Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 93 -

Ðôi Tay Của Người Cha

 

Bức tranh nổi tiếng "Sự Trở Về Của Người Con Hoang Ðàng" của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, vào thế kỷ thứ 17, đã được nhiều nơi chọn như biểu trưng của năm 1999, Năm dành để học hỏi về Chúa Cha. Nhân vật nổi bật nhất trong bức tranh dĩ nhiên phải là người cha. Ngoài hình dáng của một người già yếu, mù lòa, người cha trong bức tranh còn được họa sĩ Rembrandt làm nổi bật với một số chi tiết đầy ý nghĩa. Trước hết là đôi bàn tay, hai bàn tay đặt trên vai người con hoang, hoàn toàn khác nhau:


Bức tranh "Người Con Hoang Ðàng" của danh họa Rembrandt, người Hòa Lan, vào thế kỷ thứ 17.


- Bàn tay trái đặt trên vai người con có vẻ cứng rắn và lực lưỡng, những ngón tay trương ra và bao bọc phần lớn bờ vai người con. Bàn tay này không những vỗ về mà xem ra còn dùng tất cả sức mạnh để bao bọc người con. Cho dẫu có âu yếm, bàn tay trái của người cha vẫn đầy cương quyết và cứng rắn.

- Còn bàn tay phải của người cha thì hoàn toàn khác hẳn, bàn tay này không cứng rắn, nhưng mềm mại và thanh nhã, những ngón tay xếp lại và đặt một cách nhẹ nhàng trên vai người con. Bàn tay ấy như muốn vỗ về, ủi an. Bàn tay ấy chỉ có thể là bàn tay của một người mẹ mà thôi.

-Bàn tay trái của người cha tương ứng với bàn chân vẫn còn xỏ dép của người con; trong khi đó bàn tay phải của ông lại tương ứng với bàn chân trần trụi của người con. Một bàn tay của người cha bao bọc những vết thương của người con và một bàn tay khác mang lại nâng đỡ, bổ sức để người con tiếp tục cuộc sống của mình.

Những khác biệt giữa hai bàn tay của người cha trong bức tranh "Sự Trở Về Của Người Con Hoang Ðàng" hẳn mang nhiều ý nghĩa. người cha không chỉ là một tổ phụ, ông còn là một người mẹ. Ông ôm lấy người con với sự cứng rắn của người cha và với sự âu yếm của người mẹ, người cha thuyết phục, người mẹ vỗ về. Thiên Chúa vừa là cha, vừa là mẹ.

Bàn tay phải dịu hiền của người mẹ đặt trên vai người con không thể không gợi lại cho chúng ta lời của Chúa qua miệng Tiên Tri Isaia: "Một người mẹ có thể quên đứa con còn bú mớm nơi bầu sữa của bà không? Một người mẹ có thể không thương đứa con mà bà đã sinh ra không? Ngay cả một người mẹ có quên đứa con của mình, còn Ta, Ta không bao giờ quên ngươi. Này đây, Ta đã ghi khắc tên của con trong lòng bàn tay của Ta".

Bàn tay từ mẫu ấy lại càng được làm nổi bật bởi chiếc áo choàng đỏ của người cha, hai cánh áo choàng ấy gợi lên hình ảnh của một con gà mẹ đang bao bọc những con gà con. Hình ảnh ấy làm nhớ lại những lời của Chúa Giêsu: "Giêrusalem! Giêrusalem! Ðã bao lần Ta muốn quy tụ con cái ngươi như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh mình, nhưng ngươi đã từ chối". Thiên Chúa phải chăng không muốn ấp ủ mỗi người trong bóng cánh của Ngài?

*

* *

Quí vị và các bạn thân mến,

Chúng ta đã quá quen thuộc hình ảnh người cha của Thiên Chúa, Ngài không những là cha, mà còn là mẹ của chúng ta. Ngài là người mẹ đón nhận vào trong lòng mình đứa con đã được tạo thành theo hình ảnh của Ngài.

Hình ảnh người cha mù lòa, đôi bàn tay, chiếc áo choàng, tấm thân cúi gập trên người con chỉ có thể gợi lên cho chúng ta tình yêu từ mẫu của Thiên Chúa, một tình yêu ôm ấp, vỗ về, hy vọng và chờ đợi không ngừng, tình yêu ấy không khước từ một người nào. Tất cả mọi người đều có một chỗ đứng độc nhất vô nhị trong bóng cánh trái tim của Thiên Chúa. Tình yêu ấy vỗ về đứa con hoang đàng trở về đã đành, mà cũng trải dài ra cho người con cả đêm ngày ở trong nhà. Mỗi người được Thiên Chúa yêu thương bằng một tình yêu biệt loại, bằng một cách thế độc nhất. Ngài dành cho người con hoang đàng trở về một tình yêu khác với tình yêu của người con cả, nhưng cả hai đều được Ngài yêu thương một cách trọn vẹn.

Lạy Chúa, những lúc chao đảo trong cuộc sống. Xin cho chúng con cảm nhận được bàn tay dẫn dắt nâng đỡ của Chúa. Những lúc khổ đau phiền muộn. Xin cho chúng con lại được cảm nhận bàn tay vỗ về âu yếm của Chúa.

Lạy Chúa là tình yêu, xin giữ gìn chúng con trong tình yêu của Chúa. Amen.

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page