Nhân Thần Hội Ngộ
Quan Ðiểm Thần Học của Karl Rahner
Nguyên bản tiếng Hoa của Linh Mục Giuse Vũ Kim Chính, SJ
Giuse Nguyễn Phước Bảo Ân, SJ chuyển dịch Việt ngữ từ bản tiếng Hoa
Chương 3
Mối Tương Quan Giữa
Triết Học Heidegger
Và Thần Học Karl Rahner
Tiểu Dẫn
Trong lịch sử tư tưởng phương Tây, mối tương quan giữa triết học và thần học là vô cùng rối rắm, phức tạp, và đa dạng. Triết học Hy Lạp bắt đầu với nhà triết học tự nhiên Arche. Rồi đến thời Parmenides (540 - 480 B.C.) và Heraclitus (535 475 B.C.), các ông đã suy tư về mối tương quan giữa hữu thể (Sein) và Logos; từ đó trở đi, dòng suy tư này đã ảnh hưởng sâu đậm và phát triển trên siêu hình học phương Tây. Plato và Aristotle tìm giải thích về sự biến chuyển và nền tảng của hiện tượng, từ đó hình thành nên hai hệ thống ổn định cho siêu hình học. Theo dòng thời gian, hai hệ thống siêu hình này lại biến thành hai hệ thống thực hành cho niềm tin Kitô giáo thời Trung Cổ bởi hai nhà đại tư tưởng là thánh Augustinô và thánh Tôma Aquinô. Như thế, triết học và thần học đã hợp nhất để vươn tới đỉnh cao.
Thời hiện đại, sự hợp nhất này bắt đầu gặp phải rất nhiều lập trường chống đối. Tiếp đó, trong khi triết học không muốn loại bỏ suy tư siêu hình học, thì sự không đồng nhất giữa triết học và thần học lại càng lộ rõ hơn; thậm chí triết học thực chứng còn phản đối siêu hình học cách kịch liệt, và cho rằng siêu hình học chỉ là bề nổi của bản chất luận.
Giữa những vấn đề chống đối ấy, cả triết gia nổi tiếng thời hiện đại Heidegger và thần học gia Karl Rahner, đều cho rằng triết học và thần học thật sự có mối tương quan không thể phủ nhận. Giờ đây ta thử xem hai nhà tư tưởng đại biểu cho - thời hiện đại này sẽ lý giải và biện luận vấn đề trên như thế nào: Heidegger hiểu thế nào về mối tương quan giữa triết - thần, Rahner xử lý mối tương quan triết - thần ra sao.
Tiếp đến, qua cuộc thảo luận của hai vị, chúng ta sẽ gạn lọc ra được những nét chính yếu trong mối tương quan triết thần. Cách chung, Rahner được coi là học trò cưng số một của Heidegger, nhưng căn cứ vào những tài liệu khảo cứu gần đây lại cho thấy, khi Rahner tới Freiburg học, lại là thời điểm mà Heidegger đang phản đối Kitô giáo cực lực nhất. Mỗi lần có ai, như L. Roberts, bàn về trường phái Heidegger, thì Rahner liền trêu rằng: "Có lẽ tiến sĩ Roberts đã đánh giá quá cao ảnh hưởng của Heidegger rồi chăng!". Khi trả lời phỏng vấn truyền hình, Rahner đã nói rõ về tư tưởng của Heidegger như sau:
"Ông quả đã dạy chúng tôi cách triệt để rằng: trong mối tương quan giữa toàn thể và cá thể, chúng ta có thể tìm thấy điều không thể loại bỏ là huyền nhiệm. Huyền nhiệm thực sự đang khống chế và quản lý sự tồn tại của chúng ta, thậm chí đến việc nói năng, chúng ta cũng bị kiểm soát đến độ khó cất nên lời."
Chương này nhắm đến mối tương quan giữa triết - thần, nên dù Heidegger hay Rahner thì đều phải đối mặt với loại "Huyền nhiệm" trên, chỉ khác là mỗi bên sẽ dùng cách thức khác nhau để diễn đạt, nhưng cuối cùng rồi cũng đi đến cùng một kết luận mà thôi. Vậy diễn đạt kia là thế nào? Tương quan giữa triết - thần ra sao đây?
I. Heidegger Bàn Về Mối Tương Quan Triết Thần
1. Bối cảnh
Những nghiên cứu gần đây về Heidegger đều có chung nhận định rằng những tư tưởng quan trọng nhất của ông đều tập trung vào thời kỳ đầu. Kết quả trên không chỉ nói rõ về giai đoạn chuyển tiếp của Heidegger, mà còn quan trọng hơn là đưa ra căn cứ cho sự hợp nhất tư tưởng triết học của ông. Cuốn sách "Tuyển tập những bài giảng và bài viết" (Vortraege und Aufsaetze) xuất bản năm 1954, trong lời nói đầu có viết: "Con đường tư tưởng thật đa dạng, tuy đã bước qua rồi, nhưng vẫn tiếp tục lại đến, như chờ đợi nhà tư tưởng bước lại vậy". Việc đã bước qua rồi nhưng vẫn còn muốn truy hồi lại tư tưởng căn bản chính là khả năng tìm hỏi của hữu thể (Seins Fragen), mà như Hans-Georg Gadamer (1900-2002) giải thích, vấn đề này ngay từ đầu đã mang tính thần học rồi.
Heidegger được sinh ra và lớn lên trong một môi trường Công giáo bảo thủ. Ðó là thị trấn Messkirche thuộc vùng Baden - Nam Ðức, với thủ phủ là Freiburg, nơi có một đại học lớn và có ngai tòa của vị Tổng Giám mục Công giáo.
Thời thanh niên, Heidegger là chàng trai vừa thông minh vừa nhiệt thành, và ấp ủ hoài bão trở thành linh mục. Năm 1909, chàng bắt đầu nghiên cứu thần học, đồng thời cũng rất có cảm tình với triết học. Dựa vào những tài liệu xưa, H. Ott cho biết vào khoảng năm 1910-1912, trong tạp chí Der Akademiker, Heidegger đã phát biểu chống lại chủ nghĩa hiện đại (Modernismus) với những bài viết cực kỳ bảo thủ. Luận văn tiến sĩ và bài nghiên cứu để đạt tư cách giáo sư (habilitation) của ông đều liên quan rất nhiều đến tư tưởng thời kỳ này.
Heidegger trông mong được bổ nhiệm vào làm giáo sư khoa triết của Kitô giáo. Nhưng năm 1916 đã xảy ra một sự kiện gây nên sự chuyển biến quan trọng đầu tiên trong đời ông, làm ông hụt mất giấc mơ làm giáo sư dạy triết Trung Cổ của đại học Freiburg. Số là, phân khoa triết học của đại học Freiburg đã mời được triết gia nổi tiếng Edmund Husserl (1859 - 1938) làm giáo sư chính thức. Rồi cũng vào năm đó, Heidegger đã làm quen và kết hôn với cô bạn học người Tin Lành là Elfied Petri. Năm 1917 là năm biến đổi tận căn nhất của ông, như ông đã thú nhận cùng vị Linh mục bạn là giáo sư E. Krebs rằng:
"Trực quan tri thức luận và những tài liệu lịch sử đã cho thấy hệ thống của chủ nghĩa Công giáo (Das System des Katholizismus) là có vấn đề, khiến tôi chẳng thể nào chấp nhận được; hệ thống này vừa không mang tính Kitô giáo (Das Christentum) vừa không mang tính siêu hình."
Ðức tin bảo thủ của Heidegger gặp được sự tự do trong niềm tin của Tin Lành nên đã có một sự chuyển biến rất lớn. Sự chuyển biến này chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi quan niệm triết học và đức tin của Husserl.
Hiện tượng học trong triết học của Husserl có xuất phát điểm là loại bỏ hoàn toàn những thành kiến, không chịu bất kỳ sức ép nào của cánh tả hay cánh hữu, không chấp nhận bất kỳ giả định nào. Ðức tin cũng không phải là một ngoại lệ. Trong phương pháp hiện tượng học, tất cả phải được đặt trong dấu ngoặc đơn (epoche) thì mới có thể tiếp cận trực tiếp bản thân thực tại (zu den Sachen selbst). Husserl tuy thuộc phái Luther, nhưng triết học của ông lại chẳng hề đề cập đến đức tin, và tư tưởng tôn giáo cũng chẳng thể tham dự vào suy tư triết học của ông. Ông hành triết như các nhà toán học, cố gắng giữ tư tưởng triết học của mình ở thế trung lập.
Mặt khác, khi Husserl dần quen biết Heidegger, ông rất ngưỡng mộ năng lực suy tư của Heidegger rồi còn nhận Heidegger làm trợ giảng; và chính lúc đó, Husserl cũng nhận thấy một sự thay đổi rất lớn trong đức tin của Heidegger. Tuy vẫn biết đó là chuyện riêng của Heidegger, nhưng trong một bức thư gởi cho R. Otto, Husserl đã không kìm được niềm vui thông báo cho Otto thế này: Heidegger đã trở thành một "Kitô hữu tự do" và "phi giáo điều" (undogmatisch), nhưng dù sao tôi cũng rất hài lòng về cậu ấy. Do đó, sau này, Husserl giúp Heidegger khôi phục lại sự nhất quán trong lập trường triết học của ông, để có thái độ trung lập đối với mọi tôn giáo.
Bên ngoài tuy là vậy, nhưng quan điểm tôn giáo của Heidegger liệu có đơn giản như vậy không? Heidegger nói rõ rằng mình không đồng ý với hệ thống tư tưởng Công giáo, nhưng lại không hề phủ định nó, ngược lại ông hy vọng bắt tay với các học giả Công giáo để lượng giá và làm rõ những cống hiến và ảnh hưởng của Công giáo thời Trung cổ. Như thế, Heidegger chỉ coi tư tưởng Công giáo và lối nhìn lịch sử như là những sử liệu và cần được tôn trọng.
Vậy là, từ một tín hữu Tin Lành thuộc phái Luther, Heidegger đã chuyển thành một tín hữu theo phái "bất khả tri". Vào những năm cuối đời, khi trả lời phỏng vấn "lần cuối" cho tuần báo Spiegel (Mirror), ông nói: "Chỉ có Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta mà thôi" (Nur noch ein Gott kann uns retten) ". Câu nói ấy đã trở thành tựa đề cho cuộc phỏng vấn này.
Giáo sư Linh mục B.Welte, đồng hương của Heidegger, trong bài giảng cho tang lễ của Heidegger theo nghi thức Công giáo, đã nhấn mạnh rằng: "Heidegger là một kẻ kiếm tìm", đó chính là tư tưởng tóm gọn cả đời của ông. "Heidegger là một người đã tìm thấy", đó là thông điệp đầy bí nhiệm mà ông đã để lại sau khi ra đi. Thế thì, sự hướng chiều về Thiên Chúa của Heidegger để làm gì? Thiên Chúa ấy có liên hệ gì với tư tưởng cả đời của ông đây?
2. Heidegger bàn về vấn đề giữa triết học và thần học
Heidegger trước nhất tìm cách làm rõ mối tương quan giữa triết học và thần học, nghĩa là hai điều này giúp gì cho việc truy tìm nguồn gốc và ý nghĩa của "hữu thể" (Sein). Mỗi câu hỏi đều hàm chứa những hoàn cảnh cụ thể (was) và mở ra cho một mức độ hữu thể (dass) nào đó, vì thế mà biến thành tri thức cuộc sống. Do đó, tất cả mọi câu hỏi đều bao gồm những điều được hỏi đến (Befragtes) cùng những chủ đề (Erfragtes) được mở rộng và đào sâu khi trả lời.
a) Cấu trúc căn bản của triết học
Cấu trúc của việc tra hỏi (Fragen - Befragtes; Fraglichkeit - Fragbarkeit) sẽ làm xuất hiện cấu trúc tri thức của Husserl: kẻ biết - kẻ được biết (Noesis - Noema), còn nói theo bản thể luận thì là sự liên quan hỗ tương (ontische ontologische Beziehung) của "hoàn cảnh tồn tại" (ontische) và "tính bản thể của hữu thể" (ontologische). Cấu trúc này sẽ phân tích "hữu thể tại đây", nhấn mạnh đến thời gian tính, và biến thành cấu trúc liên hợp của "kinh nghiệm thực tại" (existentiell) và "thực tồn"(existential).
Nói cách khác, khi đặt câu hỏi về "hữu thể" (sein), những câu hỏi kia thường rơi vào một vài dạng thức tồn tại nào đó của hữu thể (seins modi), và những điều được hỏi thường nằm trong phạm vi của kiến thức lịch sử mà thôi, như thế những câu hỏi nằm trong dữ kiện lịch sử này sẽ nhận được một số câu trả lời nhất định nào đó, hoặc là sẽ làm phát sinh thêm nhiều vấn đề khác nữa. Ðây chính là hướng mở ra vốn có nơi hữu thể, hay chiều kích đặt câu hỏi của hữu thể (seinsfragen). Trong khi đặt câu hỏi, điều thường được ưu tiên là trạng thái hiện tại (ontischer Vorrang); nhưng lúc này, hữu thể đã tự biến thành đối tượng để được hỏi, nên hữu thể luận (ontologischer Vorrang) sẽ chiếm vị trí ưu tiên.
Khi nghiên cứu siêu hình học, Heidegger đã khám phá ra một hiện tượng là "bỏ quên hữu thể" (Seinsvergessenheit). Hiện tượng này xảy ra là vì, khi hữu thể đang tìm kiếm, thì câu trả lời lại nằm ngay trong hiện trạng của hữu thể, thế nên đây chính là nguyên nhân của sự bỏ quên này. Ðiều này có thể dẫn tới câu hỏi căn bản là: chúng ta có thể hiểu chính xác con người là "hữu thể tại đây" (Dasein) có nghĩa là gì không? Do đó, Heidegger nói: "Hiểu được hữu thể tự thân chính là xác định được phần hữu thể của hữu thể tại đây" (Seins-verstaendnis ist selbst eine Seins-bestimmtheit des Daseins). Mà ở điểm này, bản chất của hữu thể lại hệ tại ở việc sinh tồn của con người. Vậy nên, việc coi trọng và nhận hiểu ý nghĩa tối hậu của đời người chính là điểm gặp gỡ của triết học và thần học.
Mối quan hệ giữa triết - thần, như Heidegger đã bàn, là không liên quan gì đến "hoàn cảnh thực tế" (faktischer Zustand), nhưng chủ yếu là do sự so sánh giữa hai quan điểm khoa học mà có. Triết học, như được mô tả ở trên, có liên quan đến việc đặt câu hỏi và nhận hiểu về hữu thể, do đó triết học có thể bao gồm mọi vấn đề. Còn thần học, theo cách nhìn của Heidegger, cũng giống như sinh học, tâm lý học, xã hội học..., đã có một phạm vi cố định, đo đó bị liệt vào" khoa học thực chứng" (positive Wissenschaft). Bởi vậy, Heidegger mới nói:
"Mỗi ngành khoa học đều có một đối tượng chuyên biệt, đều lấy một lĩnh vực nào đó của sự kiện làm căn bản, đều có những quy định và hệ thống khái niệm riêng làm tiền đề để nghiên cứu và nhận hiểu (đây là những hiểu biết hướng đến tất cả những tìm tòi thực chứng). Do đó, chỉ có những tiền đề cụ thể cho mỗi lĩnh vực như thế, khoa học mới nghiên cứu đến thấu triệt được; chỉ có những khái niệm căn bản như thế mới có thể thu được những chứng minh và "căn cứ" chính đáng."
Triết học cung cấp những khái niệm căn bản cho các lĩnh vực khoa học. Chính vì thế, triết học cần bao tóm các tiền đề (vorauslaufen) cho việc hình thành khoa học. Nhưng mặt khác, mỗi ngành khoa học đều dựa vào Logos, nên mới có tương quan mật thiết với triết học. Logos được dịch ra là: lý tính, phán đoán, khái niệm, định nghĩa, căn cứ, quan hệ... Heidegger giải thích rằng Logos bao hàm tất cả những ý niệm nói trên, Logos có công năng cơ bản là biến các ý niệm thành" diễn trình hình thái" (Apophantische Rede). Như thế, triết học có thể đi vào bất kỳ môn khoa học nào, nhưng không nhất định phải xác nhận chúng.
Nếu xét thần học như một khoa học thực chứng, thì ta phải xác định được đối tượng hình thức (formal object) và đối tượng chất thể (material object) của nó. Theo quan điểm thời đầu của Heidegger, đối tượng chất thể của thần học chính là" nội dung đức tin Kitô" (Christenheit), tức là tất cả những gì mà thế giới quan Kitô giáo đã thể hiện ra trong dòng lịch sử và đã hấp thụ được vào trong đời sống đức tin của nó.
Ðức tin Kitô là cách sống cụ thể của những con người đang "tồn tại ở đây", tức là những kinh nghiệm của bao con người đang được diễn tả ra trong lịch sử này. Thần học là việc phản tỉnh trước những điều đang diễn ra đây (Ereignis); hay nói theo ngôn ngữ của khoa học lịch sử là tri thức mang lịch sử tính.
Tóm lại, những gì mà thần học nghiên cứu chính là những điều xảy ra trong lịch sử, tức là khoa học về hoàn cảnh hiện hữu (ontische Wissenschaft).
"Ðối tượng chất thể của thần học là những mệnh đề đức tin mang lịch sử tính, tức là những điều đã diễn ra trong dòng lịch sử, những điều đó làm cho đức tin trở nên hiện hữu. Ðối tượng hình thức là việc thấu hiểu những gì đã hiện hữu trong lịch sử, và làm cho các tín hữu tự biểu đạt ra những gì mà họ đã lãnh nhận được."
Như thế, triết học Heidegger xác định thần học là khoa học thực chứng. Ông không nói rõ đức tin là gì, nhưng nói rõ khoa học đức tin là gì.
Triết học và thần học đều thuộc về vấn đề của hữu thể, đều có nguy cơ không tài nào phân tách rõ ràng phạm vi của chúng, do đó, Heidegger trước nhất tập trung vào điều mà triết học gọi là "giải cấu" (destruction), sau nữa là phản tỉnh về mối tương quan giữa triết - thần.
Mỗi thời, triết học đều nỗ lực đặt những câu hỏi liên quan đến hữu thể, nhưng những câu trả lời kia lại dần rơi vào tình trạng hữu thể bỏ quên chính mình (Seinsvergessenheit), để rồi chấp nhận những hoàn cảnh hiện hữu mà thời đại đó xếp đặt cho mình. Thực ra, hữu thể bị lãng quên là do những nguyên nhân của truyền thống lịch sử. Ví dụ, nếu mỗi một sự kiện - vốn dĩ đã không thể nào được hiểu đầy đủ - trở thành truyền thống, rồi truyền thống đó lại truyền từ đời này sang đời khác, thì thực tại sau này đã đi quá xa so với sự kiện ban đầu, thậm chí là sai lầm nữa. Chính xác hơn, việc lưu truyền tự nó đã có sai sót hoặc đã được che lấp những khuyết thiếu rồi. Vậy thì, truyền thống đã dần quên đi nguồn cội ban đầu của nó, càng truyền càng bị rơi rụng nhiều:
"Truyền thống đã nhổ bật bộ rễ lịch sử tính của "tồn tại ở đây", đến nỗi coi "tồn tại ở đây" chỉ như một trong vô vàn hình thức, hướng đi, quan điểm, hứng thú của hoạt động triết học; và cuối cùng trở thành một thứ văn hóa vừa nghèo nàn vừa xa lạ, vừa chẳng còn mấy hấp dẫn; rồi còn cố dùng sự hứng thú để che đậy cho trạng thái mất gốc của mình nữa."
Cho nên, Heidegger cho rằng: triết học đóng vai trò là bản chất luận căn bản (Fundamental ontologic), mà nhiệm vụ đầu tiên của nó là "giải cấu tính lịch sử của hữu thể". Heidegger giải thích thêm về nhiệm vụ này như sau: "Lấy vấn đề tồn tại làm đầu mối, giải cấu nội dung của thuyết tồn tại từ thời cổ đại được truyền lại tới nay, để tìm ra những kinh nghiệm khởi thủy." Như thế, mục đích của việc giải cấu là tháo gỡ những mảng truyền thống xơ cứng xuống, rồi tìm nguồn cội của vấn đề. Với quyết tâm giải cấu này, Heidegger đã phản tỉnh về mối tương quan giữa triết - thần: triết học không những đã đập nát sự bất bình đẳng trong mối tương quan giữa triết - thần, nhờ thế làm cho chúng được tự do, mà còn cho thấy triết học "phi thần" (atheistische Philosophie) như thần học vẫn thường gán ghép.
b) Tư duy triết học "phi thần"
Heidegger hiểu rằng xuất phát điểm của thần học là đức tin, nên muốn hiểu ý nghĩa phải quay về với đức tin, cho nên thần học không thể nào tách rời với đời sống đức tin. Truyền thống thần học tín lý cho rằng siêu hình học thuộc hệ thống suy tư cá nhân hoặc tự nhiên thần luận. Cả hai cách hiểu trên, với Heidegger, đều là cách hiểu sai: với thần học, khi thần học thừa nhận một hệ thống triết học nào đó, thì thần học cũng mang lấy tính triết học của hệ thống đó mà bỏ quên những nét đặc biệt của đức tin; còn với triết học, triết học kết hợp với một số thần học hiện đại thành một phe, rồi tự biến thành công cụ của thần học.
Như vậy, Heidegger phản đối cái gọi là "triết học Kitô giáo", thậm chí một thần học quá thiên về lý tính cũng là một mối đe dọa cho thần học: "Nơi đâu thần học quá hưng thịnh, nơi đó Thiên Chúa sẽ rút lui mà không lưu lại một dấu vết nào". I. M. Feher cho rằng việc phản đối trên của Heidegger là phản ứng của ông trước quan điểm của nhà thần học đương thời F. Oberbeck, khi Oberbeck "muốn tìm cho ra nét đặc trưng Kitô trong thần học Kitô giáo". Mà lập trường của Oberbeck cũng là đang phản đối lại cách làm thần học để đức tin bị hòa tan trong tri thức luận, vì nếu thế, hứng khởi tôn giáo sẽ bị hòa vào một mớ hỗn tạp các loại hứng khởi khác, mà chẳng thể nào xác định được chính mình nữa. Cũng như các thần học gia Tin Lành khác, thần học của Oberbeck cũng tôn trọng lối nhìn của Luther, tức: duy ân sủng, duy đức tin, duy Kinh Thánh (sola gratia, sola fides, sola scriptura). Về mối liên hệ giữa triết - thần, Heidegger đã nhiều lần đề nghị Tin Lành tái lập lại một nền thần học không dựa trên triết học Hy La.
Như chúng ta đã biết, sau Thế Chiến thứ II, chủ nghĩa hiện sinh nổi lên như một trào lưu chủ yếu trong thế giới triết học. Thời đó, Jean P. Sartre (1905 - 1980) nổi tiếng là một nhà vô thần, đã kéo Heidegger vào phái chủ nghĩa hiện sinh vô thần. Các nhà triết sử Pháp quốc đương thời cũng theo cách nhìn này mà viết về ông trong tác phẩm của họ.
Song mặt khác, những tác phẩm về tư tưởng tôn giáo của những vị nghiên cứu Heidegger, đã cho thấy Heidegger lại bị thu hút đặc biệt vào lãnh vực tôn giáo. Với những gì đã viết trong "Lá thư về chủ nghĩa nhân bản" (Letter on Humanism), Heidegger đã rõ ràng phủ định những kiểu phân chia trường phái cách đơn giản hóa như thế này. Chỉ có một điều còn gây nghi ngờ là vì trong những bản thảo và trong việc giảng dạy thời kỳ đầu của Heidegger, người ta thấy xuất hiện từ "A - theistisch" hoặc "A-theismus" mà chẳng biết những từ này có ý nghĩa gì. Những giải thích của Heidegger vào những năm 1921-1922 đã nói rõ:
"Những từ trên chẳng mang ý nghĩa tôn giáo chi cả, nhưng có thể lần đầu dùng chúng, tôi có ý đặt trong khung cảnh tôn giáo. Thôi thì cứ coi tôi là triết gia cũng được, mà nhà tôn giáo cũng được. Trong tư tưởng triết của mình, tôi không xử lý những vấn đề liên quan đến tôn giáo. "Ðó chính là một nghệ thuật": tư tưởng triết học vốn có vay mượn ý nghĩa tôn giáo, ý nói trong hành vi suy tư triết học, hay trong những hoạt động cho thế giới, thì việc suy tư đều mang lấy trách nhiệm với các sự kiện và lịch sử của thế giới, chứ không phải chỉ suy tư dựa trên ảo tưởng hoặc trên một ý thức hệ tôn giáo nào đó.
Nếu đẩy triết học tới cực đoan, nghĩa là chỉ dựa vào khả năng truy tìm vấn đề của nó mà thôi, thì theo nguyên tắc, triết học là phi thân (a-theistisch). Xét trên hướng đi cơ bản, triết học không thể mạo phạm, mà cũng không dám lén nhận mình đứng về phía hữu thần hoặc có khả năng hạn định Thần. Triết học vừa vượt khỏi cực đoan này, vừa giữ một khoảng cách nhất định với Thần. Nói cách khác, khi tách ra khỏi những hoạt động của Thần thì mới nảy sinh những khó khăn đặc biệt" với "Ngài (Thần)."
Trên nguyên tắc, triết học phi thần là một thái độ tư duy triết học. Thái độ ấy muốn triết học khi đối diện với bất kỳ chủ đề nào, xu hướng nào cũng có đủ tự do để đặt câu hỏi, mà không bị hạn chế bởi những giả thiết được quy định trước, kể cả thẩm quyền đức tin. Tư duy triết học phi thần là kết quả của việc giải cấu siêu hình học truyền thống, là tách Thần và hệ thống tư tưởng về Thần ra làm hai, mà không hề phản đối về sự tồn tại của Thần hay chống lại Thần. Thứ triết học như thế thật là một thái độ "kính nhi viễn chi" (kính trọng thì giữ khoảng cách xa) với Thần, chứ không phải là một thái độ gạt Thần sang một bên đầy lạnh lùng và vô cảm. Ngược lại, loại triết học này không dám hạn định Thần, mà có một cái nhìn khoáng đạt về Thần, cũng như thừa nhận rằng có nhiều lãnh vực của Thần mà con người chưa thể phát hiện ra.
Nói khác đi, "phi thần" của Heidegger có hàm ý đặc biệt. Ông không phủ nhận sự tồn tại của Thần hoặc chủ trương duy vật. Ðương nhiên triết học phi thần muốn bảo toàn thứ lập trường "nói thì dễ, làm thì khó" này; bởi vì loại triết học ấy lo lắng rằng một khi càng có tự do càng có cám dỗ tiến gần Thần hơn. Muốn quyết tâm rời bỏ Thần thì không cách gì trong tư tưởng không có liên hệ với Thần, mà thật ra là đang "đứng" trước Thần. Ðây đích thị là một mối tương quan đầy nghịch lý. Heidegger gọi loại suy tư triết học này là "sự thành tâm của tư tưởng" (the piety of thinking). Ta có thể tóm gọn nó trong cặp từ "đồng nhất và khác biệt".
Luật đồng nhất "A là A" là luật chung cho mọi tư duy khoa học. Chữ "là" có ý thừa nhận rằng A là chính nó. "Hành vi" được thừa nhận có nghĩa là một sự khẳng định được tổng kết từ trong lịch sử. Nói khác đi, luật đồng nhất diễn tả một hữu thể là chính nó trong một hoàn cảnh cụ thể, do đó, đòi hỏi "một" căn bản trong "nhiều". Theo luật đồng nhất, hữu thể sẽ mặc lấy một tư duy để trở thành "một". Hữu thể và tư duy kia phụ thuộc hỗ tương vào nhau (zusammengehoren), chứ không phải là "thêm vào". Và rồi con người lại cho rằng sự thật nơi hữu thể này là chân lý, là bởi vì hữu thể này đã tồn tại trước cả khi con người mở ra với nó và để nó đụng chạm vào mình. Như thế, nhờ tương tác qua lại mà "phát sinh" chân lý.
c) Bàn về hữu thể và "thần"
Heidegger cho rằng lúc con người nhận hiểu chân lý cũng là lúc hữu thể buông rơi chính mình (sich absetzen), tức là con người chờ đợi để "nhảy" vào lòng vực thẳm. Thật ra, bước nhảy này chẳng có gì lạ cả, vì con người và hữu thể (sein) xét về bản chất đã gặp gỡ nhau và biến thành "hữu thể ở đây" (Da - sein) rồi. Và nhờ bước nhảy này mà sự phụ thuộc hỗ tương bắt đầu (zu-eignet). Sự bắt đầu này vừa là sự thuộc về nhau trong bản chất thật (er-eignet), vừa là sự nhận hiểu chất chứa sai lầm (ver-eignet). Cho nên, bắt đầu mãi là bắt đầu, ý nghĩa chính là: tư duy được kiến tạo trong phạm vi của những dao động.
"Tại bước nhảy này, không chỉ hỏi đến phạm vi được quy định bởi góc nhìn của thời đại đó, mà còn hữu thể là cố định của phạm vi đó. Ðây là một công thức liên đồng giữa loại này và loại khác đều được hiểu như là sự bắt đầu (ereignis). Như thế, ta có thể nhận ra những khả thể như sau: khắc phục giữa siêu hình và kỹ thuật phổ thông để đi vào sự bắt đầu của một thứ chân lý bản nguyên hơn."
Việc tiếp xúc với bước nhảy của hữu thể là một sự kiện tư tưởng (sache des denkens), dễ dẫn đến tranh luận (streit). Tranh luận sẽ dẫn đến phân biệt, đối địch (zwietracht). Càng luận chiến càng thấy hướng giải quyết vấn đề, càng hình thành nên nền tảng và hướng phát triển cho tư tưởng, như Kant, sau cuộc thảo luận để tìm cách xử lý giữa lý tính và kinh nghiệm, đã đưa ra điều kiện siêu nghiệm. Tương tự vậy, sau cuộc thảo luận giữa "đồng nhất và khác biệt" của Heidegger với siêu hình học của Hegel, Heidegger đã đưa ra góc nhìn về "Tồn tại - Thần - Luận" (Onto - Theo - Logik).
Trước nhất, Heidegger cho rằng tư tưởng căn bản của Hegel là "chỉ có tinh thần tuyệt đối là Hữu thể, là cuộc sống vĩnh hằng, là chân lý của mọi chân lý." Do đó, Heidegger nhấn mạnh: tư tưởng của Hegel rõ ràng mang nặng lịch sử tính, nghĩa là tư tưởng triết học được hình thành trong quá trình diễn tiến của lịch sử. Như thế, tư tưởng của Hegel vừa bao gồm quá trình phát triển, vừa nhìn thấy những yếu tố triết học đơn thuần của sự việc từ góc nhìn ngoại tại.
Heidegger thừa nhận ông và Hegel cùng bàn về chính suy nghĩ, và phương pháp của cả hai hoàn toàn giống nhau. Tuy cả hai đều nhấn mạnh đến lịch sử tính, đến cách thức biểu hiện đặc biệt của hữu thể trong mỗi giai đoạn, nhưng việc làm sao để nhận thức được hữu thể trong quá trình biểu hiện đó thì hai vị lại có cách giải thích khác nhau. Heidegger đưa ra ba phạm vi chủ chốt cho sự khác biệt này:
(1) Về việc suy nghĩ (sache des denkens)
Với Hegel, mối tương quan giữa hữu thể (sein) và hoàn cảnh tồn tại là tuyệt đối. Với Heidegger, mối tương quan kia có sự khác biệt (differenz).
(2) Về tiêu chuẩn cho việc thảo luận tư tưởng lịch sử (Massstaebe fuer das Gespraech)
Hegel dùng lại tất cả những phạm vi tư tưởng đã được nêu lên trong quá khứ, và cả những xung lực đầy mâu thuẫn lẫn nhau của chúng như biện chứng lịch sử để phát triển, rồi từ đó xây dựng hệ thống triết học của mình. Heidegger tuy cũng khảo sát tư tưởng truyền thống, song ông chẳng mấy quan tâm đến những gì đã xảy ra và đã được suy nghĩ rồi, ngược lại, ông tìm cách giải cấu và tìm kiếm bản chất của tư tưởng.
(3) Về những nét đặc biệt của cuộc thảo luận (Charakter des Gespraeches)
Hegel cho rằng sự đặc biệt nằm ở việc vứt bỏ (Aufheben), tức là trung giới giữa tương đối và tuyệt đối. Heidegger thì cho rằng hành động mang tính quyết định là nhảy lui vào lòng vực thẳm (Ab-grund).
Bước "nhảy lui" (Schritt zurueck) không đơn thuần là việc đi lùi lại phía sau, mà là lối suy tư tìm gặp lại những điều chưa từng thể hiện ra trong mỗi nhịp suy nghĩ, đó là mở rộng và nối dài hành trình. Quan niệm này thật sự đã chỉ ra những khiếm khuyết của siêu hình học truyền thống trong việc xem nhẹ hoặc bỏ qua những khác biệt giữa hữu thể và hoàn cảnh tồn tại của nó. Bởi vì Hegel cho rằng lăng kính tuyệt đối sẽ thấu triệt những gì mà giai đoạn lịch sử tự thể hiện ra; nhưng sự tuyệt đối kia lại là tuyệt đối của một thời đại nhất định nên hóa ra chỉ là tương đối mà thôi.
Nhận hiểu hoàn cảnh tồn tại khác biệt của hữu thể tức là lý giải về nền tảng của tồn tại (Urgrund), do đó lối tìm kiếm cách khoa học này về hữu thể sẽ là bản chất luận (onto-logy). Khi nghiên cứu "siêu hình học là gì", Heidegger đã nêu ra câu hỏi căn bản là: "Tại sao hữu thể là vật tồn tại mà không phải là vật hư vô?", và có lẽ đáp án của ông nằm ở cụm từ "Onto - Theo Logik" mà ông dùng. Giả như thay Onto bằng Physik, thì Theo - Logik sẽ giúp hiểu bản chất của vấn đề; vậy cũng có thể nói "Theo" thuộc lĩnh vực của Meta, tức vừa là nền tảng vừa là phạm vi giam hãm và trói buộc của việc biểu hiện. Trói buộc không phải là một sự khép kín hoàn toàn của hư vô, mà là đợi chờ con người đến gặp gỡ, tức hữu thể réo gọi thời khắc mà con người bắt đầu suy nghĩ. "Tồn tại - Thần - Luận" là cấu trúc của siêu hình học, là thứ siêu hình học xứng đáng suy tư nhất.
Thần làm sao đi vào triết học đây? Ðây là vấn nạn đầy hấp dẫn, nó đòi chúng ta phải phát hiện ra dấu vết của Thần trong dòng lịch sử. Heidegger cho rằng trong lúc suy nghĩ đang dần hình thành, tức là lúc triết học bị ánh sáng phát hiện ra tình trạng khép kín đầy cùng khốn của mình nên tìm cách chạy ra ngoài, thì "Thần" liền đến. Việc tiến đến của "Thần" làm nên sự khác biệt, thảo nào con người phải dùng rất nhiều cách diễn đạt khác nhau để nói về điều này như: "thái sơ" (arche), "nguyên nhân đệ nhất của vũ trụ" (prima causa), "nguyên nhân của chính nó" (causa sui), "tinh thần tuyệt đối" (Absoluter Geist),...
"Biểu tượng của siêu hình học mà thị giác có thể quan sát được là nhờ việc hữu thể tự phát sáng. Loại ánh sáng tự thân này cũng giúp cho tư duy con người kinh nghiệm được, nhưng thứ tư duy đó lại không thể thấu nhập hoàn toàn vào mọi phạm vi của tư duy siêu hình, do đó siêu hình học thường chỉ là sự diễn đạt một góc cạnh của hữu thể. Trong sự tự phát sáng này của hữu thể, tư duy siêu hình sẽ muốn tìm kiếm nguồn cội của hữu thể và của tồn tại và cả đấng tạo ra nguồn sáng này nữa."
Tóm lại, nếu ví triết học như một cây cổ thụ um tùm, thì siêu hình học sẽ là bộ rễ cây, mà bộ rễ này lại được bám vào nền tảng là "Thần", nên mới sinh hoa kết quả dồi dào.
Mặt khác, "Thần", như Heidegger đã tái khẳng định ở trên, không thể bị gộp chung với thần của dòng lịch sử, bởi nếu thế "Thần" này sẽ bị lãng quên hoặc càng thêm tệ hại mà thôi, kiểu giống như Nietzsche đã coi tư tưởng cá nhân của mình là siêu nhân, và đặt nó thành thượng đế. Với những điều như thế, như đã nói, Heidegger trước sẽ "giải cấu", sau sẽ đưa ra lý do phản đối như sau:
"Tự thân con người không có cách gì đặt mình vào vị trí của Thượng đế, bởi bản chất của con người không thể vươn tới địa hạt bản chất của Thượng đế được dù chỉ một tí thôi."
Nói cách khác, về mối tương quan giữa triết - thần, như trong hội nghị Zuerich (Thụy Sĩ) năm 1951, Heidegger đã khẳng định như sau:
"Tôi sẽ chẳng bao giờ mất công suy nghĩ về sự hiển lộ của Thượng đế, bởi tôi nghĩ rằng hữu thể đâu sao đi nữa cũng không thể được coi như nền tảng để kinh nghiệm về Thượng đế và thật ra sự tỏ lộ của Ngài chỉ phát sinh trong khuynh hướng của hữu thể."
II. Rahner Bàn Về Mối Tương Quan Triết - Thần
Tư tưởng trọng tâm của Rahner không nhắm vào quan điểm chân lý, nhưng là kinh nghiệm của con người về chân lý và thần học về ơn cứu độ. Con người và việc siêu vượt khỏi những giới hạn của nó là xuất phát điểm của mọi vấn đề, bởi con người vốn dĩ là một vấn đề chẳng thể nào đoán định hoàn toàn được, nó là tổng hòa của rất nhiều vấn đề. Với chiều hướng suy tư lấy con người làm gốc như thế, chúng ta có thể đặt câu hỏi rằng: Rahner - vừa với tư cách triết gia, vừa với tư cách thần học gia - sẽ có nhận định gì về mối tương quan giữa triết học và thần học đây?
1. Triết - thần: độc lập và hỗ tương
Thánh Tôma Aquinô là người đầu tiên mạnh dạn tuyên bố triết học là một môn khoa học độc lập. Tuy là người nối bước thánh Tôma, song Rahner lại cho rằng, bởi con người vốn có độc lập và tự do, nên tận gốc rễ thần học chính là việc con người muốn tự hiểu biết chính mình, tự trách nhiệm. Như thế, thần học và triết học đều muốn độc lập tự chủ. Còn về mối tương quan giữa triết - thần thì không nhất thiết phải đạt cho kỳ được sự thống nhất "hợp ý tương dung", mà bỏ qua việc cân nhắc tầm quan trọng của mỗi bên. Ví dụ nếu các triết gia cứ giữ mãi sự hoài nghi đối với việc thần học phản tỉnh về mặc khải, thì lúc đó liệu rằng các triết gia có còn đủ tự do và triết học có còn đủ độc lập không. Cho nên, khi nói về mối tương quan giữa triết và thần, phải luôn giữ được sự phân biệt cần thiết giữa những điểm tương đồng và những điểm khác biệt.
Không còn nghi ngờ gì nữa, triết học và thần học đã được nhìn nhận như hai môn khoa học. Theo góc nhìn lịch sử, triết học đã có đó rồi, bởi ai ai cũng đều biết đặt câu hỏi: làm sao để biết? làm sao để vận dụng cái biết đó? Triết học là trí tuệ của con người, không thể chia tách khỏi con người, nên Rahner thậm chí còn cho rằng ngay cả một lão nông trồng khoai tây cũng không thể nào thoát khỏi những vấn đề triết học. Cho nên, triết học đã tồn tại trước mặc khải, hoặc trước khi tiếp nhận mặc khải, con người đã có một lập trường triết học nào đó rồi. Như thế xem ra, triết và thần chẳng có liên hệ gì với nhau, thậm chí còn lạ lẫm với nhau nữa. Vậy mà lại có người muốn nối chúng lại với nhau, muốn thử tạo nên một sự liên hệ giữa chúng.
2. Tương quan giữa tự nhiên và ân sủng
Trên thực tế, triết và thần tương quan với nhau thật sự ra sao? Về phía thần học, mối tương quan này được hiểu như mối tương quan giữa bản tính (nature) và ân sủng (grace). Nói cách khác, bản tính chính là sự tồn tại của con người; ân sủng thì không phải là một đồ vật, mà là điều kiện đặc thù của tinh thần con người. Ân sủng sẽ khác biệt tùy theo mỗi bản tính: sự tuyệt đối của Thiên Chúa sẽ thông truyền cho mỗi người, rồi cá nhân đó tùy theo mức độ nhận biết và ý thức mà đón nhận hay từ chối, song dù thế nào thì ân sủng là điều Thiên Chúa ban nhưng không. Cho nên, sự viên mãn của ân sủng cũng chính là sự viên mãn của bản tính. Như vậy, bản tính của con người là một ân sủng vừa cụ thể vừa nội tại trong từng phút giây. Cũng như tiềm năng là tiềm năng mang tính hiện thực, mà hiện thực là hiện thực của một tiềm năng, thì cũng vậy, ân sủng và bản tính tồn tại trong mối quan hệ hỗ tương, để cùng làm cho tồn tại trở nên một kiểu hiện hữu đích thực.
Từ đó, Rahner đã nói về mối tương quan giữa triết học và thần học như sau:
"Thiên Chúa muốn chân lý của triết học, bởi Ngài muốn tỏ lộ chính Ngài trong chân lý, tức chân lý tuyệt đối, vĩnh hằng và tràn đây ơn phúc; có như thế con người chúng ta mới có thể tiếp cận chính Ngài, mà không đổ thừa cho khoảng cách của sự vô tri tuyệt đối."
Như thế, chân lý của triết học và của thần học là một, đều đi vào chân lý tuyệt đối, dù không cùng thời khắc (moments) nhưng sẽ được thấm hòa vào nhau.
Khi một triết gia cảm nghiệm được rằng Thượng đế ban ơn không phải vì công lao của ông, mà chỉ là vì Ngài là Ðấng muốn tự tỏ lộ chính Ngài cho ông, thì lúc đó, ông sẽ đón nhận và khẳng định rằng mặc khải chính là ân huệ. Như vậy, mặc khải không phải là thứ bản tính tinh thần được ban cho nếu hội đủ các điều kiện cần thiết, nhưng mặc khải được tỏ lộ hết sức tự do, đến nỗi nó có thể được đón nhận hoặc bị loại trừ bởi con người. Theo đó, ân sủng là việc Thượng đế tự do thông truyền chính Ngài, là hành vi của tình yêu; nhưng chỉ những ai biết mình, nghĩa là hiểu mình là ai và đối phương là ai, mới có thể đón nhận hoặc từ chối ân sủng mà thôi.
Do đó, không gian tự do suy tư triết học là điều kiện tất yếu. Còn ân sủng được ban cho toàn thể nhân loại là do sự chủ động, tự do, và sự thông ban vô điều kiện của Thiên Chúa; đồng thời con người cũng có tự do để đón nhận hoặc từ chối những mặc khải đức tin được tỏ lộ trong dòng lịch sử. Vì vậy, Rahner viết: "Thực tế, là một triết gia, trong suy nghĩ tiên thiên của mình, họ thường đã đón nhận một trường phái thần học nào đó rồi, thứ nhận định siêu vượt căn bản kia đã giúp họ gặp gỡ trực tiếp vị Thiên Chúa đang đến với họ."
Như đã nói, một mặt tuy vẫn khẳng định tính độc lập của triết học, nhưng mặt khác, con người trong điều kiện siêu vượt của mình, một cách tiên thiên đã hướng về Tuyệt Ðối rồi. Vậy cuối cùng hiểu thế nào đây? Từ đây, chúng ta sẽ bàn về cách hiểu của Rahner về triết học, và góc nhìn của thần học về việc suy tư triết học.
Triết học là hệ thống tư tưởng được hình thành qua dòng lịch sử, chất liệu suy tư triết học là do điều kiện của mỗi thời và những tiền đề mang tính giới hạn của nó mà có. Cho nên, thần học cũng có thể là chất liệu để cho triết học suy tư và đối thoại. Rahner đặc biệt nêu tên một số triết gia phản đối lập trường trên, như: Karl Marx (1818 - 1883), Friedrich W. Nietzsche (1844-1900), Heidegger và Sartre.
Rahner nghĩ rằng suy tư triết học nhằm vào thực tại (reality) mà phản tỉnh. Nếu vậy, triết học không thể loại trừ hoặc tiên thiên xa lánh bất kỳ thực tại nào cả. Nói như vậy nghĩa là trong thần học tất nhiên đã phải có tư duy triết học rồi.
Ðầu tiên, Rahner nói rõ trong thần học phải có tư duy triết học:
"Liên hệ đến những điều mà Giáo hội giảng dạy, Thiên Chúa có mặt trong mọi hành động mặc khải của Ðức Kitô. Ðức Kitô đã vận dụng mọi phương pháp và cách thức của lý tính và tư tưởng để truyền đạt hành vi và nội dung của đức tin, nhờ thế con người mới có thể kinh nghiệm, đặt câu hỏi và thấu hiểu được."
Thứ đến, Rahner lại nói tiếp: triết học không phải là điều được thiết định trước, kiểu như một hệ thống triết học hoàn bị, rồi mới được đem áp dụng vào thần học. Bởi Rahner nghĩ rằng ngày nay chẳng có hệ thống triết học nào hoàn hảo và đầy đủ khả dĩ đáp ứng được cho nhu cầu muôn hình vạn trạng của thần học cả. Hãy lấy truyền thống triết học Tân Kinh viện làm ví dụ. Dù có rất nhiều hệ thống và quan điểm triết học, nhưng truyền thống Kinh viện đã không cách gì đối phó lại, hay có đáp án chính xác cho những cảnh huống phát sinh đa dạng hiện nay, huống hồ gì trong suy tư thần học lại có rất nhiều vấn đề ở những cấp độ khác nhau.
Suy tư triết học trong thần học đối mặt với hai vấn đề cơ bản: chủ nghĩa giáo điều thực chứng (dogmatic positivism) và chủ nghĩa kinh thánh cơ yếu (biblicism). Ðiểm chung của hai chủ nghĩa này là phê bình sự thiếu sót của quan điểm truyền thống về luật tự nhiên, vì truyền thống này đã bỏ rơi lịch sử tính trong quá trình hình thành. Hai chủ nghĩa này đã không coi trọng địa vị đặc hữu của con người: khi đi vào suy tư thần học, cần sử dụng sự toàn thể của lý trí và linh đạo đã có để xây dựng tiếp. Như thế, suy tư triết học trong thần học, một mặt là "căn nguyên của tư tưởng, cực đoan của việc tra hỏi, thành thật trong đối chất"; song mặt khác, không thể chỉ chú trọng đến sự hiếu kỳ trong học thuật mà bỏ quên đi vào đời sống, để rồi lại vận dụng chất liệu đức tin như một đối tượng cho việc tư duy mà thôi.
Có như thế, suy tư mới không mang tính loại trừ: nghĩa là không coi trọng hoặc không chấp nhận tư tưởng đức tin, và cũng chú trọng tới những vấn đề nghiêm trọng, thậm chí còn dám đối chất với những người hoài nghi và vô thần nữa. Thái độ suy tư này mới thực sự có chiều sâu và theo ý định của Thiên Chúa:
"Chiếu theo ý định cứu độ toàn thế giới của Thiên Chúa, sự thông truyền chính mình (ân sủng) trong bất cứ thời điểm và nơi chốn nào đều có thể phát sinh - ít nhất là một lời mời gọi đầy tự do dành cho con người - một sự gặp gỡ hiển nhiên với những điều mà Giáo hội hằng truyền giảng."
3. Thần: cõi mê của chiêm niệm, cõi phúc của đức tin
Tiếp đây, chúng ta sẽ bàn về câu hỏi quan trọng bậc nhất là: tại sao lại có thần học? Với câu hỏi này, trước hết Rahner sẽ nói theo quan niệm của thánh Tôma, sau đó ngài sẽ giải thích bằng ngôn ngữ ngày nay.
Trong truyền thống Giáo hội Công giáo, theo Rahner, quan niệm về một Thiên Chúa "ẩn tàng" (hidden) ít gặp hơn nhiều so với quan niệm về một Thiên Chúa "không thể hiểu thấu" (incomprehensibility). Nếu nhìn từ khía cạnh siêu hình học, nói Thiên Chúa "ẩn tàng" nghĩa là ta chỉ có thể hiểu được Ngài nhờ mặc khải, còn nói Thiên Chúa "không thể hiểu thấu" nghĩa là nhấn mạnh đến sự giới hạn nơi lý tính của ta, nên chẳng thể nào nắm bắt được tính tuyệt đối của Thiên Chúa. Tắt một lời, cả hai cách nói đều muốn khẳng định rằng, Thiên Chúa là tự do, chủ động, tùy nơi tùy thời mà tỏ lộ chính Ngài, và căn nguyên của Ngài là mầu nhiệm. Nên thậm chí, những người được diễm phúc thấy Ngài trên cõi dương trần này (beatific vision) thì cũng không thể thấu hiểu trọn vẹn về Ngài, đó là mầu nhiệm của con người. Vấn đề đặt ra là: làm thế nào con người lại biết được sự tồn tại của một Thiên Chúa "không thể hiểu thấu"?
Thiên Chúa "không thể hiểu thấu" là vì Ngài vô hạn trong khi con người hữu hạn, là vì Ngài là tuyệt đối nên không thể đánh giá hay ước lượng được. Do đó, ngay cả những ai có phúc được diện kiến Ngài, được chính Ngài thông truyền cho, thì họ vẫn là con người cũ, không có gì thay đổi cả. Thế là, Thiên Chúa "không thể hiểu thấu" là điều phi triết học, nhưng là vấn đề của con người ở một mức độ sâu xa hơn. Ðây cũng là lối nói được mặc khải trong Kinh Thánh và trong truyền thống của Giáo hội. Ðương nhiên, việc hiểu biết Thiên Chúa có nhiều cấp độ khác nhau, tùy vào mức độ và cách thức soi sáng của Ngài. Thiên Chúa là không thể hiểu thấu nên chỉ khi nào Ngài soi sáng thì ta mới hiểu được thôi.
Nói khác đi, với cách giải thích này, thánh Tôma đang gộp chung quan điểm về soi sáng của thánh Augustinô với siêu hình học của Aristotle. Như thế, thánh Augustinô cố gắng nói về hữu thể Thiên Chúa (divine being), tức bản chất thật sự của Thiên Chúa (real essence of God) là hữu thể Thiên Chúa tự thân; bởi so với con người, hữu thể và bản chất có sự phân biệt (distinct). Khi nói đến bản chất của loài hữu hạn thì cũng đã chỉ ra cách thức và cấp độ để xác định sự tuyệt đối hay thần tính của Thiên Chúa. Thế nên, hiểu được siêu hình học về sự soi sáng, tức ân sủng, là hiểu được mối tương quan giữa việc Thiên Chúa tự thông truyền chính mình và việc con người được đón nhận diễm phúc kia.
Mối tương quan này một mặt là giữa Ðấng Tạo Hóa và loài thụ tạo, mặt khác là việc soi sáng của Chúa Thánh Thần. Thần học Sáng tạo khẳng định tất cả mọi thụ tạo đều do ân sủng của Thiên Chúa mà ra (created grace), là sự tham dự (participation) theo từng cấp độ. Còn ân sủng của Thánh Thần là một loại khác, được gọi là ân sủng phi sáng tạo (non-created grace). Hai loại ân sủng tuy đều đến từ Thiên Chúa, nhưng loại sau viên mãn hơn loại trước, song loại trước lại là điều kiện tất yếu để loại sau được nhận thức và được lãnh nhận. Nói cách khác, sở dĩ việc con người và Thiên Chúa gặp gỡ nhau cả trong tiềm năng và hiện thực xảy ra được là do sự chủ động của Thiên Chúa và sự đón nhận của con người, là sự phối hợp của cả hai phía.
4. Nhân sinh quan về triết - thần
Qua những gì đã trình bày ở trên, Rahner muốn nhấn mạnh đến ba điểm sau: khi thánh Tôma nói Thiên Chúa là không thể thấu triệt thì nghĩa là đang nhìn từ góc nhìn hữu hạn của con người, và con người kinh nghiệm được những điều mà Thiên Chúa diễn tả. Do đó, "không thể hiểu thấu" là cách nói thường được dùng để nói về một đặc tính (quality) của Thiên Chúa. Ðặc tính này chỉ là một trong những thuộc tính của Thiên Chúa. Và cách dùng này của thánh Tôma, bất kể trong thần học hay trong nhân học siêu hình, đều chiếm một địa vị quan trọng. Thật vậy, trong Contra Gentiles, thánh Tôma đã coi đặc tính này là đề mục căn bản của nhân học; còn trong Summa Theologica, đặc tính đó lại là một thuộc tính trọng yếu của Thiên Chúa.
Rahner cho rằng trong nhân học Kitô giáo, nếu có ai không chấp nhận cách dùng này thì cũng đồng nghĩa với việc họ "vô phương" chấp nhận con người là hữu hạn. Tóm lại, tuy không nói rõ hết ý nghĩa sâu xa của cách dùng "Thiên Chúa không thể hiểu thấu", nhưng rõ ràng ý của Rahner là, một khi ai đó đi đến cùng cực của việc không thể hiểu thấu, thì cũng là lúc họ nhận hiểu chính mình, và thái độ "vô phương" sẽ biến thành tích cực, tức sẽ trở thành động lực thúc đẩy họ tìm kiếm để hiểu biết.
"Về mặt tư duy, nếu trong hợp đề (synthesis) của một người thường không thể nào thoát khỏi việc nối kết một "sự kiện" (what) với một "thứ gì đó" (something), thì từ nối mệnh đề ấy ắt hẳn phải là động từ phản thân "là" (esse itself), bất kể sự khẳng định của mệnh đề này có được hiểu hay không; theo đó, mệnh đề "Thiên Chúa không thể hiểu thấu" cũng có tác dụng giống như vậy."
Ðó chính là tác dụng của phương pháp "phủ định của phủ định" (retorsion), tức là thực tiễn (actus exercitus) chứng minh chính nó, bảo vệ chính nó. Ðó là thể nghiệm sự siêu việt của con người, sự thể nghiệm này xuyên thấu mọi cấp bậc và hướng độ của con người, bởi vì sự thể nghiệm là bản chất Ek-sistenz của con người. Trong hoạt động của vô thức, sự thể nghiệm chưa hiển đề (unthematic); nhưng trong khi suy tư, sự thể nghiệm biến thành hiển đề, căn nguyên của sự siêu việt (excessus) này tuy không thể hiểu được, nhưng nó dẫn đến việc cấu thành điều kiện của hành vi nhận thức nơi mỗi người.
Nói cách khác, siêu việt chiếu sáng bản chất của lý trí con người làm cho con người tham dự vào ánh sáng của Thiên Chúa; rồi như một kẻ tự do, con người có thể chấp nhận hoặc từ chối lời mời gọi của Ðấng Siêu Việt, nghĩa là con người tự nguyện cách vô điều kiện đi vào Nguồn Cội kia, và tự sắp xếp bản chất của mình sao cho tương cận với sự tốt lành chân thật của vị Thiên Chúa không thể hiểu thấu. Rahner gọi tiến trình đó bằng những danh từ thần học quen dùng là "Tin - Cậy - Mến".
Lấy những suy tư trên phản tỉnh vào hoàn cảnh hiện nay, Rahner lại thấy phức tạp hơn: việc lấy con người làm trung tâm của não trạng hiện đại làm cho con người ngày càng ít thời gian phản tỉnh, phê bình giá trị quan của mình, ngày càng ít hiểu biết về những ảnh hưởng của hoàn cảnh trên toàn bộ cuộc sống lâu dài của mình. Như thế, kinh nghiệm phán đoán của rất nhiều người đang được đặt trên một tiền đề của việc chưa ý thức và thành kiến, nên sự tự do của con người phải nhận chịu bao nhiêu thứ hạn định, trở ngại, thậm chí bị thao túng nữa (omnis homo mendax).
Thật ra, hiện tượng trên đã chỉ ra những giới hạn của con người, bởi tuy đã có rất nhiều tiến bộ và thành tựu, nhưng con người làm sao nắm bắt cho hết kiến thức khoa học được? Và dẫu cho nắm bắt hết đi nữa thì điều đó có ý nghĩa gì? Những vấn đề mà con người gặp phải bao giờ cũng nhiều hơn những câu trả lời mà con người có được. Như vậy, mỗi kết thúc lại mở ra một khởi đầu mới. Ðối diện với sự mở rộng không ngừng như vậy, con người thường hay phản kháng, rồi lại tận dụng từng phút giây để tận hưởng cuộc sống này. Nhưng quan điểm ấy của "chủ nghĩa hiện sinh" chẳng kéo dài được bao lâu, bởi mỗi phút giây đẹp đẽ kia không thể che lấp đi sự hư không của cái chết, vậy nên phải phản tỉnh sao cho siêu vượt được vấn đề của chính mình. "Tính kiêu ngạo đã làm cho con người chẳng nơi nào mà không lạc bước, và thường lạc vào vùng cực đoan, thế là con người càng lúc càng cảm nhận sự đau khổ rõ ràng hơn, một sự đau khổ miên trường không hồi kết." Vậy mà, con người lại không cách gì nhận ra được hiện trạng ấy, vẫn cứ tiếp tục xây dựng bao mộng tưởng tương lai. Những mộng tưởng kia của con người lại bị giam nhốt trong một vài ý thức hệ nào đó, nên sớm muộn gì họ cũng kinh nghiệm được sự chật hẹp và cô đơn thôi.
Tắt một lời, sau khi đã ý thức được những hiện tượng trên, triết học không thể không thừa nhận rằng vấn đề của con người là vô hạn, nhưng sự thể nằm ở chỗ có chịu chấp nhận điều đó hay không thôi, đó còn tùy thuộc vào sự tự do quyết định của triết học. Thần học thì khẳng định con người có khả năng (capacitas infiniti) để đối diện với vô hạn, đó là đức cậy (tức niềm hy vọng); rồi nếu trong niềm lạc quan quá độ, con người có thể sa vào nguy cơ sau: con người hiểu Thiên Chúa theo như những giải thích của chính họ, lúc đó con người coi mình là Thiên Chúa.
Ðối với thần học và triết học hiện đại, đạo lý "một Thiên Chúa không thể hiểu thấu" vẫn mang một ý nghĩa rất sâu xa. Nhấn mạnh "một Thiên Chúa không thể hiểu thấu" là để phản đối việc con người tự cho mình có thể đạt đến câu trả lời chung cục về Thiên Chúa, và cũng đòi con người phải tiếp tục suy tư; nhưng cũng là nói lên rằng con người có phúc phần đi vào sâu hơn huyền nhiệm không thể thấu kia, nghĩa là nếu tự mình, con người không cách gì có thể hiểu thấu nếu không dựa vào mầu nhiệm của đức tin và đức cậy, vì lúc đó Thiên Chúa mới tỏ lộ chính Ngài là Thiên Chúa của Tình Yêu. Ðây là "trí tuệ của sự vô tri" (docta ignorantia), nó dao động giữa hai cực "là" và "không là", nó đẩy con người đến bờ mép của giới hạn - nơi họ phải tranh đấu để hiến thân cho điều "bất khả tri": nếu con người cứ muốn giữ lại hiểu biết của mình, thì "vô tri" sẽ thật sự là vô tri.
Cuộc đối thoại giữa triết học và thần học là sự hỗ tương của hai quá trình suy tư thuộc hai mối bận tâm khác nhau: giả như triết học quan tâm và giải thích vấn đề tội lỗi và ơn cứu độ, thì các thần học gia sẽ nhận triết học làm đồng bạn của mình. Như thế là, thần học hiểu Thiên Chúa không ở trong các ngẫu tượng của thế giới này, hoặc bị giới hạn trong các miêu tả về thực tại, như kiểu vị Thiên Chúa mà chủ nghĩa bất khả tri hay vô thần chủ trương; nhưng Thiên Chúa ấy đã mặc khải và đã được gặp thấy trong những gì sâu kín nhất, những gì ẩn chứa nhất của thế giới này, và Thiên Chúa ấy cũng là một tương lai trọn vẹn.
Thế nên, khi các thần học gia phê phán một loại triết học, thì điều các vị đó nhấn tới không chỉ là hệ thống triết học ấy và thần học đã soi sáng cho nhau thế nào; nhưng điểm nhấn chính là phát hiện xem trong mệnh đề triết học kia có ẩn tàng tội lỗi không hay tìm xem bối cảnh của ơn cứu độ là gì.
Chúng ta hiểu thế nào về việc Rahner nói rằng trong triết học có "tội lỗi"? Rahner cho rằng, khi một nhà triết học chưa phản tỉnh triệt để một chuẩn tắc tiên thiên xem có vấn đề hay không, mà đã vội mặc nhận nó làm tiền đề như thể nó không có chút vấn đề gì, thì vị ấy đã tự đóng suy tư triết học vào khung rồi. Vị ấy đứng trong khuôn khổ mà mình đã thiết lập mà suy tư rồi lại khoan khoái khẳng quyết, hay tuyệt đối hóa những hướng độ và mức độ mà vị ấy đã có về nhân sinh. Như thế, vị ấy đã không thể hiểu hết được chân tướng và ý nghĩa của nhân sinh cách toàn vẹn, mà góc nhìn của vị ấy chỉ đang dừng lại ở một cực đoan nào đó thôi.
Trong quá trình này có một hiện tượng thật thú vị: nhà triết học khi đang tin tưởng tuyệt đối và ra sức bảo vệ lập trường tự do và độc lập của triết học, thì làm sao họ có thể hiểu rõ tự do là gì? chẳng lẽ tự do lại chỉ được hiểu trong khuôn khổ của một loại tự do đã bị đóng khung? Như thế, chính lối nhìn này đã bỏ mất tự do của con người, hoặc tính toàn thể và chân tướng của lịch sử. Giả như tri thức của con người lại bóp méo sự sống, không giúp con người tìm gặp ý nghĩa trọn đầy của đời mình, thì thứ tri thức ấy đang rơi vào địa hạt của tội lỗi, tức hoàn cảnh đối lập với ân sủng rồi. Ân sủng là Thiên Chúa, Ðấng chủ động và tự do thông truyền chính Ngài, hành động này cho thấy tình yêu đích thật của Ngài. Hành động tình yêu chỉ có thể đáp lại bằng cách đón nhận hay từ chối mà thôi.
Tóm lại, sự độc lập và tự do của triết học được thể hiện cách tự nhiên nhất như là một sự chuẩn bị, và triết học cũng có thể trở thành một giai đoạn suy tư trong thần học. Theo thứ tự thời gian, triết học luôn đi trước thần học và trở thành người đồng hành nội tại của suy tư thần học, tức thần học của tiến trình suy tư triết học. Nói như ngôn ngữ Kinh Thánh: "Có tai thì nghe!" (Mt 13:9), người nghe trước tiên phải có điều kiện để lắng nghe (khía cạnh thuộc bản tính của con người), mới có thể nghe thấy điều Phúc Âm muốn tỏ lộ. Song, đôi khi nghe thấy nhưng lại không hiểu nội dung. Ðiều đó thuộc về ánh sáng không được hiển lộ (unthematic illumination).
Rahner cho rằng một khi con người thấm nhập một tư tưởng triết học, thì họ không thể tránh khỏi thần học của sự không được hiển lộ, thậm chí họ còn không biết hoặc đang cố chối từ điều đó nữa. Những ai đang học bàn về những chủ đề đa dạng của triết học, thì sự huyền nhiệm của những vấn đề đó là thứ ân sủng thúc họ tiến về huyền nhiệm Thiên Chúa. Với những người không có chọn lựa, họ đã không muốn sử dụng tư duy thì thật khó biết được sự tồn tại của linh hồn, tức bản tính và ân sủng làm sao ảnh hưởng trên hiện hữu của họ được, nhưng với nhà triết học mà nói, họ chính là "Kitô hữu vô danh" (anonymous Christians).
5. Hy vọng vào tương lai
Tổng kết lại, sau khi bàn về mối tương quan giữa triết học và thần học, Rahner đề xuất ba điều sau:
(1) Tổng hợp của thần học và triết học
Nếu Tây phương chỉ muốn đạt được một thông điệp Kitô giáo đơn thuần (naked message), thì không thể bỏ đi sự tổng hòa hợp của thần và triết, bởi khi nói về mặc khải thì không thể không nhắc đến thần học, mà đã nói đến thần học thì không thể không nói đến suy tư triết học.
(2) Ða nguyên hóa triết học
Khẳng định trên không nhằm toàn cầu hóa truyền thống triết học Tây phương, mà thúc đẩy theo hướng ngược lại: muốn có sự đa nguyên hóa trong triết học, làm sao để trợ giúp con người trong những hoàn cảnh văn hóa đa dạng khác nhau đều có thể phát triển tư tưởng triết học.
(3) Nhận rõ "Tính thời đại" của triết học hôm nay
Khi Kitô giáo đặt chân vào những hoàn cảnh mới, làm sao để không theo mô thức vốn mang nặng lịch sử Tây phương, làm sao để việc đối thoại tư tưởng với các triết gia là những Kitô hữu vô danh, được diễn ra trong bầu khí của sự bổ sung, làm sáng tỏ, thách đố, thậm chí giải phóng Tây phương hầu có thể sản sinh những ảnh hưởng mới.
III. Phản Tỉnh Về Lối Nhìn Của Heidegger Và Của Rahner Về Tương Quan Triết - Thần
Giờ đây, chúng ta sẽ đưa ra những nét giống và khác nhau trong cách nhìn và tư tưởng của Heidegger và Rahner, cũng như sẽ thiết lập mối liên hệ giữa hai vị này.
1. Ðiểm chung
Heidegger và Rahner đều khẳng định rõ ràng rằng: con người là xuất phát điểm của mọi mối bận tâm, là quyết định tính phương hướng suy tư của triết học và thần học, và có nhu cầu tìm gặp huyền nhiệm tuyệt đối. Bất luận là "hữu tại đây" (Dasein) hay là "tinh thần trong thế giới" (Spirit in the world), con người, trong việc hỏi - đáp, vẫn đang thể nghiệm và tiếp cận Ðấng Tuyệt Ðối của những điều ẩn kín - không cách gì hiểu thấu được. Như thế, hai vị đều chủ trương không bàn gì, không hỏi gì cả, và có một thái độ phê phán đặc biệt đối với những hệ thống tư tưởng cứng nhắc.
a) Con người là một kẻ hành hương
Bước chuyển biến quan trọng trong cuộc đời và tư tưởng của Heidegger hệ ở việc ông nghĩ rằng "chủ nghĩa Công giáo" là một hệ thống khép kín, nên ông đã ly khai khỏi Công giáo, chuyển sang Tin Lành Luther. Ông chủ yếu mong đợi sẽ tách biệt được triết học ra khỏi thần học, nên đã dồn tâm nghiên cứu triết học và hiện tượng tôn giáo, cùng thể hiện một lối sống tôn giáo đầy tự do và phi tín lý.
Ông chú trọng đến việc kinh nghiệm cuộc sống thực (factual life), không ngừng có thái độ quá nhạy cảm đối với thần học truyền thống, và thậm chí cũng giữ một khoảng cách tương đối với hệ thống triết học. Vào năm 1921, khi học trò cưng K. Lowith (1897-1973) của ông muốn liệt ông vào danh sách những triết gia đồng hàng với Soren Kierkegaard (1813 - 1855) và Max Scheler (1874-1928), ông đã kịch liệt phản đối như sau:
"...Tôi phải nói rõ rằng tôi không phải là một triết gia. Tôi đã không hề có ý làm những điều thuộc loại đó; và tương lai cũng vậy... Công việc thực chất và cụ thể của tôi là từ xuất phát điểm "Tôi ở đây", xuất phát từ lý trí của tôi và trọn cả căn nguyên thực tại của tôi..., thuộc về thực tại con người cá nhân tôi, tôi nói cách ngắn gọn là: Tôi là một thần học gia Tin Lành".
Tuy nhiên, từ năm 1917, trong lá thư gởi Linh mục giáo sư E. Krebs, Heidegger cho biết ông đã toàn tâm nghiên cứu triết học mà bỏ thần học Công giáo; và trong lá thư cũng gởi cho vị Linh mục trên của 4 năm sau, đã cho biết ông chưa dám khẳng quyết sứ mệnh của "triết học" là gì. Sự thừa nhận đầy mơ hồ giữa triết học và thần học này cho thấy Heidegger đã không thể chuẩn nhận một hệ thống đóng kín, hoặc cũng có ý chỉ ra rằng ông đã không dễ dàng tách biệt phân minh giới hạn của triết học và thần học. Quả thật, trong lần "cuối cùng" phỏng vấn trên truyền hình, ông đã không thể chối bỏ Thiên Chúa khi khẳng định: "Chỉ có một mình Thiên Chúa mới có thể cứu chúng ta."
Còn Karl Rahner thì phê phán "triết học thực chứng" và "chủ nghĩa chú giải Kinh Thánh cơ yếu", vì ngài cho rằng quan điểm thần học kia đã tuyệt đối hóa đức tin như một thứ vĩnh hằng bất biến; mà bỏ qua lịch sử, xã hội, tâm lý, văn hóa... là những yếu tố giúp con người hiểu biết hơn về chính ý nghĩa độc nhất của đời sống hôm nay. Phê phán này mang lại một ý nghĩa sâu sắc và độc đáo cho việc mục vụ, và diễn tả tinh thần quan tâm đến thế giới của Công đồng Vatican II.
Trong bài viết "Rahner 80 tuổi vẫn đang đặt câu hỏi", R. Modras đã cho biết Rahner luôn tìm kiếm chân lý, ông thường không bao giờ bỏ cuộc trước những vấn đề nhưng sẽ thành tâm đối chất với nó. Tương tự, Rahner cũng phê bình tính "tội lỗi" trong triết học, tức khi triết học chưa làm công việc khảo cứu triệt để, mà đã mặc nhận một vài giả định nào đó làm tiền đề cho hệ thống triết học của nó, thì nó sẽ dễ rơi vào chiếc bẫy của chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa bất khả tri, hay chủ nghĩa vô thần.
Do đó mà sinh ra tư tưởng khai phóng, siêu vượt, Rahner hy vọng với sự cởi mở và siêu vượt đó, triết học phi Tây phương với sự đa nguyên hóa sẽ bổ sung, chỉnh sửa, thách đố lại triết học Tây phương, làm cho các tư tưởng thần học được giao lưu và phát huy cách mạch lạc hơn nữa. Tiếp đến, Rahner cũng khẳng định tư tưởng thần học vẫn không ngừng thảo luận với triết học, hay với bất kỳ tri thức khoa học nào, và xem chúng như những người bạn đồng hành trong suy tư thần học. Tắt một lời, vì coi trọng toàn thể nhân tính, nên Rahner đã khẳng định rằng những góc độ nghiên cứu khác nhau về nhân tính đều có thể mở ra, hay có thể trợ giúp con người trong việc phát hiện thêm, thấu hiểu hơn về siêu vượt.
b) Coi trọng tính phê phán
Với phương pháp "đồng nhất và khác biệt" hoặc "khẳng định và phủ định", Heidegger và Rahner đều coi trọng tính độc lập và tính hỗ tương, khiến con người tìm kiếm, tiếp cận chân lý tuyệt đối. Cho nên, họ đều khẳng định "khác biệt" là phát hiện cốt lõi cho việc "nhân và thần" tiếp xúc với nhau. Trong cấu trúc "đặt câu hỏi" (fragen), cả hai vị đều tìm thấy phương pháp cơ bản của bản chất luận.
Heidegger, trong cuộc thảo luận với Hegel, đã chỉ ra những bất đồng trong cách xử lý căn bản nơi phương pháp "đồng nhất và khác biệt". Hegel thì đề cao việc vận dụng nét "tương đồng" và "bất đồng" của sử liệu làm tinh thần tuyệt đối, để từ từ tiến đến một tương lai tối hậu viên mãn, như thế lịch sử con người có tính quyết định và phát triển. Còn Heidegger tuy cũng hết lòng nghiên cứu sử liệu, cùng khẳng định những dấu tích mà hữu thể đang hiển hiện ra, nhưng ý nghĩa của sử liệu không đơn thuần được thiết lập trên sử tính, vì sử tính thường làm cho con người rơi vào trạng thái "hữu thể bị lãng quên". Ðể xử lý điều này, Heidegger đề nghị làm thêm bước "giải cấu", nghĩa là nhấn mạnh đến khả thể "chưa hiển hiện" của hữu thể trong từng giai đoạn lịch sử. Vậy nên, mỗi thời đại là một tìm kiếm và mong đợi mới. Từ đó, chúng ta có thể hiểu tại sao Heidegger thường bỏ qua, nhưng cũng rất hay khẳng định "đức tin", và cuối cùng trốn mà chẳng thoát được con mắt của "Thần" (Gott).
"Thần" cuối cùng là thế nào đối với Heidegger đây? Là "động cơ đệ nhất" (prima causa) hay "nguyên nhân của nguyên nhân" (causa sui), hay "tinh thần tuyệt đối"... như điều triết học vẫn khẳng định chăng? Với những khẳng định của triết học về "Thần", Heidegger đã nói rõ:
"Với loại Thượng đế đó, con người chúng ta không thể cầu nguyện, cũng chẳng thể hiến thân. Trước nguyên nhân đệ nhất, con người chúng ta không thể cung kính bái quỳ, hay vui ca nhảy múa được."
"Thần" vừa được hiểu trong triết học siêu việt, vừa đến với đời sống của con người; đương nhiên hiện hữu của Ngài và con người là không giống nhau. Ngài đến trong thầm lặng, Ngài rút lui trong ánh quang. Con người chỉ có thể lắng nghe, rồi đợi chờ lúc Ngài hiển lộ thì chạy ra đón Ngài vào. Cho nên, thi nhân, nghệ sĩ hay những người có đầu óc sáng tạo thường có những linh cảm rất nhạy bén về sự hiển lộ của Ngài. "Hữu thể tạo ra tư duy, hữu thể dùng tư duy để biến thành khả năng."
Còn Rahner thì lấy lại tư tưởng của thánh Tôma về một Thiên Chúa bất khả thấu, để nói đến sự tồn tại và siêu việt của Thiên Chúa trong dòng lịch sử, nghĩa là mặc khải của Thiên Chúa là một mối dây liên hệ giữa "đã" và "vẫn chưa". Do đó, mặc khải Kitô giáo không đơn thuần coi trọng sử liệu, nhưng là tiến trình hướng về sự viên mãn của cuộc hội ngộ giữa con người và Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa chủ động điều hướng ý nghĩa thâm sâu của dòng lịch sử, đó là điều mà các thần học gia gọi là "cánh chung học" (eschatology).
Lịch sử thế giới và lịch sử cứu độ hệ tại ở việc con người ngóng trông Thiên Chúa (như Heidegger thường nhấn mạnh đến thái độ chờ đợi), và con người hợp tác với ân sủng để xây dựng Thiên quốc (như Hegel coi trọng phép biện chứng phát triển), nhờ thế mà hình thành nên một lịch sử đầy kỳ diệu. Ân sủng là điều được ban tặng, nhưng con người lại được tự do để đón nhận hay từ chối, nên ân sủng cũng có thể rơi vào lãng quên. Chung quy, cái tôi đóng kín của con người là căn nguyên của tội lỗi. Triết gia cũng không ngoại lệ. Con người đóng kín là vì tự mãn, tức tuyệt đối hóa cái tôi của mình. Ở đây chúng ta có thể nhìn ra nét tương đồng với điều mà Heidegger đã nói về "hữu thể bị lãng quên" (Seinsvergessenheit).
2. Ðiểm khác biệt: sự chia tách và gặp gỡ của triết thần
Heidegger và Rahner hiển nhiên có quan điểm khác nhau về mối tương quan giữa triết học và thần học: Heidegger chủ trương phân tách chúng, còn Rahner thì nghĩ rằng chúng có một sự tương thông nội tại.
Lập trường phân tách của Heidegger không phải là điều nhất thời, nhưng đã trải qua năm tháng dài tranh đấu mới dần tạo nên quan điểm trên. Thoạt tiên, Heidegger cho rằng thần học là một thứ khoa học thực chứng, là một hệ thống tổng hợp giữa triết học Hy Lạp và dòng lịch sử lâu dài. Việc phân tách giữa triết - thần, theo ông, sẽ có ích lợi hơn: triết học sẽ có lại sự độc lập và tự do, còn thần học sẽ trở về với căn bản của mình là kinh nghiệm đức tin. Cụ thể hơn, chúng ta không khó nhận ra cách hiểu của ông về triết học và thần học đã được xác định: triết học là tư tưởng có hệ thống (nên đã có lúc ông không tự nhận mình là "triết gia"); vì lo bảo toàn sự tự do và độc lập của mình mà triết học không bắt tay cùng thần học, đồng thời, triết học cũng muốn phân tách với các môn khoa học khác. Kết quả là, có khi Heidegger đã kịch liệt phản đối triết học Kitô giáo, và cũng phản đối những loại triết học như: triết học lịch sử của một số nơi, triết học xã hội của một số nền văn hóa... Các tư tưởng gia nói chung đều cho rằng lối nhìn này của ông thật hạn hẹp.
Như đã nói, Heidegger cho rằng triết học nên có tính trung lập (điều này bị ảnh hưởng bởi Husserl). Nói cách khác, lập trường này cho rằng con người có thể hoàn toàn phân tách được giữa đời sống (tôn giáo) và tư tưởng (triết học). Ðiều này là do ảnh hưởng của Luther với quan niệm tam duy (duy ân sủng, duy đức tin, duy Kinh Thánh), do đó, tư tưởng và đức tin không thể nào hòa hợp được. Kant đã khẳng định quan điểm này hết sức minh bạch như sau: "Do đó, tôi phải từ bỏ tri thức, để đức tin đạt được tầm mức của nó." Ðương nhiên, sự từ bỏ này không phải như quan điểm của Heidegger, mà là sự tách biệt như kiểu giữa tri thức thực tiễn và tri thức luận lý, với mục đích để xử lý vấn nạn siêu hình về việc chứng minh sự tồn tại của Thượng đế. Như vậy, để đức tin có được địa vị trí lãnh đạo, hoạt động của lý tính đành phải bị phân tách ở vào một lãnh vực khác.
Còn với Rahner, ngài chủ trương rằng: tuy triết học và thần học là hai khoa học độc lập với nhau, nhưng trong hoạt động tư duy chúng biến thành sự hỗ tương nội tại của nhau. Ðầu tiên, ngài cho rằng ngày nay chẳng thể có được thứ triết học nào được gọi là triết học của thần học; ngài cũng hoài nghi về việc có một hệ thống triết học nào đó đủ khả năng giúp hiểu được thần học, và đủ xử lý những vấn đề thần học đa nguyên và phức tạp của thời hiện đại này. Lại nữa, triết học tự nó cũng là đa nguyên rồi. Vậy nên, Rahner không nhấn mạnh đến triết học mà nhấn mạnh tư duy triết học (Philosophieren) mới có thể trở thành bạn tốt hoặc không thể thiếu của thần học. Ðương nhiên, tư duy triết học thì có thể liên quan đến bất kỳ phương pháp hay tư tưởng triết học nào miễn là có thể hòa nhập vào được quan điểm nhân học siêu việt.
Kết Luận
Tới đây, chúng ta thấy chủ trương của Rahner và Heidegger về mối tương quan giữa triết học và thần học dường như mâu thuẫn với nhau, quả thực là có một trương lực (streit) của sự đối lập, như thế mới làm cho vấn đề được coi trọng và phát triển. Tuy lối nhìn của hai vị có sự khác biệt, nhưng đều coi trọng hoạt động của tư duy. Dựa vào cách Maréchal xử lý tư tưởng của Kant, Rahner và Heidegger đã đối thoại và cùng đồng thuận với nhau trên rất nhiều phương diện, đặc biệt là nền tảng của xuất phát điểm (là con người) và nỗi khắc khoải chung cục (là Thượng đế). Phương pháp chủ yếu của họ đều là áp dụng hiện tượng học và phương pháp siêu nghiệm để xử lý vấn đề.