Niềm Vui Sống Ðạo

Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


I. Thập Ðại Thành Công:

9. Ðộng lực nào giúp chúng ta thay đổi
và thăng tiến xã hội ta đang sống?

Nhà tư tưởng Pierre Teilhard de Chardin có nói rằng: "đăng giả hội". Cái gì vươn lên thì sẽ gặp nhau. Chỉ khi nâng tâm hồn lên, vất bỏ đi đằng sau những cố chấp, tự mãn, tị hiềm nhỏ nhoi, thì mắt mới có khả năng nhìn về một hướng, tay có khả năng nắm chặt với nhau để cùng đi.

Cuối thế kỷ 20, chúng ta nhìn lui lại lịch sử nhân loại, và lịch sử của dân tộc ta để thấy rằng, không phải người ta đã không hô hào tình huynh đệ đoàn kết..., nhưng những đau thương, đỗ vỡ cho con người do ngay những chủ thuyết, phong trào nầy đem lại đều phát xuất từ một điểm: Các chủ thuyết đó, chưa thấy được tầm cao cả của con người và các người dấn thân chưa nâng tâm hồn mình lên đủ.

Ðức Kitô đã cho Kitô hữu chúng ta một bí quyết về tình liên đới và đoàn kết:
Ta hình dung Chúa Giêsu như mặt trời ở giữa phát ra các tia sáng quanh cả vòng tròn, càng ra xa trung tâm, các tia ấy, có khoảng cách xa nhau hơn nữa. Nhưng nếu ta đi ngược lại càng trở về trung tâm, càng xích lại gần nhau, cho đến lúc gặp nhau ở một trung tâm điểm là Thánh tâm Chúa Giêsu.

Tất cả đoàn kết, liên đới... đều ở xa xa cả, vì còn giữ kẽ, còn bảo vệ lợi ích của cái tôi, còn có chiến lược...

Các thánh phân biệt Tình thương tiếng Hy-lạp dùng Eros hoặc Philia, với Agapé đức Ái, là tình thương của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Gioan và Phaolô chỉ dùng danh từ Agapé khi nói đến Thiên Chúa: "Như Ðức Chúa Cha đã yêu thương Thầy, Thầy yêu thương anh em" (Gioan 15, 9).

"Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em" (Gioan 13, 34).

Tình thương ấy khiến cho ta hiệp nhất như lời Chúa Giêsu cầu nguyện: "Xin Cha cho chúng con nên một như Cha ở trong con và con ở trong Cha" (Gioan 17, 21-22). Phải có cái nhìn của Chúa Giêsu đối với mọi người.

Căn tính của người công giáo là Ðức Ái.

- Chúa chỉ bắt các tông đồ mang một đồng phục rẻ tiền mà khó kiếm:
"Người ta sẽ lấy dấu nầy mà biết các con là môn đệ Thầy: Các con thương yêu nhau (ÐHV. 748).

Nhưng yêu thương thế nào đây?

Bác ái nhãn hiệu, bác ái giả hiệu (ÐHV.756).

- Bác ái không có biên giới; nếu có biên giới, không còn là bác ái nữa (ÐHV. 787).

- Hãy yêu thương nhau không bằng lời nói mà bằng việc làm. Hãy yêu thương nhau bằng tay mặt làm mà tay trái không biết.

"Hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương chúng con" (ÐHV. 755)

Ðức Kitô nâng tâm hồn lên với Cha Ngài, để chỉ biết có yêu thương: Yêu tất cả, yêu từng người, yêu người thân, yêu kẻ thù, yêu người lành thánh, yêu kẻ tội lỗi. Yêu bằng hy sinh mạng sống mình cho kẻ mình yêu.

Pascal đã từng nói: "Trái tim có những lý lẽ mà trí khôn bình thường không biết được".

Lý của trái tim xem ra điên rồ: yêu đến hy sinh mình, yêu kẻ thù mình...; nhưng nâng trái tim nầy lên, bấy giờ liên đới, đoàn kết mới có sức mạnh và ý nghĩa.

Nâng tâm hồn lên, để cảm nghiệm được rằng lý thuyết có thể khác nhau, nhưng con người luôn có cơ may đến gần và hiểu nhau trong cuộc sống.

Nâng tâm hồn lên, mới thấy có những sức mạnh bên trong, bên trên có thể hoàn cải nếp suy tư, thay đổi những cơ chế mà người ta nghĩ rằng không còn cơ may cứu vãn.

- Bác ái là nối dài tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại (ÐHV. 792)

- Con phải nói được cách thành thực rằng:
"Tôi không xem ai là kẻ nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi" (ÐHV. 793).

Hiệp nhất, liên đới muốn thành hiện thực phải múc lấy sức mạnh cao siêu đó của bác ái.

Ðoàn kết hiệp nhất


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page