Quy Chế Tổng Quát

Sách Lễ Rôma

Canh tân theo nghị quyết của Công Ðồng Chung Vaticanô II

công bố theo lệnh Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI

hiệu đính dưới sự chỉ đạo của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Phiên dịch từ ấn bản mẫu thứ ba Nhà in Vaticanô - năm 2002

Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 18/06/2009


Chương IX

Những Nghi Thức Thuộc Quyền

Giám Mục Và Hội Ðồng Giám Mục

 

386. Sách lễ Rôma được biên soạn lại trong thời đại chúng ta theo quy định của Công đồng Chung Vaticanô II cốt để giúp cho các tín hữu khi cử hành Thánh lễ, được tham dự cách đầy đủ ý thức và tích cực. Ðó là điều bản chất phụng vụ đòi hỏi, và các tín hữu, do địa vị của mình, có quyền và có nhiệm vụ được hưởng.

Ðể việc cử hành đáp ứng đầy đủ hơn những quy luật và tinh thần phụng vụ thánh, trong Quy chế và Nghi thức Thánh lễ này, có đề nghị một số điều có thể thích nghi hơn nữa tùy theo phán quyết của Giám mục giáo phận hoặc Hội đồng Giám mục.

387. Giám mục giáo phận, với tư cách là thượng tế của đoàn chiên, theo một phương diện nào đó, trong Chúa Kitô, đời sống các tín hữu thuộc quyền ngài được khởi đi từ nơi ngài và lệ thuộc vào ngài148. Vì thế, ngài phải cổ võ, điều hòa và chăm sóc cho đời sống phụng vụ trong giáo phận của ngài. Trong Quy chế này, ngài được giao cho trách nhiệm điều hòa kỷ luật đồng tế (x. số 202), ra những quy định về việc phụ giúp linh mục tại bàn thờ (x. số 107), về việc cho rước lễ dưới hai hình (x. số 283), về việc xây dựng và xếp đặt trong nhà thờ (x. số 291). Nhưng việc trước hết của ngài là nuôi dưỡng tinh thần phụng vụ nơi các linh mục, phó tế và tín hữu.

388. Những điều thích ứng đề cập ở dưới đây đòi phải có sự phối hợp rộng lớn hơn, nên phải được định đoạt trong Hội đồng Giám mục theo tiêu chuẩn luật pháp.

389. Trước hết, Hội đồng Giám mục có quyền soạn thảo các bản phiên dịch bằng tiếng địa phương và cho xuất bản Sách lễ sau khi bản văn đã được Tòa Thánh phê chuẩn cho sử dụng trong những miền thuộc quyền các ngài.

Sách lễ Rôma hoặc bằng tiếng Latinh hoặc đã dịch ra tiếng bản xứ và đã được phê chuẩn đúng luật, phải được in ra đầy đủ.

390. Các Hội đồng Giám mục có quyền quy định những thích nghi và sau khi đã được Tòa Thánh phê chuẩn đúng cách, sẽ được đưa vào Sách lễ này. Những điều được thích nghi đã được chỉ rõ trong Quy chế tổng quát này và trong Nghi thức Thánh lễ, như:

- Các cử chỉ và điệu bộ bên ngoài của tín hữu (số 24, 43);

- Các cử chỉ tôn kính đối với bàn thờ và Sách Tin Mừng (x. số 273);

- Bản văn các bài hát nhập lễ, chuẩn bị của lễ và hiệp lễ (x. số 48, 74,87);

- Các bài đọc Thánh Kinh được dùng trong những hoàn cảnh đặc biệt (x. 362);

- Cách thức trao bình an (x. số 82);

- Cách thức rước lễ (x. số 160-161, 284);

- Chất liệu làm bàn thờ và đồ lễ, nhất là các bình thánh, cũng như chất liệu, hình thức và màu các phẩm phục dùng trong phụng vụ (x. số 301, 329, 332, 342, 345-346, 349).

Những hướng dẫn hoặc Huấn thị có tính cách mục vụ mà Hội đồng Giám mục xét là hữu ích, sau khi được Tòa Thánh phê chuẩn, có thể đưa vào Sách lễ Rôma, chỗ thích hợp.

391. Các Hội đồng Giám mục cũng có nhiệm vụ phải quan tâm đặc biệt đến bản dịch các bản văn Thánh Kinh dùng trong Thánh lễ. Vì chưng, những gì chúng ta đọc, những điều giải thích trong bài giảng, và các thánh vịnh chúng ta hát, đều rút ra từ Sách Thánh; cũng chính Sách Thánh đã soi sáng, gợi hứng cho những câu kinh, những lời nguyện, những thánh thi; đã đem lại ý nghĩa cho những hành động và dấu chỉ trong Phụng vụ.

Phải sử dụng ngôn từ vừa tầm hiểu biết của tín hữu và thích hợp với việc công bố; tuy nhiên phải giữ những đặc tính riêng của những kiểu nói khác nhau được dùng trong Sách Thánh.

392. Hội đồng Giám mục cũng phải ân cần thực hiện việc phiên dịch những bản văn khác sao cho ý nghĩa của bản văn gốc tiếng Latinh được diễn đạt đầy đủ và trung thành, trong khi bảo toàn tính cách riêng của mỗi ngôn ngữ. Trong khi thực hiện công việc này, phải chú ý tới các thể loại văn chương khác nhau được dùng trong Thánh lễ, như các lời nguyện chủ tọa, các tiền xướng, các câu tung hô, các câu đáp, các lời khẩn nài theo lối kinh cầu, vv...

Phải lưu ý rằng việc phiên dịch các bản văn, trước hết, không nhắm để suy niệm, nhưng đúng hơn là để công bố hoặc hát trong khi cử hành.

Lời văn phải thích hợp với tín hữu từng vùng, nhưng phải trang trọng và có phẩm chất văn chương, mặc dầu luôn vẫn cần phải giải thích để hiểu được một số từ ngữ và câu nói theo nghĩa của Thánh Kinh và truyền thống Kitô giáo.

Ðối với những vùng sử dụng cùng một ngôn ngữ thì, trong mức độ có thể, nên có cùng một bản dịch cho các bản văn phụng vụ, nhất là các bản văn Thánh Kinh và Nghi thức Thánh lễ.

393. Do vị trí ưu việt của bài hát trong việc cử hành, vì là một phần thiết yếu hoặc kiện toàn của Phụng vụ, Hội đồng Giám mục có phận sự phê chuẩn những giai điệu thích hợp, nhất là cho các bản văn của Nghi thức Thánh lễ, cho các câu đáp và tung hô của cộng đoàn, cho các nghi thức đặc biệt gặp trong năm phụng vụ.

Các ngài cũng phải quyết định những hình thức âm nhạc nào, những làn điệu nào, những nhạc cụ nào được phép sử dụng trong phụng tự, vì chúng thực sự thích hợp hoặc có thể thích ứng được để dùng vào công việc thánh.

394. Bất cứ giáo phận nào cũng phải có lịch của mình và phần Riêng về các lễ. Còn Hội đồng Giám mục phải soạn lịch riêng cho cả một nước hoặc cùng các Hội đồng Giám mục khác, soạn lịch cho một khối rộng lớn hơn, được Tòa Thánh phê chuẩn.

Trong khi thực hiện việc này, phải đặc biệt duy trì và bảo vệ ngày Chúa nhật như là ngày lễ hàng đầu; do đó, không được đặt các việc cử hành khác lên trên, trừ khi có trường hợp rất quan trọng. Cũng phải lo đừng để cho năm phụng vụ đã được Công đồng Vaticanô II sửa lại, bị những yếu tố phụ thuộc làm lu mờ đi.

Khi làm lịch cho một nước, phải chỉ rõ những ngày Khẩn cầu và Bốn Mùa trong năm (x. số 375), những hình thức và những bản văn để cử hành những ngày ấy; đồng thời, phải chú ý đến những quy định đặc biệt khác.

Khi xuất bản Sách Lễ, thì nên ghi những cử hành riêng cho cả nước hay một vùng, vào chỗ của chúng như các cử hành theo lịch chung, còn những cử hành riêng của từng miền hay từng giáo phận thì ghi trong một Phụ lục riêng biệt.

395. Sau hết, nếu việc tham dự của tín hữu cũng như lợi ích thiêng liêng của họ đòi phải có những thay đổi và thích nghi sâu rộng hơn để việc cử hành đáp ứng được bản sắc cũng như truyền thống của các dân tộc khác nhau, thì Hội đồng Giám mục có thể đề nghị với Tòa Thánh, chiếu theo quy tắc ở số 40 của Hiến chế về Phụng vụ thánh, để đưa vào sử dụng sau khi được Tòa Thánh phê chuẩn, nhất là đối với các dân tộc mới được loan báo Tin Mừng. Phải cẩn thận tuân giữ các quy luật riêng đã được ban hành trong Huấn thị "về Phụng Vụ Rôma và hội nhập văn hoá".

Ðể tiến hành việc này, phải tuân giữ những điều sau đây:

- Trước hết, trình bày trước cho Tòa Thánh cách chi tiết đề nghị đó, để sau khi được phép sẽ tiến hành soạn thảo từng điều thích nghi.

- Các đề nghị này, sau khi được Tòa Thánh chấp thuận, phải được thử nghiệm trong một thời gian nhất định tại những nơi nhất định. Nếu cần, thì sau khi hết thời gian thử nghiệm, Hội đồng Giám mục sẽ quyết định cho tiến hành những điều thích nghi và trình bày đề nghị với hình thức cuối cùng đã được thử nghiệm đầy đủ để Tòa thánh phán quyết.

396. Tuy nhiên, trước khi áp dụng những thích nghi mới, đặc biệt những thích nghi sâu rộng hơn, phải ân cần chăm lo cổ võ cách khôn ngoan và có trật tự việc huấn luyện phải có đối với giáo sĩ và giáo dân, giúp họ thực hiện những năng quyền sẵn có và áp dụng cách đầy đủ những quy tắc mục vụ thích hợp với tinh thần của việc cử hành.

397. Cũng phải giữ quy tắc này là mỗi Giáo Hội địa phương phải đồng tâm nhất trí với Giáo Hội phổ quát không những về giáo lý đức tin và dấu chỉ bí tích, mà cả trong những tập tục đã được mọi nơi chấp nhận do truyền thống liên tục từ thời các Tông đồ để lại. Việc tuân giữ các tập tục này không chỉ nhằm tránh những sai lầm, mà còn để truyền đạt sự vẹn tuyền của đức tin, vì luật cầu nguyện của Hội Thánh phải thích hợp với luật đức tin của Hội Thánh.

Nghi lễ Rôma làm nên một phần đáng kể và ưu việt của kho tàng phụng vụ và di sản của Hội Thánh Công giáo, sự phong phú của nghi lễ này giúp ích cho toàn thể Hội Thánh, nên nếu để mất đi thì sẽ gây thiệt hại nặng nề cho Hội Thánh.

Nghi lễ này qua dòng thời gian không những đã bảo tồn được những tập tục phụng vụ xuất phát từ thành Rôma mà còn hội nhập nơi mình một cách sâu xa, có cơ cấu và hài hòa những tập tục khác nữa. Những tập tục này phát xuất từ tập quán và bản sắc của các dân tộc khác nhau và các Hội Thánh địa phương khác nhau, thuộc cả Tây phương lẫn Ðông phương, khiến nó có sắc thái siêu địa phương. Còn vào thời đại chúng ta, thì căn tính và hình thức thống nhất của nghi lễ này được nhận ra trong các ấn bản mẫu của các sách phụng vụ được công bố do thẩm quyền của Ðức Giáo Hoàng cũng như trong các sách phụng vụ tương đương do các Hội đồng Giám mục đã phê chuẩn cho vùng của mình và đã được Tòa Thánh công nhận.

398. Công đồng Vaticanô II đã đưa ra nguyên tắc là trong việc canh tân phụng vụ, chỉ nên đưa vào những đổi mới khi lợi ích của Hội Thánh thực sự và chắc chắn đòi như vậy, và phải đảm bảo rằng những hình thức mới, một cách nào đó, được phát triển theo cách hữu cơ từ những hình thức có sẵn. Cũng phải áp dụng nguyên tắc đó cho việc hội nhập văn hóa trong nghi lễ Rôma. Ngoài ra, việc hội nhập văn hóa còn đòi hỏi một lượng thời gian cần thiết, kẻo, vì vội vã và bất cẩn sẽ làm truyền thống phụng vụ chân chính sẽ bị ô nhiễm.

Cuối cùng, thực hành hội nhập văn hóa không hề nhằm tạo ra những gia đình mới về nghi lễ, nhưng là thỏa mãn những đòi hỏi của nền văn hóa nhất định. Tuy nhiên phải làm thế nào cho những thích nghi được đưa vào Sách Lễ hay các sách phụng vụ khác không làm hại đến đặc tính riêng của Nghi lễ Rôma.

399. Vì vậy, Sách lễ Rôma, dù bằng những ngôn ngữ khác nhau và dung nạp một sự khác biệt nào đó về tập tục, thì từ nay về sau, vẫn phải được gìn giữ như là dụng cụ và dấu hiệu sáng chói của sự toàn vẹn và thống nhất của Nghi lễ Rôma.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page