Vài phản ứng
về việc các Cha Dòng Tên
được Chính phủ Bắc Kinh
mời dạy tại các Ðại Học Trung Quốc

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Thời Sự: Vài phản ứng về việc các Cha Dòng Tên được Chính phủ Bắc Kinh mời dạy tại các Ðại Học Trung Quốc.

Ngày 27/03/1998 vừa qua, Hãng thông tấn quốc tế Truyền Giáo đã loan tin: "Lần thứ nhất trong lịch sử của Trung quốc cộng sản, các Cha Dòng Tên đượïc Chính Phủ Bắc Kinh mời và trao trách nhiệm tổ chức các lớp đại học cho các sinh viên Trung quốc".

Hãng thông tấn Truyền Giáo (Fides) cho biết thêm như sau: Ngày 13 tháng 3/98 vừa qua, Ðại Học Bắc Kinh đã ký một thỏa ước về chương trình của các lớp học này với 24 Ðại Học do Dòng Tên điều hành tại Hoa Kỳ. Các Cha Dòng Tên sẽ phải tổ chức một lớp học về kinh doanh, quản lý. Lớp dự bị cao học sẽ được bắt đầu từ tháng 5/1998 tới đây cho 90 sinh viên.

Theo Hãng thông tấn Fides, thì không ai dám nghĩ đến điều nầy cách đây ít năm. Ðây là lần thứ nhất, từ lúc Chế độ cộng sản lên cầm quyền tại Trung Quốc vào năm 1947, việc giáo huấn đã được trao phó cho những tổ chức liên kết chặt chẽ với Giáo Hội Công Giáo, như Dòng Tên.

Nhật báo công giáo Ý Tương Lai (Avvenire) số ra ngày chúa nhật 29.3.98 đã viết nơi trang 20, trang dành cho các biến cố tôn giáo trên thế giới, những nhận định như sau: "Bắc Kinh: Các Cha Dòng Tên lên ngồi ghế giảng sư Ðại học, Các ngài sẽ dạy về những lớp kinh doanh, quản lý mà chính phủ Bắc Kinh cần đến, để tiến lên chế độ tư nhân hóa các xí nhiệp".

Nhật báo Tương Lai (Avvenire) cho rằng việc lựa chọn các Ðại học Dòng Tên xem ra là vì phẩm chất của việc giáo huấn và phương pháp sư phạm nổi tiếng của các Ðại Học này. Giáo sư Ernest Scalberg, Khoa trưởng Phân Khoa Quản Lý Hành Chánh của Ðại học Fordham Hoa Kỳ tuyên bố với Hãng Thông tấn quốc tế Fides rằng: "Các Ðại học Dòng Tên cung cấp kiểu mẫu tối tân nhất trong việc học hỏi. Kiểu mẫu này đã được xây dựng với truyền thống từ 400 năm nay; truyền thống này được ghi dấu bởi một nền giáo dục rất nghiêm khắc và được nhân cách hóa, bởi việc tranh luận và bởi một nền đạo đức, luân lý đứng đắn" . Giáo sư Scalberg quả quyết: "Dấn thân này với nhiều kinh nghiệm từ nhiều thế kỷ, đã góp công vào việc làm cho Chính phủ Trung Quốc chấp nhận chính thức nền giáo dục nơi các Ðại Học Dòng Tên".

Như chúng tôi nhắc ở trên: tháng 5 tới đây sẽ bắt đầu khai giảng lớp "dự bị cao học", gồm có môn Anh ngữ và môn Quản lý xí nghiệp. Năm tới các sinh viên sẽ theo chương trình chính thức của các môn học liên hệ. Những lớp thực tập cũng được dự trù tại các xí nghiệp ở Bắc Kinh và New York và qua các chuyến du hành ngoại quốc. Chương trình du hành quốc tế cũng sẽ giúp cho việc huấn luyện, trao đổi và tham khảo với các kỹ nghệï gia của các nước.

Nhật báo Tương Lai (Avvenire) đã đặt câu hỏi như sau: Sự hiện diện của các giáo sư Ðại Học Dòng Tên sẽ ảnh hưởng như thế nào trên thế giới Trung quốc? Và Nhật Báo này trả lời ngay rằng: Tất cả chúng ta đều nghĩ đến một thời kỳ vàng son trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tây Phương, giống như thời kỳ trước đây của Cha Matteo Ricci, nhà truyền giáo nổi tiếng tại Trung Quốc và vẫn còn được tôn trọng cho tới ngày nay, cả trong hàng ngủ của những vị lãnh đạo Trung Quốc không phải là tín hữu Kitô.

Nhưng thỏa ước vừa ký kết giữa Chính phủ Bắc Kinh và 24 Ðại học Dòng Tên tại Hoa Kỳ không vì những lý do giống như thời Cha Ricci, mà do lý do khác; đó là việc Trung Quốc ngày nay đang cần đến những bộ óc và những nhân vật được chuẩn bị chu đáo để có thể đảm nhận trách nhiệm việc tân tiến hóa nền kinh tế. Bắc kinh hiện cần đến trên 300 ngàn chuyên viên có khả năng quản lý các xí nghiệp của nhà nước được trao cho tư nhân. Trong những năm cởi mở kinh tế này, các nhà khoa học Trung Quốc luôn luôn đánh giá cao nền văn hóa Tây Phương, và công nhận rằng sự phát triển về khoa học và kinh tế là nhờ vào những giá trị nền tảng của Do Thái Giáo và Kitô Giáo, nhờ vào giá trị cao quí về con người và nhờ việc tôn trọng các quyền căn bản của con người.

Tương lai trước hết tùy thuộc vào những gì chính phủ sẽ để cho việc giáo huấn được tự do, nghĩa là chấp nhận việc giáo huấn không những về kinh tế, mà cả về những giá trị nền tảng của nền kinh tế Tây Phương nữa.


Bắc Kinh vừa ký một thỏa ước với 24 Ðại Học Công Giáo Mỹ do các linh mục Dòng Tên điều khiển

Bắc Kinh vừa ký một thỏa ước với 24 Ðại Học Công Giáo Mỹ do các linh mục Dòng Tên điều khiển.

Bắc Kinh [Apic 27/03/98] - Dạo trung tuần tháng 3/1998 vừa qua, Ðại Học Bắc Kinh, Trung Quốc, đã ký một thỏa ước với 24 Ðại Học Công Giáo tại Mỹ do các linh mục Dòng Tên điều khiển. Mục đích của thỏa ước là giúp đào tạo cán bộ cho việc tư hữu hóa.

Ðây là lần đầu tiên kể từ khi Cộng Sản lên cầm quyền tại Trung Quốc, các tổ chức văn hóa có liên hệ đến thế giới Công Giáo được mời phụ trách việc giảng dạy tại đây. Thỏa ước cho phép khởi đầu một chương trình giảng huấn không nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước.

Thỏa ước đã được ký kết giữa giáo sư Justin Liu, giám đốc trung tâm nghiên cứu kinh tế tại đại học Bắc Kinh và giáo sư Ernest Scalberg, khoa trưởng phân khoa quản trị kinh doanh thuộc đại học Fordham, New York.


Back to Radio Veritas Asia Home Page