P

 

Pháp Thuật

(= Magie)

Trong tiếng Hy Lạp magueia có nghĩa là tôn giáo của các thầy phù thủy. Pháp thuật là một hình thức tế tự đã biến chất. Sở dĩ ta nói được như vậy là vì pháp thuật đã không đón nhận từ Thiên Chúa hồng ân Giao Ước, lại còn ra sức để tranh thủ, để đoạt các ân huệ hay các đặc quyền của Người. Pháp thuật tự hào là mình tạo ra được các ân thiêng, bằng cách thiết lập tương quan sống động và thân thiết với Thiên Chúa. Các nghi thức phụng vụ phải thường xuyên được nuôi dưỡng trong đức tin hầu khỏi bị lây nhiễm óc bùa chú hoặc thuần túy có tính cách máy móc.

 

Phát Hiện

(= Invention)

Trong tiếng La tinh, inventio có nghĩa là việc tìm ra, khám phá ra. Trong một số niên lịch, người ta mừng lễ Phát Hiện, tức là việc tìm thấy di hài hoặc di tích của một vị thánh. Xưa vào ngày 3 tháng 5, người ta mừng lễ tìm thấy Thánh Giá, kỷ niệm việc thánh nữ Hélene, thân mẫu vua Constantin, đã tìm ra Thánh Giá của Ðức Kitô chịu chết trên núi Canvê.

 

Phẩm Phục / Trang Phục

(= Ornement / Vêtement)

1. Trong tiếng La tinh, ornamentum có nghĩa là sự trang hoàng, do động từ ornare: trang hoàng, trang sức. Những đồ trang hoàng trong phụng vụ tức là phẩm phục các vị hành lễ mặc khi cử hành nghi lễ: dây các phép và áo phó tế dành cho thầy phó tế; dây các phép và áo lễ - hoặc áo choàng - dành cho linh mục; còn giám mục thì thêm mũ giám mục, nếu là tổng giám mục thì thêm phù hiệu Tổng Giám Mục (dây Pallium).

2. Trong tiếng La tinh vestimentum có nghĩa là cái đang mặc (vestire). Trang phục chính trong phụng vụ là khăn vai, áo trắng dài, dây các phép, áo lễ hoặc áo phó tế, áo choàng.

 

Phẩm Trật

(= Hiérarchie)

Trong tiếng Hy Lạp héros có nghĩa là thánh, thiêng và archè có nghĩa là khởi đầu, nguyên ủy, ông hoàng. Phẩm trật là cái khởi phát hoặc có căn nguyên từ lãnh vực thiêng thánh. Phẩm trật chỉ những người, khi thi hành các chức năng phụng vụ, là những trung gian của thế giới thiêng thánh. Phẩm trật trong Hội Thánh gồm có các giám mục, linh mục và phó tế, những người phân phát các mầu nhiệm: các vị này lãnh nhận thừa tác vụ thánh trong bí tích truyền chức. Trái với cách hiểu thông thường, theo đó thì từ ngữ "phẩm trật" gợi lên thứ bậc trên dưới, cần nhấn mạnh điều này, mọi chức thánh trong phẩm trật Hội Thánh là "một công việc phục vụ" trổi vượt, nối dài việc phục vụ của Ðức Kitô, "Ðấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ" (Mt 20,28). Ðể chu toàn sứ vụ riêng đã được ủy thác, phâm trật nhận được quyền thiêng thánh. Quyền này cần được mọi người tôn trọng trong tinh thần đức tin (xc. Truyền Chức).

 

Phần Chung

(= Commun)

Ðể cử hành thánh lễ cũng như kinh nguyện phụng vụ kính các thánh mà không có một công thức riêng hoặc không đầy đủ, người ta sử dụng toàn bộ hoặc một phần các bản văn đã được soạn thành những phần chung khác nhau: phần chung về Ðức Maria, các thánh Tông Ðồ, các thánh Tử Ðạo, các thánh Chủ Chăn, các thánh Tiến Sĩ Hội Thánh, các thánh Trinh Nữ, các thánh Nam và các thánh Nữ. thêm vào phần chung các thánh này, còn có phần chung về lễ Cung HIến Thánh Ðường: đây là phần được đặt lên hàng đầu, bởi vì việc mừng lễ cung hiến là mừng việc Ðức Kitô kết hợp với Hội Thánh. Bất kỳ sự thành thiện nào khác đều thông dự vào sự kết hợp đó.

 

Phần Phụng Vụ Theo Mùa

(= Temporal)

Là một phần chính yếu của năm phụng vụ, phần phụng vụ theo mùa là tiến trình của Mầu Nhiệm Ðức Kitô trải dài trong suốt một năm, đưa Hội Thánh đi vào các chiều sâu của Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Phần này chỉ gồm có các chu kỳ Giáng Sinh và Phục Sinh, không kể đến 34 tuần của Mùa Thường Niên. Cần phân biệt phần phụng vụ theo mùa với phần phụng vụ chư thánh: Phần phụng vụ theo mùa gồm các giai đoạn đặc biệt của năm phụng vụ; phần phụng vụ chư thánh gồm các lễ mừng các thánh, được cử hành vào những ngày cố định. Trừ một vài trường hợp đặc biệt, phần phụng vụ theo mùa phải được cử hành ưu tiên hơn phần phụng vụ chư thánh (xc. Mùa Phụng Vụ, Chu Kỳ).

 

Phép Lành

(= Bénédiction)

Từ ngữ benediction trong La ngữ hợp bởi bene (tốt lành) và dicereldictio (nói) có nghĩa là nói lời lành, hay nói về sự tốt lành, thường được dịch sang tiếng Việt là chúc lành, phép lành hay chúc tụng. Trong Thánh Kinh, phép lành trước hết là hành động của Thiên Chúa, Ðấng nói, muốn và làm điều tốt lành cho chúng ta. Ðối với Thiên Chúa, lời nói và việc làm đồng nhất với nhau (cùng một động từ dâbâr trong tiếng Hípri). Phép lành của Thiên Chúa khởi đầu bằng công cuộc sáng tạo nhờ Ngôi Lời (xc. Ga 1,1-3; St 1,3.6.9tt); phép lành đó đạt tới mức thành toàn trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, chịu chết và sống lại vì chúng ta: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Ðức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần" (Ep 1,3).

Ðáp lại phúc lành của Thiên Chúa không ngừng ban cho chúng ta qua Ðức Kitô và trong Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng phải dùng chính những lời hay ý đẹp của mình để chúc tụng Thiên Chúa, tức là tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những "ơn lành" của Người. Mầu nhiệm phụng vụ được kết cấu bởi sự trao đổi giữa phúc lành của Thiên Chúa và lời chúc tụng của chúng ta trong Ðức Kitô. Những lời chúc tụng của người Do Thái (berakôth) đặc biệt là trong bữa ăn vượt qua, chính là nguồn gốc các kinh Tạ Ơn của chúng ta ngày nay. Cùng với các thánh vịnh là những lời chúc tụng được linh hứng, các lời chúc tụng của người Do Thái tạo nên cốt lõi của phụng vụ Do Thái giáo, là tác động nối kết công trình của Thiên Chúa và lời cảm tạ của Dân Người.

Trong ngôn ngữ thông thường, "phép lành" đã mất đi ý nghĩa phong phú vừa được gợi ra, và thường chỉ còn được hiểu về việc làm phép hay thánh hóa các loại đồ vật khác nhau. Tuy nhiên, Phụng Vụ Công Giáo nhấn mạnh đến các loại phụ tích khác nhau: đó không phải chỉ là những lời chúc tụng hiểu theo nghĩa tạ ơn trong Do Thái giáo, nhưng còn là những nghi lễ, qua đó con người kêu cầu Thiên Chúa chúc phúc. Như vậy, Hội thánh chứng tỏ rằng mọi hiện hữu đều chỉ có thể và phải đón nhận ý nghĩa sung mãn của mình từ nơi Thiên Chúa. Phép lành mà linh mục ban cho cộng đoàn trong nghi thức giải tán kết thúc thánh lễ hoặc kết thúc giờ kinh sáng và kinh chiều, biểu lộ sự ban ơn phù trợ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Dấu thánh giá cho thấy rằng những hồng ân bởi trời luôn đến từ thập giá của Ðức Kitô. Trong một số hoàn cảnh đặc biệt, Sách lễ có dự liệu sẵn những công thức ban phép lành trọng thể với hai hoặc ba lời cầu phúc đi trước công thức ban phép lành thông thường. Khi đọc những lời cầu phúc này, chủ tế giơ tay, còn cộng đồng cúi đầu và thưa Amen. Linh mục cũng có thể đọc một lời nguyện trên dân chúng trước khi ban phép lành. Sau khi mời gọi cộng đoàn cúi đầu, linh mục giơ tay trên cộng đoàn và đọc lời nguyện đó (xc. Thánh Thể, Phép Lành).

 

Phép Rửa (Lễ Chúa Chịu Phép Rửa)

(= Baptême du Seigneur)

Lễ này kết thúc mùa Giáng Sinh, và được cử hành vào Chúa Nhật sau ngày 6 tháng Giêng. Lễ Hiển Linh bao hàm ba mầu nhiệm: các đạo sĩ đến thờ lạy Chúa; Chúa Chịu Phép Rửa; và tiệc cưới Cana. Như vậy, lễ Chúa Chịu Phép Rửa là sự "thu hẹp" lại của Lễ Hiển Linh.

Ðối với bốn tác giả Tin Mừng, việc Ðức Giêsu chịu phép rửa trong sông Giođan, chính là sự tỏ hiện - "cuộc thần hiện" - quan trọng nhất vào lúc khởi đầu cuộc đời công khai của Ðức Kitô (Mt 1,13-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22; Ga 1,29-34). Ngoài ra, xét như một khởi điểm cốt yếu (xc. Cv 1,22), biến cố này trong cuộc đời Ðức Giêsu hàm chứa một sự sung mãn lớn lao; không những biến cố ấy gợi lên cái chết của Chiên Thiên Chúa (xc. Lc 12,50) và sự "dìm mình" của chúng ta trong cái chết của Người, nhờ bí tích Thánh Tẩy, nhưng biến cố ấy còn đặc biệt nhấn mạnh đến nguồn mạch và "chiều kích Ba Ngôi" của sứ vụ Người Tôi Tớ đau khổ, các tầng trời mở ra, Chúa Cha bày tỏ lòng ưu ái của Người đối với Chúa Con, và Chúa Thánh Thần, nguồn mạch tình yêu, bày tỏ sự hài lòng đó một cách cụ thể. Có thể nói, lễ Chúa chịu Thánh Tẩy là lễ Ngũ Tuần của Mùa Giáng Sinh.

 

Phó Tế

(= Diacre)

Tiếng Hy Lạp diakonos có nghĩa là người phục vụ, chuyển dịch sang tiếng Việt là Phó Tế. Phó Tế là một Kitô hữu đã được rửa tội cũng như thêm sức, và qua việc phong chức phó tế, được tham dự một cách bí tích vào sứ vụ của giám mục về phương diện phục vụ (diakonia). Mọi Kitô hữu đều được mời gọi bước theo Ðức Kitô để trở nên con Thiên Chúa nhờ ơn thánh, như Ðức Kitô là Con Thiên Chúa theo bản tính. Ðể làm cho chúng ta có thể trở nên con Thiên Chúa, chính Chúa Con đã trở thành người tôi tớ, thực hiện việc cưu độ chúng ta bằng cách chu toàn sứ vụ cứu thế của Người. Như vậy Người đã làm ứng nghiệm những bài ca về Người Tôi Tớ trong sách ngôn sứ Isaia (42,1-9; 49,1-6; 50,4-11; 52,13-53,12), đặc biệt là bài ca cuối cùng về Người Tôi Tớ đau khổ. Thực vậy, "Con Người đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mt 20,28). Mọi Kitô hữu, với tư cách là Kitô hữu, phải có khả năng "hiến dâng mạng sống để phục vụ mọi người".

Tuy nhiên, để việc phục vụ sinh ơn cứu độ của Ðức Kitô được bảo đảm mưu ích cho hết mọi người, chính Ðức Giêsu đã lo liệu để Hội Thánh có được những thừa tác viên thích hợp cho công cuộc tiếp nối sứ vụ của Người, như Tông Ðồ Phêrô, các vị Tông Ðồ khác, các vị kế nghiệp và các cộng sự viên của các ngài. Khi Ðức Giáo Hoàng xưng là "Tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa", đó không chỉ đơn thuần là một kiểu nói, mà là người tôi tớ đích thực - một phó tế đích thực - trong Hội Thánh, tức là vị giám mục, với sự trợ giúp của các linh mục, trong công tác phục vụ cao cả đối với những người đã được rửa tội.

Tuy nhiên, trong việc thực thi sứ vụ tư tế, mục tử và thầy dạy, bản thân vị giám mục và những người tham dự vào chức vụ tư tế của giám mục chưa hẳn là những dấu chỉ đầy đủ để trình bày một Ðức Kitô - Người Tôi Tớ: quyền bính của các vị có nguy cơ làm lu mờ khía cạnh phục vụ trong nhiệm vụ của các ngài. Như vậy, phó tế được đặc cách để trở thành dấu chỉ bí tích của Ðức Kitô - Người Tôi Tớ, trở thành sự tỏ hiện của mọi thừa tác vụ thánh xét như là một công tác phục vụ. Không chỉ dừng lại ở trình thuật về việc cắt cử 7 phó tế nhằm phục vụ bàn ăn (Cv 6,1-6), nền tảng Thánh Kinh của chức phó tế cần phải được tìm kiếm trong chính lời giảng và hành động của Chúa Kitô, Ðấng đã trình bày quyền bính trong Hội Thánh như là một công tác phục vụ (Mt 10,24-28 và việc rửa chân trong Ga 13,8-17).

Là những người tham dự vào sứ mạng phục vụ của các giám mục, những người kế vị các Tông Ðồ, nên các phó tế được tấn phong do giám mục. Việc truyền chức này hệ tại việc một mình đức giám mục đặt tay, trong thinh lặng, và kế đó là lời nguyện phong chức: "Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần Chúa trên tôi tớ Chúa đây, để người này được củng cố nhờ mọi hồng ân của Chúa, và để người này có thể chu toàn sứ vụ của mình". Sau đó, tân chức lãnh dây các phép và áo phó tế, rồi đức giám mục long trọng trao sách Tin Mừng cho thầy để thầy trở nên người công bố Tin Mừng.

Từ đây, phó tế trợ giúp giám mục và các linh mục trong việc phục vụ Lời, phục vụ bàn thờ và việc bác ái. Trách vụ của các phó tế bao gồm việc huấn giáo, giảng thuyết, hướng dẫn việc cầu nguyện của cộng đoàn, cử hành bí tích rửa tội và nghi lễ an táng, chứng hôn, trao của ăn đàng, nói chung là mọi hình thức phục vụ người nghèo, bệnh nhân, giới trẻ.

Ðối với các linh mục tương lai, việc "phục vụ" trong tư cách phó tế được coi như một khởi đầu cần thiết cho việc "phục vụ" trong chức linh mục. Qua việc tái lập chức phó tế vĩnh viễn, đội ngũ các phó tế hiện diện trong Hội Thánh như một lời nhắc nhở sống động và có đầy năng lực bí tích đối với các giám mục, linh mục và tín hữu - một lời nhắc nhở về việc "phục vụ" sáng ngời, vốn là và vẫn mãi phải là một "tác vụ" được truyền ban.

 

Phòng Thánh

(= Sacristre)

Gốc La tinh sacristra có nghĩa một nơi trong nhà thờ, gần cung thánh, tại đó cất giữ tất cả những gì cần thiết cho việc cử hành phụng vụ: phẩm phục, bình thánh, sách, v.v...

 

Phù Hiệu Giám Mục

(= Insignes pontificaux)

Phù hiệu giám mục là những biểu hiệu bên ngoài và đặc trưng của chức vị giám mục: thông thường là nhẫn và Thánh Giá trên ngực; trong các nghi lễ đại triều, phù hiệu chính là mũ và gậy. Ngoài các đức giám mục, các giám chức sau đây có thể sử dụng phù hiệu giám mục: các đại sứ của đức giáo hoàng, các viện phụ hay các giám chức có quyền tài phán trên một vùng riêng biệt trong giáo phận, các giám quản tông tòa, các đan viện phụ, sau khi được chúc phong.

 

Phù Hiệu Tổng Giám Mục

(= Pallium)

Pallium trong tiếng La tinh có nghĩa là áo khoác, áo dài, áo mặc ngoài. Ban đầu, Pallium là loại hàng dệt bằng dạ mô phỏng loại áo dài của người Rôma, mà các quan chức dân sự cao cấp thường mặc, nhất là các quan chấp chính. Khoảng thế kỷ IV, sau thời Công-tăng-ti-nô, loại trang phục này trở thành huy hiệu danh dự của một số giám mục, và do đức giáo hoàng ban phép sử dụng. Hiện nay, loại trang phục này là huy hiệu của đức giáo hoàng, giáo trưởng hay tổng giám mục. Phù hiệu hiện nay có hình dáng như sau: một dải len trắng choàng quanh vai, một đầu phía trước ngực, một đầu phía sau lưng, trên phần vòng quanh cổ có bốn hình Thánh Giá màu đen và hai hình Thánh Giá khác ở hai đầu dải len. Ðể gắn phù hiệu vào áo lễ, người ta dùng ba cây kim bằng vàng, đầu có nạm đá quí.

 

Phụ Tích

(= Sacramental)

Các phụ tích là những tác động hay những thực tại thánh thuộc về lãnh vực bí tích hiểu theo nghĩa rộng, nhưng không phải là bí tích đúng nghĩa. Trong thực tế, cho đến thế kỷ XII, con số bảy bí tích chưa được ấn định, và từ ngữ "bí tích" dùng để chỉ mọi tác vụ thánh. Các phụ tích chủ yếu bao gồm việc thánh hiến người, các phép lành trên đồ vật, hoặc các nghi thức kèm theo bí tích. Một số phụ tích có thể được coi là gần với các bí tích, như việc thánh hiến các trinh nữ, việc khấn dòng, nghi lễ chúc phong viện phụ, cung hiến thánh đường và bàn thờ.

Các bí tích hoạt động "do sự" (ex opere operato: việc sinh công hiệu cốt ở việc hoàn thành nghi thức), trong khi các phụ tích hoạt động nhờ tác động của Hội Thánh (ex opere operantis Ecclesiae): tức là các phụ tích sinh công hiệu nhờ vào hoạt động và lời cầu nguyện của Hội Thánh. Nhưng không nên hiểu rằng Thiên Chúa chỉ hoạt động trong các bí tích, và nhường cho Hội Thánh quyền can thiệp trong các phụ tích. Thực vậy, toàn thể phụng vụ là công trình chung của Thiên Chúa và Hội Thánh, và dù một phụ tích nhỏ nhất cũng cần đến hành động thánh hóa của Thiên Chúa (xc. Phụng vụ). Tốt hơn, nên lưu ý rằng các bí tích là do Thiên Chúa lập, trong khi các phụ tích là do Hội Thánh lập, với ơn phù trợ của Chúa Thánh Thần.

 

Phủ Phục (Tư Thế)

(= Prostration)

Tiếng La tinh prostratio có nghĩa hành vi nằm sấp phía trước (pro: phía trước, sternere: nằm xuống đất). Hành vi phủ phục ít khi sử dụng trong phụng vụ, nhưng có ý nghĩa đặc biệt: trong khi cộng đoàn hát Kinh Cầu Các Thánh, thì những người sắp được truyền chức (giám mục, linh mục, phó tế), các tu sĩ sắp tuyên khấn trọn đời, nằm phủ phục trên đất: hành vi này không chủ ý nói lên việc tự xóa mình trước Thiên Chúa, nhưng đúng hơn nhằm diễn tả thái độ hoàn toàn sẵn sàng trước lời mời gọi của Thiên Chúa.

Khởi đầu nghi thức cử hành chiều ngày thứ Sáu Tuần Thánh, vị chủ tế cùng các thừa tác viên phủ phục trước bàn thờ để bày tỏ tâm tình khiêm tốn thờ lạy trước mầu nhiệm Cứu Chuộc nhờ Thập Giá, như phụng vụ chiều hôm đó sắp cử hành; các ngài cũng có thể phủ phục khi ngừng đọc hay hát Trình Thuật Thương Khó trong giây lát (sau câu "Chúa Giêsu gục đầu xuống tắt thở" - Chúa nhật lễ Lá cũng có hát bài Thương Khó). Cũng có thể phủ phục bằng cách quì gối rồi cúi gập mình sát đất.

 

Phục Sinh (Lễ)

(= Résurrection)

Lễ Phục Sinh là đích điểm của Tam Nhật Vượt Qua. Lễ Phục Sinh được mừng đặc biệt trong đêm Vọng Phục Sinh và ngày Chúa Nhật Phục Sinh, cũng như trong suốt cả mùa Phục Sinh, và trong mọi nghi lễ phụng vụ Kitô giáo. Tất cả mọi Chúa Nhật hàng tuần đều được dành để mừng Lễ Phục Sinh, lễ mừng đầu tiên trong lịch sử Kitô giáo.

 

Phục Vụ

(= Service)

Việc "phục vụ Thiên Chúa" là nghĩa vụ chính của cộng đoàn nhân loại; nhân loại chu toàn nghĩa vụ này, chủ yếu là trong công việc phụng tự. Phải nhớ rằng dân Israel đã trở thành Dân của Thiên Chúa trên núi Xinai, khi họ đồng ý chấp nhận Giáo Ước và vượt qua từ tình trạng nô lệ bên Ai Cập để đạt đến việc phục vụ cao cả đối với Giavê (trong tiếng Hípri, hai từ nô lệ và phục vụ là một: abôdâh); Dân Chúa được giải phóng khỏi Ai Cập chỉ là để phục vụ (xc. Xh 3,12; 7,16.26; 8,16; 9,1.13; 10,3.7.11.26). Sự phục vụ của Dân chỉ là lời tạ ơn đáp lại công cuộc "phục vụ" sinh ơn cứu độ của Giavê.

Cũng vậy, trong Giao Ước mới, Ðức Giêsu giải thoát Hội Thánh khỏi ách nô lệ Satan, để trong Chúa Thánh Thần. Hội Thánh trở thành lời chúc tụng vinh quang Thiên Chúa Cha (xc. Ep 1,13-14; 1P 2,9); Ðức Giêsu đã lớn tiếng tuyên bố rằng Người tự nhận mình là Tôi Tớ của Giavê, Người đã lấy máu mình để chuộc lấy nhiều người (Mt 20,28; Is 53,10-12). (xc. Giám mục; Phó tế).

Vì thế, phụng vụ hay "thần vụ" là một sự phục vụ qua lại giữa Thiên Chúa và Dân Người cho đến đời đời, khi mà Ðức Kitô hứa chính Người sẽ phục vụ các tôi tớ của Người (Lc 12,37). Ðể khỏi rơi vào các cạm bẫy của thứ biện chứng "chủ tớ", điều quan trọng là phải luôn ghi nhớ rằng việc "phục vụ Thiên Chúa" không chỉ nâng chúng ta lên tầm mức Thiên Chúa, nhưng trước hết đó còn là việc "phục vụ" sinh ơn cứu độ mà Thiên Chúa không ngừng tặng ban cho chúng ta. Trong viễn tượng này, người ta hiểu được tất cả sự phong phú liên quan đến Thiên Chúa, gồm chứa trong từ ngữ "phục vụ", khi từ ngữ này chỉ một lễ nghi phụng vụ, hoặc một "thần vụ" (xc. Phụng vụ; Tôn kính; Phận vụ; Thừa tác vụ; Thừa tác viên).

 

Phụng Tự

(= Culte)

Tiếng La tinh cultus, do động từ colere, có nghĩa là trồng cấy, săn sóc, rồi mang thêm ý nghĩa tôn kính, gặp gỡ. Phụng tự là toàn bộ những tác động mà một cộng đồng nhân loại dùng để tôn thờ các thần linh của mình, và tiếp xúc với các ngài. Người ta vun đắp mối liên hệ với Thiên Chúa như nâng niu một tình bạn: họ "săn đón" thần linh vì chính thần linh, và để mong nhận được các ơn lành của thần linh.

Hành vi phụng tự là phần việc của con người trong phụng vụ, giúp xã hội con người duy trì mối liên hệ với Thiên Chúa. Nếu hành vi phụng tự quá vụ lợi, hoặc rơi vào não trạng phù phép, khi đó nó nhấn mạnh quá đáng về phía con người. Nhưng khi phụng tự thực sự trở thành lời "xin vâng" của những người sẵn sáng gặp gỡ Thiên Chúa, thì phụng tự khi đó mới có được tính cách đích thực và chính đáng.

Phụng vụ thành hình do việc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người để cử hành Giáo Ước. Phần tiên quyết và sự khởi xướng là do Thiên Chúa, Ðấng không ngừng thi thố tác động cứu độ nơi chúng ta, với chúng ta và vì chúng ta, đặc biệt qua các bí tích là những thực tại nối dài ơn cứu độ do Ðức Kitô mang lại. Phần còn lại là của chúng ta, tuy là thứ yếu, nhưng thật cần thiết để có được cuộc gặp gỡ, và để Giao Ước được ký kết, được thực thi cũng như được kiện toàn.

Vì thế, trong mối tương quan hai chiều, phụng vụ bao gồm cả tác động của Thiên Chúa lẫn tác động của Dân Người: việc thánh hóa và việc phụng tự, theo đúng trật tự đó. Cần hiểu định nghĩa của Công Ðồng Vaticanô II theo chiều hướng đó: "Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người (chiều đi xuống) được biểu tượng nhờ những dấu khả giác, và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ (bí tích và phụ tích), và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn (chiều đi lên) được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là Ðầu cùng các chi thể của Người" (HCPV số 7).

Thật là một sự việc đầy ý nghĩa khi Thánh Bộ đặc trách phụng tự tại Giáo Triều Rôma không còn được gọi là Thánh Bộ Lễ Nghi, mà gọi là Thánh Bộ các Bí Tích và Phụng Tự; người ta thường hay quên các bí tích, mà chỉ còn nhớ đến phụng tự: rõ ràng điều đó cho thấy một nhận thức sai lạc về chính bản chất toàn vẹn của phụng vụ.

 

Phụng Vụ

(= Liturgie)

Gốc tính từ Hy Lạp lèitos nghĩa là công cộng, bởi từ léos (trong thổ ngữ ionie là laos) và danh từ ergon nghĩa là phục vụ, công trình, công việc. Vậy theo từ nguyên, phụng vụ là việc phục vụ công cộng, một công trình đem lại ích lợi cho dân chúng. Trong các nền dân chủ Hy Lạp, liturgia ám chỉ mọi việc phục vụ do các công dân thực hiện nhằm lợi ích chung, nhưng nhất là các trách vụ công cộng mà người ta phải kham nổi các khoản chi phí thì mới đủ tư cách nhận; và các trách vụ này là tổ chức các ban ca nhạc, các trận thi đấu thể thao, và trang bị các chiến thuyền, v.v...

Khi sử dụng từ liturge - người phục vụ - (Rm 13,6; 15,16; Pl 2,25), hay từ liturgie - việc phục vụ (2Cr 9,12; xc. Rm 15,27), thánh Phaolô thường hiểu theo nghĩa là một việc được thực hiện vì lích lợi của cộng đoàn.

Vào thế kỷ thứ III trước Công Nguyên, bản LXX dùng Leitourgia thay cho từ Hípri Abodah, từ ngữ này không còn được hiểu là một công việc mà dân chúng được hưởng lợi, nhưng là một công việc mà chính dân chúng phải thi hành. Liturgie trở thành việc phục vụ có tính tôn giáo và theo nghi thức dâng lên Thiên Chúa, do cộng đoàn được qui tụ nhân danh Người.

Không được bỏ qua một trong hai ý nghĩa này: "Công trình Thiên Chúa" vừa là công trình mà Thiên Chúa thực hiện nơi Dân Người, đồng thời gắn liền với công trình mà Dân thực hiện vì Thiên Chúa của mình. Như thế, "thần vụ", vừa có nghĩa là ơn cứu độ do Thiên Chúa thực hiện nơi Hội Thánh, đồng thời cũng là việc thờ phượng do Hội Thánh dâng lên Thiên Chúa. Do đó, một quan niệm đầy đủ về phụng vụ phải bao hàm cả hành động của Thiên Chúa vì con người lẫn hành động của cộng đoàn chính thức hướng lên Thiên Chúa.

Phụng vụ là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người để cử hành Giao Ước. Trong cuộc gặp gỡ này, tác động của Thiên Chúa là tác động khởi đầu (chiều đi xuống), bởi vì chính Thiên Chúa có sáng kiến lập Giao Ước và khơi dậy sự đáp ứng của Dân (chiều đi lên). Nhờ sự trung gian của Ðức Kitô, đặc biệt là nhờ cuộc hiến tế cứu độ của Người, các tác động phụng vụ của chúng ta, những tác động làm nên việc phụng thờ Thiên Chúa, sẽ nối kết với công trình thánh hóa của Thiên Chúa, là công trình đưa chúng ta vào Giao Ước của Người.

Như vậy, ta có thể hiểu được định nghĩa về phụng vụ của Công Ðồng Vaticanô II: "Phụng vụ đáng được xem là việc thực thi chức vụ tư tế của chính Chúa Giêsu Kitô, trong đó công cuộc thánh hóa con người (chiều đi xuống) được biểu tượng nhờ những dấu chỉ khả giác, và được thể hiện hữu hiệu cách khác nhau theo từng dấu chỉ (bí tích và phụ tích), và trong đó việc phụng tự công cộng vẹn toàn (chiều đi lên) được thực thi nhờ Nhiệm Thể Chúa Kitô, nghĩa là Ðầu cùng các chi thể của Người" (HCPV số 7).

Hai "chiều hướng" này hội nhập vào phụng vụ, và nhờ Ðức Kitô, tạo nên cộng đoàn của Thiên Chúa và Dân Người, và biến thành dòng chảy giao lưu hai chiều với đời sống Ba Ngôi: sự trao hiến của Chúa Cha cho Chúa Con, sự qui hướng của Chúa Con về Chúa Cha, trong nguồn sinh lực của Chúa Thánh Thần. Phụng vụ thiên quốc đưa nhưữg người được tuyển chọn vào "dòng sông có nước sự sống trào vọt lên từ ngai Thiên Chúa và Con Chiên" (Kh 22,1).

Phụng vụ thiên quốc là sự sống vĩnh cửu trong cung lòng Ba Ngôi: như thế sẽ không có kết thúc. Thật vậy, sách Khải Huyền cho chúng ta thấy cuộc sống mai sau là một cuộc phụng vụ vĩ đại và uy hùng. Nói cho đúng, trong cuộc sống tại thế, phụng vụ không phải là một đích điểm; hiện nay, người ta không thể ngày đêm chỉ lo việc phụng vụ vì một sự dầy khít quá mức như thế sẽ là một gánh nặng đối với sự yếu đuối của chúng ta - điều này hoàn toàn đi ngược với những người chủ trương duy phụng vụ. Phụng vụ không phải là tất cả hoạt động của Hội Thánh (PV số 9), nhưng là tuyệt đỉnh và nguồn mạch cho các hoạt động đó (PV số 10). Tất cả cuộc sống của Kitô hữu đều có chiều kích phụng vụ: được sinh ra trong phụng vụ, cuộc sống đó không ngừng tiến từ phụng vụ này sang phụng vụ khác, nhưng cuộc sống đó vẫn còn nhiều bất toàn đến nỗi chưa thể là một phụng vụ thuần túy.

Xc. Chiêm niệm; Kinh nguyện; Sự sống; Công trình Thiên Chúa; Thần vụ; Trung gian; Chúa Thánh Thần; Bí tích; Á phụng vụ; Các giờ kinh Phụng Vụ; Tôn giáo; Dấu chỉ; Biểu tượng; Phụ tích; Giáo dân; Phụng tự.

 

Phụng Vụ (Các Nghi Thức)

(= Liturgies)

Chỉ có một phụng vụ duy nhất, hiểu theo nghĩa mọi việc cử hành giúp chúng ta hội nhập vào kế hoạch cứu độ duy nhất, vào công trình duy nhất của Giáo Ước, đến nỗi Hội thánh, khi hiệp nhất với Ðức Kitô, được tham dự vào đời sống Ba Ngôi với tư cách Người Con (xc. Phụng vụ).

Tuy nhiên, có những phương thức khác nhau, qua đó những cộng đoàn Hội Thánh khác nhau để cho Chúa Con và Chúa Thánh Thần đưa vào trong cung lòng của Chúa Cha để cử hành Giao Ước; sự đa dạng này tùy thuộc vào những cách diễn tả và năng khiếu riêng của từng cộng đoàn. Cơ cấu phụng vụ, tức là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Ngài, vốn mang tính cách phổ quát; những hành vi nền tảng để cử hành Giao Ước cũng có tính cách phổ quát (xc. Tạ ơn; Bí tích; Phụ tích; Phụng vụ các Giờ Kinh), nhưng các bản văn, cử chỉ và nghi thức lại mang dấu vết văn hóa cũng như lịch sử của những gia đình phụng vụ lớn.

Tại Ðông phương, chiếc nôi của Kitô giáo, các nhóm phụng vụ chia thành hai ngành chính, gắn liền với hai tòa thượng phụ cổ xưa: Antiôkia và Alêxandria.

1. Ngành Antiôkia:

a) Khối Xyria Tây Phương:

- Nghi lễ Xyria tại Antiôkia (gồm các nhóm Giacôbít, Xyria liên hiệp, Malankares). Nghi thức này chủ yếu sử dụng kinh Anaphora (Kinh Tạ Ơn) của thánh Giacôbê, ngôn ngữ chính thức là ngôn ngữ Xyria.

- Nghi lễ Marônít: nghi lễ riêng của các cộng đoàn ở Libăng còn liên hệ với Rôma. Ðây là một biến thể của nghi lễ Xyria tại Antiôkia cộng thêm những yếu tố riêng.

- Nghi lễ Lidăngtin: nền phụng vụ tại Công-tăng-ti-nốp, thành phố trung tâm của đế quốc. Phụng vụ này chính yếu sử dụng kinh Anaphora của thánh Gioan Kim Khẩu và sử dụng kinh của thánh Baxiliô trong một số ngày.

Nghệ thuật sáng tác thánh thi đạt đến trình độ cao, việc tôn kính ảnh tượng thánh và nền thần học phong phú, đó là những nét tiêu biểu của nền phụng vụ khá phổ biến này. Ngôn ngữ nguyên thủy của nền phụng vụ này là tiếng Hy Lạp, tuy nhiên, phụng vụ này cũng còn được cử hành bằng tiếng Xơ-la-vơ, tiếng Goóc-gi, tiếng Ả rập, v.v...

- Nghi lễ Ác-mê-mi-a: nét nổi bật của nghi lễ này là ảnh hưởng của các nghi lễ Pa-lét-tin, Bi-dăng-tin và Rôma: đây là một trong những nghi lễ Ðông Phương đã bị La tinh hóa rõ nét nhất. Ngôn ngữ sủ dụng là tiếng Ác-mê-mi-a cổ.

b) Khối Xyria Ðông Phương:

Gồm các giáo đoàn nằm trong vùng Lưỡng Hà Ðịa, các giáo đoàn này không chấp nhận các quyết nghị của công đồng Êphêxô và Kan-xê-đô-ni-a.

- Nghi lễ Nét-tô-ri-ô: ngôn ngữ là tiếng Xyria, nghi lễ này sử dụng kinh Anaphora của các Tông Ðồ (các kinh Addai và Mari), kinh của Thê-ô-đô-rê thành Mopsueste và của Nét-tô-ri-ô.

- Nghi lễ Kanđê: hợp nhất với Rôma, nhưng vẫn giữ các kinh Anaphore của người Nestôriô, với một vài sửa đổi.

- Nghi lễ Malabar: phần còn rơi rớt lại của nghi lễ Nestôriô được phổ biến sang Ấn Ðộ và Viễn Ðông, nhưng đã được La tinh hóa.

2. Ngành Alêxandria:

- Nghi lễ Cốp được cử hành bằng tiếng Hy Lạp tại Alêxandria và Ai Cập Hạ, bằng tiếng địa phương sahidique và bohairique tại Ai Cập Thượng. Các nghi lễ Cốp sử dụng kinh Anaphora của thánh Xyrilô, tức là bản dịch kinh Anaphora bằng tiếng Hy Lạp của thánh Máccô, và có sửa đổi cho phù hợp. Họ còn sử dụng một hình thức kinh Anaphora cổ của thánh Ba-xi-li-ô và một kinh khác được cho là của thánh Ghê-gô-ri-ô.Nghi lễ Xyria có ảnh hưởng đáng kể tại Ai Cập.

- Nghi lễ Êthiôpia: nghi lễ của một giáo đoàn theo chủ thuyết một bản tính (cho rằng Ðức Giêsu có một bản tính duy nhất, không chấp nhận công đồng Kan-xê-đô-ni-a), giống như phần lớn các giáo đoàn tại Ai Cập; nền phụng vụ này được chuyển dịch từ nền phụng vụ Cốp, nhưng vẫn giữ được tính thi ca độc đáo và một tập khoảng 18 kinh Anaphora, trong đó có kinh Anaphora của thánh Híppôlitô, nguồn gốc của kinh Tạ Ơn II hiện nay, nền phụng vụ này được gọi là "phụng vụ các Tông Ðồ". Ngôn ngữ được sử dụng trong nghi lễ Êthiôpia là tiếng géez, ngày nay đã trở thành tử ngữ.

- Nghi lễ Rôma: Tây phương chủ yếu sử dụng phụng vụ của Rôma, một thành phố trung tâm của đế quốc và còn hơn thế, đó là tòa của Ðức Giáo Hoàng, đấng kế vị Thánh Phêrô.

Nghi lễ Rôma được phổ biến rất nhanh tại Ý và đã thống lĩnh khắp vùng Bắc Âu do ảnh hưởng của các cuộc truyền giáo, và nhờ nỗ lực thống nhất của vua Sác-lơ-mai, nghi lễ này đã trở thành gần như bó buộc. Phụng vụ Rôma có tính cách ngắn gọn và hòa điệu, sử dụng tiếng La tinh, ít là từ cuối thế kỷ IV. Các thánh vịnh và các thánh ca lấy từ Thánh Kinh là những bài hát chính yếu trong thánh lễ và kinh phụng vụ. Lễ qui Rôma là Kinh Tạ Ơn duy nhất của nghi lễ này; phần chính yếu của lễ quy đã được thành hình vào giữa thế kỷ III-V. Việc in ấn các sách phụng vụ, cuộc canh tân do công đồng Trentô, phong trào do Dom Guéranger khởi xướng (thế kỷ XIX), đã lần lượt góp phần vào việc thống nhất nghi lễ Rôma. Các giáo đoàn Lyon và Baga vẫn giữ những tập tục địa phương, và dòng Ða Minh, dòng Prémontré, dòng Chartreux được phép dùng phần thường lễ riêng. Ngày nay, phần thường lễ do Ðức Phaolô VI ban hành và nền phụng vụ canh tân theo tinh thần Công Ðồng Vaticanô II đã được áp dụng cho toàn thể Hội Thánh Công Giáo Rôma, trừ một vài trường hợp đặc biệt.

- Nghi lễ Amrôxiô: chính là nghi lễ Rôma, nhưng được thánh Am-rô-xi-ô sửa chữa và cho sử dụng tại Milan. Cũng cần ghi nhận là có phần ảnh hưởng của phụng vụ Galican.

- Nghi lễ Mozarabe hay Wysigothique: Tây Ban Nha trong một thời gian dài, vẫn ở ngoài tầmảnh hưởng của Rôma: phần chính yếu của nghi lễ này đã thành hình rồi khi quân man di Wysigoth bắt đầu xâm chiếm lãnh thổ, tức là trước cuộc chiếm đóng của người Ả Rập. Phụng vụ này không có lễ qui cố định, nhưng có phần thay đổi xoay quanh trình thuật về việc thiết lập Thánh Thể.

- Nghi lễ Galican và Xentô: các nghi lễ này không còn tồn tại sau khi Sác-lơ-mai tiến hành việc thống nhất, chịu ảnh hưởng Rôma, nhất là Tây Ban Nha, đặc điểm của các nghi lễ này là hơi rườm rà.

 

Phương Du

(= Dais)

Trong tiếng La tinh discus nghĩa là cái đĩa. Phương du là cái khung vải được trương ra để che phía bên trên vị chủ sự đang cầm Mình Thánh, trong những cuộc rước trọng thể. Người ta dùng nhiều cây cọc để đỡ phương du, còn lọng thì chỉ có một cây đỡ giống như cái dù. Việc dùng phương du và lọng nhằm nói lên phẩm vị của Ðức Kitô đang hiện diện trong Thánh Thể.

 

 

 

 

 


Back to Home