Bài Ðiểm Báo 2
về chuyến viếng thăm mục vụ của ÐTC
tại Áo Quốc (19-21/06/98)

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐIỂM BÁO về chuyến viếng thăm của ÐTC tại Áo Quốc.
Bài 2: Về Ngày viếng thăm thứ nhất tại địa điểm SALZBURG.

Chuyến viếng thăm của ÐTC tại Áo Quốc lần thứ ba được báo chí theo dõi nhiều, vì theo báo chí: đây là một trong các chuyến viếng thăm khó khăn nhất trong số các chuyến viếng thăm đã được thực hiện tại Áo Quốc. Báo chí thường thích nêu lên những khía cạnh tiêu cực, nhiều khi chỉ là những "phá rối" của một vài nhóm, thiểu số, nhưng lại được thổi phồng và rùm beng. Trước đây, cũng đã có nhiều lần báo chí nói đến chuyến thăm này, viếng thăm nọ là khó khăn và nguy hiểm, chẳng hạn như chuyến thăm Liban, Sarajevo, Cuba, Pháp, Hoa Kỳ, Ðức v.v... Nhưng những thành công cụ thể của các chuyến viếng thăm được báo chí coi là khó khăn, lại không bao giờ hoặc ít khi được nói đến. Những người theo dõi các chuyến viếng thăm qua đài truyền hình trực tiếp sẽ thấy rõ sự thật, và sẽ có những nhận xét khách quan hoàn toàn khác hẳn.

Nhật báo Công Giáo Ý "Tương Lai" (Avvenire), số ra ngày 20.06.98, đã dành tới 5 bài trên trang nhất và trang hai, với nhiều hình ảnh về cuộc đón tiếp sáng thứ Sáu 19/06/98 tại sân bay, và thánh lễ tại nhà thờ chính tòa Salzburg vào buổi chiều.

Trong bài bình luận, báo này viết như sau: "Sau những nỗi khổ tâm, nay là giờ phút của hy vọng". Tác giả bài bình luận đã lặp lại lời ÐTC: "Bình an cho Giáo Hội tại Áo Quốc. Bình an cho cộng đồng và cho các giáo xứ; bình an cho các tâm hồn mọi người nam, nữ. Chớ gì sự bình an ở cùng tất cả anh chị em! ". Ðây là những lời ÐTC cầu chúc, ngay từ lúc đặt chân lên Ðất Áo và là lời cầu chúc của Chúa Phục Sinh. ÐTC đến thăm vào ngày thứ Sáu 19/06/98. Trong ba ngày trước Phục Sinh, có ngày thứ Sáu, là ngày Thương Khó, ngày khủng hoảng của các đầy tớ, ngày đầy nghi nan, trong mọi thời đại của Giáo Hội và của mỗi một Giáo Hội. Và thời gian khủng hoảng này chưa đến lúc xế chiều.

Tác giả bài báo viết thêm: Nhưng ngày đen tối của đồi Calvario cũng sẽ xế chiều, sẽ qua đi; những đau đớn của ngày thứ Sáu lắng dịu dần vào ngày thứ Bảy, để khai mạc, ngày Chúa Nhật, một buổi bình minh của Lễ Phục Sinh. Ngày đó là ngày của hòa bình, hòa bình của các tâm hồn người nam, người nữ, hòa bình của Giáo Hội, hòa bình của Giáo Hội tại Áo Quốc. Tác giả bình luận thêm: Có lẽ đây là giá trị của lời chào đầu tiên của ÐTC Gioan Phaolô II lúc đặt chân lên phi trường quốc tế Salzburg. Có lẽ đây là ý nghĩa của ba ngày viếng thăm mà ÐTC thực hiện tại Áo Quốc trong cuối tuần này.

Bài báo thứ hai nơi trang hai, với tít lớn: "ÐTC nói: hãy đạp đổ bức tường của lãnh đạm". Dưới tít lớn này, báo Tương Lai (Avvenire) viết: "Từ Salzburg vang lên lời kêu gọi các người Công Giáo: anh chị em đừng bỏ Giáo Hội". Tờ báo Công Giáo viết: "Ngày thứ nhất của chuyến viếng thăm khó khăn tại trung tâm  Châu được khai mạc bằng hai bài diễn văn gây chấn động. Khi vừa xuống khỏi máy bay, tại sân bay, Ðức Karol Wojtyla khuyên dân Áo tái khám phá ơn gọi Âu Châu của mình. Trong nhà thờ chính tòa bài giảng thánh lễ là một bài giáo lý sâu xa về mối quan hệ giữa người giáo dân và các vị chủ chăn và là một lời mời gọi hãy cộng tác với nhau giữa giáo sĩ và giáo dân, vì tất cả cùng theo đuổi một mục tiêu.

Bài báo còn tả lại sự tiếp đón nồng hậu, hăng say và đầy cảm động đến chảy nước mắt của 20 ngàn người trong số 150 ngàn dân cư Salzburg. Dân chúng đã đón tiếp ÐTC với niềm hân hoan và không có một bóng chống đối nào cả, như có người dự đoán trước. Với mọi người, ÐTC kêu gọi tha thiết: "Anh chị em đừng bỏ đàn chiên của Chúa Kitô, Vị Chủ Chăn nhân lành. Anh chị em đừng ra khỏi Giáo Hội". Nhật Báo Tương Lai (Avvenire) thuật lại lời Ðức Hồng Y Schoenborn, Tổng Giám Mục Wiena, tuyên bố trong cuộc gặp gỡ với giới báo chí như sau: "Giáo Hội tại Áo Quốc không đau yếu, nhưng đang biểu lộ những dấu hiệu của một sức sống mạnh mẽ".

Sau đó, tờ báo Công Giáo nhắc lại lời ÐTC nói về sự lãnh đạm tôn giáo: "Sự lãnh đạm đối với gia tài Kitô là điều nguy hiểm cũng như sự thù ghét công khai. Vì thế, cần phải tái khám phá các nguồn mạch của đời sống Kitô: Kinh Thánh, Các Bí Tích và việc cầu nguyện". Chính ÐTC là gương mẫu của việc cầu nguyện. Vừa đến thành phố Salzburg, ngài tới cầu nguyện tại Ðan Viện Bénédictin mang tên Thánh Phêrô, một Ðan Viện có lâu đời nhất tại Nước Áo. Giải thích về Quyền Giáo Huấn của Giáo Hội, ÐTC nói: "Quyền giáo huấn không phải là việc bày đặt của loài người để thi hành quyền thống trị trên các linh hồn. Chính Chúa Kitô đã ủy thác cho chúng tôi nhiệm vụ này". Về mối liên quan giữa Linh Mục và Giáo dân, ÐTC nói: "Tính cách khác biệt của các vai trò nhiều lúc làm cho việc tìm ra con đường đúng để đối thoại và cộng tác, trở nên khó khăn. Nhưng sự bình đẳng về phẩm giá con người không có nghĩa là bình đẳng về chức vụ và hoạt động. Những nhiệm vụ riêng của Thừa Tác Vụ Giám Mục không thể trao một cách đơn giản trao cho người giáo dân được. Về phần mình các vị chủ chăn phải tôn trọng vai trò riêng biệt của người giáo dân". Rồi ngỏ lời riêng với giáo dân, ÐTC nói: "Tôi xin anh chị em hãy tiếp tục việc tông đồ của anh chị em cách quảng đại như giáo lý viên chuẩn bị trẻ em và thanh thiếu niên rước lễ lần đầu, lãnh bí tích Thêm Sức". Với thanh niên, ÐTC nói: "Các con biết rằng Cha tin tưởng vào các con, để đem lại một khuôn mặt Kitô cho Châu Âu".

Trong bài ba, nhật báo Avvenire viết: "Châu Âu không có trái tim, sẽ liều đi đến tan rã". Ðức Wojtyla nhắc lại cho Áo Quốc về gia tài của chiếc cầu giữa các nền văn hóa. Ðặc phái viên Avvenire quả quyết: ÐTC nói với Áo Quốc, để toàn thể Châu Âu Ðược hiểu. Vừa đặt chân lên sân bay Salzburg, ÐTC Gioan Phaolô II liền đi ngay vào những mục tiêu của chuyến viếng thăm mục vụ quốc tế thứ 83 này. Tại sân bay mang tên nhạc sư Mozart, ÐTC mang sẵn trong trí óc của ngài một Châu Âu từ Ðại Tây Dương đến miền Núi Ural, từ Biển miền Bắc đến Ðịa Trung Hải miền Nam. Như vậy, Châu Âu không chỉ giới hạn vào các nước thuộc Liên hiệp Châu Âu (Union Européenne, UE). ÐTC đã lên tiếng rõ ràng như sau: "Tòa nhà chung đang được xây cất, nay liều đi đến chỗ tan rã, nếu không lưu ý về hình ảnh của nơi mà Kitô giáo đã ghi dấu ấn trong nền văn hóa của lục địa này".

Trong bài bốn, tờ báo Công Giáo Ý viết: Sankt Poelten, một sự chờ đợi lâu 15 năm. Trên tít này, còn có một phụ đề bằng tiếng Việt như sau: "Chiều hôm nay (thứ Bẩy) ÐTC Gioan Phaolô II viếng thăm lần đầu tiên giáo phận do Ðức Cha Kurt Krenn quản trị. Ðức Cha Krenn bị tố cáo là nhân vật bảo thủ. Có người cho rằng: để đón tiếp ÐTC, Ðức Giám Mục mời các nhóm bảo thủ đến từ Bavière (Ðức), từ Ba Lan. Thực sự không có như vậy. Có người cho rằng: sẽ có những đoàn biểu tình chống đối (không phải chống ÐTC, nhưng lợi dụng cơ hội, chống đối vị giám mục bảo thủ Krenn). Dự đoán này cũng hoàn toàn tưởng tượng. Ðức Cha Krenn tuyên bố: "ÐTC đến để gọi tất cả chúng ta trở về những qui luật nền tảng của chân lý và của đức ái: những qui luật, tiếc thay, nhiều người thay thế bằng "bla-bla" và bằng những tranh luận vô tận. Dĩ nhiên ba ngày viếng thăm sẽ không đủ để thay đổi đầu óc người dân Áo, nhưng sẽ là cơ hội để khởi sự một con đường mới".

Về việc chống đối giám mục, một người thợ, Hans Reiter, trong những ngày này, chuẩn bị lễ đài để ÐTC cử hành thánh lễ tại Quảng Trường Landhaus, tuyên bố với đặc phái viên Avvenire như sau: Ở đây, tại Sankt Polten, chúng tôi chờ đợi thánh lễ trọng thể của ÐTC vào buổi chiều thứ Bẩy. Có người sợ sẽ xẩy ra những cuộc biểu tình chống đối, nhưng cho tới lúc này rất bình thản. Tôi không hiểu được tại sao người Công Giáo chống đối giám mục của mình. Họ không biết rằng: trong Giáo Hội quyền bính không đến từ dưới lên, nhưng từ trên cao xuống đó hay sao?

Nhật báo "Roma Thời Báo" (Il Tempo di Roma), dành hai bài nơi trang thời sự. Bài thứ nhất: có tựa đề là: "Châu Âu không có trái tim, sẽ liều đi đến tan rã". Bên cạnh tít này, Tờ báo Roma để hình Tổng Thống Áo Quốc đón tiếp ÐTC tại sân bay và hình khác: dân chúng cầm cờ Áo Quốc, cờ Tòa Thánh hoan hô ÐTC tại sân bay. Dưới hình này, báo Il Tempo ước khoảng 30 ngàn dự thánh lễ do ÐTC cử hành chiều thứ Sáu tại Salzburg. Bài hai, nhật báo Il Tempo nói đến nạn phá thai: "Những vụ phá thai giảm bớt, nhưng có lẽ vì dùng thuốc ngừa thai. Tệ nạn nầy vẫn còn báo động, cách riêng nơi các thiếu nữ".

Tờ báo khác của Roma Nguời đưa tin chiều (Il Messaggero) dành một bài về chuyến viếng thăm nơi trang dành để nói về các biến cố ngoại quốc, với tít lớn: "ÐTC nói với người dân Áo: "Anh chị em đừng bỏ Giáo Hội". Ðây là lời kêu gọi của ÐTC Gioan Phaolô II tại Salzburg để chặn lại cơn khủng hoảng nơi nhiều tín hữu Công Giáo. Một bài vắn khác bình luận về bất đồng ý kiến giữa các người Công Giáo về luật độc thân linh mục, về phong chức linh mục cho người phụ nữ.

Tờ La Stampa xuất bản tại Torino dành một bài trên trang "biến cố ngoại quốc", để nói về "Một chuyến viếng thăm khó khăn: tín hữu ít và bóng tối của những tranh luận đã gây nên va chạm đến mối quan hệ với Roma". Tờ báo Torino viết với tít lớn: "ÐTC Gioan Phaolô II nói: "Hỡi Áo Quốc, đừng phản bội Giáo Hội". Báo này viết thêm: "ÐTC nói Châu Âu già nua trở nên khô khẳng".

Trong bài, tác giả bài báo viết: ÐTC Gioan Phaolô II xem ra mệt mỏi. Ngài nói "Trái tim tôi tưởng đến mọi người, anh chị em đừng bỏ đàn chiên Chúa Kitô, Vị chủ chăn nhân lành". Ngài nói thêm: "Thuyết tiêu thụ xem ra lôi cuốn hơn là các giá trị thiêng liêng". Bên cạnh bài này, tờ Il Messaggero để hình Tổng Thống đón tiếp ÐTC tại sân bay và hình ÐTC đến gặp dân chúng chờ đón ngài tại sân bay. ÐTC bắt tay nhiều nguời và ban phép lành cho các trẻ nhỏ.

Ðó là vài điểm đáng chú ý có liên quan đến ngày thứ nhất trong số ba ngày ÐTC viếng thăm Áo Quốc. Hẹn còn gặp lại.


Back to Radio Veritas Asia Home Page