Tỉnh Thức

Trước Tiếng Gọi Của Chúa

LM. JBM. Phương Anh, CSJB, Taiwan

Muốn đi tu được phải hội đủ ít là hai yếu tố: Chúa muốn và tôi muốn. Nếu Chúa muốn mà tôi không đáp trả, "Chúa cũng phải chịu", vì Ngài tôn trọng tự do của tôi. Nếu tôi muốn mà Ngài lại không muốn - thật buồn 5 phút - tôi cũng phải chịu và hiểu rằng, Ngài có lý do của Ngài. Ơn gọi là một mầu nhiệm!

Dầu sao đi nữa, vấn đề của chúng ta là phải làm điều Chúa muốn mình làm - "Này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa" - Do đó, chúng ta phải tìm biết "Chúa muốn tôi đi tu không?" Và đâu là cách giúp chúng ta biết được Chúa muốn tôi đi tu hay không?

1) PHẢI TỈNH THỨC:

Chúa có thể gọi tôi bước theo Ngài vào bất cứ lúc nào trong đời, chúng ta không biết trước được. Chúng ta hãy cùng đọc lại trình thuật Chúa gọi bốn Tông Ðồ tiên khởi:

"Sau khi Gioan bị bắt, Chúa Giêsu sang xứ Galilêa, rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Người nói: 'Thời giờ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Phúc Âm'. Ðang lúc đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy Simon và em là Anrê đang thả lưới xuống biển, vì các ông là những người đánh cá. Chúa Giêsu bảo các ông: 'Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những kẻ chài lưới người'. Lập tức các ông bỏ lưới mà đi theo Người. Ði xa hơn một chút, Người thấy Giacôbê con ông Giêbêđê và em là Gioan đang xếp lưới trong thuyền. Người liền gọi các ông. Lập tức các ông bỏ cha là Giêbêđê ở lại trên thuyền cùng với các người làm công, và đi theo Người" (Mc 1:14-20).

Chúng ta thấy, khi gọi các Tông Ðồ, đặc biệt Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan và Matthêu, Chúa Giêsu đều dùng cùng một thành ngữ: "Hãy theo Ta!". Thành ngữ ấy đến với các ông đều bất ngờ, không ai trong các ông nghĩ trước rằng một ngày nào đó mình sẽ được gặp Ðức Kitô, Ðấng Cứu Thế, và Ngài sẽ gọi mình.

Tỉnh thức nghĩa là khi Chúa đến, tôi gặp được Ngài; Khi Ngài gọi tôi "Hãy theo Ta", tôi nghe được tiếng gọi đó cách huyền nhiệm và tôi "lập tức" đáp lại tiếng Ngài gọi tôi. Trạng từ "lập tức" rất quan trọng. Ðức Kitô đến, các ông đã gặp; mời gọi, các ông đã đáp lời không chút trù trừ do dự. Không ai trong các ông biện luận với Chúa Giêsu rằng: "Xin lỗi ông, ông là ai? Ông không biết điều gì cả! Nếu ông có muốn tôi đi theo ông, ít ra ông cũng phải để tôi xếp lưới, về nhà từ giã cha mẹ, vợ con và người làm công đã chứ!... Không, cả hai trường hợp trên bờ biển Galilêa đều xảy ra như nhau: "Các ông lập tức đi theo Người.

Rồi bờ biển Galilêa, đến bàn thu thuế, ta cũng thấy điều tương tự đã xảy ra:

"Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi bàn thu thuế, tên là Matthêô. Người phán bảo ông: 'Hãy theo Ta!' Ông đứng ngay dậy và đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ của Người rằng: 'Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?' Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: 'Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: 'Ta muốn lòng nhân từ chớ không phải là hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi" (Mt 9:9-13).

Những người đánh cá nghèo nàn như Phêrô, Anrê, Giacôbê, và Gioan có lẽ có phần dễ hơn để sẵn sàng từ bỏ. Trái lại, vấn đề có thể khó khăn hơn cho một người quyền thế và giàu có như Lêvi. Ấy vậy mà cái nhìn mời gọi đầy lòng bao dung của Ðức Kitô đã tạo nên khúc quanh cho cuộc đời của ông: "Lập tức ông đứng dậy và đi theo Người". Thật cũng khó hiểu về giây phút 'dường như không cần suy nghĩ' này của Lêvi.

Có lẽ Ðức Giêsu chỉ đến bờ biển Galilêa để gặp và gọi các ông Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan có một lần duy nhất, và không bao giờ trở lại với mục đích đó. Trường hợp Lêvi cũng thế, có lẽ Ðức Giêsu chỉ tới bàn thu thuế có một lần, rồi ra đi không hẹn ngày trở lại. Thực tế là không có lần thứ hai. Nhưng giả như có, vấn đề cho các ông vẫn là phải tỉnh thức mới có thể nghe và hiểu được tiếng Ngài; Con tim phải bừng tỉnh để đáp lại lời mời gọi yêu thương của Ngài. Khi tôi còn học ở Việt Nam, tôi và các bạn của tôi trong chủng viện thường hay nhắc cho nhau: "Ơn Chúa qua có một lần." Giả như ơn Chúa, lời mời gọi của Ngài đến trong đời chúng ta hơn một thì thật may mắn cho chúng ta. Kinh nghiệm cho thấy rằng, khi một người đã được Chúa mời gọi bước theo Ngài, họ cần mau mắn, "lập tức" đáp trả lại lời mời gọi đó, bằng không người đó rất dễ rời xa ơn Chúa gọi, nhất là ở hải ngoại. Bao nhiêu người đã ân hận vì đã không đáp trả lại lời mời gọi của Ngài. Chúng ta tạm mượn mối tình nam nữ để phần nào diễn tả sự ân hận này: có anh chàng tiếc rẻ vì đã một lần bỏ lỡ cơ hội se duyên với cô nàng, đã bị cô nàng tặng cho một câu: "Tiếc gì một mớ trầu cay, sao anh chẳng hỏi những ngày còn thơ".

Tục ngữ Anh có câu: "Ðừng than ly sữa đã đổ rồi". Muốn cho ly sữa khỏi đổ để rồi khỏi hoài công tiếc nuối, bạn hãy tỉnh thức để nghe được tiếng Chúa mời gọi. Chắc chắn có rất nhiều người được ơn Chúa gọi, nhưng không nghe được tiếng gọi đó, là vì thiếu tỉnh thức. Nguyên nhân của việc sa sút ơn gọi ngày nay trong Giáo Hội là vì người ta không còn tỉnh thức trước tiếng gọi của Chúa.

Vấn đề quan trọng tiếp theo chúng ta cần bàn là, làm thế nào để ta có thể tỉnh thức được?

2) CẦU NGUYỆN:

Phải, như đã nói, cầu nguyện là chìa khóa số một cho vấn đề ơn gọi. Nó càng là điều kiện cho một người luôn tỉnh thức trước tiếng gọi của Chúa. Dụ ngôn "10 cô trinh nữ" là một giải thích minh bạch và sâu xa cho vấn đề. Chúng ta hãy cùng đọc lại dụ ngôn này:

"Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: Nước Trời giống như mười cô trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả. Nửa đêm có tiếng hô to: 'Kìa chàng rể đến, hãy ra đón người!' Bấy giờ các cô trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Các cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: 'các chị cho chúng em xin chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả! - Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: 'E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra hàng mà mua thì hơn'. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những cô trinh nữ đã sẵn sàng thì theo chàng rể cùng vào dự tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng, các cô trinh nữ kia cũng đến và nói: 'Thưa Ngài, xin mở cửa cho chúng tôi!' Nhưng chàng rể đáp lại: 'Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô!' Vậy, hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào giờ nào" (Mt 25:1-13).

Yếu tố quan trọng trong dụ ngôn này là "dầu". Các cô trinh nữ nếu muốn luôn tỉnh thức, thì phải luôn dự trữ dầu: dầu phải luôn luôn đầy bình! Ở đây, dầu tượng trưng cho cái gì? Chung chung các nhà chú giải đều đồng ý rằng, một cách chính yếu, dầu tượng trưng cho lời cầu nguyện: hết dầu, đèn tắt; hết cầu nguyện, con tim sẽ ngủ quên. Bao lâu còn dầu, bấy lâu đèn còn sáng; bao lâu lời kinh còn được thắp sáng, bấy lâu tình yêu của bạn còn được cháy lên. Bao lâu tình yêu còn được cháy sáng, bấy lâu bạn còn gặp được Ðức Kitô. Người dự trữ dầu và chuyên chăm cầu nguyện, cả hai đều là người khôn ngoan.

Kể dụ ngôn này, Ðức Giêsu muốn ví Ngài là Chàng Rể, là Tân Lang, và mỗi người Kitô hữu chúng ta như là 1 cô trinh nữ, một cô dâu. Chỉ có người khôn ngoan mới gặp được Chàng Rể. Dùng dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nói đến hai chiều kích khác nhau của ơn gọi, ơn gọi chung của người Kitô hữu, và ơn gọi đặc thù của đời sống tu trì. Thật vậy, dùng hình ảnh "chàng rể" / "trinh nữ", Ðức Giêsu muốn diễn tả mối tình thánh giữa Ngài với mỗi người chúng ta như một cuộc hôn phối thánh, trong đó Ngài là Chàng Rể. Khi Ngài đến, các cô trinh nữ khôn ngoan gặp được Ngài và được sống với Ngài trong cuộc hôn phối thánh này; còn những cô trinh nữ khờ dại, không những không gặp được Chàng Rể lại còn bị trở thành "những kẻ bị vô thừa nhận": "Tôi không biết các cô là ai!"

Cuộc sống tu trì là đỉnh cao của hành trình gặp gỡ Ðức Kitô và sống thân mật với Ngài. Ðược như vậy quả là một hồng phúc cao vời. Muốn được hồng phúc cao vời này, lời kinh cần luôn được thắp sáng.

Như vậy, đoạn Tin Mừng trên không chỉ mang chiều kích bình thường của đời sống đức tin phổ quát, nghĩa là nó nhắc ta phải không ngừng tỉnh thức vì Chúa đến bất ngờ để đưa chúng ta về quê hương mới, hay Chúa đến với chúng ta bất ngờ trong bất kỳ người anh em nào, nhưng còn đặc biệt là lời nhắc nhở chúng ta cần phải TỈNH THỨC TRƯỚC TIẾNG GỌI CỦA CHÚA, để đèn trên tay luôn được thắp sáng, dầu phải được luôn dự trữ đầy bình. Cũng thế, muốn gặp được Chúa để được sống trong tình yêu của Ngài, ta phải luôn luôn thắp sáng lời kinh bằng đời sống liên lỉ cầu nguyện. Giữa hai cô trinh nữ, một cô khôn ngoan và một cô khờ dại, chỉ có một điều khác nhỏ bé thôi: cô trinh nữ khôn ngoan đã biết suy tính và chuyên cần trong việc dự trữ dầu luôn đầy bình!...

Ước gì mỗi người chúng ta trở thành như những cô trinh nữ khôn ngoan, để chúng ta có thể gặp được Chàng Rể, để được Người đưa chúng ta vào đời sống thân mật với Người, thân mật như đời sống của "chàng rể" sống với "cô dâu", nghĩa là để chúng ta sống mãi mãi trong tình yêu hôn phối thánh với Người. Ðây là chiều kích sâu xa nhất của ý nghĩa của dụ ngôn. Ý nghĩa này thật đúng cho những ai luôn luôn tỉnh thức trước tiếng gọi của Chúa, và nó càng thích hợp và mang ý nghĩa sâu xa cho những ai được Chúa mời gọi đi vào cuộc tình hiến tế thánh trong đời sống chỉ dành riêng cho Người, hôm nay, ngày mai và vĩnh cửu... Chính vì thế, Giáo Hội gọi các nữ tu một cách dặc biệt là tân nương, là hiền thê của Ðức Kitô Tân Lang, và ngày Khấn trọn đời như là ngày người nữ tu đèn vẫn sáng trên tay để được Chàng rể dẫn vào hoàng cung, để ở đó, mãi mãi sống cho duy một mình Người, để cùng với Người, nhìn về một hướng, là sống cho mọi người...


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page