Giáo Hội Hương Cảng Ngày Nay:
Một Thành Xây Trên Núi

Lm Vũ Kim Chính, SJ
Giáo sư Ðại Học Công Giáo Phụ Nhân, Ðài Loan

Biết bao nhiêu người chú tâm theo dõi cuộc trao hoán chính quyền Hương Cảng được trực tiếp truyền hình trong nửa đêm mồng 1 tháng Bảy vừa qua. Biến cố lịch sử này thật sự không phải chỉ là một dử kiện đơn độc xẩy ra trong chốc lát, nhưng là một quá trình đã bắt đầu từ năm 1984 và còn kéo dài cho đến bao giờ nữa mới biết được chân tướng lịch sử của nó. Trong thời gian tranh tối tranh sáng, thập phần chưa minh nhiên này, biết bao luận điểm được nêu ra tranh cãi: người bi quan thì vẽ lại bức tranh lịch sử u tối, ghê rợn từ khi Trung Cộng mới nắm chính quyền năm 1949, qua các cuộc đánh điền chủ dả man, cách mạng văn hóa khủng khiếp, và gần đây nhất là việc đàn áp sinh viên đẩm máu ở Thiên An Môn... để minh chứng bản chất bất biến của chủ nghỉa cộng sản và thương hại cho số phận hẩm hiu của Hương Cảng mai sau. Ngược lại, người lạc quan nhấn mạnh tới cuộc cải cách kinh tế đã bắt đầu hơn mười năm nay, đã gặt hái khá nhiều thành quả khả quan và còn hứa hẹn sẽ đẩy mạnh công cuộc phát triển từ ven miền duyên hải này tiến sâu tới lục địa nữa... Và như vậy, với di sản "óc thực tiễn" (mèo đen hay nâu miễn bắt được chuột là được) mà Ðặng Tiểu Bình đã để lại, ai dại gì "giết con gà đẻ trứng vàng" Hương Cảng này, rồi suy luận thêm theo đường hướng này, họ mơ ước Hương Cảng biết đâu sẽ có cơ hội thay thế Thượng Hải đóng vai trò lảnh đạo trong cuộc canh tân Trung Quốc trong thế kỷ 21 nữa.

Giáo Hội Hương Cảng, một Giáo Hội gắn bó với định mệnh địa phương từ hơn một trăm năm nay, cũng không tránh khỏi mối suy tư dày vò và thái độ quyết tâm dấn thân trong bối cảnh lịch sử mới để có thể sinh tồn trong chính sách đặc thù "Nhất Quốc Lưỡng Chế" và đồng thời hy vọng trong thế đứng rất đặc biệt này vừa làm "Chứng Nhân Thời Ðại", vừa đóng vai trò "Giáo Hội Nhịp Cầu" cả trong nước, giữa Giáo Hội thầm lặng và Giáo Hội công khai, lẩn nước ngoài, giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ.

Duy trì và phát huy hiện trạng

Ðứng trên quan điểm mà họ Ðặng đã vạch định là: một nước Trung Hoa với hai thể chế, Bắc Kinh năm 1988 bắt đầu thành lập Ủy Ban Hoạch Ðịnh Cơ Bản Pháp Luật cho Hương Cảng và tới năm 1992 đã công bố văn kiện Cơ Bản Pháp Luật, bao gồm chính sách đối với tôn giáo. Theo văn kiện này, công dân Hương Cảng, như mỗi một công dân Trung Quốc khác, được hưởng tự do lương tâm, nghĩa là được tự do tín ngưỡng, như được công khai tuyên xưng, thực hành, tham dự hoạt động tôn giáo. Ngoài ra, là công dân sống trong vùng chính quyền đặc thù Hương Cảng, họ có thể duy trì và phát triển mối quan hệ với những tổ chức tôn giáo và tín hữu khác. Ðây là đặc điểm làm giáo hội Hương Cảng và Trung Quốc lục địa có chỗ đứng hoàn toàn khác nhau và theo đó có thể phát huy sứ vụ của mình ít nhất là dưới những khía cạnh sau đây:

* Duy trì hiện trạng: Ðức Phó Giám Mục Trần Nhật Quân giải thích việc quan hệ với chính quyền cho tới nay thật tốt đẹp, vì hai bên đều quan tâm và nỗ lực xây dựng và cải tiến lợi ích xã hội. Cho tới nay giữa chính quyền và tôn giáo không cần có "Ủy Ban Tôn Giáo", thì dù hiện tại hay tương lai đều không cần tới cơ quan trung gian này. Vì có thể trực tiếp đối thoại với chính quyền, nên tránh được nhiều phiền hà rắc rối không cần thiết. Bắc Kinh cũng chủ trương "Người Hương Cảng quản lý Hương Cảng" và đã chọn thương gia Ðổng Kiến Hoa làm Tổng Lý Hương Cảng.

* Giáo Hội Hương Cảng không những có thể duy trì, mà còn có cơ phát huy mối quan hệ với những tổ chức tôn giáo khác, đương nhiên cũng bao gồm cả tông tòa La Mã. Như vậy, tránh được vấn đề rắc rối của Giáo Hội Trung Hoa đại lục, và nhất là tránh được nguy cơ phân rẽ giáo hội "thầm lặng" và "công khai".

* Giáo Hội Công Giáo Hương Cảng có khoảng 255,000 tín hữu, mặc dù chỉ chiếm 4% dân số hơn sáu triệu người, nhưng nhìn lại gần 150 năm qua, đã đóng góp một vai trò rất quan trọng trong lãnh vực giáo dục và phục vụ xã hội. Hiện nay Giáo Hội quản nhiệm trên 200 trường trung học, hơn 300 trường tiểu học và ký nhi viện, gần khoảng 1000 trung tâm phục vụ xã hội và hơn mười nhà thương. Trong ba mươi năm qua, giáo hội Hương Cảng đã thấm nhuần tinh thần Công Ðồng Vatican Ðệ Nhị, tự canh tân chính mình. Ðồng thời quan hoài thế giới gần xa, bao gồm cả vai trò tiên tri. Ở đây chúng ta không cần nhắc tới những chi tiết mà giáo hội địa phương Hương Cảng đã nỗ lực thực thi các huấn điều của Vat. II, như bản vị hóa, giao đàm với các tôn giáo bạn, đối thoại với những người vô thần... Chính vì thế, khi đối diện với việc thay đổi chủ quyền và chính thể, giáo hội đã không hoang mang, không chạy trốn, mà ngược lại, còn tích cực chuẫn bị bằng một chương trình dài hạn và bắt đầu bằng thư Mục Vụ "Hướng Về Mười Năm Quang Huy" mà Ðức Hồng Y Hồ đã đề xuất năm 1988.

Giáo Hội Nhịp Cầu

Giáo Hội Hương Cảng là một phần của Giáo Hội Trung Quốc sẽ nhận sứ mạng bắc cầu hòa giải mà Ðức Thánh Cha đã kỳ vọng ở Giáo Hội Ðài Loan trong những năm vừa qua. Ðể tái xây dựng một Giáo Hội bị nhiều thiên kiến và ngộ nhận chi phối bóp méo quan điểm về Giáo Hội, đầu tiên cần có một nền tảng giáo hội học vững chắc và nhất quán. Trên phương diện này, các nhà thần học dù ở Ðài Loan, Hương Cảng, Trung Quốc đại lục hay những thần học gia ngoại quốc quan tâm tới tương lai giáo hội Trung Quốc đã và đang nỗ lực tranh góp ý kiến và đang dần dần tiến tới một cái nhìn tổng hợp. Tỷ dụ bài tiểu luận "Giáo Hội Trung hoa, Giáo Hội Học lâm vào ngõ bí?" của thần học gia dòng Tên, Trương Xuân Thân (Aloysius Chang, SJ.) (Ðại Học Phụ Nhân, Ðài Loan) đã khởi phát một loạt bài thảo luận, phản tỉnh hay cảm nghĩ. Thần học gia Mỹ Robert J. Schreiter với bài "Những thách đố của Giáo Hội học để nhắm tới phục vụ" phát biểu trong cuộc họp quốc tế do Văn Phòng Công Giáo Trung Quốc ở Mỹ vào tháng Giêng năm 1993 và người bình luận bài này là thần học gia Hương Cảng Joseph Trần. Tiếp theo đó là ba bài phát biểu ý kiến hay cảm nghĩ của các thần học gia Trung Quốc đại lục: Lão Như Ông (bí danh của một giáo dân Trung Quốc) với đề tài: "Nhìn rõ hơn, yêu đậm hơn", Vương Diên Ðạo với bài "Phân lìa và hợp nhất trong Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa", và Nghiệp Sinh với bài "Hòa giải trong Giáo Hội Trung Hoa, Phản tỉnh về văn hóa và thần học". Tất cả những bài này đều đăng tải trong nhị nguyệt san thần học "Ðỉnh" (Tripod) do trung tâm nghiên cứu "Thánh Thần" phát hành. Trong cuộc bàn cãi này, Trương tiên sinh chủ yếu là lấy điểm phạm "Chúa Ba Ngôi" làm nền tảng phát huy giáo hội học và bầy tỏ viễn tượng giao đàm và hiệp nhất cho giáo hội hoàn vũ nói chung và giáo hội Trung Hoa nói riêng. Giáo Sư R. J. Schreiter đã lồng điểm phạm này trong mô hình cấu trúc giáo hội của ông và cụ thể hóa giáo hội Trung Hoa trong mô hình này. Trong phần bình luận thần học gia Joseph Trần đã nêu ra những vấn đề đa đoan mà giáo hội Trung Quốc đại lục đang hứng chịu và tỏ ý hoài nghi một mẫu mực thần học nào đó có thể tiếp cận chân thực và giải quyết được những vấn đề nhiêu khê đó. Ba bài báo của tư tưởng gia đại lục tiếp ứng cuộc tranh luận trên, một đàng công nhận tư tưởng giáo hội học của linh mục Trương là quan trọng, làm nền tảng cho giáo hội nói chung, nhưng đồng thời cũng nêu ra hoàn cảnh đặc thù mà lịch sử giáo hội Trung Hoa đã trải qua từ những cuộc tranh chấp về Lễ Nghi, tới những dữ kiện do ngoại tại hơn là nội tại ảnh hưởng tới cuộc phân cách giữa giáo hội công khai và giáo hội thầm lặng. Họ cũng kỳ vọng những người quan tâm tới giáo hội Trung Quốc xin nhìn với con mắt của người trong cuộc để có thể hiểu những vấn đề tế nhị và đầy hàm ý ở trong một địa phương... Nói tóm lại, trong cương vị hiện nay giáo hội Hương Cảng thật thích hợp để xúc tác việc giao hòa để tiến đến một nền giáo hội Trung Hoa hỗ tương và hiệp nhất.

Giáo Hội bén nhạy trong việc đối thoại
và làm chứng nhân

Giáo Hội Hương Cảng sau ngày "qui hồi chủ quốc" thật sự là thành phần của giáo hội sống dưới chính quyền xã hội chủ nghĩa chuyên chế, nên gánh nhận một nghĩa vụ trọng đại nữa, là hiểu thấu đáo chính sách tôn giáo của Trung Cộng để phản ứng khôn ngoan giúp cho chính quyền dần dần minh thức chân tướng của tôn giáo nói chung và của giáo hội Công Giáo nói riêng. Thực sự nhiều nhà trí thức Công Giáo đã dấn thân trong công việc này, nhất là một vài năm gần đây. Tỷ dụ việc học giả Lâm Thụy Kỳ đã bày tỏ quan điểm với Cục Trưởng Nghệ Văn, thuộc Trung Quốc Quốc Vụ Viện, Sự Vụ Tôn Giáo. Nghệ Tiểu Văn Cục Trưởng đã phát biểu văn kiện "Bàn về Chính Sách, Quản Lý và Thích Ứng" (1996), giải thích lại chính sách về tôn giáo theo cách thức mới của Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân. Theo chính sách này, trên nguyên tắc tôn giáo hưởng quyền tự do, trên thực tế chính quyền phải quản lý tôn giáo. Như vậy phải thực hành chính sách quản lý làm sao? Câu trả lời được Giang chủ tịch gói ghém trong "Ba Câu Nói": "Toàn diện triệt để chấp hành chính sách tôn giáo của đảng"; "Chiếu luật tăng cường quản lý sự vụ tôn giáo" và "Tích cực dẫn đạo (hỗ?) tương thích ứng giữa tôn giáo và xã hội chủ nghĩa". Ba Câu Nói này được thủ tướng chính phủ lập lại như một chỉ thị và được Nghệ cục trưởng giải thích thành văn câu nói thứ ba: hoặc hiểu như trên, thì việc thích ứng phải là nghĩa vụ của hai bên, cả tôn giáo và chính quyền; nhưng Câu Ba này còn có thể hiểu: tích cực dẫn dắt tôn giáo (tương?) thích ứng với xã hội chủ nghĩa, và nếu hiểu theo nghĩa thứ hai này, thì chữ "tương" có nghĩa là gì? vì thích ứng chỉ còn một bên là tôn giáo mà thôi! Nhận xét tỉ mỉ hơn, học giả họ Lâm ngạc nhiên phát hiện: trong mạch văn của Tổng Bí Thư Ðảng Cộng sản Trung Quốc, thì ba câu nói trên được lồng trong bài nói với cán bộ, trong lúc đó, khi Cục Trưởng Tôn Giáo giải thích, ông này lại phân "Ba Câu Nói" trên cho hai đối tượng khác nhau: hai câu đầu nhằm ra chỉ thị cho cán bộ các cấp trong ban quản trị tôn giáo phải chú ý tới những vấn đề tôn giáo phi pháp hay phạm pháp; đến khi giải thích câu thứ ba, thì ông này lại đổi giọng một cách rất khéo léo để nói cho các tổ chức tôn giáo nghe!

Ðứng trên lập trường công giáo lấy Phúc Âm làm điểm phạm, thì sự quan hệ giữa tín ngưỡng và chính quyền có thể gói ghém trong phương châm: "Của Cesar thì trả cho Cesar, của Thiên Chúa thì trả cho Thiên Chúa", Lâm tiên sinh cho rằng chính sách quản lý tôn giáo chỉ nhằm mục đích như Tổng Cục Nghệ đã nêu ra: "Qui hướng ý chí và lực lượng các tôn giáo cũng như vô tôn giáo vào việc kiến tạo một cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa" thì lấy một tỉ dụ cụ thể như Hương Cảng, giáo hội Công Giáo tự động tự phát nỗ lực tham gia kiến tạo lợi ích chung, một xã hội hiện đại hóa, thì chính sách "quản lý" tôn giáo có thể cải biến và thích ứng cho hợp thời chăng? Nếu việc quản lý, khống trị tôn giáo có một gốc rễ thành kiến thâm sâu, như cái nhìn chủ quan của Karl Marx về tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, là ảo tưởng, hay một ý thức hệ vong thân... thì sự kiện dấn thân làm chứng nhân của giáo hội Hương Cảng hy vọng có thể dần dần cải biến thành kiến về tôn giáo trên chăng? Qua một tỉ dụ nêu trên trong việc đối đàm này, chúng ta thấy giới trí thức công giáo phát huy lý trí bén nhậy để khôn khéo nói nên những điều mà các tín hữu sống trong kềm chế không thể bạch lộ tâm can của mình được.

Nói tóm lại, sự liên hệ giữa chính quyền và giáo hội công giáo có nguyên tố cố định và những cách thế hỗ tương thích ứng tùy theo hoàn cảnh xã hội và mạch sống văn hóa. Một yếu tố quan trọng cần được nêu rõ để tránh hiểu lầm là: Giáo Hội Công Giáo luôn khẳng định là Giáo Hội chấp nhận sống dưới bất cứ một thể chế nào để sống đức tin và cố gắng để hợp tác với chính quyền để mưu cầu công ích và phục vụ tha nhân. Theo tinh thần Công Ðồng Vatican II giáo hội luôn bảo trì thái độ đối thoại làm phương tiện tiếp giao và giải quyết vấn đề. Trong đường hướng này, Ðức Giáo Tông Phaolô Ðệ Nhị ngày 3 tháng 12, 1996, trong thánh lễ riêng đặc biệt kỷ niệm 70 năm tấn phong các vị Giám Mục Trung Hoa đầu tiên và 50 năm thành lập phẩm trật Giáo Hội Trung Hoa, ngài đã nhân cơ hội hiếm có này bầy tỏ tâm tình: "Chính Phủ Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa cứ an tâm. Một Kitô hữu có thể sống đức tin dưới bất cứ một chính quyền nào". Ngài cũng không ngớt nhấn mạnh: "Ðừng kinh hãi Thiên Chúa, cũng đừng nên sợ Giáo Hội của Ngài. Ngược lại, trong tinh thần tôn trọng tự do chân chính là quyền lợi bẩm sinh của mỗi người, nam cũng như nữ, tôi thành khẩn xin họ cũng cho phép Kitô hữu mỗi ngày càng được cống hiến lực lượng và tài năng hơn để góp phần xây dựng quốc gia mình tiến bộ".

Ðối riêng với Hương Cảng trong dịp "hồi qui tổ quốc 97", Ðức Thánh Cha cũng đã đặc biệt gửi công hàm cho Ðức Hồng Y Hồ bộc bạch niềm hy vọng và lòng quan tâm của ngài: "Phục vụ Phúc Âm" và "Thực chất Ðoàn Kết" không những không được phép ngưng trệ, nhưng trong thực tế, Giáo Phận Hương Cảng từ nay trở về sau được kêu gọi để trở thành "một thành xây trên núi", "một ngọn đèn để trên giá cao" trong cả nước Trung Hoa.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page