Suy Niệm Lời Chúa

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Năm C

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 1 Mùa Chay Năm C

Sống Tin Mừng cứu độ mỗi ngày trong đời

(Thứ luật 26,4-10; Rôma 10,8-13; Luca 4,1-13)

 

Phúc Âm: Lc 4, 1-13

"Thánh Thần thúc đẩy Chúa vào hoang địa, và chịu cám dỗ".

Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi". Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa".

Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!" Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi".

Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá". Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.

 

Suy Niệm:

Có một nhà thần bí nọ trở về thành phố sau một thời gian dài sống trong sa mạc. Bạn bè và người thân xúm quanh ríu rít hỏi thăm và xin ông kể lại cho họ những kinh nghiệm mà ông có về Thiên Chúa. Ai cũng hỏi Thiên Chúa ra sao? Nhưng làm sao ông có thể diễn tả bằng lời nói được. Bị gạn hỏi mãi, sau cùng ông đưa ra cho họ một công thức mơ hồ và bất toàn, với hy vọng khiến cho ai đó không được thỏa mãn với câu trả lời, cũng có ý định vào sa mạc tìm gặp Thiên Chúa như mình. Mọi người mừng rỡ ghi chép công thức ấy và biến nó thành một văn bản thánh. Họ kêu gọi mọi người phải học văn bản đó như kinh Tin Kính, và không nề gian khổ vượt trùng dương loan báo cho các dân nước khác công thức ấy. Và có người trong bọn họ đã hy sinh mạng sống cho công tác loan truyền này nữa. Nhưng không ai tìm sống kinh nghiệm gặp gỡ Chúa cả. Ðó là điều khiến cho nhà thần bí nọ vô cùng buồn sầu và hối hận, vì thà đừng nói gì cả có phải là hay hơn không.

 

Thiên Chúa không phải là một văn bản nhưng là một bản vị, một nhân vật sống động có các liên hệ thân tình với loài người. Ðó là sứ điệp Chúa Nhật hôm nay.

Sách Ðệ Nhị Luật (26,4-10) là văn bản đúc kết niềm tin của dân Do Thái vào Thiên Chúa mà học giả Hêga Vongat gọi là kinh Tin Kính lịch sử của Israel. Nghĩa là nó diễn tả kinh nghiệm cuộc gặp gỡ giữa Israel và Thiên Chúa vào thời khai sinh ra lịch sử của họ. Trong cuộc xuất hành khỏi Ai Cập vào quãng năm 1250 trươc Tây Lịch, dân Do Thái mới ý thức được họ là một dân tộc bao gồm 12 chi họ khác nhau dưới sự hướng dẫn của Môsê. Họ cảm nhận được các dây liên đới giữa họ với nhau. Cho tới lúc đó, họ chỉ có một ý thức dân tộc mờ nhạt biết mình thuộc về chi họ này, chi họ kia thuộc về dòng giống Do Thái và sống riêng rẽ nhau. Nhưng họ chưa có ý thức quốc gia, nghĩa là chưa ý thức về mình như một dân tộc có chủ quyền, có tổ chức, có đất đai và một vận mệnh chung.

Chỉ với biến cố Xuất Hành, người Do Thái mới có ý thức rõ ràng họ là một dân tộc thực sự và Giavê, Thiên Chúa của cha ông, của tổ tiên họ trước hết là Ðấng đã giải phóng họ khỏi kiếp sống nô lệ bên Ai Cập. Kinh nghiệm về Thiên Chúa giải phóng ấy được cô đọng lại trong một công thức tuyên xưng niềm tin của họ về Thiên Chúa. Hình ảnh Giavê Thiên Chúa như là Ðấng tạo hóa chỉ có về sau này khi Israel suy tư về nguồn gốc con người và vũ trụ vạn vật. Nói cách khác, những gì được nhắc trên đây trong sách Ðệ Nhị Luật, đều là những kinh nghiệm sống động của cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Chúng được lồng khung trong bối cảnh lễ nghi phụng tự dâng tiến lên Thiên Chúa các hoa trái đầu mùa.

Ta hãy sống trở lại các kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa trong suốt dòng lịch sử dài của họ, kể từ thời các tổ phụ. Các biến cố gặp gỡ ấy giờ đây đã trở nên nền tảng lòng tin của họ. Phụng vụ là cách thế nhắc nhở cho cho dân Do Thái biết những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã làm để giải phóng, cứu thoát và hướng dẫn, che chở họ trong dòng lịch sử. Chính vì thế, lễ dâng các vật đầu mùa được gọi là lễ "Vicarron" nghĩa là tưởng nhớ. Sự kiện toàn dân mang lễ vật đầu mùa đến với Thiên Chúa là thái độ đáp lại lời kêu mời liên lỉ của Thiên Chúa. Ðó là cách thế dân tộc Do Thái xưng tụng Thiên Chúa là Ðấng đã tạo dựng nên họ, gọi và giải phóng họ ra khỏi Ai Cập, đưa họ vào đất Hứa, nơi họ đang sinh sống. Nghĩa là với Israel, Thiên Chúa Tạo hóa cũng là Thiên Chúa của xuất hành. Ðấng trao ban cho họ miền đất Hứa và sẽ gởi Ðấng Cứu Thế đến. Bàn tay tạo dựng của Ngài cũng là cánh tay quyền uy giải phóng họ khỏi kiếp tôi đòi bên Ai Cập, và hướng dẫn chở che họ trong 40 năm lang thang trong sa mạc tiến về miền đất Hứa. Bàn tay ấy giờ đây cũng dang ra đón nhận hoa trái đầu mùa dân Do Thái tiến dâng lên Ngài. Những hoa trái nảy sinh từ lòng đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho tổ phụ Abraham và dòng dõi ông là chính họ.

Việc cử hành phụng vụ như thế trở thành thời điểm trong đó các hành động riêng rẽ của Thiên Chúa được tín hữu sắp xếp thống nhất trở lại cho có thứ tự lớp lang. Giải thích như là các hành động cứu độ chứ không phải là các biến cố tầm thường vô nghĩa.

Qua trình thuật Chúa Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc (4,1-13), thánh Luca muốn cho chúng ta thấy, Chúa khai mào một cuộc xuất hành mới để giải phóng loài người khỏi ách thống trị của Satan, của sự dữ. Từ chối các chước cám dỗ của chúng ta và cái chết như là hậu quả đắng cay của vòng xích oan nghiệt ấy. So sánh với trình thuật Phúc Âm thánh Matthêu, ta thấy trình thuật của Luca có 3 đặc điểm sau đây:

Thứ nhất vai trò của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời Chúa Giêsu. Tất cả mọi thời điểm quan trọng trong thời Chúa Giêsu đều được ghi dấu bằng sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Ðối với thánh sử, trong kinh nghiệm Phục sinh và lịch sử của Giáo Hội, Chúa Thánh Thần không phải là một sức mạnh như diễn tả trong Kinh Thánh Cựu Ước mà là một bản vị, là Ðấng hướng dẫn cuộc đời chúng ta vào hành động trong lòng thế giới. Chính Ngài đã dẫn đưa Chúa Giêsu vào sa mạc và trợ lực Chúa Giêsu trong cơn thử thách. Trong sa mạc, Chúa Giêsu đã bị cám dỗ từ bỏ con đường chông gai Thiên Chúa đã vạch ra để đi theo một số con đường khác hấp dẫn ngoạn mục hơn và dễ dãi hơn. Chúa Giêsu phải chọn con đường nào đây? Dùng quyền năng cứu thế để thỏa mãn các nhu cầu vật chất và hiện sinh, biến đá sỏi thành bánh mà ăn chứ không cần phải lao nhọc vất vả, hay sống theo luật công bằng hoặc tinh thần liên đới chia sẻ làm việc, hay là dùng các phép lạ lôi kéo các tín đồ cho nó mau và khỏe chứ tội gì mà phải khó nhọc rao giảng, gieo vãi hạt giống nơi tâm lòng con người. Và thôi thúc họ đối chiếu cuộc sống hằng ngày với giáo huấn sự thật làm gì? Hoặc là dùng bạo lực và các thế lực vật chất, tinh thần để lôi kéo môn đệ và tín đồ v.v... Ðủ mọi thứ cám dỗ, nhưng Chúa Giêsu đã chọn con đường khổ đau. Ðối với thánh Luca, chiến thắng của Chúa Giêsu trên các chước cám dỗ trước ngày công khai loan báo Tin Mừng Nước Trời, báo cho biết chiến thắng sau cùng của Chúa Giêsu khi bị chết treo trên thập giá.

Ðặc biệt thứ hai là vai trò quan trọng của thành Giêrusalem. Toàn Phúc Âm thánh Luca trình bày cuộc đời Chúa Giêsu như là một hành trình tiến về Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu sẽ thực hiện công cuộc cứu độ trần gian, qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Ngài. Do đó, thánh Luca đặt cám dỗ thứ ba trong bối cảnh thành Giêrusalem nơi ơn cứu độ được thành toàn. Do đó không chướng ngại nào kể cả ma quỉ được phép cản trở hành trình ấy của Chúa Giêsu.

Thứ ba là hình ảnh sa mạc. Trong sa mạc của cuộc xuất hành xưa kia, dân Do Thái đã lẩm bẩm kêu trách Thiên Chúa. Họ đã ngã quỵ trước cám dỗ và khước từ Thiên Chúa là Ðấng giải phóng mình. Lẩm bẩm là từ ngữ Kinh Thánh dùng để diễn tả thái độ chống lại Thiên Chúa, phản đối Ngài, muốn gợi ý cho Thiên Chúa phải làm thế nào để giải phóng mình trong sa mạc. Chúa đã không nhượng bộ mà nghe lời ma quỉ cám dỗ và theo cách thế nó đề nghị để thực hiện công trình cứu thế. Mặc dù đói khát và khổ sở, Chúa Giêsu vẫn luôn kiên vững và tin vào tình yêu thương quan phòng ấp ủ của Thiên Chúa. Ngài không yêu sách, dù không trông thấy các dấu chỉ của tình yêu thương quan phòng và ấp ủ đó diễn tả bằng giàu sang, chức quyền và thành công trong đời.

Trong thư Roma 10,6-13, thánh Phaolô khẳng định vào niềm tin Chúa Giêsu Phục Sinh và mọi người đều đạt được ơn cứu độ. Ðiều kiện duy nhất là tin nhận Chúa Giêsu, là sống Tin Mừng cứu độ của Ngài mỗi ngày trong đời. Hãy để cho lòng tin vào Chúa Giêsu đâm rễ sâu vào lòng chúng ta. Hãy biết nghiền ngẩm lời Chúa. Hãy để lời Chúa thánh thót nhỏ giọt trong con tim, trong tâm trí chúng ta và uống lấy lời ấy. Hãy dành cho Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa một chỗ quý nhất trong tâm trí chúng ta và hãy thực thi giáo huấn của Chúa trong đời.

Một khi đã thấm nhuần Tin Mừng của Chúa, chúng ta hãy tuyên xưng lòng tin vào Chúa Kitô Phục sinh và đem hết sức lực rao truyền Chúa Kitô và Lời Ngài cho mọi người khác, bằng cách tuyên xưng lòng tin hữu hiệu và bao giờ cũng là lối sống cụ thể của chúng ta.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page