Niềm Vui Sống Ðạo

Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


VI. Chúa Kitô:
Người quản trị tuyệt vời

Giới thiệu

Nhiều bạn nghe tôi nói về các khuyết điểm của Chúa Giêsu liền thắc mắc: Thưa cha, nếu cứ theo Chúa Giêsu như vậy thì ta chịu thua cả đời. Hội thánh sụp đổ mất! "Ai tát vào má phải, con hãy đưa má trái cho họ tát luôn? Ai lấy áo ngoài thì cho họ cả áo trong luôn?" - Trong Phúc âm Chúa Giêsu kêu gọi: "Hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời!" Ai làm được, nhưng ta cố gắng hằng ngày. Chúa khuyên nhưng không buộc. Ngài hay nói "Ai hiểu được thì hiểu" (Mt. 19, 12); "Không phải mọi người hiểu, chỉ có những ai được Chúa ban ơn cho hiểu (luật độc thân) (Mt. 19, 11).

Tôi mong có nhiều bạn trẻ suy nghĩ, và nghe tiếng Chúa Giêsu, "ai hiểu được thì hiểu". Chúa khuyên nhưng không buộc. Giờ đây tôi cho các bạn thấy Chúa Giêsu lại còn rất gần gũi với chúng ta, đặc biệt Ngài còn là một người quản trị tuyệt vời. Có tổ chức nào tồn tại 2,000 năm không? Có tổ chức nào có cơ sở khắp thế gian không? Có tổ chức nào mà nhân viên sẵn sàng sống và chết vì ông cha của mình không? Mời các bạn xem, xét rồi làm.

Khi nhìn lại cuộc đời trần thế của Chúa Kitô, chúng ta nhận thấy nơi Ngài và trong lề lối rao giảng của Ngài chứa đựng những đức tính căn bản của một người quản trị. Trong lúc công tác trên thế giới, tôi đã gặp nhiều nhà kinh doanh Tin lành, Công giáo...họ đã nói với tôi: "Chúng tôi dám quả quyết, có thể sống Phúc âm, học ở Phúc âm để quản trị tốt, ngay trong thời đại nầy. Trao đổi với họ, tôi đã xác tín, và có thể rút từ Phúc âm 50 bài học cho người quản trị thành công tuyệt vời, đây tôi chỉ nêu lên 10 điểm thôi.

1. Sẵn sàng

"Sẵn sàng" là châm ngôn của mọi thành công trong bất cứ lãnh vực nào. Người Hướng đạo thường được định nghĩa như là một người luôn sẵn sàng. Nhờ khẩu hiệu "sắp sẵn" vắn gọn mà bao nhiêu thế hệ thanh thiếu niên đã trở thành người hữu dụng cho đời, thành công trong xã hội.

Muốn lãnh đạo thành công phải chuẩn bị sẵn sàng.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa, Ngài đủ dư khả năng làm mọi việc. Nhưng trước khi ra giảng đạo Ngài đã chuẩn bị 30 năm. 30 năm học hỏi, tu luyện sẵn sàng cho một công tác chỉ kéo dài vỏn vẹn 3 năm. Ðó là bài học quản trị lãnh đạo đầu tiên ta học nơi Ngài. Chính Chúa đã đưa ra thí dụ về sự chuẩn bị, khi Ngài kể dụ ngôn các cô khờ dại và khôn ngoan đốt đèn thức suốt đêm đợi chờ chàng rể. Những cô sẵn sàng dầu đèn cuối cùng đã thành công, còn những người kia trở về tay không. Câu chuyện không những có giá trị cho cuộc sống linh thiêng, mà nó thực tế cả cho sinh hoạt trần thế.

Càng chuẩn bị đầy đủ thì càng bảo đảm thành công và hiệu quả trong thực hiện. Vốn nhiều thì lời cao. Vốn ít lời ít.

2. Lập chương trình và quyết tâm thực hiện

Phải có một chương trình làm việc. Và chương trình này phải được hoạch định cụ thể cho các bước ngắn, trung và dài hạn.

Chúa có một chương trình dài hạn: cứu chuộc loài người. Và Ngài đã quyết tâm đi cho đến cùng chương trình đó. Giai đoạn đầu tiên của Ngài là kêu gọi các tông đồ. Bước thứ hai là hướng dẫn họ, cùng với họ rao giảng Nước Trời. Bước cuối cùng là cuộc tử nạn ở Jêrusalem. Cuộc sống mỗi người cần có tụ điểm (focus) để nhắm tới, để tập trung sức lực và sáng kiến. Tụ điểm đó còn gọi là lý tưởng sống. Lý tưởng không dễ gì thực hiện ngay được, nhưng nó thường được thực thi từng bước, từng giai đoạn một. Khi đã có điểm qui chiếu thì ở đâu, lúc nào, làm gì mình cũng nhớ tới mục tiêu và do đó nhận bắt đươc nhiều kinh nghiệm bổ ích cho việc thực hiện lý tưởng. Có sợi chỉ đỏ hướng dãn cuộc đời thì khi lao vào công việc chúng ta rất dễ chủ động trong mọi tình huống, mới dễ phân biệt được điều hay lẽ phải.

3. Chọn người cộng tác

Chúa Giêsu đã chọn được các tông đồ giúp việc đồng tâm đồng chí, nên chúng ta mới có được một Giáo hội như ngày nay.

Phải chọn cho được người cộng tác, và là người dám nói sự thật cho mình.

Sách xưa kể truyện một vị vua Trung Hoa giữa một buổi ngự chầu yêu cầu bá quan góp ý cho chương trình của vua. Cả triều đình sợ, im phắc. Bổng một vị quan oà khóc thảm thiết. Vua hỏi tại sao, quan trả lời: Thưa hoàng thượng, thần khóc thương cho một đất nước mà cả triều đình không ai dám nói lên sự thật.

Khí cụ tốt nhất là người cộng tác. Ưu tiên của chúng ta khi lập đoàn, lập hội thường là tìm đâu ra chỗ làm văn phòng. Tìm được văn phòng rồi thì lại hỏi đào đâu ra tiền để điều hành, quản trị, mua máy móc. Lầm lẫn thật tai hại! Cái ưu tiên nhất, quyết định sự sống còn và thành công của đoàn thể không phải nơi văn phòng, tiền bạc, máy móc, mà là nơi nhân sự cộng tác. Người cộng tác không đồng tâm thì văn phòng máy móc có thể phá tan mấy hồi.

Tôi sang Canada tìm tới một cơ quan trung ương về công giáo tiến hành nổi tiếng quốc tế tại Ottawa, có chi nhánh khắp thế giới. Gặp vị sáng lập, hỏi ngài: cha khởi sự trung tâm này với những phương tiện nào? - "Bắt đầu ở chỗ hầm cầu thang với một máy đánh chữ; ngoài ra với sự cộng tác của mấy bà già, mỗi tuần mỗi bà cho tôi một đô la". Ngài tên là cha Guay, người lập ra Trung tâm Công giáo đầu tiên trên thế giới. Ngài bảo tôi: "Du papier et une machine à écrire".

Người cộng tác, đến lượt họ, cũng có quyền chọn lựa kẻ cộng tác theo ý riêng của họ. Nhà quản trị lãnh đạo giỏi là người biết giúp ý kiến cho thuộc viên trong việc lựa chọn người cộng tác của họ, chứ không ép buộc họ chọn người theo ý mình.

4. Biết quyết tâm vượt qua mọi trở ngại khi giữ một vai trò quan trọng

Sai lầm lớn nhất của một người, một hãng xưởng, một tổ chức là không dồn hết tâm lực vào mục tiêu then chốt của mình.

Các hội đoàn, chính đảng của chúng ta có tổ chức nào mà chẳng có chương trình! Nhiều chương trình, kế hoạch hay; nhưng đa số không đi tới đâu cả là vì không có quyết tâm thực hiện. Chỉ cần trong mỗi tổ chức, cộng đồng có một đôi người quyết tâm sống chết thực hiện chương trình đã đề thì cộng đồng, tổ chức đó sống, thành công.

Phao-lô là một điển hình loại người quyết tâm. Khi đã được Chúa chọn và trao phó trách vụ quan trọng, ngài đã không ngại gian lao, và ngay cả cái chết đau đớn, để thực hiện cho được trách vụ giao phó.

Loại người quyết tâm thật hiếm. Họ như chim ưng, không bay thành đàn, nhưng bay từng con một đơn lẻ. Phải biết tùy cách, tùy trường hợp mà mời gọi. Chúa gọi Phê-rô, Phao-lô, Gia-cô-bê, Gio-an... mỗi người một cách khác nhau. Trâu hay là trâu có chứng. Phải biết dùng chứng đó để biến thành thuận lợi. Và khi đã tìm thấy được dấu chim ưng thì người lãnh đạo cố gắng mọi cách mà mời họ, bất chấp dư luận.

Khi tìm mẫu người trên, đừng quên những người đã tranh đua với mình. Việc Chúa chọn Phao-lô lại cũng là một điển hình. Phao-lô là tay bắt đạo khét tiếng, là một đối thủ lợi hại. Song Chúa đã chọn ông, vì Ngài biết sở dĩ Phao-lô ứng dụng cái quyết tâm của mình sai chổ là bởi vì ông chưa biết Chúa mà thôi. Phao-lô lại là người đến sau nhưng lại được đưa lên vai trò quan trọng. Dù vậy các tông đồ chẳng ai phân bì đố kị.

Ðưa được một đối thủ năng nỗ vào hàng ngũ mình, phía đối lập yếu đi, đồng thời phía mình càng mạnh hơn nhờ có thêm một lãnh đạo giỏi.

5. Không khoan nhượng với tham nhũng

Không nên khoan nhượng với tham nhũng đã đành. Mà còn phải hành động kịp thời. Nếu không, tai họa sẽ tới và cơ sở sẽ đổ vỡ. Càng nấn ná, thiệt hại càng nặng. Tuyệt đối không bao che khi đã có bằng chứng cụ thể về tham nhũng.

Khi Chúa thấy đám con buôn xâm chiếm Ðền thánh, Ngài ra tay đuổi ngay. Chẳng cần phải họp hay làm đơn xin ý kiến các thượng tế! Làm như Chúa, hẳn có người sẽ ghét Ngài, nhưng chắc chắn những người thiện chí sẽ cảm thông và phục Ngài.

Chuyện xẩy ra cách đây không lâu bên Ðại Hàn, nơi phong trào chống tham nhũng lên cao. Chính phủ nắm được bằng chứng tham nhũng của một số tướng lãnh, mời từng vị tới bạch hoá vấn đề và yêu cầu từ chức. Sự vụ xẩy ra êm thắm, vừa giữ được thể diện cho các tướng đồng thời ngăn ngừa thêm tai hại cho quốc gia. Việc kết án hai cựu tổng thống của nước này về tội tham nhũng cũng là những sự kiện đáng khâm phục.

6. Vun quén những quan hệ tốt

Trong Kinh Thánh, thánh Gio-an tiền hô là mẫu gương tuyệt đẹp về việc xây dựng quan hệ tốt. Ông đã đóng hoàn hảo vai trò mở đường (tiền hô) của mình khi chuẩn bị khu vườn tình cảm cho kẻ đến sau mình: "Người ấy đến sau tôi nhưng tôi không đáng cởi dây giày cho Ngài". Ông đã không tìm cách lợi dụng uy tín hoặc thế đứng của mình để hạ thấp kẻ mà ông có nhiệm vụ vận động, tuyên truyền.

Quan hệ tốt có thể vun trồng được qua những chuyện rất nhỏ nhặt hằng ngày, bằng cử chỉ và lời lẽ khiêm tốn trong đối thoại, thái độ tế nhị trong giao tiếp, tư cách đạo đức trong cuộc sống...

7. Hãy lưu ý đến các cháu nhỏ và gia đình

Thái độ của Chúa Giê-su đối với trẻ nhỏ khi các môn đệ vì đám đông chen lấn không muốn để các bà bế con tới với Ngài là một bài học: "Hãy để các em đến với Ta, vì nước thiên đàng là của những người như chúng nó".

Người quản trị lãnh đạo thành công là người biết quan tâm tới gia đình, đặc biệt con cái của nhân viên mình. Ðây là điểm tâm lý rất quan trọng. Khi gia đình, con cái của họ được đoái hoài thì người nhân viên cảm thấy an tâm và hiệu năng làm việc của họ do đó tăng. Có nhiều phương cách tỏ lộ sự quan tâm đó: thu xếp giờ giấc làm việc thuận lợi cho các bà mẹ có con nhỏ, năng hỏi thăm sức khoẻ các cháu, giúp học bổng cho con cái nhân viên mình, ghi tin tức gia đình của người trong sở lên bản tin xí nghiệp...

Quan tâm tới con cái của nhân viên, nhưng cũng đừng bỏ bê chính con cái mình.

Chuyện một em bé nhà giàu nhân lễ Giáng sinh được bố mẹ dẫn ra phố tìm mua quà. Qua cửa hàng quần áo, mẹ hỏi, bé lắc đầu bảo quần áo bé đã có nhiều rồi. Hàng giày dép, hàng búp bê, cũng vậy! Bố mẹ đang thất vọng thì bé dẫn vào quán thuốc lá và đòi mua cho bằng được một ống điếu. Ngỡ ngàng, bố bảo còn nhỏ sao lại đòi thứ này, để làm gì? - Con muốn làm quà tặng cho ông thợ mộc bên cạnh nhà mình. Tại sao? - Vì ông ấy thương con. Mỗi lần bố mẹ bảo bận việc, không có giờ thì con sang ông ấy chơi; ông nói chuyện với con; ông nhờ con lấy bào, lấy đục, quét nhà cho ông.

8. Sẵn sàng đương đầu với khó khăn

Cuộc kinh doanh có lúc lên lúc xuống. Ðó là một định luật. Nhìn về phương Ðông ta có ngay thí dụ: Mới năm trước đây cả thế giới còn ngỡ ngàng thán phục đà bay bổng của "5 con rồng Á châu". Nay thì hỡi ôi cả 5 con đang thi nhau lộn nhào như diều đứt dây.

Sinh hoạt cộng đồng, hội đoàn, tổ chức cũng vậy. Sẽ có lúc khủng hoảng. Nên thái độ nhìn xa và đúng đắn của người lãnh đạo là phải biết tiên liệu và chuẩn bị để đương đầu với những giai đoạn và hoàn cảnh đó. Nghĩa là phải có một chương trình khủng hoảng. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua ở Á châu, Ðài Loan là nước ít bị điêu đứng nhất. Là nhờ nước này đã chuẩn bị được một lượng tài chánh dự trử lớn đủ để đương đầu với khó khăn.

Các bản Phúc Âm cho chúng ta hay Chúa Giêsu luôn nói với các môn đệ về cuộc tử nạn, và tất cả chương trình cứu độ của Ngài qui về Thánh giá. Ngài nhắn nhủ các Tông đồ, nhất là Phêrô, về những khó khăn họ phải đương đầu trong tương lai: "Họ sẽ khai trừ các con khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ mà kẻ giết anh em cũng tưởng đó là phụng thờ Thiên Chúa" (Gio-an 16,2).

9. Chọn lựa ưu tiên

Trong sinh hoạt cá nhân hoặc cộng đồng chúng ta thường bị ngập tràn bởi bao công việc. Việc nào xem ra cũng cần, cũng tốt. Việc quyết định của chúng ta khó khăn vì chúng ta không lưu tâm đến sự cần thiết của việc chọn lựa ưu tiên. Nói cách khác là chúng ta chưa xác định được giá trị thiết yếu của đời chúng ta, công việc chúng ta để định hướng cho đúng.

Thánh Luca kể lại câu chuyện Chúa trẩy hội đến Giêrusalem mừng lễ Vượt qua lúc 12 tuổi, Ngài đã tách khỏi Cha Mẹ để thảo luận với các bậc thầy ở Ðền thờ; và khi Mẹ Ngài phiền trách, Ngài đã nhắc đến công việc ưu tiên mà Ngài phải chọn lựa là làm theo ý Chúa Cha. Ở trong Vườn cây dầu Ngài cũng đã chọn lựa ưu tiên thực hiện ý Cha Ngài. Chọn lựa ưu tiên giúp cho kẻ đồng hành với mình an tâm, tin tưởng vào lối quản lý công việc của mình; giúp cho công việc làm của mình có chủ đích, đường hướng, đem lại thành quả.

10. Chuẩn bị người thừa kế

Ðây là một điểm vô cùng quan trọng đối với người lãnh đạo. Thế nhưng tâm lý người đời, vì ích kỷ và tham vọng, nên một khi nắm được vai trò lãnh đạo rồi là cứ tưởng mình cai trị suốt đời. Mà thực tế cuộc sống mỗi cá nhân có bao nhiêu đâu. Hơn nữa, chắc gì bám trụ được mãi cái ghế đó. Ðông tây, kim cổ nhan nhản thí dụ về chuyện này.

Một tổ chức, một xí nghiệp có khả năng phát triển lâu dài và sâu rộng hay không tùy thuộc vào sự chuẩn bị lớp người thừa kế. Cha ông chúng ta đã không nói "Con hơn cha là nhà có phúc" hay sao! Chúa Giêsu là mẫu mực tuyệt vời về công việc chuẩn bị người kế nghiệp "công trình cứu độ" của Ngài. Ngài đã chuẩn bị 12 vị, rồi đặc biệt trao quyền cho Phêrô. Ba năm làm sứ mạng rao truyền Nước Trời cũng là ba năm chuẩn bị những người thừa kế mình. Nhờ đường lối đó mà qua bao cơn bão táp, suốt 3 thế kỷ đầu các vị Giáo hoàng đều tử đạo, vây mà việc kế vị Chúa Giêsu tiếp tục công trình cứu độ vẫn liên tục với 267 vị Giáo hoàng.


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page