Suy Niệm Lời Chúa

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Năm C

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 1 Mùa Chay Năm C

Một cuộc lữ hành đức tin

(Thứ luật 26,4-10; Rôma 10,8-13; Luca 4,1-13)

 

Phúc Âm: Lc 4, 1-13

"Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ".

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa".

Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!" Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".

Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá". Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

 

Suy Niệm:

Ðời là một cuộc ra đi không ngừng. Sinh ra là giã từ cái ấm êm của lòng mẹ để đi vào thế giới xa lạ. Lớn lên là từ bỏ tuổi thơ đầy mơ mộng để đi vào cuộc đời với không biết bao nhiêu bấp bênh và thử thách. Khi tuổi về già đến, con người lại thấy mình đứng bên bờ của vĩnh cửu, lại một lần ra đi vĩnh viễn, dứt khoát. Cuộc đời không bao giờ là một dòng sông êm ả, chúng ta không ngừng phải trải qua không biết bao nhiêu đổi thay. Lần vào cuộc ra đi không ngừng ấy, cuộc sống đức tin của chúng ta cũng được định nghĩa như là một cuộc lữ hành. Khởi đầu cuộc sống đức tin cũng là một sự chào đời để lớn lên và ra đi không ngừng. Lịch sử ơn cứu độ, qua đó Thiên Chúa hướng dẫn cuộc lữ hành của chúng ta cũng được trình bày như một cuộc ra đi.

Ở khởi đầu là cuộc ra đi của tổ phụ Abraham, đó là cuộc ra đi mẫu mực. Abraham đã bỏ lại đàng sau tất cả để đi về phía trước với không biết bao nhiêu bấp bênh và thử thách. Nhưng điển hình nhất trong các cuộc ra đi của lịch sử cứu độ chính là cuộc ra đi của dân Israel... Bốn mươi năm lang thang trong sa mạc đã trở thành biểu tượng của không biết bao nhiêu thử thách mà bất cứ một cuộc lữ hành nào cũng đều phải có.

Trong ký ức tập thể của người Do Thái, 40 năm sa mạc ấy không ngừng được ôn lại để ý thức hơn về những thanh luyện mà con người cần phải trải qua, để sống tốt đẹp hơn, để sống tiến bộ hơn, để sống xứng đáng với nhân phẩm của con người hơn. Kinh nghiệm 40 ngày sa mạc ấy, Chúa Giêsu cũng muốn trải qua trong cuộc lữ hành trần gian của Ngài. Rời bỏ khung cảnh êm đềm của làng Nagiarét, Chúa Giêsu bắt đầu cuộc hành trình dẫn đến cái chết và nhờ đó, thực hiện được công cuộc cứu rỗi nhân loại. Trong cuộc hành trình đầy chông gai và thử thách ấy, Chúa Giêsu cũng muốn sống lại kinh nghiệm của 40 năm sa mạc. Ngài đã chịu thử thách. Nhưng nếu dân Do Thái đã bắt đầu gục ngã một cách thảm thương, thì Chúa Giêsu lại chiến thắng. Chiến thắng một cách vinh quang. Tựu trung, ba cơn cám dỗ mà Ngài đã chịu đựng đều quy về một mối đó là quyền lực và danh vọng. Ðối lại với con đường dễ dãi mà ma quỷ đề ra, Chúa Giêsu đã chọn lấy con đường của thập giá. Ðối lại với con đường của quyền bính và danh vọng, Chúa Giêsu đã chọn lấy con đường của khiêm hạ và vâng phục, và vâng phục cho đến chết. Sự chiến thắng của Chúa Giêsu là chiến thắng của lòng tin tưởng phó thác trên sự tự phụ mù quáng. Sự chiến thắng của Chúa Giêsu là chiến thắng của tự do trên những quyền lực tăm tối trong tâm hồn con người.

Nếu cuộc hành trình của dân Do Thái là một hành trình tiến về vùng đất tự do, thì cuộc hành trình của Chúa Giêsu là cuộc hành trình tiến về tự do của tâm hồn. Nếu người Do Thái qua cuộc hành trình đã trở thành một dân tộc tự do, thì Chúa Giêsu qua cuộc hành trình để trở thành mẫu mực cho con người tự do, và qua cuộc thử thách trong sa mạc Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng cuộc hành trình tiến về tự do nào cũng đòi hỏi hy sinh, chiến thắng và thanh luyện.

Thiết lập Mùa Chay, Giáo Hội muốn cho chúng ta sống lại kinh nghiệm sa mạc của Chúa Giêsu. Cuộc lữ hành trần gian của chúng ta không thể không đi xuyên qua những vùng sa mạc khô cằn, nóng cháy. Thử thách, gian lao là chuyện không thể thiếu được trong cuộc lữ hành. Cùng với Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta vượt qua sa mạc của những thử thách ấy một cách can đảm và dứt khoát. Dứt khoát với nếp sống cũ khiến chúng ta lê lết trong ích kỷ nhỏ nhoi, dứt khoát với nếp sống cũ đầy dẫy những thất vọng buông xuôi. Cùng với Chúa Giêsu, Giáo Hội mời gọi chúng ta phó thác tin tưởng hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Chúng ta không chiến đấu và hành trình một cách lẻ loi, Chúa Giêsu đang đồng hành với chúng ta. Chúng ta không chiến đấu bằng sức mạnh và khí giới riêng của chúng ta, chúng ta có Chúa làm sức mạnh cho chúng ta.

Nguyện xin Thánh Thể Chúa Giêsu mà chúng ta sắp rước lấy trong thánh lễ hôm nay, trở thành sức mạnh và can đảm để giúp chúng ta tiếp tục tiến bước trong cuộc lữ hành.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page