GIÚP NHAU
TÌM SỐNG THEO Ý CHÚA

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Những nền tảng và lý do

Ngay đầu sách Thần thao, ở phần Yếu chú (annotations), thánh I-nhã đã dặn kỹ người giúp tĩnh tâm phải "để đấng Tạo hóa hành động với thụ tạo (tức người tĩnh tâm), và thụ tạo với ngài, mà không qua trung gian" (điều 15). Vâng, việc hướng dẫn Thần thao và việc linh hướng nói chung thường chỉ là trợ giúp bên ngoài, giúp sao cho ở bên trong, tân lang và tân nương có thể thong dong trao đổi với nhau (Yo. 3.28-30), tân nương để hiểu ý Chúa, Chúa để ngỏ ý với hồn.

Vâng, ý Chúa là cái quan trọng nhất mà hồn phải tìm và sống theo suốt hành trình nên thánh. Vì ý Chúa, đó là kim chỉ nam cần thiết cho anh giữa biển đêm mịt mờ. Bởi thế, ngay ở yếu chú đầu, I-nhã đã định nghĩa Thần thao là "bất cứ phương thức nào để chuẩn bị cho hồn, gạt ra khỏi hồn những vấn vương lộn xộn, gạt được rồi thì giúp tìm và khám phá ý Chúa về cuộc đời, vì ích lợi của đương sự".

Vâng, tìm theo ý Chúa, chứ không phải sở thích của mình. Cũng chẳng phải của ai khác, dù đây là linh hướng hay bề trên, dù có khi ý Chúa được lộ qua những người ấy.

Tự sâu thẳm của lòng, nếu quả tôi lắng nghe, thì Chúa vẫn nói, nói về những gì Ngài muốn đối với tôi. Nhưng không phải hễ Ngài nói, thì tôi biết chắc được đấy là Ngài (chứ không phải quỷ hay chính tôi) và hiểu được ý Ngài. Do đó, tôi cần đến sự cố vấn của người giàu kinh nghiệm và kiến thức. Tôi cũng nên nhớ, lắm lúc Chúa còn nói qua "dấu chỉ thời gian", qua cộng đồng hay qua người này, người kia nữa.

Tại sao lại phải qua người khác? Và trong những điều kiện nào đây? Làm thế nào biết được và phải cư xử ra sao? Biết bao câu hỏi khó, mà lời đáp đúng lại rất cần.

* * *

Theo Chúa Yêsu, thì chúng ta chỉ có một Cha là Thiên Chúa, và một Thầy là Con Ngài thành người (Mt. 23.8-10). Thế nhưng Phaolô cũng tự coi mình là Cha, kẻ bằng Tin mừng đã "sinh ra", bằng giáo huấn đã uốn nắn, dạy dỗ. Làm thế nào đây để dung hòa hai ý nghĩ ấy? Hay nói cho đúng, làm thế nào để giải thích sự có mặt của những người cha cạnh đấng Cha duy nhất, của những người thầy bên đấng Vạn thế sư?

Thật ra, dù cấm gọi ai trên đời là Cha, Ðức Yêsu vẫn dạy ta dưỡng nuôi phụ mẫu (Mt. 15. 4-6), bởi phụ tính sau là phản ảnh của phụ tính trước (Eph. 3.15). Vâng, nếu hai kẻ nào đó có quan hệ phụ-tử hoặc sư-đồ, chẳng qua họ cũng đã được biệt định trong những liên đới như thế, nhờ thế mới có cuộc sống cộng đồng, kể cả cộng đồng thiêng liêng trong Giáo hội. Trong cộng đồng Giáo hội này, chẳng những chúng ta thành thủ túc của nhau, mà còn thành môi giới, máng chuyển ân sủng cho nhau nữa. Nói chi đến truyền đạt chân lý Phúc âm! Ðó là lý do khiến ta có thể cầu với Ðức Mẹ, các thánh, có thể xin người khác cầu cho mình. Ðó cũng là lý do khiến chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau và nhờ nhau chỉ dẫn cho về mặt thiêng liêng.

Chính đây cũng là ý định của Thiên Chúa khi thành lập Giáo hội để cứu nhân độ thế, qua Giáo hội ấy. Chúa đã nói với chúng ta qua các tông đồ, do đó truyền thống tông đồ vô cùng quan trọng. Bằng đức tin được tắm gội trong truyền thống này, người đi trước sẽ truyền cho người đi sau, người có kinh nghiệm và hiểu biết sẽ dìu dắt kẻ non nớt, để tất cả san sẻ cho nhau và đồng hành được với nhau.

Khả năng và giới hạn của việc linh hướng

Sống thiêng liêng, con người sống bằng ân sủng Chúa. Ân sủng là sự sống, và tính năng động của sự sống ấy thể hiện ở những khuynh hướng cơ bản được phân thành Tín, Vọng, Ái. Tín-Vọng-Ái khiến ta đeo cứng lấy Chúa để sống vọt lên từ Chúa. Thấm nhiễm trí năng, đức tin khiến ta biết từ sâu thẳm bằng cái biết của Chúa. Từ đó sinh ra ơn phân định. Ơn phân định đưa luồng sáng tri thức trên chiếu sáng các ngóc ngách cuộc sống để ta nhận ra — đúng hơn: cảm nhận — cái gì hay điều gì là hợp, là không hợp. Theo Diadoque của Photixê, thì đây là thứ nhạy cảm (aisthêsis) do đức Ái mà có.

Thật ra, ơn phân định thường không phải là con đẻ của một đức tin (hay đức Ái) nơi đứa bé đã chịu phép Rửa nhưng chưa được giáo dục về đạo. Phải có sự học hỏi (từ ngoài) và sống nghiệm để nó mọc lên và phát triển. Do đó, sự cần thiết của Lời Chúa. Lời Chúa được nói ra bằng miệng, nghe thấy bằng tai, nhờ xe chở của ngôn từ. Lời Chúa cũng không phải là bài học khoa học. Nó được đọc lên và nghe trong niềm tin, và được thấm lấy vào hồn nhờ thầy dậy bên trong là Thần khí. Và đây là vai trò của Thần độc (lectio divina). Theo André Louf, "việc nghe (Lời Chúa bằng thần độc) đó làm nên một chìa khóa thật sự, và chắc chắn là chìa khóa thiết yếu, của mọi phân định thiêng liêng".

Thần độc là lối đọc kinh thánh bằng tâm, chứ không bằng trí qua chú giải khoa học mà đích nhắm chỉ là xác định ý nghĩa khách quan của ngôn từ, Không ai chối cãi rằng việc chú giải hết sức cần, để xuyên qua hình thức, ta nắm được nội dung, để rồi qua ý nghĩa khách quan này, nhờ thần độc ta sẽ đạt tới (và nhiễm lấy) nội dung thiêng liêng mà nội dung trước là vỏ bọc.

Như đã nói trên, bằng thần độc, chúng ta nghe Lời Chúa, nghe bằng Thần khí của ngài đang lấy từ Ngài mà dạy lại cho ta, dạy từ sâu bên trong, bằng con đường của thần (noũs) hơn là của lý. Bằng thần độc, chúng ta không khảo sát những ngôn từ hay tư tưởng của hai ngàn năm trước, mà nghe đích miệng Ðức Kytô đang nói với ta và cho ta hôm nay, trong hoàn cảnh và điều kiện sống thực có bây giờ. Bởi thế, Lời Chúa không phải là Lời-ký-ức, nhưng là Lời-biếncố, nghĩa là mới mẻ và sống động, xói thẳng vào tim tôi và vạch lối đi cho tôi.

Ðể Lời Chúa thành biến cố cho tôi như thế, thì tôi phải đọc trong tinh thần nhu thuận đón đợi, không phải để tự mình hiểu cho bằng để Thần khí Chúa mở trí cho tôi hiểu. Nghĩa là làm sao để trong tôi vang lên tiếng Chúa nói với tôi qua và trong sự thông dịch của Thần khí.

* * *

Tại sao Lời Chúa vẫn mãi tác động, và tác động hiện sinh như vậy?

Thưa, vì Lời Chúa là vĩnh cửu, và dù Lời Chúa được xướng lên bằng lời người, nội dung vẫn vượt xa hơn cái mà lời người có thể diễn tả. Lời, ở chỗ là lời người, luôn bị gò bó trong khuôn khổ của không gian, thời gian, văn hóa, giáo dục của người nói, do đó theo thời gian cũng xơ cứng dần dần. Chứ Lời, ở chỗ là Lời Thiên Chúa, dù được chở mang bởi lời người, cũng vẫn tự do và sống mãi, nên luôn hợp cảnh, hợp thời và hợp mọi người.

Càng sống và thích ứng hơn nữa khi mà trong đó có Thần khí luôn lấy dậy lại cho tôi (Yo. 16.13; 14.26). Vâng, nếu tôi ở trong thái độ lắng nghe của đức tin, thì Thần khí luôn có mặt để "tái truyền hứng", khiến lời kinh thánh vang lên một cách trầm ấm từ sâu thẳm lòng tôi, khiến tôi hiểu ra và thấm lấy. Và đấy là sức mạnh vĩnh cửu của Lời.

Bằng Lời Chúa thấm dần vào như thế, đức tin lớn lên sẽ nắn đúc con người nội tâm của tôi và đánh bóng một tấm gương chiếu thần (chứ không phải chiếu yêu), khiến những gì bắt gặp, được chiếu lên trên đó, sẽ cho thấy ngay có dạng hình, hơi hướm của Chúa hay không. Ngược lại, những gì xuất ra từ đấy, dù cảm nghĩ, lời nói hay cách sống, luôn là phản ảnh của Lời. Do đó, Lời Chúa không chỉ hiện thể ở Thánh kinh, mà còn phảng phất đâu đây trong các tác phẩm phụng vụ hay tu đức, trong tư tưởng thần học của những con người vừa sống Lời, vừa hiểu Lời bằng sự uyên bác của mình.

Nhào nặn con người nội tâm và đánh bóng tấm gương chiếu thần, Lời Chúa đẻ ra trong đức tin một sự nhạy bén (aisthêsis), mà thánh Phaolô gọi là ơn phân định (diakrisis). Chính nhờ ơn phân định này mà ta nhận ra cái gì là chân, cái gì là giả, cái gì là tùy, cái gì là chính, nhất là cái gì do Chúa và cái gì do bóng đêm.

Ta hãy nghe sự đánh giá của thư Hy bá lai:

"Lời Thiên Chúa thật sống động, mạnh và sắc như gươm hai lưỡi. Lời xuyên thấu đến tận chỗ giao nhau của hồn phách và tinh thần... Lời sàng lọc những tâm tình và ý nghĩ. Chẳng gì thoát khỏi sự soi rọi, mà tất cả bị phơi bầy trần trụi, tất cả bị khống chế do (đấng) mà ta phải đến tính sổ với" (4.12-13).

Lời Chúa quả sắc như dao sẽ qua phân sáng tối rạch ròi. Nghĩa là cái thần (noũs) được mài sáng như gương bằng Lời sẽ soi thấu cái gì là đúng, là phải, tách khỏi cái gì là quấy hay sai. Cái thần hay tâm ấy đã thành thần hay tâm ngôn sứ để nói lên ý Chúa, với khả năng nhìn ra vị thế của tất cả những gì đang diễn ra (dù cho mình hay cho thế giới) ở chân trời Lịch sử cứu độ.

Bởi thế, kẻ mang đoàn sủng phân định là kẻ chẳng những sáng việc mình, mà có thể sáng việc người luôn, nhờ đó giúp họ nhìn ra ý nghĩa của các sự kiện và hiểu được đường đi của Chúa tự sâu trong hồn mình. và đây là hiệu quả của sự xức dầu Thần khí mà Yoan nói đến trong 1Yo.2.27:

"Với anh chị em, thì việc xức dầu nhận từ Ngài vẫn còn đó nơi anh chị em, khiến anh chị em không cần ai dạy dỗ nữa. Sự xức dầu của Ngài đã dạy anh chị em tất cả..."

Thật ra, con đường phù hợp với Tin mừng cho một ai đó có thể có nhiều ngả khác nhau. Ý Chúa cụ thể thường ở một trong những ngả đó, và đây là điều mà ta phải tìm. Ðể tìm cho có hiệu quả, thì phải biết Chúa quen nói qua ai và nói bằng cách nào, trong những điều kiện ra sao. Người mà Chúa phải nói với trước tiên là chính đương sự, rồi sau đó mới là linh hướng, bề trên, cộng đồng hoặc những ai khác có liên đới, nhất là trách nhiệm. Còn chỗ mà từ đó Chúa muốn nói ra là bề sâu tâm hồn, nói bằng những thúc động ở đó. Hiệu quả của thúc động là vượng cảm đầy khí vị thần thánh, thiêng liêng nó đi đôi với một bình an sâu xa.

Do đó, việc của đương sự, cũng như của linh hướng hay cộng đồng là phải đi vào cầu nguyện, đạt tới thái độ nhu thuận và bất thiên. Phương thế tốt nhất linh hướng phải dùng, theo Maurice Giuliani, là cầu nguyện của chính kẻ thụ hướng. Hãy giúp thụ hướng đi vào cầu nguyện một cách trung kiên, không phải vì thấy sốt sắng cho bằng vì đây là điều cần, là bổn phận, một bổn phận cao quý biết bao.

Trước đấng là Tất cả cho mình, thụ hướng phải cầu trong thái độ nhu thuận của đức Tin. Hiệu quả của một cầu nguyện kiên trì và chính hiệu sẽ là niềm siêu thoát và bình an, sự bất thiên và tin tưởng, ít là ở bề sâu tâm hồn.

Một khi lòng đã lắng xuống và tâm bất thiên như thế, thì ý Chúa sẽ nổi lên qua thúc động (motion). Vấn đề khi ấy chỉ còn là kiểm chứng xem thúc động có đúng do Chúa hay không, và chúng mang ý nghĩa gì. Một khi hồn đã chìm sâu trong Chúa và đạt tới thái độ nhu thuận, bất thiên ấy, thì cái mà hồn muốn sẽ tám chín phần mười là cái mà Chúa muốn, nhất là khi ý muốn (có ý nói: khuynh hướng nội tâm) của hồn thường không thay đổi mỗi khi ở vào trạng thái này.

Ðể cho chắc, linh hướng có thể nêu lên những trở ngại, khó khăn, giúp thụ hướng xác định và củng cố trong khi thanh luyện ước muốn của mình. Chính linh hướng cũng nên cùng cầu nguyện với thụ hướng để Chúa soi cho cả hai bên, và hiệp thông hai bên cho cùng một ánh sáng ấy.

* * *

Theo tôi nghĩ, ơn phân định có thể thiên về lý hay tâm. Khi thiên về tâm, thì "lòng đầy, miệng nói" (Mt.12.34), ơn Chúa sẽ rót cho linh hướng để linh hướng "tiếp vận" cho người được chỉ định. Còn nếu thiên về lý, thì ánh sáng khách quan, lạnh lẽo ấy chỉ chuyển qua những Caipha như công cụ gratis data để đến tai người nghe (Yo. 11.49-51; 18.14).

Ở trường hợp trên — và cũng chỉ trong trường hợp ấy thôi—, ơn phân định luôn là kết quả của canh tân và sống nghiệm nơi kẻ có chức năng cố vấn hay linh hướng:

"Hãy biến cải trong sự canh tân của thần (noũs), nhờ đó định phân đâu là ý Chúa, tức đâu là điều tốt, hài lòng Ngài và thánh thiện cho ta" (Rom. 12.2).

Chỉ có sự hoàn thiện và canh tân bên trong đó mới khiến ta thành con cái Thần khí thực sự, cũng như khiến cho các con Thần khí dễ nhận ra nhau, như thể có bà con với nhau. Và đây là nền móng cho sự hiệp thông giữa những linh hướng, thụ hướng chính hiệu, nhất là nền móng cho một phân định cộng đồng quan yếu. Một phân định cộng đồng như thế chỉ hoàn thành trong những buổi cầu nguyện chung chúng làm nảy sinh sự "ý hợp tâm đầu" (homo-thumadon), tức hiệp thông trong cùng một Thần khí sáng soi và thúc động.

Cầu nguyện, nhất cầu nguyện chung, chính là môi trường thiết yếu nhất cho hiện diện của Thần khí vốn là đấng cầu trong mọi lời cầu chính hiệu của ta (Rom. 8.26). Thần khí ấy còn là Thần khí của hiệp thông nữa, nên khi muốn được soi sáng về cùng một vấn đề, thì bề dưới với bề trên, linh hướng với thụ hướng, cũng như anh chị em trong cộng đồng với nhau, tất cả hãy cùng quỳ xuống, cùng hướng về Chúa đang ở giữa chúng ta và trong sâu thẳm những tâm hồn, để bày tỏ niềm tin và thái độ đón chờ của chúng ta.

Lịch sử sự đồng hành

Trong mấy tôn giáo lớn Á châu, kẻ bước vào đường tu, thường cần người hướng dẫn. Trong Ấn giáo, trước khi thành cư sĩ (lập gia đình), thiếu niên phải làm tập sinh (brahmacârin), học đạo lý và kyï sắc dục. Ðể thành tập sinh, cậu đến thụ giáo với một bậc thầy, người vừa dạy dỗ, vừa hướng dẫn và kiểm sát đức hạnh. Ðối với ai bỏ đi tu hẳn, họ càng cần đến sư phụ hơn. Cứ vài chục tu sinh Jaina-giáo, lại có một sư phụ như thế đêm ngày sống bên họ. Riêng trong Phật giáo Nhật bổn, kẻ đứng đầu một thiền viện phải là người chứng ngộ rồi, và được hội đồng các bậc thầy đắc đạo xác nhận cho như thế sau khi đã thẩm sát kỹ.

Trong Kytô-giáo thời tông đồ, việc giúp đỡ, khuyên nhủ nhau tùy đoàn sủng là điều thường diễn ra trong các cuộc hội họp. Riêng ơn phân định được nói đến rất nhiều, vừa như một trong những đoàn sủng, vừa như điều kiện để nên người lớn về mặt thiêng liêng.

Việc linh hướng chuyên nghiệp chỉ chính thức bắt đầu với sự phát triển của đời sống hoang mạc. Các thủy tổ của đường tu, đáp lời gọi Phúc âm, đã bỏ hết theo Thầy, không phải để đi công bố Tin mừng nữa, mà để sống Tin mừng ấy. Một mình vào giữa rừng, họ cầu với Chúa và chiến đấu với Satan. Chốn hoang vắng này, thánh Athanase gọi nó là "Núi" (số ít), có lẽ để diễn tả việc lội ngược dòng gian khổ, cưỡng lại sức lôi kéo của bản năng.

Sau những năm dài của "cuộc chiến thiêng liêng" (combat spirituel) này, họ thay đổi sâu xa trong Chúa, và sự lành thánh bên trong tỏa sáng bằng sắc thái an nhiên. Với kinh nghiệm dồi dào về cuộc chiến, họ trở thành trưởng thượng (ancien), thành thầy. Vì "hữu xạ tự nhiên hương", người ta kéo nhau đến thụ giáo với các bậc thầy như thế. Ðệ tử mới đến được sống trong lều của một đạo phụ (abba) hay một trưởng lão (ancien) được chỉ định. Ðạo phụ hay trưởng lão là người cha và thầy thiêng liêng, sẽ khai tâm và dìu dắt họ vào nếp tu hoang mạc bên ngoài và vào cuộc leo núi hay chiến đấu bên trong. Ðệ tử vừa bắt chước thầy, vừa cởi mở tâm hồn với thầy để được thầy chỉ bảo. Chỉ có thầy, với kinh nghiệm và đặc sủng phân định mới giúp họ tìm ý Chúa và đường đi, mới nhìn ra chướng ngại và biết cách vượt. Truyền thống linh hướng xuất phát từ đấy, và cũng từ đấy tình đằm thắm cũng như mối quan hệ sư-đồ và phụ-tử. Một khi nhờ Chúa và với sự giúp đỡ của thầy, tu sinh đã tiến đức và giàu kinh nghiệm rồi, họ sẽ ra ở riêng để bắt đầu hướng dẫn người mới đến. Họ đã thành thầy, thành cha.

Việc tái sinh trong đời sống mới (nouvelle naissance) là do sự hợp tác của cả thầy lẫn trò. Hợp tác với nhau cố nhiên, nhưng hợp tác trước tiên với ông thầy chính là Thần khí. Làm sao để tu sinh học biết cách "ngồi trước Ngài", nghĩa là lắng nghe và đi đúng đường lối ngay thẳng của Ngài. Tu sinh phải vất vả, phải "đổ máu" (donner son sang) để có được Thần khí đó. Ðược Thần khí rồi, đến lượt họ phải mang Thần khí đến cho người khác, nghĩa là hợp tác với Thần khí để sinh cho Thần khí những đứa con. Họ sinh được vì họ đã được sinh, và đây là quy luật. Ông thầy không dạy một bài học, nhưng truyền một kinh nghiệm. Y như trường họp các Guru (sư phụ) trong Ấn giáo.

Sinh được, nên họ yêu đệ tử như con đẻ đứt ruột. Sinh được, nhưng họ không thể kiêu, vì họ chỉ đóng vai phụ trong việc sinh. Do đặc sủng mà họ thành "bà đỡ", thành máng chuyển của sự sống mà tác giả là Thần khí. Chính vì thế, lắm lúc sư phụ cũng phải ngỡ ngàng, thấy lời mình khuyên sao mà hợp cảnh, hợp người một cách kỳ lạ, hoặc thấy điều mình dạy kẻ khác cũng là điều chính mình đang cần cho bản thân:

"Cái mà Thiên Chúa ban cho tôi liên quan đến kinh nghiệm các linh hồn, cái ấy thật vượt xa cái mà Ngài ban cho riêng tôi, vượt xa đến nỗi tôi có thể được nuôi sống bằng những miếng vụn rơi từ bàn ăn mà Thiên Chúa dọn cho kẻ khác qua tôi."

Ðó là lời thú nhận của một bậc thầy đầy kinh nghiệm về linh hướng, Matta el-Meskin.

* * *

Lối sống đan tu được truyền sang Tây phương vào thế kỷ IV và được thánh Biển đức (Benedetto) chỉnh lại theo cung cách châu Âu. Hướng dẫn viên không còn là người nữa, nhưng luật pháp. Tu sinh cứ việc sống theo luật, và theo luật tuân tùng sự cai quản của một bề trên. Dĩ nhiên là luật ấy đã từ trong kinh nghiệm mà được soạn thảo ra. Nhưng dù sao, luật vẫn cứ là luật, thiếu đi hơi ấm của hai con tim và sự tinh tế thích ứng cho từng người. Không còn những bậc thầy, vì thầy duy nhất bây giờ là tập hiến pháp. Chính thánh Benedettô đã gọi luật là "ông thầy" và khuyên "đừng bao giờ rời xa ông thầy ấy". Và người ta nêu lên như những tấm gương mấy vị thánh khi hấp hối đã ghì chặt mấy đồ trân bảo nhất, trong đó có cuốn luật dòng.

Luật đã thế chân người cha thiêng liêng (abba) để tất cả chỉ còn việc giữ luật của người dưới và việc kiểm soát giữ luật của người trên. Hướng dẫn đã nhường chỗ cho quản trị (gouvernement). Sự tùng thuận đối với một trưởng thượng giàu kinh nghiệm và đặc sủng được thay thế bằng sự vâng lời đối với một bề trên, sự tùng phục đối với một cơ chế. Nói một cách khoa học hơn, thì sư phạm của Luật (la Règle) đã tiếm ngôi sư phạm của Lời (La Parole).

Sang thế kỷ XIII, thánh Phan sinh Assisi quay lại với sự hướng dẫn đặc sủng, không phải đặc sủng phân định của một bậc thầy, nhưng của cộng đồng anh em, đặc biệt của những anh em khôn ngoan và lành thánh hơn cả:

"Sẽ không trao cho anh em nào danh hiệu Bề trên, nhưng trao cho tất cả không phân biệt tước hiệu Em nhỏ (frère mineur)."

Rồi khi cần biết ý Chúa về một vấn đề gì quan trọng, ngài sẽ nhờ "đi tìm Clara, hỏi xem tôi nên đi giảng hay cầu nguyện, xem điều nào là tốt hơn đối với tôi. Cũng đi tìm Sylvestro mà hỏi như thế...". Kịp đến khi người đi hỏi trở về, thì Phan sinh quỳ xuống trước anh mà thưa: — "Chúa Yêsu ra lệnh cho tôi phải làm gì?"

Như thế, hồi đầu trong huynh đoàn Phan sinh (đệ đoàn thì đúng hơn, Frère mineur mà lại!), mọi người là anh em đồng đẳng không phân trên dưới, và mọi người giúp nhau đi con đường Chúa muốn cho mỗi người. Không hề có đồng phục đồng điệu kiểu nhà binh, mà chỉ có ơn gọi của mỗi người với đặc sủng riêng và trong hoàn cảnh riêng của họ. Sự đồng đẳng và tính gia đình, đi đôi với nét độc đáo của từng khuôn mặt, điều ấy hiện rõ trong Luật ẩn cư nó quy định rằng: trong mỗi ẩn thất hay am (ermitage) chỉ ở ba bốn "tiểu đệ" (frère mineur), và họ lần lượt làm mẹ, làm con để chăm lo và giúp đỡ lẫn nhau.

* * *

Sang thế kỷ XVIII, việc linh hướng như mang một bộ mặt nghiêm huấn (autoritaire). Vị linh hướng thẩm định, rồi ra lệnh phải làm như thế như thế, trong khi kẻ thụ hướng thì chỉ việc răm rắp tuân theo. "Vâng lời tối mặt" (obéissance aveugle, vâng lời mù quáng) mà! Khốn cho thụ hướng nếu vị cha quyền uy kia, thần khí không có nhiều, mà trí đoản lại thừa mứa. Họ sẽ ép anh vào một khuôn mà họ tưởng là độc nhất vô nhị. Thay vì giúp đưa chị vô phòng tân lang rồi đứng chờ ngoài mà vui lây (Yo. 3.29), thì họ lại trói chân tay và bịt mắt chị mà lôi theo mình.

Bên cạnh những thầy hay cha chuyên chế ấy, còn cả mớ những luật lệ tỉ mỉ góp phần vào việc sản xuất hàng loạt (production en série) những khuôn mặt không nét riêng. Thứ cấm vi (clôture) kiểu ấy có thể bảo vệ một phần, nhưng lại ngăn cản lắm phen tác động của Thần khí "hứng đâu thổi đấy" và hướng dẫn mỗi người bằng một con đường riêng.

Chắc hẳn vì những nguy cơ "cận thị" như thế, nên thánh Tiên sa Avila đòi vị linh hướng chẳng những phải đức hạnh (spirituel), mà còn thông thái nữa. Ðức hạnh là để có kinh nghiệm và đặc sủng phân định thần căn. Thông thái là để rộng đường phê phán:

"Nếu cha giải tội có kinh nghiệm, thì khi nghe diễn tả, Ngài biết ngay thị kiến (vision) ấy là do Thiên Chúa, do trí tưởng hay do quỷ. Ngài càng thấy rõ hơn khi đấng Tối cao ban ơn phân định thần căn. Nếu có đặc sủng này đi kèm với sự thông thái, Ngài sẽ thấy rõ ngay dù không có kinh nghiệm" (Lâu đài nội tâm, cung VI, ch. 8).

Vì thế, trong tập Con đường toàn thiện (Le chemin de la perfection), nữ thánh khuyên nên bàn hỏi với người thông thái (về thần học, cố nhiên): Nếu thụ hướng với người đạo đức, thì "không được để một mình người ấy hướng dẫn nếu họ không thông thái" (ch. VIII). Trong trường hợp bó buộc phải xưng với một cha giải tội như vậy, thì hãy tìm một người đủ cả đức và thông để cởi mở tâm hồn với họ ngoài tòa.

* * *

Nếu thánh Biển đức, từ kinh nghiệm đã viết nên bộ luật tu, thì cũng từ kinh nghiệm, thánh I-nhã Loyola viết tập Thần thao để hướng dẫn đi vào từ trường của Thần khí. Thần thao không phải là những bài tĩnh tâm dọn sẵn, mà chỉ là những chỉ dẫn suy niệm để thấm lấy tâm tình Chúa Yêsu và cởi bỏ chướng ngại để lắng nghe tiếng Ngài, nhờ đó khám phá và chọn theo con đường Ngài vạch cho ta. Cuốn sách cũng vạch ra đường lối hướng dẫn làm Thần thao cho từng loại người. Kẻ hướng dẫn chỉ giúp từ bên ngoài như một người bạn, dành chỗ cho việc trao đổi bên trong giữa Chúa với người thụ hướng:

"Kẻ cho Thần thao (tức hướng dẫn tĩnh tâm)... hãy để đấng Hóa công (trực tiếp) hành động với thụ tạo, và thụ tạo với Ngài..." (Yếu chú 15).

Con đường gặp Chúa mà I-nhã đề xuất không trải ra trong hoang vắng và bằng chiêm ngưỡng suông, mà còn trong cuộc sống giữa đời nữa. Tĩnh tâm đưa ta vào nội tâm để đối thoại với Chúa, không phải để rồi ta nghỉ ngơi ở đó, mà để, dưới ánh sáng tìm được trong Thần thao, ta đạt được những quyết định và chỉ dẫn liên quan đến cuộc sống mai sau của mình.

Dần dà rồi Giáo hội cũng nhìn ra sự cần ích của hướng dẫn thiêng liêng, một hướng dẫn nó phân biệt với quản trị. Hướng dẫn ấy chẳng những cần cho tu sĩ, mà cả cho chủng sinh, cho người đời nữa nếu họ muốn đi sâu vào đạo. Tuy thánh I-nhã trong luật dòng, đòi ở bề trên một "quản trị cha con" (gouvernement paternel) và đòi ở người dưới sự cởi mở tâm tình, nhưng bên cạnh bề trên, ngài vẫn muốn mỗi tu sĩ dòng phải có riêng một cha giải tội (confesseur) tùy ý chọn.

Giáo luật cũng phân rõ hai chức năng linh hướng và bề trên như thế, nhằm bảo vệ tự do lương tâm của mỗi người, dù trong chủng viện hay dòng tu. Lý do là vì mỗi cá nhân được "sống động hóa do Thần khí Thiên Chúa" để tùy Ngài soi sáng và thúc đẩy mà nhận ra ý Chúa về bản thân, để rồi, "vâng theo tiếng nói của Cha" (LG. 41), họ "quyết định về tương lai mình dưới cái nhìn của Chúa" (GS. 14), và tùy ơn gọi và đặc sủng, góp phần vào việc thiết lập vương quyền Chúa trên thế gian (LG. 12,31). Vai trò của linh hướng, vai trò rất hữu ích, không phải là áp đặt con đường mình thích, mà là giúp mỗi tâm hồn "mở tai linh hồn" để nhận ra ý Chúa về con đường mình phải đi.

Quan hệ hướng-thụ trong đồng hành

Ở chỗ sâu thẳm của hồn tôi, chỗ mà từ đó Thánh Thần đang tái tạo tôi, ở chỗ đó tôi vừa là chính mình, tác phẩm có một không hai của Thần khí, tôi vừa có gì giống Chúa nên cũng giống các con cái khác của Chúa, khiến có khả năng hiểu họ, nhờ đó giúp họ hiểu chính mình họ.

Như thế, để cố vấn cho người khác, chẳng những tôi phải tìm hiểu họ, mà còn phải đi vào bề sâu thiêng liêng của mình. Cũng có khi, nghe họ đấy, mà vụt nhận ra chính tôi, vụt thấy một cái gì đó vọt lên như tia chớp từ đáy hồn tôi, đến nỗi trong khi giúp họ, tôi cũng nhận được phần ăn của tôi nữa. Vâng, theo Matta el-Meskin, tôi nhận được những miếng vụn từ bàn ăn mà Chúa dọn cho kẻ thụ hướng qua tôi.

Do khả năng hiểu nhau trong Chúa và giúp nhau tái sinh từ chiều sâu của mình ấy, mà đôi bên thành cha con, mẹ con thiêng liêng với nhau. Theo A. Louf, thì chỉ có Thánh Thần sinh ra thụ hướng, còn việc tôi làm chỉ là "đỡ đẻ" theo ngôn ngữ Socrate. Nhưng thực ra, có gì đó như cả tôi nữa cũng sinh ra họ, và đây là cảm nhận của chính Phaolô:

Quả do sự Hiệp thông chư thánh mà chúng ta thành một với nhau, thành đồng môi giới ân sủng (với Chúa) cho nhau. Chúng ta không tự mình tái sinh anh em được, nhưng đồng sinh cách nào đó với Chúa thì có thể.

Chỉ Thần khí mới là mẹ đẻ của hồn. Vai trò linh hướng rất tùy phụ và đôi khi không cần thiết. Nghĩa là Thần khí có thể dẫn ai đến tận đỉnh thánh thiện mà không cần sự trợ giúp của một linh hướng nào. Như trường hợp Tiên sa nhỏ, trường hợp I-nhã, v.v ... Chính Tiên sa nhỏ đã thú nhận về mình như thế, thú nhận rằng: Một mình Chúa đã là linh hướng của chị, vì người mà chị thấy có thể hiểu chị, tức cha Pichon, thì đã ra đi truyền giáo tận phương xa, họa hoằn mới có hồi âm bằng một cánh thư quá mỏng.

Vị linh hướng bên trong quả thật là Thần khí. Còn linh hướng người chỉ là linh hướng bên ngoài thôi. Sự linh hướng bên trong là chính, là căn bản. Nên việc của linh hướng bên ngoài là phải nên một với vị linh hướng bên trong để hiểu đường đi của Ngài, và qua Ngài hiểu phần nào đường đi Ngài vạch ra cho thụ hướng. Ðường đi ấy, bao giờ Ngài cũng in rõ nét hơn cả trong tâm hồn thụ hướng. Vậy linh hướng phải cố giúp thụ hướng gạt bỏ được những chướng ngại như vấn vương, định kiến, và đạt trạng thái bất thiên, nhu thuận, nhờ đó có thể nghe ra tiếng gọi bên trong. Vâng, phải làm sao để cuối cùng, kẻ thụ hướng được Thánh Thần hướng dẫn trực tiếp, hơn là hướng dẫn qua tôi!

Dẫu sao chăng nữa, quan hệ sư-đồ ở cấp thâm sâu nhất có thể kéo dài suốt cuộc đời. Ðây là trường hợp hiếm hoi, do một tương hợp sâu xa chắc là tiền định, khiến cho gặp nhau rồi, thụ hướng cảm nhận đây đúng là người Chúa chọn cho mình từ muôn thuở trước. Một khăng khít vô cùng thiêng liêng, và sự tương hợp ấy, theo lẽ thường, cũng thuộc phạm vi cảm tính nữa. Dĩ nhiên là ở bề sâu thiêng liêng, người ta có gì rất giống nhau bởi được sinh ra do cùng một Thần khí. Nhưng giữa đám người có họ hàng với tôi ấy, có thể xuất hiện một tâm hồn đáp ứng đúng sự mong chờ vô thức của tôi, chỉ người ấy mới giữ chiếc chìa khóa để mở cho tôi thấy tâm hồn mình, thấy con đường Chúa vạch ra cho mình. Không phải người ấy chỉ thẳng được vào chỗ bí ẩn lòng tôi, cho bằng, với một câu nói chẳng hạn, họ mở được công tắc để ánh chớp lóe lên từ sâu thẳm của tôi.

Trong truyền thống tu hành Ấn độ, người ta luôn nhìn nhận có một tương hợp sư-đồ tiền định như thế, cho những con người mang một sứ mệnh lớn lao. Con người quá khát khao đạo sẽ cố tìm ra bậc thầy có duyên nợ với mình ấy. Và điều giống thế đôi khi cũng xảy ra trong Kytô-giáo, nhất là thuở xưa bên Phương đông, Người cha (abba) mà Chúa dành cho đồ đệ là người duy nhất hợp, người cha của trọn cuộc đời. Riêng bên Âu châu, đây chắc chắn cũng là trường hợp của Phan sinh nghèo đối với Clara, của Phan sinh Salê đối với Yoanna Chantal, của I-nhã Loyola đối với Phan sinh Xavier.

Của I-nhã với Phan sinh Xavier ư? Thật đúng như thế, và hai lần đúng là khác. Vì I-nhã không chỉ là kẻ chinh phục anh sinh viên giỏi nhưng giàu tham vọng ấy, lại còn là người khai sáng ra một con đường, và Xavier là thụ hướng đắc ý nhất của ông trong con đường này.

Trong trường hợp Phan sinh Xavier, thì chính thầy đã đi tìm đệ tử. Còn bên Phương đông xưa, thì đệ tử phải leo núi cầu sư. Lắm khi một thày tu chỉ phát hiện ơn gọi và thiên bẩm linh hướng của mình khi được kẻ tầm sư thức tỉnh.

Dù hợp nhau đến đâu, và dù đường trò đi cũng là đường mà thầy khai sáng, nhưng lối đi mỗi người vẫn là lối riêng của họ, do Thánh Thần mở ra cho họ. Nên việc của thầy cuối cùng vẫn là dẫn họ vào lối đi của họ, ở đấy đã có Thánh Thần đón đợi họ. Nhưng dù vai trò thầy chỉ tùy phụ thế thôi, quan hệ sư-đồ vẫn thiết tha và kéo dài được khi do "tiền định" mà họ có "duyên kiếp" với nhau và cần thiết cho nhau.

Thật ra, quan hệ sư-đồ cũng có nhiều mức độ. Dưới mức sâu đậm lý tưởng nói trên, còn những ràng buộc lỏng lẻo hơn giữa những linh hướng-thụ hướng bình thường, nhất khi đây là linh hướng được chỉ định trong chủng viện, tập sư chuyên nghiệp của một hội tu, người hướng dẫn của một khóa cấm phòng.

Quan hệ sư-đồ, khi đã thân thiết rồi, thì khó phân biệt được đâu là mặt thiêng liêng, đâu là mặt tự nhiên cảm tính, do đó có thể sinh lẫn lộn, có nguy cơ chuyển hoán (transfert), nhất là khi hai bên khác giới tính, lại nhiều ít còn di chứng của một ức chế (frustration) xa xưa. Thường một hoán chuyển sẽ kéo thêm một phản-hoán chuyển (contre-transfert) từ phía người thầy. Nghĩa là vai chính của vở kịch (tức thụ hướng hay thụ phân tâm), trong khi sống lại câu truyện xưa của mình, bằng cách gán cho thầy vai trò ông bố hay ai đó thuở bé, có thể kéo luôn thầy nhập vai, nhất là khi chính thầy từng cũng đã mang nặng (trong vô thức) một nỗi niềm.

Thật ra, không chỉ có vở kịch và sự diễn kịch giữa đôi bên, vì một yêu thương thật sự rồi sẽ dễ dàng len lỏi vào hai con tim nữa. Vả lại, chỉ trong yêu thương, người ta mới dễ cởi mở với nhau, do đó giúp nhau được. Ðể tránh tình trạng hoán chuyển và nguy cơ nói trên, theo cách làm cũ, thì chỉ việc bỏ đi thôi, nghĩa là không giúp tiếp. Còn theo A. Louf, chỉ cần sáng suốt nhận ra, chủ động lèo lái, nhất là không tìm mình trong yêu thương, thì người ta có thể giúp nhau và giúp chính mình.

Nếu tình yêu chân thành và trong sáng thì, theo Fred Blum, nó sẽ dìm hai người vào chỗ sâu nhất của hồn, ở đó họ có thể hiểu nhau và chia sẻ với nhau. Thật ra, ở đó họ cùng được nuôi bởi Nguồn sống siêu nhiên vốn vượt trên họ để thanh luyện và thánh hóa tình yêu của họ. Chỉ cần họ nhìn ra thật rõ then máy của phóng thể (projection) nó đặt người xưa vào vị trí kẻ đối diện, thì người xưa ấy không còn chỗ để chen chân vào giữa hai bên nữa. Còn di chứng của ức thế, thì chính sự thỏa mãn trong tình yêu được sống động hóa trong đức Ái này sẽ chữa lành. Vâng, miễn là hai đằng đừng tìm mình (điều thật khó!), mà tìm Chúa trước hết trong mình.

Ðó là cách giải quyết của A. Louf và một số người khác đối với cơ nguy hoán chuyển, nhưng đây cũng là cách rất nguy hiểm mà không phải ai cũng làm theo được.

Sự linh hướng và người hướng dẫn hôm nay

Từ hằng thế kỷ nay, hình ảnh Người cha và Linh giám (đúng nghĩa đen chữ Directeur spirituel) đã ố hoen nhiều cách. Thứ nhất vì quan hệ cha con được hiểu trong bối cảnh xung đột cha con, do thần thoại Oedipe giết cha mà Freud đưa vô phân tâm học. Người cha thành tiêu biểu cho quyền uy thống trị, thậm chí áp bức. Ðược nhập hóa (identifié) thành siêu ngã, người cha ấy biến thành cảnh sát và quan tòa.

Ðịa vị Người cha càng suy giảm khi ngày nay, người ta hướng về dân chủ và tự do. Ðứa con muốn tự lập thân, chứ không chịu "bao cấp" mãi. Và ai nấy muốn bảo vệ đời sống riêng tư của mình, không thích người ngoài để ý tới. Người ta càng không chấp nhận thái độ cha chú, bất cứ từ đâu. Bởi thế, người ta dễ kyï tiếng Cha, tiếng Giám, tiếng Phẩm cấp (nơi hàng giáo phẩm).

Thế nhưng cũng con người hôm nay, càng thu mình nhiều, càng cô đơn lắm, lại khát khao được cởi mở tâm tình, thích có bạn tri kỷ và chuộng những từ ngữ như Cộng đồng, Chia sẻ, Hiệp thông. Con người muốn làm người lớn ấy lắm khi cũng là người thiếu trưởng thành, không phải ở phong cách bên ngoài, mà ở nền tảng bên trong, ít là về mặt tâm lý. Do đó họ cần được nâng đỡ, chữa trị, hướng dẫn. Những tên gọi mới, hợp gu vì gần gũi hơn, nói lên những khía cạnh khác nhau của một đòi hỏi thầm kín: linh mục cố vấn (prêtre conseiller), tham vấn (consulteur), đồng hành (accompagnateur), bạn tâm sự (ami qui dialogue), cha thiêng liêng (père spirituel).

Là cái gì thế xuyên qua những từ ngữ ấy? Quả có gì đó của một người cha, nhưng không phải của thứ cha quen ra lệnh và ưa tác động vào. Cha đấy, mà cũng là bạn đấy, để sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng hiểu, và đề xuất một hai ý kiến. Người cha và bạn ấy sẽ không muốn quyết định thay anh, nhưng bởi quan tâm đến anh, lại do kinh nghiệm và chuyên môn mà có gì hơn anh, nên có khả năng soi sáng và giúp anh biết đường chọn lựa. Ngài sẽ có mặt bên anh, cùng lắng nghe tiếng Chúa với anh, đồng thời giúp anh biết nhu thuận và hiểu ra ý Chúa. Vâng, ngài không muốn anh mãi trong tình trạng trẻ nít và lệ thuộc, dù anh vẫn nên thận trọng và năng bàn hỏi. Anh càng lớn khôn, thì Ngài càng lùi về phía sau, phía ngoài cánh cửa, để vui sướng được nghe chính tiếng Tân lang nói với anh (Yo. 3.28-30).

* * *

Như Tiên sa Avila nghĩ, chẳng những lành thánh để có kinh nghiệm và ơn phân định thần căn, cha thiêng liêng còn phải thông bác để nhìn rộng thấy xa, nhờ đó hiểu đúng. Thông bác trước tiên là trong địa hạt tín lý và thần học thiêng liêng, nhờ đó đường ngài chỉ khỏi lệch hướng Tin mừng. Thông bác nữa là trong lãnh vực tâm lý học, kể cả tâm lý học chiều sâu, nhờ đó ngài nhận ra tình trạng thửa đất (nơi thụ hướng) trên đó Lời Chúa được gieo.

Xưa kia, người ta coi thiêng liêng là việc Chúa, và tự nhiên không ảnh hưởng gì đến. Thậm chí gần đây, có người còn quả quyết, dù mang tâm bệnh mà còn tí ti tự do, người ta vẫn làm thánh và thánh lớn được như thường. Thế nhưng hạt giống (Phúc âm và ân Chúa) gieo xuống đất, sao lại không tùy đất mà số phận khác nhau nhỉ (Mt.13.4-8). Dù ân sủng cũng phải thành đức thiên phú ở khiếu năng, để qua khiếu năng mà đi vào cuộc sống bằng hành động. Ðến lượt cuộc sống và hành động sẽ khiến đức thiên phú phát triển và ân sủng lớn lên. Do đó, cấu trúc tâm lý thật quan trọng cho đời sống, dù đây là đời sống thiêng liêng. Vâng, không hề có "thiêng liêng thuần túy", như Catalan nghĩ, và bao người khác cũng nghĩ như vậy.

Vâng, cũng như không có tâm lý khép lại trong tâm hệ. Con người là "hữu thể tương quan" mà! Không có tâm tình nào mà lại không tâm tình VỀ, tâm tình VỚI. Chỉ khi nào trục trặc nặng, khiến có Phóng thể (projection) và Nhập hóa (identification), khiến tiếng nói dội đi dội lại ở bên trong, không thoát ra được, chỉ khi ấy mới có hiện tượng khép kín và co thắt nó dẫn tới nổ tung và tự diệt. Có biết bao ngả đường của sự tự sát ấy, những ngả đường thật khuất ẩn, mà bảng chỉ đường lại chỉ nói bóng gió, nói bằng biểu hiệu thôi. Nên một linh hướng không biết gì về tâm lý học rất dễ lầm lẫn. Mù mà dẫn đường, họ chỉ có thể làm trượt sa xuống vực.

Chả hạn gặp một thụ hướng bị bệnh sợ giam kín (claustro-phobie), nên ghét vô nhà thờ, một linh hướng không rõ có thể trách họ khô khan hay bảo đấy là quỷ làm, khiến họ càng bối rối và bất an, và bệnh nặng lên hẳn.

Dĩ nhiên, không thể đòi linh hướng giỏi tâm lý học như một y sĩ phân tâm, nhưng họ phải biết rộng một tí để nhìn ra những khả thể, để khi cần, đến thỉnh vấn một chuyên gia, hay gửi thụ hướng đến chuyên gia ấy.

* * *

Tuy phải có kiến thức tâm lý, cha thiêng liêng không thể làm y sĩ phân tâm. Ðể vạch đường ranh cho vai trò của ngài, chúng ta cần xác định chức năng mỗi bên.

Chữa bệnh (đây là bệnh nội xử, névrose), y sĩ sẽ làm đồng minh của cái Tôi (tâm lý) người bệnh, và giúp nó trong cuộc chiến chống Siêu ngã. Không thể không làm cho bệnh nhân tin cậy mình (hoặc tin cậy một người mình nhờ làm trợ tá), nhờ đó cởi mở với mình, trao cả mớ chất liệu hỗn độn họ thấy trong tâm hồn họ. Ông sẽ tìm hiểu, sắp xếp lại mớ chất liệu ấy, nhờ đó thấy đâu là đầu mối của tất cả và giúp bệnh nhân chiếm lại chủ quyền trên từng tấc đất đã mất.

Rất tốt cho công việc này nếu bệnh nhân nhìn ông như hóa thân của người nào đó khi xưa có liên quan mật thiết đến căn bệnh. Bệnh nhân lúc ấy sẽ chuyển hoán (transférer) sang y sĩ những tình cảm xưa đối với con người nói trên. Tình cảm thương mến ư? Nó sẽ kích thích bệnh nhân vươn về phúc hạnh và cố tranh đoạt cảm tình của y sĩ, do đó cởi mở và hợp tác với ông dễ dàng. Cái Tôi người bệnh được hướng dẫn và giúp đỡ sẽ mạnh dần lên, có khả năng làm cái mà xưa không làm nổi.

Nhờ chuyển hoán, y sĩ đã nhập vai vào vở kịch cũ. Do phân tích, ông tìm ra căn nguyên. Vai trò của ông từ đây là sửa sai những gì người xưa đã làm mà gây nên căn bệnh.

Có điều phải coi chừng những phản tác dụng của chuyển hoán và của sự thương lầm đối tượng ấy. Trước hết, y sĩ có thể đi vô vết xe cũ của người xưa (người cha hay ai đó có ảnh hưởng lớn đến bệnh nhân thuở ấu thời), và đó là thích thống trị, muốn bệnh nhân theo ý mình và bắt chước mình, do đó gia tăng khuynh hướng lệ thuộc của cái Tôi và sự khống chế của Siêu ngã.

Nguy cơ tiếp theo là cảm tình người bệnh. Sự thương yêu ấy dễ có nền tảng trong ham muốn tính dục, do đó gây xáo trộn cho tương quan đôi bên. Tất cả rồi sẽ dẫn đến đâu, ấy là điều khó lường. Nếu y sĩ không đón nhận tình thương, tình hình có thể lật ngược: đang yêu thành ghét hận, và ảnh hưởng không còn để ông có thể giúp. Bằng như ông đón nhận để tình cảm gia tăng mãi, thì người bệnh ngày càng rời xa thực tại để chìm sâu hơn vào trạng thái tệ hại cũ, trong khi đáng lẽ ông phải khiến người ta trở về với sự thực, thấy rằng những phản ứng bây giờ chỉ là do then máy tạo nên từ một trang sử của quá khứ, cả tình cảm đối với y sĩ cũng vậy. Vâng, bệnh là ở hoang tưởng. Nếu không đối mặt với sự thực, dù sự thực ấy phũ phàng, thì không lành bệnh được. Có điều, để sự thực hiện rõ, thì cái Tôi cũng phải mạnh lên để có thể đối mặt mà không bị tổn thương.

* * *

Nếu con bệnh phải tin vào y sĩ phân tâm và lôi cả ruột gan cho ông coi, thì thụ hướng cũng phải tín nhiệm linh hướng để phơi bày cho thấy những biến động thiêng liêng của tâm hồn. Và nếu y sĩ chỉ nhắm việc chữa bệnh, thì linh hướng cũng chỉ muốn sức khỏe siêu nhiên của thụ hướng thôi. Có điều nếu y sĩ không cần đến một quan hệ thân mật, trừ phi nó có ích cho sự phân tâm, thì giữa linh hướng và thụ hướng không thể không giao lưu một tình cảm chân thành. Bởi thế, linh hướng không thể nuôi ý định quan sát, dò la, không thể dùng các mánh lới và kỹ thuật tâm lý để điều tra, lại càng không thể tự mình làm những thử nghiệm (test).

Sự tìm hiểu của linh hướng chỉ có thể diễn ra trong đối thoại, làm sao để thụ hướng thoải mái cởi mở tâm tư, chứ không qua trò chơi chuyển hoán nó đưa đương sự vào trạng thái hoang tưởng.

Ðể giúp được, linh hướng phải gần gũi thụ hướng để hiểu những ưu tư, mơ ước và khó khăn của họ. Và cũng như y sĩ phân tâm, linh hướng phải tránh những kết luận vội vã, sự ham thống trị và trật đường tình cảm.

Linh hướng hãy biết lắng nghe, nghe nhiều nói ít, kiên nhẫn mà nghe. Nếu đương sự ba hoa quá nhiều, hãy lưu ý họ một cách nhẹ nhàng. Chỉ khi cần thiết, ngài mới nói rõ nhận xét và suy nghĩ, còn thì giúp thụ hướng tự tìm hiểu về mình và tự tìm lấy ý Chúa trong cầu nguyện và lắng nghe, rồi phân tích và quyết định. Có như thế, thụ hướng mới trưởng thành nổi.

* * *

Một vấn đề nữa được đặt ra cho linh hướng hôm nay: linh hướng có cần phải là nam nhân và linh mục hay không?

Ðã từ lâu, cơ chế ngự trị trong Hội thánh, và trong cơ chế ấy, linh hướng là linh mục. Nhưng vào thời đầu của Giáo hội và lúc khởi thủy của đường tu, bất cứ ai có kinh nghiệm và đặc sủng đều có thể hướng dẫn. Trong những cộng đồng như Corinthe, các tín hữu bù đắp cho nhau bằng đặc sủng của mình, như thành phần của cùng một cơ thể (Rom.12.4-8). Mà đặc sủng cần nhất cho việc linh hướng, đặc sủng phân định, thì ít hay nhiều, tín hữu nào mà chẳng có?

Trong số các đặc sủng quan trọng nhất cho Hội thánh, theo đánh giá của Phaolô, có ơn sứ đồ và ơn ngôn sứ. Thế mà Phaolô kể đích danh hai "sứ đồ siêu đẳng": Andronicos và Iounia (Rom. 16.7), có lẽ là một cặp vợ chồng, như thánh Chrysostome nghĩ. Sứ đồ còn có thể là phụ nữ, huống chi linh hướng. Và sau đây, nhận xét rất xác đáng của Leo Scherer:

— Vai trò "chở đi" (conducteur) hay "dẫn đi" (directeur) ấy sẽ không dành riêng cho tu sĩ hay linh mục. Những linh hướng tuyệt vời sẽ xuất hiện ngay trong thế kỷ này, tương tự như một Jean de Besnières sống ẩn dật ngay ở cổng tu viện Ursulines, hoặc như một Marie Rousseau mà ngài Olier có thể nói đến trong hồi ký của ông rằng: "Dù người phụ nữ này thuộc dòng hạ tiện, nhưng đã thành lời khuyên và ánh sáng cho những nhân vật sáng chói nhất của Paris", và tiếp luôn: "Tôi mang ơn Chúa biết bao, vì Ngài đã ban bà cho tôi làm mẹ". Cũng đừng quên bà Guyon đã dám mời gọi Fénelon ra đi, tìm đến chỗ có nhiều kẻ (sẽ) được sinh lại: "Ngài bé bỏng (Votre petitesse) phải lớn lên đến độ có thể tin và làm điều mà Thiên Chúa nói qua tôi với Ngài, mà không cần đếm xỉa đến sự tầm thường của cái công cụ là tôi đây".

Theo Catalan, thì ngày nay có những phụ nữ (tu hay tục) được huấn luyện đầy đủ, đã hoàn thành một cách rất tốt đẹp vai trò linh hướng của mình.

Tìm ý Chúa qua phân định cộng đồng

Ðây là một cộng đồng thiêng liêng đúng nghĩa cộng đồng. Nghĩa là các thành viên sống gần gũi nhau bằng tâm hồn, với ít ra phần nào bằng hình thức. Họ lại cùng sống đức hạnh, mỗi người đã có kinh nghiệm về phân định thần căn cá nhân, và dễ đạt tới những điều kiện bản thân cho sự phân định ấy. Ðiều kiện đó là: tinh thần siêu nhiên, thái độ bất thiên, đích nhắm trong sáng.

Ðiều mà nhóm mang ra xem xét phải là điều quan trọng liên quan đến đời sống đức tin hay việc tông đồ của nhóm. Ðiều ấy lại phù hợp với tinh thần Tin mừng, đáp ứng đúng nhu cầu của Giáo hội hay xã hội trong hoàn cảnh hôm nay của địa phương. Ngoài ra, đây là điều tốt hơn cho nhóm và trong điều kiện khả thi của nhóm.

Ðây là thỉnh ý Chúa trong thẩm định cộng đồng, nên áp dụng đồng thời các nguyên tắc của phân định thiêng liêng và các quy luật tâm lý nhóm (psychologie de groupe).

Trước hết, cần tháo bỏ những mầm mống chia rẽ và nghi kyï, dù giữa những khối trong nhóm, giữa mấy cá nhân với cộng đồng, giữa mấy cá nhân với nhau. Trong thời gian chuẩn bị, phải tạo đời sống đức tin và hiệp nhất bằng cầu nguyện, tĩnh tâm, sống chung... Chẳng những các thành viên phải hiệp nhất với nhau, mà mỗi người và toàn nhóm cũng phải hiệp nhất với toàn Giáo hội, cảm thông với toàn Giáo hội (sentire cum Ecclesia).

Khi đến ngày, cần đưa ra chính xác vấn đề, cùng với những thông tin khách quan cần thiết. Kế đó, mỗi người đi vào cầu nguyện riêng để lắng nghe tiếng Chúa, cố đạt tới thái độ đức tin và bất thiên. Cuộc hội thảo sẽ diễn ra sau đó. Khi nói lên ý nghĩ của mình, mỗi người cũng biết lắng nghe ý kiến kẻ khác, hiểu rằng Chúa có thể nói với bạn tôi cũng y như nói với tôi. Thế rồi, trong tinh thần siêu nhiên và khách quan, tôi phải có can đảm mổ xẻ ý kiến của bạn, cũng như có can đảm để bạn mổ xẻ ý kiến của mình.

Trong kỳ hội thảo, xem có nên họp thành tu hội hay không, nhóm thủy tổ Dòng Tên bắt đầu đưa ra đích nhắm tổng quát của nhóm, vì tổng quát nên cũng dễ đồng ý với nhau hơn. Và đây là: "Cùng hiến thân làm lễ toàn thiêu cho Thiên Chúa, để sử dụng hết thảy những gì mình có mà phụng sự, sao cho Thiên Chúa được suy tôn, ca tụng và quang vinh". Kế đó mới đi vào cách thực hiện: Ðể làm được như thế, trong những điều kiện và hoàn cảnh như vậy, nhóm có nên họp thành một tu hội hay không? Chỉ có một đối tượng ấy được đề xuất, để chỉ có Không và Có được chọn. Quả thực, nếu đối tượng không xác định, thì sẽ có quá nhiều đáp số, khiến các ý kiến tản mát không đưa tới một quyết định chung dễ dàng.

Ðể cân nhắc, tất cả chọn theo một nguyên tắc: Mỗi người xem mình như đứng ngoài nhóm, nhờ đó có thể cho biết nhận định của mình một cách khách quan. Kế đó, họ sử dụng cùng một chiến thuật: Ngày đầu, mỗi người chỉ trình bày những lý lẽ chống thôi. Còn hôm sau, họ chỉ đưa ra những lý lẽ thuận. Cả nghịch thuận đều được biên ghi, để sau đó, người ta gạt bỏ dần những lý lẽ yếu, chỉ giữ lại rất ít những luận chứng mạnh nhất, nhờ đó cân nhắc dễ dàng.

Sau hội thảo (sau mỗi lần hội thảo nếu khóa hội thảo kéo dài), mỗi thành viên lại đi vào cầu nguyện để lắng nghe tiếng Chúa, rồi cân nhắc vượng cảm và suy cảm để phân định. Nhờ kinh nghiệm ấy và phân định này, mà hội thảo kế tiếp sẽ diễn ra trong một bầu khí thiêng liêng và cảm thông hơn, để dễ đi tới sự đồng tâm nhất trí. Phải cố đạt sự đồng tâm nhất trí của tất cả về một chọn lựa, hay ít là sự nhất trí tự nguyện của tất cả đối với chọn lựa của số đông.

Sau quyết định chung, hãy cùng đi vào cầu nguyện để xin Thánh Thần phê chuẩn. Dấu hiệu của sự phê chuẩn này chính là sự gia tăng Tín-Vọng-Ái. Nhận được sự chuẩn phê Thần khí (có khi đi đôi với phê chuẩn giáo quyền), buổi cộng đồng cầu nguyện tiếp theo sẽ là Tạ ân.

TÓM LẠI

Con đường nên thánh cũng là con đường thuận Thiên, nên ta cần biết ý Chúa. Tuy Chúa nói với ta tự sâu thẳm lòng ta, nhưng để biết nghe, nghe được và hiểu nổi, thì thường phải được hướng dẫn bởi những ai vừa học thức vừa đức hạnh: đức hạnh để có nghiệm thức và ơn phân định, học thức để nhìn rộng hiểu sâu.

Kiến thức mà linh hướng cần hơn cả là về thánh kinh, thần học và tâm lý phần nào. Lời Chúa được đọc trong niềm tin và thấm lấy vào hồn sẽ nhào nặn con người nội tâm, do đó phát sinh sự bén nhạy phân định. Ơn phân định rất cần cho linh hướng, tiếp đó cho thụ hướng để họ trưởng thành lên và tự khám phá con đường của mình.

Linh hướng bên trong của hồn là Thần khí. Việc linh hướng bên ngoài là cố bắt được làn sóng của tiếng nói Thần khí bên trong, đồng thời giúp thụ hướng gạt bỏ chướng ngại và mây che, đạt tới trạng thái bất thiên và nhu thuận, nhờ đó có thể nghe tiếng Tân lang và trò chuyện trực tiếp với Ngài. Trong khi soi dẫn và giúp đỡ thụ hướng, linh hướng cũng thường hưởng lây những gì mà Chúa chuyển qua mình cho thụ hướng.

Quan hệ linh hướng-thụ hướng dễ thành sâu đậm cả về mặt thiêng liêng lẫn cảm tính. Công việc có hiệu quả do đó, mà nguy hiểm cũng do đó luôn, nhất là khi hai bên khác giới tính, mà về tâm lý đôi khi cũng có vấn đề. Bởi thế, phải luôn cảnh giác và cố tránh tìm mình.

Chẳng những hai người có thể giúp nhau tìm ý Chúa, mà cả nhóm đạo đức lắm khi cũng cần dò ý Chúa về đường đi hay tông vụ. Ðể có một phân định cộng đồng về những vấn đề này, hết thảy phải đi vào cầu nguyện để lắng nghe Thần khí và hiệp thông với nhau. Hết thảy phải đạt tới thái độ khiêm nhu và bất thiên để biết nghe nhau, hiểu nhau khi cùng lắng nghe và tìm hiểu ý Chúa. Cuối cùng, họ phải cố làm sao đạt được một nhất trí tương đối trong chọn lựa chung và được Thánh Thần chuẩn phê cho chọn lựa này.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page