Thơ của ÐTC Gioan Phaolô II
gởi cho các Linh Mục
Nhân Ngày Thứ Năm Tuần Thánh
1/04/1999

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Thơ của ÐTC gởi cho các Linh Mục nhân ngày Thứ Năm Tuần Thánh 1999.

"Abba, lạy Cha!"
Anh em thân mến trong chức Linh Mục, cuộc hẹn của tôi với anh em ngày Thứ Năm Tuần Thánh năm nay (1999) là cuộc hẹn cuối cùng Ðại Toàn Xá năm 2000. Cuộc hẹn nầy chú ý đến lời thưa "Abba! Lạy Cha!" trong đó, theo như các nhà chú giải nói, chúng ta nghe được đúng thật Lời Thưa của Chúa Giêsu. Ðây là lời thưa gói ghém Mầu Nhiệm sâu thẳm vô cùng về Ngôi Lời Làm Nguời, Ðấng đã được Thiên Chúa Cha sai xuống trần gian để cứu rỗi nhân loại.

Sứ mạng của Con Thiên Chúa đạt đến sự trọn đầy của nó khi Người, nhờ qua hành động dâng hiến chính mình, mà thực hiện việc chúng ta được nhận làm con cái của Thiên Chúa Cha, và nhờ việc trao ban Chúa Thánh Thần, mà Chúa làm loài người có thể thông phần vào sự hiệp thông Ba Ngôi. Trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, nhờ Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Cha cúi mình xuống với mọi ngưới nam nữ, vừa cống hiến cho họ khả thể được cứu chuộc và được giải phóng khỏi sự chết. Nhờ ân sũng, chúng ta là những tác viên của thực tại vừa nói trên.

1. Trong việc cử hành bí tích Thánh Thể, chúng ta kết thúc lời nguyện mở đầu bằng những lời như sau: "Nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con, Ðấng hằng sống và hằng trị với Chúa và Chúa Thánh Thần, một Thiên Chúa Duy Nhất, đến muôn thuở muôn đời." Lạy Cha, Chúa Giêsu hằng sống và hiển trị cùng với Cha! Chúng ta có thể nói rằng câu kết thúc lời nguyện như trên có bản chất của một cuộc đi lên: nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, tiến lên cùng Thiên Chúa Cha. Ðây cũng là cái suờn thần học cho thời gian tam niên chuẩn bị, 1997-1999: năm thứ nhất, năm của Chúa Con, rồi đến năm thứ hai, năm của Chúa Thánh Thần và giờ đây là năm thứ ba, năm của Thiên Chúa Cha.

Chiều đi lên nầy luôn được ăn trong chiều đi xuống; và chiều đi xuống được thánh Phaolô Tông đồ mô tả trong thơ gởi các tín hữu Galata. Chúng ta suy tư nhiều về bản văn nầy trong phụng vụ mùa Giáng Sinh. Bản văn như sau: "Khi thời viên mãn đến, Thiên Chúa Cha sai xuống Con Một Ngài, sinh ra bởi người nữ, sinh ra dưới Lề Luật, để cứu chuộc những ai sống dưới lề Luật, ngõ hầu họ có thể lãnh nhận việc được làm con cái của Thiên Chúa" (Gal 4,4-5).

Chúng ta gặp thấy nơi đoạn văn trên chiều đi xuống: Thiên Chúa Cha sai Con Một Ngài xuống, để làm cho chúng ta trở thành những dưỡng tử trong Chúa Con. Trong mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa Giêsu hoàn thành chương trình của Thiên Chúa Cha qua bởi việc trao ban sự sống Người cho chúng ta. Sau đó, Thiên Chúa Cha sai Thánh Thần của Con xuống soi sáng cho chúng ta về đặc ân ngoại thường nầy: "Vì anh chị em là những con cái nam nữ của Ngài, Thiên Chúa Cha đã sai Thánh Thần của Con Một Ngài xuống trong tâm hồn chúng ta, để kêu lên Abba, lạy Cha! Như thế, nhờ qua Thiên Chúa, anh em không còn là nô lệ nữa, nhưng là những con cái, và nếu là con cái, thì là những kẻ thừa tự" (Gal 4,6-7).

Làm sao chúng ta có thể không ghi nhận tính cách độc nhất của điều Thánh Phaolô tông đồ viết ra? Thánh nhân quả quyết rằng chính Chúa Thánh Thần là Ðấng thốt lên: Abba, Cha! Thực vậy, trong thực tế, nhờ qua mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc, người làm chứng cho tình phụ tử của Thiên Chúa là chính Con Một Ngài; chính Con Một nầy đã dạy cho chúng ta biết hướng về Thiên Chúa và gọi Ngài là "Cha". Chính Con Một nầy đã gọi Thiên Chúa là "Cha của Thầy", và đã dạy chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa với danh gọi đầy tình thương là "Lạy Cha chúng con". Phải, thánh Phaolô dạy chúng ta rằng chính nhờ qua sự dạy dỗ nội tâm của Chúa Thánh Thần mà lời giảng dạy của Chúa Con một cách nào đó, phải được thể hiện trong tâm hồn của những ai lắng nghe Người. Thật vậy, chỉ nhờ qua tác động của Chúa Thánh Thần, mà chúng ta có khả năng tôn thờ Thiên Chúa trong sự thật, vừa gọi Ngài là Abba, Lạy Cha!

2. Anh em thân mến trong chức Linh Mục, Tôi viết những lời trên cho anh em, khi nghĩ đến ngày Thứ Năm Tuần Thánh, vừa hình dung anh em vây quanh vị Giám Mục của mình trong Thánh Lễ Làm Phép Dầu. Ðây là nguyện ước hết sức mạnh mẽ của tôi: khi anh em gặp nhau trong Linh Mục đoàn của mình, anh em hãy cảm thấy hiệp nhất với toàn thể giáo hội đang cử hành năm của Thiên Chúa Cha, năm cuối cùng truớc khi kết thúc thế kỷ thứ 20 và đồng thời cũng kết thúc ngàn năm Kitô thứ hai.

Trong viễn tượng nầy, làm sao chúng ta có thể không cảm tạ Thiên Chúa, khi chúng ta nghĩ đến biết bao Linh Mục, trong khoảng thời gian dài hằng ngàn năm nầy, đã hy sinh cuộc đời mình để phục vụ cho Tin Mừng, và đôi khi cho đến mức độ tột cùng hy sinh chính mạng sống? Trong tinh thần của Ðại Toàn Xá sắp đến, dù nhìn nhận những giới hạn và những sơ sót của những thế hệ Kitô đã qua, và do đó nhìn nhận những giới hạn và những sơ sót của các Linh Mục trong thời đã qua, nhưng chúng ta vui mừng nhận thấy rằng một phần lớn của công việc phục vụ quý báu của Giáo Hội cho sự tiến bộ của nhân loại, là do công việc khiêm tốn và trung thành của vô số thừa tác viên của Chúa Kitô; trong dòng thời gian ngàn năm, những tác viên nầy đã là những kẻ xây dựng đầy quảng đại cho nền văn minh tình thương.

Biết bao thời gian đã qua! Nếu thời gian luôn là một sự đi xa ra khỏi điểm khởi đầu, thì thời gian cũng là, khi chúng ta nghĩ đến nó, một sự trở về với khởi đầu. Và điều nầy có tầm quan trọng căn bản: nếu thời gian đã không làm gì khác hơn là đưa chúng ta đi ra xa với khởi đầu, và nếu định hướng cuối cùng của thời gian -- tức sự tìm lại điểm khởi đầu -- là điều không rõ ràng, thì toàn bộ cuộc sống của chúng ta trong thời gian có lẽ bị thiếu một định hướng rõ rệt. Cuộc sống chúng ta như vậy có thể sẽ không có ý nghĩa gì.

Chúa Kitô, "Alpha và Ômêga... Khởi Ðầu và Cùng Ðích... Ðấng hiện có, đã có và sẽ ngự đến" (KH 1,8), Ngài đã ban định hướng và ý nghĩa cho cuộc đời chúng ta xuyên qua thời gian. Chúa đã nói về chính ngài như sau: "Ta đến từ Thiên Chúa Cha và đi vào trần gian; giờ đây, ta rời khỏi trần gian và trở về cùng Thiên Chúa Cha" (Gn 16,28). Như thế biến cố Chúa Kitô thấm nhập vào đường đời của mỗi người chúng ta. Chính cùng với Chúa Kitô mà chúng ta hành trình qua thời gian, vừa tiến bước theo cùng một hướng mà Chúa Kitô đã đi qua: đó là hướng tiến về Thiên Chúa Cha.

Ðiều nầy càng trở nên hiển nhiên hơn trong Ba Ngày Thánh; đây là những ngày thánh thiện tuyệt vời trong đó nhờ qua mầu nhiệm, chúng ta tham dự vào trong cuộc trở về của Chúa Kitô với Thiên Chúa Cha, nhờ qua cuộc khổ nạn, chết và sống lại. Ðức tin bảo đảm cho chúng ta rằng cuộc hành trình nầy của Chúa Kitô trở về cùng Thiên Chúa Cha, cuộc Vượt Qua của Chúa, không phải là một biến cố chỉ có liên hệ với một mình Chúa mà thôi. Cả chúng ta nữa cũng được mời gọi tham gia vào. Cuộc Vượt Qua của Chúa là cuộc Vượt Qua của chúng ta.

Như thế, cùng với Chúa Kitô, chúng ta tiến về Thiên Chúa Cha. Chúng ta thực hiện điều nầy nhờ qua Mầu Nhiệm Vượt Qua, bằng việc sống lại những giờ phút quan trọng khi Chúa Kitô sắp chết trên Thập Giá đã thốt lên: "Lạy Chúa tôi, Lạy Chúa tôi, tại sao Chúa bỏ tôi?" (Mt 15,34), và sau đó: "Mọi sự đã hoàn tất" (Jn,30), "Lạy Cha, con phó thác linh hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46). Những lời trên từ Phúc Âm là những lời quen thuộc cho mọi người Kitô và một cách đặc biệt cho mọi Linh Mục. Những lời đó nói về cuộc sống và cái chết của chúng ta. Vào cuối ngày, chúng ta nói lên trong phụng vụ giờ kinh như sau: "Lạy Chúa, con xin phó thác linh hồn con trong tay Chúa", để chuẩn bị chính mình cho mầu nhiệm cao cả của cuộc ra đi của chúng ta, một kinh nghiệm riêng về cuộc Vượt Qua của mỗi người chúng ta, khi Chúa Kitô, do bởi cái chết và sự sống lại của Nguời, sẽ đem chúng ta về với Nguời để trình diện chúng ta cho Thiên Chúa Cha trên trời.

3. "Lạy Cha, con cảm tạ Cha, là Chúa Trời Ðất, vì Cha đã giấu những điều đó không cho những kẻ khon ngoan và thông thái biết, mà lại mạc khải cho những kẻ bé nhỏ. Vâng, lạy Cha, vì Cha đã muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha trao ban cho Ta; và không ai biết Con ngoài ra Cha, và không ai biết Cha ngoài ra Con và những kẻ mà Con chọn để mạc khải Cha cho họ" (Mt 11,25-27). Phải, chỉ mình Chúa Con biết Chúa Cha. Ðấng ngự trong Thiên Chúa Cha" -- như thánh Gioan viết trong Phúc Âm của mình -- Ðấng đó đã đem Thiên Chúa Cha đến gần chúng ta; Ngài đã nói với chúng ta về Cha, đã mạc khải cho chúng ta biết dung mạo và tâm hồn của Ngài. Trong bửa tiệc ly, khi tông đồ Philip xin Chúa: "Hãy chỉ cho chúng tôi biết Cha (Jn 14,8), thì Chúa Kitô trả lời: "Thầy đã ở cùng con lâu rồi, thế mà con không biết Thầy ư?… Con có tin rằng Thầy ở trong Cha, và Cha sống trong thầy không"? (Jn 14,9-10). Với những lời trên, Chúa Giêsu làm chứng cho Mầu Nhiệm Ba Ngôi, Mầu Nhiệm của chính sự sinh ra của Người từ đời đời từ Thiên Chúa Cha, như là người Con, Mầu Nhiệm của bí mật sâu xa nhất của Ngôi Vị Thiên Chúa.

Phúc Âm là sự mạc khải liên tục về Thiên Chúa Cha. Khi Chúa Giêsu 12 tuổi được thánh Giuse và mẹ Maria tìm gặp giữa các bậc Thầy trong Ðền Thờ, Chúa Giêsu đã đáp lại lời của Mẹ Maria "Nầy Con, tại sao con làm như vậy cho cha mẹ? (Lc 2,48), bằng việc nhắc đến Thiên Chúa Cha như sau: "Cha mẹ không biết là con phải lo những việc của Cha Con sao?" (Lc 2,49). Cả trong hạng tuổi 12, Chúa Giêsu đã có ý thức rõ ràng về ý nghĩa của chính đời sống Ngài, và ý nghĩa của sứ mạng của Người; sứ mạng nầy, từ giây phút đầu tiên cho đến giây phút cuối cùng, được hoàn toàn dành cho "những việc của Thiên Chúa Cha". Sứ mạng nầy đạt đến cao điểm của nó trên đồi Calvary, với hy sinh của Thập Giá, được Chúa Kitô chấp nhận trong tinh thần vâng phục và mộ mến con thảo: "Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cho chén nầy xa Con! Nhưng không theo ý riêng con, một theo ý Cha mà thôi... Nguyện ý Cha được thực hiện!" (Mt 26,39.42). Và đến phiên mình, Thiên Chúa Cha chấp nhận hy tế của Con, vì Ngài đã yêu thương thế gian đến độ trao ban Con Một mình, ngõ hầu con người không chết, nhưng được sống đời đời (x. Jn 3,16). Phải, chỉ có một mình Con nhận biết Cha, và như thế chỉ Người Con mới có thể mạc khải cho chúng ta biết Cha.

4. "Nhờ Người, với Người và trong Người, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha toàn năng, cho đến muôn đời".

Ðược hiệp nhất một cách thiêng liêng và được quy tụ một cách hữu hình trong những Nhà Thờ Chính Tòa vào ngày đặc biệt nầy, chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân chức Linh Mục. Chúng ta cảm tạ vì hồng ân của bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành như là những Linh Mục. Lời chúc tụng kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể có tầm quan trọng căn bản trong mọi cử hành Bí Tích Thánh Thể. Một cách nào đó, nó diễn tả giây phút cao cả của Mầu Nhiệm Ðức Tin (Mysterium Fidei), giây phút trung tâm của hy tế Thánh Thể, được thực hiện trong giây phút chúng ta nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, mà thực hiện cuộc biến đổi bánh và Rượu trở thành Mình và Máu của Chúa Kitô, như chính Chúa đã thực hiện lần đầu tiên nơi Phòng Tiệc Ly. Khi lời Kinh Nguyện Thánh Thể đạt đến cao điểm, thì Giáo Hội, trong chính giây phút nầy, trong con người của Tác Viên có chức thánh, thốt lên những lời sau đây cho Thiên Chúa Cha: "Nhờ Người, với Người và Trong Người, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi danh dự và vinh quang thuộc về Chúa, là Cha toàn năng." Sacrificium laudis! Ðây là hy tế để chúc tụng Thiên Chúa.

5. Sau khi cộng đoàn đáp lại với lời thưa long trọng "Amen", thì vị chủ tế khởi xướng kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện của Chúa. Sự tiếp nối nhau của hai điều trên, là rất có ý nghĩa. Phúc Âm kể lại rằng các Tông Ðồ, khâm phục trước sự im lặng nội tâm của Thầy mình, trong cuộc đối thoại với Chúa Cha, đã xin như sau: Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện" (Lc 11,1). Rồi, đây là lần thứ nhất, Chúa Giêsu nói lên những lời đã trở thành kinh nguyện chính và thường được dùng, trong lời cầu nguyện của Giáo Hội cũng như của từng người Kitô; đó là lời Kinh Lạy Cha. Họp nhau trong việc cử hành Phụng Vụ, khi chúng ta lắy lại những Lời đó làm như lời của mình trong việc cử hành bí tích Thánh Thể, thì những lời đó mang một ý nghĩa đặc biệt. Xem ra như dường như thể trong lúc đó chúng ta tuyên xưng rằng Chúa Kitô đã dạy chúng ta chính lời cầu nguyện của Người cùng Thiên Chúa Cha trong cách thức trọn hảo nhất và quyết định nhất, bằng việc giải thích lời cầu nguyện đó nhờ qua hy sinh của Người trên Thập Giá.

Chính trong khung cảnh của Hy Tế Thánh Thể mà lời cầu nguyện "Lạy Cha chúng con", lời cầu nguyện được Giáo Hội đọc lên, cho thấy trọn cả ý nghĩa của nó. Mỗi Lời của Kinh Lạy Cha mặc lấy một ánh sáng sự thật đặc biệt. Trên Thập Giá, Danh Thánh của Thiên Chúa Cha được "cả sáng" một cách tuyệt hảo, và Nước Ngài ngự đến một cách không thể cưỡng lại được; trong lời nói của Chúa Giêsu "mọi sự đã hoàn tất", thánh ý của Thiên Chúa Cha được thực hiện một cách quyết định. Và thử hỏi không phải lời kinh: "Xin Cha tha nợ cho chúng con, như chúng con cũng tha" được hoàn toàn vọng lên trong những lời của Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá hay sao? Ðó là những lời: "Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc họ làm" (Lc 23,34). Lời nguyện xin cho được lương thực hằng ngày, mặc lấy ý nghĩa hơn, khi trong hình bánh được bẻ ra, chúng ta lãnh nhận Mình Thánh Chúa Kitô trong việc Rước Lễ. Và thử hỏi lời kinh: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ" không đạt được sự hữu hiệu nhất của nó hay sao, vào chính lúc Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa Cha giá cuối cùng phải trả cho sự cứu rỗi chúng ta và cho sự giải thoát chúng ta khỏi sự dữ.

6. Trong bí tích Thánh Thể, vị Linh Mục đích thân đến gần với Mầu Nhiệm vô cùng của Chúa Kitô và của lời cầu nguyện của Nguời cùng Thiên Chúa Cha. Linh Mục có thể hòa nhập mình hằng ngày vào trong Mầu Nhiệm cứu rỗi và ân sũng nầy, qua bởi việc cử hành Thánh Lễ; việc cử hành nầy vẫn giữ ý nghĩa và giá trị của nó, cả khi, vì lý do chính đáng, Thánh Lễ được cử hành không có sự tham dự của tín hữu, nhưng là Thánh Lễ được cử hành cho tín hữu và cho toàn thề giới. Chính vì mối giây liên kết không thể xóa bỏ được giữa Linh Mục và chức tư tế của Chúa Kitô, Linh Mục là vị thầy dạy cầu nguyện, và tín hữu có quyền xin Linh Mục với cùng một yêu cầu mà các đồ đệ ngày xưa đã nói với Chúa Giêsu: "Xin hãy dạy chúng con cầu nguyện".

Phụng vụ bí tích Thánh Thể là trường học tốt của việc cầu nguyện Kitô cho cộng đoàn. Thánh Lễ mở ra nhiều khả thề khác nhau giúp cho khoa sư phạm đích thật của tinh thần. Một trong những khả thể đó là việc Tôn Thờ Thánh Thể; việc làm nầy là một sự kéo dài tự nhiên của việc cử hành bí tích Thánh Thể. Qua việc Tôn Thờ Thánh Thể, tín hữu có thể cảm nếm được kinh nghiệm "ở lại" trong tình yêu thương của Chúa Kitô (x. Jn 15,9), vừa bước vào sâu xa hơn trong mối tương quan con thảo đối với Thiên Chúa Cha.

Chính trong khung cảnh nầy mà Tôi khuyến khích tất cả mọi Linh Mục hãy tin tưởng và can đảm chu toàn bổn phận của họ hướng dẫn cộng đoàn đến việc cầu nguyện đích thực Kitô. Ðây là một bổn phận mà không một Linh Mục nào có thể bỏ qua, mặc những khó khăn do bởi tâm thức trần tục hóa của ngày hôm nay có thể đôi khi làm cho bổn phận nầy trở thành hết sức đòi hỏi đới với Linh Mục.

Sức sống truyền giáo mạnh mẽ mà Chúa Quan Phòng đã soi sáng trong giáo hội thời đại chúng ta, đặc biệt qua Công Ðồng Vaticanô II, trước hết là một thách thức cho những thừa tác viên có chức thánh của Giáo Hội, vừa mời gọi họ trước hết hãy thực hiện việc trở lại. Chính các tác viên cần phải thực hiện việc trở lại trước, để rồi có thể làm cho kẻ khác trở lại, hay nói cách khác, chính các tác viên phải cảm nghiệm mạnh mẽ rằng họ là những con cái của Thiên Chúa Cha, để có thể giúp cho tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích rửa tội khám phá ra phẩm giá và niềm vui được thuộc về Thiên Chúa Cha trên trời.

7. Anh em thân mến, vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta sẽ lặp lại những lời hứa của chúng ta khi được thụ phong Linh Mục. Khi làm như thế, chúng ta ước mong rằng Chúa Kitô cách nào đó có thể ôm lấy chúng ta một lần nữa trong chức tư tế thánh của Người, trong hy tế của người, trong sự hấp hối của Người nơi vườn Giếtsêmani và trong ái hết của Người trên đồi Golgotha, và trong sự phục sinh vinh hiển của Người. Nhờ đi lại đúng như xưa những bước đường của Chúa Kitô trong tất cả những biến cố vừa nói, chúng ta khám phá ra thái độ của Chúa Kitô hoàn toàn mở rộng hướng về Thiên Chúa Cha. Và chính vì lý do nầy mà mỗi việc cử hành Thánh Thể một cách nào đó lặp lại lời xin của tông đồ Philip nơi Phòng Tiệc Ly: "Thưa Thầy, xin hãy chỉ cho chúng con nhìn thấy Cha", và trong Mầu Nhiệm Ðức Tin, Chúa Kitô xem ra lặp lại cho chúng ta mỗi lần chúng ta xin, (lập lại) lời ngài đã nói: "Thầy đã ở với con bấy lâu, mà con lại không biết Thầy sao? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao?" (Jn 14,9-10).

Thưa anh em Linh Mục thân mến trên khắp thế giới, thứ Năm Tuần Thánh nầy, khi chúng ta nhớ lại việc xức dầu thánh mà chúng ta đã lãnh nhận ngày được thụ phong Linh Mục, thì cùng chung với nhau cùng một tiếng và một lòng biết ơn đã được canh tân, chúng ta hãy cao rao lời chúc tụng:

Nhờ Người, với Nguời và Trong Nguời mà dâng lên Chúa là Cha Toàn năng, làm một với Chúa Thánh Thần, mọi danh dự và vinh quang, đến muôn thuở muôn đời. Amen.


Back to Radio Veritas Asia Home Page