Nhân Thần Hội Ngộ
Quan Ðiểm Thần Học của Karl Rahner
Nguyên bản tiếng Hoa của Linh Mục Giuse Vũ Kim Chính, SJ
Giuse Nguyễn Phước Bảo Ân, SJ chuyển dịch Việt ngữ từ bản tiếng Hoa
Chương 7
Ðào Sâu Về Ðối Thoại Liên Tôn
Theo Karl Rahner
Tiểu Dẫn
Trong chương này, chúng tôi sẽ tập trung luận bàn về "Kitô hữu vô danh" của Kar Rahner. Ngài được xếp vào chủ nghĩa bao hàm (inclusivism), và bị chất vấn rất nhiều bởi hai phái: chủ nghĩa bài ngoại (exclusivism) và chủ nghĩa đa nguyên (pluralism). Trong khi nghiên cứu, chúng ta sẽ chỉ ra những chỗ Rahner bị hai phái trên hiểu lầm, cũng như những điểm mà Rahner đã cải sửa cho hai phái kia, từ những quan điểm đó, ta sẽ thấy Rahner đã đi con đường trung dung giữa hai thái độ cực đoan kia như thế nào, hoặc ngài đã hợp nhất những biện chứng của hai phái kia ra sao.
Tiếp đó, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào để quan niệm tôn giáo của Rahner về Huyền nhiệm Thần thánh và Kitô hữu vô danh có thể đi vào trong nền văn hóa Trung Quốc, và tiến thêm bước nữa là đối thoại tôn giáo với nền văn hóa này. Do đó, chúng tôi đã đặc biệt chọn triết học sự sống của ngài Phương Ðông Mỹ, bởi nền triết học này đặt nền trên sự sống và tư tưởng về sự sống nhất thể lại được hình thành từ sự kết hợp của ba nhà Nho - Ðạo - Mặc. Sau nữa, chúng ta sẽ để cho ngài Phương và Rahner đối thoại với nhau, từ đó tổng hợp tư tưởng của ba nhà Nho - Ðạo - Mặc thành "Tam gia hợp nhất", Tuy đều quan tâm đến sự sống, nhưng mỗi nhà lại diễn đạt công năng của sự sống khác nhau: nhập thế, huyền nhiệm, kiêm ái.
Khi so sánh tư tưởng của ngài Phương và Rahner, tác giả sẽ chỉ ra những điểm dị và đồng, mục đích chính là để hiểu tư tưởng của ngài Phương, và dùng tư tưởng của Rahner để tiếp cận tư tưởng chủ đạo của văn hóa Trung Quốc, nhằm tìm ra lối nẻo khả tiến, hy vọng trong tương lai sẽ có thể đối thoại được với tôn giáo có gốc rễ từ văn hóa Trung Quốc.
I. Ðào Sâu Về Kitô Hữu Vô Danh Và Thần Phổ Quát
Khi đào sâu về mối tương quan giữa Kitô hữu vô danh và Thần phổ quát, ta sẽ thấy có rất nhiều c6áp độc khác nhau, từ chủ nghĩa bài ngoại đến quan điểm về đa nguyên, Bởi lập trường của Rahner nằm giữa hai khía cạnh cực đoàn trên, nên nó thường bị hiểu lầm, bên này kết án ngài nghiêng về bên kia và ngược lại. Do đó, chúng ta hy vọng sẽ nói rõ hơn quan điểm chủ yếu của hai lập trường cực đoan trên, sau đó mới đua ra lập trường trung dung của Rahner là như thế nào.
1. Tìm hiểu và phê bình Chủ nghĩa bài ngoại
Ở những chương trước, chúng ta đã nói đến chủ trương bài ngoại, được phát biểu bằng một nguyên lý ngắn gọn là "ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ". Lập trường này đã mang lấy một diện mạo và cách nói mới trong thần học đương đại, ví dụ như: thần học biện chứng của Karl Barth (1886-1968), hoặc thần học truyền giáo của H. Kraemer. Karl Barth, qua việc phản tỉnh thần học, đã tự xây dựng và khẳng định lập trường riêng của ông; còn Kraemer lại nối quan niệm bài ngoại với truyền giáo học, để hình thành nên lối nhìn loại trừ trực tiếp các tôn giáo khác, cho nên rất nhiều người đã coi Kraemer là phát ngôn viên cho phái bài ngoại. Do vậy, chúng ta sẽ chọn Kraemer để so sánh và đối thoại với Rahner.
Nguyên lý của Kraemer với các tôn giáo không phải là Kitô giáo là: ơn cứu độ là ân sủng chỉ được mặc khải đặc biệt duy nhất qua Ðức Giêsu Kitô mà thôi.
Cho nên, những tôn giáo và niềm tin khác không đến từ Thần, mà chỉ là sản phẩm của con người, hay nói rõ hơn là việc sùng bái ngẫu tượng. Từ đó, Kraemer dùng thần học biện chứng để nhấn mạnh thêm rằng, mặc khải Kitô giáo là thứ mặc khải tách biệt và có khả năng phê phán các tôn giáo khác, như: "nghiệt" với "tội" v.v... Bởi ông cho rằng mỗi tôn giáo đều là một toàn thể sống động và không dễ chia cắt, nên con người không cách nào đưa ra được một tiêu chuẩn cho sự phê phán đối với chân lý, và rồi chỉ có một xuất phát điểm và một tiêu chuẩn phán đoán về chân lý duy nhất là nơi mặc khải của Thiên Chúa qua Ðức Giêsu Kitô.
Tiếp đến, Kraemer khẳng định rõ, sứ mạng truyền giáo là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất của bất kỳ một Kitô hữu nào. Ông chê trách vô cùng nghiêm khắc lối nhìn đa nguyên, bởi lẽ ông cho rằng sứ mạng quan trọng nhất của những kẻ đa nguyên là phục vụ cho một xã hội hay cho một sự giao lưu văn hóa đầy hỗn tạp và đầy tương đối nào đó mà thôi. Ông còn nghĩ là, giá như chúng ta có học tập và hiểu biết thêm các tôn giáo khác là nhằm giúp họ nhận chân mặc khải của Thiên Chúa; vì ông nghĩ các tôn giáo khác tự thân đã là một sự ngộ nhận rồi, bởi đã tuyệt đối hóa hệ thống tư tưởng nhân tạo của mình.
Ngay cả thần học tự nhiên, đối với Kraemer, cũng là do con người tuyệt đối hóa hoặc do lý tính của con người thần thánh hóa mà thôi. Nói tóm lại, nếu không giúp con người tiếp cận mầu nhiệm Nhập thể hoặc mầu nhiệm mặc khải, thì đó là một thứ tôn giáo lầm đường lạc lối.
Thực tế thì, tuy có thái độ vô cùng tiêu cực với các tôn giáo không phải là Kitô giáo, nhưng Kraemer cũng không thể nào phủ nhận rằng nhân loại có khuynh hướng tìm kiếm Thần, nên ông đã chủ trương một loại phê bình biện chứng. Ông nói: biện chứng là điều kiện nội tại trong con người, làm cho họ có thể khẳng định hay phủ định vận mệnh và những điều liên quan đến cuộc sống vĩnh hằng của chính họ, còn Thiên Chúa thì đang làm việc trong điều kiện biện chứng ấy. Ông cũng nói rằng: Thiên Chúa soi chiếu vào hành trình phán đoán và hỗn loạn của con người, Ngài làm việc trong lý tính, bản tính và dòng lịch sử của con người; như thế, đời sống tôn giáo và lý luận của con người là do con người thực hiện, nhưng chúng cũng là một cuộc giao chiến giữa con người và Thiên Chúa.
Quả thật, Kraemer đã khẳng định tính duy nhất và đặc biệt nơi mặc khải của Ðức Giêsu Kitô, nhưng cũng khẳng định một mặc khải phổ biến về sự giao chiến giữa con người và Thiên Chúa nữa.
Bây giờ chúng ta sẽ đem so sánh và làm rõ lập trường của Kraemer và Rahner.
a. Lối nói về Kitô giáo
Cả hai vị đều khẳng định rằng họ hiểu Kitô giáo là tôn giáo tuyệt đối. Song, khi câu hỏi tiếp theo được đặt ra là: Kitô giáo có ý nghĩa gì?, thì lối giải thích của hai vị hoàn toàn khác biệt.
Lối nói của Kraemer về Kitô giáo là: số ít người được tuyển chọn cách minh nhiên. Rahner hiểu Kitô giáo không chỉ là một Giáo hội rộng lớn hữu hình với Ðức Kitô là nền tảng và là xuất phát điểm, mà đồng thời Chúa Thánh Thần cũng đang hoạt động trong cuộc sống này để hướng thế giới đến sự viên mãn. Như thế, Giáo hội của Kraemer là một Giáo hội bị cô lập; còn Giáo hội của Rahner là một Giáo hội tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa trong dòng lịch sử cứu độ.
b. Lối nhìn về ơn cứu độ
Kraemer hiểu theo nghĩa hẹp về ơn cứu độ duy nhất đã được mặc khải trong Ðức Giêsu Kitô. Rahner thì khẳng định, trên con đường mà Ðức Kitô đã vạch ra, ta có thể nhận biết ý muốn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, mà ước muốn này cũng đã được thể hiện trong lịch sử, cụ thể như: Do thái giáo hay Kitô giáo.
c. Tương quan giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác
Ðiểm khác biệt rõ rệt nhất giữa Kraemer và Rahner là: Kraemer nhấn mạnh sự tách biệt giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác, vì chưng thế giới này đã bị hủ bại, và hoàn toàn vô phương tự lực hướng về Thiên Chúa; còn Rahner lại cho rằng những gì Thiên Chúa đã tạo dựng đều được Ngài chúc phúc, tuy tự do và chọn lựa của con người đã bị nguyên tội làm cho ra thế này thế kia, nhưng tự nhiên và ân sủng là một chuỗi tương tác qua lại bất tận.
d. Phạm vi giam hãm truyền giáo
Kraemer phê bình hết sức mạnh mẽ rằng việc đồng hóa công cuộc truyền giáo với công tác xã hội hoặc với cách hiểu của văn hóa là sai. Rahner lại nghĩ rằng Tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu của con người có thể hiểu biết qua lại cách năng động. Từ đó, Rahner nói rõ, truyền giáo là một nhu cầu tuyệt đối cần thiết, bởi ơn cứu độ sẽ được thể hiện ra cách cụ thể trong từng xã hội và lịch sử nhất định, cũng giống như đã được diễn tả trong Ðức Kitô và trong Giáo hội vậy. Thế nên, ân huệ sự sống nơi những người không phải Kitô hữu có thể tìm thấy sự viên mãn trong Giáo hội Kitô giáo, vì ơn cứu độ cần tìm được môi trường trung gian của nó trong lịch sử hoặc trng một cộng đoàn cụ thể.
2. Tìm hiểu và phê bình Chủ nghĩa đa nguyên
Trái nghịch với Chủ nghĩa bài ngoại là Chủ nghĩa đa nguyên. Nó nhấn mạnh vào một tiêu chuẩn là: trên con đường đạt tới ơn cứu độ của một Thiên Chúa duy nhất, mọi tôn giáo đều bình đẳng. Ở đây, chúng ta sẽ chọn John Hick (1922-2012) làm đại biểu, bởi ông rất cực đoan, rất nổi tiếng, nên cũng gây ra rất nhiều tranh luận.
Danh tiếng của John Hick gắn với thần học cải cách, được gọi là "cuộc cách mạng Kopernik", vì lối nhìn về tôn giáo của ông chuyển từ "lấy Kitô giáo làm trung tâm" như những gì tín lý đã khẳng định thành "lấy nhìn nhận Thiên Chúa làm trung tâm", bởi ông cho rằng tôn giáo nào mà lại chẳng tôn kính và vây quanh Thiên Chúa.
Dựa trên lập trường ấy, John Hick phê phán chủ nghĩa bài ngoại và chủ nghĩa bao hàm. Ông gọi chủ nghĩa bài ngoại là "lấy địa cầu làm chủ nghĩa trung tâm của hành tinh (thiên động thuyết - Ptolemaic)", và Kraemer là đại biểu của chủ thuyết này. Còn Rahner là nhân vật đại biểu cho chủ nghĩa bao hàm, vì lập trường của Rahner, theo Hick, là sự ứng dụng thiên động thuyết cho thời đại mới (Ptolemaic accommodation), bởi lẽ Rahner dù chưa qua phê bình nhưng đã vội thừa nhận rằng ơn cứu độ chỉ có nơi Ðức Kitô và Giáo hội chính là mầu nhiệm cứu độ. Như thế, lối thừa nhận này là dựa trên Kitô học xưa cũ, tức là thứ Kitô học được xây trên thần thoại về việc giáng sinh làm người, điều đó cũng giống như việc dùng hai thứ ngôn ngữ vốn tách biệt nhau là ngôn ngữ thơ ca và ngôn ngữ sự kiện lịch sử để ráp nối với nhau, như thế, ngôn ngữ lịch sử sẽ chỉ tổ phá hoại ngôn ngữ thơ ca mà thôi. Ðó là cách Hick hiểu về Rahner, theo ông, lối nhìn của Rahner chỉ là quan điểm cũ được diễn tả mới.
John Hick nghĩ rằng có thể tìm thấy chứng cứ Thánh Kinh để ủng hộ cho lập trường của ông. Vì chưng, hơn nửa cuộc đời của Giêsu Nazareth là sự kiện không thể biết, hoặc chỉ là một cái biết hàm hồ và bị ngắt đoạn, cho nên tiểu sử của Ðức Giêsu thực sự mang màu sắc thần thoại. Tiếp đó, ông cho rằng Kitô giáo là một tôn giáo có tính lịch sử trong việc tiếp xúc với Thiên Chúa, nên nó cũng giống như các tôn giáo khác trên thế giới này mà thôi; còn cái được gọi là thần bí chẳng qua chỉ là những lối diễn đạt theo quan điểm lịch sử và văn hóa khác nhau, nhưng tất cả các tôn giáo đều tập trung vào sự tương ứng với một Ðấng Thần Thánh vô hạn giống nhau, như thế, mọi tôn giáo đều bình đẳng trên con đường cứu độ.
Tới đây, chúng ta thật khó lòng thảo luận thêm với lập trường của Hick, nên chỉ đưa ra hai vấn đề nền tảng, có liên quan đến những tranh luận với Rahner.
a. Nền tảng của luận thuyết Thiên Chúa là trung tâm của John Hick
Luận thuyết lấy Thiên Chúa làm trung tâm của John Hick đặt nền tảng ở đâu? Nhất định không thể trên nền tảng của sự phản tỉnh triết học, bởi phản tỉnh triết học thì không thể tìm thấy căn cứ thần học, mà chỉ có thể nắm bắt kinh nghiệm tôn giáo mà thôi, cho nên có thể luận điểm của Hick được sản sinh từ đây. Chúng ta có thể tìm thấy những chứng cứ trong tư tưởng của các vị như Kant, Friedrich Schleiermacher (1768-1834), Ernst Troeltsch (1865-1923).
Từ góc nhìn di truyền học (genetic), Hick đã đưa ra quan điểm lấy Thiên Chúa làm trung tâm của ông, thực tế là dựa vào kinh nghiệm Kitô giáo, nghĩa là chỉ khi tin vào Ðức Giêsu Kitô chúng ta mới có thể có được lối kiến giải về kinh nghiệm tôn giáo như thế. Thực tế là, trong tác phẩm đầu tiên "Ðức tin và Tri thức" (1978), ông đã diễn đạt rõ rằng: đó là kinh nghiệm của người môn đệ, là tình yêu của Thiên Chúa Cha đã được mặc khải ra nơi đời sống của Ðức Giêsu Kitô.
b. Quy luật tính của luận thuyết Thiên Chúa là trung tâm của John Hick
Ngay từ đầu Hick đã tránh dùng "giáng sinh làm người" như là mặc khải duy nhất tuyệt đối mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, nên ông bèn đưa ra lối diễn tả được gọi là thần thoại mà bất cứ tôn giáo nào cũng có trong lịch sử văn hóa của họ. Tuy nhiên, những thần thoại như thế của Hick cũng không sao chối bỏ được nền tảng có tính quy luật của việc liên kết với Ðức Giêsu và Thần, nghĩa là đều mang lấy nền tảng của Kitô học bao hàm chính là Thiên Chúa là Tình Yêu, nhờ đó mà có ơn cứu độ phổ quát dành cho mọi người.
Giả như với lối nhìn này và quan niệm cho rằng mọi tôn giáo đều bình đẳng trên con đường cứu độ như thế, thì quan điểm đó đã thừa nhận rằng kinh nghiệm tôn giáo của chúng ta phải dựa trên tính quy luật của đức tin. Vậy, vấn đề đối thoại liên tôn phải giải quyết thế nào đây? Chúng ta phải bắt đầu từ đâu để có được một tiêu chuẩn phán đoán, hay mỗi tôn giáo sẽ có khẳng định và phán đoán riêng?
3. Vấn đề của Kitô giáo vô danh
a. Vấn đề về Vô danh
Hans Kueng và John Hick là hai vị phê phán "Kitô hữu vô danh" của Rahner mạnh mẽ nhất trong số các học giả. Vì họ đều cho rằng, khi dùng thuật ngữ này, Rahner đã làm tổn hại đến sự thánh thiêng của các tôn giáo khác, và ngăn trở bước tiến của việc đối thoại liên tôn, thậm chí họ còn nghi ngờ rằng Rahner theo chủ nghĩa ái kỷ cực đoan và mang lấy thái độ giáo sĩ trị (clericalism), cũng có người cho rằng đó là vết tích sót lại của chủ nghĩa thực dân v.v...
Trước những lời chỉ trích nghiêm khắc như thế, Rahner chỉ trả lời thế này: họ đã hiểu lầm thuật ngữ trên thái quá rồi, bởi lẽ Kitô giáo vô danh trước nhất phải được dùng trong sự mạch lạc của thần học Kitô giáo, tức là từ góc nhìn của giới Kitô giáo để nói về các tôn giáo khác, đó chỉ là một việc chuẩn bị thật tốt cho tôn giáo của mình trước khi tiến hành đối thoại với các tôn giáo khác. Rahner nghĩ rằng bất kỳ một vị nào thuộc Kitô giới (Christendom) thấy cách dùng này không tương hợp, thì họ đều có thể tìm kiếm một lối diễn đạt khác phù hợp hơn, ít bị hiểu lầm hơn, mà ngài sẽ không hề phản đối. Kitô giáo xác tín Thiên Chúa cũng hiện diện trong các tôn giáo khác, nên cách dùng này tuy gây ra nhiều tranh cãi về mặt từ ngữ nhưng trong ứng dụng thực tế thì lại không thành vấn đề.
Mặt khác, Rahner cảm thấy rằng ai muốn phê bình về cách dùng từ, thì nên trực tiếp đi vào sự mạch lạc của cả hệ thống tư tưởng của người viết ra nó. Kỳ thực, Kitô hữu vô danh không hề mang nghĩa kiêu ngạo hay thái độ lười biếng, ngược lại, vì Thiên Chúa vẫn đang lao tác nơi các tôn giáo khác, nên Kitô hữu cũng phải nỗ lực khám phá ý Chúa, để hai bên cùng nhau tạo lập một nền tảng chung cho việc đối thoại. Từ đó suy ra, Rahner không những không gây trở ngại mà còn tìm ra được điểm chung cho công cuộc đối thoại, là tiến trình đòi hỏi sự tôn trọng và lắng nghe nhau, song cũng cần có thái độ phê bình.
Như thế, nếu hiểu đúng Rahner thì những nhà phê phán trên sẽ đồng ý với nội dung cuộc đối thoại sau đây giữa Rahner và Nishitani - lãnh tụ của một học phái triết học Nhật Bản:
Nishitani nói: "Tôi coi ngài như một Phật tử vô danh của Thiền phái, ý ngài thế nào?"
Rahner trả lời: "Từ góc nhìn của ngài, điều đó hoàn toàn đương nhiên. Song tôi nhận thấy trong lời nói và ý hướng kia của ngài, dù không minh nhiên nhưng ngài đã chấp nhận Phật tử thiền môn và Kitô hữu vốn dĩ là tương đồng, và chính tôi cảm thấy rất vinh hạnh về điều đó. Ðương nhiên, về mặt ý thức xã hội khách quan, Phật tử và Kitô hữu rõ ràng không giống nhau, nhưng Kitô hữu cũng là Phật tử thôi".
Nishitani đáp: "Vậy thì, chúng ta sẽ dùng quan điểm trên mà bắt đầu hội đàm".
Cho nên, nếu hiểu chính xác ý hướng của Rahner, thì không khó để nhận ra rằng Rahner không chỉ tán thành, mà còn nghĩ rằng mỗi tôn giáo đều xưng nhận ngài là môn đệ vô danh của họ, điều đó làm ngài cảm thấy thật vinh dự. Nên vấn đề không phải là danh xưng, hay cách thức sử dụng, mà là phải bắt tay vào đối thoại, bởi đối thoại không chỉ là việc đối phương, nhưng còn là nối kết lập trường của đối phương với tôn giáo của mình để nhận hiểu và lượng giá. Do đó, trong cuộc đối thoại với Nishitani kể trên, vấn đề không đơn giản là "đúng" hay "sai", nhưng quan trọng hơn là phải hiểu cho được: đệ tử Thiên môn chân chính là gì? Kitô hữu chân chính là thế nào? Trong ý thức xã hội khách quan, quan điểm đúng đắn của họ về điều trên ra sao?
Thực ra, Hans Kueng là người phê phán Rahner khắc nghiệt nhất. Nhưng trong khi so sánh lập trường của chính ông với các tôn giáo khác, hoặc đưa ra những lời phê phán, thì ông cũng không sao tránh khỏi việc áp dụng phương pháp tương phản để đối thoại liên tôn.
Còn John Hick lại phê phán Kitô hữu vô danh của Rahner ở một khía cạnh khác, nghĩa là nếu dùng lập trường và thái độ của Kitô hữu vô danh để đối thoại liên tôn thì sẽ dẫn đến sự bế tắc. Kỳ thực, lời phê phán này phải dành cho cuộc đối thoại giữa chủ nghĩa bài ngoại và chủ nghĩa đa nguyên, vì chưng nếu thừa nhận mọi tôn giáo đều bình đẳng trên con đường cứu độ thì đâu cần đối thoại làm gì. Nói đúng ra, Hick đang kéo Rahner về lập trường của ông, nên đã hiểu sai ý hướng và quan điểm của Rahner rồi.
b. Vấn đề về Kitô giáo
Henri de Lubac (1896-1991) đã đặt ra một câu hỏi cho Kitô giáo vô danh của Rahner: rốt cuộc điều Rahner muốn nói đến là "Kitô giáo" hay "Kitô hữu"? Lubac cho rằng, nếu dùng "Kitô hữu vô danh" thì hợp lý và có căn nguyên hơn, vì chưng Kitô hữu là một con người muốn diễn tả đời sống đức tin của mình, là một thực tại bao hàm có thể diễn tả tất cả đức tin mà Ðức Giêsu Kitô thúc đẩy nhân loại. Thế nên, trong mầu nhiệm Thiên Chúa, hoặc trong ánh sáng mặc khải của Ðức Giêsu Kitô, một đời sống đức tin bao hàm có thể được nhận ra là mang tính vô danh.
Tiếp theo, nếu dùng cách nói Kitô giáo vô danh thì thật hàm hồ không rõ, thậm chí dễ gây hiểu lầm; bởi một mặt, lối nói đó vừa cho thấy tính duy nhất của Kitô giáo vừa là một khuôn mặt hết sức mới mẻ; mặt khác, kiểu nói mang tính Kitô giới (Christendom) như thế dễ làm người ta liên tưởng tới việc xa xưa khi Kitô giới chế phục các tôn giáo và nền văn hóa khác, hay nói khác đi, lối nói ấy sẽ bị hiểu lầm thành một đế chế Kitô giáo đầy gian trá, và chủ nghĩa thực dân văn hóa.
Trước sự phê bình kia, Rahner tỏ ra bình chân như vại, bởi điều quan trọng là Ðức Giêsu Kitô - Ðấng mặc khải về một Thiên Chúa phổ quát, là trung tâm đức tin của Kitô hữu. Ðây chính là nền tảng chân chính của đức tin Kitô giáo và là con đường cứu độ đặc biệt duy nhất. Từ đó, những thứ xã hội tính hay lịch sử tính ngoại tại, hoặc những thứ kinh nghiệm không lý tưởng đều là những điều phụ thêm, chứ không phải là trọng tâm của Kitô giáo, thậm chí chúng còn được coi như khuyết điểm hay tội đồ trong nội bộ Kitô giáo nữa. Do đó, những thứ chủ nghĩa thực dân văn hóa giả danh Kitô giáo cũng chỉ là đang đuổi hình bắt bóng mà thôi, và đó cũng là lời cảnh cáo cho một đức tin Kitô giáo chân chính. Rahner còn nghĩ rằng, khi tiếp xúc và đối thoại với các tôn giáo khác, chúng ta nên tôn trọng những phê bình như thế hoặc những phê phán về mình.
Tóm lại, với Rahner, Kitô hữu vô danh hay Kitô giáo vô danh chỉ là hai cách nói mà ngài đều dùng đến. Ngài cho rằng giữa chúng chẳng có phân biệt gì, bởi lẽ Kitô giáo vô danh chỉ được thể hiện cụ thể nơi sự tồn tại của Kitô hữu vô danh; tương tự thế, Kitô giáo hiển danh cũng phải được thể hiện ra trên đời sống của các Kitô hữu hiển danh, mà đức tin của mỗi Kitô hữu đều có mục đích là diễn tả đức tin Kitô giáo cả.
c. Vấn đề về Vô danh và Hiển danh của các tôn giáo không phải Kitô giáo
Còn có một phê phán quan trọng khác, khi so sánh giữa Kitô hữu vô danh và Kitô hữu hiển danh, hay Kitô giáo vô danh và Kitô giáo hiển danh, là: vô danh và hiển danh khác nhau chỗ nào? Phải chăng điểm phân biệt nằm ở việc "ý thức"?
Chẳng lẽ môi trường trung gian của mầu nhiệm cứu độ nơi Ðức Giêsu Kitô không có sự khác biệt nào sao? Nhắc đến vấn đề này sẽ kéo theo hàng loạt câu hỏi khác nhau: mặc khải của Ðức Giêsu Kitô và mặc khải của các tôn giáo khác có sự khác biệt không? Dựa theo những khẳng định chân lý của Ðức Giêsu Kitô, phải chăng có thể biết được đức tin của một Kitô hữu chân chính là như thế nào? Tức là, mặc khải của Ðức Giêsu Kitô trong đời sống đức tin và trong đời sống ý thức là hoàn toàn không thể tách biệt.
Lý luận trên lại gặp phải một vấn nạn khác liên quan đến giáo hội. Nếu khẳng định đức tin của Kitô hữu vô danh là quan trọng, thì sự tồn tại của Giáo hội có ý nghĩa gì? Và sứ mạng truyền giáo của Giáo hội có thật sự cần thiết chăng? v.v... Những vấn nạn trên thật sự nan giải, song Rahner đã nỗ lực suy tư để giải quyết chúng theo những cấp độ khác nhau.
Trong các tác phẩm đời đầu, khi nói đến các Kitô hữu vô danh, quả thật lối phát biểu của Rahner có phần hàm hồ, nên thường gây ra hiểu lầm, thậm chí có người đã đặt mối tương quan giữa Kitô hữu vô danh và các tôn giáo khác ngang với chủ nghĩa vô danh không tưởng (ý thức hệ vô danh), và gọi nó là: chủ nghĩa Marxist vô danh.
Về sau, tư tưởng của Rahner được sắp xếp trật tự hơn theo tiến trình và cấp độ, đặc biệt trong tác phẩm cuối cùng Grundkurs des Glaubens (Tiến trình nền tảng của đức tin) đã hệ thống hóa những mảng rời rạc trước đây, và cắt bỏ khá nhiều những chỗ mơ hồ không rõ ràng. Trước tiên về quá trình sắp xếp tư tưởng, Rahner đi từ triết học đến thần học, dùng bản chất luận để luận bàn, ý nghĩa tương đối yếu, bởi vì bất kể chúng ta bắt đầu từ đâu, thì đều nên đi từ cái cụ thể tiến dần đến và kết hợp với cái toàn thể.
Tuy nhiên, với thần học tôn giáo, tư tưởng của Rahner rõ ràng có một trật tự tất yếu, nghĩa là chúng ta nên đi từ phạm trù đến nội dung nằm giữa siêu tính và siêu vượt, có như thế, mầu nhiệm giáng sinh làm người mới không bị giản lược hóa tính siêu vượt. Giả như chúng ta thật sự bắt đầu với lịch sử mặc khải, thì chỉ với đức tin Kitô hữu, chúng ta mới biết được Ðức Giêsu Kitô là Chúa Con, là Ðấng dẫn đưa chúng ta về với Thiên Chúa - căn nguyên của mặc khải.
Trật tự này đã được đặt trên giả thiết rằng về mối tương quan nền tảng giữa Giáo hội và nguồn gốc của Giáo hội, tức là khẳng định Thánh Kinh, Thánh Truyền và cộng đoàn đức tin là một tổng thể không thể chia tách. Và trong lòng Giáo hội, Ðức Giêsu Kitô hiện diện cách minh nhiên, và thông qua đức tin thể nghiệm của Giáo hội mà Ðức Giêsu Kitô dần dần được khám phá.
Tuy thế, mặc khải đã được ban cho nơi sứ mạng của Ðức Giêsu Kitô, nghĩa là mặc khải đã là một "thực tại hoàn bị" (closed reality). "Hoàn bị" có nghĩa là trong Ðức Giêsu Kitô đã có một sự mở ra với Thiên Chúa một cách trọn đầy không hề khuyết thiếu chi; "thực tại" nghĩa là bao hàm tất cả, chẳng loại trừ bất cứ thứ gì, vì Thiên Chúa bao tóm tật cả mọi tực tại. Do đó, thực tại này chỉ có thể là thực tại mang tính đời sau hoặc là một thực tại chung cuộc. Thế nên, thực tại Giáo hội hiện nay là đang hướng về thời viên mãn mai sau, tức là mang tính khai phóng.
d. Con đường trung dung của Kitô giáo vô danh
Như đã nói trên đây, chủ nghĩa bài ngoại đẩy Kitô giáo vô danh của Rahner về phiá chủ nghĩa đa nguyên, và coi ngài thuộc phái đa nguyên; ngược lại, những người theo chủ nghĩa đa nguyên lại nghĩ Rahner là kẻ hiện đại hóa chủ nghĩa bài ngoại. Bình tâm mà nói, những phê bình của họ có lẽ đều là hiểu lầm, vì lập trường của họ chỉ là chọn một trong hai mà thôi.
Song le, lập trường của Rahner lại là con đường trung dung
(còn tiếp)