Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 28 -

Con Người Là Tạo Vật Có Cùng

 

Mẹ Maria, mẫu gương khiêm tốn.

Tên của nhân vật được tạp chí Times chọn làm người của thế kỷ 20 sẽ được công bố vào tháng 12 năm 1999. Tên tuổi của 100 nhân vật ảnh hưởng nhất của thế kỷ hiện đang được lần lượt phổ biến.

Việc bầu chọn được tạp chí Times thực hiện dựa trên ý kiến của một số người được xem là có thế giá nhất trong nhiều lãnh vực khác nhau. Một trong những người trong nhóm ấy là tiến sĩ Henry Kissinger, ngoại trưởng Mỹ dưới thời tổng thống Nixon, và người được tiến sĩ Kissinger chọn làm người của thế kỷ 20 là nhà bác học lừng danh Albert Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối. Sau đây là ý kiến của tiến sĩ Kissinger:

Trắc nghiệm cuối cùng vì ảnh hưởng của một cá nhân hay của một nhóm cá nhân phải gồm hai khía cạnh. Trước hết, thế giới mà họ đã để lại xét về phẩm chất phải khác với thế giới mà họ đã thừa hưởng. Kế đó, họ đã thực sự đóng góp để làm được sự thay đổi ấy. Theo hai tiêu chuẩn trên đây, biến cố nổi bật nhất của thế kỷ 20 hẳn phải là cuộc cách mạng khoa học. Thuyết tương đối của Einstein, và kế đó là những khám phá của các nhà khoa học khác trong lãnh vực cơ khí học lượng tử. Ðây là những khám phá đã đánh đổ cái nhìn hiện hữu về vũ trụ, và mở đường cho những khám phá có sức làm lu mờ tất cả những thành tựu khoa học trước đó. Theo sự đánh giá của tiến sĩ Kissinger, không phải mọi khám phá khoa học đều vô thưởng vô phạt; bom nguyên tử chẳng hạn, là một thí dụ điển hình. Tuy nhiên, tất cả mọi khám phá khoa học đều đã nới rộng chân trời hiểu biết của con người vào những lãnh vực mà các thế hệ đi trước đó không thể tưởng tượng được. Trong tiến trình đó, cái khả năng có thể làm chủ vũ trụ ngày càng gia tăng, và mở ra một cánh cửa mới vào trong tâm hồn con người. Khoa học và siêu hình, cái phàm tục và thánh thiêng đã bắt đầu quyện vào nhau, khi khoa học phải đối mặt với cõi vô biên như thuyết tương đối của Einstein đã gợi lên, nó phải đối phó với một hiện tượng mà nó không thể mô tả được, và chưa giải thích được.

Cuộc cách mạng của Einstein đã mang lại một mâu thuẫn. Một mặt nó nới rộng khả năng của con người. Mặt khác, nó cũng phô bày cái bản chất thiết yếu có cùng của con người. Sống trong một vũ trụ mà ranh giới vượt quá khả năng tưởng tượng của con người, khả năng của nó dù ngày càng gia tăng cũng buộc con người phải khiêm tốn mà thôi. Không phải tình cờ, mà vào giữa lúc đạt được một khám phá khoa học vô tiền khoáng hậu, Eistein vẫn thường thốt lên: "Thiên Chúa không chơi trò may rủi với vũ trụ".

*

* *

Quí vị và các bạn thân mến,

Lẽ khôn ngoan nghìn đời của người Á Ðông chúng ta vẫn thường nhắc nhở chúng ta: "Vũ học, vũ ngu". Không phải càng học càng ngu, mà càng thấy mình ngu. Sự hiểu biết đích thực như vậy chính là biết được giới hạn của mình. Do đó, một sự hiểu biết đích thực chỉ có thể mời gọi con người mặc lấy thái độ khiêm tốn mà thôi. Hiểu biết sai, hiểu biết ít, hiểu biết nông cạn, hiểu biết kém các chân lý về bản thân, về thế giới thường dễ đưa con người đến thái độ kiêu căng.

Trong thông điệp Ðức Tin và Lý Trí, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhận định như sau: Nhân loại hiện nay đang sống trong khủng hoảng về chân lý, do đó sinh ra tự phụ, tự kiêu, tực đắc, tự mãn. Con ếch ngồi đáy giếng làm sao không xem trời bằng vung. Khiêm tốn là một trong những nhân đức nền tảng của Kitô giáo. Chúa Giêsu đã không ngừng kêu gọi các môn đệ phải sống khiêm hạ, Ngài lấy thái độ tín thác của trẻ thơ làm mẫu mực cho đời sống đức tin.

Chúng ta đang sống trong tháng Mân Côi. Với tràng chuỗi Mân Côi, chúng ta sống lại tinh thần khiêm hạ của Mẹ Maria. Trong tinh thần chiêm niệm, Mẹ luôn thấy rõ sự thực: mình chỉ là tôi tớ Chúa, mình hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa, và do đó phải không ngừng thưa với Ngài:

"Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi những điều đẹp lòng Chúa".

Cơn khủng hoảng về nhân cách, lỗ hỏng về đạo đức, sự tụt hậu về những giá trị nền tảng của cuộc sống mà xã hội chúng ta đang trải qua. Tựu trung cũng là biểu hiện của thái độ thiếu khiêm hạ đích thực của con người. Thiếu khiêm hạ để nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa cho phải đạo, con người cũng không nhận ra sự thực về bản thân, và do đó cũng không cư xử với nhau cho phải đạo làm người. Chúng ta hãy năng ôn lại gương khiêm hạ của Mẹ Maria để biết sống cho phải đạo hơn.

Lạy Mẹ Maria, xin hướng dẫn, chỉ bảo chúng con luôn được sống tinh thần khiêm hạ đích thực của Mẹ. Amen.

 

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page