CỘNG SINH VÀ ÐỒNG HÀNH

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Dù sống tĩnh lặng trong suy chiêm hay sống hành động giữa đời, ta đều có thể nên thánh. Có điều hễ thánh, thì dù bận bịu, vẫn an định ở bề sâu; dù ẩn mình nơi thanh vắng, vẫn thông hiệp với Hội thánh và quan tâm đến hạnh phúc loài người. Sự trưởng thành thiêng liêng là ở cả độ mở lẫn tầm an định ấy. Và đức Ái Chúa khiến thánh nhân vừa nghỉ ngơi trong Chúa, vừa thiết tha với sự hưng suy Nước Ngài. Hơn nữa, vì Dân Chúa cũng là Huyền thân Chúa, trong đó các thành viên như chi thể cố kết với nhau và với toàn khối, tôi sẽ không tiếp nhận ân Chúa dồi dào nếu không mở thông với Giáo hội như máng chuyển.

Chẳng những thông với Dân Chúa, chúng ta còn buộc với vũ trụ. Là đích nhắm của Sáng tạo, con người có phận sự hướng trả thiên nhiên về Hóa công trong tri ân và chúc tụng, sử dụng thiên nhiên để hoàn thiện mình như con cái Chúa, nhờ đó khiến nó được đồng phận với mình trong hạnh phúc mai sau.

Sự hiệp thông Dân Chúa có tính động. Ðây là đồng hành về Ðất hứa với sự gấp gáp cánh chung. Nên không có chỗ nào cho ta ngơi nghỉ ở đời này khi mà tất cả đang thi đua nước rút, kỳ cho chạm đích của hoàn thành Nước Chúa.

Con người giữa thiên nhiên

Thời đại kỹ nghệ hóa tách dần con người khỏi thiên nhiên và nhốt nó giữa những bức tường bê tông của chung cư, làm điếc tai nó với tiếng gầm của máy móc, nhuộm đen phổi nó bằng khói các cơ xưởng và tàu xe chuyển vận. Quen với máy, nó nhìn thiên nhiên như nhìn một cỗ máy, cùng với năng lượng và nguyên liệu kèm theo. Làm như máy bên các máy giữa một dây chuyền sản xuất, nó cũng sống với nhịp điệu máy như chàng hề Sác lô trong một phim của ông. Thậm chí, tôn thờ máy, nó cũng xem người chả hơn gì một cỗ máy tồi, và nó sẵn sàng thao tác (manipuler) trên cỗ máy ấy để hoàn chỉnh nó, hoặc thay thế nó bằng người máy thật, vừa làm việc chính xác, nhanh chóng hơn, vừa không biết đình công và gây phiền bằng sự lắm ý kiến.

Nhìn thiên nhiên bằng cặp mắt thợ máy, con người chỉ bắt gặp ở đấy những sự vật (chose) và công cụ. Và nó vui với cái khoái được điều khiển và chế biến. Vào hồi đầu của thời đại khoa học, kỹ thuật, Bacon và Descartes rất hãnh diện về giống người chúng ta, cho rằng nhờ khoa học được phát minh, con người đủ khả năng làm chủ thiên nhiên, nhờ đó nên giống Thiên Chúa. Nếu Aristote coi Hóa công là Cỗ máy thứ nhất (Primum movens, Premier moteur), thì phương Tây con cái của ông cũng coi đặc tính nổi bật của Thiên Chúa là sự Toàn năng. Vậy để nên giống Ngài, chỉ cần tỏ ra muốn làm gì cũng làm được.

Với ai còn đức tin, họ chỉ muốn giống Thiên Chúa thôi. Chứ với ai không tin nữa, thì toàn năng được như thế là thành Thiên Chúa rồi, để thế chỗ cho Thiên Chúa lỗi thời của tôn giáo. Vâng, theo họ, chẳng có Thiên Chúa nào hết, mà chỉ có con người đang trở nên Thiên Chúa nhờ trí tuệ và ý chí của mình. Và đây là cám dỗ của cây Biết lành biết dữ (Stt.3.5).

* * *

Thế nhưng rồi giấc mộng làm Thiên Chúa nay bắt đầu tan vỡ. Người ta đã nhìn ra những giới hạn cho phát triển và những tai họa mà kỹ nghệ gây nên.

Giới hạn thứ nhất nằm ở năng lượng và nguyên liệu. Dù củi, than, dầu, uranium, tất cả đều có thể cạn và có thể tạo phản, chống lại ta. Còn năng lượng mặt trời thì (gần như) vô tận đấy, nhưng dòng điện tiếp thu lại yếu, mà nhiệt lượng phải dùng để tinh chế các tế bào quang điện lại quá lớn lao, nên xét chung, chẳng có lợi chi đáng kể. Mặt khác, hiện tượng sa mạc hóa đang thu hẹp diện tích cấy lúa nuôi người và cấy cỏ nuôi bò cừu. Kèm theo đó là vấn đề thiếu nước trầm trọng ở nhiều nơi, khiến không còn đất sống.

Thiên nhiên bị lạm dụng cũng đang nổi dậy trả thù. Khí dioxyde các bon phủ kín không trung tạo nên hiệu ứng nhà kính để nung chảy các khối băng, khiến nước biển dâng cao nhận chìm dần những đồng bằng và thung lũng. Nạn phá rừng bừa bãi khiến núi lở, đất truồi và xua duổi những cơn mưa. Và việc lấp đầm lầy cũng đang phá vỡ hệ sinh thái, khi mà những đầm lầy ấy rất cần cho việc lọc và cung cấp nước ngầm, cũng như điều hòa vũ lượng. Nếu xe hơi nhả dioxyde các bon gây hiệu ứng nhà kính, thì máy làm lạnh và máy sấy tóc cũng nhả chất Cl để hủy tầng ô dôn có chức năng cản tia cực tím tràn vào tiêu diệt sự sống.

Thêm vào đấy, tình trạng ô nhiễm đã đạt mức báo động đỏ, ở khí quyển do chì từ xăng và cả trăm thứ hơi độc khác, ở đất do phế thải ngày càng nhiều, kể cả chất hóa học độc hại, ở dòng sông do phân bón và thuốc trừ sâu từ ruộng chảy xuống, cũng như chất thải hóa học từ nhà máy tuôn ra, còn ở mặt biển thì nào là dầu loang, nào là chất phóng xạ, nào là rác rưởi đổ xuống quá nhiều.

Trước cơn đại hồng thủy đang tới, trước những tận thế mình tự gây nên, loài người bắt đầu hiểu ra rằng, chính mình cũng là thành phần của thiên nhiên, thành phần thật bé bỏng, ít là về mặt xác thể. Bởi thế, phải trở về dưới mái nhà vũ trụ thôi, phải uốn mình theo các quy luật sinh, hóa, phải trân quý vòng tuần hoàn sinh thái trong đó thiên nhiên tự điều chỉnh chính mình.

Thật ra, từ lâu rồi, con người đã cảm như có gì trục trặc trong lối sống khi rời xa đồng ruộng. Nó thấy như bất an, thiếu vắng gì đó khi ở giữa máy móc, giữa những bức vách bêtông. Và tự nhiên, rất vô thức, nó đi trồng những chậu kiểng, nuôi mấy con cá, con chim, làm bạn với con mèo, con chó. Theo nhận định của một khoa học gia, thì ở bộ nhớ gen của mỗi người, từ muôn xưa đã ghi đậm màu xanh của đồng ruộng, vẻ tươi mát của sông nước, tiếng líu lo của chim muông v.v...., nên người ta không thể nào sống thoải mái nếu thiên nhiên vắng mặt.

Bởi thế, để hội nhất (intégré) như một người, thậm chí siêu hội nhất như một thánh nhân, chúng ta cần hòa giải với thiên nhiên, cần tôn trọng và nâng niu nó.

Ðông phương không coi nhẹ vai trò của thiên nhiên trong tu tâm dưỡng tính. Cả Ấn độ lẫn Trung quốc đều đề cao đức Sinh, lòng Hiếu sinh. Với Ấn độ, Ahimïsâ (giới sát) được hiểu ở mặt tích cực của nó là niềm kính tôn sự sống, luật chung cho cả tu phái Yoga, Ấn giáo, lẫn Jaina và Phật giáo. Ðể tránh sát sinh, người ta trường trai. Ðể tránh giết côn trùng, người ta nghỉ đi đường mùa mưa, mang phất trần để phủi đất trước khi ngồi.

Với Trung Hoa, như chúng ta đã rõ, thì đức lớn của trời đất là Sinh:

"Thiên địa chi đại đức, viết sinh" (Kinh dịch, Hệ từ hạ).

Do Sinh mà có biến hóa. Do Sinh mà có sức để biến hóa. Và sự biến hóa ấy khiến trời đất thịnh lên về hướng Sinh. Vì thế, phải thuận theo đạo Trời mà bồi bổ cho sự sống. Con đường này được gọi là Lợi vật. Mà thái độ Lợi vật của tâm hồn lại thuộc đức Nhân.

Cựu và Tân ước nghĩ gì về thiên nhiên

Thời Cựu ước là thời cực thịnh của bái vật nó biến sấm sét, núi non, sông biển, cây cổ thụ, vật dị kỳ thành quỷ, thành thần. Ðể thanh lọc thần tính, Cựu ước đã phải tách thần ra khỏi thiên nhiên, đồng thời tôn kính Yavê như vị thần duy nhất. Không thể lẫn Yavê với các hiện tượng thiên nhiên được, vì Yavê điều khiển chúng và sáng tạo tất cả. Tính duy nhất và siêu việt của Thiên Chúa đạt tới độ trong sáng hoàn toàn dưới thời đại các ngôn sứ và các sách hiền triết (sapientiel), như trong đoạn 12.23 đến 13.19 của Ðại trí hay Khôn ngoan ở đó tác giả lên án những kẻ ngu xuẩn, đi thờ những vật hèn, đáng khinh (12.24), thờ gió, nước, lửa vốn chỉ là tác phẩm của Tạo hóa (13.1-2), chẳng hiểu rằng, tác phẩm mà còn đẹp thế, thì tác giả phải đẹp đến đâu (13.3).

Tính độc thần của Do thái giáo và tính toàn năng của Yavê được nhấn mạnh đã cứu thần tính ra khỏi sự ô nhiễm vật chất, đồng thời đưa Thiên Chúa vào vị trí của một kiến trúc sư tối cao, đấng thiết kế và dựng xây vũ trụ, đấng khiến cho biển gầm, sóng dâng, sấm nổ.

Nhưng nếu Thiên Chúa đứng ngoài để tạo thiên nhiên bằng lời, thì bằng hơi thở (ruah) Ngài lại làm vọt sự sống từ chính bên trong vật chất. Quả thế, chính ruah Yaveh đã cho từ nước sinh ra tôm cá, chim muông (Stt.,ch.1), cho một hình đất sống dậy thành người (2.7). Nghĩa là nếu bằng lời, Thiên Chúa đứng ngoài vũ trụ, thì bằng hơi thở của mình, Ngài lại đi vào thiên nhiên để làm nó sống. Như thế, quan niệm Sáng thế thư về sáng tạo, ở truyền thống Yavê vốn cựu trào và bình dân, luôn kết hợp âm dương (bù trừ) giữa Lời với Thần khí, giữa tính siêu việt với tính nội tại, giữa tính sự vật (chose) với tính sinh linh. Thiên Chúa sáng tạo bằng cả lời lẫn hơi thở của mình, có nghĩa là: "Thiên Chúa nói (lời) trong hơi thở của Thần khí, hơi thở nó "làm sống động"", như Moltmann nhận xét. Và cũng như Moltmann nhận xét, "Lời và Khí bù trừ cho nhau vì cộng đồng tính của thiên nhiên. Lời thì xác định và biệt phân, Khí thì hợp nhất và sinh ra hòa điệu".

Vậy không nên, bởi ân hận vì trước đã phụ rẫy thiên nhiên, mà nay lại trở về với đa thần, bái vật. Mà cũng đừng tiếp tục sự vật hóa thiên nhiên như đã làm, khiến nó hết còn là ngôi đền thiêng liêng trong đó ta có thể chiêm ngưỡng Thiên Chúa.

Ngay trong quan niệm của Do thái giáo độc thần xưa, thiên nhiên đã có gì như đền thờ Thiên Chúa, khi mà chính đền thờ Salomon muốn được xây theo kích thước thu nhỏ của hoàn vũ: một thứ tiểu sơn hà như non bộ của phương Ðông chúng ta! Ðền thờ bằng gỗ đá của Yêrusalem mới chỉ là hình ảnh của đền thờ Tân ước, mà đền thờ này là Thân mình đức Yêsu. Với thân mình Chúa Yêsu, từ đây ta không cần đến Sion hay Samari nữa, mà cứ "thờ trong Chân lý và Thần khí" là đủ rồi (Yo. 4.23). Thờ trong Chân lý và Thần khí không phải không cần đến hình hài, xương thịt đâu. Vì thật ra, đã có xương thịt thật của đấng vô hình nay thành hữu hình. Và do đó, có dấu hiệu hữu hình của ân sủng vô hình trong huyền tích. Ðức Yêsu Kytô quả là Ðền thờ tiểu vũ trụ nó gồm thâu (récapituler) toàn vũ trụ. Và vật chất đáng khinh của Platon, vũ trụ máy móc của Aristote đã thành "Môi trường thần thánh" của Teilhard.

* * *

Quả thật, thiên nhiên rực sáng trong ánh sáng của Tiểu vũ trụ là thân mình Chúa Yêsu Kytô.

Vũ trụ hình thành bắt đầu từ một lượng tử duy nhất cách đây bằng chục tỉ năm. Một quantum quá nhỏ và một tiếng nổ quá lớn. Ðơn giản chỉ có vậy ở điểm khởi đầu. Thế nhưng bước tiến hóa lại vô cùng dài lâu, vô cùng phức tạp. Tuy lâu dài là thế và phức tạp đến thế, mà tất cả vẫn đâu vào đấy, được tính toán chi li và lập trình ngay trong cái vô cùng đơn, vô cùng nhỏ lúc ban đầu. Và như thế để rốt cuộc có sự sống hôm nay, và giữa sự sống có con người với trí thông minh và khả năng tự lập!

Phải chăng cả mầu nhiệm Nhập thể cũng được nhắm trong tiếng nổ đầu tiên, để giữa loài người, sẽ phải có con người gồm thâu mọi cái? Con người ấy, Yêsu Nadaret, bởi là Ân sủng (grâce) viết hoa, tức cho không (gratuit) hoàn toàn, nên không thể là kết quả của chuỗi dài những tất yếu (quy luật tự nhiên), không thể là điểm vươn tới của lượng tử và tiếng nổ ban đầu. Nhưng con người ấy vẫn có thể là đích cuối mà Yavê nhắm trong tự do dù trong tiếng nổ ban đầu ấy chứ! Vâng, qua ánh sáng mầu nhiệm Nhập thể, ta thấy dường như ngay từ đầu, ít là ngay lúc Thiên Chúa nói "Ta hãy tạo con người", Ngài đã nhắm Con người viết hoa Yêsu, và nơi Con người này, Ngài dứt khoát muốn "nên một" với chúng ta giữa vũ trụ vật chất. Như thế để rồi, nhờ Thần khí hai phen xuống trên hoàn vũ, "Lời (Thiên Chúa) đã thuộc về sinh thái học của chúng ta".

Nếu sáng tạo tỏa ra từ Thiên Chúa, thì Nhập thể lại đưa Ngài "hội nhập" thiên nhiên một cách sâu đậm. Nhập thiên nhiên, Lời cũng đưa ta — và thiên nhiên theo ta — vào trong nội tâm Thiên Chúa, ở chỗ Ngài là tam vị, cộng đồng, để rồi nơi con người ấy phục sinh đã hoàn thành sứ mạng, Thiên Chúa cũng thành "Tất cả cho tất cả" (1Cor.15.28). Ðây cũng là lúc thiên nhiên được cuốn theo chúng ta về phía Vĩnh hằng, để đồng số phận với chúng ta khi thành Trời mới đất mới.

Bị loài người lạm dụng, vật chất đã thống trị ngược con người. Nay tự do rồi, loài người nếu biết khiêm tốn và tiết độ hơn, thì vật chất sẽ trở về phục vụ nó, phục vụ không chỉ như một công cụ, mà còn như một bạn đồng hành, do đó đồng sinh đồng...bất tử.

Với vật chất, hễ ta khinh nó, do đó lạm dụng nó, thì nó sẽ hại ta. Bằng như nếu ta tôn kính nó, ta sẽ sử dụng theo đúng chức năng của nó và ý định của Trời, nhờ đó nó chỉ có thể sinh ích cho ta, thậm chí thành dấu hiệu sinh ân sủng cho ta. Thật ra, vật chất đã "thành thần" phần nào một khi Lời Thiên Chúa "thành thịt" giữa chúng ta rồi.

Nếu Lời đã vô vật chất, thì Thần khí, xưa làm sống dậy vật chất, sẽ càng dấn sâu hơn để trong nước và với nước, Ngài nối kết ta với Ðức Yêsu và biến ta thành con Cha, rồi trong rượu và bánh, lại biến con người Yêsu thành thức ăn uống của chúng ta.

Thần khí và Lời đã mở cho chúng ta đường vào vật chất. Vậy theo chân các Ngài, chúng ta cũng phải dìm sâu trong nước để được tái sinh. Và đây, điều đã thành quá hiển nhiên: Chúng ta chỉ nên một hoàn hảo với con người Con Thiên Chúa nếu để vật chất nơi bánh và rượu thành một với mình. Vậy nếu đứng ở góc độ Nhập thể và từ trong Thánh Thể mà nhìn, thì như Teilhard de Chardin, chúng ta sẽ bàng hoàng với phát giác: "Chiều dài thời gian của tạo thế đúng là độ dài cần thiết (hằng chục tỷ năm) để vũ trụ được hiến thánh" (Le milieu divin).

Vậy để dễ nên người và nên thánh, hãy có thái độ gần gũi với thiên nhiên, coi nó như quà Chúa tặng giúp ta thực hiện chính mình, như bạn Chúa gửi đến đồng hành với ta trên đường về Ðất hứa, như vật lưu niệm nhắc ta về tình Chúa yêu, như nén bạc Chúa giúp để ta sinh lời, như ngọc thô mà ta phải rũa mài thành ngọc quý để hiến thánh và dâng lên.

Sự vuốt ve thú vật cũng như sự mơn trớn của gió mát trăng thanh sẽ làm hồn ta dịu lại và thiện cảm với xung quanh. Ðừng ưa nhìn cảnh bạo lực và tránh tàn nhẫn với thú vật, để trong khi nuôi dưỡng đức hiếu sinh, ta cũng bồi bổ cho lòng nhân của mình. Hãy hướng về màu xanh lá mạ để lòng vui tươi, màu xanh da trời để lòng thêm cao quý. Hãy ngắm cảnh trời bao la để hồn ta rộng mở. Và khi đứng trước đại dương, hãy cảm nhận sự bé nhỏ của mình trước Thiên Chúa. Vâng, chúng ta nên đi vào thiên nhiên với niềm thiện cảm, hầu tìm Chúa và gặp gỡ Chúa trong đó, đồng thời để di dưỡng tính tình mình.

Giữa thiên nhiên, sự gặp gỡ con người
và sự thông hiệp với loài người.

Mở ra thiên nhiên một phần, loài người càng phải mở sang nhau gấp bội. Có kẻ tuy ngại sát sinh (do phong tục hay thói quen), nhưng không ngại làm khổ kẻ ở quanh mình. Họ không biết rằng đích nhắm của sự sống là con người, nên nếu cần chọn lựa, họ phải chọn con người, chứ không phải con voi, con chó. Tuy sinh ra từ giữa lòng Ấn độ giới sát (ahimïsâ), Gandhi đã dám nói thẳng: Dù khỉ mà phá hoại mùa màng, thì vì sự sống con người, cũng đành diệt khỉ thôi!

Vâng, chỉ con người mới là đích nhắm của tạo thế, nhờ đó mang ý nghĩa đến cho vạn vật. Vì chỉ con người mới là vị thân (le pour-soi) hay bản vị, có mục đích ở chính mình, và không thể thành phương tiện cho ai, cho bất cứ gì cả.

Nếu vì mô phỏng nhất tính Thiên Chúa mà thiên nhiên làm nên một khối, thì cũng vì thế, vì mô phỏng tam vị nhất thể của Ngài, mà loài người phải tự xây thành cộng đồng. Kịp đến khi Lời Ngài thành người để "thu về một mối" (récapituler), thì không những mô phỏng sự hiệp nhất Ba ngôi, chúng ta còn hội nhập vào đó khi nối dài thân mình đấng Cứu thế.

Chúng ta muốn nên hoàn thiện ư? Nên thánh là nên một hoàn hảo với Chúa Kytô, nên cũng thành một sâu xa với Huyền thân Chúa, tức Giáo hội. Nói cách khác, chẳng những có chiều kích bản thân (personnel), sự thánh thiện còn có chiều kích cộng đồng nữa. Bởi thế, nên thánh cũng là đi hết mức của Mở ra và Mở sang, khiến không thể có Thánh cho riêng mình như trong một vài tôn giáo khác. Tính cộng đồng này của sống đạo được khẳng định rất rõ trong chương 17 Yoan (c. 21-26) và chương 2 Ephêsô (c. 11-22).

Trọng tâm lời Chúa cầu trong chương 17 Yoan nằm ở câu 23:

— "Xin cho chúng nên một với nhau, như (kathôs) chúng ta là một với nhau."

Tiếng Như ở đây là KATHÔS, chứ không phải Hôs. Hôs thường chỉ một sự giống mặt ngoài, có thể do bắt chước mà có. Thí dụ: mầu áo của cô Oanh giống (hôs) mầu áo của em tôi. Hoặc: nét chữ của em giống nét chữ của bà nội.

Trái lại, Kathôs thường ngầm nói lên, dưới cái Giống ấy một gốc chung nào đó. Thí dụ: đứa bé ấy có khuôn mặt giống (kathôs) mẹ và tính ngang bướng giống cha. Như thế, trong lời cầu trên kia của Chúa, sự nên một của chúng ta, do chữ Kathôs (như), nghe như bắt nguồn từ sự Là một của Ba ngôi Thiên Chúa. Và như thế, sự hiệp thông (koinônia) Giáo hội biến thành một Mustêrion (mầu nhiệm và huyền nhiệm sống động) vừa do ý nghĩa, vừa do sự thật bên trong. Sự thật ấy là: cái Một của Giáo hội phát sinh từ cái Một của Ba ngôi, khiến mô phỏng sâu xa cái Một này. Sự mô phỏng là do tác động của Thần khí hiệp nhất, khiến "cha nào con nấy": Ba Ngôi giữa lòng Giáo hội đang hợp nhất với nhau ra sao, Giáo hội cũng ngày càng hiệp nhất như thế. Và đây là hiệp nhất hữu thể học thực sự, chứ không phải hiệp nhất tinh thần (moral) như mọi hiệp nhất tự nhiên giữa những người sống thân mật với nhau. Nghĩa là, cùng với hiệp thông đối vị (interpersonnel), còn có nên một đối tính nữa. Cũng như hiệp thông đối vị với Thiên Chúa, con người và Giáo hội cũng thành như đồng bản tính với Ngài (theias fuseôs koinonoi), thì hiệp thông với nhau trong Chúa, chúng ta cũng như chung phần bản tính Ngài với nhau. Hay nói cách khác: chung phần bản tính của Thần khí Ngài với nhau, bởi lẽ hiệp nhất của chúng ta là do Thánh Thần, trong Thánh Thần, theo Thánh Thần. Vâng, theo Thánh Thần, chứ không theo xác thịt, tức bản tính người tự nhiên.

Sự hiệp nhất đối tính này được nói lên khá rõ trong Lumen gentium số 13 như sau:

— "Nhờ sức mạnh sự phổ hiệp này (vi hujus catholicitatis), mà mỗi phần mang đến cho những phần khác và cho Giáo hội sự hưởng lợi từ phần ân mình được, khiến cho tất cả và mỗi thành viên lớn dần lên nhờ trao đổi hỗ tương và toàn khối ấy, cũng như nhờ cố gắng chung để đạt tới sự hiệp nhất hoàn toàn."

* * *

Mustêrion của hiệp nhất nằm ở Ba ngôi theo Yoan, ở Thần khí theo Phaolô.

Theo Yoan, chúng ta được sinh ra do nước và Thần khí. Sống do phép Rửa là sống ghép vào Chúa Yêsu như ngành vào gốc nho, để rồi trong Chúa Yêsu, chúng ta quan hệ mật thiết với Ba ngôi; để rồi theo Ba ngôi, chúng ta nên một với nhau do đức Ái.

Theo Phaolô, nước và Thần khí ấy của phép Rửa cũng keo kết chúng ta lại thành một thân mình (Eph. 4.4). Hợp tụ và được sống động hóa từ bên trong do Thần khí, Giáo hội do bản chất phải có tính đoàn sủng (charismatique). Có tính đoàn sủng theo ý nghĩa: Chính Thánh Thần là nguyên ủy và môi trường của sự hiệp thông. Vâng, do Thánh Thần trước tiên, chứ trước tiên không phải do cơ chế, dù cơ chế đã do Chúa thiết lập như một trong những phương thế cần thiết của hiệp thông.

"Việc Giáo hội mang cơ cấu, như Tillard nói, chỉ được biện minh (se justifie) trong tương quan với sự phục vụ tác động Thánh Thần, dù đó là huyền tích, là cơ cấu phục dịch (ministère), là quy định của luật Hội Thánh". Bởi lý do "con cái Thiên Chúa được hướng dẫn bởi Thần khí Chúa" (Rom. 8.14), nên "bất cứ cơ chế nào không hướng về hoặc không giúp cho sự phục vụ Thần khí đều không có chỗ đứng trong hiệp thông".

Sự hiệp thông vừa là ân sủng, vừa là đặc, đoàn sủng của Giáo hội. Ðiều này thể hiện rất rõ trong các buổi tập hợp Thánh Linh hồi đầu cũng như hôm nay, khi mà mỗi đoàn sủng xem như thiếu một cái gì đó để được bổ túc bởi một đoàn sủng khác. Kẻ nói tiếng lạ chẳng hạn lại không thể hiểu để giải thích, còn kẻ được ơn giải thích lại thiếu ơn kia. Bằng cách phân phối đoàn sủng như thế, Thánh Thần cho thấy chúng ta là những phần khác nhau của cùng một thân thể, do đó cần hợp tác với nhau để mỗi người tùy phần ơn nhận được mà chung xây thân mình Chúa đến chỗ toàn mỹ của thân mình ấy.

Vì sự hiệp thông có khuôn mẫu ở Ba ngôi, có nguyên ủy ở Thần khí, có môi trường và đối tượng là cộng đồng Giáo hội, nên để thánh hóa mình và phát triển sự hiệp thông ấy, chúng ta phải cầu với Thánh Thần và "tập hợp" với nhau. Thánh hóa bản thân là đồng hóa với Chúa Kytô, nối kết với Huyền thân của Ngài, do đó phải thắng khuynh hướng vị kỷ, tập quên mình và mở sang người khác để sống mầu nhiệm Hiệp thông.

* * *

Phải mở ra, mở sang, mở rộng, nhưng đừng mở suông, một cách vu vơ:

— "Chúng ta đừng yêu bằng lời, bằng ngôn từ suông, nhưng bằng hành động và sự thực" (1Yo. 3.18).

Dù mở rộng đến bao la, chúng ta cũng phải chọn một cái gì nhỏ và gần, nên cụ thể, để hầu hạ và yêu thương. Rồi xuyên qua cái nho nhỏ ấy, mở dần đến những khối lớn hơn, vì lớn mà dễ trở thành trừu tượng:

— "Kẻ không yêu nổi người anh chị em hắn thấy, làm sao hắn yêu được Thiên Chúa mà hắn không thấy?" (1Yo. 4.20).

Cũng vậy, cộng đồng Hội thánh toàn cầu sẽ thành trừu tượng nếu không cô đọng ở đây, trước mắt ta, nơi một cộng đồng cơ sở mà ta đang sống với, như gia đình, thôn xóm, từng nhóm sống đạo, từng nhà dòng. Và chúng ta có thể áp dụng ở đây câu nói của Chúa, với một vài từ thay đổi:

— Kẻ không yêu nổi cộng đồng nhỏ đây mà hắn sờ mó thấy, sao hắn có thể yêu Hội thánh toàn cầu mà hắn không thấy được?

Vì thế, hãy bắt đầu với những kẻ sống bên ta, quan tâm đến gia đình hay nhóm hội của ta. Cùng lúc, xuyên qua đó, phải mở rộng dần, chứ đừng vì nhà mình, quốc gia mình, hay nhóm sống đạo, nhóm tu, mà có thái độ ngờ vực hay dửng dưng đối với những cộng đồng khác. Thêm vào đấy, hãy vui buồn trong những buồn vui của toàn Hội thánh, của những vùng trời dù xa xôi.

Trong thực hành và trong thời khóa biểu của mình, hãy dành ra những thời giờ nhất định để nghĩ đến người này người kia trong nhóm, nhất là khi mình có trách nhiệm về họ. Cố nhiên là bề trên có trách nhiệm lớn nhất, nhưng nên nhớ, cộng đồng không chỉ là cộng đồng của bề trên, mà của mọi thành viên.

Thế rồi, từ bên trong cộng đồng, hãy bắc ra ngoài những chiếc ăng ten. Ngày nay, sóng thông tin phủ kín bầu trời. Quan tâm đến vùng nào, ta dễ có ngay những tin tức sốt dẻo về vùng đó. Phải nghe tin hàng ngày, và trong khi nghe, hãy rung lên trong nhịp vui lo chung của Giáo hội, khiến cho dù nghe radio hay đọc báo cũng là cầu nguyện nữa.

Nghĩ về Giáo hội là nghĩ đến cộng đồng cùng với mọi thành viên trong đó. Lắm khi người ta còn lẫn Giáo hội với giáo quyền. Giáo hội không thể thiếu giáo quyền, nhưng Giáo hội ở chỗ là cộng đồng các bản vị, thì phân biệt với giáo quyền, với cơ chế nói chung. Theo cha K. Rahner, cộng đồng và các bản vị mới là mục đích, chứ cơ chế chỉ là phương tiện thôi. Vâng, dù tổ chức và nội quy, dù quyền hành và chức vị, tất cả phải phục vụ các bản vị cũng như đời sống và sự hiệp thông của cộng đồng. Chính đức Yoan-Phaolô II cũng nghĩ như thế khi nói rằng:

— "Công đồng (Vat. II) đã nhắc nhở: mầu nhiệm Giáo hội thì lớn hơn cái mà cấu trúc hữu hình của nó cho thấy. Sở dĩ có cấu trúc và tổ chức là để phục vụ mầu nhiệm này."

Tiến trình và phương thức cộng đồng hóa

Một khi liên kết với nhau chỉ vì một số quyền lợi chung, người ta chỉ làm nên những tập thể (collectivité). Nguyên nhân của kết liên phải là tình cảm, thì mới có cộng đồng được. Cộng đồng sẽ càng chặt khi yêu thương càng đậm và dây buộc càng nhiều. Nhất là khi với hiệp thông cảm tính, còn có sống chung nữa.

Thật ra khi tình đã sâu, người ta được thúc để gần gũi nhiều giờ, làm chung nhiều cái, bỏ chung nhiều thứ. Ngược lại, càng ở với nhau lâu và có nhiều cái chung, người ta càng dễ thân, thậm chí xa nhau đâm nhớ.

Nhưng sống chung và yêu thương phải tỷ lệ thuận với nhau về mức độ, để rồi kéo nhau cùng tăng tiến dần dần. Chứ chưa đủ thân hay hết thân rồi, mà đối mặt nhiều sẽ sinh nhàm chán và nặng nề đấy. Do đó, phải "liệu cơm gắp mắm", lại dành những không gian cho tự do, thời gian cho cuộc sống riêng tư, chứ đừng "già néo (khiến) đứt dây".

Ngoài tình cảm ra, còn phải lưu ý đến tính tình và cá tính mỗi bên nữa. Những tính tình mà nghịch nhau như nước với lửa, gặp nhau sao khỏi nổ được. Hai cá tính mạnh, cùng nghiêng về thống trị, mà lại sống chung, thì bầu khí chẳng những khó thở cho hai bên, mà cho cả cộng đồng nữa. Như trường hợp Phaolô và Barnabê mà Martini nói đến.

Khi nhóm đã đông, thêm vào tình thương, phải có ít nhiều kỷ luật để tránh những lộn xộn khiến sống chung trở nên khó. Có điều cơ chế, cách tiêu cực, chỉ có thể tạo sinh một môi trường bên ngoài cho sống chung, chứ cái nó làm nên sức sống và keo dính của cộng đồng bao giờ cũng là và chỉ là tình yêu: một yêu thương siêu nhiên nó phải hiển hiện ở tâm tình, một yêu thương cảm tính nó cần được nâng lên và tăng thêm độ sâu do ý hướng siêu nhiên.

Yêu thương là nguyên nhân và mục đích thứ nhất của cộng đồng. Ðể cộng đồng tồn tại đúng như một cộng đồng, thì ý thức cộng đồng — nói cho đúng hơn, ý thức Thuộc về (d'appartenance) (cộng đồng) của mỗi thành viên — phải đậm sâu và khó xóa. Những sinh hoạt cộng đồng thân mật cùng với kỷ niệm chung khó quên sẽ hun đúc dần nên ý thức này. Việc của thành viên là phải dành một phần ý nghĩ, sự quan tâm và cuộc sống mình cho nhóm. Có bớt của mình để thêm cho nhóm như thế, thì cộng đồng mới tồn tại và lớn lên, và bầu khí cộng đồng mới ấm êm, thân ái, để tung tăng giữa đó, con chim là thành viên mới nhận được tác động ngược lại để cũng lớn thêm và phúc hạnh. Nếu đây là cộng đồng Hội thánh, thì cộng đồng ấy còn là máng chuyển không thiếu được của mọi ân, khiến ta không thể tăng trưởng thiêng liêng mà lại không gắn bó với Huyền thân của Chúa.

Gắn bó với cộng đồng không phải là gặp gỡ thuần hình thức. Quá nhiều những đình đám, đón tiếp, ăn mừng (như tại Việt Nam dù giữa giới nhà tu hay trong giáo xứ), mà đích nhắm chỉ là "cho thêm phần long trọng", chỉ làm mất thì giờ và của cải vô ích thôi.

* * *

Thời xưa, người ta quen sống thành những cộng đồng lớn: gia đình tam tứ đại, chủng viện mấy trăm người, viện tu nhà cửa rộng thênh thang. Trong cộng đồng lớn ấy (nếu có thể gọi đó là cộng đồng), người ta ngăn cấm việc hình thành các nhóm nhỏ, e rằng như thế bất lợi cho cuộc sống chung toàn khối. Cái toàn khối có gì giống như trại lính, trong đó mỗi người là một con số, không chân dung. Vâng, đông như thế, làm sao có thể biết nhau sâu và tình thân đậm đà?

Ngày nay trái lại, người ta thích sống thành nhóm nhỏ, có nhiều cái để chia sẻ với nhau hơn. Có điều phải tránh sự khép kín của nhóm, do đó sinh nghi kyï giữa các nhóm.

Ðể dễ sống thành nhóm nhỏ như thế, nên để phần nào tự do cho những ai dễ thân nhau có thể hợp lại với nhau. Thế nhưng vì đức Ái Chúa Kytô, nhóm cần mở cửa để tiếp nhận một hai kẻ không có chi để góp, thậm chí thành gánh nặng cho cộng đồng do già lão hay tật nguyền. Và biết đâu, do khó tính khó nết nữa. Bớt thoải mái một tí đấy, nhưng đức Ái thuần khiết hơn.

Nếu phần đông trong nhóm hợp tính nhau, thì số người này sẽ là nền tảng vững cho cộng đồng. Hợp nhau không có nghĩa là giống nhau mọi mặt, nhưng dù khác nhau vẫn có thể bù trừ cho nhau, ít là dung hòa được với nhau.

Chúng ta sống chung với nhau không chỉ để chung sống, mà đồng hành chung sức vì sự hoàn thành của Vương quốc cánh chung. Bởi thế, không nên sợ mâu thuẫn khi mà chỉ trong mâu thuẫn mới có "âm dương tương thôi, nhi sinh biến hóa", cũng như chỉ trong tranh luận, ánh sáng mới vọt ra, chỉ trong ganh đua, mới tiến nhanh, tiến mạnh được.

Nói cho đúng ra, mâu thuẫn cũng có ba bảy đường, chứ không phải chỉ có tận cùng đối kháng thứ mâu thuẫn Hégel. Với mâu thuẫn Hégel, đề và phản đề đối kháng phải hủy diệt nhau để được vượt qua bằng một cái mới hẳn ở tổng đề. Với biện chứng pháp âm dương, bên thứ đối kháng triệt để ấy, còn có đối kháng ôn dịu với hai bên có thể mài rũa cho nhau những chỗ gồ ghề, sắc cạnh, hầu đi tới dung hòa. Thêm vào đấy, còn thứ mâu thuẫn bù trừ của bên thiếu bên thừa, bên cao bên thấp, bên nhu bên cương. Vì cần nhau để bổ khuyết cho nhau, nên sự hợp tụ sẽ làm giàu cho nhau và cho khối.

Ðể cộng đồng tồn tại và tăng trưởng, cần khuyến khích hai loại mẫu thuẫn sau. Còn với loại đối kháng triệt để, thì một là phải loại trừ, hai là làm cho dịu bớt để chuyển hóa thành đối kháng ôn dịu, nhờ đó dung hòa được.

* * *

Ðể cộng đồng sinh tồn, cần phải tránh những lực cản hoặc vô hiệu hóa chúng. Lần theo Tông đồ công vụ và thư Phaolô, Martini đã lọc ra một số những lực cản chính cho việc duy trì cộng đồng cũng như cho bước tiến Giáo hội.

Lực cản thứ nhất là óc tính toán, mà điển hình là trường hợp vợ chồng Anani (Tđcv. 5.1-2). Vì quá lo xa, lại thiếu tin tưởng vào Chúa. họ đã không thể quảng đại hết mình để bỏ hết những gì mình có làm của chung.

Lực cản thứ hai là ganh tị, mà trường hợp tiêu biểu tìm thấy trong Tông đồ công vụ 6.1: Nhóm Hy lạp (những kẻ không phải Do thái cũng chẳng phải đám La mã thực dân) kêu ca rằng có phân biệt đối xử với các bà góa của họ. Sự ganh ghét hay đố kyï thường khiến bàn tán xầm xì (goggusmos). Xưa trong hoang mạc cũng thế, với đối tượng của chỉ trích là đại diện Thiên Chúa: Maisen (Xh. 14.11-12; 15.24...). Kiểu xầm xì ấy dễ sinh óc bè phái và sự chia rẽ. Vậy phải chống lại nó, đồng thời trong tinh thần siêu nhiên hãy khách quan nhận định, và nếu cần, công khai đưa ra những bất đồng để cùng giải quyết với nhau.

Lực cản tiếp theo thuộc lãnh vực quan điểm và cá tính.

Sự khác biệt quan điểm, dù trong lý thuyết hay thực hành, dễ sinh va chạm nảy lửa. Khó chấp nhận ý kiến khác với ý mình nhiều khi chỉ do tự ái hay thành kiến, thói quen ăn sâu, như trong trường hợp giữa một bên là Phaolô với Barnabê, và bên kia là đám theo Do thái hóa chủ nghĩa (Tđcv. 15.1-2). Nếu nguyên do là tự ái, thì thuốc chữa là sự khiêm nhu. Còn nếu đây là thành kiến, thì phải cố tách ra khỏi nó, đứng về phía người mà khách quan xem xét lý do họ đưa ra.

Những cá tính mạnh quen sống tự lập, có khi muốn người khác theo mình, chứ mình chẳng chịu theo ai cả. Họ phải cưỡng lại bản năng thống trị bằng cách uốn mình theo ý người trong những gì không trái với lương tâm. Khi chưa được khiêm tốn như thế, họ hãy tránh gần gũi nhiều với một kẻ tính tình giống họ, do đó dễ xung khắc với họ. Vâng, cương ở được với nhu, chứ hai cương thì khó đội chung một trời.

Nhiều cộng đồng xưa, để tránh chia rẽ, thường ngăn chặn việc tranh luận và nguyên nhân gây tranh luận là các tư tưởng mới. Nên nhớ rằng "từ trong tranh luận vọt ra ánh sáng", và nếu không có sáng kiến và ganh đua, thì chỉ còn sự bình lặng của ao tù hay nghĩa địa. Thế mà loài người chúng ta lại có trọng trách hoàn thành tác phẩm của Chúa bằng những sáng tạo kế tiếp. Nên vấn đề không phải là ngăn tranh cãi, mà tránh cho tranh cãi khỏi đưa đến cãi nhau.

Thêm vào mấy lực cản Martini nêu ra, cần phải nói đến tính nhỏ nhen của một số người, tính nhỏ nhen khiến họ soi mói đến cả những gì nhỏ nhặt nhất của người khác, khiến xung quanh không ai sống thoải mái được. Người nhỏ nhen thường cũng là người dễ chấp nhất, khó quên, không thể tha cho ai lỡ đụng đến mình.

Ngày nay, người ta nói nhiều đến ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải v.v..., tất cả nằm trong môn học mới gọi là Sinh thái học (écologie, ecology). Cùng với thứ sinh thái học thể xác ấy, thiết tưởng cũng nên phát triển một thứ Sinh thái học thiêng liêng, mà mục tiêu là phát minh những nguyên lý và đề ra những phương thức kiến tạo một bầu khí cộng đồng sạch trong và giàu oxy tình người, trong đó chúng ta có thể bơi lượn tung tăng như cá. Ðể được thế, phải có nhiều cố gắng của cá nhân cũng như tập thể để đi vào các ngóc ngách của tâm lý cộng đồng, cũng như để thanh lọc môi trường và khuyến khích sự hiệp thông.

Ðời sống cộng đồng hôm nay

Vào thời nông nghiệp, các thành viên gia đình sống quần tụ với nhau và quanh một ngành nghề duy nhất. Riêng người mẹ ở nhà, chăm lo cho mái ấm và săn sóc đám con nhỏ. Bên cạnh nông nghiệp và chăn nuôi, những nghề như rèn, mộc, bán buôn thì cha truyền con nối, làm việc chung tất cả. Gần gũi nhau với cùng mối bận tâm và nhiều cái để chia sẻ, thiết tưởng người ta sống cộng đồng thật dễ.

Thời nông nghiệp cũng là thời của đan viện, trong đó các tu sỹ cầu nguyện chung, ăn ở và làm việc chung, cùng một nơi chốn. Tiếp cận lâu giờ và chia sẻ mọi thứ, tưởng như không gì đầm ấm bằng.

Có điều những cái chung hình thức nói trên chỉ là những điều kiện khách quan của hiệp thông, và chưa chắc với những thứ ấy có thể tạo sinh một hiệp nhất thật giữa những chủ thể. Nhìn thấy nhau hăm bốn trên hăm bốn (giờ), nếu không phải vợ chồng mới cưới, hay mẹ trẻ con thơ, liệu có thấy nhàm và nặng không? Bởi thế, mới có nhận xét: "Sống chung là thánh giá nặng nhất". Và phải phân biệt sống chung (vie commune) với sống cộng đồng (vie communautaire), một đằng nói về hình thức (hai kẻ thù được nhốt chung một phòng giam vẫn có sống chung), đằng kia thiên về sự gắn bó bên trong, và đây là hiệp thông cảm tính (communion affective). Có điều hai đằng vẫn liên quan đấy. Vì "xa mặt cách lòng", nên nếu không có một tối thiểu gần gũi, thì cũng khó duy trì ý thức cộng đồng và ý thức Thuộc về. Thế nhưng cái mức tối thiểu này — cả mức tối đa nữa — lại tùy người (do tính tình, khuynh hướng, tương quan, mức đạo hạnh) mà thay đổi, nữ khác nam, đông khác tây, trí thức khác người ít học.

Sang thời kỹ nghệ, dân quê đổ xô ra thành phố. Gia đình tuy vẫn đông con (ít là vào thời đầu), nhưng con lại bụi đời. Số là nhu cầu vật chất tăng lên ở thành thị, mà việc làm phải giành nhau mới có. Nhà ở lại ổ chuột, vắng bóng cây xanh cùng gió mát trăng thanh. Tất cả tăm tối và biết bao cái từ bóng tối sinh ra: một ông chồng nghiện rượu, chửi vợ đánh con; một người vợ lao lực và đẻ nhiều nên kiệt sức, sinh bẳn gắt; một không gian u ám, từ đó vang ra tiếng cãi lộn không ngơi... Sống chung tuy còn đấy, mà hiệp thông mất rồi.

Cùng lúc, các nhà dòng cũng mở tung cửa, bỏ đời sống vách cản rào vây để vào đời phục vụ, và chỉ trở về nhà lúc ăn cơm, có khi người trước người sau nữa. May mắn nếu phần lớn thành viên còn có thể làm chung trong một nhà trường, nhà thương hay viện cô nhi, dưỡng lão. Sự sống chung có gì thoáng hơn, nên có lẽ bớt dồn nén cho một số người. Nhưng nguy cơ là khi người ta biến nhà dòng thành quán trọ, nếu quan tâm của mỗi người chỉ còn là công việc và hiệu quả, cùng những liên hệ với bên ngoài thôi.

Ngày nay, không gian sống chung ngày càng thu hẹp. Trong nhiều nhà, chồng làm một nghề, vợ làm nghề khác, trong khi con cái đi học mỗi đứa mỗi nơi. Tệ hơn cả, giờ làm việc có thể khác nhau, người ca một, kẻ ca hai, ca ba; ngay cơm tối cũng về ăn mỗi kẻ mỗi giờ. Cuối cùng, cái nhà chỉ còn là nhà ở suông, chứ không phải tổ ấm. Thậm chí vì công việc, như kinh doanh chẳng hạn, cha hay mẹ lắm khi đi xa cả tháng mới về. Thời "tân du mục" mà! Ở một hai nước tân tiến, người ta bắt đầu làm việc tại gia như hồi xưa, với những cơ sở kinh doanh nhỏ, hoặc với cách điều khiển từ xa bằng máy vi tính. Dẫu thế, cách làm việc này chắc không thể phổ biến rộng.

Du mục thời xưa di chuyển với toàn bộ gia đình. Du mục ngày nay phân chia mỗi người mỗi ngã. Cảm giác xa cách có thể giảm phần nào do chuyển vận nhanh, do liên lạc viễn thông dễ. Dẫu sao, sự gặp gỡ qua tiếng nói hay hình ảnh vẫn không thể thay thế được việc tay trong tay, mặt đối mặt.

Về phía nhà tu, biến chuyển cũng rất lớn, trong đó có suy giảm mạnh về sống chung. Với lòng yêu tự do và tinh thần phóng khoáng của con người hôm nay, lại do nhu cầu nhập thế giữa một xã hội đã tục hóa và đa dạng hóa, các viện triều mọc lên khắp đó đây, với thành viên mỗi người một nghề, mỗi người một chỗ ở. Cùng lúc, nhiều dòng hoạt động tông đồ cũng bỏ dần những cơ sở làm việc chung như nhà thương, trường học để đi làm thuê: y tá ở nhà thương công, giáo viên ở trường học đời, công nhân viên trong đủ loại xí nghiệp. Kết quả là sống chung chỉ còn tối thiểu, gần đến số không.

Dựa vào điều nghiên, Michel Dortel-Claudot quy những yếu tố khác biệt khách quan (liên quan đến công việc của những thành viên một dòng) vào ba loại:

Với ba yếu tố ấy, Dortel-Claudot tổ hợp thành ba cấp khác biệt như sau: cấp đơn dị, cấp lưỡng dị và cấp tam dị.

Cộng đồng thuộc cấp đơn dị khi các thành viên, tuy làm khác công việc, nhưng làm cùng nơi và phục vụ cùng loại người. Cũng ở cấp đơn dị khi người ta chỉ làm khác nơi hay chỉ phục vụ các đối tượng xã hội khác nhau.

Cộng đồng thuộc cấp lưỡng dị khi các thành viên chỉ còn một cái chung, và thuộc cấp tam dị khi mọi cái chung đều không cả: đã khác nghề, lại làm khác nơi, đối tượng phục vụ cũng khác loại nốt.

Thêm vào ba yếu tố của Dortel-Claudot nói trên, thiết tưởng cần đưa vô một yếu tố khác, tối quan trọng, mà có lẽ bên Pháp ít có nhưng lại gặp ở nhiều nơi: yếu tố thời gian. Tôi có ý nói thời gian làm việc nó kéo theo thời gian ngơi nghỉ trong đó thành viên có thể gặp nhau hay không thể. Vâng, nếu thời gian làm việc khác nhau, người làm ca hai, kẻ làm ca ba, người nghỉ thứ hai, kẻ nghỉ chủ nhật, thì làm sao có thể ngồi lại với nhau để cùng ăn, giải trí hay bàn chuyện nhà?

Nếu sống cộng đồng là một chiều kích của sống người và sống đạo, thì gia đình và hội tu không thể không quan tâm đến sống chung, do đó cố sao giảm thiểu những dị biệt khách quan cũng như để tinh thần hiệp thông tồn tại được giữa những dị biệt còn lại.

Trước hết, nên tránh những trường hợp tam, tứ dị. Kế đến giảm bớt những dị biệt còn lại bằng những Dự án tông đồ cộng đồng (projet apostolique communautaire) được phác họa chung trong suy tư và cầu nguyện, mà mục đích là phối hợp bao nhiêu có thể hoạt động đa dạng của các thành viên.

Riêng về giờ giấc, phải liệu sao cho mọi người về kịp để bắt đầu bữa cơm chiều với giải trí chung sau cơm, và kinh tối chung sau giải trí. Lại hằng năm, phải có một số ngày, để mọi việc sau lưng, người ta sẽ sống chung, cầu nguyện chung, và bàn chuyện của cộng đồng.

Ðối với ai vì sứ mệnh mà sống xa cộng đồng, thì phải năng có trao đổi bằng thư từ và điện thoại, sao để cộng đồng tỏ ra quan tâm đến người anh chị em, sao để người này cảm nhận sự gần gũi và được nâng đỡ...

* * *

Về phía cá nhân, trở lực sống chung do điều kiện tâm lý ngày nay gia tăng rất nhiều. Số là vì thế giới thay đổi quá nhanh, cả về mặt xã hội lẫn văn hóa, khiến ai theo không kịp sẽ thấy khó hòa nhập với mọi người.

Nhịp sống đã dồn dập, va chạm thường khi lại mạnh nữa, khiến sinh trục trặc tâm lý như lo hoảng và sợ hoảng, mà hậu quả là người ta không cởi mở được.

Bệnh khép kín này thường có nguyên nhân ở tuổi ấu thơ. Ở tuổi ấu thơ, đứa bé quan hệ gần như duy nhất với mẹ cha. Bắt đầu cố nhiên là với mẹ. Nó cảm giác mối quan hệ này thật vô cùng mật thiết. Trong quan hệ, nó bắt đầu nhận ra mình, ra người và tương quan đôi bên. Bài học thứ nhất, cũng là nền tảng cho mọi quan hệ về sau.

Mối quan hệ giữa mẹ với bé đặt nền trên thân thể. Mẹ của bé là mẹ - sữa không thể thiếu, nên môi giới của quan hệ khởi đầu ở miệng. Và đây là phát hiện của S. Freud. Bowby nới rộng phạm vi môi giới sang cả mũi, tai, tay, mắt. Bé quen với chân dung, giọng nói và da thịt của mẹ. Cả cái mùi vị thân thương của mẹ nữa. Với mẹ, nó cảm thấy được đùm bọc, nó có cảm giác đầy đủ và an toàn.

Quan hệ này dù sao cũng mới chỉ là tương quan - đối tượng (object-relations), tương quan mà lý do là nhu cầu. Rồi bé phải tập, và cha mẹ giúp bé tập, để biến tương quan ấy dần dần thành tương quan-chủ thể, giữa những bản vị với nhau, và đây cũng là tương quan yêu thương thực, yêu thương dâng hiến (amour oblatif).

Ðứa bé thật yếu đuối cả về mặt sinh lý lẫn tâm lý. Nên cảm giác được đùm bọc trong quan hệ với mẹ ở năm tuổi thứ nhất rất quan trọng cho sự phát triển cảm tính và cho các quan hệ suốt đời sau này. Cảm giác được đùm bọc ấy sinh ra niềm tin cậy. Theo Erikson nghĩ, cái kinh nghiệm trọng yếu của năm sống thứ nhất ấy là sự thủ đắc cảm giác tin cậy nói trên. Cảm giác tin cậy, nếu ở tuổi ấy không đạt được hay bị phá vỡ, thì hậu quả thật khó lường.

Thế mà hôm nay, gia đình thì dễ tan vỡ, cảnh bạo động diễn ra trước mắt thường xuyên, làm sao đứa bé gặp cảnh ngộ ấy không sinh bệnh lo hoảng, mất niềm tin vào con người. Hậu quả về sau là nó sẽ không sống cởi mở và nhân hậu được, trừ phi bệnh chữa khỏi, và với cố gắng cá nhân, sự thiện cảm với con người được khôi phục dần dần.

* * *

Sự cởi mở và tinh thần cộng đồng rất cần cho việc thánh hóa bản thân cũng như hiệp nhất Dân Chúa. Sự hiệp nhất này còn cần cho việc làm chứng nó vừa là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, vừa là nhiệm vụ của các cộng đồng. Giáo hội là hiền thê Chúa Kitô, mà sự mật thiết của động đồng (dù đây là gia đình, viện tu hay cộng đồng cơ sở nào khác) là dấu chỉ, dấu chỉ của sự mật thiết Kytô-Hội thánh.

Bởi thế, phải tìm mọi cách để loại trừ những sức cản cũng như để tích cực phát triển đời sống cộng đồng. Bằng cầu nguyện, bằng các phương thế tự nhiên, nhất là bằng lễ Tạ ân sốt sắng nó thiết lập và hoàn thành sự hiệp nhất Giáo hội.

TÓM LẠI

Trong sáng tạo, con người thuộc thiên nhiên qua thân xác. Trong tân sáng tạo, thiên nhiên là bạn đồng hành của con người, để rồi sẽ đồng phận cách nào đó trong Vĩnh cửu. Nên phải tôn kính thiên nhiên và sử dụng nó theo đúng chức năng. Vả lại, thân cận với thiên nhiên, thì trong thiên nhiên ta cũng dễ bắt gặp Thiên Chúa và con người.

Giữa thiên nhiên ấy, con người mang trọng trách tự kiến thiết mình thành cộng đồng. Nếu cộng đồng tự nhiên mô phỏng nhất tính Ba ngôi, thì cộng đồng siêu nhiên Hội thánh lại hội nhập vào đó. Sống cộng đồng và hiệp thông với Giáo hội là chiều kích không thể thiếu cho sống đạo và nên thánh.

Ðể bảo vệ cộng đồng, cần đến cơ chế. Nhưng nguyên nhân thực của hiệp nhất phải và chỉ là yêu thương, là đức Ái Chúa Kytô.

Ðể phát triển cộng đồng, các thành viên phải nuôi ý thức nguyên căn (d'identité), ý thức thuộc khối. Ðể duy trì cộng đồng, cần phá bỏ những lực cản, như óc tính toán, lòng ghen tị, tính nhỏ nhen, v.v... Lại phải cầu ơn Thánh Thần và đến với phép Thánh thể vốn là nguyên nhân của sự thiết lập và hoàn thành Giáo hội.

Ngày nay, do điều kiện sinh sống hay hoạt động tông đồ, các thành viên dễ bị phân tán, nên phải cố giữ một mức tối thiểu sống chung thì mới duy trì cộng đồng được.

Cũng ngày nay, do nhịp sống quá nhanh và tự do quá lớn, nên dễ sinh bất ổn. Nếu do đó mà bị chấn thương tâm lý ở tuổi ấu thơ, con người sẽ khó sống cởi mở sau này. Vì vậy, quan tâm đến đời sống cộng đồng, không thể người ta không lo giải quyết sự an toàn tâm lý cho ấu nhi và sự chữa trị tâm lý cho rất đông người mắc bệnh.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page