Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (4)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 62 -

Ðôi Tay Cầu Nguyện

 

Trong tập hồi ký của Albrecht Durer, một nhà họa sĩ tài ba và rất nổi tiếng người Pháp đã ghi lại sự việc sau đây:

Khi Albrecht Durer khởi sự tiến thân với nghề họa sĩ, ông đã kết nghĩa thân thiết với một người học trò cũng nghèo như ông. Hai người đồng ý thỏa thuận với nhau là người học trò nghèo sẽ tận tụy với công việc lao động tay chân để hỗ trợ Durer trong khi ông tiếp tục học và thực thi nghề vẽ, sau khi Durer thành công thì sẽ vẽ và hỗ trợ lại để bạn ông tiếp tục học ngành vẽ. Nhưng tới ngày Durer thành công đỗ đạt thì tiếc thay hai bàn tay của người bạn đã trở nên chai đá vì công việc nặng nhọc không thể cầm bút vẽ được nữa.

Một hôm, khi Durer nhìn bạn chắp tay lặng lẽ cầu nguyện, một tư tưởng thoáng qua trong tâm trí ông. Tôi sẽ không thể nào làm cho đôi bàn tay bạn trở nên mềm mại để cầm bút vẽ được nữa nhưng tôi có thể diễn tả lòng biết ơn của tôi đối với bạn đã không ngại vất vả làm lụng để giúp tôi ăn học thành tài như ngày nay, tôi biết tôi sẽ phải làm gì. Tôi sẽ vẽ đôi bàn tay đang chắp lại cầu nguyện của bạn, và đó là hoàn cảnh gợi ý cho tác phẩm danh tiếng nhất của Albrecht Durer, bức họa "Bàn Tay Cầu Nguyện".

Quý vị và các bạn thân mến,

Công việc làm là phương cách hữu hiệu nối kết con người lại với nhau trong tình tương thân tương ái và nhờ đó họ có thể cảm nghiệm được tình đoàn kết với nhau. Việt Nam có câu:

"Một cây làm chẳng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".

Hoặc: "Hợp quần gây sức mạnh".

Sống lẻ loi một mình người ta có thể làm được một ít việc tốt nhưng nếu biết hợp tác chung nhau góp sức công việc sẽ dễ thành đạt mau mắn hơn, trôi chảy hơn và với thành quả phong phú hơn. Chỉ cần đưa mắt nhìn lại các nhu cầu bản thân mình từ lương thực hàng ngày đến quần áo mặc của chúng ta từ đâu mà có. Phải chăng đó là thành quả của sức lao động bạn thôi sao, chỉ cần tưởng nghĩ đến người trồng kẻ tưới, người gặt kẻ khác thu lượm cũng như việc cắt may áo mặc, kẻ dệt người thêu. . không ai có thể hoàn thành tự lập tự cường được. Ðời sống của mỗi người chúng ta tùy thuộc vào sức lao động của biết bao nhiêu người khác nữa, nếu mỗi người chỉ biết đóng kín trong các nhu cầu cá nhân và trong các công việc sinh sống của mình chắc là sức lao động nhân loại sẽ bị cụt cùng lại.

Qua công việc làm của sức lao động, mỗi người chúng ta siết chặt mối dây liên kết với toàn thể nhân loại hơn bởi vì nếu chúng ta chủ trương độc lập, một mình đứng trên một hòn đảo sẽ rất khó mà thành công trong bất cứ kế hoạch lớn lao nào. Tất cả mỗi người chúng ta cần phải nhờ vả lẫn nhau và chính qua việc cộng tác chung tay góp sức trong công việc với tinh thần vị tha là lúc chúng ta bắt đầu cảm nghiệm niềm vui chân thành của mình và sâu xa của việc làm. Vấn đề không phải là làm nhiều hay ít nhưng là mỗi người đóng góp với tất cả thiện chí và cộng tác với tinh thần trách nhiệm mà không để cho lòng ghen tị hay sự biếng nhác ỷ lại chen chân bén rễ trong các sinh hoạt chung.

Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng mỗi người chúng con một cách độc đáo không ai giống ai, cũng không ai đủ hết mọi tài năng. Sở dĩ Chúa tạo dựng mỗi người chúng con trong hạn hẹp nhiều thiếu sót như vậy là để chúng con biết quý trọng lẫn nhau, và biết khám phá ra sự phong phú của bản thân cũng như của tha nhân, để chúng con biết chung tay góp sức liên kết với nhau.

Xin cho chúng con được lòng can đảm cởi bỏ những gì làm gây chia rẻ để chỉ yêu thích và duy trì những gì củng cố tình đoàn kết hợp nhất mà thôi. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page