Quy Chế Tổng Quát

Sách Lễ Rôma

Canh tân theo nghị quyết của Công Ðồng Chung Vaticanô II

công bố theo lệnh Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI

hiệu đính dưới sự chỉ đạo của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Phiên dịch từ ấn bản mẫu thứ ba Nhà in Vaticanô - năm 2002

Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 18/06/2009


Chương II

Cơ Cấu Thánh Lễ, Các Yếu Tố

Và Các Phần Của Thánh Lễ

 

I. Cơ Cấu Tổng Quát Của Thánh Lễ

27. Trong Thánh lễ, tức là bữa tối của Chúa, dân Thiên Chúa được qui tụ nên một, có linh mục chủ tọa với tư thế của Chúa Kitô, để cử hành nghi thức tưởng niệm Người, tức là hy lễ Thánh Thể. Vì thế, việc Hội Thánh tập hợp một nơi là thể hiện cách tối hảo lời hứa của Chúa Kitô: "Ở đâu có hai hay ba người hội họp nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ" (Mt 10,20). Vì chưng, cử hành Thánh lễ là làm cho hy lễ của Chúa Kitô trên thập giá được tồn tại mãi. Chúa Kitô thực sự hiện diện nơi cộng đoàn được qui tụ nhân danh Người, nơi thừa tác viên, trong lời của Người và còn hiện diện theo bản thể và liên tục dưới hình bánh và hình rượu.

28. Có thể nói Thánh lễ gồm hai phần: phụng vụ lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể; cả hai phần liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi làm nên một hành động phụng tự duy nhất. Quả thật, trong Thánh lễ, có dọn sẵn cả bàn tiệc lời Thiên Chúa và bàn tiệc Mình Thánh Chúa Kitô, nhờ đó các tín hữu được giáo huấn và bổ dưỡng. Có thêm những nghi thức mở đầu và kết thúc việc cử hành.

 

II. Những Yếu Tố Khác Nhau Của Thánh Lễ

Ðọc và giảng lời Chúa

29. Khi Sách Thánh được đọc trong Hội Thánh thì chính Thiên Chúa nói với dân Ngài và Ðức Kitô, hiện diện trong lời của Người và loan báo Tin Mừng.

Bởi đó, mọi người phải kính cẩn lắng nghe các bài đọc lời Chúa, một yếu tố rất quan trọng trong Phụng vụ. Mặc dầu lời Chúa trong các bài đọc Thánh Kinh hướng về mọi người, thuộc mọi thời đại, và họ có thể hiểu được, nhưng lời Chúa sẽ được hiểu biết hơn và hữu hiệu hơn, nhờ việc trình bày sống động, tức là nhờ bài giảng, là thành phần của hành động phụng vụ.

Các lời nguyện và các phần khác dành cho linh mục

30. Trong các phần dành cho linh mục, thì trước hết là kinh nguyện Thánh Thể, đỉnh cao của toàn bộ việc cử hành. Kế đến là các lời nguyện, tức là lời nguyện nhập lễ, lời nguyện tiến lễ và lời nguyện hiệp lễ. Những lời nguyện này được linh mục, đại diện Chúa Kitô, chủ tọa cộng đoàn, đọc, và thay mặt toàn thể dân thánh cùng những người chung quanh dâng lên Thiên Chúa. Vì thế, gọi các kinh này là "kinh nguyện chủ tọa" thì thật đúng.

31. Với tư cách chủ tọa cộng đoàn đã được quy tụ, linh mục còn phải nói ít lời nhắn nhủ đã trù liệu trong chính nghi thức. Nơi nào chữ đỏ cho phép, thì vị chủ tế có thể thích ứng những lời nhắn nhủ cách nào đó, nhằm đáp ứng khả năng tiếp thu của những người tham dự. Tuy nhiên, linh mục phải chú ý tới điều này, là luôn tuân giữ ý nghĩa của lời nhắn nhủ đã được đề ra trong sách phụng vụ và dùng ít lời mà diễn tả ý tưởng đó. Linh mục chủ tế cũng phải điều hành phần lời Chúa và ban phép lành cuối cùng. Hơn nữa, chính linh mục chủ sự cũng được phép nói ít lời vắn tắt trong những lúc này:

Sau lời chào đầu lễ và trước hành động thống hối để dẫn các tín hữu vào Thánh lễ trong ngày;

Trước các bài đọc để dẫn vào phụng vụ lời Chúa;

Trước kinh Tiền tụng để dẫn vào kinh nguyện Thánh Thể, nhưng không bao giờ được nói trong chính kinh nguyện Thánh Thể;

Và trước khi giải tán để kết thúc toàn bộ việc cử hành thánh.

32. Bản chất các kinh nguyện "chủ tọa" buộc linh mục phải đọc rõ ràng, lớn tiếng, và buộc mọi người phải chăm chú lắng nghe. Vì thế, khi linh mục đọc các kinh này, không ai được đọc hay hát kinh nào khác, cũng không được đánh đàn hay chơi nhạc cụ nào khác.

33. Vì chưng, với tư cách là chủ tọa và nhân danh Hội Thánh và cộng đoàn được quy tụ, linh mục đọc các kinh nguyện. Tuy nhiên, đôi khi ngài chỉ đọc với tư cách cá nhân để xin cho được chu toàn thừa tác vụ với tâm hồn chăm chú và đạo đức hơn. Ðó là những kinh phải đọc thầm trước khi đọc bài Tin Mừng, khi chuẩn bị của lễ, cũng như trước và sau khi rước lễ.

Những công thức khác dùng trong Thánh lễ

34. Vì, tự bản chất, việc cử hành Thánh lễ có tính cách cộng đoàn, cho nên những lời đối đáp giữa linh mục và cộng đoàn đang qui tụ, cũng như các lời tung hô, có một giá trị lớn lao. Vì chưng, đó không chỉ là những dấu bên ngoài của một cử hành chung, nhưng còn là những yếu tố trợ giúp và làm nên sự hiệp thông giữa linh mục và cộng đoàn.

35. Các lời tung hô và câu đáp lại các lời chào và lời cầu nguyện của linh mục, tạo nên một mức độ tham dự tích cực, là điều phải được các tín hữu hiện diện thực hành khi tham dự, bất kỳ Thánh lễ được cử hành dưới hình thức nào, ngõ hầu hành động của toàn thể cộng đoàn được biểu lộ cách rõ ràng và nồng nhiệt hơn.

36. Còn những phần khác rất hữu ích để biểu lộ và giúp cho việc tham dự tích cực của tín hữu, và là những phần thuộc về toàn thể cộng đoàn được quy tụ, đó là hành động thống hối, việc tuyên xưng đức tin, lời nguyện chung và kinh Lạy Cha.

37. Sau hết, trong các công thức khác:

a) Có những công thức tạo nên một nghi thức hay một hành vi biệt lập, như thánh thi Vinh Danh, thánh vịnh đáp ca, Alleluia và lời tung hô trước bài Tin Mừng, bài ca Thánh! Thánh! Thánh!, lời tung hô sau truyền phép, bài hát sau Hiệp lễ;

b) Có những công thức khác đi theo một nghi thức, như ca nhập lễ, ca tiến lễ, ca bẻ bánh (Lạy Chiên Thiên Chúa) và ca hiệp lễ.

Cách đọc các bản văn khác nhau

38. Ðối với những văn bản phải đọc rõ ràng và lớn tiếng, cho dù là do linh mục, phó tế, thầy đọc sách, hay tất cả mọi người, thì phải liệu sao cho giọng đọc phù hợp với từng loại bản văn, tùy theo đó là bài đọc, lời nguyện, lời nhắn nhủ, lời tung hô, hay bài hát, đồng thời cũng phải phù hợp với hình thức cử hành và tính cách long trọng của buổi lễ. Ngoài ra, còn phải để ý đến tính chất của các ngôn ngữ khác nhau và bản sắc của mỗi dân tộc.

Vậy, trong các chữ đỏ và các quy tắc sau đây, khi dùng từ "nói" hay "đọc" phải hiểu cả về hát lẫn đọc, và phải tuân giữ các nguyên tắc nêu trên.

Tầm quan trọng của bài hát

39. Thánh Tông đồ khuyên Kitô hữu, lúc hội họp mong đợi Chúa đến, hãy cùng nhau hát những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca thiêng liêng (x. Cl 3,16). Quả vậy, hát là dấu chỉ niềm vui trong tâm hồn (x. Cv 2,46). Bởi đó, thánh Augustinô nói cách chí lý: "Hát là hành động của người đang yêu". Và ngay từ ngàn xưa, đã có câu phương ngôn: "hát hay là cầu nguyện hai lần".

40. Vậy việc sử dụng ca hát khi cử hành Thánh lễ phải là điều quan trọng, nhưng phải lưu ý đến bản sắc của mỗi dân tộc và khả năng của mỗi cộng đoàn phụng vụ. Mặc dầu không luôn cần thiết, ví dụ: trong lễ các ngày trong tuần, hát hết những phần, theo bản chất là phải hát, nhưng dứt khoát phải liệu sao đừng bỏ qua các bài hát của các thừa tác viên và cộng đoàn trong các cử hành Chúa nhật và lễ buộc.

Tuy nhiên, trong thực tế, khi chọn những phần để hát, thì phải dành ưu tiên cho những phần quan trọng hơn, nhất là những phần do linh mục, hoặc phó tế hay độc viên hát, có cộng đoàn đáp; hoặc những phần mà cả linh mục và cộng đoàn cùng hát.

41. Với tư cách là điệu ca riêng của phụng vụ Rôma, bình ca, tức điệu ca "Grêgôrianô", phải chiếm địa vị ưu tiên đối với các điệu ca cùng loại. Còn các loại thánh nhạc khác, đặc biệt nhạc đa âm không hề bị loại bỏ miễn là hợp với tinh thần phụng vụ và giúp mọi tín hữu tham dự sốt sắng hơn.

Vì các cuộc tụ tập các tín hữu thuộc nhiều quốc gia mỗi ngày mỗi gia tăng, nên thật hữu ích nếu mọi người có thể cùng hát ít là một số kinh trong phần Thường lễ bằng tiếng Latinh với cung điệu dễ hát, đặc biệt là kinh Tin Kính và kinh Lạy Cha.

Cử chỉ và điệu bộ của thân xác

42. Cử chỉ và điệu bộ của cả linh mục lẫn phó tế hay các thừa tác viên cũng như của dân chúng phải thế nào để toàn thể cuộc cử hành đượm vẻ đẹp đơn sơ trang trọng, giúp thấy rõ ý nghĩa thật và đầy đủ của các phần khác nhau cũng như làm cho mọi người được tham dự dễ dàng hơn. Bởi thế, cần phải chú ý tới những qui định của Qui chế tổng quát này và theo cách thực hành truyền thống của Nghi lễ Rôma, cũng như những gì đem lại lợi ích thiêng liêng chung cho dân Chúa hơn là theo sở thích hay phán đoán của riêng mình.

Ðiệu bộ chung mà mọi người tham dự phải giữ là dấu chỉ của sự hợp nhất giữa các thành phần của cộng đoàn Kitô hữu đang quy tụ để cử hành phụng vụ thánh: nó biểu lộ và khích lệ tâm hồn cũng như tình cảm của các người tham dự.

43. Các tín hữu đứng: từ khi bắt đầu ca nhập lễ, hoặc khi linh mục tiến tới bàn thờ, cho đến hết lời nguyện nhập lễ; khi đọc bài ca Alleluia trước bài Tin Mừng; khi đọc bài Tin Mừng; khi đọc kinh Tin Kính và lời nguyện chung; và từ lời mời gọi "Anh chị em hãy cầu nguyện" trước lời nguyện tiến lễ cho đến hết lễ, trừ những gì nói sau đây.

Các tín hữu ngồi: khi đọc các bài đọc và thánh vịnh đáp ca trước bài Tin Mừng; khi nghe giảng và khi chuẩn bị lễ vật trong phần dâng lễ; và tùy nghi, khi giữ thinh lặng thánh sau khi rước lễ.

Các tín hữu quỳ: khi truyền phép Mình Thánh và Máu Thánh, trừ khi bị ngăn trở, vì lý do sức khoẻ, vì nơi chốn chật hẹp hoặc vì quá đông người dự lễ, hay vì những lý do chính đáng nào khác. Còn những ai không quỳ gối lúc truyền phép, thì phải cúi mình khi linh mục cúi mình sau truyền phép.

Tuy nhiên, Hội đồng Giám mục được quyền thích nghi các cử chỉ và điệu bộ ghi trong phần Nghi thức Thánh lễ, sao cho phù hợp với bản sắc và truyền thống hợp lý của các dân tộc, theo tiêu chuẩn luật pháp. Nhưng cũng phải liệu sao cho phù hợp với ý nghĩa và tính chất của từng phần Thánh lễ. Tại Việt Nam, các tín hữu có thói quen quỳ gối suốt từ sau lời tung hô Thánh! Thánh! Thánh! cho đến hết kinh nguyện Thánh Thể và trước lúc rước lễ khi linh mục đọc: Ðây Chiên Thiên Chúa. Ðó là điều đáng khen nên giữ.

Ðể có sự đồng nhất trong cử chỉ và điệu bộ suốt buổi lễ, các tín hữu phải tuân theo những lời bảo của phó tế hay của thừa tác viên giáo dân, hoặc linh mục, trong khi cử hành, theo những gì đã qui định trong Sách lễ.

44. Trong các cử chỉ, phải kể cả các hành động và các cuộc rước: khi linh mục cùng với phó tế và các thừa tác viên tiến ra bàn thờ; khi phó tế rước sách Tin Mừng đến giảng đài trước khi công bố bài Tin Mừng; khi các tín hữu dâng lễ vật và tiến lên rước lễ. Nên liệu sao cho các hành động và các cuộc rước đó diễn ra cách tốt đẹp, đang khi hát những bài thích hợp theo như quy luật đã ấn định cho từng việc.

Thinh lặng

45. Thinh lặng thánh là một thành phần của việc cử hành; vì thế phải được giữ vào đúng lúc của nó. Tính chất của sự thinh lặng tùy thuộc vào lúc phải giữ trong mỗi cử hành. Thật vậy, trong hành động thống hối và sau lời mời cầu nguyện, là để mọi người hồi tâm lại; sau bài đọc hoặc bài giảng là để mọi người suy gẫm vắn tắt về những gì đã nghe; còn sau khi rước lễ thì để ca ngợi và cầu xin Thiên Chúa trong lòng.

Ngay trước khi cử hành Thánh lễ, rất nên giữ thinh lặng trong nhà thờ, trong phòng thánh và trong những nơi gần cận, để mọi người dọn lòng cử hành các mầu nhiệm thánh cách sốt sắng và đúng phép.

 

III. Từng Phần Của Thánh Lễ

A. Những nghi thức mở đầu

46. Tất cả những lễ nghi đi trước phụng vụ lời Chúa, tức là ca nhập lễ, lời chào, hành động thống hối, kinh Lạy Chúa, xin thương xót, thánh thi Vinh Danh Thiên Chúa và lời nguyện nhập lễ đều có tính cách mở đầu, dẫn nhập và chuẩn bị.

Mục đích của các lễ nghi này là giúp cho các tín hữu đang tụ họp được hiệp thông với nhau và chuẩn bị tâm hồn họ nghe lời Chúa cách nghiêm chỉnh và cử hành Thánh lễ cách xứng đáng.

Trong một số trường hợp, khi có một cử hành đi trước và được nối liền với Thánh lễ theo qui luật của các sách phụng vụ, thì những lễ nghi mở đầu Thánh lễ được bỏ qua hay được cử hành theo cách thức riêng.

Ca nhập lễ

47. Khi dân chúng đã tụ họp và đang khi linh mục cùng với phó tế và các thừa tác viên tiến vào thì hát ca nhập lễ. Bài ca này có mục đích mở đầu việc cử hành, giúp hợp nhất cộng đoàn, hướng tâm hồn họ về mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ và để kèm theo cuộc rước linh mục và các thừa tác viên tiến đến bàn thánh.

48. Ca nhập lễ được hát luân phiên giữa ca đoàn và cộng đoàn, hoặc cũng theo thể thức ấy, giữa ca viên và cộng đoàn, hoặc tất cả do cộng đoàn hay ca đoàn hát. Có thể dùng tiền xướng cùng với thánh vịnh đi kèm có trong sách Các bài ca tiến cấp của Phụng vụ Rôma (Graduale Romanum) hay sách Các bài ca tiến cấp đơn giản của Phụng vụ Rôma (Graduale Romanum simplex); hoặc dùng một ca khúc nào khác thích hợp với cuộc cử hành, hoặc với tính chất của ngày lễ hay mùa phụng vụ mà bản văn đã được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận.

Tại Việt Nam, Ủy ban Thánh nhạc trực thuộc Hội Ðồng Giám mục sẽ tuyển chọn một số bài thích hợp và đệ trình lên Hội Ðồng Giám mục để xét duyệt và phổ biến.

Nếu không hát ca nhập lễ, thì tất cả hoặc một vài giáo dân hoặc một độc viên, đọc ca nhập lễ ghi sẵn trong Sách lễ. Nếu không có ai đọc, thì chính linh mục đọc, khi ấy ngài có thể thích ứng theo như đã nói về lời nhắn nhủ đầu lễ (xem số 31).

Chào bàn thờ và cộng đoàn

49. Khi tới cung thánh, linh mục, phó tế và các thừa tác viên cúi mình chào bàn thờ.

Ðể tỏ lòng tôn kính, linh mục và phó tế hôn bàn thờ; rồi linh mục tùy nghi xông hương thánh giá và bàn thờ.

Tại Việt Nam, linh mục có thể vái nhang và cắm vào bát hương trước bàn thờ, hoặc đổ hương vào bình than cháy trong lư hương đặt trước bàn thờ. (Cách thức xông hương và xá nhang, xem ở dưới, số 277).

50. Dứt ca nhập lễ, linh mục đứng tại ghế, cùng toàn thể cộng đoàn làm dấu thánh giá trên mình. Tiếp đó, linh mục dùng lời chào biểu thị cho cộng đoàn biết sự hiện diện của Chúa. Lời chào của linh mục và câu đáp của cộng đoàn nói lên mầu nhiệm của Hội Thánh được quy tụ.

Sau lời chào, linh mục hoặc phó tế hoặc một thừa tác viên giáo dân có thể nói rất vắn tắt dẫn đưa cộng đoàn vào Thánh lễ ngày hôm ấy.

Hành động thống hối

51. Tiếp đến, linh mục mời mọi người thống hối. Sau giây lát thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung và linh mục đọc lời xá giải để kết thúc, tuy nhiên lời xá giải này không có hiệu lực của bí tích Sám hối.

Ngày Chúa nhật, nhất là trong mùa Phục sinh, thay vì hành động thống hối thường lệ, đôi khi có thể làm phép và rảy nước thánh để tưởng nhớ bí tích Thanh tẩy.

Lạy Chúa, xin thương xót

52. Sau hành động thống hối, bao giờ cũng xướng kinh Lạy Chúa, xin thương xót trừ khi đã đọc lời tung hô này trong hành động thống hối. Vì là bài ca các tín hữu dùng để ca tụng và kêu cầu lòng thương xót của Chúa, nên thông thường mọi người cùng hát, nghĩa là cả dân chúng lẫn ca đoàn hay ca viên đều góp phần vào đó.

Thường mỗi lời tung hô được hát hai lần, nhưng tùy theo đặc tính của ngôn ngữ khác nhau, hoặc nghệ thuật âm nhạc, hoặc vì hoàn cảnh, cũng có thể hát nhiều lần. Khi lời tung hô Lạy Chúa, xin thương xót được hát như là một phần của hành động thống hối, thì thêm "một câu ngắn" trước mỗi lời tung hô.

Thánh thi Vinh danh

53. Vinh danh là một thánh thi có từ rất lâu đời và đáng kính mà Hội Thánh, được Chúa Thánh Thần quy tụ, dùng để tôn vinh Chúa Cha và Chiên Con và cầu khẩn với Chiên Con. Không được thay thế bản văn của thánh thi này bằng bản văn nào khác. Linh mục, hoặc tùy nghi, một ca viên hay cả ca đoàn xướng, rồi hoặc tất cả mọi người cùng hát, hoặc cộng đoàn hát luân phiên với ca đoàn, hoặc một mình ca đoàn hát. Nếu không hát thì phải đọc, hoặc mọi người đọc chung, hoặc chia hai bè.

Thánh thi này được hát hay đọc trong các Chúa nhật ngoài Mùa Vọng và Mùa Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các cử hành đặc biệt khá long trọng.

Lời nguyện nhập lễ

54. Tiếp đến, linh mục mời cộng đoàn cầu nguyện; và mọi người cùng linh mục thinh lặng trong giây lát, để ý thức mình đang ở trước thánh nhan Thiên Chúa và có thể nói lên trong lòng những nguyện ước của mình. Rồi linh mục đọc lời nguyện, quen gọi là "lời nguyện nhập lễ", lời nguyện này nói lên đặc tính của việc cử hành. Theo truyền thống ngàn xưa của Hội Thánh, lời nguyện nhập lễ thường hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần, và kết bằng câu kết dài có tính Ba Ngôi, như sau:

- Nếu hướng về Chúa Cha: Chúng con cầu xin nhờ Ðức Giêsu Kitô, Con Chúa (Cha), là Thiên Chúa và là Chúa chúng con. Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa (Cha) trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

- Nếu lời nguyện hướng về Chúa Cha, nhưng cuối lời nguyện đã nhắc tới Chúa Con, thì: Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa (Cha), trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

- Nếu hướng về Chúa Con, thì: Chúa là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Thiên Chúa Cha, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời.

Cộng đoàn kết hợp với lời nguyện và thưa lời tung hô Amen để nhận lời nguyện làm của mình. Trong Thánh lễ, luôn chỉ đọc một lời nguyện nhập lễ duy nhất.

B. Phụng vụ lời Chúa

55. Các bài lấy từ Thánh Kinh, cùng với các bài hát xen giữa, tạo nên phần chính của phụng vụ lời Chúa; còn bài giảng, kinh Tin kính và lời nguyện chung, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, khai triển và kết thúc phần này. Qua các bài đọc, được bài giảng giải thích, Thiên Chúa nói với dân Ngài, Ngài mạc khải mầu nhiệm cứu chuộc và ơn cứu độ, đồng thời cung cấp lương thực thiêng liêng; chính Ðức Kitô hiện diện giữa các tín hữu qua lời của Người. Nhờ sự thinh lặng và các bài hát, cộng đoàn làm cho lời Chúa thành của mình; và nhờ lời tuyên xưng đức tin, họ gắn bó với lời Chúa; và được lời Chúa nuôi dưỡng, nhờ lời nguyện chung, họ dâng lời cầu xin cho các nhu cầu của toàn thể Hội Thánh và cho cả thế giới được cứu độ.

Thinh lặng

56. Phụng vụ lời Chúa phải được cử hành thế nào để giúp cho cộng đoàn suy niệm, nên phải tránh mọi hình thức vội vã khiến người ta khó hồi tâm. Trong phụng vụ lời Chúa, nên có những lúc thinh lặng ngắn, phù hợp với cộng đoàn đang hiện diện, nhờ đó, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, lời Chúa thấm nhập lòng người và chuẩn bị họ đáp lại bằng lời cầu nguyện. Tùy hoàn cảnh, có thể giữ thinh lặng sau bài đọc thứ nhất và thứ hai, cũng như sau bài giảng.

Các bài đọc Thánh Kinh

57. Trong các bài đọc, bàn tiệc lời Chúa được dọn ra cho các tín hữu và các kho tàng Thánh Kinh được mở ra cho họ. Bởi thế, nên giữ thứ tự các bài đọc Thánh Kinh để cho người ta thấy rõ sự thống nhất của cả hai giao ước và lịch sử cứu độ, cũng không được phép thay thế các bài đọc và thánh vịnh đáp ca vốn chứa đựng lời Chúa, bằng các bản văn khác ngoài Thánh Kinh.

58. Trong Thánh lễ có cộng đoàn, các bài đọc luôn phải đọc trên giảng đài.

59. Theo truyền thống, việc đọc các bài đọc không phải là nhiệm vụ của vị chủ tọa, mà là của thừa tác viên. Thừa tác viên đọc sách đọc các bài đọc, còn phó tế hoặc một linh mục khác công bố Tin Mừng. Nhưng nếu không có phó tế hay linh mục nào khác, thì chính linh mục chủ tế đọc bài Tin Mừng. Nếu không có thầy đọc sách thích hợp nào, thì chính linh mục chủ tế đọc cả các bài khác.

Sau mỗi bài đọc, người đọc xướng lời tung hô, và cộng đoàn hiện diện đáp lại để tôn vinh lời Chúa mà họ đã đón nhận bằng đức tin và lòng biết ơn.

60. Bài đọc Tin Mừng là đỉnh cao của phụng vụ lời Chúa. Chính Phụng vụ dạy ta phải hết lòng tôn kính bài đọc này, vì Phụng vụ dành cho bài Tin Mừng sự tôn kính đặc biệt hơn các bài đọc khác: về phía thừa tác viên được đề cử để đọc thì phải dọn mình nhờ lời chúc lành hay lời cầu nguyện; về phía các tín hữu, thì phải tung hô để nhìn nhận và tuyên xưng Ðức Kitô đang hiện diện và nói với họ; họ đứng để nghe Tin Mừng; ngoài ra còn có những dấu chỉ tôn kính đặc biệt dành riêng cho Sách Tin Mừng.

Thánh vịnh đáp ca

61. Sau bài đọc thứ nhất là thánh vịnh đáp ca, bài ca này là thành phần trọn vẹn của phụng vụ lời Chúa và rất quan trọng về mặt phụng vụ và mục vụ, vì giúp suy niệm lời Chúa.

Thánh vịnh đáp ca phải thích hợp với mỗi bài đọc và thường phải lấy từ Sách Bài đọc.

Nên hát thánh vịnh đáp ca, ít là câu đáp của cộng đoàn. Người xướng hoặc hát thánh vịnh sẽ xướng hoặc hát thánh vịnh tại giảng đài hay tại một nơi thích hợp, đang khi toàn thể cộng đoàn ngồi nghe và hơn thế, thông thường còn tham dự bằng những câu đáp, trừ khi thánh vịnh được hát liên tục, nghĩa là không có câu đáp. Tuy nhiên, để cộng đoàn có thể hát những câu đáp dễ dàng hơn, một số bản văn của các câu đáp và các thánh vịnh đã được chọn sẵn cho từng mùa trong năm, hoặc cho từng bậc thánh nhân, để mỗi khi hát thánh vịnh, có thể dùng các bản văn này thay cho bản văn tương ứng với bài đọc. Nếu không thể hát thánh vịnh, thì đọc cách nào cho phù hợp để giúp suy niệm lời Chúa.

Thay thế cho thánh vịnh được chỉ định trong Sách bài đọc, cũng có thể hát ca tiến cấp lấy ở sách Các bài ca tiến cấp của Phụng vụ Rôma hoặc thánh vịnh đáp ca, hoặc thánh vịnh đáp ca và lời tung hô Alleluia lấy ở sách Các bài ca tiến cấp đơn giản của Phụng vụ Rôma, như được trình bày trong các sách đó.

Lời tung hô trước bài Tin Mừng

62. Sau bài đọc liền trước bài Tin Mừng, hát Alleluia hay bài nào khác do chữ đỏ quy định tùy mùa phụng vụ. Lời tung hô như vậy tự nó là một nghi thức hoặc một hành vi độc lập, qua đó cộng đoàn tín hữu đón chào Chúa sắp nói với mình trong Tin Mừng và dùng lời hát tuyên xưng niềm tin của mình. Ca đoàn hoặc ca viên xướng trước Alleluia, mọi người đứng hát, và nếu cần thì lặp lại. Còn câu tung hô thì ca đoàn hoặc ca viên hát.

a) Alleluia được hát trong các mùa ngoài Mùa Chay, câu tung hô lấy ở Sách Bài đọc, hoặc sách Các bài ca tiến cấp .

b) Mùa Chay, thay vì Alleluia thì hát câu tung hô trước bài Tin Mừng có trong Sách Bài đọc. Cũng có thể hát một thánh vịnh khác hay ca tiếp liên mùa Chay, như thấy trong sách Các bài ca tiến cấp.

63. Nếu trước Tin Mừng chỉ có một bài đọc, thì:

a) Trong mùa phải đọc Alleluia, có thể sử dụng thánh vịnh có Alleluia, hoặc thánh vịnh và Alleluia với câu tung hô.

b) Trong mùa không được đọc Alleluia, có thể sử dụng thánh vịnh và câu xướng trước bài Tin Mừng, hoặc chỉ một mình thánh vịnh thôi.

c) Alleluia hoặc lời tung hô trước bài Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ.

64. Ngoài lễ Phục sinh và lễ Hiện Xuống thì tùy nghi có thể bỏ qua ca tiếp liên. Nếu đọc, thì đọc trước Alleluia.

Bài giảng

65. Bài giảng là thành phần của Phụng vụ và rất được khuyến khích, vì cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo. Phải diễn giải hoặc một khía cạnh của các bài đọc Thánh Kinh, hoặc các bản văn nào khác thuộc phần chung hay phần riêng của Thánh lễ ngày đó, có liên hệ tới mầu nhiệm được kính nhớ, hay nhu cầu đặc biệt của thính giả.

66. Thông thường bài giảng hoặc do chính linh mục chủ tế, hoặc một vị đồng tế được ngài ủy thác, đảm nhiệm. Ðôi khi, cũng có thể tùy nghi trao cho một phó tế, nhưng không bao giờ trao cho một giáo dân65. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, Ðức Giám mục hoặc một linh mục khác, hiện diện nhưng không thể đồng tế, cũng có thể giảng.

Vào các ngày Chúa nhật và lễ buộc, trong mọi Thánh lễ cử hành có cộng đoàn tham dự, phải giảng và không được bỏ, trừ khi có lý do quan trọng; còn các ngày khác cũng nên giảng, nhất là các ngày trong tuần mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh, và trong các lễ khác cũng như các dịp có khá đông người tới nhà thờ.

Sau bài giảng, nên giữ thinh lặng một khoảng thời gian vắn.

Tuyên xưng đức tin

67. Kinh Tin kính, cũng gọi là lời tuyên xưng đức tin, nhằm làm cho cộng đoàn hiện diện đáp lại lời Chúa đã được công bố trong các bài đọc lấy từ Thánh Kinh và được trình bày qua bài giảng; đồng thời khi tuyên xưng đức tin theo công thức đã được chuẩn nhận để dùng trong phụng vụ, họ nhớ lại và tuyên xưng các mầu nhiệm cao cả của đức tin, trước khi bắt đầu cử hành các mầu nhiệm ấy trong bí tích Thánh Thể.

68. Kinh Tin kính phải do linh mục hát hoặc đọc chung với cộng đoàn vào các ngày Chúa nhật và lễ trọng; cũng có thể đọc trong những cử hành đặc biệt khá long trọng.

Nếu hát, thì linh mục, hoặc tùy nghi, một ca viên hay ca đoàn xướng lên, rồi tất cả mọi người cùng hát, hoặc cộng đoàn hát luân phiên với ca đoàn.

Nếu không hát, thì mọi người cùng đọc hoặc chia làm hai bè đối đáp.

Lời nguyện chung

69. Trong lời nguyện chung, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, một cách nào đó cộng đoàn đáp lại lời Chúa mà họ vừa đón nhận trong đức tin và thực thi chức vụ linh mục nhận được qua bí tích Thanh Tẩy mà dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện cầu xin ơn cứu độ cho mọi người. Thường nên đọc lời nguyện này trong các Thánh lễ có giáo dân tham dự để cầu cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người đang gặp các khó khăn khác nhau, cho hết mọi người và cho toàn thể thế giới được ơn cứu độ.

70. Những ý nguyện thường theo thứ tự này là:

a) Cho các nhu cầu của Hội Thánh;

b) Cho các nhà cầm quyền và cho toàn thế giới được ơn cứu độ;

c) Cho các người đang gặp bất cứ khó khăn nào;

d) Cho cộng đoàn địa phương.

Nhưng trong một buổi cử hành đặc biệt nào đó, như là Thêm sức, Hôn phối, An táng, thì thứ tự các ý nguyện có thể ưu tiên cho trường hợp đặc biệt đó.

71. Chính linh mục chủ tế sẽ điều khiển việc cầu nguyện tại ghế. Ngài nói vắn tắt mấy lời dẫn nhập mời gọi các tín hữu cầu nguyện và ngài đọc lời nguyện kết thúc. Những ý nguyện đưa ra phải giản dị, bằng những lời vắn tắt tự nhiên và thận trọng, diễn tả ý nguyện của toàn thể cộng đoàn.

Thường thì các ý nguyện được đọc từ giảng đài hoặc một nơi khác thích hợp, do phó tế, hoặc do một ca viên, hoặc một độc viên, hoặc một tín hữu giáo dân.

Còn cộng đoàn thì đứng và biểu lộ lời nguyện của mình, hoặc bằng lời kêu cầu chung sau mỗi ý nguyện được xướng lên, hoặc bằng cách cầu nguyện trong thinh lặng.

C. Phụng vụ Thánh Thể

72. Trong bữa tối sau hết, Ðức Kitô đã thiết lập hy lễ và bữa tiệc vượt qua, nhờ đó hy lễ thập giá vẫn tiếp tục hiện diện trong Hội Thánh khi linh mục, đại diện Chúa Kitô, làm cùng một việc chính Chúa Kitô đã làm và ủy thác cho các môn đệ làm, để tưởng nhớ đến Người.

Quả vậy, Ðức Kitô đã cầm lấy bánh và chén, dâng lời tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: Các con hãy nhận lấy, hãy ăn, hãy uống; đây là Mình Thầy, đây là chén Máu Thầy. Các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy. Vì thế Hội Thánh sắp đặt toàn thể việc cử hành Thánh Thể theo các phần tương ứng với những lời và những cử chỉ của Ðức Kitô, như sau:

1) Trong phần chuẩn bị lễ vật, bánh, rượu cùng với nước được đem tới bàn thờ, tức là những gì Ðức Kitô đã cầm lấy trong tay.

2) Trong kinh nguyện Thánh Thể, chúng ta tạ ơn Thiên Chúa về tất cả công trình cứu độ, và lễ vật được trở thành Mình và Máu Ðức Kitô.

3) Nhờ việc bẻ bánh và việc hiệp lễ, các tín hữu tuy nhiều, nhưng tất cả đều lãnh nhận từ cùng một tấm bánh là Mình Chúa và từ cùng một chén rượu là Máu Chúa, cũng một cách như các Tông đồ đã nhận từ chính tay Ðức Kitô.

Chuẩn bị lễ vật

73. Bắt đầu phần phụng vụ Thánh Thể, các lễ vật được đưa lên bàn thờ và sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô.

Trước hết phải chuẩn bị bàn thờ hay bàn ăn của Chúa, tâm điểm nơi diễn ra toàn bộ phần phụng vụ Thánh Thể, phải trải trên đó một khăn thánh, đặt khăn lau chén, sách lễ và chén lễ, trừ khi chén lễ được dọn ở bàn phụ.

Tiếp đến là đem lễ vật lên: nên để giáo dân dâng bánh và rượu, linh mục hay phó tế nhận tại một nơi thuận tiện, và đưa lên bàn thờ. Mặc dầu ngày nay giáo dân không còn mang bánh rượu của mình đến để dùng vào việc phụng vụ như xưa, nhưng việc dâng lễ vật vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó.

Cũng được nhận tiền bạc hay các phẩm vật khác, do tín hữu mang đến hay được quyên ngay trong nhà thờ để giúp người nghèo hay nhà thờ, những phẩm vật này được đặt ở một nơi xứng hợp ngoài bàn thờ.

74. Khi đoàn rước lễ vật tiến lên, thì hát ca tiến lễ (x. số 37, b) và kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ vật trên bàn thờ. Quy luật về cách hát ca tiến lễ cũng giống như cách hát ca nhập lễ (x. số 48). Luôn có thể hát ca tiến lễ cả khi không có rước của lễ lên.

75. Linh mục đặt bánh và rượu trên bàn thờ trong khi đọc những công thức đã được qui định. Có thể xông hương lễ vật đặt trên bàn thờ, rồi xông hương thánh giá và chính bàn thờ, để nói lên rằng lễ vật và lời cầu nguyện của Hội Thánh cũng ví như hương trầm bay lên trước thánh nhan Chúa. Sau đó, phó tế hay thừa tác viên nào khác có thể xông hương cho linh mục, vì ngài đã được lãnh tác vụ thánh, và xông hương cho cộng đoàn, vì phẩm giá do phép Thanh Tẩy ban tặng.

76. Sau đó, linh mục rửa tay bên cạnh bàn thờ: nghi thức này biểu lộ lòng ước ao được thanh tẩy trong tâm hồn.

Lời nguyện tiến lễ

77. Sau khi đặt lễ vật trên bàn thờ và hoàn tất những nghi thức đi kèm, qua lời mời cộng đoàn cùng cầu nguyện và đọc lời nguyện tiến lễ, linh mục kết thúc phần chuẩn bị lễ vật và sửa soạn đọc kinh nguyện Thánh Thể.

Trong Thánh lễ chỉ đọc một lời nguyện tiến lễ và kết bằng câu kết ngắn, nghĩa là: Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con. Nhưng nếu ở cuối lời nguyện vừa nói tới Chúa Con, thì đọc: Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Cộng đoàn kết hợp với lời cầu nguyện và làm cho lời cầu nguyện trở thành của mình khi đáp lại bằng lời tung hô: Amen.

Kinh nguyện Thánh Thể

78. Bây giờ bắt đầu đi vào tâm điểm và cao điểm của toàn bộ việc cử hành nghĩa là đến chính kinh nguyện Thánh Thể, là kinh nguyện tạ ơn và hiến thánh. Linh mục mời cộng đoàn hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa; đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện, để nhân danh tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, nhờ Ðức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là để toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hiệp với Ðức Kitô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và hiến dâng hy lễ. Kinh nguyện Thánh Thể đòi mọi người cung kính và thinh lặng lắng nghe.

79. Những yếu tố chính tạo nên kinh nguyện Thánh Thể, có thể phân biệt như sau:

a) Tạ ơn (đặc biệt được nêu rõ trong lời tiền tụng) khi linh mục nhân danh toàn thể dân thánh ngợi khen Thiên Chúa Cha và cảm tạ Ngài về tất cả công trình cứu độ, hoặc vì lý do nào đặc biệt, tùy ngày, tùy lễ, tùy mùa khác nhau.

b) Tung hô: toàn thể cộng đoàn hợp cùng các các Dũng thần trên trời, hát bài ca Thánh, Thánh, Thánh. Lời tung hô này là thành phần của chính kinh nguyện Thánh Thể, nên cả cộng đoàn và linh mục cùng hợp tiếng.

c) Lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần: Hội Thánh dâng lời kêu cầu đặc biệt nài xin quyền năng Chúa Thánh Thần để các lễ vật do con người dâng lên được Ngài hiến thánh, nghĩa là làm cho trở thành Mình và Máu Ðức Kitô, và để của lễ tinh tuyền được rước lấy trong khi hiệp lễ, đem lại ơn cứu độ cho những ai lãnh nhận.

d) Lời tường thuật việc lập bí tích Thánh thể và việc hiến thánh: hy lễ được thực hiện nhờ lời nói và hành động của Chúa Kitô, đó là hy lễ chính Chúa Kitô đã thiết lập trong Bữa tối sau hết, khi dâng hiến Mình và Máu Người dưới hình bánh và hình rượu, và ban cho các Tông đồ để ăn và uống, đồng thời truyền cho các ngài phải làm cho mầu nhiệm này được tồn tại mãi.

e) Việc tưởng niệm: nhờ việc tưởng niệm, Hội Thánh thi hành mệnh lệnh đã lãnh nhận từ Ðức Kitô qua các Tông đồ, khi kính nhớ chính Ðức Kitô và đặc biệt tưởng niệm cuộc Thương khó hồng phúc, sự Phục sinh vinh hiển và Lên trời của Người.

f) Việc dâng tiến: nhờ việc dâng tiến trong cuộc tưởng niệm này, Hội Thánh, và đặc biệt cộng đoàn đang quy tụ tại đây và lúc này, trong Chúa Thánh Thần, dâng lên Chúa Cha của lễ tinh tuyền. Hội Thánh muốn các tín hữu không những dâng của lễ tinh tuyền, mà còn học cho biết dâng chính mình, và, nhờ Ðức Kitô làm trung gian, mỗi ngày một hiệp nhất hơn với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong mọi người.

g) Lời chuyển cầu: các lời chuyển cầu cho thấy hy lễ Thánh Thể được cử hành, trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh, cả thiên quốc lẫn trần gian, và cho thấy lễ vật được dâng tiến để cầu cho chính Hội Thánh và mọi chi thể, còn sống cũng như đã qua đời, là những chi thể đã được kêu mời thông phần ơn cứu chuộc và ơn cứu độ do Mình và Máu Ðức Kitô đem lại.

h) Vinh tụng ca kết thúc: đây là lời chúc tụng vinh quang Thiên Chúa, được lời tung hô Amen của cộng đoàn củng cố và kết thúc.

Nghi thức hiệp lễ

80. Vì cử hành Thánh Thể là chính bữa tiệc vượt qua, vì thế theo lệnh Chúa truyền, các tín hữu được chuẩn bị thích hợp, sẽ rước Mình Máu Thánh Chúa như của ăn thiêng liêng. Việc bẻ bánh và các nghi thức chuẩn bị khác có mục đích này là nhờ các nghi thức nói trên các tín hữu được đưa ngay vào việc hiệp lễ.

Kinh Lạy Cha

81. Trong kinh Lạy Cha, ta xin Chúa ban bánh hằng ngày; bánh này đối với Kitô hữu còn ám chỉ cách riêng bánh Thánh Thể; lại xin Chúa thanh tẩy tâm hồn cho khỏi mọi tội lỗi, hầu của thánh được thực sự ban cho những người thánh. Linh mục đọc lời kêu mời cầu nguyện, rồi hết mọi tín hữu cùng đọc kinh đó với linh mục; một mình linh mục đọc tiếp kinh Xin cứu chúng con, và cộng đoàn kết thúc bằng lời chúc vinh. Kinh Xin cứu chúng con khai triển ý nguyện cuối cùng của kinh Lạy Cha, tức là xin cho toàn thể cộng đoàn tín hữu được thoát khỏi quyền lực sự dữ.

Lời kêu mời, chính kinh Lạy Cha, kinh Xin cứu chúng con và lời chúc vinh mà giáo dân dùng để kết thúc, được hát hoặc đọc rõ tiếng.

Nghi thức chúc bình an

82. Tiếp theo là nghi thức chúc bình an: qua đó Hội Thánh cầu xin ơn bình an và hiệp nhất cho chính mình và cho toàn thể gia đình nhân loại. Rồi các tín hữu bày tỏ cho nhau sự hiệp thông trong Hội Thánh và lòng yêu thương nhau, trước khi thông hiệp với bí tích Thánh Thể.

Các Hội đồng Giám mục sẽ tùy theo tinh thần và phong tục của mỗi dân tộc mà ấn định cách thức chúc bình an. Tuy nhiên, để thuận tiện thì mỗi người chỉ nên chúc bình an cho những người gần nhất một cách đơn giản thôi.

Tại Việt Nam, để chúc bình an cho cộng đoàn, chủ tế dang hai tay, quay về phía cộng đoàn và nói: Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em. Cộng đoàn đáp lại Và ở cùng cha, và không làm cử chỉ gì khác nữa. Sau câu kêu mời của chủ tế hoặc phó tế: Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau, thì: Chủ tế quay sang vị đồng tế hoặc phó tế, hoặc thừa tác viên đứng bên, cúi mình và nói: Bình an của Chúa ở cùng cha (hoặc thầy). Vị đồng tế hay thừa tác viên đứng kế bên cũng cúi mình và nói: Bình an của Chúa ở cùng cha (Thầy). Các vị đồng tế hay thừa tác viên khác đứng bên nhau cũng làm như vậy. Giáo dân hai bên lòng nhà thờ cũng quay vào nhau cúi mình để chúc bình an cho nhau mà không cần nói gì.

Bẻ bánh

83. Linh mục bẻ bánh Thánh Thể, và nếu cần thì có phó tế hay một vị đồng tế phụ giúp. Cử chỉ bẻ bánh, mà Ðức Kitô đã thực hiện trong bữa tối sau hết, và đã trở thành tên gọi cho toàn bộ hành động Thánh Thể thời các Tông đồ, biểu thị rằng: đông đảo các tín hữu đã làm nên một thân thể (1Cr 10,17) khi thông hiệp vào cùng một tấm bánh ban sự sống là Chúa Kitô, Ðấng đã chết và sống lại vì phần rỗi của thế giới. Việc bẻ bánh bắt đầu sau khi chúc bình an và tiến hành với sự kính cẩn thích hợp nhưng đừng kéo dài cách không cần thiết, cũng đừng quan trọng hóa quá mức. Nghi thức này dành riêng cho linh mục và phó tế.

Ðang khi linh mục bẻ bánh và bỏ một phần vào chén thánh, thì thông thường, ca đoàn hay ca viên hát hay ít là đọc lớn tiếng kinh Lạy Chiên Thiên Chúa, và cộng đoàn đáp lại. Kinh này đi kèm với việc bẻ bánh, vì thế có thể lặp đi lặp lại, nếu cần, cho đến khi bẻ xong. Lần cuối cùng được kết bằng câu Xin ban bình an cho chúng con.

Hiệp lễ

84. Linh mục đọc thầm lời nguyện để chuẩn bị rước Mình và Máu Thánh cho có hiệu quả. Tín hữu cũng thinh lặng cầu nguyện để chuẩn bị.

Sau đó, linh mục giơ bánh Thánh Thể trên đĩa thánh hay trên chén thánh cho các tín hữu thấy, và mời họ đến dự tiệc của Ðức Kitô, rồi cùng với họ biểu lộ lòng khiêm tốn bằng những lời Tin Mừng đã được chỉ định.

85. Các linh mục buộc phải rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ cử hành, thì cũng rất ước mong là các tín hữu cũng được rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ họ đang tham dự. Trong những trường hợp đã được trù liệu, họ cũng được rước Máu Thánh (x. số 283), để, cả bằng những dấu chỉ, họ thấy rõ hơn hiệp lễ là tham dự vào hy lễ đang cử hành.

86. Ðang khi linh mục rước lễ, thì hát ca hiệp lễ. Bài ca này có mục đích diễn tả sự hợp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ qua sự hợp nhất trong lời ca, đồng thời biểu lộ niềm vui trong lòng, và làm nổi bật tính cộng đồng của đoàn người đang lên rước lễ. Bài hát được kéo dài đang khi cho các tín hữu rước lễ. Nếu còn hát bài nào sau khi rước lễ, thì phải kết thúc ca hiệp lễ vào đúng lúc.

Hãy liệu cho các ca viên cũng được rước lễ cách thích hợp.

87. Về ca hiệp lễ, có thể dùng tiền xướng trong sách Các bài ca tiến cấp của Phụng vụ Rôma cùng với thánh vịnh hay không có thánh vịnh, hoặc tiền xướng với thánh vịnh trong sách Các bài ca tiến cấp đơn giản, hoặc bài hát nào khác thích hợp đã được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận. Bài này do mình ca đoàn hát, hoặc do ca đoàn hay ca viên hát với cộng đoàn.

Nếu không hát, thì cộng đoàn, hoặc một vài giáo dân hay độc viên đọc ca hiệp lễ ghi trong Sách lễ. Nếu không có ai đọc, thì chính linh mục đọc sau khi ngài rước lễ và trước khi cho tín hữu rước lễ.

88. Sau khi cho rước lễ, linh mục và cộng đoàn tùy nghi thinh lặng cầu nguyện ít phút. Nếu muốn, tất cả cộng đoàn cũng có thể hát một thánh thi, một thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen nào khác.

89. Ðể hoàn tất lời nguyện của dân Chúa và kết thúc toàn thể nghi thức hiệp lễ, linh mục đọc lời nguyện hiệp lễ để cầu xin cho mầu nhiệm cử hành sinh hiệu quả.

Trong Thánh lễ, chỉ có một lời nguyện hiệp lễ, được kết bằng câu kết ngắn, nghĩa là:

- Nếu lời nguyện hướng về Chúa Cha, thì kết: Chúng con cầu xin nhờ Ðức Kitô, Chúa chúng con;

- Nếu lời nguyện hướng về Chúa Cha, nhưng cuối lời nguyện nhắc đến Chúa Con, thì kết: Người hằng sống và hiển trị muôn đời;

- Nếu lời nguyện hướng về Chúa Con, thì kết: Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.

- Cộng đoàn thưa lời tung hô Amen để làm cho lời nguyện trở thành của mình.

D. Nghi thức kết thúc

90. Nghi thức kết thúc gồm có:

a) Vài lời bảo vắn tắt, nếu cần;

b) Lời chào và chúc lành của linh mục. Trong một số ngày và một số trường hợp đặc biệt, lời chúc lành này có hình thức một lời nguyện trên dân chúng hay một công thức chúc lành trọng thể hơn.

c) Lời giải tán dân chúng do phó tế hoặc linh mục, để ai nấy trở về với công việc làm ăn lương thiện của mình mà ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa.

d) Việc linh mục và phó tế hôn bàn thờ; rồi, linh mục, phó tế và các thừa tác viên khác cúi mình chào bàn thờ.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page