Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (4)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 58 -

Hiện Diện, Lắng Nghe Và Cảm Thông

 

Abraham Lincoln vị Tổng Thống thứ 16 của nước Mỹ là người phải đương đầu với cuộc nội chiến tang thương nhất của đất nước.

Ngày nọ, căng thẳng thần kinh như điên cuồng ông đã sai người về nơi sinh quán của mình để mời cho được người bạn già đến thủ đô Washington cho ông tham khảo ý kiến. Hai người bạn mừng mừng tủi tủi khi gặp lại nhau. Sau những giờ phút tâm sự. Abraham Lincoln tươi vui hẳn lên.

Sau này khi có người hỏi ông bạn già đã làm gì để Tổng Thống phấn khởi lên như thế. Người bạn già của Tổng Thống đã cho biết Tổng Thống không bàn hỏi với ông bất cứ điều gì có liên quan đến chiến tranh hay chuyện nước nhà, ông cũng cho biết ông chỉ biết ngồi thinh lặng để lắng nghe người bạn của ông trút hết nỗi lòng của mình, bao nhiêu ấm ức đã đè nén từ bao lâu nay. Abraham Lincoln đã trút hết cho người bạn già, và người bạn già chỉ biết ngồi đó lắng nghe và cảm thông.

Nhiều người cho rằng: Sự hiện diện lắng nghe và cảm thông của người bạn già là một nhân tố quan trọng để giúp cho Tổng Thống Abraham Lincoln đủ phấn khởi và nghị lực để giải quyết những việc đại sự của đất nước.

Quý vị và các bạn thân mến,

Khi đến với con người xem ra Thiên Chúa cũng chọn con đường hiện diện và lắng nghe ấy. Tên của Ngôi Lời nhập thể là Emmanuel nghĩa là Thiên Chúa Ở Với Con Người.

Ngài ở bên chúng ta. Ngài lắng nghe chúng ta. Ngài cảm thông với chúng ta. Là Lời được ngỏ với con người nhưng xem ra Ngôi Hai Thiên Chúa nói bằng sự thinh lặng nhiều hơn.

Thinh lặng của những tháng ngày được cưu mang trong lòng Mẹ.

Thinh lặng của một thơ nhi bé bỏng yếu đuối.

Thinh lặng của suốt 30 năm sống âm thầm tại Nagiarét và cuối cùng thinh lặng trong cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá. Lời của Thiên Chúa được ngỏ bằng sự thinh lặng.

Thinh lặng của đơn thành tín thác, thinh lặng của cảm thông với đám người cùng khổ và nhất là với kẻ tội lỗi. Chúa Giêsu sinh ra để hiện diện với tất cả cảm thông và tha thứ. Ngài đi lại với họ, Ngài ngồi đồng bàn với họ, bên kia sự thinh lặng ấy hẳn những người tội lỗi, những kẻ khốn cùng đã nghe được tiếng mời gọi và sự tha thứ của một Thiên Chúa mà danh xưng Ðấng là Tình Yêu.

Chúa Nhật truyền giáo, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về bổn phận truyền giáo của mỗi người trong chúng ta. Tin Mừng nào cũng hàm chứa đòi hỏi phải được chia sẻ và loan báo. Không thể là người tín hữu Kitô nghĩa là đã lãnh nhận Tin Mừng mà không cảm thấy thôi thúc để chia sẻ và loan báo Tin Mừng. Có những chia sẻ và loan báo bằng những lời lôi cuốn nhưng thiết tưởng không sự chia sẻ và loan báo nào đáng tin cậy cho bằng chứng từ của cuộc sống.

Một gương mặt vui tươi lạc quan tin tưởng đã là một loan báo Tin Mừng của tình yêu và hy vọng. Một sự hiện diện của cảm thương nâng đỡ và tha thứ đó là một chia sẻ của Tin Mừng yêu thương. Một cuộc sống quảng đại tử tế là lời loan báo hùng hồn hơn bất cứ sự rao giảng nào.

Lạy Chúa, giữa một xã hội thiếu vắng tình người và niềm tin nhiều người đang cảm thấy bơ vơ lạc lõng.

Xin cho mọi người tín hữu Kitô chúng con luôn ý thức rằng: cuộc sống của chúng con trước hết phải trở thành một tín hiệu để nhờ đó nhiều người có thể đọc được Tin Mừng của Chúa. Amen.

(Lễ Truyền Giáo ngày 19 tháng 10 năm 1997)

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page