Sự Thiết Yếu Của Tự Do Nghiên Cứu

Gs. Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


1. Toàn Cầu Hóa: Nguy Cơ hay Cơ Hội?

 

Sự thách đố của toàn cầu hóa cũng như sức mạnh của viễn thông trong cái thế giới điện toán ngày nay ép buộc chúng ta phải theo một cuộc sống mới với những ngôn ngữ mới. Cái nghịch lý là: không ai có thể tự đóng cửa khép kín, sống riêng biệt, nhưng bất cứ ai cũng có thể đơn độc hơn. Trong cái "thôn địa cầu" này (global village), con người tuy tự do, tiến bộ hơn, nhưng cũng dễ dàng bị tha hóa, trói buộc, yếu đuối và ít tự chủ hơn. Con người tuy thỏa mãn được một cách dễ dàng những ước muốn thầm kín, nhưng họ cũng rất có thể lại bị chính những ước muốn này trói buộc, làm họ càng khổ sở, càng thiếu sót. Trong một thế giới như vậy, chỉ có ai mạnh, người đó mới có thể không bị thế giới này trói buộc. Ngược lại, họ lại có thể thống trị được chính cái thế giới này.

Nhưng người mạnh ngày nay không còn là loại người có sức lực của một người hùng Trần Bình Trọng, một võ sĩ Hạng Võ, một lực sĩ Kinh Kha, mà là người đầy trí tuệ, có thể kinh bang tế thế như nhà đại chiến lược Nguyễn Trãi. Hơn thế nữa, người mạnh không phải là người sở hữu đất đai nhà cửa hay tư bản, nhưng là người có thể khám phá ra những cái mới lạ, những vấn đề mới, những giải pháp mới, và nhất là con đường mới mà nhân loại sẽ phải theo như nhà thông thái Nguyễn Trường Tộ. Người mạnh cũng không còn là chính phủ, hay những người nắm giữ quyền thế, tức nhà nước. Có lẽ đúng hơn phải nói, người mạnh là người nắm được cái nguồn của tri thức, nắm được quy luật của thế giới, của vũ trụ. Chính vì thế mà người Việt chúng ta càng cần phải trọng dụng những nhân tài như Nguyễn Trãi, Nguyễn Trường Tộ. Chúng ta càng cần phải có những Newton, Einstein, Edison cũng như Bill Gates. Cả ngàn, cả vạn ông tiến sĩ dù có được khắc trên bia đá ở Văn Miếu đi nữa, nhưng nếu chỉ biết "sôi kinh nấu sử" mà thôi, hoặc nếu chỉ biết chũa gọt câu văn đến mức độ "Văn như Siêu Quát vô tiền Hán", hay nếu chỉ mong được "võng anh đi trước, võng nàng theo sau", thì cùng lắm vẫn chỉ là "ngàn năm bia đá vẫn còn trơ trơ." Sự thực là, họ chưa chắc có thể làm nuớc Việt mạnh hơn, hay hơn, đẹp hơn, giầu hơn. Cả ngàn ông trạng như Trạng Trình cũng không hẳn giúp ta cạnh tranh được với Tầu, với Tây, đừng nói với Nhật và nhất là với Mỹ. Và cả ngàn, cả vạn người như nhân vật (có tính chất huyền thoại) Trạng Quỳnh, mà chúng ta tưởng tượng hay phóng đại, vẽ vây vẽ cánh, tô mầu tô sắc, cũng chỉ làm ta tạm thời quên được cái nhục nhược tiểu, bị đè nén, bị khinh thị. Ðể rồi khi tỉnh dậy, ta càng đau xót mà thôi! Chỉ có những người như nhà đại chiến lược Nguyễn Trãi, như nhà bác học Nguyễn Trường Tộ, và nhất là như các đại khoa học và triết gia mới chính là những người đã khiến con người mạnh hơn, nhân bản hơn; khiến xã hội tiến bộ hơn; khiến quốc gia hưng thịnh hơn; và lẽ dĩ nhiên khiến loài người càng xứng đáng là con người.

Ðể giúp thế hệ Việt sau đủ khả năng sống mạnh (tức dân giầu nước mạnh, như nhà nước từng đeo đuổi), và trở lên mạnh trong một thế giới hậu hiện đại (postmodern world), hậu kỹ nghệ (postindustrial), viễn thông... đầy nghịch lý như vậy, nền giáo dục nước nhà cần phải cập nhật, sửa đổi, và nếu cần thiết, cần thay đổi một cách toàn diện, từ lối suy tư thường nhật tới quan niệm về khoa học, từ cách thế làm việc tới phương thế trao đổi, từ phương pháp quản lý tới đường lối giao thương, từ ngôn ngữ quen thuộc cho tới ngôn ngữ chuyên môn, từ cách cư xử truyền thống tới lối tiếp cận với các nền văn minh và văn hóa khác. Và quả thật vậy, ta thấy là tất cả mọi ý hệ phát sinh từ thời cận đại, hay những đại lý thuyết (grand theories) như chủ thuyết duy khoa học, duy lý, duy vật, dân chủ, xã hội, vân vân, đều đương bị thế hệ hậu hiện đại nghi ngờ, thách đố và làm băng hoại. Theo những kẻ tin vào hậu hiện đại, những đại lý thuyết này không còn đủ hiệu lực để giải quyết những vấn đề toàn cầu hóa, và càng không đủ động lực để thúc đẩy con người đi tìm những tri thức mới lạ. Nói cách khác, nền giáo dục cách chung và đại học cách riêng phải đối diện với những khó khăn mang tính cách đa diện, những khó khăn vốn có sẵn trong thế giới hiện đại, tức là những khó khăn mà thế giới cận đại với nền khoa học, tri thức đã gây ra. Nó càng phải nhìn xa hơn, tìm ra những khó khăn mới đương phát hiện và có thể phát sinh trong tương lai. Thêm vào đó, trong một thế giới như thế giới hiện nay, giáo dục càng cần phải để ý tới sự đối nghịch giữa các nền văn hóa (văn minh), giữa những giá trị cổ truyền và giá trị mới phát sinh, và tất nhiên giữa thế giới giầu và thế giới nghèo. Bởi lẽ, tri thức không thể tách biệt khỏi cuộc sống của con người, mà con người ngày nay là một con người đã bị toàn cầu hóa. Một người sống ở Hà Nội rất gần gũi với một người tại Nữu Ước, gần hơn cả những người hàng xóm láng diềng trong những dẫy chung cư đầy người. Một người làm việc tại Ðài Bắc như tôi cũng có thể gặp một khó khăn y hệt như một giáo sư đương dạy học tại Saigon này vậy. Cuộc tấn công của mặt trận Al Qaeda vào hai tòa nhà mậu dịch thế giới tại Nữu Ước không chỉ rung động thành phố này. Nó làm náo động nước Mỹ. Nó là đầu mối cho sự sụp đổ của chính phủ Taliban ở A Phú Hãn. Nó là một trong những cái cớ chính yếu khiến Mỹ báo thù, lật đổ chính quyền của Saddham Hussan. Nói tóm lại, nó ảnh hưởng tới toàn thế giới, từ Ðông sang Tây, từ Bắc chí Nam. Tương tự, sự khủng hoảng thị trường chứng khoán Nasdaq ở Nữu Ước, Dax ở Frankfurt, Nikkei ở Ðông Kinh, hay Hangseng ở Hồng Kông... không chỉ khiến giới kinh tài lo âu, mà còn làm tất cả nền kinh tế thế giới lẩy bẩy. Nói tóm lại, bất cứ một khủng hoảng nào, cho dù xem ra có vẻ nhỏ nhặt, thí dụ như việc tăng giá dầu thô (vào năm 1973 của khối liên minh dầu lửa OPEC, và gần đây) cũng đều ảnh hưởng một cách toàn diện tới cuộc sống, sinh hoạt của chúng ta, từ thương mại tới giao thông, từ kinh tế tới quốc phòng, từ pháp luật tới tôn giáo, từ giáo dục tới nghệ thuật, vân vân.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin hạn chế trong một lãnh vực rất nhỏ, đó là sự thiết yếu của công việc nghiên cứu, cũng như tính chất tự do nghiên cứu trong môi trường đại học. Bởi lẽ, những kẻ mạnh là những người có tri thức, có sáng tạo, biết khống chế ngoại thế, biết tổ chức, biết kinh doanh, vân vân. Nhưng để có tri thức, sáng tạo họ cần phải có những đại học hay cơ quan nghiên cứu đi tiên phong trong mọi lãnh vực. Hay nói cách khác, họ phải nhìn ra cái gì mà chúng ta chưa nhìn ra, khám phá ra những vấn đề mà chúng ta vẫn còn ngây thơ bình chân như vại coi là lẽ tất nhiên, phát minh ra những phương thế giải quyết vấn đề một cách hay hơn, an toàn hơn và sản xuất ra những mại phẩm giúp con người sống lâu hơn, đẹp hơn, khỏe hơn... Nước Mỹ, nước Anh, nước Nhật, nước Ðức, nước Pháp... dẫn đầu thế giới, bởi lẽ họ phát minh nhiều nhất, họ khám phá ra nhiều cái mới nhất, nhiều cái hay nhất, và nhất là họ sản xuất mọi vật dụng, thực phẩm, máy móc... có thể thỏa mãn chúng ta hơn cả. Họ được như vậy, bởi vì họ có được những đại học giỏi nhất, thời danh nhất, và có ảnh hưởng nhất. Mà những đại học này thành công chính vì họ chủ trương tự do nghiên cứu, coi nó như là một mục đích thiêng liêng bất khả xâm phạm của sinh hoạt tri thức.

 

Trần Văn Ðoàn

Ðại Học Quốc Gia Ðài Loan, 23.09.2002.

Duyệt lại

Ðại Học Salzburg, Áo, 01.05. 2005

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page