Niềm Vui Sống Ðạo

Ðức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan


I. Thập Ðại Thành Công:

4. Tôi phải tìm
nguồn Sinh lực của đời tôi ở đâu?

Mùa hè 1997, trên 1 triệu người trẻ từ các nước trên thế giới về Paris, Pháp; qui tụ bên Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Sự kiện đó được nhận ra như một dấu chỉ lớn của thời đại. Con số trên 1 triệu thanh niên tham dự vượt xa bất cứ một dự đoán nào của dư luận và của cả Ban tổ chức. Người ta thắc mắc: Cụ già gần 80 tuổi, đau, yếu nầy còn có gì hay để lôi cuốn được giới trẻ đến gần mình? Niềm tin tôn giáo còn hấp lực nào cho giới trẻ, đặc biệt giới trẻ tại các nước Tây-Âu, thế hệ sinh ra và lớn lên trong bầu khí "trần tục hoá", để họ kéo nhau đến Paris đón chờ sứ điệp của một vị lãnh đạo tôn giáo?

Và sự kiện bất ngờ của mùa hè 1997 tại Paris đã làm người ta giật mình, ý thức được rằng dấu ấn khắc ghi nơi tâm hồn con người, tức là Niềm tin và khát vọng Sự thật, không thể có một yếu tố bên ngoài nào tẩy xoá được, nơi bất cứ ai vào bất cứ thời nào. Niềm tin, và cao độ là niềm tin tôn giáo, phát xuất từ động lực nầy lôi kéo con người hướng về Chân -Thiện - Mỹ. Ðộng lực đó là yếu tố chính của cuộc sống. Người trẻ hôm nay cũng do động lực của niềm tin đó thúc đẩy như con người của các thế hệ cha ông đi trước.

Cách đây hơn 25 thế kỷ, Khổng Phu Tử đã từng nói: "Người mà không tin, thì không biết làm được điều gì!" (Nhân nhi vô tín, bất tri kỳ khả dã) [Luận Ngữ II, 22]. Và khi đồ đệ Tử Cống hỏi về việc trị nước, Ngài trả lời rằng: Nước cần có đủ lương thực, đủ binh lực và niềm tin của dân. Tử Cống lại hỏi, nếu bất đắc dĩ phải bỏ một trong ba điều, thì đành phải bỏ điều nào trước? Khổng Tử đáp ngay là phải bỏ binh lực. Người học trò lại hỏi dồn, nếu đành phải bỏ một trong hai điều còn lại thì sao? Ngài trả lời là bỏ lương thực, vì dân mất niềm tin thì nước không còn (xem Luận Ngữ XII, 7).

Vào thời tiếp theo, có lần người ta hỏi về việc cứu đời, Mạnh Tử đáp: Cứu người chết đuối dưới sông, thì cần đưa sào cho người ta níu, nhưng cứu cả thiên hạ cho khỏi loạn, thì cần đến Ðạo.

Khi không còn niềm tin ở Thiên Chúa là tạo hoá là Cha của chúng ta thì chẳng còn sợ ai, chẳng chừa một loại thủ đoạn nào, gian trá độc địa nào, chẳng trừ một thứ tội ác nào. Khi không còn niềm tin mọi người là anh em của ta, con một Chúa, thì chỉ áp dụng thuyết "cá lớn nuốt cá bé" - người bóc lột người.

Phát biểu tại Liên Hiệp quốc (5.10.95) Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II nói: "quý vị muốn viết lên một trang sử mới, tốt đẹp cho nhân loại, quý vị hãy sử dụng văn phạm mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: đó là lương tâm của chúng ta".

Niềm tin tôn giáo thúc đẩy con người dấn thân một cách đại độ để phục vụ anh em đồng loại của mình, hoàn thành nghĩa vụ chính yếu là yêu thương.

Trong năm 1997, nhân dịp kỷ niệm lễ giỗ 20 năm nhà văn công giáo Raoul Follereau (1903-1977) tại Ðại học Sorbonne, Paris, Pháp, tôi được mời nói chuyện về ông. Ðược thúc đẩy bởi niềm tin tôn giáo, Raoul Follereau xác tín rằng "không ai có quyền hưởng hạnh phúc một mình"; và vì thế cùng với bà Raoul Follereau, ông đã lên đường chăm sóc phục vụ những người bạn phong cùi trên thế giới, khắp các lục địa. Một hôm tại một trại cùi, Raoul Follereau đến trước một cô gái đang bị bệnh và đưa tay bắt; nhưng cô gái đứng khựng người lại, không phản ứng. Giám đốc trại nhắc Raoul Follereau rằng nội qui không cho phép người bệnh bắt tay khách. Raoul Follereau trả lời: "Cấm bắt tay nhưng có cấm hôn không?". Vừa nói, ông vừa đến ôm hôn cô gái. Mọi người sững sờ; tất cả những người bệnh trong trại lúc bấy giờ nhào đến gần ông, một người trong họ nghẹn ngào lên tiếng: "Hôm nay tôi cảm thấy chúng tôi là người".

Người phong cùi nhận ra được phẩm giá làm người của mình, còn Raoul Follereau thực hiện được một cuộc đời xứng đáng làm người vì yêu thương. Ðộng lực thúc đẩy con người biết và thực hiện giá trị làm người đó là sức mạnh của niềm tin tôn giáo.

Sống đạo


Back to Vietnamese Missionaries in Taiwan Home Page