Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (4)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 37 -

Khoan Nhượng và Cảm Thông

 

Một tác giả nọ đã sáng tác một bài thơ với nội dung như sau:

Một buổi tối nọ, một người đàn bà phải ngồi chờ đợi nhiều giờ tại một phi trường, bà rảo qua các rạp sách báo trong phi trường, mua một cuốn sách và một gói bánh rồi tìm một chỗ yên tĩnh để ngồi đọc sách. Tuy cắm cúi đọc sách, người đàn bà cũng nhận ra một người đàn ông đang ngồi bên cạnh bà, ngoài cái đầu hói ra, người đàn ông này không có cái gì để gợi sự chú ý của người đàn bà, tuy nhiên điều khiến cho người đàn bà cảm thấy khó chịu là chốc chốc người đàn ông lại đưa tay vào gói bánh của bà và kéo ra một hai cái để ăn, tuy khó chịu nhưng người đàn bà cố tình như không hay biết gì để tránh cho người đàn ông khỏi ngượng. Người đàn bà không muốn làm quen với người đàn ông không mấy biết điều ấy. Thỉnh thoảng người đàn bà đưa tay vào gói bánh lấy một cái và người đàn ông cũng lấy một cái.

Cuối cùng gói bánh chỉ còn vỏn vẹn một cái, người đàn bà chờ xem người đàn ông mất dạy này sẽ làm gì. Người đàn ông liền mỉm cười lấy chiếc bánh cuối cùng bẻ ra làm hai và trao cho bà một nửa, nửa kia ông cho vào miệng. Người đàn bà nghĩ bụng: Ðây quả là một người đàn ông vô liêm sĩ, đã không biết thẹn thì chớ lại không biết nói một lời cảm ơn. Bà thở ra nhẹ nhõm khi chuyến bay của bà được loan báo, bà thu dọn hành lý và đi vào cổng lên máy bay, bà cũng chẳng buồn quay lại chào người đàn ông bên cạnh. Sau khi thắt dây an toàn người đàn bà mới kiểm soát lại hành lý. Cuốn sách bà đã mua vẫn còn nguyên vẹn trong túi xách, bên cạnh cuốn sách thì gói bánh vẫn còn nguyên vẹn. Như vậy, cuốn sách đã đọc khi chờ máy bay là của người đàn ông và bánh bà đã dùng cũng là của người đàn ông. Quá trễ để xin lỗi người đàn ông, người đàn bà thở ra và tự nhận ra rằng: Kẻ ăn cắp bánh và người vô liêm sỉ chính là bà.

Quý vị và các bạn thân mến,

Sở dĩ con người không có thái độ khoan nhượng và cảm thông với người khác là bởi vì họ không biết nhìn vào bản thân. Có lục soát lại hành lý nghĩa là nhìn lại chính mình, người đàn bà trong câu chuyện trên đây mới có thể nhận ra được lầm lỗi của mình và thay đổi cái nhìn với người đàn ông.

Một trong những sứ điệp nền tảng của Kitô giáo được chứa đựng trong lời kêu gọi mà Chúa Giêsu đã đưa ra ngay khi vừa khởi sự sứ vụ công khai của Ngài: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng." (Mc 1:15). Sám hối là chiều kích nền tảng trong đời sống đức tin. Có nhận ra thân phận yếu hèn tội lỗi của mình con người mới cảm nhận được ơn cứu rỗi, tình yêu thương của Thiên Chúa. Có biết mình vấp ngã, yếu đuối, con người mới dễ cảm thông với người anh em của mình. Như vậy, mến Chúa, yêu người chỉ có thể xây dựng trên nền tảng của sám hối mà thôi. Sám hối càng sâu sắc, tinh thần khiêm tốn càng cao độ thì tình yêu đối với Thiên Chúa mới chân thành và lòng mến đối với tha nhân mới thiết thực.

Chúa Giêsu đã lên án một cách cách gắt gao thái độ của những người biệt phái, họ có tất cả mọi nhân đức, nhưng chính vì thiếu lòng sám hối mà tòa nhà đạo đức của họ không có nền tảng. Tình yêu của họ đối với Chúa, là giả tạo, và họ cũng không hề biết thế nào là cảm thông, tha thứ, yêu thương đối với tha nhân.

Nhìn lại bản thân để nhìn nhận ra những giới hạn bất toàn và vấp ngã của mình để từ đó mở rộng tâm hồn đón nhận tình yêu của Chúa và cảm thông tha thứ cho người anh em. Ðó là sứ điệp mà Giáo Hội không ngừng nhắc lại cho chúng ta trong mỗi Thánh Lễ.

Nguyện xin Chúa ban cho chúng ta luôn có tâm hồn sám hối đích thực ấy.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page