Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 19 -

Biểu Tượng Và Giá Trị

 

Mới đây các thị trưởng trên toàn nước Pháp đã đồng thanh bầu chọn cô Laetitia Casta, một người mẫu kiêm diễn viên điện ảnh, 21 tuổi làm biểu tượng của nước Pháp. Hàng trăm hình tượng của cô sẽ có mặt trên các văn phòng của chính phủ trên toàn quốc vào năm 2000. Kể từ sau cuộc cách mạng hồi năm 1789, nước Pháp đã lấy một phụ nữ làm biểu tượng cho những giá trị nền tảng nhất của cộng hòa là tự do, bình đẳng, huynh đệ.

Tự do là một nữ thần, và dĩ nhiên tượng trưng cho tự do chỉ có thể là một phụ nữ mà thôi. Hình tượng của người phụ nữ đầu tiên mà người ta đặt tên là Marianne đã được in trên đồng bạc, tem và sổ ngân hàng. Kể từ năm 1965, hình tượng Marianne được thay thế bằng một người phụ nữ của thời đại. Nữ tài tử Brigitte Bardot, một thời nổi tiếng với những vai diễn táo bạo của bà hồi thập niên 1950 đã được chọn làm hiện thân của những giá trị nền tảng của nước Pháp.

Trong một cuốn sách tự thuật được ấn hành hồi năm 1996, Brigitte Bardot năm nay 65 tuổi (28/09/1934-1999), đã kể lại cuộc đời đầy sóng gió của bà. Brigitte Bardot bắt đầu nổi tiếng với cuốn phim có tựa đề: "Và Thiên Chúa đã dựng nên người đàn bà". Cuốn phim này đã đưa bà lên đỉnh danh vọng, bà trở thành biểu tượng của nhục thể và dĩ nhiên, gắn liền với biểu tượng ấy là một cuộc đời tình ái đầy thử thách: ba đời chồng và không biết bao nhiêu lần dang dở, cũng như nhiều lần toan tự vẫn. Kể từ Brigitte Bardot, những người phụ nữ được chọn làm biểu tượng của nước Pháp đều thuộc giới điện ảnh hay kỹ nghệ giải trí. Nhiều người Pháp tự hỏi: những người phụ nữ này tượng trưng cho những giá trị nào của nước Pháp?

Quý vị và các bạn thân mến,

Biểu tượng và giá trị mà biểu tượng ấy chỉ thường phải có một sự tương hợp nào đó được lẽ thường nhìn nhận. Chim bồ câu chẳng hạn được chọn làm việc tượng của hòa bình, bởi vì giống chim này vốn hiền hòa. Trái lại, giống chim diều hâu thì chỉ có thể tượng trưng cho đầu óc hiếu chiến và những gì thuộc về chiến tranh. Và dĩ nhiên, để nói lên hỏa ngục, người ta cũng có thể mượn hình ảnh của chiến tranh mà thôi. Biểu tượng phải tự nhiên gợi lên điều được biểu trưng.

Tôn giáo nào cũng có biểu tượng. Ðiều này lại càng đúng đối với Kitô Giáo của chúng ta. Chúng ta có rất nhiều biểu tượng mà các Bí tích là một điển hình. Ngoài các Bí tích, các tín hữu Kitô còn có những biểu tượng sống động là các vị Thánh. Các vị Thánh là hiện thân của các nhân đức mà các tín hữu không ngừng tìm kiếm và trau dồi. Các vị Thánh chiếu tỏa hào quang là bởi vì các Ngài là biểu tượng sống động các nhân đức.

Trong hàng ngũ các vị Thánh. Mẹ Maria là biểu tượng cao cả nhất. Cao cả nhất không chỉ vì chức làm Mẹ Thiên Chúa của Mẹ mà chính vì các nhân đức rất gần gũi với cuộc sống con người. Mẹ là người phụ nữ đã sống một cuộc sống bình thường như tất cả mọi phụ nữ ở mọi thời đại và mọi nơi. Mẹ là người môn đệ đã sống các giá trị Tin mừng với bất cứ mọi môn đệ của mọi thời và mọi nơi.

Tháng Mân Côi, chúng ta cùng đi lại cuộc hành trình đức tin của Mẹ. Ði lại cuộc hành trình đức tin của Mẹ là thưa "Xin Vâng" với Chúa trong mọi tình huống của cuộc sống. Ði lại cuộc hành trình đức tin của Mẹ là chấp nhận cuộc sống với tình yêu và tín thác nơi quyền năng quan phòng của Chúa. Ði lại cuộc hành trình đức tin của Mẹ là sống một cách sung mãn giây phút hiện tại.

Lạy Mẹ Maria, giữa những khó khăn và thử thách của đời thường. Xin cho chúng con luôn biết noi gương Mẹ: Tìm kiếm và thực thi ý Chúa trong tất cả mọi sự. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page