Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 38 -

Hãy Cho Tôi Ðược Làm Một Người Bạn

 

Trong tuyển tập Hoàng Tử Tí Hon của văn hào Pháp Anthony de St. Exupery có đoạn kể lại cuộc gặp gỡ giữa Hoàng Tử Tí Hon và chú chồn như sau:

Hoàng tử hỏi chú chồn:

- Ngươi là ai, trông ngươi thật dễ thương.

Con chồn đáp:

- Tôi chỉ là một con chồn.

Hoàng tử đề nghị:

- Hãy đến chơi với ta, ta buồn quá.

Nhưng con chồn trả lời:

- Tôi không thể đến chơi với hoàng tử được vì tôi chưa thuần thục.

Hoàng tử thắc mắc:

- Thế nào là thuần thục.

Con chồn liền giải thích:

- Ðây là điều mà nhiều người đã quên mất đi. Làm cho thuần thục nghĩa là thắt chặt tình thân hữu. Từ trước đến nay, đối với tôi, hoàng tử chì là một cậu bé như muôn nghìn cậu bé khác và dĩ nhiên tôi không cần có hoàng tử và chắc chắn hoàng tử cũng không hề cần có tôi. Tôi chỉ là con chồn như muôn nghìn con chồn khác, nhưng nếu hoàng tử làm cho tôi trở nên thuần thục, chúng ta sẽ cần nhau, hoàng tử sẽ là một người duy nhất đối với tôi và tôi cũng sẽ là một con chồn duy nhất đối với hoàng tử.

Nghe thế, hoàng tử tí hon reo lên:

- À, thì ra thế, ta đã bắt đầu hiểu. Ta đã trồng một cây hoa, ta đã làm cho nó thuần thục.

Con chồn tiếp lời:

- Cuộc sống của tôi thật độc điệu. Tôi săn bắt mấy chú gà và loài người lại săn bắt tôi. Tất cả mọi con gà đều giống nhau và tất cả mọi người cũng đều giống nhau. Và đó là lý do khiến cho tôi buồn chán. Nhưng nếu hoàng tử làm cho tôi được thuần thục thì cuộc sống của tôi sẽ được sáng lạng. Khi tôi nghe một bước chân đi, tôi biêt đó không là một bước đi của bất kỳ ai, nhưng bước chân của hoàng tử sẽ như một điệu nhạc lôi kéo tôi ra khỏi hang. Và hoàng tử hãy nhìn kìa. Hoàng tử có nhìn thấy những cánh đồng lúa chín không. Tôi không biết ăn lúa mì cho nên lúa mì đối với tôi cũng như không có. Những cánh đồng lúa mì không gợi cho tôi điều gì. Thật là buồn phải không. Nhưng hoàng tử có mái tóc vàng óng ả. Mái tóc ấy sẽ kỳ diệu biết bao nếu hoàng tử làm cho tôi được thuần thục. Hạt lúa mì vàng ánh làm cho tôi nghĩ đến hoàng tử, và tôi sẽ thích tiếng gió xào xạc trên cánh đồng.

Con chồn dừng lại giây lát rồi nhìn đến chân trời xa tít, nó van vỉ:

- Hoàng tử ơi! Hãy cho tôi được làm một người bạn".

*

* *

Hãy cho tôi được làm một người bạn. Ðó là lời van vỉ của Chúa Giêsu đối với từng người trong chúng ta. Người đến trong thế gian là để được kết thân với mỗi người. Ngài yêu thương mỗi người bằng một tình yêu thương cá biệt. Ngài yêu thương đến độ chết thay cho mỗi người và cuối cùng của tận cùng của mọi diễn tả, Ngài đã hóa thân thành một thức ăn để được trọn vẹn trao ban cho con người. Ðó là ý nghĩa cao cả nhất của Bí Tích Thánh Thể.

Như thân phận của hạt lúa mì được nghiền nát để trở thành tấm bánh, thức ăn chỉ hiện hữu khi đã được nghiền nát, được tiêu hóa. Thức ăn không hiện hữu cho mình mà chỉ hiện hữu cho người khác. Khi trở thành tấm bánh, Chúa Giêsu cũng muốn nói lên thân phận ấy của Ngài. Ngài sống cho con người. Ngài sống vì con người. Ý hướng ấy đã được Chúa Giêsu gói trọn trong một cử chỉ phi thường nhưng mang nhiều ý nghĩa.

Thánh Gioan, một trong những vị tông đồ thân tín nhất của Ngài đã ghi lại rằng: Trong bữa ăn cuối cùng của Ngài với các môn đệ trong đó Ngài thiết lập Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu đã lấy khăn thắt lưng quỳ xuống trước mỗi môn đệ rửa chân cho các ông. Theo tục lệ của người Do Thái, khi thực khách đã vào bàn ăn, người chủ thường sai đầy tớ trong nhà mang nước đến rửa chân cho từng người. Việc rửa chân do đó là việc của người đầy tớ. Khi quỳ gối rửa chân cho các môn đệ của Ngài, Chúa Giêsu không làm gì khác hơn là đóng vai trò của người đầy tớ. Chúa Giêsu không đóng kịch, nhưng muốn thực sự là đầy tớ của mọi người. Là người đầy tớ không chỉ có nghĩa là phục vụ mà còn là sống chết cho người khác. Một cách nào đó thân phận của người đầy tớ là thuộc trọn về người khác. Chúa Giêsu đã thực sự sống ơn gọi làm người đầy tớ ấy, cả cuộc sống của Ngài là sống cho tha nhân. Một trong những câu nói bất hủ của Ngài là: "Ta đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ người khác".

Với cái chết trên thập giá của Chúa Giêsu đã đi đến tận cùng thân phận của một người đầy tớ, thân phận tôi tớ ấy Chúa Giêsu lại muốn tiếp tục sống qua bí tích Thánh Thể, trở thành một thức ăn để được nghiền nát, để được ăn bởi con người. Ngài muốn trở nên sức sống cho con người, Ngài muốn nên một với con người. Nói theo văn hào Anhony de St. Exupery, Ngài muốn sống trong tâm hồn con người. Ngài muốn trở thành một người bạn yêu thương con người đến độ hy sinh mạng sống vì con người.

Tất cả cốt lõi của Kitô giáo chính là tấm bánh, là Chúa Giêsu được trao ban cho con người. Kitô giáo không là một ý thức hệ cũng không là một hệ thống luân lý hay là một lý tưởng sống. Kitô giáo trước hết và thiết yếu là một sức sống. Sức sống ấy chính là Chúa Giêsu. Người tín hữu Kitô tin yêu và hy vọng bằng chính sức sống ấy. Họ muốn nêu gương Ngài trở nên tôi tớ phục vụ mọi người. Họ đón nhận sức sống là Chúa Giêsu để cũng như Ngài sống cho mọi người.

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page