðiểm:

1. Kể truyện:

Ðây là một câu truyện truyền thuyết về thánh Gio-an Tông Ðồ, người môn đệ được Chúa Giê-su yêu mến cách đặc biệt... Sau 3 năm phải chịu lưu đầy biệt xứ ở đảo Patmos do bị bắt Ðạo, khi trở về Ê-phê-xô, Thánh Gio-an được biết chuyện về một chàng trai ngài đã từng kỳ vọng rất nhiều tại cộng đoàn Ê-phê-xô. Hiện anh ta đã sa ngã và trở thành một thủ lãnh trộm cướp khét tiếng. Thánh Gio-an tuy đã già yếu gần 100 tuổi vẫn một mình chống gậy tìm lên ngọn núi sào huyệt của anh ta. Mới đến lưng chừng núi thì cụ già bị bọn lâu la bắt trói dẫn về cho thủ lãnh.

Vừa gặp mặt, chàng trai đã giật mình kinh sợ vì nhận ra thầy cũ của mình. Thánh Gio-an sau khi được cởi trói, ôn tồn khuyên nhủ: "Này con yêu của thầy, sao con lại tránh nhìn vào mắt thầy? Bây giờ đứng trước mặt con, thầy chỉ là một con người già yếu, không thể tự vệ được cơ mà..." Ngài thinh lặng một chút rồi lấy hơi nói tiếp: "Con đừng ngại, tội lỗi của con chắc chắn đã được Thiên Chúa tha thứ. Chính thầy đã xin điều ấy cùng Chúa Giê-su đầy lòng thương xót cho con rồi. Thôi, con hãy cùng với các bạn con rời bỏ ngọn núi này mà theo về với thầy nhé..."

Chàng trai nghe đến đây thì quỳ xụp xuống, xấp mình khóc lóc trong niềm vui được hoán cải và tha thứ. Sau đó, mọi người được chứng kiến một cảnh tượng lạ lùng: một ông lão dìu một chàng trai xuống núi, theo sau là tất cả thủ hạ trong băng cướp...

2. Ðặt câu hỏi hội thoại:

- Câu truyện trên liên quan đến vị Tông Ðồ nào? (Ðó là Thánh Gio-an Tông Ðồ, người sống thọ nhất trong 12 Tông Ðồ của Chúa Giê-su, ngài đã không bị giết nhưng bị bắt đi đày ở một hòn đảo tên là Patmos cho đến già mới được thả về lại cộng đoàn Ê-phê-xô).

- Em nào biết Thánh Gio-an Tông Ðồ là tác giả những sách nào trong Kinh Thánh? (Ngài là tác giả của 1 trong 4 Sách Tin Mừng, 3 lá Thư Chung, và cuối cùng là Sách Khải Huyền).

- Khải Huyền có nghĩa là vén mở tấm màn cho thấy được điều bí mật còn ẩn giấu bên trong. Các tín hữu thuở ban đầu đã thắc mắc rất nhiều về tương lai của họ và của Giáo Hội, họ tỏ vẻ lo lắng trước các cuộc bách hại dữ dội. Thánh Gio-an đã viết Sách Khải Huyền để khẳng định với họ: Chỉ có Chúa Giê-su mới là chúa tể của lịch sử, các mãnh lực thế gian rồi sẽ phải chịu khuất phục trước Hội Thánh Chúa Giê-su. Những ai tin cậy vào Chúa Giê-su đến cùng thì cũng được toàn thắng như Ngài.

3. Tập hát:

Bài "Sức Sống Dồi Dào" (Nối Lửa Cho Ðời tập 7, trang 92, số 138), hoặc lấy bài "Chúa là Ánh Sáng" (Nối Lửa Cho Ðời tập 7 trang 94, số 142). Ðây là các bài hát lấy ý tưởng trong Tin Mừng theo Thánh Gio-an.

4. Ðọc Lời Chúa:

Ngoài 3 Thư của Thánh Gio-an, còn có các Thư của các Thánh Phê-rô, Gia-cô-bê và Giu-đa. Chúng ta sẽ nghe đọc một đoạn trích Thư Thánh Phê-rô Tông Ðồ (1 Pr 3, 13 - 16):

"Ai làm hại được anh em, nếu anh em nhiệt thành làm điều thiện? Mà nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Ðừng sợ những kẻ làm hại anh em và đừng xao xuyến. Ðức Ki-tô là Ðấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng."

5. Khai triển thêm bằng hội thoại:

- Ngoài 14 Thư của Thánh Phao-lô, em nào có thể kể được tên 7 Thư của các Thánh Tông Ðồ khác? (Ðó là 1 Thư của Thánh Gia-cô-bê, 2 Thư của Thánh Phê-rô, 3 Thư của Thánh Gio-an và 1 Thư của Thánh Giu-đa - không phải là ông Giu-đa đã bán Chúa và đi tự tử chết. 7 Thư này được gọi là các Thư Chung).

- Nội dung của 7 Thư Chung xoay quanh các ý chính: Con Thiên Chúa đã làm người, chịu chết và sống lại, chính Ngài sẽ trở lại trong vinh quang để xét xử nhân loại. Vì thế, các tín hữu phải từ bỏ tội lỗi, hết lòng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

 

II. Ðích Ðiểm:

Có thể đọc cho các em chép vào vở học phần toát yếu sau đây: Các Thư Chung của các Thánh Tông Ðồ Gia-cô-bê, Phê-rô, Gio-an và Giu-đa đã dặn dò dạy dỗ các tín hữu luôn đặt Niềm Tin vào Chúa Giê-su, sống tốt lành như Ngài đã truyền dạy. Sách Khải Huyền củng cố thêm Niềm Tin ấy để các tín hữu vững tâm vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống Ðạo giữa thế gian.

 

III. Xác Tín:

Phần cuối cùng của Kinh Tin Kính: "Tôi đợi trông ngày kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau. Amen".

 

IV. Tâm Tình:

Mời các em đứng lên, dẫn vào bầu khí cầu nguyện: Cám ơn Chúa Thánh Thần đã soi sáng và linh hứng cho các Thánh Tông Ðồ viết và để lại cho chúng con những Thư Chung dạy dỗ cách ăn nết ở đối với Chúa và với mọi người... Cám ơn Chúa Thánh Thần vì chúng con đã học được đến bài cuối cùng của năm học Giáo Lý Thêm Sức thứ nhất... Hát lại bài "Sức Sống Dồi Dào".

 

V. Thực Hành:

Em về ôn lại tất cả những bài đã học để chuẩn bị làm bài kiểm cuối năm. (Lưu ý trước với các em: Ðề bài thi cuối năm sẽ không đòi các em học thuộc lòng để trả bài, nhưng là hiểu bài một cách sâu xa, tổng hợp lại trong cảm nhận để có thể làm bài thật tốt với những câu hỏi về kiến thức Giáo Lý cũng như về cách sống của một người Ki-tô hữu).

 

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy các Dòng và các Tu Hội đang theo học tại Học Viện Liên Dòng ở Ða-minh Gò Vấp biên soạn dựa theo tập sách Giáo Lý Thêm Sức của cha Phạm Ðức Tuấn, đặc trách Mục Vụ Thiếu Nhi của Tổng Giáo Phận Sàigòn.

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 91 năm 2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page