Những Quy Luật Tổng Quát

về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch

Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam 18/06/2009


Chương I

Năm Phụng Vụ

 

1. Bằng việc tưởng niệm linh thánh, vào những ngày ấn định trong suốt năm, Hội Thánh cử hành công trình cứu độ của Chúa Kitô. Mỗi tuần lễ, vào ngày gọi là Chúa nhật, Hội Thánh tưởng niệm sự Phục sinh của Chúa. Mỗi năm một lần, vào Ðại lễ Phục sinh, Hội Thánh cũng họp mừng biến cố này cùng với sự Thương Khó hồng phúc của Người. Trong chu kỳ một năm, Hội Thánh triển khai toàn thể mầu nhiệm của Chúa Kitô và kính nhớ ngày sinh trên trời của các Thánh.

Vào các mùa khác nhau của năm phụng vụ, theo những kỷ luật truyền thống, Hội Thánh thực hiện việc huấn luyện các tín hữu qua những thực hành đạo đức trong tâm hồn và ngoài thể xác, nhờ việc giáo huấn, sự cầu nguyện, nhờ việc hãm mình đền tội và từ thiện bác ái.

2. Những nguyên tắc sau đây có thể và phải được áp dụng cho cả Nghi lễ Rôma cũng như mọi Nghi lễ khác. Nhưng những quy luật thực hành phải được coi như chỉ liên quan đến Nghi lễ Rôma, trừ khi liên quan tới những vấn đề, xét theo bản chất của chúng, cũng liên hệ đến những Nghi lễ khác.

 

Tiết I. Những Ngày Phụng Vụ

I. Những ngày phụng vụ

3. Mỗi ngày được thánh hóa nhờ những cử hành phụng vụ của dân Chúa, cách riêng nhờ hy lễ Thánh Thể và thần vụ.

Ngày phụng vụ kéo dài từ nửa đêm cho đến nửa đêm. Nhưng việc cử hành ngày Chúa nhật và các ngày lễ trọng bắt đầu từ chiều ngày hôm trước.

II. Ngày Chúa nhật

4. Ngày đầu mỗi tuần, gọi là ngày của Chúa hay Chúa nhật, Hội Thánh họp mừng mầu nhiệm vượt qua, do truyền thống các Tông đồ bắt nguồn từ chính ngày Chúa Kitô sống lại. Vì thế, Chúa nhật phải được coi là ngày lễ quan trọng hàng đầu.

5. Vì tầm quan trọng đặc biệt đó, Chúa nhật chỉ nhường chỗ cho các lễ trọng và các lễ kính về Chúa. Nhưng các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh chiếm vị trí ưu tiên trên mọi lễ kính Chúa và mọi lễ trọng. Khi gặp các Chúa nhật này, các lễ trọng sẽ mừng vào ngày thứ hai, trừ khi các lễ đó trùng với Chúa nhật Lễ Lá hay Chúa nhật Phục sinh.

6. Thông thường, không được chỉ định một cử hành vĩnh viễn nào trong các Chúa nhật. Tuy nhiên:

1. Chúa nhật trong tuần Bát nhật Giáng sinh, mừng lễ Thánh Gia Thất;

2. Chúa nhật sau mồng 6 tháng giêng, mừng lễ Chúa Giêsu chịu phép Rửa;

3. Chúa nhật sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mừng lễ trọng kính Chúa Ba Ngôi;

4. Chúa nhật cuối cùng mùa Thường niên, mừng lễ trọng kính Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Vua vũ trụ.

7. Nơi nào các lễ Hiển Linh, Thăng Thiên, Mình và Máu Thánh Chúa Kitô không phải là lễ buộc, thì mừng vào Chúa nhật như ngày riêng của các lễ đó như sau:

1. Lễ Hiển Linh mừng vào Chúa nhật từ mồng 2 đến mồng 8 tháng giêng;

2. Lễ Thăng Thiên mừng vào Chúa nhật VII Phục sinh;

3. Lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô vào Chúa nhật sau lễ Chúa Ba Ngôi.

III. Các lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ

8. Trong chu kỳ một năm, khi họp mừng mầu nhiệm Chúa Kitô, Hội Thánh cũng mừng kính Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa, với lòng yêu mến đặc biệt, và cũng thúc giục các tín hữu sốt sắng kính nhớ các thánh Tử Ðạo và các Thánh khác.

9. Sẽ kính nhớ bắt buộc trong Hội Thánh toàn cầu các vị Thánh có tầm quan trọng phổ quát; các vị Thánh khác thì được ghi trong lịch nhưng để tự do kính nhớ, hoặc được tôn kính riêng trong Hội Thánh địa phương trong một quốc gia hay một gia đình dòng tu.

10. Tùy theo tầm quan trọng, các lễ cử hành sẽ được phân biệt với nhau và phân chia thành: lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ.

11. Lễ trọng là những ngày đặc biệt, được cử hành từ Kinh Chiều I ngày hôm trước. Một số lễ trọng có lễ vọng riêng, cử hành vào chiều hôm trước, nếu cử hành thánh lễ vào các giờ ban chiều.

12. Có hai lễ trọng đặc biệt là lễ Phục sinh và lễ Giáng sinh. Hai lễ này kéo dài trong tám ngày liên tục. Cả hai tuần Bát nhật đều được tổ chức theo những quy luật riêng.

13. Lễ kính sẽ mừng trong giới hạn một ngày; vì thế, không có kinh Chiều I, trừ khi những lễ kính về Chúa gặp Chúa nhật thường niên và Chúa nhật mùa Giáng sinh thì thần vụ các lễ kính đó thay thế thần vụ các Chúa nhật vừa kể.

14. Lễ nhớ gồm có lễ nhớ bắt buộc và lễ nhớ không bắt buộc. Việc cử hành các lễ nhớ được dung hòa với việc cử hành các ngày trong tuần, theo những quy luật trình bày trong Quy chế tổng quát về Sách lễ Rôma và trong Quy chế tổng quát về các giờ Kinh Phụng vụ.

Những lễ nhớ bắt buộc gặp ngày thường trong mùa Chay thì chỉ có thể mừng như lễ nhớ không bắt buộc thôi.

Nếu trong một ngày có ghi trong lịch nhiều lễ nhớ không bắt buộc, thì chỉ mừng một lễ nhớ thôi và bỏ các lễ nhớ khác.

15. Các ngày Thứ Bảy mùa Thường niên không có lễ nhớ bắt buộc, có thể tùy nghi làm lễ nhớ về Ðức Thánh Trinh Nữ Maria.

IV. Những ngày trong tuần

16. Những ngày sau Chúa nhật của mỗi tuần gọi là ngày trong tuần. Những ngày đó được cử hành khác nhau, tùy tầm quan trọng riêng của mỗi ngày:

1. Ngày thứ Tư Lễ Tro và các ngày trong Tuần Thánh từ thứ Hai đến chiều thứ Năm chiếm vị trí ưu tiên trên mọi cử hành khác.

2. Các ngày trong tuần thuộc mùa Vọng từ ngày 17 đến ngày 24 tháng 12, và mọi ngày trong tuần thuộc mùa Chay chiếm vị trí ưu tiên trên các lễ nhớ bắt buộc.

3. Các ngày trong tuần thuộc các mùa khác sẽ nhường bước cho các lễ trọng, lễ kính và kết hợp hài hòa với các lễ nhớ.

 

Tiết II. Chu Kỳ Năm Phụng Vụ

17. Trong chu kỳ năm phụng vụ, Hội Thánh tưởng niệm toàn thể mầu nhiệm của Chúa Kitô, từ lúc Chúa nhập thể cho đến ngày lễ hiện xuống và còn trông đợi ngày Chúa quang lâm.

I. Tam Nhật Phục sinh

18. Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa cách hoàn hảo, nhất là nhờ mầu nhiệm Phục sinh của Người. Nhờ đó, Người đã chết để tiêu diệt sự chết của chúng ta và sống lại để khôi phục sự sống cho chúng ta. Chính Tam nhật Vượt qua, nhằm tưởng niệm cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa, sáng chói lên như tột đỉnh của cả năm phụng vụ. Cũng như trong tuần lễ, Chúa nhật là ngày trọng đại, thì trong năm phụng vụ, lễ Phục sinh là lễ trọng đại nhất.

19. Tam nhật Vượt qua tưởng niệm cuộc Thương khó và Phục sinh của Chúa, bắt đầu từ Thánh lễ chiều ngày Thứ Năm Tuần Thánh, tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa và kết thúc bằng giờ kinh Chiều Chúa nhật Phục sinh; trung tâm của Tam nhật là đêm Canh Thức Vượt Qua.

20. Trong ngày Thứ Sáu tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa và nếu hoàn cảnh thuận tiện, thì cả ngày Thứ Bảy thánh cho tới lễ Canh thức vượt qua, khắp nơi phải giữ chay thánh vượt qua.

21. Lễ Canh thức vượt qua, trong đêm thánh Chúa sống lại, được coi là "Mẹ của mọi lễ Canh Thức". Trong lễ này, Hội Thánh canh thức để mong đợi Chúa Kitô sống lại và cử hành sự phục sinh của Chúa trong các bí tích. Vì thế, toàn thể buổi lễ Canh thức phải được cử hành ban đêm: khởi sự khi đêm tối đã bắt đầu và kết thúc trước rạng đông ngày Chúa nhật.

II. Mùa Phục sinh

22. Năm mươi ngày từ Chúa nhật Phục sinh đến Chúa nhật Hiện xuống, được cử hành trong niềm hân hoan phấn khởi, như một ngày lễ duy nhất, hơn thế, như một "Ðại lễ Chúa nhật".

Ðây là những ngày chủ yếu phải hát Alleluia.

23. Các Chúa nhật mùa này được coi là những Chúa nhật Phục sinh, và các ngày Chúa nhật sau Chúa nhật Phục sinh gọi là Chúa nhật II, III, IV, V, VI, VII Phục sinh. Ngày Chúa nhật Hiện xuống kết thúc thời gian năm mươi ngày thánh này.

24. Tám ngày đầu mùa Phục sinh là tuần Bát nhật Phục sinh và được cử hành như các lễ trọng kính Chúa.

25. Lễ Thăng thiên cử hành ngày thứ bốn mươi sau lễ Phục sinh; nơi nào lễ này không phải lễ buộc, thì cử hành vào Chúa nhật VII Phục sinh (x. số 7).

26. Những ngày sau lễ Thăng thiên cho đến hết ngày Thứ Bảy trước lễ Hiện xuống là những ngày chuẩn bị đón mừng Chúa Thánh Thần ngự đến.

III. Mùa Chay

27. Mùa Chay nhằm chuẩn bị cử hành lễ Phục sinh. Phụng vụ mùa Chay giúp các dự tòng và các tín hữu cử hành mầu nhiệm Phục sinh. Các dự tòng được chuẩn bị qua những giai đoạn khác nhau của việc nhập đạo; còn các tín hữu thì qua việc tưởng niệm bí tích Thanh tẩy và việc sám hối.

28. Mùa Chay bắt đầu từ thứ Tư lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc ly.

Không đọc Alleluia từ đầu mùa Chay cho tới lễ Canh thức Phục sinh.

29. Ngày Thứ Tư đầu mùa Chay có xức tro; ngày đó khắp nơi ăn chay.

30. Các Chúa nhật mùa này gọi là Chúa nhật I, II, III, IV, V mùa Chay. Chúa nhật thứ sáu, bắt đầu Tuần Thánh, gọi là Chúa nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa.

31. Tuần Thánh nhằm tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa Kitô từ lúc Người vào thành Giêrusalem với tư cách là Ðấng Mêsia.

Sáng Thứ Năm Tuần Thánh, Ðức Giám mục đồng tế với linh mục đoàn, làm phép Dầu thánh và cung hiến Dầu hiến thánh.

IV. Mùa Giáng Sinh

32. Sau việc cử hành hàng năm mầu nhiệm Phục sinh, Hội Thánh không có việc cử hành nào cổ xưa bằng việc kính nhớ Chúa giáng sinh và kính nhớ những lần đầu tiên Người tỏ mình ra: đó là mùa Giáng sinh.

33. Mùa Giáng sinh bắt đầu từ giờ kinh Chiều I lễ Chúa giáng sinh cho đến hết Chúa nhật lễ Hiển linh, hoặc Chúa nhật sau ngày 6 tháng giêng.

34. Thánh lễ Vọng giáng sinh cử hành vào chiều ngày 24 tháng 12 trước hoặc sau giờ kinh Chiều I.

Trong ngày lễ Chúa giáng sinh, theo truyền thống cổ xưa của Rôma, có thể cử hành ba Thánh lễ nghĩa là lễ đêm, lễ rạng đông và lễ ban ngày.

35. Lễ Chúa giáng sinh có tuần Bát nhật được sắp xếp như sau:

a) Chúa nhật trong tuần Bát nhật, hoặc nếu không có Chúa nhật này, thì ngày 30 tháng 12, là lễ Thánh Gia thất Chúa Giêsu, Ðức Maria và thánh Giuse.

b) Ngày 26 tháng 12 là lễ kính thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi.

c) Ngày 27 tháng 12 là lễ kính thánh Gioan tông đồ, tác giả sách Tin Mừng.

d) Ngày 28 tháng 12 là lễ kính các thánh Anh Hài.

e) Các ngày 29, 30, 31 là những ngày trong tuần Bát nhật giáng sinh

f) Ngày 1 tháng giêng, Bát nhật lễ Giáng Sinh là lễ trọng mừng Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời; trong ngày này cũng kính nhớ việc đặt tên cực thánh cho Chúa Giêsu.

36. Chúa nhật từ ngày 2 đến ngày 5 tháng giêng là Chúa nhật II sau lễ Giáng sinh.

37. Lễ Chúa hiển linh cử hành vào ngày 6 tháng Giêng, nơi nào lễ này không phải là lễ buộc, thì cử hành vào Chúa nhật từ 2 đến 8 tháng Giêng (x. số 7).

38. Chúa nhật sau ngày 6 tháng Giêng là lễ kính Chúa Giêsu chịu phép Rửa.

V. Mùa Vọng

39. Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị mừng lễ trọng Giáng sinh, trong lễ này, kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Vì hai lý do ấy, mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi.

40. Mùa Vọng bắt đầu từ giờ kinh Chiều I ngày Chúa nhật nhằm ngày 30 tháng 11, hoặc nhằm ngày nào gần nhất, và kết thúc trước giờ kinh Chiều I lễ Chúa giáng sinh.

41. Các Chúa nhật mùa này gọi là Chúa nhật I, II, III, IV mùa Vọng.

42. Các ngày trong tuần từ 17 đến hết 24 tháng 12 nhằm chuẩn bị trực tiếp hơn mừng lễ Chúa Giáng Sinh.

VI. Mùa Thường Niên

43. Ngoài những mùa có đặc tính riêng biêt, còn lại ba mươi ba hoặc ba mươi bốn tuần trong chu kỳ năm phụng vụ. Trong các tuần lễ này, không cử hành một khía cạnh đặc biệt nào thuộc mầu nhiệm Chúa Kitô; nhưng lại tôn kính toàn bộ mầu nhiệm của Chúa Kitô, nhất là trong các ngày Chúa nhật. Thời gian này gọi là mùa Thường niên.

44. Mùa Thường niên bắt đầu từ thứ hai tiếp theo Chúa nhật sau ngày 6 tháng Giêng, và kéo dài đến hết Thứ Ba trước mùa Chay; rồi lại bắt đầu từ Thứ Hai sau Chúa nhật Hiện xuống và kết thúc trước giờ kinh Chiều I Chúa nhật I mùa Vọng.

Vì thế, trong sách các Giờ kinh Phụng vụ cũng như trong Sách Lễ có một loạt mẫu kinh dành cho các Chúa nhật và các ngày trong tuần mùa này.

VII. Các ngày Khẩn cầu và Bốn mùa

45. Các ngày Khẩn cầu và Bốn mùa trong năm, Hội Thánh thường cầu xin Chúa cho những nhu cầu khác nhau của con người, nhất là cho ruộng đất sinh hoa quả, cho công ăn việc làm của con người, đồng thời công khai tạ ơn Chúa.

46. Ðể những ngày Khẩn cầu và Bốn mùa trong năm có thể thích ứng với nhu cầu địa phương và tín hữu, các Hội đồng Giám mục phải quy định thời gian và cách thức cử hành những ngày đó.

Hội Ðồng giám mục Việt Nam đã chỉ định những ngày Khẩn cầu mùa và sám hối trong năm như sau:

a) Những ngày Khẩn cầu

1. Mồng Một Tết Nguyên đán: Cầu cho Năm Mới

2. Mồng Hai Tết Nguyên đán: Cầu cho Ông bà Tổ tiên

3. Mồng Ba Tết Nguyên đán: Cầu cho công việc làm ăn

4. Tết Trung Thu: Cầu cho Thiếu nhi

b) Những ngày sám hối

1. Thứ Sáu quanh năm và mùa Chay (GL điều 1250).

2. Thứ Tư lễ Tro. Vì Thứ Tư Lễ Tro thường hay trùng vào dịp Tết Nguyên đán, nên Hội Ðồng Giám mục Việt Nam đã quyết định và đã xin Tòa Thánh phê chuẩn cho phép dời việc xức tro và ăn chay vào Thứ Sáu hay Thứ Bảy tiếp theo (x. Notitiae số 35 năm 2000, tr. 32).

Vì thế, các vị có thẩm quyền cần lưu tâm đến nhu cầu địa phương, mà đặt ra những quy tắc cho việc cử hành các ngày nói trên: kéo dài một hay nhiều ngày, làm một hay nhiều lần trong năm.

47. Ðể cử hành mỗi lễ nói trên, nên chọn lễ thích hợp hơn với ý cầu nguyện trong những lễ dành để cầu cho những nhu cầu khác nhau.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page