Suy Niệm Lời Chúa

Những Bài Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Năm C

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


Chúa Nhật 4 Mùa Thường Niên Năm C

Hiến thân làm chứng nhân cho ánh sáng

(Giêrêmia 1,4-5,17-19; 1Côrintô 12,31-13,13; Luca 4,21-30)

 

Phúc Âm: Lc 4, 21-30

"Chúa Giêsu, như Êlia và Êlisê, không phải chỉ được sai đến với người Do-thái".

Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu nói trong hội đường rằng: "Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe". Mọi người đều làm chứng cho Người và thán phục Người về những lời từ miệng Người thốt ra, và họ nói: "Người này không phải là con ông Giuse sao?"

Và Người nói với họ: "Hẳn các ngươi sắp nói cho Ta nghe câu ngạn ngữ này: 'Hỡi thầy thuốc, hãy chữa lấy chính mình!' Ðiều chúng tôi nghe xảy ra ở Capharnaum, ông hãy làm như vậy tại quê hương ông'". Người nói tiếp: "Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình. Ta bảo thật với các ngươi, đã có nhiều bà goá trong Israel thời Elia, khi trời bị đóng lại trong ba năm sáu tháng, khi nạn đói lớn xảy ra khắp trong xứ; dầu vậy, Elia không được sai đến cùng một người nào trong các bà đó, nhưng được sai đến bà goá tại Sarepta thuộc xứ Siđon. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, thế mà không người nào trong họ được lành sạch cả, ngoại trừ Naaman, người Syria".

Khi nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy căm phẫn, họ chỗi dậy và trục xuất Người ra khỏi thành. Họ dẫn Người lên triền núi, nơi xây cất thành trì của họ, để xô Người xuống vực thẳm. Nhưng Người rẽ qua giữa họ mà đi.

 

Suy Niệm:

Hằng năm, cứ vào ngày thứ 40 sau lễ Giáng sinh, Giáo Hội cử hành lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ cũng gọi là lễ Nến. Các Giáo Hội Tây Âu đã chỉ bắt đầu cử hành ngày lễ này từ thế kỷ thứ VII và thứ VIII trở đi. Trước khi khởi sự thánh lễ có cuộc rước đèn trọng thể, mọi người cầm đèn sáng trong tay tượng trưng cho Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng cứu độ hiện diện giữa lòng trần gian tăm tối. Ánh đèn sáng cũng diễn tả ơn đức tin, mà mỗi tín hữu đã nhận lãnh trong bí tích Rửa tội, đồng thời nó cũng diễn tả ơn gọi Kitô, là phản chiếu ánh sáng ơn cứu độ của Chúa trong cuộc sống thường ngày. Ngày nay, trong lễ này, nhiều dòng tu đặc biệt là các dòng tu nữ có thói quen tận hiến trong thánh lễ này, nhất quyết dấn thân làm chứng nhân cho ánh sáng cứu độ của Chúa giữa lòng thế giới.

Trong ngày lễ dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, Giáo Hội cũng kêu mời mỗi người trong chúng ta hiến thân làm chứng nhân cho ánh sáng cứu độ của Chúa và đem ánh sáng cứu độ đó đến cho tất cả những ai chưa biết Ngài. Giữa lòng xã hội, mỗi một Kitô hữu phải là một sứ giả dọn đường cho Chúa đến trong tâm lòng con người. Ðây là hình ảnh được tiên tri Malakia miêu tả trong chương 3,1-4. Trong dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã gởi các sứ giả của Ngài đến trước để dọn đường cho Ngài. Họ là các tiên tri có nhiệm vụ chuyển sứ điệp của Chúa đến cho con người và giúp mọi thành phần xã hội tẩy rửa tâm lòng thay đổi lối sống. Những lời rao giảng và khuyến cáo của các vị giống như lửa nóng trong lò luyện kim, đốt cháy và nung chảy mọi sự để thanh lọc vàng bạc khỏi tất cả mọi chất cặn bã dơ bẩn, hầu khiến cho chúng trở nên tinh ròng trong sáng. Những lời cảnh cáo kêu mời của các vị giống như thuốc giặt có sức mạnh gột rửa mọi vết ô uế trong tâm lòng và cuộc sống con người. Lửa và thuốc giặt, thiêu đốt và chà xát khiến cho tâm lòng và cuộc đời con người có đau xót thật, nhưng đó là cái đau xót cần thiết cho việc thanh luyện và biến đổi.

Tầng lớp xã hội đầu tiên mà vị sứ giả của Chúa phải thanh tẩy là hàng giáo sĩ, nơi người có nhiệm vụ lãnh đạo cuộc sống tinh thần của dân. Bởi vì hàng giáo sĩ không thể chỉ đường cho dân đến với Chúa, nếu chính họ là những người sống xa Chúa, phản chứng, bê tha, tội lỗi mù lòa, tâm linh yếu ớt và bệnh hoạn tinh thần. Và cuộc thanh tẩy ấy sẽ lan dần cho các thành phần xã hội khác, đặc biệt là giới lãnh đạo xã hội, dân sự là những người có phần vụ liên hệ tới cuộc sống hạnh phúc hay khốn khổ của toàn dân. Mục đích tối hậu của cuộc thanh tẩy toàn diện ấy là chuẩn bị cho Thiên Chúa đến xét xử loài người và thế giới. Là các sứ giả của Chúa, Kitô hữu có một sứ mạng vô vùng cao trọng giữa lòng trần gian, ơn cứu độ của thế giới tùy thuộc một phần nơi ý thức trách nhiệm, nơi thái độ sống chứng tá và hành xử của họ. Chúa Giêsu Kitô nhập thể làm người, là hiện thân của Giavê Thiên Chúa vào trần gian để xét xử thế giới, và thánh Gioan Tẩy Giả là tiên tri cuối cùng của Thiên Chúa gởi tới để dọn đường cho Ngài. Khi kể ra các nhân tố lịch sử và địa lý trong chương 2,22-40, thánh sử Luca muốn chứng minh rằng Chúa Giêsu đã thật sự nhập thể làm người, bởi vì Ngài đã chấp nhận sinh ra trong một gia đình, thuộc một dân tộc, sống trong một vùng đất nhất định của thế giới này với những tập tục và luật lệ riêng. Khi tuân phục các phong tục tập quán và lề luật đó. Ngài hoàn toàn chấp nhận mọi hệ lụy của kiếp sống con người. Trong tường thuật này của thánh Luca, cần phân biệt hai tập tục khác nhau. Thứ nhất là tập tục dâng hiến hay sát tế lễ vật và con trai đầu lòng cho các thần linh, và thứ hai là tập tục cha mẹ đem con cái lên đền thờ Giêrusalem, dâng chúng cho Thiên Chúa vào ngày thứ 40 sau khi sinh. Các dân tộc Sémite và nhiều dân tộc trên thế giới bên Châu Phi và Châu Mỹ Latinh thời rất xa xưa, đã có thói quen dâng hiến tất cả mọi thứ đầu mùa cho các thần linh, hoa trái đầu mùa, con đầu lòng của súc vật và con trai đầu lòng của họ nữa. Sở dĩ họ làm như thế trước hết vì xác tín rằng, tất cả đều thuộc về các thần linh. Sau đó vì tin rằng, hiến dâng hay sát tế cho các thần linh những súc vật và con đầu lòng nghĩa là những gì quí báu nhất đối với họ, là diễn tả lòng thành kính đối với các vị, và qua đó, kéo được phúc lành của các thần linh xuống trên cuộc sống của họ.

Dân Do Thái cũng lấy lại thói quen này nhưng không chấp nhận việc sát tế người, vì luật Do Thái cấm sát tế người như đã viết trong sách Lêvi đoạn 18,21. Sách Xuất Hành đoạn 13 có nhắc đến luật hiến tế con trai đầu lòng của người và vật cho Thiên Chúa, khi viết: "Thiên Chúa phán với Môisen: Hãy thánh hiến cho Ta tất cả con trai đầu lòng, lọt lòng mẹ giữa con cái Israel, giữa con người cũng như súc vật vì nó thuộc về Ta". Nhưng sau đó trong câu 13, thì lại cho chuộc lại đứa con đầu lòng với một con lừa, nếu không thì phải giết nhưng trong hình thức không đổ máu, bởi vì lừa lại là loại vật ô uế không làm loài vật sát tế như cừu được. Câu 13 cũng xác định rằng phải chuộc con trai đầu lòng. Luật thánh hiến con trai đầu lòng này được soạn giả lồng khung trong biến cố xuất hành và lễ nghi sát tế chiên vượt qua, lễ nghi này được dân du mục cử hành vào mùa xuân khi họ sát tế con chiên đầu lòng cho các thần linh. Chúa Giêsu sau này sẽ được các soạn giả Tân Ước coi là Chiên Vượt Qua bị sát tế để đền bù tội lỗi cho loài người.

Tập tục hay luật lệ tôn giáo thứ hai được thánh Luca nói đến trong tường thuật là thanh tẩy người mẹ sau khi sinh con, như ghi trong sách Lêvi chương 12: "Khi sinh nở phụ nữ bị băng huyết nên bị coi là ở trong tình trạng ô uế". Quan niệm về ô uế hay tinh sạch trong Kinh Thánh Cựu Ước không có ý nghĩa luân lý như chúng ta thường hiểu ngày nay, mà có nghĩa là thánh thiện. Tất cả những gì là ngoại lệ bất thường, tất cả mọi thái độ, trạng thái được bị coi là một đe dọa, biểu lộ quyền lực nhiệm mầu linh thiêng, quyền lực ấy có thể là tốt hay là xấu. Do đó con người phải làm một lễ nghi thanh tẩy để giải thoát mình khỏi bị lây quyền lực đó. Ðối với dân Do Thái, máu là một nhân tố diễn tả sự sống nhiệm mầu và thánh thiêng đáng sợ, vì thế khi ở trong tình trạng băng huyết sau khi sinh con, là người mẹ đang trong tình trạng ô uế, là mất bình thường, do đó, phải làm lễ nghi thanh tẩy. Lễ nghi này người mẹ phải thi hành sau mỗi lần sinh con. Con trai thì phải đợi 40 ngày sau lễ nghi cắt bì tức 48 ngày sau khi sinh; trong khi con gái thì phải đợi 70 ngày nên kể thêm 2 tuần kiêng cữ từ khi sinh thì tổng cộng là 84 ngày tất cả. Nếu là người giàu thì người mẹ dâng một con chiên một tuổi làm lễ vật toàn thiêu và một con bồ câu hay chim gáy làm lễ vật đền tội. Còn nếu nghèo không có khả năng thì dâng một đôi bồ câu hay một đôi chim gáy cho các lễ nghi này.

Nói cách khác, tường thuật dâng Chúa Giêsu trong đền thờ của thánh sử Luca, chọn lễ nghi dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa ghi trong chương 13 sách Xuất hành, với lễ nghi thanh tẩy người mẹ sau khi sinh con của sách Lêvi chương 12. Khi lặp lại nhiều lần kiểu nói: "Theo luật Chúa truyền", thánh Luca muốn khẳng định rằng, sự kiện Chúa Giêsu và Mẹ Maria tuân hành mọi luật lệ tôn giáo, là một thứ dấu ấn của biến cố nhập thể làm người. Chúa Giêsu hiện thân của Thiên Chúa là đền thờ mới bằng xương bằng thịt, nơi Thiên Chúa ngự trị một cách toàn vẹn. Thân xác Chúa Giêsu chính là đền thờ thánh thiện của Thiên Chúa. Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thể làm người đã cắm lều sống giữa chúng ta. "Các ngươi hãy phá hủy đền thờ này, trong ba ngày Ta sẽ xây cất lại." Chúa Giêsu có ý ám chỉ thân thể của Ngài. Nói cách khác, Chúa Giêsu là Hòm Bia mới vẹn toàn và sống động của Thiên Chúa.

Ý nghĩa thứ hai được nêu bật trong tường thuật của thánh Luca đó là Chúa Giêsu là ánh sáng cứu độ chiếu soi trần gian. Bài ca của cụ già Siméon là một trong những bài thánh ca mục vụ cổ xưa nhất, diễn tả tương quan giữa thị kiến và ánh sáng cứu độ mà những người thánh thiện như cụ được xem thấy trong cuộc sống của mình. Chúa Kitô là ánh sáng chiếu soi Israel và toàn thế giới. Sự kiện Chúa Giêsu, ánh sáng cứu độ, bước vào đền thờ cũng biểu tượng cho biến cố Ngài bước vào dòng lịch sử và thế giới con người. Nhưng để có thể nhận biết Chúa Giêsu là ánh sáng và là niềm hy vọng cứu độ, cần phải có ơn Chúa Thánh Thần trợ lực như cụ già Siméon và bà Anna. Cả hai người đều là những mẫu gương của đời cầu nguyện và cuộc sống thánh thiện và là các tiên tri của Thiên Chúa đã hiểu được biến cố lịch sử và sứ điệp của Thiên Chúa giấu ẩn trong đó. Cụ Siméon trông thấy Chúa Giêsu sẽ là dấu chỉ của sự chống đối và chia rẽ, bởi vì con người hoàn toàn tự do chấp nhận hay từ chối Chúa Giêsu, và sự kiện Ngài đã bị khước từ, bắt bớ, kết án và xử tử sẽ là lưỡi gươm đâm thấu con tim từ mẫu của Mẹ Maria. Khác với ông Siméon, bà Anna không trông chờ Ðấng Cứu Thế vì biết rằng Ngài hiện diện giữa trần gian. Sau khi được gặp Chúa Giêsu trong đền thờ, bà bắt đầu loan báo Ngài cho mọi người dân trong thành Giêrusalem đang trông chờ ơn cứu độ.

Chương 2 thơ gởi giáo đoàn Do Thái cũng nêu bật sự kiện Chúa Giêsu nhập thể, bằng cách chấp nhận cuộc sinh ly của số phận làm người kể cả cái chết. Và Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện qua Lời Ngài, qua sự hiện diện sống động của Ngài trong bí tích Thánh Thể, trong tâm lòng và cuộc sống của chúng ta, mỗi một tín hữu là một đền thờ sống động nơi Thiên Chúa ngự trị và sứ mạng là Giáo Hội là Mình mầu nhiệm Chúa mà các kitô hữu là chi thể của Ngài.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page