Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 71 -

Tình Yêu Vô Vị Lợi

 

Câu chuyện sau đây khởi đầu vào năm 1950, tại thành phố Arthur bên Hoa Kỳ.

Edid và Cam lấy nhau đã 23 năm, tuy không có con nhưng tình yêu giữa hai người vẫn luôn nồng thắm, mỗi lần đi công tác, người chồng luôn biên thư, gởi thiệp và quà về cho vợ. Thế rồi tháng 2 năm 1950, Cam được hãng gởi đi công tác vài tháng tại Okynawa, Nhật Bản. Lần này Cam không còn gởi quà về cho vợ nữa. Người vợ nghĩ rằng chồng mình cần dành dụm một số tiền để mua một ngôi nhà mới.

Tháng ngày lặng lẽ trôi qua, cứ mỗi lần người vợ mong chồng về nhà thì bà lại nhận được một lá thư, trong đó người chồng báo tin sẽ ở nán lại vài tuần nữa. Vài tuần rồi một tháng. Thời gian chờ đợi ngày càng dài hơn và những cánh thư cũng bắt đầu thưa thớt.

Bẵng đi một thời gian, người vợ nhận được vỏn vẹn vài chữ, như một hồi chuông báo tử, người chồng cho biết: ông muốn ly dị để cưới một cô gái Nhật Bản tên là Aiko 19 tuổi. Chờ cho những cảm xúc ban đầu lắng dịu, Edid bắt đầu hồi tâm lại. Bà nghĩ rằng chồng bà không vượt qua nỗi cô đơn vì xa vợ qua lâu, nhưng ông đã tỏ ra thành thực và can đảm xin ly dị để cưới cô gái hơn là lợi dụng cô. Bà Edid xây dựng cuộc sống còn lại của bà trên sự cảm thông cao độ ấy. Thế là bà viết thư cho ông và xin ông đừng cắt đứt liên lạc với bà. Không bao lâu, bà nhận được tin chồng cũ cho biết: ông đã có được hai đứa con gái. Bà Edid liền gởi quà cho hai đứa con gái của người chồng cũ. Trong thư trả lời Cam kể đủ mọi chuyện về gia đình của ông: nào là vợ ông đã tiến bộ trong việc học Anh ngữ, ông đã giảm ký và con gái nhỏ của ông đã mọc thêm mấy cái răng. Rồi lá thư khủng khiếp nhất cũng đến tay bà. Cam cho biết ông đang chờ chết vì bệnh ung thư phổi. Những lá thư cuối cùng của ông đầy nước mắt không phải cho ông, mà là cho Aikô và hai đứa con gái nhỏ của ông. Ông đã dành dụm đủ tiền để gởi con sang Mỹ học, nhưng bệnh tật đã ngốn hết số tiền ấy.

Sau khi Cam qua đời, Edid viết thư ngỏ ý sẽ bảo lãnh hai đứa con gái của ông sang Mỹ. Edid đón nhận hai đứa con của người chồng cũ như chính con của mình. Bà đã 54 tuổi, nhưng đến nay bà mới biết thế nào là làm mẹ. Giờ đây, sau khi tan sở, bà có đủ lý do để vội về nhà. Trong khi đó, vì thương con, Aikô cũng thường xuyên liên lạc với Edid. Edid chợt hiểu rằng: người mẹ trẻ này hẵn cũng cô đơn vì nhớ con, chính vì thế mà Edid đã quyết định bảo lãnh cho Aikô sang Mỹ.

Tháng 8 năm 1957, Aikô nhận được giấy nhập cảnh. Khi máy bay đáp xuống phi trường quốc tế New York, tự nhiên Edid cảm thấy lo sợ, bà sợ phải thù ghét người đàn bà ngoại quốc đã cướp chồng mình.

Người hành khách cuối cùng ra khỏi máy bay là một cô gái thấp bé và mãnh khảnh đến độ Edid tưởng là một cô bé. Bà gọi tên hai con, và cô gái ngã vào hai cánh tay của bà. Hai người đàn bà ôm ghì lấy nhau thật lâu. Một ý nghĩ phi thường chợt đến với bà: "Tôi đã cầu nguyện cho Cam trở về với tôi. Giờ đây, chồng tôi đang hiện diện trong hai đứa con gái nhỏ và người đàn bà dịu dàng mà chàng đã từng yêu thương: Lạy Chúa, xin giúp con cũng biết yêu thương người đàn bà này".

*

* *

Quí vị và các bạn thân mến,

Tình yêu đích thực là tình yêu có thể cho nhiều nhất mà không chờ đợi được đáp trả. Mẹ Têrêsa Calcutta đã định nghĩa như sau: "Yêu thương thực sự là yêu thương cho đến khi nào cảm thấy bị tổn thương".

Vô vị lợi là thước đo của tình yêu đích thực. Bao lâu chúng ta yêu thương mà không chờ đợi bất cứ một sự đáp trả nào thì đó là dấu hiệu của một tình yêu đích thực.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết sống quảng đại, biết cho đi mà không tính toán, và không chờ đợi một phần thưởng nào khác hơn là biết rằng chúng con thực thi thánh ý Chúa. Amen.

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page