Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 47 -

Giáng Sinh, Lễ Của Hòa Bình

 

Năm 1985, khi đến đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các chiến sĩ Ðức đã bỏ mình trong trận thế chiến thứ hai. Cựu tổng thống R. Reagan của Hoa Kỳ có kể một câu chuyện như sau:

Người ta có thể hy vọng loé lên ngay cả trong giờ phút đen tối nhất của chiến tranh. Tôi nhớ đến câu chuyện của một người mẹ và một người con trai nhỏ sống trong một căn nhà tồi tàn giữa rừng trong thời chiến tranh.

Ngày nọ, một cuộc đụng độ giữa quân đồng minh và Ðức quốc xã diễn ra không xa khu rừng mấy. Sau một hồi giao tranh, 3 người lính Mỹ bị lạc mất đồng đội của mình và rơi vào vòng kiểm soát của quân Ðức quốc xã. Trong 3 người lính trẻ có một người bị thương run lập cập vì lạnh, cả 3 rón rén đến bên cửa nhà của một người đàn bà. Mặc dù biết rằng cho kẻ thù tá túc là một việc phạm pháp, người đàn bà vẫn mở cửa cho 3 người lính Mỹ vào nhà và vội vàng dọn thức ăn cho họ. Ðó là phần thức ăn cuối cùng của bà và đứa con trai nhỏ. Nhưng cũng vừa lúc người đàn bà dọn thức ăn lên bàn thì họ nghe có tiếng gõ cửa. Lần này bà thấy có 4 người lính Ðức đứng trước cửa nhà bà. Sợ hãi nhưng người đàn bà ra lệnh một cách cương quyết như sau:

- Yêu cầu mấy người đừng có bắn giết nhau trong nhà của tôi".

Nói xong bà mở cửa cho mấy người lính Ðức vào nhà. Những người lính Ðức ngoan ngoãn bỏ súng xuống, ngồi vào bàn ăn bên cạnh những người lính Mỹ. Một người lính Ðức trước kia là sinh viên y khoa đã băng bó vết thương cho người lính Mỹ. Cậu con trai nhỏ của bà sau này đã ghi lại những giây phút cảm động ấy như sau:

- Khi mẹ tôi vừa bắt đầu đọc kinh trước bữa ăn, tôi thấy nước mắt của người chảy ràn rụa trên gò má, liếc nhìn những người lính, tôi thấy nước mắt cũng bắt đầu lăn trên gò má của họ.

Cựu Tổng Thống R. Reagan kể tiếp:

Ðêm đó, mặc dù tiếng súng vẫn còn gầm thét trên khắp thế giới, 3 người lính Mỹ và 4 người lính Ðức đã ký kết cuộc ngưng chiến cho riêng họ. Ngày hôm sau, những người lính Ðức đã chỉ đường cho những người lính Mỹ trở về với đơn vị của họ, họ chia tay nhau bằng những cái siết tay tưởng chừng như không bao giờ chấm dứt. Ðó là ngày lễ Giáng Sinh năm 1944.

*

* *

Quí vị và các bạn thân mến,

Trước máng cỏ của Chúa Hài Ðồng Giêsu, chúng ta tiếp tục chiêm ngắm mầu nhiệm Giáng Sinh. Không có mầu nhiệm nào của Thiên Chúa mà không gắn liền với cuộc sống của con người. Sự kiện Ngôi Hai sinh hạ như một con người đã thấm nhập một cách sâu đậm vào trong cuộc sống con người đến nỗi ngày nay chúng ta có lý để khẳng định rằng: "Lễ Giáng Sinh là lễ của gia đình, lễ của hòa bình, lễ của gặp gỡ, lễ của chia sẻ và nhất là lễ của tha thứ". Sự kiện Ngôi Hai sinh hạ như một con người đã thấm nhập một cách sâu đậm vào cuộc sống con người đến nỗi ngày nay mỗi nghĩa cử xây dựng hòa bình, mỗi một cử chỉ trao ban, một cử chỉ cảm thông và tha thứ đều là một cử hành lễ Giáng Sinh.

Ước gì những cử chỉ yêu thương không ngừng được nhân lên để cho cuộc sống của chúng ta cũng đều trở thành một lễ Giáng Sinh bất tận.

Lạy Chúa, xin cho chúng con không chỉ tuyên xưng Mầu Nhiệm Ngôi Hai nhập thể làm người của Con Chúa trong mùa Giáng Sinh mà thôi mà còn biết diễn đạt và sống Mầu Nhiệm ấy một cách thiết thực qua những gặp gỡ hằng ngày của chúng con.

 

(Lễ Giáng Sinh 1997)

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page