Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (3)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 13 -

Nguồn Gốc Lễ Mân Côi

 

Năm 1208, Ðức Mẹ hiện ra cho Thánh Ðaminh, để dạy thánh nhân quảng bá việc lần chuỗi Mân Côi.

Ðaminh là một linh mục Tây Ban Nha, thánh thiện và nhiệt thành, Ngài đã tình nguyện đến Pháp để hoán cải nhóm tín hữu rơi vào lạc giáo Albigeois. Nhóm người này tin rằng có hai vị thần cai quản thế giới: một là thần dữ (ác thần), hai là thần thiện. Thần thiện làm nên mọi sự tốt lành và thiêng liêng, còn tất cả thế giới vật chất đều bởi ác thần mà ra. Thân xác con người vốn là vật chất, cho nên cũng do ác thần tạo thành. Chúa Giêsu có một thân xác, cho nên không thể là Thiên Chúa. Toàn bộ giáo lý của Giáo Hội Công Giáo do đó đều bị chối bỏ. Các Ðức Giáo Hoàng đã gửi không biết bao nhiêu nhà diễn thuyết đến để hoán cải nhóm người lạc giáo này, các ngài đều thất bại.

Trong bao nhiêu năm, đem tất cả tài hùng biện và gương thánh thiện của mình ra để thuyết phục họ, Thánh Ðaminh cũng đành bó tay. Thánh nhân chỉ còn biết trông cậy vào sức mạnh ở lời cầu nguyện. Ngài liền quy tụ một số thiếu nữ từ lạc giáo trở về thành một dòng tu và thiết lập một tu viện bên cạnh một nhà nguyện dâng hiến cho Ðức Mẹ. Chính trong bối cảnh đó mà Ðức Mẹ đã hiện ra với Thánh Ðaminh. Trên tay cầm một tràng chuỗi, Ðức Mẹ đã dạy cho Thánh nhân cách lần chuỗi và nhờ ngài quảng bá cho toàn thế giới với lời hứa bảo đảm rằng: "Nhiều tội nhân sẽ ăn năn trở lại và bao nhiêu ơn lành sẽ được thông ban". Quả như lời Ðức Mẹ hứa, nhờ tràng chuỗi trên tay, Thánh nhân đã thuyết phục được nhóm người lạc giáo trở lại Ðức tin Công Giáo, ngay cả trong cuộc chiến vũ trang giữa những người theo lạc giáo và các tín hữu Công Giáo, cuối cùng phe lạc giáo cũng đành buông khí giới.

Simon de Monford, viên sĩ quan quân đội Công Giáo chiến đấu chống lại nhóm lạc giáo đã dạy cho các binh sĩ của mình lần chuỗi Mân Côi. Tin rằng, chính nhờ lần chuỗi Mân Côi mà ông đã đạt được chiến thắng. Simon de Monford đã cho xây nhà nguyện đầu tiên để kính nhớ Ðức Mẹ Mân Côi.

Dần dà, tin là sức mạnh của kinh Mân Côi, nhiều người đã xin cộng tác với Thánh Ðaminh trong công cuộc quảng bá kinh này. Với sự chuẩn y của Ðức Giáo Hoàng, Thánh nhân đã thành lập Dòng Giảng Thuyết hay còn gọi là Dòng Ðaminh, chuyên lo việc thu phục đạo quân Hồi Giáo và khối các nước Công Giáo thời Trung cổ.

Ðạo quân Hồi Giáo đã tiến chiếm thánh địa Constantinople, Hy Lạp, Albani, Bắc Phi và ngay cả Tây Ban Nha. Dưới thời của Ðức Giáo Hoàng Pio V, vốn xuất thân là một linh mục Dòng Ðaminh, đạo quân Hồi Giáo vẫn còn kiểm soát vùng Ðịa Trung Hải và đe dọa tiến chiếm cả khối Âu châu Kitô giáo, trong khi đó các cường quốc Âu châu lại tranh giành nhau cho nên không ý thức được hiểm họa của Hồi Giáo.

Ngày 17 tháng 9 năm1569. Ðức Pio V đã kêu gọi các tín hữu trên toàn lục địa Âu châu hãy lần chuỗi Mân Côi và cầu xin Ðức Mẹ trợ giúp các lực lượng Kitô đang chiến đấu chống lại quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ. Từ khắp nơi, các đạo quân Kitô đã tiến đến Lêbantô bên Hy Lạp. Tại đây, trước khi giao chiến họ đã sốt sắng lần chuỗi Mân Côi. Cùng lúc tại Rôma, Ðức Giáo Hoàng cũng hiệp ý cầu nguyện với chuỗi Mân Côi.

Ngày 07 tháng 10 năm1571, các đạo quân Kitô giáo đã đánh bại các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ, và chấm dứt bước tiến của họ về Âu châu. Nhưng sang thế kỷ 17, Thổ Nhĩ Kỳ lại đem quân sang chiếm Hungary và vây hãm cả thủ đô Vienne của Áo quốc. Một lần nữa, người ta tin rằng chính nhờ lần chuỗi Mân Côi mà ngày 12 tháng 9 năm 1683, Ba Lan đã đem quân sang giải vây nước Áo và đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngày lễ Ðức Mẹ xuống tuyết ngày 05 tháng 8 năm 1716, quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ lại bị bại trận tại Rumani. Ðức Giáo Hoàng Clementé tin ở phép lạ do lời bầu cử của Ðức Mẹ cho nên đã thiết lập lễ Mân Côi. Từ đó, tất cả Ðức Giáo Hoàng đều cổ vũ việc lần chuỗi Mân Côi, đặc biệt nhất là Ðức Lêô XIII. Vị Giáo Hoàng này viết đến 12 thông điệp về kinh Mân Côi. Do lòng sùng kính đối với Ðức Mẹ và nỗ lực quảng bá kinh Mân Côi. Chính Ngài được mệnh danh là Ðức Giáo Hoàng của tràng chuỗi Mân Côi. Chính Ngài là người đã quyết định dành tháng Mười hằng năm để kính Ðức Mẹ Mân Côi. Ngài cũng là người đã đưa tước hiệu Ðức Mẹ Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi vào trong kinh cầu Ðức Mẹ.

Tràng chuỗi Mân Côi là một trong những hình thức cầu nguyện hoàn hảo nhất. Nó kết hợp lời kinh trên môi miệng với việc suy niệm trong lòng. Với dấu thánh giá và kinh Tin kính để mở đầu tràng chuỗi Mân Côi đưa chúng ta vào trọng tâm các mầu nhiệm ơn cứu rỗi. Kế đó là kinh Lạy Cha, đây là bản tóm lược của chính Tin Mừng. Kinh Kính Mừng ghi lại lời chào của sứ thần và của chính Giáo Hội nói lên tâm tình yêu thương tín thác của các tín hữu đối với Mẹ Thiên Chúa và Mẹ của tất cả mọi người. Kinh Sáng Danh lại đưa con người về trọng tâm của mọi lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng suy niệm là thành phần quan trọng nhất của tràng chuỗi Mân Côi, vừa đọc kinh trên môi miệng, chúng ta vừa nghĩ đến với mầu nhiệm chính của ơn cứu rỗi. Theo truyền thống, đây là phần đã được Ðức Mẹ giải thích cặn kẽ cho Thánh Ðaminh. Qua việc suy niệm các Mầu nhiệm của ơn cứu độ, chúng ta cảm nhận được tình yêu của Ðấng Cứu Thế đối với chúng ta. Chúng ta được thúc đẩy để yêu mến và bắt chước Ngài. Trong tràng chuỗi Mân Côi, dĩ nhiên, chúng ta cũng hiểu được vai trò của Ðức Mẹ trong lịch sử ơn cứu độ. Các Mầu nhiệm ơn cứu rỗi được đọc và suy niệm càng gia tăng lòng yêu mến của chúng ta đối với Ðức Mẹ.

Ðây là lời kinh của chính Ðức Mẹ. Ðây cũng là lời kinh mà bất cứ ai thông thái hay đơn sơ chân chất đều có thể đọc một cách thành tâm bất cứ nơi nào lúc nào.

Mẹ Maria được các tín hữu kêu cầu với nhiều tước hiệu, nhưng hẳn Ðức Mẹ Mân Côi phải là tước hiệu được chính Mẹ gợi lên cho chúng ta. Khi hiện ra cho Thánh nữ Bermadetta tại Lộ Ðức, Mẹ cầm trên tay tràng chuỗi Mân Côi. Khi hiện ra cho ba trẻ em tại Fatima Bồ Ðào Nha, Mẹ cũng cầm trên tay tràng chuỗi Mân Côi. Chính tại đây mà Mẹ Maria đã tự xưng tước hiệu là Ðức Bà Mân Côi.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page