Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 28 -

Mẹ Maria Là Ðấng Trung Gian

 

Giáo Hội thường dành riêng tháng 5 và tháng 10 để biệt kính Mẹ Maria, nhưng với mùa Vọng, chuẩn bị đón mừng ngày sinh của Chúa Giêsu, chúng ta không thể không hướng tâm hồn về Mẹ Ngài.

Về sự cần thiết của lòng tôn kính Mẹ Maria trong đời sống đức tin, ai đó đã nói như sau: "Nơi nào người ta không còn đọc kinh Kính Mừng nữa, thì sớm hay muộn người ta cũng sẽ bỏ kinh Lạy Cha." Câu nói có vẻ cường điệu nhưng bày tỏ một sự thực trong đời sống đức tin của người tín hữu Kitô chúng ta là: Việc tôn kính Ðức Mẹ không phải là một sinh hoạt tình cảm ủy mị, mà là một việc làm thiết yếu để cho đời sống đức tin của chúng ta được quân bình. Tất cả những gì đức tin dạy chúng ta về Mẹ Maria đều có một mục đích duy nhất là giúp chúng ta đến gần với Chúa Giêsu, Con Mẹ. Chúng ta đã quá quen thuộc với câu châm ngôn: "Nhờ Mẹ đến với Chúa Giêsu". Thật thế, không ai gần gũi với Chúa Giêsu cho bằng Mẹ Ngài.

Trong chương 8 của "Hiến chế về Mầu nhiệm Giáo Hội" Công Ðồng Vatican II đã nhấn mạnh rằng: "Mẹ Maria không phải là một hình ảnh bên lề hay phụ thuộc trong lịch sử cứu độ và đời sống đức tin". Ðể nêu bật vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ, Công Ðồng Vatican II nói đến các quan hệ của Mẹ với Chúa Kitô. Trong quan hệ với Chúa Kitô, Mẹ là kết quả tuyệt hảo nhất của công cuộc cứu rỗi, bởi vì Mẹ đã được cứu rỗi một cách trọn hảo nhờ công nghiệp của Con Mẹ. Do đón nhận sứ thần truyền tin, Mẹ còn là Mẹ cưu mang Con Thiên Chúa nhờ quyền năng của Thánh Linh chứ không do sự can thiệp của loài người. Mẹ còn là người Nữ Tỳ trung tín hiến thân trọn vẹn cho Con Mẹ để phục vụ Mầu nhiệm cứu rỗi.

Cuối cùng, Mẹ là người môn đệ luôn biết lắng nghe và thực thi lời Chúa. Mẹ Maria hiện hữu vì và cho con Mẹ đến độ không thể tách biệt Mẹ với Ngài, và sứ mệnh của Ngài cũng như sứ mệnh của Giáo Hội trong trần thế. Niềm tin còn nhắc nhở chúng ta rằng: chính vì sự gắn bó mật thiết của Mẹ với Con Mẹ mà việc tôn kính Mẹ không thể tách biệt ra khỏi Con Mẹ. Mầu nhiệm của Mẹ bất khả phân ly với Mầu nhiệm của Chúa Kitô và Mầu nhiệm của Giáo Hội ngay từ lúc Giáo Hội được khai sinh. Giáo hội là gì? Giáo Hội phải làm gì? Chúng ta có thể đi từ Mầu nhiệm ấy của Giáo Hội khi tìm về với Ðấng đã tin vào lời Chúa phán sẽ được thực hiện. Chính vì thế mà qua muôn thế hệ, Giáo Hội đã dành cho Mẹ Maria một sự tôn kính đặc biệt.

Ngày nay, hơn bao giờ hết, khi nhân loại đang chuẩn bị bước vào ngàn năm mới: Thế giới cần đến Chúa Kitô, Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống của mỗi một con người. Do đó, vì trao ban Chúa Kitô - như một nhân vật lịch sử, Mẹ Maria là ân nhân vĩ đại nhất của nhân loại. Mẹ là Mẹ của Chúa Kitô, Ðấng cứu độ trần gian. Khi trở thành Mẹ Chúa Giêsu, Mẹ cũng trở thành trung gian cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. Về vai trò cao cả ấy của Mẹ đối với nhân loại, Chân phước Pio, người được in năm dấu thánh đã có lần tưởng tượng ra một câu chuyện như sau:

Ngày nọ, Thánh Phêrô đến trình diện với Chúa Cha, không nói một lời, ngài cầm nguyên xâu chìa khóa đặt trên bàn trước mặt Chúa Con. Chúa Giêsu ngạc nhiên hỏi:

- Ơ kìa, Ta đã giao cho ngươi chìa khóa Nước Trời, sao ngươi trả lại một cách bực bội như thế.

Thánh Phêrô đáp:

- Chúa cứ nhìn xem: Mỗi ngày, khi duyệt lại những gương mặt mà con đã cho vào Thiên Ðàng, thì con lại thấy có những tên đầu trộm, đuôi cướp mà con không hiểu làm cách nào đã có thể lẻn vào đây.

Chúa Giêsu liền ôn tồn khuyên nhủ người giữ cửa Thiên Ðàng:

- Vậy thì người phải để ý hơn, đã là người giữ cửa thì đừng cho vào những ai không có quyền vào.

Thánh Phêrô lại lên giọng:

- Nhưng làm cách nào bây giờ?

Chúa Giêsu thắc mắc:

- Nếu ngươi đóng chặt mọi cửa nẻo thì làm sao người ta có thể chui vào.

Vị thủ lãnh các tông đồ giải thích:

- Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, con đã đi một vòng để kiểm soát rất kỹ, còn chìa khóa thì con luôn giữ chặt trong người, thế nhưng bây giờ con mới khám phá ra rằng: Chính Mẹ Ngài đã đi mở các cửa sổ và cho cái bọn đầu trâu mặt ngựa ấy vào.

Mẹ Maria là Ðấng trung gian không những vì đã trao ban cho chúng ta Chúa Giêsu, mà còn dìu dắt để chúng ta nhận biết Ngài, và nhất là sau cuộc đời này, được gặp gỡ Ngài. Ðọc lại Tin Mừng, chúng ta hẳn phải ngạc nhiên về sự thinh lặng của Mẹ Maria. Sau khi sinh Chúa Giêsu, hầu như Mẹ đã biến mất, và sống một cuộc sống ẩn dật, các sách Tin Mừng chỉ ghi lại một vài lời của Mẹ, tổng cộng có lẽ Mẹ chỉ nói có 5 lần. Lần đầu tiên khi Mẹ xin sứ thần giải thích về Mầu nhiệm Nhập Thể. Kế đó Mẹ cam kết "Xin Vâng" như lời sứ thần truyền. Lần thứ ba là Mẹ cất tiếng hát lên những kỳ công của Chúa trong bài ca ngợi khen (Magnificat). Một lần nữa là sau ba ngày vất vả tìm kiếm Chúa Giêsu lạc mất trong đền thờ Gierusalem. Và cuối cùng khi Mẹ xin Chúa Giêsu can thiệp vào tiệc cưới Cana.

Cuộc sống của Mẹ là một cuộc sống thầm lặng, nhưng là một sự thầm lặng phong phú. Phong phú là bởi vì trong thinh lặng của tâm hồn, Mẹ luôn suy niệm về các biến cố của cuộc sống, nhất là những gì xảy ra cho Chúa Giêsu Con Mẹ. Trong thinh lặng, Mẹ đã cưu mang và sinh Chúa Giêsu. Trong thinh lặng, Mẹ đã bước theo Chúa không những như một người Mẹ luôn có mặt bên cạnh con, mà còn như một người môn đệ luôn biết lắng nghe và trung thành sống lời Chúa.

Ngày nay, cũng trong thinh lặng, Mẹ luôn dõi bước theo từng người chúng ta và bao bọc chúng ta trong tình mẫu tử bao la, nhiệm mầu của Mẹ.

Trong mùa Vọng, chuẩn bị tâm hồn để đón nhận Con Mẹ, chúng ta được Giáo Hội mời gọi sống lại chính tâm tình của Mẹ. Tin Mừng không nói nhiều về Mẹ, nhưng chính vì thế mà chúng ta có thể nhận ra dung mạo đích thực của Mẹ: Mẹ là một tạo vật đơn sơ, nghèo hèn, khiêm tốn. Cũng như tất cả mọi người nghèo, Mẹ đặt tất cả tin tưởng và phó thác vào quyền năng của Ðấng có thể làm được mọi sự: đơn sơ, khiêm nhượng và phó thác là điều kiện để Mẹ luôn luôn đáp trả lại ý muốn của Chúa. Ðây là tâm tình của Mẹ mà chúng ta có thể đào sâu qua biến cố truyền tin.

Biến cố thứ hai mà Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm trong mùa Vọng là việc Mẹ vội vã lên đường viếng thăm người chị họ Elisabeth. Với những phương tiện của thời ấy, đây hẳn phải là một cuộc hành trình khó khăn và đầy cam go. Thực ra, cả cuộc sống của Mẹ là một cuộc hành trình đi theo Chúa. Ði theo Chúa đến với mọi người. Ði theo Chúa để trở thành Mẹ của mọi người. Niềm vui đích thực nào cũng phải được chia sẻ. Ðây chính là ý nghĩa của biến cố thăm viếng. Mẹ vội vã lên đường, bởi vì Mẹ không thể giữ riêng niềm vui cho mình, Mẹ tìm đến người chị họ là để chia sẻ niềm vui của Mẹ. Ra khỏi bản thân để tìm đến với người khác, san sẻ niềm vui cho người khác. Ðó là điểm nổi bật trong dung mạo của Mẹ mà Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm trong mùa Vọng này.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page