Những Quy Luật Tổng Quát

về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch

Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 18/06/2009


Tông Thư Dưới Hình Thức Tự Sắc

Phê chuẩn những qui tắc chung về Năm Phụng vụ

và Lịch chung mới của Hội Thánh Rôma

Phaolô VI Giáo Hoàng

 

Mầu Nhiệm Vượt Qua chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong Phụng tự Kitô giáo và được khai triển trong suốt cả năm trải rộng qua các ngày và các tuần lễ. Ðó là điều chúng ta được Thánh Công đồng Vaticanô II dạy bảo rõ ràng. Do đó, khi canh tân năm phụng vụ, cần phải làm cho mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô được nổi bật hơn, trong việc sắp đặt Phần Riêng, như quen gọi, cả về các Mùa lẫn về các Thánh, cũng như trong việc duyệt lại Niên lịch Rôma, theo những tiêu chuẩn chính Thánh Công đồng đã ban bố1.

I

Thật vậy, đã xảy ra là, qua bao nhiêu thế kỷ, các ngày vọng, các lễ tôn giáo kèm theo tuần bát nhật, cũng như những phần khác nhau trong năm phụng vụ dần dần được đưa vào; do đó, các tín hữu nhiều khi sử dụng chúng làm những việc đạo đức riêng tư, khiến cho tâm trí họ xem ra phần nào lãng xa những mầu nhiệm chính yếu của công trình cứu chuộc.

Nhưng không ai lại không biết rằng các vị Tiền nhiệm của chúng tôi, là thánh Piô X và Ðức Gioan XXIII đáng kính nhớ, đã công bố một số chỉ thị nhằm trả lại cho ngày Chúa nhật phẩm giá ban đầu để mọi người coi ngày này như ngày lễ hàng đầu2, đồng thời nhằm cải tổ lại việc cử hành mùa Chay thánh. Cũng không được coi nhẹ, việc Ðức Piô XII, vị Tiền nhiệm đáng kính nhớ của chúng tôi, đã ban sắc lệnh3 truyền cho Hội Thánh phương Tây phải tái lập việc canh thức long trọng Ðêm Vượt Qua, trong đêm canh thức ấy, trong khi cử hành các bí tích gia nhập Kitô giáo, dân Thiên Chúa lặp lại giao ước thiêng liêng của mình với Chúa Kitô phục sinh.

Theo sát lời dạy của các thánh Giáo Phụ và giáo huấn cổ truyền của Hội Thánh Công giáo, các vị Giáo Hoàng này cảm nghiệm cách chí lý rằng trong chu kỳ năm phụng vụ không chỉ tưởng niệm các biến cố, qua đó Ðức Giêsu Kitô đã trải qua cái chết để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta, hoặc chỉ nhắc lại những hành động quá khứ, nhằm dạy dỗ và nuôi dưỡng tâm hồn các tín hữu, kể cả những tâm hồn đơn sơ chất phác, khi họ suy gẫm các việc đó. Hơn thế, các ngài còn dạy rằng việc cử hành năm phụng vụ có sức mạnh và hiệu năng đặc biệt có tính bí tích để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu4. Ðó cũng chính là điều chúng tôi cảm nghĩ và tuyên xưng.

Thật vậy, khi chúng ta cử hành mầu nhiệm Giáng sinh của Chúa Kitô5 và việc Người tỏ mình ra trong thế gian, chúng ta cầu xin để nhờ Ðấng mà chúng ta nhận thấy bên ngoài giống như chúng ta, thì chúng ta cũng đáng được đổi mới từ bên trong6. Và khi chúng ta làm lại cuộc vượt qua của Chúa Kitô, chúng ta cầu xin Thiên Chúa tối cao cho những người đã được tái sinh với Ðức Kitô biết sống bí tích họ đã lãnh nhận với lòng tin7. Vì chưng, để dùng chính lời Công đồng Chung Vaticanô II: Khi kính nhớ các mầu nhiệm cứu chuộc, Hội Thánh mở ra cho các tín hữu kho tàng phong phú các nhân đức và công nghiệp của Chúa mình, như làm cho kho tàng ấy được hiện diện một cách nào đó qua mọi thời đại, nên các tín hữu được tiếp cận với kho tàng ấy và được đầy tràn ơn cứu độ8.

Vì thế, việc duyệt lại năm phụng vụ và các quy tắc chi phối việc cải tổ năm phụng vụ không có mục đích nào khác ngoài việc giúp các tín hữu, nhờ tin, cậy, mến mà hiệp thông cách hăng say hơn với mầu nhiệm của Ðức Kitô được khai triển qua chu kỳ hằng năm9.

II

Còn về các lễ kính Ðức Trinh Nữ Maria là Ðấng được liên kết với công trình của Con mình bằng một quan hệ bất khả phân ly10 và các lễ tưởng nhớ các thánh, là những lễ được coi như những ngày sinh nhật trên trời của các Ðấng Tử Ðạo và các vị chiến thắng11 đang tỏa ra một luồng sáng chói chang, thì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi không hề xa rời điều trình bày ở trên; thật vậy lễ các thánh giúp tuyên dương những kỳ công của Ðức Kitô nơi các tôi tớ Người, và nêu lên những tấm gương thích hợp để các tín hữu noi theo12. Vì chưng, Hội Thánh Công giáo luôn khẳng định vững vàng và chắc chắn rằng mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô được công bố và lặp lại qua những lễ kính các thánh13.

Không nên phủ nhận rằng, qua các thế kỷ, số lễ kính các thánh đã được thêm vào quá nhiều. Vì thế, Công đồng Chung đã khuyến cáo: để những lễ kính thánh không lấn át những lễ tưởng niệm các mầu nhiệm cứu độ, thì nhiều lễ phải dành lại cho mỗi Giáo Hội địa phương, mỗi quốc gia, hay mỗi gia đình dòng tu mừng kính; Hội Thánh toàn cầu chỉ mừng những lễ kính thánh nào thực sự có tầm quan trọng toàn cầu14.

Vậy để cho các sắc lệnh của Công đồng Chung đạt kết quả thì, một đàng, tên một số thánh đã được đưa ra khỏi lịch chung, một đàng, Công đồng ban quyền tái lập cách xứng hợp việc cử hành lễ nhớ các thánh và việc tôn sùng các ngài trong những miền các vị ấy đã sống. Do đó tên một số vị thánh không được khắp toàn cầu biết đến đã được xóa khỏi lịch chung Rôma, đang khi lại thâu nhận thêm vào đó tên một số vị tử đạo thuộc những miền mới đón nhận Tin Mừng sau này. Như vậy, cùng một danh sách, một số vị dường như đại diện cho mọi dân nước được đề cao ngang nhau, vì đã đổ máu mình ra vì Ðức Kitô, hoặc vì đã có những nhân đức trổi vượt.

Vì những lý do đó, chúng tôi thiết tưởng Lịch chung mới, soạn ra để dùng trong Nghi lễ Latinh, sẽ vừa thích hợp hơn với cảm nghĩ và tâm tình đạo đức của thời đại này, vừa nói lên cách thích đáng hơn đặc tính của Hội Thánh là phổ quát.

Lại nữa cuốn lịch mới cũng nêu ra danh tính của những bậc vĩ nhân, đem lại cho toàn thể dân Thiên Chúa những mẫu gương thánh thiện sáng ngời và đa dạng. Thật vậy, điều đó sẽ đem lại nhiều ích lợi thiêng liêng cho tất cả các Kitô hữu.

Vậy sau khi đã cẩn thận cân nhắc các lý do như thế trước mặt Chúa, chúng tôi lấy quyền Tông Tòa mà phê chuẩn Niên lịch chung mới của Hội Thánh Rôma, do Hội đồng thực thi Hiến chế soạn, và cũng phê chuẩn các quy tắc chung liên quan đến việc sắp xếp năm phụng vụ. Các văn kiện này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày mồng 1 tháng giêng năm 1970, chiếu theo các sắc lệnh do Thánh bộ Nghi lễ liên kết với Hội đồng nói trên sẽ ban hành; các sắc lệnh đó sẽ có hiệu lực cho đến khi xuất bản Sách Lễ và Sách Nguyện cải tổ theo đúng quy tắc.

Chúng tôi muốn rằng tất cả những điều chúng tôi đã quyết định và ban hành trong Tự sắc này, từ nay trở đi bắt đầu có giá trị và hiệu lực, nếu cần, thì hủy bỏ những Tông hiến và những chỉ thị Tông Tòa do các vị Tiền nhiệm chúng tôi đã ban hành, mà trái với Tự sắc này, kể cả những quy định khác dù đáng lưu ý và có hiệu lực sửa đổi.

 

Ban hành tại Rôma, cạnh đền thờ thánh Phêrô, ngày 14 tháng 2 năm 1969, năm thứ sáu, triều đại giáo hoàng của chúng tôi,

Phaolô VI - Giáo Hoàng

 

- - - - - - - - - - -

1 x. CÐ. Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, Thánh Công đồng, (Sacrosanctum Concilium), các số 102-111: AAS 56 (1964), tr. 125-128.

2 x. Sđd., số 106: AAS 56 (1964), tr. 126.

3 x. Thánh Bộ Nghi Lễ, Sắc lệnh Sự sống lại của Chúa, (Dominicae Resurrectionis), ngày 09.12.1951: AAS 43 (1951), tr. 128-129.

4 Thánh Bộ Nghi Lễ, Sắc lệnh chung Maxima Redemtionis Nostrae Mysteria, ngày 16.11.1965: AAS 47 (1955), tr. 839.

5 Thánh Lêô Cả, Bài giảng XXVII về lễ Chúa Giáng sinh 7,1: PL 54, 216.

6 x. Sách lễ Rôma, Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa chịu phép rửa.

7 x. Sách lễ Rôma, Lời nguyện nhập lễ, thứ hai tuần bát nhật Phục sinh.

8 CÐ. Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, Thánh Công đồng, (Sacrosanctum Concilium), số 102: AAS 56 (1964), tr. 125

9 x. Sđd.

10 x. Sđd., số 103.

11 x. Breviarium Syriacum (thế kỷ V), Nhà xuất bản B. Mariani, Rôma 1956, tr. 27.

12 x. CÐ. Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, Thánh Công đồng, (Sacrosanctum Concilium), số 111: AAS 56 (1964), tr. 127.

13 Thánh Bộ Nghi Lễ, Sắc lệnh chung Maxima Redemtionis Nostrae Mysteria, ngày 16.11.1965: AAS 47 (1955), tr. 839.

13 Thánh Lêô Cả, Bài giảng XXVII về lễ Chúa Giáng sinh 7,1: PL 54, 216.

13 x. Sách lễ Rôma, Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa chịu phép rửa.

13 x. Sách lễ Rôma, Lời nguyện nhập lễ, thứ hai tuần bát nhật Phục sinh.

13 CÐ. Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, Thánh Công đồng, (Sacrosanctum Concilium), số 102: AAS 56 (1964), tr. 125

13 x. Sđd.

13 x. Sđd., số 103.

13 x. Breviarium Syriacum (thế kỷ V), Nhà xuất bản B. Mariani, Rôma 1956, tr. 27.

13 x. CÐ. Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, Thánh Công đồng, (Sacrosanctum Concilium), số 111: AAS 56 (1964), tr. 127.

13 x. Sđd., số 104, tr. 125 tt.

14 x. CÐ. Vaticanô II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, Thánh Công đồng, (Sacrosanctum Concilium), số 111: AAS 56 (1964), tr. 127.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page