Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (4)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 15 -

Cho và Nhận

 

Từ lâu lắm rồi, ở trong chợ Vườn Chuối tại Quận 3, Sàigòn, chỗ cuối dãy hàng rau, gần những quầy bán cá, chiều chiều thường vọng lên tiếng sáo trúc.

Nghe tiếng sáo rồi, phải đến mới nhìn thấy: Một người mù, chẳng là ông ấy ngồi nép vào bên cạnh của lối đi, trong cái kiểu ngồi thu gọn, ai cũng nhận ra rằng, người mù không muốn gây cản trở chỗ đi mua sắm vào buổi chợ chiều.

Tiếng sáo lúc trầm, lúc bổng, khi luyến láy, khi ngân dài. Ðây không phải là một bản tân nhạc não nùng, sướt mướt, cũng không phải một lưu thủy hành văn hay xuân nữ phú lục. Rất có thể đây là một bản tự sáng tác dành riêng cho sáo trúc, người thổi sáo đã tự sáng tác để gửi gắm vào âm thanh những mơ ước của mình. Giữa cái nóng hừng hực của buổi xế chiều, cái ngột ngạt, cái nồng nặc của mùi tanh hôi từ tôm cá, mùi hôi thối từ các cống rãnh bốc lên, mà bên tai lại nghe được tiếng sáo trúc bập bềnh như mây, rì rào như gió, ríu rít như tiếng chim, hầu như không khách qua lại nào mà không thấy vương vấn lắng tai nghe, và không thể dửng dưng bước qua mà không nhẹ nhàng đặt một vài tờ giấy bạc nhỏ vào cái lon nhựa của người thổi sáo.

Chợ chiều đang giữa buổi, tiếng sáo bổng trầm, véo von. Người thổi sáo, người nghe bỏ vào lon nhựa một vài tờ giấy bạc, thật khó mà phân biệt rạch ròi ai là kẻ cho? Ai là người nhận? Những tờ giấy bạc dù nhỏ và với cung cách ít nhiều trân trọng, người bỏ tiền vẫn thấy là mình đã cho sau khi đã nhận được sự kỳ diệu của cái âm thanh từ làn hơi ống trúc làm tươi mát tâm hồn.

Quý vị và các bạn thân mến,

Mảnh đời thường trên đây như một khung cảnh gói trọn câu nói của Chúa Giêsu được Thánh Phaolô nhắc lại trong Công Vụ Tông Ðồ như sau: "Cho thì có phúc hơn nhận lãnh" (Cv 20:35). Con người sẽ hạnh phúc biết bao nếu nắm bắt được bí quyết ấy.

Niềm vui và hạnh phúc của người mù trong câu chuyện trên đây hẳn phải là tiếng sáo trúc và cũng là những tờ giấy bạc nhỏ mà những người khách qua đường trân trọng đặt vào chiếc lon nhựa. Trái lại, niềm vui của khách qua đường chắc hẳn cũng lại là tiếng sáo trúc và hơn nữa chính là những tờ giấy bạc nhỏ mà họ đặt vào cái lon nhựa của người mù sau khi nghe tiếng sáo trúc. Người thổi sáo và người nghe thật khó mà phân biệt rạch ròi ai là kẻ cho, ai là người nhận, lắm khi chúng ta tưởng mình trao ban, nhưng kỳ thực, chúng ta nhận lãnh nhiều hơn. Thật thế, không một người nào nghèo đến độ không có gì để trao ban.

Tin Mừng ghi lại cuộc đối thoại đầy ý nghĩa giữa Chúa Giêsu và Giuda Iscariot tại Bêthania: Sáu ngày trước lễ Vượt Qua của người Do Thái, Chúa Giêsu và các môn đệ được ba chị em Martha, Maria và Lazaro mời dùng bữa. Trong bữa ăn, Maria đã dùng chai dầu thơm hảo hạng để xức chân cho Chúa Giêsu. Giuda cho đó là một sự phung phí vô ích. Ông nói: "Tại sao không bán chai dầu thơm này để lấy tiền bố thí cho người nghèo". Và Chúa Giêsu trả lời như sau: "Người nghèo lúc nào anh em cũng có bên cạnh, còn Ta anh em không có mãi đâu". (x. Ga 12:1-8)

Quả thật, người nghèo lúc nào cũng có bên cạnh chúng ta. Xã hội nào cũng có người nghèo, không nghèo vật chất thì cũng nghèo tinh thần. Người nghèo hiện diện như một hồng ân của Thiên Chúa. Người nghèo hiện diện như một lời mời gọi con người rời khỏi cái vỏ ích kỷ của mình mà trao ban, chia sẻ. Và người nghèo mời gọi chúng ta trao ban, vì có trao ban chúng ta mới cảm nhận được niềm vui của sự trao ban. Suy cho cùng, cho là lãnh nhận.

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa vì hồng ân sự sống Chúa đã trao ban cho chúng con. Xin cho chúng con luôn biết ý thức rằng: tất cả mọi sự chúng con đang có và mỗi một người chúng con gặp gỡ là ân ban của Chúa.

Xin cho chúng con biết lấy sự trao ban và chia sẻ làm ý nghĩa cho cuộc đời chúng con. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page