Phút Cầu Nguyện Cuối Ngày (1)

(Những Bài Suy Niệm và Cầu Nguyện Hằng Ngày

của Ðài Phát Thanh Chân Lý Á Châu

Radio Veritas Asia)

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia


- 131 -

Bài Học Từ Trẻ Em Tàn tật

 

Bài Học Từ Trẻ Em Tàn tật Tại Phi Luật Tân.

Vừa hoàn tất chương trình nơi đại học Bangalore thuộc miền Nam Ấn Ðộ, nữ bác sĩ Bibiana Mary nghĩ ngay đến việc dành thời gian ngắn phục vụ các trẻ em nghèo tàn tật. Các em sống nơi một Trung Tâm do các tu sĩ dòng thánh Luigi Orione (1872-1940) trông coi tại cứ điểm truyền giáo Moltalban bên Phi-luật-tân. Xin nhường lời cho nữ bác sĩ Bibiana Mary.

Tôi đang đi dọc theo hành lang và bước vào căn phòng thì thấy Joey đang tiến về phía giường của Mark. Cậu thiếu niên nâng bạn lên, thay quần áo để mặc cho bạn bộ đồng phục rồi đặt bạn ngồi trên chiếc xe lăn. Joey cẩn thận kiểm soát để bạn ngồi ngay ngắn, thắt dây an-toàn cho bạn rồi đẩy xe lăn đi về phía phòng học. Nhìn thấy tôi, Joey nhoẻn miệng cười thật tươi rồi vẫy tay nói với tôi:

- Chào tạm biệt bác sĩ nhé!

Ðiều tôi vừa kể cho quý vị nghe xem ra là những diễn tiến bình thường. Nhưng đối với tôi, câu chuyện lại khác thường, bởi vì nó thay đổi hoàn toàn não trạng và quan niệm sống của tôi. Tôi tự nhủ:

- Nếu Joey - thiếu niên 15 tuổi - bị tàn tật tâm trí, không biết nói năng đàng hoàng, lại có thể chăm sóc kỹ lưỡng chu đáo Mark người bạn bị tê liệt, thì chúng ta - những kẻ được xem là bình thường - lại không có thể quan tâm săn sóc người khác sao???

Trên đây chỉ là một trong muôn vàn cử chỉ và hành động đáng yêu mà tôi diễm phúc trông thấy tận mắt nơi Trung Tâm "Cottolengo Filippino". Trung Tâm do các tu sĩ Don Orione đảm trách dành cho 40 bạn trẻ bị tàn tật đủ loại: hoặc tâm trí hoặc thể xác như tê liệt và chậm trí, điếc và câm hoặc mù lòa. Tất cả đều là thanh thiếu niên nghèo hoặc bị bỏ rơi.

Ngày đầu tiên đặt chân đến Trung Tâm tức khắc tôi được mọi người nồng hậu tiếp đón, đặc biệt từ phía các bạn trẻ tàn tật. Các em vây quanh tôi, nhoẻn miệng cười thật tươi, giơ tay vuốt ve tôi thật trìu mến. Rồi các em chạy nhảy, vỗ tay hò hét để báo cho mọi người biết là có một người khách đến viếng thăm Trung Tâm. Rồi vỏn vẹn vài tuần lễ sau đó tôi trở thành nữ bác sĩ thân thương của tất cả các em! Thật tuyệt vời!

Thế nhưng không phải chỉ riêng tôi mà bất cứ vị khách nào bước chân vào Trung Tâm cũng đều được các em tàn tật đón tiếp niềm nở, theo một cung cách giản dị đơn sơ nhất. Sự kiện này khiến cho khách lạ bỗng cảm thấy mình thuộc về phần tử của gia đình trung tâm.

Ðiều gây ấn tượng và ngưỡng mộ nhất nơi tôi chính là: mặc cho mọi mức độ tàn tật đôi khi thật trầm trọng, các thiếu niên tàn tật mỗi ngày đương đầu với cuộc sống cách thật can đảm. Các em không phải chỉ sống còn, nhưng thật sự là các bậc anh hùng! Nhiều em bị bắt buộc nằm yên trên giường, hít thở nhờ máy móc. Nhưng em nào cũng sống tràn đầy cuộc sống của mình, dĩ nhiên là với sự trợ giúp của nhiều người khác, đặc biệt là các "nanai - mẹ nuôi", chăm sóc thương yêu các em như chính con ruột của các bà!

Giống như các cánh hoa, mỗi đóa đều có hương thơm và màu sắc riêng biệt thì các em tàn tật này cũng thế. Mỗi em với nét tàn tật riêng vẫn ẩn chứa tài năng thật mênh mông bất ngờ. Nếu được tập luyện và hướng dẫn các tài năng phát triển tối đa. Chỉ cần nhìn các em nhảy múa, vẽ vời hoặc nguyên sự kiện có thể tự túc trong việc ăn uống cũng đủ thấy khả năng bao la của các em. Tôi xin giải thích. Ðối với chúng ta là người bình thường, thì tất cả các tác động đều là chuyện dễ dàng. Trong khi đối với các em tàn tật, những gì các em thực hiện đều là kết quả của không biết bao nhiêu là tập luyện, đôi khi đòi hỏi những cố gắng thật phi thường!

Trong thời gian phục vụ tại Phi-luật-tân tôi còn may mắn làm việc chung với nữ tu Maria Rosa Zbicajnik cũng là bác sĩ nơi nhà thương Payatas ở Quezon City. Chúng tôi sát cánh trong các công tác phục vụ dân nghèo nơi các vùng xa xôi hẻo lánh. Qua các hoạt động này tôi thầm nghĩ:

- Ở Ấn Ðộ hay tại Phi-luật-tân nơi đâu dân nghèo cũng có cùng hoàn cảnh đáng thương!

Vậy thì bổn phận của chúng ta phải làm gì để có thể giúp cho cuộc sống của người nghèo có thể khá hơn xứng với nhân phẩm hơn? Tôi tự hỏi và tự trả lời:

- Không cần làm những công việc to tát mà chỉ cần làm tất cả những gì chúng ta có thể làm, cho dù xem ra nhỏ bé nhất, để góp phần thoa dịu nỗi đau khổ và túng cực của dân nghèo.

Tôi ra đi đến Phi-luật-tân với tư tưởng đem khả năng phục vụ các trẻ em tàn tật. Giờ đây tôi lại cảm nghiệm rằng:

- Chính các em tàn tật mới là người giúp đỡ tôi. Các em dạy tôi một bài học vô cùng quý giá.

Tôi xin trưng dẫn lời Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II nói về người tàn tật để kết thúc chứng từ:

- Người tàn tật dạy chúng ta hiểu thế nào là Tình Yêu cứu độ. Họ là sứ giả của một thế giới mới không thống trị bởi sức mạnh bởi bạo lực và bởi uy hiếp nhưng là xây dựng trên Tình Yêu, tình liên đới và trên sự chấp nhận lẫn nhau.

... "Phải nói rằng: các dân ngoại không tìm cách để được nên công chính, thì được nên công chính, mà được nên công chính là nhờ Ðức Tin. Còn dân Israel tìm một luật làm cho họ nên công chính thì lại không đạt tới Luật đó. Tại sao thế? Tại vì họ không tìm cách nên công chính nhờ Ðức Tin, nhưng nhờ việc làm .. Thưa anh em, lòng tôi những ước mong và tôi cầu xin cho dân Do Thái được cứu độ. Quả thế, tôi làm chứng cho họ là họ có lòng nhiệt thành đối với Thiên Chúa, nhưng lòng nhiệt thành đó không được sáng suốt, họ không nhận biết rằng chính Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính, và họ tìm cách nên công chính tự sức mình. Như vậy là họ không tuân theo đường lối Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính. Quả thế, cứu cánh của Lề Luật là Ðức Chúa Giêsu Kitô, khiến bất cứ ai Tin đều được nên công chính" (Thư gởi tín hữu Roma 9,30-32/10,1-4).

("Don Orione oggi", Rivista mensile della Piccola Opera della Divina Provvidenza, Anno CV, n.2, Febbraio 2010, trang 22-23)

 

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

 


Back to Vietnamese Missionaries in Asia Home Page