Chương trình

Giáo Lý Thêm Sức năm thứ nhất

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy Học Viện Ða-minh Gò Vấp biên soạn

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Bài 26

Các Tín Hữu Nhớ Lại

Và Lưu Truyền Ðức Tin

 

I. Khởi Ðiểm:

1. Kể truyện:

Ngày 3 tháng 4 năm 311, hoàng đế Galère của đế quốc Rô-ma ở Phương Ðông đã cho ban hành một sắc lệnh chấm dứt các cuộc bách hại đối với người Ki-tô hữu. Thế nhưng khi ông ta chết, hoàng đế kế vị là Maximilian Daia lại tái diễn thảm kịch, và do vậy, Hội Thánh Công Giáo lại có thêm những vị anh hùng vui lòng chịu chết vì Ðạo Chúa, đặc biệt, họ đã quyết lòng hy sinh để bảo tồn sách Kinh Thánh, tác phẩm vô giá của Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại.

Ðức Giám Mục Félix ở Phi châu, khi bị bắt phải đem nộp những quyển Kinh Thánh hiện đang lưu giữ, ngài đã bình tĩnh tuyên bố: "Thà chính tay tôi phải đốt sách Kinh Thánh còn hơn để Kinh Thánh bị thiêu rụi bởi tay người bách hại Ðạo Chúa!"

Nữ Thánh Irène ở Salonique, em gái của nữ Thánh Agapé đã khẳng khái tuyên xưng: "Chúng tôi sẵn sàng chịu thiêu sống hoặc chịu bất cứ khổ hình nào, hơn là giao nộp những cuốn Kinh Thánh!"

Thầy Phó Tế Hermes tại Héraclée thì mạnh dạn nói với pháp quan: "Dù các ông có thành công trong việc bắt giao nộp tất cả các sách Kinh Thánh, dù trên thế gian này chẳng còn dấu vết Thánh Truyền của chúng tôi đi nữa, thì các thế hệ con cháu chúng tôi sớm muộn gì cũng sẽ tái tạo được những tác phẩm ấy nhiều gấp bội, và họ sẽ càng hăng say giảng dạy sự kính mến Thiên Chúa nhiều hơn nữa!"

2. Ðặt câu hỏi hội thoại:

- Các vị Tử Ðạo những thế kỷ đầu tiên đã hy sinh ra sao và để làm gì? (Họ đã chấp nhận bị bắt, bị giết để bảo tồn được Sách Kinh Thánh).

- Tại sao lại chấp nhận như thế? (Bởi vì họ xác tín Sách Kinh Thánh, nhất là 4 cuốn Sách Tin Mừng, chính là kho tàng vô giá do Thiên Chúa để lại cho các tín hữu để nuôi dưỡng đời sống Ðức Tin của họ).

- Bảo tồn được Sách Kinh Thánh với mục đích gì? (Họ đã bảo tồn, không để Sách Kinh Thánh bị tịch thu, bị thiêu hủy, chính là để có thể lưu truyền lại cho các thế hệ tín hữu kế tiếp, đến cả chúng ta hôm nay).

3. Tập hát:

Bài "Ghi Nhớ Lời Ngài" (Nối Lửa Cho Ðời tập 7, trang 38, số 63).

4. Ðọc Lời Chúa:

Giáo Lý Viên mời các em đứng lên lắng nghe đọc đoạn mở đầu Sách Tin Mừng theo Thánh Lu-ca (Lc 1, 1 - 4). Tác giả trình bày về việc ngài cố gắng viết lại Sách Tin Mừng để lưu lại cho các thế hệ tín hữu:

"...Có nhiều người đã ra công biên soạn bản tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc."

5. Khai triển bằng hội thoại:

- Những người được may mắn sống với Chúa Giê-su một thời gian dài là ai? (Ðó là các Thánh Tông Ðồ và các vị môn đệ của Chúa Giê-su. Họ đã được nghe tận tai những Lời của Chúa Giê-su nói, được thấy tận mắt những việc Chúa Giê-su làm, và nhất là họ còn được chứng kiến Ngài chết, sống lại và lên trời).

- Và họ sẽ làm gì với tất cả những chuyện ấy? (Họ đã kể lại mọi chuyện liên quan đến Chúa Giê-su, đến nếp sống Ðức Tin của Hội Thánh cho các tín hữu mới theo Ðạo, rồi cứ thế người trước truyền lại cho người sau).

- Họ chỉ kể bằng câu chuyện thôi sao? (Các Tông Ðồ đã ghi chép lại thành các Sách Tin Mừng, Sách Công Vụ Tông Ðồ và Khải Huyền. Mặt khác, các tín hữu cũng quý trọng và lưu giữ cả những lá thư các Tông Ðồ đã gửi đến cho họ khi không thể đến tận nơi trực tiếp giảng dạy, nhờ vậy mà ngày nay còn có được các bài Thánh Thư. Tất cả làm thành phần Tân Ước của bộ Kinh Thánh).

- Nhưng rồi các Tông Ðồ và môn đệ cùng thời với Chúa Giê-su cũng lần lượt chết vì Ðạo thì biết làm thế nào? (Ngay từ thế kỷ đầu tiên cho đến nay, các thế hệ tín hữu tiếp nối trong Hội Thánh vẫn luôn bảo tồn các Sách Kinh Thánh kể cả phần Cựu Ước cùng những lời nhắn nhủ dạy dỗ của các Tông Ðồ. Tất cả làm nên Truyền Thống các Tông Ðồ).

- Truyền Thống các Tông Ðồ để lại cho chúng ta những gì về mặt Ðức Tin? (Tất cả được cô đọng lại trong Kinh Tin Kính: tin Thiên Chúa Ðấng tạo thành là Cha; Tin Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, đã nhập thể làm người, chịu chết và sống lại, lên Trời; Tin Chúa Thánh Thần là Ðấng ban sự sống; Tin Hội Thánh duy nhất; Tin Bí Tích Thánh Tẩy; Tin vào sự sống lại; Tin vào sự sống đời đời).

 

II. Ðích Ðiểm:

Có thể đọc cho các em chép toát yếu sau đây:

Các Tông Ðồ đã để lại cho các thế hệ tín hữu trong Hội Thánh từ khởi đầu cho đến ngày nay toàn bộ phần Tân Ước, cùng với phần Cựu Ước trước đó làm nên bộ Kinh Thánh. Các ngài cũng để lại cho chúng ta những lời nhắn nhủ dạy dỗ về đời sống Ðức Tin Công Giáo.

 

III. Xác Tín:

Kinh Tin Kính: "Tôi tin kính một Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa duy nhất để tha tội..."

 

IV. Tâm Tình:

Mời các em đứng lên, dẫn vào bầu khí cầu nguyện:

Cám ơn Chúa Thánh Thần đã soi sáng và linh hứng cho các Tông Ðồ ghi chép lại phần Tân Ước của Kinh Thánh và để lại cho chúng con... Chúng con hứa sẽ tuân giữ những lời truyền dạy ấy và nêu gương sáng Ðức Tin cho mọi người chung quanh.

 

V. Thực Hành:

Ghi lại tóm tắt từng điều xác tín của người Công Giáo và học thuộc Kinh Tin Kính (bản được đọc trong Thánh Lễ).

 

Lm. Lê Quang Uy

cùng với một số thầy các Dòng và các Tu Hội đang theo học tại Học Viện Liên Dòng ở Ða-minh Gò Vấp biên soạn dựa theo tập sách Giáo Lý Thêm Sức của cha Phạm Ðức Tuấn, đặc trách Mục Vụ Thiếu Nhi của Tổng Giáo Phận Sàigòn.

 

(Trích dẫn từ Ephata Việt Nam số 88 năm 2002)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page