Giáo Hội Tại Á Châu:

Thách Thức Ðối Với Kitô Giáo Á Châu

Gs. Phan Ðình Cho, Ðại Học Georgetown, Washington, USA

Nguyễn Văn Nội chuyển dịch từ tiếng Anh và giới thiệu

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


2. Thể Hiện Giáo Hội Một Cách Mới

(A New Way of Being Church)

 

Có một cách khác làm nổi bật điều mà tôi đã lưu ý khi nói rằng Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu có một tác động lâu dài, là các Giáo Hội Á Châu - với lòng can đảm và óc sáng tạo - phải tìm cho ra cách thể hiện Giáo Hội một cách mới và từ đó xây dựng một Giáo Hội học khác có thể thay thế. Ðây là một chủ đề được Liên Hội Ðồng Giám Mục Á Châu nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rất nhiều lần, đặc biệt trong Ðại Hội Toàn Thể lần thứ 3 tại Băng-cốc (Thái Lan) năm 1982 và lần thứ 5 tại Băng-đung (Indonesia) năm 1990. Như cuộc cách mạng Cô-péc-nic, Giáo Hội học ấy sẽ thực hiện một cuộc thay đổi quyết liệt: lấy Vương Quốc của Thiên Chúa làm trung tâm đời sống Ki-tô hữu thay vì coi Giáo Hội là trung tâm như từ trước đến nay. Các Ki-tô hữu không lấy Giáo Hội làm trung tâm mà lấy Nước Thiên Chúa làm trung tâm. Sứ mạng của họ không phải là mở rộng Giáo Hội và các cơ chế của Giáo Hội (plantatio ecclesiae) để giúp Giáo Hội mở rộng phạm vi ảnh hưởng mà để Giáo Hội trở nên dấu chỉ trong sáng và dụng cụ hữu hiệu của sự hiện diện cứu độ của Vương Quốc Thiên Chúa, vương quốc của công lý, hoà bình, tình thương mà Giáo Hội là hạt giống. Như Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu đã nói: "Ðược Chúa Thánh Thần hỗ trợ và làm cho có khả năng hoàn tất công cuộc cứu độ của Ðức Ki-tô trên trần gian, Giáo Hội chính là hạt giống của Nước Thiên Chúa, luôn náo nức mong cho Nước ấy ngự đến. Căn tính và sứ mạng của Giáo Hội không thể không có liên quan với Nước Thiên Chúa... Chúa Thánh Thần nhắc Giáo Hội nhớ rằng tự Giáo Hội không có cùng đích nơi mình: trong tất cả những gì Giáo Hội là và trong tất cả những gì Giáo Hội thực hiện, Giáo Hội hiện hữu là để phục vụ Ðức Ki-tô và cứu độ thế giới" (GHTAC, số 17). Cách thức mới để thể hiện Giáo Hội và Giáo Hội học mang tính cách mới ấy sẽ có những đặc điểm sau đây:

1. Trước hết, ở cấp địa phương cũng như ở cấp toàn cầu, Giáo Hội phải được coi là "sự hiệp thông của các cộng đoàn", trong đó giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ nhìn nhận và coi nhau như anh em chị em một nhà. Ở trung tâm mầu nhiệm Giáo Hội là sự hiệp thông nối kết Thiên Chúa với con người và nối kết con người với nhau mà Thánh Thể là dấu chỉ và là phương thế tuyệt vời.

Ðàng khác, Giáo Hội học này nhìn nhận sự bình đẳng cơ bản giữa các thành phần khác nhau của Giáo Hội địa phương với tư cách là môn đệ Ðức Giê-su và sự bình đẳng cơ bản giữa các Giáo Hội địa phương khác nhau với tư cách là các cộng đoàn môn đệ của Ðức Giê-su mà sự hiệp thông tạo nên Giáo Hội toàn cầu. Sự hiệp thông (koinonia) tạo nên Giáo Hội, cả ở cấp Giáo Hội địa phương, cả ở cấp Giáo Hội toàn cầu và từ đó xuất phát sự bình đẳng cơ bản của mọi Ki-tô hữu, bắt nguồn từ đời sống thâm sâu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong đó có sự hiệp thông trọn vẹn của ba Ngôi bằng nhau. Nếu sự bình đẳng cơ bản của tất cả mọi Ki-tô hữu này không được nhìn nhận thì Giáo Hội không thể trở thành "sự hiệp thông của các cộng đoàn" tại Á Châu. Sống sự bình đẳng cơ bản ấy là việc hết sức khó tại Á Châu, không chỉ vì sự nhấn mạnh đến tính phẩm trật của Giáo Hội có thể làm lu mờ và hạn chế sự bình đẳng ấy mà còn vì điều đó trái nghịch với ý thức về giai cấp của nhiều xã hội Á Châu.

Hơn nữa, nhìn Giáo Hội là "sự hiệp thông của các cộng đoàn" và hệ quả tất nhiên của cách nhìn ấy là tính bình đẳng cơ bản, là điều kiện không thể thiếu (sine qua non) để chu toàn sứ mạng của Giáo Hội. Nếu Giáo Hội không là sự hiệp thông, Giáo Hội không thể chu toàn sứ mạng truyền giáo của mình, vì Giáo Hội không là gì khác ngoài là sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau. Như Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu đã khẳng định: "hiệp thông và truyền giáo không thể tách rời nhau" (số 24).

2. "Tính môn đệ của những con người bình đẳng" dẫn tới đặc điểm thứ hai của việc thể hiện Giáo hội một cách mới tại Á Châu, đó là bản chất mọi thừa tác cùng tham gia và hợp tác trong Giáo hội: "Ðó là Giáo hội mà mọi người đều tham gia trong đó hồng ân mà Thánh Thần ban cho hết mọi tín hữu - giáo dân, tu sĩ và linh mục - được nhìn nhận và được đưa vào hành động, để Giáo hội có thể được xây dựng và chu toàn sứ mạng của mình" (5). Bản chất mọi người cùng tham gia cần phải được sống không chỉ ở trong nội bộ Giáo hội địa phương mà cả ở giữa tất cả các Giáo hội địa phương với nhau, kể cả với Giáo hội Roma nữa, dĩ nhiên là với sự nhìn nhận thẩm quyền của Ðức Giáo Hoàng. Trong bối cảnh ấy, cần khuyến khích việc đọc lại khẳng định sau đây của Tông Huấn: "Thật vậy, chính khi đặt mình trong viễn tượng hiệp thông Giáo hội, người ta mới thấy rõ hơn thẩm quyền của Ðấng Kế Vị Thánh Phêrô mang tính phổ quát, không phải một quyền hành mang tính pháp lý trên các Giáo hội địa phương mà là sự trổi vượt mang tính mục vụ nhằm xây dựng sự hiệp nhất trong đức tin và đời sống của toàn thể Dân Chúa." (GHTAC, số 25). "Thẩm quyền mục vụ" phải làm hết sức có thể để phát huy tính đồng trách nhiệm và sự tham gia của tất cả mọi Giáo hội địa phương trong ba sứ vụ: giảng dậy, thánh hóa và phục vụ trong Giáo hội và phải làm thế nào để những từ ngữ ấy không chỉ dừng lại ở những lời thuyết giảng đạo đức mà phải sinh hoa kết trái trong các cơ chế và hành động. Nếu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu chứng tỏ được rằng các Giáo hội Á Châu có điều gì đó dể dậy Giáo hội Roma và Giáo hội toàn cầu, thì Huấn Quyền trong Giáo hội không còn được quan niệm như con đường một chiều từ Roma đến các Giáo hội địa phương. Thay vào đó, phải là việc học hỏi và dạy dỗ lẫn nhau, phải là việc khích lệ và sửa sai lẫn nhau giữa Giáo hội Roma và các Giáo hội khác, tức giữa tất cả mọi Giáo hội địa phương. Chỉ bằng cách đó thì sự sửa sai mới có thể được hiểu bằng một khái niệm rộng rãi, nhất là trong các quốc gia với các Giáo hội được mệnh danh là Giáo hội quốc gia hay Giáo hội yêu nước, rằng thì là Giáo hội Kitô giáo tại Á Châu là một tổ chức nước ngoài (thật ra là một tổ chức quốc tế), có thể so sánh được với các tổ chức đa quốc gia, rằng Giáo hội ấy phải nhận lệnh từ một quyền bính nước ngoài. Trong bối cảnh này, có lẽ sẽ hữu ích khi đưa ra nhận định rằng để không gây hiểu lầm, chúng ta nên tránh xử dụng một vài kiểu diễn tả mối quan hệ giữa Giám mục địa phương và Giám mục Roma, thịnh hành trong một số giới thuộc giáo hội. Tôi muốn nhắc đến từ "trung thành" và "vâng phục" là hai từ đặc trưng cho thái độ của các Giám mục đối với Ðức Giáo Hoàng. Nhưng đối với người Á châu thì các từ ấy không thể không gợi lên những cam kết phục tùng của các chư hầu đối với các lãnh chúa trong chế độ phong kiến. Không kể sự kiện là trong Giáo hội sự "trung thành" không thuộc về một người nào khác ngoài một mình Ðức Ki-tô mà thôi và vị Giám mục không mang ơn đối với Ðức Giáo Hoàng về chức vụ Giám mục của mình cũng không phải là phụ tá của Ðức Giáo Hoàng, nên theo thần học mà nói thì việc thích hợp hơn là phải diễn tả và sống mối quan hệ giữa Giáo hội địa phương và Ðức Giáo Hoàng bằng các ý niệm của từ Giám mục đoàn và tình liên đới. Chỉ bằng cách ấy thì trách nhiệm giảng dậy của Giáo Hội và thừa tác vụ cổ võ sự hiệp nhất của Ðức Giáo Hoàng mới có thể được thực thi một cách có hiệu quả, khi học hỏi được nhiều kinh nghiệm phong phú khác nhau về cách thể hiện Giáo hội từ khắp bốn phương trời trên địa cầu này và khi đón nhận sự sửa lỗi đầy kính trọng nhưng chân thành trong trường hợp có sai phạm lỗi lầm do tâm trí hẹp hòi, do kiêu căng về luân lý và do u tối về tâm linh.

3. Ðặc điểm thứ ba của việc thể hiện Giáo Hội một cách mới tại Á Châu là tinh thần đối thoại: "Ðược xây dựng giữa lòng các dân tộc, đó là Giáo Hội mà chứng từ đầy lòng tin và tình yêu thương đối với Chúa Phục Sinh và truyền tới những người có niềm tin và xác tín tôn giáo khác nhờ sự đối thoại về sự giải phóng toàn diện của tất cả mọi người" (6). Ngay từ Ðại hội toàn thể lần đầu tiên họp tại Taipei, Ðài Loan, năm 1974, Liên Hội đồng Giám mục Á châu đã nhắc đi nhắc lại rằng trọng trách đầu tiên của các Giáo hội Á châu là Loan Báo Tin Mừng. Nhưng Liên Hội đồng Giám mục Á châu cũng thường chủ trương rằng Giáo hội chỉ có thể thực hiện được trọng trách ấy tại Á Châu bằng con đường đối thoại với các Nền Văn Hoá Á Châu, với các Tôn Giáo Á châu và với chính người Á Châu, nhất là những người nghèo (7). Tông Huấn nhắc lại sự cần thiết của cuộc đối thoại này. Trong cuộc đối thoại với các Nền Văn Hóa Á châu (hội nhập văn hóa), Tông Huấn làm nổi bật các lãnh vực Thần Học, Phụng Vụ và Thánh Kinh (GHTAC, số 22). Trong cuộc đối thoại với các Truyền Thống Tôn Giáo khác, Tông Huấn nhấn mạnh cuộc đối thoại mang tính đại kết và giữa các tôn giáo. Tông Huấn lập lại đề nghị 41 của Thượng Hội Ðồng Giám Mục Á Châu: "Những quan hệ giữa các Tôn Giáo sẽ được mở mang cách tốt đẹp, nhất là khi mọi người sống trong bầu khí cởi mở với nhau, có ý muốn lắng nghe, tôn trọng và thông cảm người khác trong những khác biệt của họ. Ðể làm được tất cả những việc này, cần phải biết yêu thương tha nhân. Từ đó mới có sự hợp tác, hòa hợp và làm giầu cho nhau" (GHTAC, số 31). Trong cuộc đối thoại với người nghèo, Tông Huấn khẳng định cần phải có tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo (cách riêng những người dân nhập cư, các dân tộc và bộ lạc gốc bản xứ, phụ nữ và trẻ em), bênh vực quyền con người, chăm sóc về y tế, giáo dục, kiến tạo hoà bình, hủy bỏ nợ nước ngoài và bảo vệ môi sinh (GHTAC, số 32-41). Hẳn nhiên nếu Giáo Hội Ki-tô giáo phải trở thành Giáo Hội của Á Châu thực sự, thì các Ki-tô hữu Á Châu phải dấn thân, một cách kiên cường và toàn tâm toàn ý, vào cuộc đối thoại bằng "cuộc sống và trái tim" với ba đối tác trên. Và bằng cách đó họ thực thi quyền và trách nhiệm của mình là Loan Báo Ðức Giê-su cho những người đồng hương Á Châu khác.

Trong bối cảnh Loan Báo Tin Mừng và đối thoại với các Nền Văn Hóa, với các Tôn Giáo và với người nghèo Á Châu, có lẽ sẽ nẩy sinh vấn đề đang được tranh cãi là phải Loan Báo Ðức Ki-tô là Ðấng Cứu Ðộ và là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất như thế nào tại Á Châu. Tông Huấn khẳng định rằng "Không thể có sự Phúc Âm hóa thật sự nếu không có việc công khai loan báo Ðức Giêsu là Chúa" (GHTAC, số 19) và rằng sự Loan Báo ấy "không phải là do một động cơ phe phái hay do tinh thần chiêu mộ tín đồ hoặc bởi sự trịch thượng nào" mà "chỉ vì muốn tuân theo mệnh lệnh của Ðức Kitô" (GHTAC, số 20). Vì thế cho nên sự Loan Báo ấy phải được thực hiện với lòng kính trọng đối với cả hai phía: "một đàng tôn trọng con người trong hành trình tìm kiếm những giải đáp cho những vấn nạn sâu xa nhất của cuộc sống, đàng khác tôn trọng hoạt động của Chúa Thánh Thần nơi con người" (GHTAC, số 20).

Về việc phải loan báo như thế nào về Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất thì Tông Huấn thẳng thắn nhìn nhận rằng sự loan báo ấy "đã đụng phải những khó khăn về triết học, văn hóa và thần học, nhất là nhìn từ những niềm tin có trong các Tôn Giáo lớn của Á châu, vốn quyện rất chặt với các Nền Văn Hóa và các thế giới quan riêng biệt" (GHTAC, số 20). Nỗi khó khăn này là do sự kiện đã được nhắc đến ở trên là, Ðức Ki-tô được coi là người xa lạ đối với Á châu, như một gương mặt Tây phương hơn là một gương mặt Á châu. Ở đây Tông Huấn đáng được ca tụng vì đã yêu cầu ba điều quan trọng sau đây:

* một công cuộc giáo dục tiệm tiến về việc Loan Báo Ðức Giê-su là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất (8),

* xử dụng cách kể chuyện để bổ sung cho các hệ (thần học) trong việc Loan Báo ấy (9) và

* nhìn nhận có sự khác biệt chính đáng trong các cách tiếp cận để Loan Báo về Ðức Giêsu (10).

Ðây không phải là chỗ để tranh luận thần học về chủ nghĩa khử trừ, dung nạp và đa dạng, nhưng theo sự phán đoán của tôi, vấn đề Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất là vấn đề lý thú có lẽ trong thần học, nhưng là một kiều nói vô bổ trong giảng dậy và giáo lý. Nguyên do là vì mục tiêu trực tiếp của việc Loan Báo Tin Mừng là làm cho người ta đón nhận Ðức Giêsu là "Ðấng Cứu Ðộ của họ" (Personal Savior) - nếu muốn dùng cách nói mà các Kitô hữu thuộc Phong trào Thánh Linh rất thích dùng - chứ không phải là "Ðấng Cứu Ðộ duy nhất". Ðiều được nhắm tới là sự dấn thân có tính cá nhân và trọn vẹn của người tân tòng đối với Ðức Giêsu chứ không phải là sự khước từ việc có thể có những cách thức khác mà Thiên Chúa có thể dùng để đến với người khác. Câu hỏi mang tính sống còn vượt trên tất cả không phải là các dân tộc khác có thể được cứu độ hay không và được cứu độ bằng cách nào nhưng là câu hỏi "bằng cách nào tôi có thể đi vào mối quan hệ cá vị (personal) với Thiên Chúa một cách sung mãn?" Khi một người nào đó đã khám phá ra rằng Ðức Giê-su là con đường giúp người ấy đạt tới Thiên Chúa thì lúc đó với kinh nghiệm cá nhân của mình, người ấy có thể làm chứng về sự kiện ấy với người khác. Sức mạnh và lòng nhiệt thành của chứng nhân không phát sinh từ sự xác tín có tính thần học rằng Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất nhưng xuất phát từ kinh nghiệm sâu xa rằng Người là Ðấng Cứu Ðộ của tôi (Personal Savior for me). Trong giảng dậy khi tôi bị hỏi về các tôn giáo khác và về các khuôn mặt cứu độ khác thì tôi sẽ phải công nhận, một cách vui vẻ và biết ơn rằng các tôn giáo và các khuôn mặt cứu độ khác có nhiều yếu tố tốt và có sự hiện diện cứu độ của Thánh Thần Thiên Chúa nơi họ; nhưng tôi sẽ làm chứng rằng Ðức Giê-su là con đường cho tôi đến với Thiên Chúa và tôi sẽ mời họ thử đi vào con đường này xem. Nếu họ chấp nhận Ðức Giêsu là con đường của họ để tới Thiên Chúa thì khi ấy tôi sẽ cho thấy rằng Ðức Giêsu là Ðấng Cứu Ðộ phổ quát và duy nhất, nghĩa là Ðấng Cứu Ðộ của tôi cũng như của những người khác.

4. Ðặc điểm thứ bốn và là đặc điểm cuối cùng của việc thể hiện Giáo hội một cách mới tại Á châu là tính ngôn sứ: "Giáo hội là men biến đổi trong thế giới này và là dấu chỉ ngôn sứ dám nhìn xa hơn thế giới hiện tại để hướng tới Nước Thiên Chúa là Triều Ðại đang đến nhưng chưa đến trọn vẹn" (11). Trong những gì có liên quan tới Á châu, thì nếu muốn làm "men biến đổi thế giới", Ki-tô giáo phải từ bỏ tham vọng của mình đã gắn liền với những giai đoạn truyền giáo hồi đầu thế kỷ 20, để kéo đại đa số người Á châu về với Ðức Ki-tô. Nói về cái chết của các tôn giáo Á châu xem ra có vẻ quá sớm và đã được phóng đại một cách quá đáng. Tại Á châu, nơi mà các Kitô hữu vẫn còn là một thiểu số rất khiêm tốn trong dân chúng sau 4 thế kỷ truyền giáo và nơi mà các tôn giáo không phải là Kitô giáo đã tỏ cho thấy có sức cạnh tranh lớn lao, thì viễn tượng người ta trở lại hàng loạt với đức Tin Kitô giáo là hoàn toàn không thể xẩy ra. Các Kitô hữu Á châu phải đi đến chỗ nhận ra sự kiện này là họ sẽ mãi mãi là một "nhóm nhỏ còn sót lại" đồng hành với các tín đồ của các tôn giáo khác trong cuộc hành trình tiến về Vương Quốc của Thiên Chúa.

Mục tiêu của việc truyền giáo "làm cho muôn dân trở thành môn đệ" (Mt 28, 19) của Giáo hội tại Á châu vì thế không thể là càng có thêm nhiều tín hữu càng tốt, bằng phép rửa "nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt 28,19) mà sẽ được coi như là mục tiêu đáng ước ao của việc truyền giáo của Giáo hội. Ðúng hơn thì trách nhiệm ưu tiên hàng đầu của Giáo hội là trở nên "dấu chỉ ngôn sứ" đáng tin cậy của Nước Thiên Chúa đang đến. Trọng tâm mới này của việc truyền giáo của Giáo hội phải là ngọn đèn soi sáng việc sắp đặt các mối ưu tiên và sự chọn lựa các chiến lược không nhằm mục tiêu phục vụ các lợi ích nội bộ của Giáo hội mà nhằm Loan Báo Tin Mừng xuyên qua cuộc đối thoại với ba đối tác đã đề cập ở trên.

Có một cách diễn tả rất hữu ích về sứ mạng của Giáo hội mà Thomas Thangaraj đã thực hiện là nhìn sứ mạng ấy là một phần và là sự hoàn tất sứ mạng của chính nhân loại bao gồm ba nhiệm vụ cơ bản là: tính trách nhiệm, tình liên đới và sự hỗ tương. "Tính trách nhiệm" theo Thangaraj có nghĩa là con người là sinh vật thoát ra khỏi chính mình và quay lại với chính mình trong lương tâm có suy nghĩ, lý giải chính mình và với một cảm nhận tính hiệu quả biết lãnh lấy trách nhiệm về chính mình và về các hành động của mình. Nhiệm vụ này con người phải chu toàn trong tình liên đới và hỗ tương giữa người này với người khác (12). Ðiều mà sứ mạng của người Kitô hữu thêm vào sứ mạng của nhân loại - nhờ niềm tin của mình - là làm cho ba nhiệm vụ trên có một cung cách mới: tính trách nhiệm mang dấu tích "bị đóng đinh thập giá", tình liên đới "có tính giải phóng" và sự hỗ tương "mang tính cánh chung" (13).

Hệ quả của cách nhìn sứ mạng truyền giáo như trên là các Giáo Hội của Á Châu phải thiết lập không chỉ các Cộng Ðoàn Ki-tô Cơ Bản (Basic Christian Communities) mà Tông Huấn đã khuyến cáo cách mạnh mẽ (đọc TH.GHTAC, số 25) mà còn phải xây dựng cả các Cộng Ðoàn Nhân Sinh Cơ Bản (Basic Human Communities). Vì các Kitô hữu Á Châu cần phải hợp tác với những người đồng hương Á Châu của mình trong nhiệm vụ thăng tiến nhân sinh, nên các Cộng Ðoàn Nhân Sinh Cơ Bản cũng cần thiết không kém các Cộng Ðoàn Ki-tô Cơ Bản để Giáo Hội trở thành dấu chỉ ngôn sứ của Nước Thiên Chúa. Các Cộng Ðoàn Nhân Sinh Cơ Bản làm cho người Kitô hữu mở rộng các mối quan tâm của mình vượt ra ngoài khuôn khổ của các bức tường chật hẹp của các ngôi thánh đường và đặt họ vào tư thế đối thoại "bằng đời sống và trái tim" với các tôn giáo khác kể cả với những người không tin.

 

Gs. Phan Ðình Cho, Ðại Học Georgetown, Washington, USA

Nguyễn Văn Nội chuyển dịch Việt ngữ từ tiếng Anh

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page