Sứ Ðiệp của ÐTC Gioan Phaolô II
cho ngày Quốc Tế Truyền Giáo
(24/10/1999)

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

1. Hằng năm, Ngày Quốc Tế Truyền Giáo là dịp quý báo để Giáo Hội suy tư về bản chất truyền giáo của mình. Luôn ghi nhớ mệnh lệnh của Chúa Kitô: "Anh em hãy ra đi và hãy giảng dạy cho muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt 28,19) Giáo Hội ý thức mình được gọi rao giảng cho muôn dân vào mọi thời ở mọi nơi về tình yêu thương của Thiên Chúa Cha duy nhất, Ðấng muốn quy tụ lại trong Chúa Giêsu Kitô tất cả những con cái ngài đã bị tản mát (cf. Gn 11,52).

Trong năm sau cùng của thế kỷ đang chuẩn bị chúng ta cho Ðại Toàn Xá năm 2000, chúng ta nghe được lời mời gọi mạnh mẽ hãy hướng nhìn và nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa Cha, để có thể "biết Ngài như Ngài là và như được Chúa Con mạc khải cho chúng ta biết" (CCC 2779). Khi đọc trong viễn tượng nầy Lời Kinh Lạy Cha mà chính Chúa đã dạy, chúng ta có thể hiểu dễ dàng hơn đâu là nguồn mạch của công cuộc dấn thân tông đồ của giáo hội và đâu là những lý do căn bản làm cho giáo hội trở nên truyền giáo cho đến tận cùng trái đất".

Lạy Cha chúng con ở trên trời

2. Giáo Hội là truyền giáo, bởi vì giáo hội không mệt mỏi rao giảng rằng Thiên Chúa là Cha, đầy tình thương yêu đối với tất cả mọi người. Mọi người và mọi dân tộc đều đi tìm, cả đôi khi một cách không ý thức, (đi tìm) dung mạo huyền nhiệm của Thiên Chúa, mà chỉ Con Một duy nhất, Ðấng ngự nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, mới mạc khải trọn vẹn cho chúng ta biết được (x. Gn 1,18). Thiên Chúa là "Cha của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" và "Ngài muốn cho tất cả mọi người được cứu rỗi và được biết sự thật" (1 Tim 2,4). Tất cả những ai đón nhận ân sủng của Ngài, đều khám phá cách kỳ diệu mình là những con cái của một Cha duy nhất và cảm thấy mình có bổn phận rao giảng ơn cứu rỗi cho tất cả mọi nguời. Trong thế giới ngày nay, còn có nhiều người không nhìn nhận Thiên Chúa của Chúa Giêsu Kitô như là Ðấng Tạo Dựng và là Cha. Nhiều người khác, cả vì những lỗi phạm của người Kitô, đã quyết định sống lảnh đạm và vô thần; một số người khác, vừa vẩn giữ một tâm tình tôn giáo nào đó, nhưng tự tạo ra cho mình một vì Thiên Chúa theo hình ảnh riêng; những người khác thì lại xem Thiên Chúa như là Ðấng hoàn toàn không thể nào đạt tới được.

Trách vụ của người Kitô là rao giảng và làm chứng rằng "dù ở nơi sáng láng không thể tới được" (1 tim 6,16), Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời, đã đến gần với mọi người và làm cho con nguời có thể đáp lại lời Ngài mời gọi, hiểu biết Ngài và yêu thương Ngài" (x. CCC 52), trong Con Ngài, Ðấng đã nhập thể trong cung lòng của Ðức Trinh Nữ Maria, đã chết và đã sống lại.

Chúng con nguyện danh Cha cả sáng

3. Ý thức rằng cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa Cha cỗ võ và nâng cao phẩm giá con người, ý thức đó làm cho người Kitô cầu nguyện: "Chúng con nguyện danh Cha cả sáng", nghĩa là: Xin Cha hãy làm cho sự hiểu biết về Cha nơi chúng con được sáng lên, ngõ hầu chúng con có thể biết được sự phong phú bao la những ơn lành Cha ban, biết được tầm mức rộng rãi những lời Cha hứa, biết được sự cao cả của uy nghi của Cha và những phán đoán cao sâu của Cha (Thánh Phanxicô, Nguồn Phanxicô 268).

Người Kitô cầu xin sao cho Thiên Chúa được cả sáng trong những con cái của ngài, cũng như nơi những ai chưa được Ngài mạc khải cho, trong ý thức rằng chính nhờ qua sự thánh thiện mà Thiên Chúa cứu rỗi toàn thể tạo vật. Ngõ hầu Danh Thiên Chúa được cả sáng giữa mọi dân nước, Giáo Hội hoạt động để đưa nhân loại và tạo vật đến gần với chương trình của Ðấng Tạo Hóa, Ðấng vì tình thương yêu đã muốn cho chúng ta được thánh thiện và không tì ố trước nhan ngài (x. Eph 1,9).

Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời

4. Với những lời nầy, các tín hữu khẩn cầu cho Nước Chúa ngự đến và cho việc Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Tuy nhiên ước nguyện nầy không cất họ ra khỏi sứ mạng hằng ngày trong thế giới; ngược lại, làm cho họ dấn thân nhiều hơn nữa. Việc Nước Chúa ngự đến là công việc của Chúa Thánh Thần, mà Chúa Giêsu Kitô đã sai xuống "để làm cho nên trọn công việc của Chúa trong thế gian và để hoàn tất công cuộc thánh hóa mọi người" (Sách Lễ Roma, Kinh Nguyện Thánh Thể IV).

Trong nền văn hóa hiện đại, đang được phổ biến một sự chờ đợi thời kỳ mới mẽ của hòa bình, sung túc, liên đới, tôn trọng nhân quyền và tình yêu thương đại đồng.

Ðược Chúa Thánh Thần soi sáng, Giáo Hội rao giảng rằng Nước của Công Bằng, Hòa Bình và Yêu Thương, đã được rao giảng trong Phúc Âm, đang được thực hiện một cách huyền nhiệm qua các thế kỷ, nhờ vào những con người, những gia đình và những cộng đoàn quyết chọn sống một cách tận căn giáo huấn của Chúa Kitô, theo tinh thần của Các Mối Phúc Thật. Với cố gắng riêng, xã hội con người được thôi thúc tiến tới những chân trời của nền công bằng và tình liên đới tốt đẹp hơn. Giáo Hội cũng rao giảng rằng Thánh Ý của Thiên Chúa Cha là "ước chi tất cả mọi người được ơn cứu rỗi và được biết sự thật" (1 Tim 2,4), nhờ qua việc sống gắn bó với Chúa Kitô; và mệnh lệnh của Chúa là "chúng ta hãy yêu thương nhau, như Người đã yêu thương chúng ta." (CCC 2822) Ðây là mệnh lệnh bao gồm tất cả những mệnh lệnh khác và mạc khải cho chúng ta biết Thánh Ý của Thiên Chúa. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện cho điều nầy và Người dạy rằng chúng ta bước vào Nước Chúa không phải bằng lời nói: "Lạy Chúa, Lạy Chúa, nhưng bằng việc thực hiện thánh ý của Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời" (Mt 7,21).

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày

5. Trong thời đai chúng ta, người ta có ý thức mạnh mẽ rằng tất cả mọi người có quyền có "cơm ăn hằng ngày", nghĩa là có điều tối thiểu để sống. Và người ta cũng cảm thấy đòi hỏi của một sự công bằng hữu hiệu và của một tình liên đới biết chia sẽ và kết hợp tất cả mọi người lại với nhau. Mặc dù vậy, nhiều người trong chúng ta còn sống trong cách thức không phù hợp với phẩm giá con người. Chỉ cần nghĩ đến những vùng nghèo cùng và mù chữ hiện có tại vài đại lục, đến việc thiếu nhà ở, thiếu sự trợ giúp y tế, thiếu việc làm, đến những đàn áp chính trị và những chiến tranh đang tiêu diệt những dân tộc tại nhiều vùng trên mặt đất. Thử hỏi đâu là trách vụ của những người kitô trước những thảm trạng như vậy? Ðâu là tương quan giữa đức tin vào Thiên Chúa hằng sống và chân thật với giải đáp cho những vấn đề đang hoành hành nhân loại? Như tôi đã viết trong thông điệp "Sứ Mạng của Ðấng Cứu Chuộc" (Redemptoris Missio), công cuộc phát triển của một dân tộc không đến trước hết từ tiền của, cũng không từ những trợ giúp vật chất, cũng không từ những cơ cấu kỹ thuật, nhưng đến từ việc giáo dục các lương tâm, từ sự trưởng thành của các tâm thức và của những nếp sống. Chính con người là chủ thể tác động của phát triển, chớ không phải tiền của và kỷ thuật. Giáo Hội giáo dục các lương tâm, vừa mạc khải cho các dân tộc một Vì Thiên Chúa mà họ đang đi tìm mà không biết, và mạc khải cho họ sự cao cả của con người được tạo dựng giống hình ảnh của Thiên Chúa và được Ngài yêu thương, mạc khải cho con người sự bình đẳng giữa tất cả mọi người như là những con cái của Thiên Chúa"... (số 58). Khi rao giảng rằng con người là những con cái của cùng một Thiên Chúa Cha, và do đó anh chị em với nhau, Giáo Hội cống hiến phần đóng góp của mình để xây dựng một thế giới được ghi dấu bởi tình huynh đệ đích thực.

Cộng đoàn Kitô được mời gọi cộng tác vào công cuộc phát triển và hòa bình bằng những công việc nâng cao phẩm giá con người, với những cơ sở giáo dục và huấn luyện để phục vụ cho những người trẻ, bằng việc liên lỉ lên tiếng tố cáo những đàn áp và những bất công đủ loại. Tuy nhiên, phần đóng góp riêng biệt của giáo hội là rao giảng Phúc Âm, huấn luyện Kitô cho các cá nhân, các gia đình, các cộng đoàn, vừa ý thức rõ ràng rằng sứ mạng của mình không thuộc lãnh vực hoạt động trực tiếp trong bình diện kinh tế, kỹ thuật hay chính trị, hoặc đóng góp phần vật chất cho việc phát triển, nhưng hệ tại cách thiết yếu trong việc cống hiến cho các dân tộc "không phải một cái có nhiều hơn, nhưng một cái là tốt hơn, vừa thức tỉnh các lương tâm bằng Phúc Âm Chúa. Công cuộc phát triển con người đích thật cần phải ăn rễ vào trong công việc rao giảng phúc âm sâu xa hơn" (Ibidem, số 58).

Và tha nợ chúng con

6. Trong lịch sử nhân loại, tội lỗi đã hiện diện ngay từ đầu. Tội lỗi bẽ gảy mối giây liên kết nguyên thủy giữa tạo vật và Thiên Chúa, kéo theo những hậu quả trầm trọng cho đời sống của tạo vật cũng như cho đời sống của những kẻ khác. Ngày nay, làm sao ta không nhấn mạnh rằng những thể hiện khác nhau của sự dữ và của tội lỗi thường gặp được kẻ đồng minh nơi những phương tiện truyền thông xã hội? Và làm sao ta không nhận thấy rằng "đối với nhiều người, phương tiện chính yếu để thông tin và huấn luyện, để hướng dẫn và soi sáng cho những thái độ sống nơi cá nhân, gia đình và xã hội" (Redemptoris Missio, n. 37), là chính những phương tiện truyền thông xã hội? Công việc truyền giáo không thể nào không mang đến cho từng cá nhân và các dân tộc tin vui mừng về lòng tốt nhân từ của Chúa. Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời, như được mô tả rõ ràng trong dụ ngôn về người con đi hoang, là Ðấng tốt lành và tha thứ cho người tội lỗi ăn năn; Ngài quên đi lỗi phạm và trao ban lại sự thanh thản và an bình. Ðó là dung mạo đích thực của Thiên Chúa, Người Cha đầy tràn yêu thương, Ðấng ban cho ta sức mạnh để chiến thắng sự dữ bằng sự thiện, và làm cho những ai biết đáp lại tình thương của Ngài có được khả năng góp phần vào công cuộc cứu chuộc thế gian.

Như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con

7. Với sứ mạng của mình, Giáo Hội được mời gọi làm cho hiện diện thực tại đầy sức trấn an về tình phụ tử của Thiên Chúa, không những bằng lời nói, nhưng còn nhất là bằng sự thánh thiện của những nhà truyền giáo và của Dân Chúa. Tôi đã viết trong thông điệp "Sứ Mạng của Ðấng cứu Chuộc" rằng: "Sức thúc đẩy mới cho sứ mạng truyền giáo nơi muôn dân, đòi hỏi những nhà truyền giáo thánh thiện". Và thật là không đủ, nếu chỉ canh tân những phương pháp mục vụ; cũng không đủ nếu chỉ tổ chức và điều hành tốt hơn những nguồn lực của Giáo Hội; cũng không đủ, nếu chỉ khám phá một cách chính xác hơn những nền tảng kinh thánh và thần học của đức tin; còn cần phải khơi dậy một "sức hăng say mới sống thánh thiện nơi những nhà truyền giáo và trong toàn thể cộng đoàn Kitô" (số 90).

Ðứng trước nhiều hậu quả khủng khiếp của tội lỗi, các tín hữu có trách vụ cống hiến những dấu chỉ của sự tha thứ và của tình yêu thương. Chỉ khi nào các tín hữu cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa trong đời sống, thì họ mới có thể có khả năng yêu thương những kẻ khác một cách quảng đại và trong sáng. Sự tha thứ thể hiện cao độ tình bác ái thần thiêng, được trao ban cho những ai khẩn khoản nài xin.

Xin Chớ để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ

8. Với những lời cầu xin nầy, trong kinh Lạy Cha, chúng ta xin Thiên Chúa đừng để chúng ta đi vào con đường tội lỗi và hãy giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, rất thường được khơi dậy bởi một thần dữ, là Satan, kẻ muốn cản trở ý định của Thiên Chúa và công cuộc cứu rỗi được Ngài chu toàn trong Chúa Kitô.

Ý thức mình được mời gọi mang Lời rao giảng ơn cứu rỗi vào trong một thế giới bị thống trị bởi tội lỗi và Thần Dữ, những người kitô được mời gọi hãy tin tưởng vào Thiên Chúa, vừa cầu xin Ngài sao cho sự chiến thắng trên hoàng tử của thế gian (x. Gn 14,30), một chiến thắng đã được Chúa Kitô thực hiện vĩnh viễn một lần dứt khoát, được trở nên kinh nghiệm hằng ngày của đời sống họ.

Trong những khung cảnh xã hội chịu sự thống trị nặng nề của quyền lực và bạo hành, sứ mạng của Giáo Hội là làm chứng cho tình thương của Thiên Chúa và cho sức mạnh của Phúc âm; tình thương và sức mạnh nầy bẽ gảy được sự giận ghét và trả thù, tính ích kỷ và sự lảnh đạm. Chúa Thánh Thần của ngày Lễ Ngũ Tuần canh tân dân Kitô, đã được Máu thánh Chúa Kitô cứu chuộc. Ðoàn chiên nhỏ nầy được sai đi khắp nơi, thiếu phương tiện trần thế, nhưng được tự do khỏi những ảnh hưởng, để làm men cho một nhân loại mới.

Kết luận

9. Anh chị em rất thân mến, Ngày Quốc Tế Truyền Giáo cống hiến cho mỗi người chúng ta dịp để làm sáng tỏ hơn ơn gọi truyền giáo đang thôi thúc những đồ đệ của Chúa Kitô trở thành những tông đồ của Tin Mừng Hòa Giải và Bình An của Người. Sứ mạng cứu rổi là sứ mạng phổ quát; cho từng người và cho trọn cả con người. Ðó là trách vụ của toàn thể Dân Chúa, của tất cả mọi tín hữu. Ðặc tính truyền giáo, như thế, phải là sự đam nê của mọi người kitô; đam mê đối với sự cứu rỗi thế giới và sự dấn thân nồng nhiệt để thiết lập lại Vương Quốc của Thiên Chúa Cha. Ngỏ hầu điều nầy có thể được, thì cần có lời cầu nguyện liên lỉ, để nuôi sống ước muốn mang Chúa Kitô đến cho tất cả mọi người. Cần phải dâng lên những đau khổ của riêng mình kết hiệp với đau khổ của Ðấng cứu chuộc. Cũng thế, cần sự dấn thân cá nhân trong việc nâng đỡ những cơ cấu thực hiện sự cộng tác truyền giáo. Tôi khuyến khích hãy lưu ý đặc biệt đến Những Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, có mục đích xin cầu nguyện cho việc truyền giáo, cổ võ hoạt động và cung cấp những phương tiện cho những hoạt động rao giảng Phúc Âm. Những Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo nầy hoạt động trong sự cộng tác chặt chẽ với Bộ Truyền Giáo; Bộ nầy điều hành cố gắng truyền giáo trong sự hiệp nhất với những Giáo Hội địa phương và với những Học Viện Truyền Giáo có mặt khắp nơi trong Giáo Hội. Chúng ta cử hành vào Chúa Nhật 24 tháng 10/1999 nầy Ngày Quốc Tế Truyền Giáo cuối cùng của một ngàn năm, trong đó công cuộc truyền giáo của Giáo Hội đã làm trổ sinh những hoa trái tuyệt vời. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì những điều tốt bao la do các nhà truyền giáo thực hiện, và với cái nhìn hướng đến tương lai, chúng ta tin tưởng chờ đợi bình minh của Một Ngày Mới. Những ai đang hoạt động tại những nơi tiền tuyến của Giáo Hội, họ thật như là những người lính canh trên bờ tường của Thành Thiên Chúa; chúng ta có thể hỏi họ như sau: "Hỡi anh lính canh, đêm còn dài bao lâu nữa?" (Is 21,11); và chúng ta nhận được câu trả lời như sau: "Nầy, những người lính canh của tôi hãy cất cao giọng lên; cùng nhau họ hãy công bố niềm vui, bởi vì chính mắt họ đã nhìn thấy Chúa của Sion ngự đến" (Is 52,8). Chứng tá quảng đại của họ từ khắp nơi trên mặt đất loan báo rằng "vào lúc gần đến Ngàn Năm thứ ba của ơn cứu chuộc, Thiên Chúa đang chuẩn bị một Ðại Mùa Xuân Kitô, mà giờ đây người ta đã nhìn thấy điểm khời đầu" (Redemptoris Misso, số 86).

Nguyện xin Mẹ Maria, Ngôi Sao Mai, giúp chúng ta lặp lại với sức hăng say luôn mới mẽ lời thưa Xin Vâng đáp lại ý định cứu rỗi của Thiên Chúa Cha, ngõ hầu tất cả mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ có thể nhìn thấy vinh quang Thiên Chúa (x. Is 66,18).

Với những nguyện ước trên, tôi xin chân thành gởi đến các nhà truyền giáo và tất cả những ai cổ võ cho công cuộc truyền giáo Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt.


Back to Radio Veritas Asia Home Page