SỐNG ÂN SỦNG
BẰNG TÍN-VỌNG-ÁI

Linh Mục Hoành Sơn, SJ, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Ân sủng với bản tính

Rất đông quen hình dung ân sủng như một nước sơn, một thực tại lồng thêm cho bản tính, nên hiện hữu bên bản tính để điểm tô cho nó. Không không, ân sủng chẳng qua là một tên gọi nói lên sự có mặt của Thiên Chúa với tôi và sự biến cải của tôi trong Ngài. Vâng, ân sủng là một thực tại hai mặt: mặt chủ tạo (incréée) và mặt thụ tạo (créée). Ở mặt chủ tạo, ân sủng là chính Thiên Chúa đã thành của tôi, Thiên Chúa - tự thông ban - cho tôi. Ở mặt thụ tạo, nó lại là chính tôi đã thành đáng yêu, thần thánh do sự có mặt của Ngài.

Tôi đã biến đổi, và đổi tự nền tảng, biến đổi tự nền tảng không có nghĩa là đổi nền tảng, tức đổi bản tính. Có đổi bản tính khi đang là chuột biến thành voi, đang là người biến thành thiên thần. Không không, sinh là người, với ân sủng tôi vẫn chỉ là người, vẫn con người Nguyễn văn Nam ấy. Ðể rồi mai đây, nếu do tội mà mất ân sủng, tôi vẫn nguyên vẹn con người này, dù quái biến (perverti) thiêng liêng. Nên đây là một biến đổi tùy phụ, dù biến đổi vượt trên bản tính (chứ không trong khả năng của bản tính), do đó siêu (tự) nhiên. Siêu nhiên tuy làm nên "siêu nhân", nhưng siêu nhân ấy vẫn là nhân tuy được siêu thăng.

Tuy không biến đổi nền tảng, nhưng biến đổi lại sâu, biến đổi tận nền tảng, khiến đang tối thành sáng, đang "xác thịt" thành "thần khí", đang kẻ thù thành con Cha nơi đức Yêsu Kytô. Và thánh Phaolô gọi đấy là Tân sáng tạo. Từ con người cũ, do Tân sáng tạo tôi thành con người mới, mới từ chân đến đầu, mới theo khuôn mẫu Yêsu.

Mới từ gốc không có nghĩa là cái mới ấy hiển ngay ở ngọn. Phải có thời gian và công tôi vun trồng tưới tẩm, để cái là mầm cải kia nở lên thành cây, và cây lớn dần đến độ chim trời làm tổ được (Mc.4.32).

Vâng, ân sủng là một thể sống. Nói cho đúng hơn, đó là con người siêu nhiên nơi anh, nó sống động và biến đổi không ngừng.Vì ân sủng không phải chỉ là một nước sơn, một trạng thái (état), nên tĩnh (statique). Ân sủng còn là một động năng, một sức sống. Và là chính con người anh đang tiến hóa thiêng liêng.

* * *

Lắm kẻ tưởng như siêu nhiên là cái gì khác tự nhiên, thậm chí nghịch với nó. Vào thời trung cổ, tự nhiên được hiểu là con người ở chỗ xấu đi do tội. Lại do ảnh hưởng Platon-thuyết, tự nhiên (được đồng hóa với xác thịt và vật chất) bị coi khinh, nếu không xấu tự căn, thì cũng tự căn là khuyết điểm, hạ trọc. Vì thế, khi viết về mầu nhiệm Nhập thể, Olier cho rằng Thiên Chúa đã phải đề phòng trước, kẻo nhân tính nơi Yêsu sẽ "hoảng sợ mà bỏ chạy trước sự sáng láng uy nghi (của thiên tính)".Và cũng vì thế, các sách thiêng liêng như Gương Chúa Giêsu, thường đối lập tự nhiên với siêu nhiên, coi sự sống siêu nhiên như phải triển nở trên xác chết của tự nhiên vậy. Sự đối lập này sẽ lan ra, thành đối lập Thánh giá-Nhập thể, khiến Condrien cho rằng Nhập thể chỉ có ý nghĩa khi cung cấp cho đức Kytô một xác thân để sát tế: sự tôn vinh Thiên Chúa chính là sự hủy diệt con người.

Chẳng những coi khinh tự nhiên và thân xác, người ta còn xem nó như trở lực và kẻ thù. Những năng lực và giá trị tự nhiên, như thông minh và học cao, như hát hay và vẽ giỏi, chẳng tích sự gì cho đời sống thiêng liêng, mà còn gây hại bởi làm tôi sinh kiêu và đi vào những sáng tác vô ích.

Thật ra do bản chất, siêu nhiên không nghịch tự nhiên, mà cũng chẳng hiện hữu bên ngoài tự nhiên nữa. Trong cụ thể, siêu nhiên chính là tự nhiên được siêu thăng, vọt cao hơn chính mình. Vì sự sống siêu nhiên chính là sự sống tự nhiên được cải hóa trong ân sủng. Sự cải hóa ấy, từ gốc (bản tính) lan sang các khiếu năng (trí năng với mức thông minh của nó, ý chí với nghị lực sẵn có, tình cảm với độ sâu và độ nóng khác nhau, v.v...), để ở các khiếu năng cụ thể này, nó biến thành những khuynh hướng và sức mạnh hành động, tức những năng đức thiên phú (vertus infuses). Ðược khai triển và phát triển, các đức này sẽ tác động vào đời sống và biến cải nó: đời sống của tôi trực tiếp, và đời sống quanh tôi nhờ ảnh hưởng của tôi.

Vì thế, năng khiếu tự nhiên (aptitudes naturelles) hay thiên bẩm (innées) là chỗ dựa để phát huy năng đức thiên phú, để khai thác các đoàn sủng (charismes), hầu thánh hóa bản thân và xây dựng Vương quốc Thầy. Chúng chỉ thành tai hại khi bị lạm dụng để tôi kiến thiết vinh quang riêng, bất chấp lợi ích của Nước Chúa. Trái lại, nếu tôi chôn vùi chúng vì nỗi lo tai hại này, thì tôi sẽ trả lời sao với Chúa khi được hỏi về nén bạc vốn đã trao?

Vâng, tôi không thể coi tự nhiên là "đồ bỏ", nhưng là đồng bạc trao phó để sinh lời, y như ân siêu nhiên vậy. Ðây là sinh lời cho Chúa, và vinh quang tôi là ở trong vinh quang Chúa. Nên đây là sinh lời theo ý Chúa, chứ không tùy thích và tùy hứng của tôi.

Các khuynh hướng tự nhiên: đói thì muốn ăn, đến tuổi thì muốn được bù trừ khác phái..., các khuynh hướng ấy tự chúng chẳng xấu tốt chi về mặt luân lý; xấu hay tốt là do tôi, do ý hướng và thái độ bên trong của tôi. Vì đã là người thì phải làm người, chứ không để mặc tự nhiên lôi cuốn được. Ðể làm người, tôi phải uốn nắn bản năng, làm chủ ham muốn, cao quý hóa tâm hồn. Với ý chí và tập luyện, với suy nghĩ và khôn khéo, tôi có khả năng tu thân (sửa mình) ấy. Vâng, vấn đề không phải là diệt trừ ham muốn (désir), mà thăng hoa và hướng dẫn nó, nhờ đấy tập hợp sức mạnh để tiến thân và tấn chiếm Nước Trời. Một người yếu ham muốn không thể thành con người phong phú, vì không yêu lớn để hy sinh nhiều, vì không tha thiết lắm để dấn hết thân vì Chúa và vì anh chị em.

Hãy để ân sủng hành động nơi tự nhiên và bằng sức của tự nhiên. Hãy dâng lên trí năng, ý chí, tình cảm cùng mọi năng khiếu thiên bẩm để Chúa sử dụng chúng cho sự nghiệp Nước Trời. Phần tôi, chỉ xin Chúa ban cho tình yêu để tôi thấy mình đầy đủ.

Ân sủng trong đời sống

Qua khiếu năng, bằng Tín-Vọng-Ái với các đức thiên phú khác, ân sủng phải gia nhập cuộc sống và phủ trọn cuộc sống.

Sống trên hết phải là sống nội tâm. Vì chỉ nội tâm mới khiến cho sự sống mang nhãn hiệu người.

Trong nội tâm, ân sủng là CHÚA CÓ MẶT VỚI TÔI, chứ không phải chỉ có đó trong tôi. Nếu Chúa chỉ có đó trong tôi, tôi có thể bỏ Chúa mà đi dạo được. Bằng như Chúa có mặt là với tôi, thì không thể tôi không có mặt với Ngài. Có mặt với Ngài, tôi có mặt bằng cầu nguyện, bằng hành động theo ý Chúa, dù có giải trí hay nghỉ ngơi, cũng chỉ làm thế vì Ngài thôi. Vâng, hai kẻ yêu nhau, dù khi mỗi người mỗi việc, vẫn cảm nhận mơ hồ về nhau, và luôn sống vì nhau. Thế mà ân sủng là Chúa yêu tôi, và tôi yêu Chúa đấy! Ðể có thể "chiêm trong hành động" (contemplation dans l'action) như thế, tôi phải chiêm trong cầu nguyện trước đã. Nghĩa là dành một số lúc "thì mạnh" (temps fort) cho suy chiêm, và đây là tích điện cho tâm hồn để sáng đèn cho cuộc sống. Kế đó, trong công việc cũng như khi giải trí, từng lúc hãy liếc nhanh về phía Chúa bằng một máy động tâm tình, bằng một câu tâm sự hay "than thở", hay bằng một câu Phúc âm ưa thích. Thật vắn thôi, nhưng công suất có thể cao. Thế rồi về cuối ngày, hãy làm kiểm điểm. Ðây là những phút vấn tâm nghiêm túc: xem tôi đã cầu nguyện và sống ra sao từ lúc này sang lúc khác, và nên làm thế nào để tiến thêm hoặc sửa sai.

Một khi đã quen sống tốt và sống hy sinh, thì đến lượt cả hành động cũng tích điện nữa. Nghĩa là nó khiến ta sốt sắng và trở về cầu nguyện dễ dàng hơn. Hành động mà được như thế đúng là Chiêm trong hành động rồi.

Thánh Augustin hiểu và nghiệm rằng "Thiên Chúa không thể cứu ta nếu không có ta (hợp tác)". Tất cả là ân Chúa đấy, nhưng tất cả cũng do ta. Do ta ở mặt phẳng ngang (phụ thuộc), do Chúa ở chiều thẳng đứng (chính yếu). Dĩ nhiên là, xét cho cùng, dù ta có cố gắng, cũng là nhờ ân Chúa mà ta đã cố gắng. Nhưng cố gắng thì vẫn phải có, và cùng với cố gắng là những gian khổ. Có như vậy, ân sủng mới vào cuộc được và lộ ra trong cuộc sống, nhờ đó làm nên những thánh nhân, những "người của Thiên Chúa" (homme de Dieu). Còn nếu không làm như thế, ân sủng vẫn nguyên hình "hạt cải", và cái mầm không triển nở sẽ thui chột đi:

— Còn nén vàng của hắn, hãy lấy lại trao cho kẻ có mười nén (Mt.25.28).

Trong trường hợp ấy, chẳng còn gì phân biệt Kytô-hữu với ngoại dân, khi mà lắm kẻ còn tệ hơn ngoại dân nữa. Những kẻ như thế chỉ là tín đồ hữu danh vô thực, những con chiên ghẻ đã bán đứng Thầy, khiến cho "cái tốt nhất mà hư, thì lại thành tởm nhất". Trái lại, một vài người mang tiếng lương dân, tuy biết ít, nhưng sống theo lương tâm và những hiểu biết ấy, vô hình chung lại là đệ tử không ký danh của Chúa, do định mệnh siêu nhiên tiềm sẵn nơi mỗi người.

Ân sủng trong liên đới với Ba ngôi và Chúa Yêsu

Ân sủng tháp nhập tôi vào Chúa Yêsu, vào mầu nhiệm toàn bộ của Ngài: Nhập thể-Thánh giá-Phục sinh.

Nhập thể ư? Từ nay nhìn gì, tôi phải thấy như thấm vương mình máu Chúa (Teilhard de Chardin), do đó đáng kính tôn. Kính nên không dám lạm dụng, nghĩa là không dám lợi dụng để thỏa mãn những ham muốn ích kỷ. Kính nên phải nghiêm cẩn sinh lời, nghĩa là dùng sao cho có ích hết thảy những gì Chúa đặt trong tầm tay. Nói rõ hơn, phải coi chúng như phương tiện nên thánh và phục vụ, coi chúng như bạn đồng hành trên con đường mở Nước Cha. Tất cả phải "ăn theo" tôi trên đường về, để tất cả sẽ "ăn theo" tôi ở đích tới để thành Trời đất mới (Rom.8.19-21).

Trong trường hợp không thể biến một giá trị thành phương thế nên thánh, thậm chí còn tệ hơn nữa, thì chỉ còn mỗi cách là từ bỏ nó thôi. Thà mất một chân hay tay mà vào Nước Trời, chả còn hơn lành lặn mà sa địa ngục ư? (Mc.9.43-48)

Ðể biến một giá trị tự nhiên thành phương tiện nên thánh, ta phải biết thánh hóa cái nhìn của mình về nó, và phải tập từ bỏ để siêu thoát đối với nó. Vâng, bất cần được đến đâu, ta mới dùng được đến đấy mà không nguy hiểm. Và đây cũng là ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh giá-Phục sinh. Làm người, Thiên Chúa đã không khinh rẻ những giá trị người, như nhiều nhà tu đức học trung cổ nghĩ. Khiến chúng thành của mình, hẳn Lời nhập thể rất yêu thích chúng. Tuy yêu bằng Nhập thể, nhưng Ngài lại chấp nhận bỏ chúng bằng Thập giá để tìm lại chúng ngàn lần tốt đẹp hơn trong Phục sinh, cho Ngài và cho ta.

Vậy tôi không ghét thân thể, nghị lực, trí thông minh và tài năng của tôi. Tôi vẫn yêu cha mẹ, vợ con, bạn bè, nhưng vẫn sẵn sàng từ giã họ vì một tương lai quý giá hơn cho tất cả. Chỉ khi nào bằng luyện tập, tôi hết vương vấn rồi, tôi mới trở lại được nếu Chúa muốn, vì khi ấy tôi đủ khả năng yêu thương mà không bị ràng buộc, như kinh nghiệm cuối đời của Tiên sa nhỏ. Vàng đã thập thành thì không sợ gặp lửa nữa. Lửa bốc mạnh rồi, thì cái gì vô mà chả thành lửa luôn. Lửa, tôi muốn nói đức Ái Chúa Kytô.

Trong cuộc sống, hãy luôn nắm vững hai vế dễ chọi nhau, là Nhập thể và Thánh giá-Phục sinh. Tu đức thời xưa quá nhấn vào Thập giá, nên rơi mất Nhập thể. Con người thời nay, bị hút vào Nhập thể, lại muốn xây một thiên đường khép kín ở dương gian, và né tránh sự thực về nhát chặt ngang của Thánh giá. Cần nuôi cái nhìn lạc quan đối với các giá trị trần gian và nhân bản, nhưng hãy biết đầu tư khi cần bằng từ bỏ, cho một Trời đất mới chỉ xuất hiện ở cuối đường hẹp của Hy sinh. Vậy lúc nhìn em bé mà ta yêu trong máng cỏ, đừng tách máng cỏ ấy khỏi chị em sinh ba của nó là Ta bo và Núi Sọ.

* * *

Nhìn ngắm gương mẫu của chúng ta là Con, không thể chúng ta không hướng theo ánh mắt Con về phía Thiên phụ. Vâng, ý nghĩa của đời Con là ở đó. Vì hiện hữu với Con chính là Tiếp nhận (nhận tất cả từ Cha), là Thuận theo (theo ý Cha), là Quy hướng về (trong tri ân và dâng hiến). Thành con nơi Con Cha, không thể tôi không thốt lên Abba, Bố! Ðược gọi Thiên Chúa là bố, được có một Thiên Chúa làm bố, còn gì sung sướng bằng! Tiên sa nhỏ đã cảm thấy thế khi cầu CHA TRÊN TRỜI, và chị đã khóc.

Là bố, Thiên Chúa cũng có gì là mẹ nữa. Ngài chả sinh ra Con đấy ư? Chả ân cần dỗ đám con loài người: "Ta sẽ cho con bú, Ta sẽ bồng con trên bẹn, Ta sẽ nựng con trên đầu gối Ta" (Is.66.12) đó ư?

Càng đúng là mẹ hơn, Thiên Chúa ở ngôi Thánh Thần. Vì đây là Ruah Yaveh, Hơi thở của Thiên Chúa, hơi thở nó mật thiết với sáng tạo, sự sống. Nếu Thánh Thần được biểu trưng bằng nước khi sinh tôi trong Phép rửa, thì Ngài cũng tác động từ trong để Ðức Mẹ sinh Chúa Yêsu (Lc.1.35 = Stt.1.2). Ðức Mẹ chỉ sinh Chúa về mặt tự nhiên, chứ sinh Chúa về mặt siêu nhiên là việc của riêng Thánh Thần. Sinh ra con người Yêsu về mặt siêu nhiên, về mặt siêu nhiên, Thánh Thần cũng sinh tôi nơi Chúa Kytô, sinh thành con Thiên phụ. Thánh Thần đúng là mẹ. Và cũng là mẹ khi Ngài âm thầm dạy dỗ, sáng soi, an ủi và khích lệ tôi từ bên trong.

Bình thường, chúng ta khó cầu nguyện với Thánh Thần. Ngài đã vô hình, lại xem như trung tính (neutre) nữa. Rất khó thấy Ngài là thân thiết, khi mà bất cứ tình cảm nào cũng phải trụ vào tưởng hình (l'imaginaire) và thấm màu tính dục. Nhưng nếu ta đã có thể yêu Cha khi hình dung Ngài như một người cha, thì ta cũng có thể yêu Thánh Thần khi hình dung Ngài như một từ mẫu. Mà đúng Ngài là từ mẫu, còn hơn từ mẫu nữa!

Ân sủng với đời sống Tín-Vọng-Ái

Bản tính người có khả năng dãn nở cho vừa khớp với ân sủng siêu nhiên, để thụ tiếp Thiên Chúa tự thông ban mình (auto-communication) cho nó: một khả năng thụ tiếp thuần túy, mà thánh Tôma gọi là Potentia oboedientialis, khả năng thuận nhận. Nhờ khả năng này, Thiên Chúa có thể đến với tôi, thành như của tôi, do đó tôi được Thiên Chúa hóa tự gốc. Tự gốc là bản tính tôi, ân sủng như động năng sẽ nhiễm hóa, sống động hóa các khiếu năng (faculté) của tôi, do đó trở thành sức để hành động, và đây là các năng đức thiên phú (vertu infuse). Năng đức thiên phú gồm ba năng đức đối thần (vertu théologale) và nhiều năng đức luân lý (vertu morale). Năng đức đối thần hướng tôi về Thiên Chúa trong Tín, Vọng, Ái.

Thật ra, đứng trước Thiên Chúa, chỉ có một thái độ xứng với ta: thái độ thuận nhận, đầu hàng (obédience). Thái độ ấy được Kinh thánh gọi là đức tin: đức tin của Abraham, đức tin mà Yavê đòi hỏi ở Dân Ngài, đức tin cần cho cứu độ trong ý nghĩ Chúa Yêsu và dưới ngòi bút của Phaolô.

Quy thuận hoàn toàn, nhắm mắt đưa chân, Abraham vâng lời giết tế đứa con trai duy nhất. Và dù giết đứa con duy nhất khi mình đã quá già, ông vẫn tin vào lời hứa của Yavê: Dòng giống ông sẽ như sao trên trời (Stt.15.5). Như vậy, tin là quy thuận bằng cả con người: lý trí, ý chí, hành động. Và là chấp nhận dù không hiểu, làm theo dù mất mát.

Không những phó thác một tương lai, Chúa Yêsu đã phó dâng chính mình. Và Ngài nhắm mắt đưa chân: "Dù sao chăng nữa, xin cứ ý Cha, đừng theo ý con" (Lc.22.42).

Thái độ Thuận Thiên ấy không những tùy vào con người Chúa, mà còn làm nên chính con người và cuộc sống của Chúa. Phải nói rằng sống với Chúa là thực thi ý muốn của Cha. Khiến cho: "Mẹ ta và anh chị em ta, đó là kẻ làm theo ý Cha" (Mt.12.50).

* * *

Khi chưa "quen" Chúa, chúng ta phải dựa vào lý lịch để nhận ra Ngài. Và đây là đức tin ở cửa vào của nó, tin dưới khía cạnh trí thức: Tin Thiên Chúa một Thể ba Ngôi, Tin đức Yêsu là Con Thiên Chúa làm người, v.v...

Trên bình diện trí thức này, như thánh Tôma quả quyết, người ta dựa, không vào lý trí mình, mà vào tri thức của Thiên Chúa, nên bảo đảm hơn hẳn. Thế nhưng, đối với lý trí, đây lại là cái biết gián tiếp, qua uy tín của người khác, nên xác tín kém đi. Và tối tăm là ở đó. Cám dỗ dễ xảy ra cũng do đó.

Sở dĩ hành vi Tin mang giá trị siêu nhiên, vì nó cắm sâu vào ân sủng, ở chỗ sâu nhất của vô thức. Ở chỗ ấy chị đang gặp Chúa và chia sẻ cái biết của Ngài, biết về chính Ngài, về kế hoạch cứu thế của Ngài, cũng như về mọi thực tại trong liên quan với kế hoạch ấy. Ta có thể gọi cái biết ấy ở vô thức là đức tin tiên thiên. Ðức tin này là gốc, nguồn của mọi hành vi siêu nhiên. Từ trong bóng tối vô thức, nó ảnh hưởng đến cuộc sống chị, nó tác động trong chính hành vi tin của chị. Ðến lượt hành vi này, một cố gắng chung của lý trí và ý chí được ân sủng nâng đỡ, lại làm lớn lên và mạnh thêm đức tin tiên thiên ấy, để đến lần sau, tăng hiệu thế, tác động của nó khiến hành vi tin càng nhuần nhuyễn, sâu xa, thuần khiết hơn.

Dù dễ đến đâu chăng nữa, tin vẫn còn là nhắm mắt đưa chân, trong tăm tối. Vì thế, thử thách dễ xảy ra. Thử thách, đó là một chân lý khó chấp nhận, một trở lực khó vượt qua, cuộc khải hoàn của những sức mạnh tà ác, sự vùi dập do đó mà ức vạn người lành hứng chịu, nhất là khi trong số người chịu oan ấy có tôi hay người chí thân của tôi. Niềm tin xem như nghẹt hơi, đuối sức lắm rồi. Nhưng nếu khi ấy tôi vẫn kiên trì cầu nguyện dù không nghe tiếng trả lời, vẫn lết đi từng bước dù trơn trượt, sắp ngã đến nơi, vâng khi ấy, đức tin vẫn sừng sững đó, và ở đó Thần khí đang làm việc. Một đức tin chính tông, vì trần trụi không có sự đồng hành, nên pha loãng, của những thúc đẩy thuần tự nhiên. Thần khí Con vẫn sống trong tôi, dù không ra mặt, khi mà, bất chấp cảm giác trống vắng, bất chấp trạng thái phi trọng lực, tôi còn đứng vững trên đôi chân và gào lên được: Abba, con tin!

* * *

Chẳng những tin vào lời Chúa dậy, tôi còn tin vào lời Chúa hứa nữa. Tin vào lời hứa là tin vào điều chưa đến mà chắc phải đến do lời hứa này. Trong trường hợp ấy, tin cũng là hy vọng vậy. Vọng đây là tin vào hạnh phúc vĩnh cửu Chúa hứa dành cho tôi. Với đức Vọng, chẳng những tôi tin vào hạnh phúc mai sau, mà còn hướng tâm hồn về hạnh phúc ấy nữa. Nên sống đức Vọng cũng là siêu thoát đối với lạc thú ở đời này. Do đó, theo Yoan Thánh giá, đức Vọng có màu xanh và là chiếc thuẫn chống sức tấn công của ngoại thù Thế gian.

Bao lâu Tín hay Vọng còn hướng về cái gì ngoài Chúa (chân lý đạo và hạnh phúc vĩnh cửu), thì chúng chưa xứng với Chúa. Bằng Tín hay Vọng, tôi phải hướng về chính bản thân Chúa nữa, và khi ấy, Tin sẽ là tin vào con người Thầy: tin tưởng; Vọng sẽ là mong được kết hợp với Thầy trong vĩnh phúc. Ðến đây, thì Tín và Vọng đã trên ngưỡng cửa của Ái rồi, khi mà hướng về Chúa, ta muốn chính Chúa và tựa vào chính mình Ngài. Tin trong yêu mến là quy thuận hoàn toàn, là phó thác tất cả, là buông mình (abandon) trong tay Ðấng yêu ta. Vì tin trong yêu mến là tin hết mình, ở vào tư thế của chí âm đứng trước Thái dương, của cái yếu nhất nương vào cái mạnh nhất.

Tin vào ai cũng là đánh giá người ấy cao: cử chỉ làm vui lòng người ấy nhất. Trái lại, không tin vào ai là sỉ nhục họ. Ðối với Thiên Chúa, tin còn là quy thuận Ngài, thái độ phải có của thụ tạo đứng trước chủ tạo. Nên không thể làm gì đáng giá trước Chúa mà lại thiếu đức tin. Ðức tin là nền móng của tất cả đời sống Kytô-hữu vậy.

Sự quy thuận Chúa ở đời này luôn còn là thử thách, bởi lẽ ta chỉ thấy Chúa qua tấm gương, trong khi các sức mạnh trong ta cũng chưa quy nhất (intégré) đủ trong một đức Ái hoàn tất. Nên đây vẫn là một cố gắng, đôi khi một liều thân. Quy thuận trong tối tăm, với bất cứ giá nào, sự quy thuận ấy, Kinh thánh gọi nó là Tin.

Tin bất cứ giá nào, đức tin ấy chỉ thành hiện thực nếu được mài rũa trong thử thách. Thử thách trong tông vụ, khi mà tất cả xem như đổ vỡ, khi mà hết thảy ruồng bỏ ta, cả Chúa cũng như bỏ nữa. Thử thách trong huyền nghiệm với những đêm tối lạ lùng và kinh khủng, như được diễn tả trong tác phẩm cùng tên (Ðêm tối) của Yoan Thánh giá. Vâng, đúng là tập luyện giữa môi trường phi trọng lực, tối cần thiết cho những chuyến du hành trên cao.

* * *

Tín, Vọng, Ái không phải là tất cả thái độ cần có đối với Thiên Chúa, nhưng là những đường gân mạch của thái độ này, tôi có ý nói thái độ quy thuận, thái độ của kẻ không có gì đứng trước đấng là Tất cả. Quy thuận trong tối tăm, đó là thái độ đức tin, theo ý nghĩa rất thánh kinh của nó. Tin là nền tảng sống đạo của Cựu ước. Nhờ ân sủng đức Yêsu Kytô, đức tin đạt tới mức thuần khiết và toàn mãn của nó trong Tân ước.

Tin, hay Tín-Vọng-Ái, là thái độ phải có đối với Thiên Chúa. Thế nhưng Thiên Chúa lại vô hình, trong khi cái mà ta phải cọ sát với từng giây là con người và thiên nhiên cơ. Ðể đối phó tốt với chúng, ta đã có các năng đức thiên phú luân lý, tức năng đức đối nhân, đối vật.

Ðối thần và đối nhân, hai loại năng đức ấy có tương quan gì không và liên hệ sao đây? Phải chăng chúng ta đối thần trong nhà thờ và đối nhân trên đường phố, và hai hành vi độc lập đối với nhau?

Ai cũng biết yêu người là một với bổn phận yêu Chúa, và theo thánh Yoan, ta chỉ hiểu Chúa (là Tình yêu) khi yêu anh chị em mình (1 Yo.4.7-8). Hơn nữa, cũng theo Yoan, yêu người chính là yêu Chúa vậy (4.20-21). Nói cách khác, chỉ có một đức Ái thôi cả trong yêu Chúa lẫn yêu người. Và yêu người, chính là cách biểu lộ lòng yêu Chúa đấy.

Diễn suy từ đó, cũng phải nói rằng, chính ở cách sống luân lý của ta, mà chúng ta thể hiện niềm tin yêu đối với Chúa. Cho nên, không có cách biệt giữa nhà thờ với đường phố, không có mâu thuẫn giữa cầu nguyện với hành động. Khi hai mức sống đối nhân và đối thần còn thấp, thì ta chưa dễ nghiệm Chúa trong phục vụ, do đó phải vun trồng đồng thời cả hai loại năng đức đối thần và đối nhân. Nhưng phải cố sống sao cho khoảng cách giữa đôi bên thu hẹp dần và xóa hẳn. Ðể được như thế, phải tập luyện.

Bắt đầu, ta phải tập nhìn Chúa trong người thân, trong khách qua đường, ngay trong kẻ thù nữa. Ta cũng tập nhìn ra ý Chúa ở những gì đang xảy đến cho ta, hoặc để tôi luyện con người ta, hoặc để vạch đường chỉ lối cho ta. Ðồng thời, hãy tập sống tốt, tập hướng mọi suy nghĩ và hành động về Chúa, cố gắng sống trong Chúa, vì Chúa, làm tất cả với Chúa.

Một khi đã quen với những cố gắng hữu thức như thế rồi, sau này dù làm gì, dù không ý thức ta vẫn dễ làm vì Chúa. Y như người mẹ rất yêu con, dù bận việc vẫn ngầm sống vì con. Quen sống tốt và yêu Chúa được đến thế rồi, ta sẽ không thấy mấy phân biệt giữa năng đức đối thần và năng đức luân lý nữa.

Ðời sống ân sủng trong tương quan với Giáo hội và huyền tích

Ðức Yêsu Nadaret là Kytô, đấng bằng cái chết và phục sinh phải "gồm thâu về một đầu" (ré-capitulation). Vâng, không phải chỉ có hiệp nhất, mà còn hiệp nhất trong liên đới với một đầu, để trong liên đới với đầu ấy, tất cả làm nên một thân, và đây là Huyền thân Chúa Kytô. Vâng, ngoài thân mình riêng, đức Kytô đủ bộ (le Christ total) còn được nối dài sang một thân mình nữa, thân mình Toàn Giáo hội.

Thân mình ấy là tôi, là anh chị, là mọi đệ tử Thầy ở chỗ làm thành cộng đồng. Nên sự sống siêu nhiên của Chúa, khi lan tới Huyền thân, vừa làm nên sự sống từng người, vừa làm nên sự sống toàn Hội thánh.

Vậy nơi mỗi người phần nào có Hội thánh, cũng như nơi Hội thánh có từng người và tất cả. Ðúng là mỗi người mang Mọi-người và Mọi-người có đó vì từng người. Sự thánh hóa vừa là của cá nhân, vừa mở tới cộng đồng nữa. Ðến nỗi không ai đi sâu vào ân sủng mà không ảnh hưởng đến cộng đồng, cũng như mọi tăng trưởng của cộng đồng không thể không tác động đến từng người trong đó. Và chúng ta sẽ không trưởng thành thiêng liêng nếu không cảm thông với Hội thánh, cũng như càng mở rộng tầm Hội thánh, chúng ta càng tiến sâu vào sự thân mật với Chúa Yêsu và do đó lớn lên.

Vậy trong phụng vụ cộng đồng, hãy hòa áng hương lòng với cột hương chung đang bốc dâng về phía Chúa. Trong cuộc sống dù riêng tư hãy biết động lòng trước những vui buồn của Giáo hội bốn phương. Và trong khi mải mê tu luyện, hãy quan tâm đến sự hưng suy của nhóm, của giáo xứ, hãy quan tâm đến công cuộc truyền giáo khắp năm châu.

Quên mình để nghĩ đến người, đó là cách duy nhất vừa để nên người, vừa để nên thánh. Ðặt mình vào giữa tim Giáo hội (như Tiên sa nhỏ) để rung trong tần số của nó, ta sẽ cùng với Huyền thân lớn lên, hầu đạt tới sự tròn đầy (Eph.4.7,11-13). Chúng ta đừng lo chưa lo đủ cho mình, mà hãy lo chưa lo đủ cho Giáo hội, nhờ đó mình cũng được đầy đủ nữa.

* * *

Xưa nay, hễ nghĩ đến Giáo hội, người ta thường lẫn nó với giáo quyền. Giáo quyền đúng là thành phần lãnh đạo cần thiết của Giáo hội hành hương, nhưng Giáo hội lại là toàn Dân của Chúa. Vậy chúng ta hãy cầu cho đức Giáo chủ và các đức cha, nhưng trước tiên phải nghĩ đến tất cả cộng đồng đệ tử Thầy, đồng thời nghĩ đến những kẻ đang làm chứng cho Thầy trên khắp nẻo đường thế giới. Vì thế, hãy cầu cho sự phát triển của các hoạt động đoàn sủng (activités charismatiques), để Hội thánh nhờ đó mà lớn lên trong hiểu biết, ân sủng và yêu thương (2 Ph.3.18; Eph.4.15...). Và vì thế, hãy cầu cho các gia đình Kytô-hữu, để họ ý thức mình là "giáo hội tại gia", bằng sự đầm ấm thiêng liêng của mình, phải biểu hiện "mầu nhiệm tuyệt đại" là sự hôn hiệp của Giáo hội với Chúa Kytô (Eph.5.32), phải nên thành trì bảo vệ sự sống nhiều mặt của trẻ em, nên mảnh đất mầu mỡ cho sự triển nở của những tân công dân Nước Trời ấy.

* * *

Chúng ta vẫn tuyên xưng Giáo hội Một, Thánh và Phổ cập (unam, sanctam, catholicam). Nhưng Giáo hội còn trên đường, và sự tròn đầy ba mặt ấy chỉ đạt tới ở điểm cánh chung. Hiện giờ, Giáo hội giằng co giữa nhất tâm và cãi lộn, giữa thánh thiện và tội lỗi, giữa dân tuyển và toàn loài người. Từ đó sinh ra một thúc bách, một động năng để vươn tới sự hoàn thành ba mặt trên. Nếu sống cảm thông với Giáo hội, không thể ta không cảm giác áp lực của sự thúc bách và muốn nhập cuộc viễn chinh (missionnaire).

Sự sống Chúa tràn sang thành ân sủng (kharis) để cải hóa ta, thành đoàn sủng (kharisma) để cải hóa quanh ta. Mỗi người có thể tiếp nhận toàn bộ đoàn sủng, với một hai đoàn sủng nổi bật, để tùy ân và tài sức mình mà đắp xây Thân mình Chúa (Eph.4.7,12). Càng được sử dụng đúng hướng, đoàn sủng càng lớn lên và phát huy tác dụng, như ân sủng, có lẽ.

Thời Giáo hội sơ khai là thời nở rộ đoàn sủng. Khắp nơi trong các buổi tập hợp (ekklêsia, église là sự tập hợp, nhóm tập hợp), mỗi người tùy đoàn sủng tiếp nhận mà đứng lên khuyến khích, dậy dỗ, v.v... Vì Chúa Thánh Thần không thôi hành động trong Giáo hội, nên trong Giáo hội đoàn sủng không bao giờ có thể tắt. Có điều từ nhiều thế kỷ nay, đoàn sủng bị lu mờ trước cơ chế (institution) và xem như tan biến đi. Thật ra, cũng như phép lạ, nó chỉ đổi chiều, trở thành kín đáo hơn và hướng về lợi ích nội tâm hơn.

Ngày nay, vai trò tín hữu đang được phục hồi, và đoàn sủng được chú ý trong các phong trào Thánh Linh, trong cả sinh hoạt đạo đức lẫn tông đồ của nhiều loại cộng đồng cơ sở.

Nơi mỗi tín đồ, đoàn sủng luôn có mặt bên ân sủng trong việc kiến thiết hai chiều Nước Chúa. Vậy để kiến thiết Nước Chúa, đoàn sủng cần được khai triển và phát huy như ân sủng. Triển khai và phát triển bằng cầu nguyện, bằng lắng nghe, lắng đợi Thần khí, nhất là trong bầu khí cộng đồng.

* * *

Gắn bó với Giáo hội, không thể ta không gắn bó với đức Maria mà ngay từ khởi thủy, người ta đã đặt ở chỗ đứng Hội thánh và đặt bên Chúa Yêsu trên mặt trận chống Satan.

Stt.3.15 đã liên hệ người Phụ nữ với Con nàng trong cuộc chiến ấy. Cảm hứng từ đó, Khải huyền thư chương XII đã "lẫn" đức Maria với Giáo hội và đặt Người phụ nữ bên Con trong cuộc chiến tranh. Tin mừng Thơ ấu của Luca cũng gắn liền vinh quang của Mẹ với của Con (lời thiên thần và lời Elidabet) và đặt song hành hai đau khổ (lời sấm Simeon), cùng với hiệu quả toàn cầu của hai đau khổ ấy.

Ðức Maria quả là sự thu hẹp của Hội thánh, là mẹ của Huyền thân Chúa Kytô. Và quả thực trong lịch sử Tân dân Chúa, Ngài luôn có mặt vào những thời kỳ đặc biệt để ủi an, khích lệ, cùng đề ra những phương án cứu nguy. Và đấy là Ðức Mẹ Lộ đức, Ðức Mẹ Lavang, v.v...

Mẹ đúng là mẹ của tôi và của chúng tôi. Bằng đức tin và sự quy thuận không lay chuyển của mình, Mẹ đã thay mặt loài người để tiếp lấy ân huệ Con Cha, và để chia sẻ với Con đau thương Núi Sọ, nhờ đó cùng Tân Ađam sinh Nhân loại mới.

Hãy để Mẹ uốn nắn tôi trong khuôn tiếng Xin vâng quy thuận. Và hãy cùng Mẹ chiến đấu bên Chúa cho hạnh phúc của muôn người. Chúng ta sẽ sai lạc phần nào khi tách riêng Ðức Mẹ mà thờ, và anh em Tin lành có lý khi trách ta như thế. Thực ra, tư thế và vai trò của Mẹ là bên Chúa và phụ thuộc vào Ngài. Nên đến với Mẹ chỉ là cùng Mẹ đến với Chúa, và cùng Mẹ mến yêu Chúa.

Lòng tôn sùng Ðức Mẹ đã có từ rất sớm trong Giáo hội và hằng tồn tại với Giáo hội. Lòng tôn sùng ấy vừa là một nhu cầu tâm lý, vừa là một nâng đỡ thiêng liêng. Ði sâu vào lòng tôn sùng ấy, tôi dễ trở nên đơn sơ, khiêm tốn hơn, nhờ đó đứng vào đúng vị trí của "đàn bà trước Thiên Chúa".

Yêu Giáo hội cũng là kết thân với nhau. Chúng ta dễ kết thân với Giáo hội thiên quốc bằng sự sùng kính các thánh. Tùy khuynh hướng và lý tưởng sống đạo, ta có thể lựa một trong số các bản sao Chúa Yêsu nơi họ để mến yêu và bắt chước, để có người tâm sự và đồng hành với ta.

* * *

Nếu Chúa Kytô là nguồn duy nhất của ân sủng, thì mạch chuyển duy nhất của ân sủng lại là Hội thánh. Không có cứu độ ngoài Chúa Yêsu, và không có cứu độ ngoài Huyền thân của Ngài. Vâng, dù đây là cứu độ của những ai chưa biết Chúa và chưa chịu Phép rửa.

Con người Chúa Yêsu chính là sự hiển hiện và thực hiện của ý định cứu thế do Thiên Chúa. Nơi Ngài, ý định ấy thành đinh đóng cột, không sai trật nổi và không thể thoái lui nữa. Là dấu hiệu và thực hiện một lượt, Chúa Yêsu đúng là Sacramentum, Huyền tích viết hoa, Huyền tích nguồn. Giáo hội, ở chỗ là hiển hiện và thực hiện trong lịch sử của sự cứu vớt không sai chạy này của Thầy, phải là Huyền tích nền tảng, theo tiếng gọi của cha K. Rahner. Do đó, mọi hành vi cứu vớt của Hội thánh, ở chỗ là thực hiện bằng cử chỉ bên ngoài sự cứu vớt thiêng liêng ấy, ít hay nhiều đều mang tính huyền tích.

Có điều trong những trường hợp thật đặc biệt, như khi vào giờ phút mất còn của một linh hồn, mà Giáo hội thấy không thể không vào cuộc một cách dứt khoát, bằng chính bản thân mình là Huyền tích nền tảng, thì hành động Giáo hội khi ấy không thể không sinh hiệu quả, và đây là huyền tích theo nghĩa chuyên biệt thường dùng của nó.

Có hai huyền tích chính yếu, cũng là huyền tích thiết lập Hội thánh: phép Khai tâm (Rửa và Thêm sức) và lễ Tạ ân (Thánh thể). Muốn sống siêu nhiên và sống mạnh, không thể ta không đến kín múc ở hai giếng quan trọng này.

Trong Phép rửa, ta chết đi với Chúa Yêsu để sống lại với Ngài. Trong lễ Tạ ân, ta tưởng niệm Thập giá và đồng chia sẻ sự sống mới của Chúa. Vậy đến với huyền tích, không thể ta không hiệp thông với Ngài bằng những hy sinh và cải biến theo Tin mừng.

Thánh lễ là của chung Dân Chúa, nên cộng đồng cùng tế với linh mục chủ sự. Chúng ta hãy đến với thái độ đồng tế chủ động ấy, chứ đừng thụ động.

Theo Origène, Phép rửa là bể tắm trong đó Giáo hội phối hiệp với Chúa Yêsu. Thánh thể, vì hoàn tất sự khai tâm cá nhân và sự thiết lập Giáo hội, nên bằng đời sống của chúng ta, càng phải nói lên sự có mặt của Chúa giữa chúng ta hơn nữa.

Vậy, dù trong Phép rửa của một người, thậm chí của một trẻ em, cộng đồng Dân Chúa nên hiện diện để đồng tuyên xưng đức tin và đồng tái sinh trong Chúa. Cũng thế, dù trong thánh lễ làm riêng, linh mục cũng phải đặt mình thiêng liêng vào giữa lòng Giáo hội để xướng câu tưởng niệm.

Thêm vào đấy, đừng chia cách huyền tích với cuộc sống của mình. Sự tha thứ cho anh em luôn có phần trong Hối giải, khi mà Chúa chỉ tha cho tôi như tôi sẽ tha cho anh em (kinh Lạy Cha). Và sự chia sẻ với anh em luôn là thành phần của thánh lễ, khi mà tưởng niệm Chúa cũng là chia sẻ với Chúa và với cộng đồng.

TÓM LẠI

Trong ân sủng, dù được biến đổi tận căn, tôi vẫn nguyên là con người ấy được biến đổi. Siêu nhiên không cách ly tự nhiên và các giá trị của nó.

Chẳng những là hào quang, ân sủng cũng là động năng nó nhiễm hóa các khiếu năng tôi, ở đó nó thành các năng đức thiên phú: đức đối thần (Tín, Vọng, Ái) và đức luân lý. Năng đức thiên phú hoạt động bằng khiếu năng (facultés) cùng với năng khiếu (aptitudes) của tôi. Vì thế, phải tôn trọng và biết khai thác các ưu điểm của tôi, như thông minh và nghị lực, cho sự nên thánh của mình cũng như cho sự phục vụ anh em. Và cũng xử sự như thế đối với các khuynh hướng tự nhiên chúng cần được hướng dẫn hơn là dẹp bỏ. Dĩ nhiên, để lợi dụng được chúng cho những mục tiêu thiêng liêng, tôi phải luyện sao để có khả năng từ bỏ chúng khi cần.

* * *

Thái độ con người phải có trước Thiên Chúa là tùng thuận. Tin theo ý nghĩa Thánh kinh chính là sự tùng thuận này. Tin vào sự cứu độ cuối cùng do lời Chúa hứa, đó là Vọng. Tin vào chính con người Chúa, ở chỗ sâu xa của nó, còn trùng với Ái nữa.

Khi sống đạo còn nông, thì tin yêu Chúa còn phân biệt với yêu thương người. Khi sống đạo sâu rồi, thì yêu người cũng là biểu hiện của tình yêu Chúa luôn.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page