Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (4)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 46 -

Không Ai Là Vô Dụng

 

Truyện cổ Trung Hoa ghi lại về danh họa Aliêu như sau:

Aliêu xuất thân là một tiểu đồng được một người tên là Chu Nguyên Tố đem về nuôi. Cậu tiểu đồng này vốn rất ngây ngô, không làm được việc gì cả, vậy mà ông Chu Nguyên Tố vẫn nuôi cậu suốt đời. Lúc ông bảo nó quét nhà, nó cầm chổi quanh quẩn suốt buổi mà không sạch nổi một cái buồng con, ông giận mắng thì nó quăng chổi rồi lẩm bẩm:

- Ông quét giỏi thì phiền đến tôi làm gì.

Khi đi vắng, Chu Nguyên Tố sai nó giữ nhà và đón khách. Nhưng dù cho khách có quen thuộc tới đâu nó cũng không nhớ được tên người đó là ai. Có hỏi thì nó nói: "Người ấy lùn mà béo", "người ấy gầy mà lắm râu", "người ấy xinh đẹp", "người ấy tuổi cao". Ðến lúc nó liệu chừng không nhớ xuể thì nó đóng cửa lại không cho ai vào nữa. Trong nhà có chứa ít đồ cổ như chén, lọ, đỉnh, khách đến chơi nó đem bày ra cho xem. Lúc khách về nó lẻn đến gõ các thứ ấy mà nói: "Những thứ này bằng đồng mà sao nó đen xì như thế", rồi nó đi lấy cát, lấy nước để đánh bóng. Nhà có cái ghế gãy chân, ông Chu Nguyên Tố sai nó chặt cây có chạc để sửa lại. Nó cầm búa, cưa đi khắp vườn. Sau một ngày lặn lội tìm kiếm trở về nó chìa hai ngón tay làm hiệu rồi nói:

- Cành cây có chạc đều chỉa lên cả, không có cành nào chúc xuống đất.

Cả nhà đều cười. Trước nhà có vài cây liễu, chủ nhà sợ trẻ con láng giềng đến nghịch phá, sai nó trông nom giùm. Ðến lúc vào ăn cơm nó nhổ cả cây đem cất vào một chỗ. Công việc nó làm, nhiều chuyện đáng buồn cười như thế.

Ông Chu Nguyên Tố là người có tài hội họa. Một hôm, ông hòa phấn với mực để vẽ, thấy Aliêu ông hỏi đùa:

- Mày có vẽ được không?

Aliêu đáp:

- Có gì mà không được.

Ông bảo nó vẽ, thế là Aliêu cầm cọ vẽ, nét đậm, nếp nhạt, nét xa, nét gần như người xưa nay vốn đã biết vẽ. Ông thử luôn mấy lần, lần nào Aliêu cũng vẽ được như ý. Từ bấy giờ ông để Aliêu luôn bên cạnh ông để học vẽ, không lúc nào rời. Về sau Aliêu nổi tiếng là một danh họa.

Quý vị và các bạn thân mến,

Câu chuyện trên đây dường như cố nêu lên những cái ngây ngô đờ đẫn để rồi cuối cùng đưa ra một nhận xét bất ngờ: "Ở đời không có ai là vô giá trị và là đồ bỏ cả." Cho đến ngày nay xã hội loài người vẫn còn bị chi phối bởi luật cạnh tranh và đào thải. Người tài ba được trọng dụng, kẻ bị xem là vô ích bị loại bỏ hay bị đẩy ra bên lề xã hội. Nói chung, xã hội vẫn còn đánh giá con người dựa trên sự thành đạt hơn là giá trị của con người. Trong cách thẩm định ấy thì con người dễ bị giản lược vào một thứ vốn để khai thác, một phương tiện để sử dụng. Bao lâu còn hữu dụng thì còn giá trị, bấy lâu mất sức lao động thì trở thành vô dụng, bị vứt bỏ, chẳng khác nào trái chanh đã bị vắt hết nước và bị vứt đi.

Mạc khải Kitô Giáo mang lại cho chúng ta một cái nhìn hoàn toàn khác hẳn. Trong cái nhìn của Thiên Chúa, tất cả mọi người đều có một phẩm giá cao trọng. Cái phẩm giá ấy lại tuyệt đối bất khả di nhượng và bất khả xâm phạm, nghĩa là không một quyền lực nào trên trần gian này có thể tước đoạt hay sử dụng như một cái vốn hay như một phương tiện. Cái phẩm giá ấy cũng độc nhất vô nhị trên mặt đất này.

Mỗi một con người sinh ra trên đời này dù đần độn bệnh hoạn và thấp hèn đến đâu cũng đều là một nhân vị không ai có thể thay thế được và dĩ nhiên trong cái nhìn của Thiên Chúa, vì không là một phương tiện hay một cái vốn, cho nên mỗi một nhân vị đều có một chỗ đứng ưu biệt độc nhất trong chương trình của Ngài. Qua cách cư xử của Ngài, Chúa Giêsu đã muốn cho chúng ta nhìn thấy cái phẩm giá cao cả ấy của mỗi một con người. Bé nhỏ như các em bé cũng được Ngài đón tiếp với tất cả trân trọng (x. Mt 19:13-15). Bị khinh khi miệt thị như các cô gái điếm cũng được Ngài tiếp cận bằng tất cả tôn trọng và cảm thông (x. Mt 21:31; x. Lc 7:37.44-49).. Bị xem là hạng người đốn hèn trong xã hội như những người thu thuế cũng được Ngài kết thân bằng tất cả thân tình (x. Lc 19:1-10). Chúa Giêsu không nhìn con người qua hào quang của những thành tựu ngay cả những thành tựu về đạo đức mà xuyên qua những giá trị tự thân mỗi người.

Ðó là cái nhìn mà hằng ngày trong giao tế với tha nhân, Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta mặc lấy, nhân cách của chúng ta lớn lên hẳn không do những thành đạt của chúng ta cho bằng chính cái nhìn ấy đối với tha nhân.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết luôn mặc lấy tâm linh của Chúa để trong mọi gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, chúng con luôn biết nhận ra hình ảnh của Chúa trong mỗi người. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page