Nhân Thần Hội Ngộ

Quan Ðiểm Thần Học của Karl Rahner

Nguyên bản tiếng Hoa của Linh Mục Giuse Vũ Kim Chính, SJ

Giuse Nguyễn Phước Bảo Ân, SJ chuyển dịch Việt ngữ từ bản tiếng Hoa

 


Chương 4

Con Người Và Huyền Nhiệm Hội Ngộ

 

Tiểu Dẫn

"Huyền nhiệm", theo tiếng Hy Lạp, muốn ám chỉ tới tôn giáo thần bí thời cổ và việc truyền trao đạo lý cho các thành viên mới. Kinh nghiệm thần bí này vừa mới mẻ vừa đặc biệt; mới mẻ vì không giống với những gì đã xảy ra trong lịch sử, đặc biệt vì nó là thứ kinh nghiệm hoàn toàn khác với thứ kinh nghiệm trong cuộc sống bình thường của con người. Không lâu sau, nghĩa gốc này được phát triển thành một quan điểm chung: huyền nhiệm là bờ bên kia của cuộc sống thường nhật này, là siêu vượt khỏi phạm vi của những gì thuộc thế tục. Do đó kinh nghiệm thần bí là thứ kinh nghiệm siêu nhiên, thậm chí là một thứ kinh nghiệm xuất thần (ecstacy), là thứ diễn ra đột ngột mà chẳng có liên quan gì đến cuộc sống bình thường của con người cả.

Rahner thấy những cách giải thích trên có một vài vấn đề: giả như huyền nhiệm và cuộc sống đời thường này có sự cách biệt, mà huyền nhiệm lại là kinh nghiệm cốt lõi của tôn giáo, thì kinh nghiệm tôn giáo có quan hệ gì đến kinh nghiệm đời thường đây? Vấn đề này muốn đề cập đến khả thể tính của mối tương quan giữa con người và "Thần". Rahner bàn rõ thêm: kinh nghiệm thần bí là điều mà con người ai cũng có, cho nên có thể "vun trồng", bởi tự mình con người đã là một huyền nhiệm rồi, là "Tinh thần trong thế giới", cũng là "Kẻ lắng nghe Lời". Nói khác đi, con người là loài hữu hạn luôn hướng mở ra với vô hạn.

Trên cơ sở đó, Rahner tán đồng: kinh nghiệm thần bí có nhiều cấp độ khác nhau, cho nên loại kinh nghiệm thần bí sâu xa tất nhiên sẽ không giống với kinh nghiệm đời thường được, đặc biệt là đối với những ai chưa từng biết phản tỉnh về cuộc sống thường nhật của họ. Tuy hai loại kinh nghiệm này "bất đồng", nhưng về căn bản thì lại đồng nhất ở chỗ: khả thể tính trong kinh nghiệm của con người, với xuất phát điểm là tồn tại ở đây (Dasein) rồi dần phát hiện ra mình là hữu thể (Sein).

Rahner khẳng định: con người là một huyền nhiệm, dù ít hay nhiều thì đều có khả thể tính cho kinh nghiệm thần bí cả, do đó con người trước là ý thức về sự tồn tại đặc biệt này của mình, sau là phát hiện ra rằng mình có khả năng tiếp xúc với Huyền nhiệm, rồi nhờ học tập mà biết làm thế nào để gặp gỡ Huyền nhiệm. Cho nên, Rahner đề xướng quan điểm "Giáo dục Huyền nhiệm" (Mystagogy). Như "Giáo dục nhi đồng " (pedagogy) là dành cho mọi người, đặc biệt sự giáo dục đó là như nhau cho mọi trẻ, thì "Giáo dục Huyền nhiệm" là môn học nhằm giúp con người gặp gỡ Huyền nhiệm. Nếu việc giáo hóa dựa trên khẳng quyết về năng lực thụ giáo của con người, nghĩa là con người muốn "thành nhân" tất phải thuận theo sự chỉ giáo, thì cũng vậy, Rahner cho rằng kinh nghiệm thần bí hướng về Thiên Chúa cũng là khả năng của con người, và cần phải được trải qua tiến trình huấn luyện.

Quan điểm "Giáo dục Huyền nhiệm" trở thành quan điểm chủ đạo của Rahner vào những năm 1960. Thật ra, danh từ này đã có nền tảng từ thời Giáo hội sơ khai: Plutarch (45 - 125) đã dùng danh từ này để nói về việc giảng giáo lý Kitô giáo cho người tân tòng ngay trước khi lãnh nhận nghi thức Rửa tội. Tiếp nữa, thánh giáo phụ Cyril thành Jerusalem (+ 386) cũng dùng rộng rãi thuật ngữ này, không chỉ trong nghi thức Rửa tội cho tân tòng, mà còn cho cả việc dạy giáo lý dự tòng nữa. Bất luận thế nào, dù là giảng hay dạy, trong hay trước khi Rửa tội, thứ giáo lý này đều nhấn đến căn cội Huyền nhiệm là điều có thể học tập và phát huy. Cho nên, việc giáo dục để tiếp xúc với Thần, ngoài việc hiểu biết giáo lý, còn đòi hỏi việc thực hành tinh tấn mới có thể thành tựu.

Chúng ta biết, thời kỳ đầu ở Innsbuck, Rahner có dịch và chú giải cuốn "Linh đạo của các Kitô hữu thời đầu", trong cuốn sách này, Rahner trước là làm rõ ý nghĩa, sau là đưa ra hệ thống cho việc tiếp cận với "Giáo dục Huyền nhiệm". Chúng ta có thể đoán rằng, Rahner đã bàn thảo với người anh, và qua thời gian, cả hai đã khẳng định rõ hơn rằng: "Huyền nhiệm" chính là biểu tượng cho sự sống chết tồn vong của Kitô giáo trong tương lai. Người anh Hugo Rahner là một vị Giáo sử nổi tiếng, và đặc biệt đã nghiên cứu các Giáo phụ rất đỗi tường tận. Trong cuốn sách "Thần thoại Hy Lạp dưới ánh sáng Ðức tin Kitô giáo" của mình, Hugo đã viết:

"Huyền nhiệm, đối với linh đạo Kitô giáo, là nền tảng của mọi nguyên khởi và là nhân tố đầu tiên của mọi biến động. Do đó, các Giáo phụ thời Cổ đã gọi giáo lý dự tòng là Mystagogische Katechetik. Ðây là điều cần được nghiên cứu kỹ lưỡng."

 

I. Nguồn Gốc Kinh Nghiệm Thần Bí Nơi Karl Rahner

Thần học của Rahner, về bản chất chính là một loại thần học thần bí. Ngài không chỉ rành rõi về các vị thầy thần bí nổi tiếng của Công giáo như: Bonaventura (1217 - 1274), Teresa Avila (1515 - 1582), Gioan Thánh giá (1542 - 1591)..., mà còn học tập, thể nghiệm kinh nghiệm Linh thao theo thánh tổ phụ Ignatius Loyola (1491 - 1556) nữa. Thế nên, một kinh nghiệm đức tin đầy năng động và nhiệt tâm là điều Rahner nhấn mạnh trước nhất trong việc nghiên cứu thần học. Ngài thừa nhận rằng rất nhiều tư tưởng thần học quan trọng của ngài đến từ kinh nghiệm Linh thao, rồi nhờ suy tư triết học và phương pháp thần học mà chúng được diễn đạt ra bên ngoài.

"Con người là một huyền nhiệm", lối diễn tả này của Rahner đã chịu sự ảnh hưởng của Erich Przywara và Heidegger; nhưng quan trọng hơn là, cả hai vị kia đều khẳng định rằng điều tối căn bản của niềm tin Kitô giáo là: Ân sủng. Do đó, "huyền nhiệm con người" của Rahner lại cho rằng nguồn gốc con người là một sự tổng hợp của đức tin, linh đạo và triết học. Dĩ nhiên, Rahner bắt đầu với kinh nghiệm của riêng mình, rồi sau dùng những công thức để diễn tả ra, nên thần học của ngài có thể nói là việc giải thích kinh nghiệm thần bí. Cho nên, Metz gọi thần học của Rahner là "một loại tự truyện (biography) siêu vượt, thực tồn; là cuốn tự truyện thần bí về kinh nghiệm tôn giáo, là lịch sử sống động của việc gặp gỡ một Thiên Chúa ẩn khuất."

Về cơ bản, Rahner đồng ý với lối nhìn của Origen (185 - 254): "Sự hiểu biết của mỗi người về Thiên Chúa, dù nhiều dù ít, đều mang tính huyền nhiệm trong đó, tuy chúng ta không đòi hỏi, nhưng bản chất của tri giác huyền nhiệm đã bao gồm trong đó rồi." Quan điểm này thật giống với kinh nghiệm mà thánh Ignatius đã nói: "Tìm Chúa trong mọi sự" (finding God in all things). Con người ý thức được sự tồn tại của mình ở đây (Dasein) không chỉ do tự nhiên mà còn do ân sủng, đó là sự tổng hợp những kinh nghiệm thần bí mà thánh Ignatius có được bên bờ sông Cardoner, rồi sau trở thành đề tài "Nguyên lý và nền tảng " (foundation and principle) trong Linh thao. Trong kinh nghiệm này, Thiên Chúa đã tự thông ban chính Ngài, còn con người thì tự nguyện thuận hợp theo Thánh Ý, nhân đó mà bao nhiêu tinh thần và trương lực như chủ động - bị động, bình tâm - tiến thủ... đều có thể được hòa giải trong việc nhận định thần loại, bởi vì điều con người chọn lựa rất vừa vặn với lời kêu gọi của Thiên Chúa.

Loại suy hữu thể (analogia entis) của Przywara và lập trường đối lập của Logic Thiên Chúa (Theo-logik) đã đẩy con người "vào trong" (in) thế giới, đồng thời siêu thoát khỏi một Thiên Chúa không thể thấu triệt (Deus incomprehensibilis), những tư tưởng trên đã làm nên lối nhìn của Rahner về "Tinh thần trong thế giới", và cũng biến tại hữu (Dasein) của Heidegger thành Ðấng Huyền nhiệm trong thế giới (Mystiker-in-der - Welt). Rahner đồng thuận với Heidegger rằng: lấy đời sống thường nhật của con người làm chất liệu cơ bản cho bản chất luận (fundamental ontology), và khẳng định khi con người dùng ngũ quan: nhìn ngắm, đi lại, ngủ nghỉ... để tiếp cận và chiêm ngắm Thiên Chúa thì ý thức của họ về Thiên Chúa sẽ thêm sâu xa.

 

II. Gốc rễ Của Việc Tương Ngộ Huyền Nhiệm

1. Nền tảng triết học nhân học

Tại hữu (Dasein), tinh thần trong thế giới (Spirit-in-the-world), là thực tại của con người, cũng là khởi điểm để con người có thể xây dựng mọi mối tương quan, đồng thời cũng là nơi để con người có thể phản tỉnh và khẳng định ý nghĩa của "tại hữu". Phân tích hàm ý của "tại hữu" chính là tinh thần của việc biết mình. Thứ tinh thần mà Rahner hiểu là lý trí được tự do khai phóng chính mình càng lúc càng rộng lớn hơn, viên mãn hơn. Trong mối tương quan với thế giới, thứ tinh thần này bắt đầu ý thức đến chính mình như là thứ hữu hạn của "tại hữu".

Sự cố định và sự mở ra là sự khác biệt đặc thù giữa con người và các hữu thể khác. Nói khác đi, bất cứ hoạt động nào của con người đều có thể tìm thấy một kết cấu căn bản, như các hệ thống triết học đã nói rõ: "mô thể - chất thể" (forma - materia) của Kinh viện, "suy tư - nội dung" của Kant, "tự ngã - phi ngã" của Fichte, "suy tư - sở tư" (noesis - noema) trong hiện tượng luận của Husserl... Tinh thần của con người vốn là thứ hoạt động, nhưng khi phản tỉnh về một đối tượng nào đó là nó đang tự giới hạn chính mình, nên chỉ qua những hoạt động trong cuộc sống, tinh thần mới có thể nhận biết chính mình.

Rahner dùng thông diễn thực tồn (existential hermeneutics) của Heidegger để phân tích kết cấu căn bản của việc "hỏi" (fragen). Hỏi phải ở trong một hoàn cảnh cụ thể mới có thể hiểu được vấn đề; như thế, việc hỏi bị đóng trong một khung nhất định và đối tượng của việc hỏi phải được cụ thể hóa (befragen), cho nên câu trả lời cũng phải cụ thể, và như thế sớm muộn gì cũng làm phát sinh ra câu hỏi mới (erfragen).

Rahner đã áp dụng điều này vào trong việc "quy hồi về Huyền nhiệm" (reductio in Mysterium). Việc hỏi được trình bày ở trên làm lộ ra ba thái độ đầy linh hoạt: con người có khả năng thắc mắc về Huyền nhiệm, bởi vì con người đã và đang sống trong Huyền nhiệm. Con người vốn dĩ là một câu đố (ẩn ngữ): hắn đứng giữa vô hạn và hữu hạn, dùng bao góc độ khác nhau trong những thời đại khác nhau để đặt câu hỏi: làm thế nào để con người có thể hiện hữu cách cụ thể thế này đây. Ðể trả lời câu hỏi đầy bế tắc ấy, dọc dài trong dòng lịch sử, đã sinh ra không biết bao nhiêu chủ nghĩa và ý thức hệ khác nhau, song cũng chỉ làm phát sinh thêm những câu hỏi mới về con người mà thôi. Do không đưa ra được ý nghĩa của sự tồn tại và đời sống của con người mà con người lại bị giam hãm trong nỗi bất an. Trong cuộc sinh tồn hữu hạn (từ lúc sinh ra đến lúc chết đi), làm sao để cuộc sống này không rơi vào hư không, và làm sao để hoàn thành một cuộc đời (geschick) huyền nhiệm đây? Thôi thì hãy lắng nghe Lời mạc khải mà quy hồi về Huyền nhiệm vậy.

Khi phản tỉnh về những kinh nghiệm của mình, con người phát hiện ra rằng chủ thể của mỗi kinh nghiệm kia đều có liên quan đến cái Tôi, và nhờ lượng giá mà tìm thấy ý nghĩa. Như thế, hành động chưa được nhận hiểu ở đây, nghĩa là chưa có được tính sáng rõ của tri thức, chính là việc phản tỉnh về hữu thể căn bản, là môi giới giữa vô hạn và hữu hạn của con người, là thứ hình thành nên toàn thể cuộc sống nhân sinh. Sự toàn thể này so với phạm vi của phản tỉnh thì rộng lớn và sâu xa hơn nhiều, bởi con người không thể diễn đạt hết mọi kinh nghiệm của mình. Không diễn đạt được, không phải vì không có cách thức hay vì năng lực giới hạn (như về mặt ngôn ngữ), mà chủ yếu là vì: dù cho con người có diễn đạt rõ ràng thế nào đi nữa, thì đều đặt cuộc sống "cố định lại", "đối tượng hóa" nó, và như thế là đã bỏ sức sống và những liên hệ căn cốt của cuộc sống sang một bên, và cũng là cắt đứt mối thông đạt giữa con người và Huyền nhiệm đi rồi.

Con người thiết đặt những điều kiện tri thức để phân biệt "khả tri" và "vô hạn bất khả tri", nhưng sau khi phân giới như vậy, con người cũng biết rằng bên ngoài những ranh giới đó còn có: "vật tự thân" (Kant) hay "huyền nhiệm" bất khả minh định (Wittgenstein). Vậy ra, những điều chúng ta có thể nói rõ, chỉ là một phần trong kinh nghiệm của chúng ta, và những gì chúng ta kinh nghiệm được cũng chỉ là một mẩu nhỏ của Huyền nhiệm độc nhất mà thôi. Ðể nên ý hợp tâm đầu với Huyền nhiệm, con người cần phải học cách lắng nghe mặc khải. Chung quy lại, căn bản của việc "Giáo dục Huyền nhiệm", theo Rahner, là việc chính Huyền nhiệm làm cho con người (huyền nhiệm hữu hạn) nhận ra họ có mối liên hệ với Thần (Huyền nhiệm vô hạn). Thế nên, con người càng siêu vượt chính mình thì càng hiện thực hóa chính mình; còn về phía Thần, vì muốn con người nghe được mình, nên Ngài đã diễn đạt chính Ngài cho họ ngay trong những điều kiện hữu hạn của họ: con người là nơi (locus) chung chia Huyền nhiệm Thần linh.

2. Nền tảng thần học nhân học

Nơi chung chia Huyền nhiệm, trong tư tưởng thần học thời đầu của Rahner, là "Thánh Tâm" (Sacred Heart), "Tâm" với con người là biểu tượng của "Tình Yêu", trái tim Chúa Giêsu là sự diễn tả cho mối dây tình yêu giữa nhân - Thần, là việc Thần đã dùng cách thức của con người để nói về tình yêu của Ngài, là Tình Yêu vô hạn đi vào trong thế giới này. Nơi xác thân huyền nhiệm của Chúa Giêsu Kitô, mối dây liên kết nhiệm mầu nhân - Thần được trở nên vẹn toàn, Ðấng Tuyệt Ðối Ðấng Tạo Hóa mặc khải được địa vị Thiên Chúa của mình, còn con người cũng được khôi phục lại huyền nhiệm thuở ban đầu là con cái Thiên Chúa.

Nói khác đi, với Rahner, "Thánh Tâm" là sự minh tỏ của Huyền nhiệm và là mấu chốt của việc học tập, bởi vì "tâm" là trung tâm nội tại của con người (từ "tâm" này mà con người chẻ đi nhiều hướng khác nhau, và từ tứ phương tám hướng lại có hành động "thu tâm" về lại), còn "Thánh Tâm" lại diễn tả nỗi khát vọng của Chúa Giêsu Kitô là làm sao để mối dây liên kết nhiệm mầu nhân - Thần được trở nên viên mãn. Do đó, trong Tình Yêu của Thánh Tâm, con người và Thiên Chúa gặp gỡ, và cũng nhờ Thánh Tâm, con người và con người cũng có thể tương thông với nhau đến mức triệt để.

Rahner dùng "Giáo dục Huyền nhiệm" để giải thích quá trình thành nhân của con người. Ngài hy vọng lối giáo dục này sẽ cải chánh lại hai quan điểm cực đoan sau: giải huyền (demythologization) và huyền bí. Theo cách hiểu truyền thống, huyền bí được đồng hóa với sự xuất thần (ecstacy), tức có quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, vì đã được "trực kiến Thiên Chúa " (visio beata). Rahner cho rằng đây là một định nghĩa đầy hạn hẹp về thần bí. Cụ thể, Michael Baius (1513 - 1589) đã bàn rằng thần bí là vấn đề được xuất phát từ mối tương quan giữa tự nhiên và ân sủng. Bất luận nhấn mạnh về bên nào là ta đều đã tách ân sủng và tự nhiên thành hai cực độc lập rồi. Vì thế, Rahner cũng thừa nhận thần bí bị đồng hóa với xuất thần là do lối nhìn này. Kỳ thực, ân sủng đâu chỉ là những hiện ân, mà còn có cả những thường ân (habitual) và siêu thăng ân (elevating), đó là chưa kể đến ơn được tạo dựng (created) và ơn chưa được tạo dựng (uncreated) nữa.

Tóm lại, tất cả hành vi của con người, như: nhận thức, chọn lựa, yêu thương đều được sinh ra bởi ân sủng, do đó, Rahner phản đối việc chia tách những ân huệ trong nội tâm với những ân huệ trong ngày sống; mặt khác, Rahner cũng không tán đồng với lối nhìn của chủ nghĩa nhân bản, khi việc gì cũng đòi hợp lý hóa, mà loại trừ đi kinh nghiệm thần bí của con người. Nơi Ðức Giêsu Kitô, nhân và Thần đã được thẩm thấu (perichoresis) trong nhau, nhờ thế con người đã lãnh nhận được ơn cứu độ phổ quát.

3. Trong đời sống thực tại thường nhật

a. Việc thực hành của người Kitô hữu

Mỗi ngày, con người có thể kết nối với Huyền nhiệm bằng nhiều cách thức khác nhau. Với các Kitô hữu, một cuộc đời luôn đặt niềm tin vào Thiên Chúa cũng đã là thần bí rồi, nghĩa là luôn nhận ra Thiên Chúa đang đồng hành cùng với mình. Như thế, họ có thể thể nghiệm được việc "mến Chúa" (phúc thay người có kinh nghiệm trực kiến Thiên Chúa) và "yêu người" (nhận ra Thiên Chúa đang ở trong những con người cụ thể, tức có "tính chính trị") là có liên hệ khắng khít với nhau, chứ không thể chia cắt cuộc sống của họ thành những cấp độ rời rạc khác nhau được. Do đó, "năm Phụng vụ" của Giáo hội, từ "Giáng sinh" đến "Phục sinh", từ ngày thường đến Chúa Nhật... đều hướng các Kitô hữu đến việc nghiệm ra rằng đời sống Phụng vụ hết sức tương hợp với chiều kích đức tin.

Rahner đặc biệt để tâm đến giới trẻ ngày nay, và rất nhẫn nại trả lời mọi câu hỏi về đức tin mà họ gặp phải trong đời sống thường nhật. Ví dụ, Norbert hỏi: hạnh phúc của con người cuối cùng là gì? Norbert thuật lại quá khứ đời mình rằng, nhìn từ bên ngoài cuộc sống của anh thật "tuyệt vời và hạnh phúc", nhưng kỳ thực, anh nhận ra mình "chẳng là ai cả" (nobody), song dù "chẳng là ai cả" nhưng anh vẫn muốn khẳng định cái Tôi của mình, anh thử nhiều cách nhưng càng thử càng thất bại, vì cứ "phạm" những lỗi lầm tương tự, thậm chí anh đã bỏ nhà ra đi và rơi vào nghiện ngập.

Ðóng vai một người bạn, Rahner ân cần viết thư trả lời cho Norbert. Một mặt, ngài tự nhận mình không phải là một nhà tâm lý, cũng chẳng phải là nhà giáo dục cho thanh niên; mặt khác, Rahner lại hết sức khen ngợi ước mong thay đổi cuộc đời của Norbert, dù hoàn cảnh hiện tại có thể không thật lý tưởng, nhưng anh vẫn có một tương lai tràn đầy hy vọng. Tiếp đó, Rahner mới nói với anh rằng, anh đã quá lý tưởng về hạnh phúc con người: "Bạn đã kỳ vọng quá nhiều vào hạnh phúc! Do đó mà bạn cứ thất vọng hoài, bởi xã hội trước mắt đâu thể nào lấp đầy bạn được. Song có lẽ điều đúng mà bạn nên theo là ý thức rằng: thế giới này là hữu hạn, và không thể lấp đầy khát vọng vô hạn của con người."

Rahner đề nghị Norbert, trước tiên hãy khám phá ra những nét ấm áp và tràn đầy trong ngày sống của bạn, như: được ở trong nhà ấm cúng dưới trời đông tiết giá với ba mẹ, anh chị em, được hưởng niềm vui của gia đình..., hãy đừng xem tất cả những thứ đó là "chuyện đương nhiên", nhưng là một món quà tình yêu. Vậy hạnh phúc của con người là ở đâu? Rahner trả lời rằng "Tôi không biết". Bởi hạnh phúc đối với ngài mà nói, là chính Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thì không thể nào nắm bắt hoàn toàn được, vì Ngài là Huyền nhiệm mà.

Tắt một lời, với câu chuyện về Norbert trên, Rahner cho thấy con người có một khát vọng vô hạn trong việc truy tìm hạnh phúc, nhưng trong cuộc sống hữu hạn thường nhật này chẳng thể nào tìm thấy được; mặt khác, Rahner cũng cho rằng con người quá dễ để cho những ngẫu tượng và những hạnh phúc nhất thời lèo lái họ, nên họ cứ mãi rơi vào nỗi thất vọng.

b. Ý thức sâu xa trong mọi hoạt động của đời sống thường nhật

Trong cuốn cẩm nang Alltaegliche Dinge (Những điều thường nhật), Rahner đã gợi lên những ý nghĩa thần học sâu sắc, nhờ nhìn ngắm những hoạt động không thể tách rời khỏi nhân tính con người, như: công việc, đi, ngồi, nhìn, cười, ăn, ngủ... Thoạt tiên, ngài đồng tình với thi sĩ Rilke rằng: "Nếu bạn cảm nếm được hương vị của cuộc sống thường ngày, thì bạn sẽ thôi càm ràm, thôi tự trách mình đã không đủ kiên cường, nhưng sẽ nhận ra cuộc sống này ôi thật phong phú."

Nhưng làm sao để làm được điều trên đây? Rahner nói, đầu tiên bạn đừng nên lý tưởng hóa cuộc sống, như thể ngày thường trong nháy mắt biến thành ngày nghỉ vậy; chỉ có một thứ thực chất mà bạn phải luôn bảo tồn là trí tuệ; song mặt khác, đời sống thường nhật cũng mang lấy trong nó những lớp căn nguyên sâu xa, bởi Thiên Chúa luôn ban cho con người lòng kiên định để làm người tốt, nhờ lòng Tin - Cậy - Mến mà con người có thể nhìn ra được rằng những việc nhỏ mọn cũng nằm trong một kế hoạch tổng thể nhiệm mầu: đời sống thường ngày như giọt nước phản chiếu trọn cả bầu trời, như sứ giả của thứ thực chất vô hạn, như chứng nhân của những điều chưa tới.

Theo đó, ngày thường và ngày nghỉ bổ sung hỗ tương cho nhau tạo nên trọn cả đời sống này: ngày nghỉ là lúc ta dành thời gian để chiêm ngắm ý nghĩa ẩn sau những hoạt động ngày thường; và ngược lại, luôn hướng nhìn về lý tưởng của cả cuộc đời trong từng hoạt động. "Bởi việc nhỏ là vật đảm bảo cho việc lớn và thời gian sẽ làm nên vĩnh cửu."

"Công việc" là nội dung đặc nét nhất của ngày sống: dù có ca ngợi công việc thế nào đi nữa, thì công việc cũng là thứ lao nhọc và mệt mỏi, nhưng cũng không thiếu sự khích lệ nhờ những thành công. Theo Rahner, ý nghĩa thần học của công việc là như sau: công việc tuy là thứ thừa thãi của nhân tính, nhưng qua sự "thánh hóa" của Thiên Chúa, công việc lại được đặt trong sự hòa giải (như: tự do - quy luật, thể xác - tinh thần, nội tại - ngoại tại,...) để trở thành thứ lựa chọn của siêu vượt. Tương tự thế, ta cũng sẽ có lời giải đáp cho những hiện tượng tiêu cực như sự chết và tội lỗi: bởi Chúa Kitô cũng phải trải qua khổ nạn và cái chết mới thắng được sự chết và tội lỗi, mới mang lại cho con người sự phục sinh và đời sống viên mãn.

Với những hoạt động khác trong ngày sống, Rahner đề xướng ý nghĩa thần học như sau: "đi lại" là thái độ con người muốn tìm tới mục đích. Khi bị tàn phế, con người mới nghiệm được đi lại là cả một ân huệ. Khi đi lại, con người là kẻ hành hương, tức là người chưa tới đích. "Ngồi xuống" là lúc con người nghỉ ngơi, là thái độ nhẫn nại, là biểu tượng cho sự an nghỉ, vì đã đi được một quãng đường thật xa rồi. Cho nên, động và tĩnh trong đời sống con người là sự bổ túc cho nhau.

Còn "nhìn ngắm" là giác quan giúp con người tiếp cận với thế giới bên ngoài và với ngày sống: nó diễn tả "góc nhìn", hay "thế giới quan" của con người... "Cười" và "khóc" diễn tả những phản ứng trái chiều của con người trong khi họ cảm thụ cuộc sống thường nhật, có lúc cười đau khổ như khi bị sỉ nhục, có lúc cười vui vẻ như khi được chúc phúc...

Chung quy lại, trong đời sống thường ngày, con người có thể kinh nghiệm được sự thúc đẩy của "Thần tính" (Geistigkeit), cũng là kinh nghiệm về "siêu vượt tính", đây chính là sự tiếp xúc với "Thần". Ðó cũng là điều chúng ta sẽ quảng diễn tiếp sau đây.

 

III. Chiêm Niệm

"Thần" là Huyền nhiệm trọn vẹn, do đó kinh nghiệm của con người về "Thần" không giống như thứ kinh nghiệm mà con người có được với cái cây hay hòn đá... Vả lại, con người có thể tiếp xúc hết lần này đến lần khác với tất cả các sự vật trong không gian và thời gian, và những sự vật cũng có thể gợi lên cho con người những chủ đề đa đạng khác nhau. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với Thần, con người đụng ngay Huyền nhiệm, bởi Ngài là thứ nhìn chẳng thấy, nghe chẳng được, nhưng dù sao con người vẫn thường được nhắc nhở rằng: Ngài tồn tại.

Tất cả những luận cứ chứng minh cho sự tồn tại của Thần đều nói lên nỗ lực tìm kiếm Thần của con người, song vẫn đề vẫn còn đó, bởi tất cả những chứng cứ kia đều không thể lấp đầy tình yêu mà con người dành cho Thần. Bất luận phản đối hay khẳng định về sự tồn tại của Thần, những luận chứng kia đều là hoạt động tinh thần của con người cả.

Ngay sau đó, Rahner đặc biệt chìm sâu vào việc chiêm ngắm "Thần" (Gott). "Thần" là một hạn từ đã cùng tồn tại trong dọc dài lịch sử loài người, đó là một sự thực. Thế mà ngày nay lại có những kẻ lớn tiếng phản đối rằng "Thần" chỉ là một lời tiên báo: Thần đã dần dần đánh mất ý nghĩa tồn tại của Ngài rồi. Với Rahner, đây chẳng phải là một "tin mới", bởi suốt chiều dài lịch sử của con người đã có không ít tiếng cổ xúy cho "vô Thần luận". Lạ lùng thay, những tư tưởng gia kia tưởng rằng họ đang phản đối tôn giáo nhưng thật ra lại là đang hộ giáo, bởi họ luôn quan tâm làm sáng rõ chân tướng hay giả tướng của "Thần". Họ cổ vũ cho hiện tượng xa lánh Thần, cực lực phê phán thái độ ý thức về "Thần", quyết tâm phá bỏ những tổ chức tôn giáo theo giả Thần... Những điều đó chẳng phải là đang giúp gạn lọc mối tương quan giữa con người và Thần thêm tinh trong đó sao?

Tuy nhiên, Rahner cũng không loại đi khả năng có một "nhà vô thần" chân chính: nếu có một vị thật sự muốn loại bỏ Thần, triệt để đến độ muốn gạt luôn cả chữ "Thần" ra khỏi xã hội, văn hóa, lịch sử, và tương lai, thì kết quả sẽ ra sao nhỉ? Hậu quả trực tiếp nhất sẽ là: vị ấy đích thực chẳng phải là nhà vô thần. Bởi thực tế, ngài ta sẽ chẳng có quan niệm nào khác để thay thế cho "Thần", và cũng chẳng có được lối nhìn cởi mở nào khác để dẫn lối cho những vấn đề phát sinh sau khi đã bỏ "Thần", theo đó, việc tra hỏi sẽ chẳng còn ý nghĩa gì cả, và thế là con người cũng chẳng cần nhọc công tìm câu trả lời. Từ đó, con người sẽ chẳng còn chút hứng thú gì với bất kỳ một chân lý nào nữa. Cuộc sống sẽ trở nên dửng dưng (indifferent), tôi ra sao cũng chẳng việc gì, tha nhân ra sao cũng chả việc chi, tất cả đều rặt một sự vô tâm. Ðời người giờ chỉ còn là việc sống cho qua ngày đoạn tháng, mà chẳng cần phải ý thức đến việc liệu tôi có bị tha nhân, sự vật, sự việc khống chế hay thao túng không. Tắt một lời, con người lúc này đã quên mất mình là thứ linh thiêng nhất giữa vạn vật, là tinh thần có thể phản tỉnh, có khả năng yêu thương chính mình và người khác. May thay, thái độ vô thần hiện đại này chưa có hồi kết, và vẫn còn đang bị chất vấn. Bởi vì một khi tâm rơi vào trạng thái bất an, con người sẽ thức tỉnh.

Nhưng đâu phải khi nào có từ "Thần" thì Thần mới tồn tại; ngay khi con người cật lực phản đối "Thần " nhưng vẫn đang truy tìm lý tưởng, thì Thần đang ở đó; khi con người chẳng khép kín chân trời (horizon) của mình và đang tra hỏi một vấn đề, dù cho vấn đề kia chẳng liên quan gì đến Thần, thì Thần chính là ẩn đề của vấn đề đó rồi.

Tóm lại, ý nghĩa của từ "Thần" không bị giới định trong những ý tưởng được ghi trong từ điển, nên con người không thể nắm bắt hay thấu triệt Ngài, vì Ngài luôn là Huyền nhiệm mà con người cố tiếp cận; mặt khác, từ "Thần" cũng thường bị các từ khác gây khó dễ, bị các quan điểm khác hiểu lầm, loại trừ, thậm chí khống chế, lúc đó "Thần " sẽ ẩn mình đi, chẳng nghe thấy âm thanh chẳng để lại hình bóng. Con người nếu muốn gặp Ngài thì phải có được một mức độ chiêm niệm nào đó mới có thể đi vào Huyền nhiệm thâm sâu của Ngài.

 

IV. Tương Phùng Trong Tĩnh Lặng

Con người đi vào trong sự tĩnh mặc là một kinh nghiệm mang tính thánh thiêng, là kinh nghiệm tôn giáo ban sơ nhất. Dẫu cho phải "run rẩy" (tremendum) hay bị "mê hoặc" (fascinans), thì con người cũng đã "tự nhiên" nhảy vào lãnh địa của sự thánh thiêng rồi.

Theo Rahner, không nên so sánh kinh nghiệm thần bí (theo nghĩa thường dùng) với đức tin "cao cấp", vì kinh nghiệm thần bí cũng chỉ là một trong những kinh nghiệm đức tin mà thôi. Nhiều lúc nhờ một vài điều kiện thuận lợi hợp lại như tĩnh tọa, nội tâm tĩnh mặc, cái tôi tan biến... đã giúp con người tiến vào kinh nghiệm đặc biệt này. Nhưng đừng vì cho rằng mình đã hiểu được cách thức cùng những yếu tố "tự nhiên" của kinh nghiệm thần bí mà hạ giá nó, ngược lại nên khẳng định rằng Thiên Chúa có thể làm cho năng lực tinh thần bình thường nhất của mọi người đạt được kinh nghiệm thần bí, Ngài đã dùng ân sủng của Ngài để thông truyền trực tiếp cho người đó. Ðiều quan trọng là: dẫu có những yếu tố thuộc hoàn cảnh tự nhiên, nhưng ai có kinh nghiệm thần bí nên ý thức được rằng Thiên Chúa đang thông truyền chính Ngài cho họ.

Rahner đưa ra một ví dụ: một người nọ tìm ra được cách thức để Thiên Chúa trực tiếp thông truyền chính Ngài cho ông, bằng việc ông phải hy sinh bữa ăn hằng ngày của ông để cho một kẻ hành khất, cho dù ông phải chịu đói khát. Việc cho người nghèo ăn uống là điều tự nhiên, nhưng trong trường hợp cụ thể của ông, nó là vì mục đích để đạt được kinh nghiệm đức tin khi cảm nghiệm được tình yêu đặc biệt của Thiên Chúa. Cũng vậy, những thứ như tĩnh tọa, nội tâm tĩnh mặc, cái tôi tan biến... cũng là để kinh nghiệm được Thiên Chúa đang thông truyền chính Ngài cho mình.

Bất kỳ một cuộc gặp gỡ trong tĩnh mặc nào cũng đều có một hoàn cảnh sống riêng (Sitz im Leben) của nó. Rahner tôn trọng hết thảy những cách thức và kỹ thuật của cuộc gặp gỡ trong tĩnh mặc này nơi các tôn giáo lớn khác. Do đó khi thảo luận hoặc giải thích về kinh nghiệm thần bí, Rahner không chỉ dùng quan điểm của Kitô giáo mà còn sử dụng quan điểm của các tôn giáo khác. Như những điều đã được thánh Augustin ghi lại trong cuốn "Tự Thú", hoặc trong cuốn "Tương phùng trong tĩnh mặc", nói về việc toàn thể con người cùng bước vào cuộc hội ngộ với Thần. Theo đó, lúc đang gặp gỡ Thần, thánh Augustin nhận ra: Thần ở trong cuộc sống của tôi, Thần ở trong Ðức Giêsu Kitô của tôi, Thần ở trong lời cầu nguyện của tôi, Thần ở trong trí tuệ của tôi, Thần ở trong pháp luật của tôi, Thần ở trong cuộc sống thường nhật của tôi, Thần ở trong sức sống của tôi, Thần ở trong anh em của tôi, Thần ở trong ơn gọi của tôi, và Thần ở trong tương lai của tôi.

Rahner cho rằng "tĩnh mặc" là "Ngài" (ở ngôi thứ ba) của Huyền nhiệm, là Thiên Chúa của Cựu Ước và Tân Ước, là Một Chúa Ba Ngôi của truyền thống. "Ngài đã an bài tất cả, kể cả trong mơ con cũng chẳng dám nghĩ rằng: con dám ngưỡng mộ 'Ngài', diện kiến 'Ngài', yêu sự sống của 'Ngài', trong 'Ngài' con xóa tan chính bản ngã của mình." Một sự gặp gỡ như thế sẽ kéo dài lối nhìn thần bí của con người, sẽ giúp con người tiếp tục tương phùng vô hạn trong những gì hữu hạn này. Thế là, vùng đen thẳm sâu của "kẻ thần bí", nhờ sự thông truyền và mặc khải của Tình Yêu đã biến thành suối nguồn ngọt ngào, nhờ ánh diệu quang soi chiếu mà những tra hỏi của anh có được câu trả lời, nhờ đức tin mà anh tràn trề hy vọng.

Con người tiếp cận Huyền nhiệm của Thần, nhưng liệu họ thấu đạt được bao nhiêu về Thần? Với triết học, câu hỏi này mãi là một vấn đề đầy mê hoặc. Thay đổi cách tiếp cận, Rahner dựa vào thái độ lắng nghe Thần trong cầu nguyện để giải thích rằng:

"Xin đừng hỏi tôi rằng 'Ngài' như thế nào, cũng đừng muốn tôi chỉ ra sự vô hạn của 'Ngài'; mặc dù 'Ngài' đã biểu lộ 'Ngài' yêu tôi, 'Ngài' rất nhân từ với tôi. Xin cũng đừng dùng những ngôn ngữ cao sâu để mô tả về tình yêu, sự công bằng, và quyền uy vô cùng của 'Ngài'. Nhưng hãy dùng thứ ngôn ngữ loài người mà tôi có thể hiểu được mà diễn tả, để tôi khỏi phải sợ hãi và mãi thấp thỏm nghi hoặc rằng: 'Ngài', ngoài lòng thương xót ra, còn ẩn chứa những mỹ vị nào nữa đây."

Như Heidegger về sau có giải thích về "suy tư" (Denken) rằng: con người phải có sự chuẩn bị tốt, có sự chờ đợi tư tưởng, thì khi linh cảm đến, con người mới có thể bắt gặp được. Cũng thế, Rahner cũng nói về việc tiếp xúc với Huyền nhiệm rằng, bên cạnh việc con người có thái độ chú tâm đến Thần, thì đức tin chính là phương thế để Thần và con người đối thoại với nhau. Trong niềm tin Kitô giáo, sự hội nhất nhân - Thần chính là nơi con người Ðức Giêsu Kitô. Nơi Hữu Thể Huyền Nhiệm của Người, huyền nhiệm con người được giải mã, con đường để nhân - Thần tương phùng được kết nối, nhờ tin cậy vào Ðức Kitô mà con người có thể "nhảy vào" (leap in) tĩnh mặc, và bước nhảy này nếu không đặt nền (Urgrund) trên kinh nghiệm thâm sâu (Abgrund) thì sẽ không xảy ra. Nói rõ hơn, nhờ chiêm ngắm hành động và lời nói đầy yêu thương của Ðức Kitô, con người có thể học tập, hiểu biết, và bước theo Ngài. Ngài (Ðức Giêsu Kitô) dùng ngôn ngữ loài người mà nói, dùng cách diễn đạt của đức ái mà kéo con người ra khỏi những nỗi sợ hãi. Bởi vì Ðức Giêsu Kitô nói cho chúng ta biết 'Ngài' yêu chúng ta, nên trong Ðức Giêsu Kitô 'Ngài' yêu chúng ta, với cảm nhận thông thường của con người, câu nói này chỉ có nghĩa là lời chúc phúc. Trong niềm tin vào Ðức Giêsu Kitô, mà lời cầu nguyện, sự hiểu biết, sự tự do của các tín hữu có cơ sở để phân biệt thật - giả; ngay cả những hiểu biết của các tín hữu trong đời sống thường nhật về: luật lệ, sống chết, tương quan với tha nhân, ơn gọi cá nhân..., Thiên Chúa Huyền Nhiệm sẽ biến thành 'Ngài' để đồng hành và trò chuyện với con người. Lúc này, việc phân biệt thần loại trở thành một quá trình vô cùng quan trọng đối với con đường tâm linh, bởi nhờ phân định mà con người nhận ra đâu là sức sống đích thực giúp ta gặp gỡ Thiên Chúa.

 

V. Cấu Trúc Của Kinh Nghiệm Thần Bí

Ðể hiểu rõ kinh nghiệm thần bí, trước nhất chúng ta phải xét xem thực tại kinh nghiệm là gì, sau là hiểu được ý nghĩa của kinh nghiệm, và cuối cùng mới đưa ra được một lý luận tổng hợp.

1. Về kinh nghiệm thần bí

Kinh nghiệm thần bí thì ai cũng có. Tức là khi ta mở rộng chính mình để gặp gỡ Thần. Song kinh nghiệm thần bí lại có nhiều mức độ khác nhau, từ cấp độ giản dị nhất của đời sống thường nhật đến cấp độ cao nhất của việc xuất thần hồn lìa khỏi xác, thông qua sự chuẩn bị mà con người có thể đi vào kinh nghiệm thần bí dễ dàng hơn. Rahner tuy không phủ nhận sự giúp ích của các kỹ thuật, nhưng ngài cho rằng thân xác và tâm trí con người cần học tập theo điều kiện tự nhiên, như việc học tập để có kiến thức vậy. Chủ yếu nhất vẫn là làm sao để con người gặp gỡ "Thần", nên Rahner cho rằng hành động mà con người cần có là sự tin tưởng, lòng trông cậy, lòng yêu mến, niềm hy vọng và cả sự kính sợ nữa. Những tâm thế trên mới làm cho đời sống con người và Thần phát sinh tương quan, nhờ đó mà ý nghĩa cuộc đời mới ít nhiều được tỏ lộ.

Còn về mối tương quan giữa con người và Thần, Rahner nghĩ rằng thái độ quan trọng nhất là "cầu nguyện", vậy ra, cầu nguyện chính là kinh nghiệm thần bí căn bản nhất của con người. Theo đó, ta biết được quan điểm của Rahner về ý nghĩa của cầu nguyện là rất rộng, gần như là thái độ siêu vượt. Vậy có thể nói, những hành động liên quan đến cầu nguyện mới là ý nghĩa của cuộc sống. Như thế, Rahner coi những hoạt động trong đời sống thường nhật của bao con người bình thường như: làm việc, đi lại, cười, nhìn, nghe... và những giai đoạn đời người: nhi đồng, già lão, bệnh tật... đều là những chủ đề cho việc suy tư thần học của ngài. Hoặc khi nói chuyện với học sinh, ngài lại biến những kinh nghiệm phổ biến của các bạn trẻ như: phát hiện, ngạc nhiên, say đắm... thành lời giáo huấn tôn giáo và thành con đường chủ yếu để có được cuộc gặp gỡ huyền nhiệm. Trước những điều như thế, chúng ta đừng nên ngạc nhiên. Tóm lại, kinh nghiệm mở ra của con người tự nó đã là thần bí rồi, và đó cũng chính là xuất phát điểm của nhận thức.

2. Nhận thức về kinh nghiệm thần bí

Ðể nhận thức được về huyền nhiệm cần có kinh nghiệm thần bí. Thật thế, rất nhiều kinh nghiệm thần bí của con người đã bị trôi tuột đi mất, do ý thức của con người chưa kịp lưu giữ lại, hoặc do chưa qua phản tỉnh nên con người chưa ý thức được những kinh nghiệm thần bí mà trên thực tế mình đã trải qua. Ðiều này hết sức quan trọng, vì rất nhiều người cho rằng mình "không có" kinh nghiệm thần bí.

Rahner đưa ra một quan điểm căn bản khác là: "Chẳng một ai có thể diễn đạt cách hoàn toàn về trọn cả cuộc sống của mình, về những chọn lựa căn bản của mình; thực tại cuộc sống nhờ qua phản tỉnh, hoặc qua việc chia sẻ với tha nhân mà càng trở nên sâu xa và phong phú hơn." Rahner gọi cấp độ ý thức này là "phản tỉnh cấp một". Với Rahner, sự ý thức về kinh nghiệm thần bí là điều quan trọng nhất, bởi vì ý thức có thể bảo lưu, vì ý thức cho con người biết được mình là một huyền nhiệm hữu hạn; đồng thời con người cũng nhận rõ sự giới hạn của ngôn ngữ trong việc biểu đạt, đến nỗi làm cho kinh nghiệm thần bí không cách gì tự hiển lộ ra được, chẳng trách, Wittgenstein thời đầu tuy chủ trương phải diễn đạt song lại không thể, nên ông đành im lặng.

3. Lý giải về kinh nghiệm thần bí

Nhận thức về kinh nghiệm thần bí thật ra là việc lấy ngôn ngữ để chụp bắt kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm lại là thứ dữ kiện "phi khoa học", hay nói đúng hơn, muốn thảo luận, lý giải hay xử lý, thì kinh nghiệm buộc phải có khoa học tính. Công việc chú giải của khoa học được gọi là "phản tỉnh cấp hai", và công việc này đòi hỏi phải có các tiêu chuẩn. Rahner cho rằng, ở mức độ này, tuy rất cần một thái độ và phương pháp khoa học cao để xử lý, so sánh, tổng hợp, nhưng chỗ đứng căn cơ cuối cùng vẫn là đức tin. Mức độ "phản tỉnh cấp hai" này cũng là nhiệm vụ của thần học, như cách nói của Rahner trong khi bàn về "Kitô hữu vô danh".

Chung quy lại, kinh nghiệm thần bí là hoạt động thứ nhất, dùng quan niệm để nhận thức nó là hoạt động thứ hai, mà hoạt động này thường là đã chậm nửa nhịp, và cũng chẳng thể diễn đạt trọn vẹn những điều đã phản tỉnh về kinh nghiệm thần bí kia. Khi tiến hành hoạt động thứ hai để lý giải huyền nhiệm thì cũng là lúc lộ ra căn nguyên của vấn đề chính là đức tin, và hệ thống những danh xưng, như: Thiên Chúa, Phật tính, Ðạo... Những điều trên cũng cho thấy mối tương quan giữa việc thể nghiệm, phản tỉnh và lý giải.

Khi bàn về kinh nghiệm thần bí và cấu trúc của nó theo Rahner như trên đây, chúng ta lại phát hiện ra một thứ trương lực giữa trạng thái động và tĩnh. Tiếp đến, việc lý giải về cấu trúc của kinh nghiệm thần bí lại giúp chúng ta nhận ra được sức năng động, sức năng động này chính là yếu tố đầu tiên. Như thế, cấu trúc căn bản của kinh nghiệm thần bí phải gồm ba lớp, mà lớp nền chung nhất là sức năng động hay động lực thúc đẩy, hình thành, liên kết, và biện phân tính thật - giả của kinh nghiệm thần bí. Trong ngôn ngữ của Kitô giáo, sức năng động kia chính là sự hướng dẫn của Thánh Thần; còn theo ngôn ngữ triết học, đó là " trực giác " (intuition).

 

VI. Rahner Bàn Về "Giáo Dục Huyền Nhiệm"

Lối giải thích về huyền nhiệm của Rahner là độc nhất vô nhị, do đó lập trường thần học bảo thủ trước giờ vẫn còn phê bình ngài. Thế nên, trước hết chúng ta thử lược qua cuộc đàm luận giữa họ và Rahner về vấn đề này:

(1) Có một vài nhà thần học, như Hans Kueng (1928 -), cho rằng Rahner chỉ dùng thần bí học để giảng dạy, hầu củng cố và bảo vệ nền tín lý của Giáo hội Công giáo Rôma mà thôi.

Lời phê bình này thật ra đã bỏ qua quan điểm trọng tâm của Rahner về việc con người có thể thể nghiệm huyền nhiệm ngay trong cuộc sống thường nhật. Trên thực tế, Rahner thời trẻ hay về già, đều luôn giữ được sự nhiệt tình và hứng thú với các kinh nghiệm tôn giáo; với ngài kinh nghiệm tôn giáo chỉ là một, chỉ có cách thức diễn đạt và góc nhìn khác nhau mà thôi. "Tinh thần trong thế giới" (Geist in Welt) của thời trẻ và "Kẻ lắng nghe Lời" (Hoerer des Wortes) đều chịu ảnh hưởng của triết học; nhưng về sau Rahner nhấn mạnh nhiều hơn đến thần học.

(2) Có một vài nhà thần học cho rằng Rahner đã dùng quan điểm thần học lấy con người là trung tâm (anthropocentric), một số khác lại cho rằng Rahner đã bị Tin Lành hóa khi rơi vào nguy cơ của chủ nghĩa nhân bản đơn thuần (reductionistic), nên đã bỏ đi sự quan trọng đặc biệt của mặc khải.

Thật ra, Rahner chỉ chọn con người làm xuất phát điểm cho phương pháp luận của mình, rồi sau đó ngài lại dựa trên nền tảng của phái Tôma (Thomistic) là "Tinh thần trong thế giới" và triết học siêu nghiệm để phát triển. Cách làm này của Rahner được ngài nói rõ: thần học tín lý ngày nay phải là thần học nhân học. Rahner cho rằng việc phê bình ngài là người theo chủ nghĩa nhân bản đơn thuần (reductionism) rõ ràng là có nguyên nhân, bởi vì họ đã đóng khuôn con người trong trạng thái tĩnh của hữu hạn, đã chia ân sủng thành hai khối rõ ràng là tự nhiên và siêu nhiên.... Song Rahner không hề phản đối những phương pháp này, vì điều chủ yếu với ngài là con người luôn sống trong trạng thái động, dù vẫn ở trong những phạm trù trên. Cho nên, kinh nghiệm thần bí của con người, nói theo đức tin Kitô giáo, là điều kiện tất yếu, và không ai có thể thay thế được.

U. Browarzik đã giải thích về mục đích của thần học siêu nghiệm theo Rahner là: vì muốn chứng minh "vì biết nên tôi tin" (credo ut intelligam) (thánh Anselm, 1033 - 1109), mà phản đối "vì không hợp lý nên tôi tin" (credo quia absurdum) (Tertullian, 160 - 220). Thứ lập trường đơn giản hóa quá mức này chỉ càng làm hiện rõ hơn tính năng động trong thần học của Rahner mà thôi, bởi trong suy tư của Rahner, hợp lý và bất hợp lý không hề đối lập với nhau, nhưng cả hai cùng có mặt trong quá trình tìm về Huyền nhiệm của con người. Ðương nhiên, trong tư tưởng thần học của mình, khi so sánh kinh nghiệm thần bí cách chung với kinh nghiệm thần bí của các Kitô hữu, Rahner có nhấn mạnh đến sự phân biệt giữa hiển đề (thematic) và ẩn đề, song điều khác biệt quan trọng hơn chính là mặc khải.

(3) Có nhiều vị trong giới thần học gia đã phê bình rằng điểm tựa của Rahner là cá nhân hóa cách thái quá, rằng ngài đã quá vội vàng ghép ơn cứu độ với Huyền Nhiệm Tuyệt Ðối, và như thế đã bỏ qua sự mở ra của thế giới loài người.

Kỳ thực, từ xuất phát điểm của Rahner, chúng ta đã có thể nhận ra lối suy tư theo quan niệm Ðức quốc và lối phân tích về hữu thể tại đây của Heidegger, vì vậy so với kinh nghiệm thần học nghiêng về xã hội hóa và chính trị hóa của thời hiện đại, tư tưởng của Rahner ắt có nhiều điểm bất đồng. Với lời phê bình trên, Rahner đưa ra hai đề nghị: Thứ nhất, để hiểu về một nhà tư tưởng, ta không thể bị nhốt trong một tác phẩm nào đó được, do đó "Tinh thần trong thế giới" và "Kẻ lắng nghe Lời" chỉ là quan điểm thời đầu của Rahner, và chúng không phải là một "hệ thống" đã bị đóng khung. Thứ hai, con người luôn mở ra với Ðấng Tuyệt Ðối, mà Ðấng Tuyệt Ðối lại ôm trọn tất cả những gì là tương đối, vậy chẳng lẽ còn một lãnh vực hữu hạn nào lại không thể mở ra được chăng? Cho nên, tuy về sau Rahner nghiên cứu những vấn đề thiên nhiều hơn về xã hội tính, cộng đoàn tính, nhưng tuyệt không tách biệt với thời đầu, song là theo hướng mở rộng cụ thể đối với xã hội và lịch sử.

Về kinh nghiệm thần bí, dù cho của cá nhân hay của cộng đoàn, đều là những kinh nghiệm vô cùng phong phú chứ không hề cố định, Rahner chẳng thiên về bên nào cả. Rahner nói:

"Nhân ái với tha nhân là hành động cơ bản của con người; hành động ấy bao gồm trong nó tất cả mọi hướng độ, chuẩn tắc và ý nghĩa... Hành động đạo đức (hoặc phi đạo đức) căn bản của con người sẽ quy định chính loại người của họ, và cũng quyết định tương quan giữa họ với tha nhân là thương hay ghét. Kinh nghiệm này cũng chỉ ra việc họ đã đón nhận hay từ chối cách tiên thiên 'Ngài' trong mối tương quan hướng thượng."

(3) Có những người vì muốn "được voi đòi tiên " mà nhận xét rằng: tư tưởng của Rahner tuy đã giúp được rất nhiều người hiểu và giải quyết nhiều vấn đề trong thời đại ngài, đặc biệt thời hậu Công đồng Vatican II; nhưng dù sao thời đại của Rahner cũng qua rồi, nên tư tưởng của ngài cũng không thể trả lời được những thách đố của ngày nay.

Lối nhìn kia dựa trên cảm tưởng rằng siêu hình học của Rahner là dựa trên truyền thống của thánh Tôma, mà ngày nay là thời đại của "hậu siêu hình học", thậm chí là của "hậu hiện đại" (post-modern). Quan điểm này có thể dẫn đến rất nhiều tranh cãi. Tuy rất nhiều người dùng cách nói "hậu hiện đại", nhưng rốt cuộc nó là gì? Giả cho có tồn tại cái gọi là "hậu hiện đại" đi nữa, thì "hậu siêu hình học" là cái gì? Cụ thể hơn, thử lấy hai vị triết gia mà tư tưởng của các ngài được coi là đại biểu của quan điểm trên làm ví dụ: J. Habermas (1929 -) tự nhận là người thuộc "hậu siêu hình học", và M. Foucault được cho là người tiên phong của "hậu hiện đại". Thử hỏi: nền tảng của thuyết tương thông của Habermas là phi siêu hình học chăng? Còn với Foucault, giả như thừa nhận truyền thống của phong trào khai sáng, thì lý thuyết này chẳng phải đã cho thấy sự coi trọng lý tính rồi đó sao?

Bất luận thế nào, những hiện tượng trên và quá trình tìm kiếm của con người cũng đều đặt trên nền tảng tôn trọng huyền nhiệm nơi con người của Rahner: khi con người đặt câu hỏi là đã đi vào việc biết mình rồi, bởi lúc đó họ sẽ phát hiện ra thêm một phương diện mới. Hơn nữa, Rahner cho rằng hiện hữu của siêu hình học (Ðấng Tuyệt Ðối, Huyền Nhiệm Vô Hạn) là đối tượng mà con người không thể trực tiếp tri nhận, song Hiện hữu ấy đồng hiện hữu (co-known) với tri giác của những hữu thể hữu hạn này.

Chính vì vậy, trong đời sống thường nhật chúng ta có thể tìm gặp và kinh nghiệm được rằng mình đang gặp gỡ Ngài; song lại không thể nắm bắt Ngài cách trọn vẹn được. Nói cụ thể hơn, tình yêu trừu tượng với Thần không thể chia cắt tình thương người thân cận được.

 

Kết Luận

Quan niệm về huyền nhiệm của Rahner đặt nền trên huyền nhiệm của chính con người: con người tự cảm nhận được sự vô hạn nơi thực tế hữu hạn của mình. Trừ khi con người loại bỏ tinh thần, bằng không thì con người không thể nào đóng kín trong chính mình. Vậy nên, trong con người (bất kể là trong đời sống thường nhật hay trong hoàn cảnh đặc thù), luôn có được một thứ kinh nghiệm thần bí. Vấn đề là, con người có ý thức đến điều ấy không; và nếu đã ý thức được, con người có tiếp tục phân định và củng cố nhờ phản tỉnh không.

Quan điểm của Rahner cũng thách đố các Kitô hữu về tinh thần mở ra với những tín đồ của thuyết vô thần: hãy chung sức đối thoại để hiểu họ, tiếp đó là thấy được những khả thể và những cống hiến của họ trong việc giúp chúng ta gạn lọc đức tin của mình. Ðương nhiên, trong việc đối thoại liên tôn, Rahner là người thúc đẩy mạnh mẽ nhất, bởi ngài nhìn thấy trong mỗi tôn giáo đều có những khía cạnh và độ sâu khác nhau về kinh nghiệm thần bí; mặt khác, Rahner cũng thấy rằng nếu tôn giáo chỉ nhấn đến đạo lý mà bỏ qua cuộc sống hiện thực này, thì đó là thứ tôn giáo hữu danh vô thực, bởi đã đánh mất sức sống. Do đó, Rahner có trực giác là:

"Người tín hữu chân chính thành tâm của ngày mai phải là một "nhà thần bí"; nếu không kinh nghiệm được huyền nhiệm, họ chỉ là người tín hữu "hữu danh vô thực" mà thôi".

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page