Sinh Tử Trong Nho Giáo

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


3. Sinh và Tử trong Luận Ngữ

 

Như chúng tôi đã nhắc tới trong phần nhập đề, Khổng Tử ít bàn về vấn đề sinh tử, nhất là cái chết. Tuy ít, song thực ra, không phải rất ít như nhiều học giảhiểu lầm. Trong Luận Ngữ mà thôi, chữ sinh xuất hiện 16 lần, và càng đặc biệt hơn, chữ tử được nhắc tới 38 lần (40). Thống kê này cho ta thấy câu trả lời Tử Lộ của Khổng Tử "Chưa biết về sống, nói làm chi tới chết", có vẻ gượng gạo, hoặc chỉ là một cố ý trốn tránh không giám đối diện với vấn đề. Thực tế là, ngài nhìn sự sống và sự chết không theo lối nhìn huyền hoặc của thời đó. Lối suy tư của ngài rất ư tông giáo, song không mê tín: muốn hiểu về sự sống, chúng ta phải đối diện với cái chết; và ngược lại, ý nghĩa của sinh mệnh là do chính sự "lập danh", "lập công", "lập đức", tức "thành nhân", chứ không phải do ý thức về hữu hạn tính của con người qua cái chết. Phó Bội Vinh (41) phân loại quan niệm tử sinh trong Luận Ngữ vào 4 tiết mục: (1) thái độ của Khổng Tử về cái chết nghịch tự nhiên; (2) về việc Khổng phản đối cái chết bất đắc kỳ tử, hay cái chết vô nghĩa; (3) về tính chất tất nhiên của cái chết; và (4) khẳng định vai trò của sự chết trong diễn trình sinh sinh bất tận (42). Chúng tôi tạm dựa theo nghiên cứu của họ Phó trong phần này.

3.1. Phản Ðối Cái Chết Nghịch Tự Nhiên

Thứ nhất, Khổng Tử nhận định cái chết như là luật tự nhiên của trời đất. Thế nên theo thiên mệnh hay thi hành thiên đạo đòi hỏi chúng ta không được phép tự phép nắm quyền sát sinh. Chính vì vậy, ngài phản đối bất cứ hình thức nào ngược lại với cái chết tự nhiên. Ngài cũng gạt bỏ bất cứ lý do gì, cho ngay cả lý do đạo đức, để giết người. Ngài chán ghét chiến tranh (43); ca tụng Quản Trọng vì đã ngăn chặn được nhiều trận chiến (44), và ngài khuyên các nhà chính trị nên từ bỏ bạo lực (45). Tương tự, ngài chủ trương theo thiên ý, không cổ võ diệt bạo quân; không phải vì ngài thấu triệt được rằng sự giết hôn quân không thể giải quyết được vấn đề một cách tận gốc, mà vì ngài ý thức hành động sát quân là một hành động sát nhân; mà sát nhân tức là hành vi phản thiên đạo. Nói cách chung, sát quân hay sát phụ đều là sát nhân cả. Trong Luận Ngữ, Khổng Tử lập lại nhiều lần quan niệm này. Trong đoạn 12:19, khi trả lời Lý Khang tử về việc giết người để cứu người, ngài nhấn mạnh đến chính đạo thay thế bạo lực: "Tử vi chính, hà dụng sát?". Trong đoạn 14:36, ngài nói thêm: "Ðạo chi tương hành giã hưng, mệnh giã." Trong đoạn 14:17 trả lời Tử Cống về nhân nghĩa của Quản Trọng: "Quản Trọng phi nhân gỉa ư?" ngài ca ngợi Quản Trọng là người tôn trọng sự sống. Tương tự, trong đọan 13:11, ngài khẳng định sự sống với thiện hảo"thiện nhân vị bang bách niên". Trong tất cả các đoạn văn trên, chúng ta nhận thấy chủ trương của Khổng Tử như sau: thứ nhất, cái chết, giống như sự sống, tự nó thuộc thiên đạo, tức đạo tất nhiên, thế nên chúng ta không có quyền thay đổi. Thứ hai, như cái đạo tất nhiên, con người không thể tránh khỏi cái chết, song không thể vì thế mà tự quyết định sinh mệnh của mình, càng không được phép lạm dụng mạo phạm sinh mệnh của tha nhân. Tha sát hay tự sát cũng đều là sát nhân cả. Trong một niềm tin như thế, Khổng Tử phản đối tất cả mọi hình thức phản sự sống, bao gồm chiến tranh, bệnh tật, giết người, hay lối sống sa đọa, nguyên nhân của đoản mệnh. Tư tưởng này cũng xuất hiện trong Mạnh Tử, khi thày chủ trương theo thiên mệnh và trọng sự sống. Theo thiên mệnh tôn trọng sự sống tức trọng lễ, trọng nghĩa, tức thực thi đạo nhân: "Khổng Tử tấn dĩ lễ, thối dĩ nghĩa, đắc chi bất đắc viết hữu mệnh" (46). Và thực thi đạo nhân mới có thể thống nhất thiên hạ: "Bất sát nhân giả năng nhất chi" (47).

3.2. Phê Bình Cái Chết Vô Nghĩa

Thứ hai, Khổng Tử phê bình những cái chết bất đắc kỳ tử, hoặc những cái chết vô nghĩa. Thế nên đối với ngài, sống phải ra sống, mà chết cũng phải ra chết mới theo đúng đạo. Sống giai như đỉa đói nhưng vô nghĩa, cũng chỉ là một cuộc sống dư thừa, có hại: "lão nhi bất tử, thị vi tặc." (48) Tương tự, những người lãnh đạo chỉ biết hưởng thụ, chạy theo cái bã phú quý, quyền lợi, khi chết cũng chỉ là một cái chết lãng nhách bị người đời dèm pha (49). Tuy nói như thế, ngài không có cổ võ chúng ta chạy theo cái chết "anh hùng" (như các lãnh tụ từng hô hào, xúi dại dân chúng "ăn cứt gà", "hy sinh vì tổ quốc", học đòi "Lê Lai cứu chúa"). Ngài cảnh cáo chúng ta tôn trọng sinh mệnh, đừng dại dột đâm lao vào những mạo hiểm không cần thiết (50), để mà "bất đắc kỳ tử nhiên" (51). Một cái chết yểu, bất thần (như trường hợp Hội Nhan) thường bị Khổng Tử phàn nàn cho là "dũng nhi vô mưu", một sự đáng tiếc.

3.3. Chấp Nhận Tất Nhiên Tính của Cái Chết

Thứ ba, tuy luôn nhấn mạnh đến sinh mệnh, Khổng Tử không trốn tránh cái chết. Ngài coi "sự tử như sự sinh, sự sinh như sự tử". Chính vì vậy mà chúng ta phải hiểu biết thêm về cái chết. Thứ nhất, Khổng Tử chấp nhận cái chết như một luật tự nhiên, bất khả kháng: "tử sinh hữu mệnh, phú qúy tại thiên" (52) Thế nên ngài không phản kháng, hay âu lo. Thứ hai, tuy chết là luật tự nhiên, song không phải cái chết nào cũng giống nhau. Có những cái chết anh hùng; có những cái chết vô giá trị. Nói cách khác, ngài nhìn cái chết từ khía cạnh sinh mệnh. Nếu mạng sống con người có giá mà chết sớm, thì đó cả là một tai họa. Song ngược lại, nếu một mạng sống không có giá trị gì cả, thì bị ngài miêu tả như "người gìa mà không chết tất biến thành tặc". Chính vì vậy mà ngài than tiếc những người hiền tài chẳng may bị chết sớm (53). Ngài phàn nàn lão Thiên "bất hạnh đoản mệnh tử ai" (54), hay "Thiên ai tử" (55). Tuy phàn nàn, song Khổng Tử chấp nhận và không oán giận Thiên, bởi vì đó là luật tự nhiên. Nhìn từ khía cạnh này, chúng ta có thể nhận ra thái độ của ngài về cái chết. Cái chết là một bước tất nhiên của lịch trình sinh tử. Chính vì vậy, để đánh giá hay hiểu về cái chết, phải nhìn nó từ khía cạnh sinh mệnh.

3.4. Diễn Trình của Chết và Sống

Nhìn như vậy, cái chết có thể bi đát hay tự nhiên tùy theo sự đóng góp của nó vào sự sống: sự sống của dòng, của giống, của tộc, hay của nhân loại. Cái chết bi đát là cái chết tuyệt mệnh. Cái chết hưũ ích là cái chết anh hùng. Mà cái chết anh hùng tức là cái chết đạt được mục đích. Câu "chưa biết sống, nói chi tới chết?" thực ra muốn nói lên hai nghĩa: (1) nếu chưa biết được mục tiêu của cuộc sống, thì nói đến cái chết làm gì; hay ngược lại (2) một cái chết có ý nghĩa là một cách nói lên sự cao quý của tính mệnh: "hữu sát thân dĩ thành nhân" (giết mình để thành đạo làm người) (56). Nói một cách khác, chết và sống nằm trong một diễn trình không thể phân cách được. Nếu hiểu được như thế, thì "triều văn đạo, hôn tử khả ai" (sáng sớm nghe được đạo thì chiều chết cũng được) (57).

 

Chú Thích:

(40) Xin xem Dương Bách Tuấn, Luận Ngữ Dịch Chú, sđd. Trong tập sách này, tác giả thêm phần "Luận Ngữ Từ Ðiển", và thống kê các tiết mục quan trọng trong Luận Ngữ.

(41) Phó Bội Vinh hiện là Giáo sư về Nho học tại Ðại học Quốc gia Ðài Loan và Giáo sư Giảng tọa môn Hán học tại Ðại học Leiden, Hòa Lan. Ông cũng từng là Giáo sư Khách tọa tại Ðại học Louvain, và là tác giả trên 60 tập sách về Triết học và Văn học. Hai tác phẩm đại biểu: The Concept of T'ien in Ancient China (Yale University 1984) và Luận Ngữ Tân Biên (Ðài Bắc, 1999).

(42) Xin xem Phó Bội Vinh, "Giải Tích Khổng Tử đối Sinh Tử dữ Qủy Thần đích Khán Pháp". Luận văn phát biểu tại Trung Quốc Triết Học Hội, Ðại học Quốc gia Ðài Loan, Ðài Bắc, 12.1998. Ngoài ra, cùng một tác giả: Fu Pei-jung, "Confucius, la vie et la mort. Ame et esprit dans l'Au-delà", trong Paul Servais, ed. La Mort et l'Au-delà, (Louvain, Academia Bruylant, 1998), tr. 51-72.

(43) Luận Ngữ, 7:13.

(44) Luận Ngữ, 14:16.

(45) Luận Ngữ, 12:7.

(46) Mạnh Tử, Vạn chương, thượng.

(47) Mạnh Tử, Lương Huệ Vương, thượng

(48) Luận Ngữ, 14:43 .

(49) Luận Ngữ, 16:12.

(50) Luận Ngữ, 14:5, khuyên Tử Lộ.

(51) Luận Ngữ, 11:13.

(52) Luận Ngữ, 12:5.

(53) Luận Ngữ, 6:3 than tiếc Nhan Hồi, hay đoạn 6:10 thương Bách Ngưu.

(54) Luận Ngữ, 11:7.

(55) Luận Ngữ, 11:9.

(56) Luận Ngữ, 15:9.

(57) Luận Ngữ, 4:8.

 

Trần Văn Ðoàn

Tân Trúc, Ðài Loan 1999

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page