Chương trình

Giáo Lý Thêm Sức năm thứ nhất

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy Học Viện Ða-minh Gò Vấp biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Bài 29

Thánh Phao-lô Và Các Thư Của Ngài

 

I. Khởi Ðiểm:

1. Ðọc truyện:

Cha Maurice Bertain sinh năm 1869, là con trai một gia đình giàu có tại thủ đô Paris nước Pháp. Sau khi tốt nghiệp trường Bách Khoa, chàng trai hăng hái xin vào hải quân, đi thực tập trên một chiếc tàu chiến với quân hàm trung úy. Khi cập bến Nagazaki của Nhật-bản, anh tò mò tìm đường vào viếng một ngôi Nhà Thờ của Dòng Phan-xi-cô, trong đó có lưu giữ một số hài cốt của các Thánh Tử Ðạo Dòng Phan-xi-cô khi sang truyền giáo tại Nhật-bản. Tâm hồn nhạy cảm của chàng trai đã bị đánh động, chàng cứ bần thần suy tư nghĩ ngợi mãi.

Sau đó, khi quay trở về Pháp, mãn hạn nghĩa vụ, thay vì xin tiếp tục theo binh nghiệp, chàng lại xin xuất ngũ và đến tìm hiểu Ơn Gọi tại một tu viện Dòng Phan-xi-cô ngay tại Paris. Cứ thế, thầy Maurice Bertin đã vượt qua được giai đoạn Nhà Tập, khấn Dòng và theo đuổi các môn Thần Học. Sau khi chịu chức Linh Mục, cha lập tức xin Bề Trên cho đi phục vụ nhiều nơi như Canada, Nhật-bản, Maroc...

Thế rồi, vào năm 1929, cha đã được cử sang Việt Nam để thành lập Dòng Phan-xi-cô khi vừa tròn 60 tuổi. Mặc dù gặp biết bao khó khăn do chiến tranh và tình trạng nghèo nàn lạc hậu, cha đã tận tụy đi khắp đất nước Việt Nam để gây dựng, để hình thành các gia đình Anh Em Hèn Mọn (tên Dòng Phan-xi-cô).

Cha là một nhà tu hành thánh thiện, đồng thời còn là một kiến trúc sư tài ba, một nhà hoạt động xã hội xuất sắc. Các công trình vật chất cũng như tinh thần của cha ở Vinh, Thanh Hóa, Nha Trang lần lượt được gầy dựng trong suốt 30 năm dấn thân phục vụ không ngơi nghỉ đang lúc tuổi cha ngày một cao, sức tàn lực kiệt.

Cha đã qua đời ngày 8.7.1968 tại tu viện Dòng Phan-xi-cô Nha Trang, hưởng thọ 99 tuổi, sau 71 năm khấn Dòng, trong đó đã có đến 39 năm phục vụ và hy sinh tại Việt Nam, quê hương yêu quý thứ hai của cha.

2. Ðặt câu hỏi hội thoại:

- Cha Maurice trước khi đi tu đã làm nghề gì? (Cha đã từng là một chiến sĩ hải quân của Pháp).

- Thế rồi khi trở thành tu sĩ Dòng Phan-xi-cô, cha có còn là một chiến sĩ không? (Ngài vẫn là một chiến sĩ, nhưng giờ đây là chiến sĩ truyền giáo của Nước Chúa, của Hội Thánh, chỉ một lòng hăng hái đi chinh phục những tâm hồn người Việt Nam ngay trên đất nước Việt Nam, để qua ngài, họ được biết Chúa, được biết Ðạo).

- Trong các Thánh Tông Ðồ lo việc truyền giáo, các em thấy cha Maurice giống ai? (Cha giống Thánh Phao-lô, vì Thánh Phao-lô lúc ban đầu là một người chỉ lo đi bắt những người theo Ðạo Chúa, nhưng được Chúa gọi, ngài đã trở thành một chiến sĩ truyền giáo vĩ đại, nhờ ngài mà Hội Thánh được lan tràn mở mang ra khắp nơi bên ngoài nước Pa-lét-tin của người Do-thái).

3. Tập hát:

Bài "Trên Từng Cây Số" (Nối Lửa Cho Ðời tập 7 trang 57, số 89).

4. Ðọc Lời Chúa:

Giáo Lý Viên đọc đoạn trích Thư Thánh Phao-lô gửi các tín hữu ở Ga-la-ta (Gl 1, 1 - 3): "Tôi là Phao-lô, Tông Ðồ không phải do loài người, cũng không phải nhờ một người nào, nhưng bởi Ðức Giê-su Ki-tô và Thiên Chúa là Cha, Ðấng đã cho Người từ cõi chết chỗi dậy, tôi và mọi anh em đang ở với tôi, kính gửi các Hội Thánh miền Ga-lát. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giê-su Ki-tô ban cho anh em ân sủng và bình an".

5. Khai triển bằng hội thoại:

- Em nào biết về cuộc đời Thánh Phao-lô, xin kể lại (Thánh Phao-lô là một người giỏi và đầy nhiệt huyết, sẵn sàng xả thân cho lý tưởng. Ðối với ngài, Thiên Chúa Gia-vê trong Cựu Ước là Ðấng Tối Cao, vì thế khi thấy xuất hiện Ðạo mới của Chúa Giê-su, ngài cho rằng các tín hữu đã lạc đạo nên cần phải tiêu diệt. Nhưng sau khi Chúa Giê-su cho ngài ngã ngựa và mù mắt trên đường đi Ða-mát bách Ðạo, ngài đã được chữa lành, để từ đó cho đến chết, ngài sẽ lấy một vị Tông Ðồ rao giảng Ðạo Chúa Giê-su đi khắp mọi nơi, cho cả các dân tộc ngoài dân Do-thái).

- Em nào có thể kể tên các Thư Thánh Phao-lô đã viết cho các cộng đoàn? (Có thể đọc tắt tên các Thư: Rô - Cô - Cô, Ga - Ê - Phi. Cô - Thê - Thê, Tim - Tim - Tit - Phi - Do.

Thánh Phao-lô đã viết tất cả 14 lá thư này gửi cho các cộng đoàn tín hữu nơi ngài đã đến giảng dạy, trong đó ngài dạy dỗ dặn dò những gì nên làm, nên tránh, để có thể sống Ðức Tin một cách tốt đẹp).

 

II. Ðích Ðiểm và Xác Tín:

Có thể đọc cho các em chép vào vở học phần toát yếu sau đây: Thánh Phao-lô là một vị Tông Ðồ lớn. Khi được Chúa gọi, ngài đã ra đi rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc. Ngài để lại 14 lá thư, thường gọi là Thánh Thư, được đọc trong các Thánh Lễ. Ngài đã chịu chết vì Ðạo một cách anh hùng tại Rô-ma.

 

III. Tâm Tình:

Mời các em đứng lên, dẫn vào bầu khí cầu nguyện: Cám ơn Chúa Giê-su đã kêu gọi Thánh Phao-lô trở nên Tông Ðồ cho các dân tộc, trong đó có cả dân tộc Việt Nam chúng con sau này cũng được thừa hưởng việc truyền giáo... Nhớ đến tất cả những ai trong Giáo Xứ, trong lớp Giáo Lý, có Bổn Mạng là Thánh Phao-lô.

 

IV. Thực Hành:

Tuần trước, em đã trò chuyện về Chúa và về Ðạo cho người bạn không Công Giáo. Trong tuần này, nếu bạn ấy đồng ý, em có thể mời bạn đến dự Lễ Chúa Nhật dành cho Thiếu Nhi Giáo Lý tại Nhà Thờ. Nếu bạn ấy còn ngại, em hãy cho bạn ấy mượn tập học Giáo Lý Thêm Sức của em, hoặc một cuốn sách truyện Ðạo...

 

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy các Dòng và các Tu Hội đang theo học tại Học Viện Liên Dòng ở Ða-minh Gò Vấp biên soạn dựa theo tập sách Giáo Lý Thêm Sức của cha Phạm Ðức Tuấn, đặc trách Mục Vụ Thiếu Nhi của Tổng Giáo Phận Sàigòn.

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 91 năm 2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page