K

 

Khai Tâm

(= Initiation)

Các bí tích khai tâm là ba bí tích mà những người dự tòng trưởng thành đón nhận trong một nghi lễ duy nhất, nhằm mục đích dẫn đưa họ vào đời sống Kitô giáo, bao gồm Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể. Các ấn tích được lãnh nhận trong bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức sẽ được thể hiện trọn vẹn nhất trong việc tham dự bí tích Thánh Thể. Người Kitô hữu được sinh ra trong phụng vụ phép rửa để cử hành phụng vụ cao cả nhất của tình yêu (đó là Thánh Thể). Ðêm Vọng Phục Sinh là thời điểm đặc biệt để cử hành các bí tích khai tâm (xc. Khai tâm các mầu nhiệm).

 

Khai Tâm Các Mầu Nhiệm

(= Mystagogie)

Khai tâm các mầu nhiệm phát xuất từ gốc tiếng Hy Lạp agéin có nghĩa là hành động hướng dẫn một người đang tập sự. Như vậy, khai tâm các mầu nhiệm tức là dẫn đưa vào mầu nhiệm. Ðây thường là công việc của các linh mục. Việc khai tâm Kitô giáo hoàn tất bằng việc lãnh nhận các bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức và Thánh Thể. Các bài giảng của các giáo phụ dành cho những người mới được Thánh Tẩy gọi là "huấn giáo khai tâm vào các mầu nhiệm". Các giáo phụ biết rằng các tân tòng được chính các mầu nhiệm hướng dẫn hơn là được hướng dẫn vào các mầu nhiệm. Vì thế, các ngài chỉ nhằm rút tỉa những kinh nghiệm sống bí tích cho các tân tòng. Những bài huấn giáo vào mầu nhiệm thời danh nhất là những bài của thánh Cyrillo thành Giêrusalem, Théodore de Mopusuette và thánh Maxime hiển tu.

 

Khăn Bàn Thờ

(= Nappe)

Tiếng La tinh nappa có nghĩa là khăn bàn. Theo qui luật phụng vụ, bàn thờ phải được phủ khăn. Ðiều đó nói lên tính cách biểu tượng của bàn thờ là một bàn tiệc Thánh Thể, còn khăn thánh gợi lại tấm khăn liệm của Ðấng chịu đóng đinh.

 

Khăn Lau Chén

(= Purificatoire)

Tấm khăn thánh dùng để lau chén và lau tay linh mục vào những lúc tráng chén.

 

Khăn Lau Tay

(= Manuterge)

Tiếng La tinh munus có nghĩa là tay, và tergere có nghĩa là lau chùi. Khăn lau tay được linh mục dùng vào lúc rửa tay trong thánh lễ và trong những nghi thức khác cần phải rửa tay, chẳng hạn sau khi xức tro vào dịp mùa Chay.

 

Khăn Phủ

(= Voile)

Tiếng La tinh velum có nghĩa là vải, trướng, màn che. Trong thánh lễ, khăn phủ là một tấm vải, có gắn những đồ trang trí thông dụng, dùng để các thứ bình thánh (chén thánh, đĩa thánh, bình đựng Mình Thánh), cho tới khi dâng lễ vật.

Khăn phủ vai là một tấm khăn dài màu trắng khoác trên vai người cầm Mình Thánh Chúa. Linh mục mang khăn phủ vai (có khi là phó tế) khi nâng Mặt Nhật để ban phép lành Thánh Thể, hay khi kiệu Mình Thánh hoặc rước Bình Thánh, hộp đựng Mình Thánh. Việc dùng khăn vai là dấu hiệu bày tỏ lòng tôn kính đối với Mình Thánh.

Trong lễ khấn, các nữ tu nhận lúp (khăn phủ) là dấu chỉ sự tận hiến cho Thiên Chúa (xc. Trinh nữ).

 

Khăn Phủ Ðầu Gối Giám Mục

(= Grémial)

Tiếng La tinh gremium nghĩa là ngực, lòng. Khăn phủ đầu gối là tấm vải đặt trên đầu gối giám mục khi người ngồi trong những cử hành nghi lễ đại triều. Ngày nay chỉ còn là tấm khăn mà giám mục mang khi thi hành một số việc như: xức dầu, xức tro, rửa chân trong ngày thứ Năm Tuần Thánh.

 

Khăn Phủ Nhà Tạm

(= Conopée)

Tiếng Hy Lạp kônôpéion là cái mùng. Thực vậy, kônôs là con muỗi. Trong các thánh đường, khăn phủ nhà tạm là tấm vải phủ trên Nhà Tạm, làm cho Nhà Tạm có hình dáng cái lều (Tabernaculum: cái lều). Khăn này có thể có nhiều màu sắc khác nhau theo phẩm phục phụng vụ. Khăn phủ Nhà Tạm và đèn chầu là dấu chỉ sự hiện diện bí tích của Chúa Kitô trong Nhà Tạm (xc. Áo Nhà Tạm).

 

Khăn Quàng

(= Mosette)

Tiếng Ý almozetta nghĩa là khăn vai nhỏ. Khăn quàng (tiếng La tinh trung cổ là almutia) là khăn mà các kinh sĩ mang trên vai và trên cánh tay khi cử hành phụng vụ trong kinh hội. Hiện nay, khăn quàng cũng là áo choàng vai (xc. Áo choàng vai).

 

Khăn Thánh

(= Corporal)

Tiếng La tinh corporal, bởi tiếng corpus, nghĩa là thân mình. Khăn thánh là một tấm vải trắng đặt trên khăn phủ bàn thờ, trên đó đặt chén thánh, dĩa thánh, đôi khi đặt cả bình thánh, hộp đựng Mình Thánh. Khăn này thường có hình vuông. Và sở dĩ được gọi là khăn thánh bởi vì ngày xưa người ta đặt Mình Thánh (Thân mình Ðức Kitô: Corpus Christi) ngay trên khăn này. Khăn thánh có thể phủ luôn cả bàn thờ, vì trong thánh lễ đồng tế có nhiều bình thánh và dĩa thánh.

 

Khăn Vai

(= Amict)

Tiếng La tinh am có nghĩ là từ bên này sang bên kia, và jactus là quàng. Khăn vai là một tấm vải trắng hình chữ nhật, linh mục quàng qua cổ trước khi mặc áo trắng dài. Ngày xưa, khăn này phủ cả đầu, cổ và vai. Ngày nay, người ta thích dùng khăn phủ thường dính liền với áo trắng dài, nên khăn vai có khuynh hướng không còn nữa.

 

Khấn Hứa

(= Voeu)

Tiếng La tinh votum nghĩa là hứa với Thiên Chúa, do động từ vovere: hiến dâng, tuyên khấn. Theo đúng nghĩa, khấn hứa là dâng mình cho Thiên Chúa bằng cách này hay cách khác, để xin ơn hoặc để tạ ơn. Trong ngôn ngữ hiến tế, người ta dâng cho Thiên Chúa một tế vật: vì tế vật này chỉ thay thế cho lễ phẩm, cho nên, tuyên khấn là tận hiến chính mình cho Thiên Chúa, cho nên, tuyên khấn là tận hiến chính mình cho Thiên Chúa, là dâng hiến (devouer) chính mình, do đó mới có ý nghĩa nguyên thủy của từ devotion. Mặc dù lời khấn có nhiều hình thức khác nhau, nhưng xét cho cùng, chúng ta xin Thiên Chúa ban chính Người cho chúng ta, và chúng ta tận hiến toàn thân cho Người. Ðiều này được thể hiện dần dần trong phụng vụ.

Một cách hiển nhiên và tuyệt đối, lời khấn dòng, tức là lời cam kết của các tu sĩ trong ngày tuyên khấn, là dâng hiến một con người cho Thiên Chúa, mà họ tận hiến toàn thân cho Thiên Chúa trong Hội Thánh của Người dưới sự thúc đẩy của ơn thánh (xc. Mt 19,11-12). Qua các lời khấn, các tu sĩ cam kết tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm: khó nghèo, khiết tịnh và tuân phục, được tuyên khấn rõ ràng nhiều hay ít tùy mỗi hội dòng. Ðôi khi có hội dòng thêm một lời khấn khác nữa, nói lên đặc điểm trong mô hình đời sống của họ.

 

Khổ Nạn

(= Passion)

Tiếng La tinh passio nghĩa là hành vi chịu đựng, chịu đau khổ. Cuộc khổ nạn của Ðức Kitô, đem lại ơn cứu độ cho chúng ta, diễn ra từ chiều ngày thứ Năm Tuần Thánh cho đến khi Người chết trên Thánh Giá. Toàn bộ phụng vụ đều cử hành mầu nhiệm Phục Sinh, vừa là khổ nạn, vừa là sự chết và sống lại của Ðức Chúa: mỗi thánh lễ đều nhắc lại mầu nhiệm này trong bí tích. Tuy nhiên, Hội Thánh đặc biệt cử hành các đau khổ của Ðức Kitô trong thánh lễ gọi là "Khổ Nạn", vào Chúa Nhật Lễ Lá, thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh. Trình thuật Khổ Nạn được công bố vào ngày Chúa Nhật Lễ Lá (qua một trong các bài Nhất Lãm), và vào lúc cử hành phụng vụ chiều thứ Sáu Tuần Thánh (theo Tin Mừng thánh Gioan) (xc. Phủ phục, Lễ Lá, thứ Sáu Tuần Thánh, Thánh Giá).

 

Ki-Tô (Chúa)

(= Christ)

Trong tiếng Hy Lạp, christos có nghĩa chính xác là người được xức dầu (xc. Dầu: Chrisma). Danh từ này gần như từ Mâshiah (Mê-si-a) trong tiếng Hipri.

Vì là Vua, là Tư Tế và là Ngôn Sứ tuyệt hảo, nên Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa và Con loài người, chính là Ðấng được xức dầu: nhờ biến cố Nhập Thể, Người đã nhận được nơi nhân tính của Người trọn vẹn năng lực, sự dịu dàng và niềm vui, được biểu thị bằng dầu thánh hiến trong các nghi thức cổ. "Ngài ưa điều chính trực, ghét điều gian ác. Chính vì vậy, Thiên Chúa là Thiên Chúa của Ngài, đã tôn phong Ngài trổi vượt các đồng liêu" (Tv 44,8). Khi áp dụng cho mình bản văn Isaia, Ðức Giêsu diễn tả rõ ràng biểu tượng: "Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi" (Lc 4,18; Is 61,1); Thánh Thần ban bảy ơn (xc. Is 11,2) là nguyên ủy việc Ðức Maria thụ thai Chúa Giêsu (Lc 1,35).

Toàn bộ phụng vụ thông chuyển dấu tích Ðức Giêsu cho các tín hữu: phụng vụ thực hiện dần dần sự thấm nhập toàn thể nhân sinh nhờ Thần Linh Thiên Chúa.

 

Ki-Tô Vua (Lễ)

(= Christ-Roi)

Ðại lễ kính Chúa kết thúc các Chúa Nhật mùa thường niên: như vậy, lễ này trùng vào Chúa Nhật 34 và là Chúa Nhật cuối cùng mùa Thường Niên. Lễ này được đặt vào cuối năm phụng vụ, chính là lời mời gọi của Con Chiên bị sát tế từ vương quốc vĩnh cửu: "Lúc muôn loài đã qui phục Ðức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ qui phục Ðấng bắt muôn loài phải qui phục Người, và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài" (1Cr 15,28). Lễ này mãi về sau mới được Ðức Giáo Hoàng Piô XI thiết lập năm 1925: tất cả năm phụng vụ tôn vinh vương quyền Ðức Kitô, nhưng đặc biệt là vào dịp lễ Hiển Linh, thứ Sáu Tuần Thánh, và lễ Thăng Thiên.

 

Kinh Cầu

(= Litanie)

Tiếng Hy Lạp litanéa do danh từ litè có nghĩa là lời cầu, và động từ litaneuéin nghĩa là cầu nguyện liên tục. Kinh cầu là những lời nguyện phụng vụ diễn tả sự khẩn nài bằng nhiều lời kêu xin, cộng đoàn đáp lại bằng những câu lặp đi lặp lại. Lời nguyện cộng đồng trong thánh lễ, hoặc trong giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều là những hình thức Kinh Cầu cổ xưa nhất.

Ngày nay, Kinh Cầu là những lời nguyện long trọng và là thành phần của những buổi cử hành phụng vụ trọng thể: những lời khẩn cầu lặp đi lặp lại dâng lên Chúa Ba Ngôi, Ðức Mẹ và các Thánh, để xin ơn Chúa vào dịp cử hành bí tích Thánh Tẩy trong lễ Vọng Phục Sinh, lễ Truyền Chức, lễ Cung Hiến Thánh Ðường, lễ Thánh Hiến Trinh Nữ, lễ Chúc Phong Viện Phụ hoặc Chúc Lành Ðan Sĩ, v.v... Trong nghi lễ thánh hiến hoặc chúc phong trọng thể, đương sự nằm phủ phục suốt thời gian đọc Kinh Cầu. người ta hát Kinh Cầu khi rước kiệu Cầu Mùa. Kinh Cầu Thánh Danh Chúa Giêsu, Kinh Cầu Trái Tim, Kinh Cầu Ðức Bà, Kinh Cầu thánh Giuse... không thuộc về phụng vụ đúng nghĩa, mà chỉ là việc đạo đức cá nhân hoặc cộng đoàn.

 

Kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần

(= Epiclèse)

Épiclèsis trong tiếng Hy Lạp gồm klèsis (lời kêu gọi) và épi (trên). Ðây là một lời cầu xin Chúa Thánh Thần để Ngài đến và, bằng hoạt động của Thiên Chúa, thánh hóa lễ vật Hội Thánh dâng lên trong thánh lễ. Trong cách sắp xếp của Kinh Tạ Ơn hay Lễ Quy, kinh này là lời nguyện liền ngay trước Truyền Phép. Trong Kinh Tạ Ơn thứ hai, kinh này có công thức như sau: "Chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa, thánh hóa lễ vật này".

Trong các Hội Thánh Ðông Phương, lời xin Chúa Thánh Thần không phải chỉ là lời nguyện cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa lễ vật do thừa tác viên dâng lên khi sắp truyền phép; mà còn được coi là lời truyền phép. Trong Hội Thánh La tinh, lời thánh hóa đúng nghĩa là chính lời truyền phép. Hai quan điểm này không trái ngược nhau. theo thói quen, tinh thần Ðông Phương nhấn mạnh tính cách tổng hợp của Kinh Tạ Ơn, vì toàn bộ Kinh Tạ Ơn là lời thánh hóa, nhưng đặc biệt khi kêu xin rõ ràng hoạt động của Chúa Thánh Thần. Tính cách chặt chẽ và chính xác của Hội Thánh La tinh có khi nhấn mạnh trên lời đọc và cử điệu diễn tả lời và cử điệu của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly.

 

Kinh Chiều

(= Vêpres)

Tiếng La tinh vesper, tiếng Hy lạp espéros nghĩa là buổi chiều. Phụng vụ giờ Kinh Chiều làm thành giờ kinh trọng thể buổi chiều, đối xứng với giờ Kinh Sáng. từ giờ Kinh Sáng, Hội Thánh vẫn không ngừng giao tiếp với Thiên Chúa nhờ các giờ Kinh Trưa. Vào lúc cuối ngày, Hội Thánh tìm lại sự thân thiết đó một cách lâu dài hơn. Hội Thánh cảm tạ Chúa vì những kỳ công sáng tạo, vì những việc mình đã làm, và hân hoan vì sự hiện diện của Ðức Chúa, như các tông đồ trong buổi chiều ngày Phục Sinh (xc. Ga 20,19), trong khi mong chờ Người trở lại. Giờ Kinh Chiều gồm có phần dẫn nhập, thánh thi, hai thánh vịnh, một thánh ca Tân Ước (xc. Thánh Ca), một bài đọc ngắn, một đáp ca ngắn, thánh ca Magnificat, các lời cầu khẩn và phần kết thúc. Ðỉnh cao của Kinh Chiều là bài thánh ca Tin Mừng của Ðức Maria. Ít là trong một số ngày, khi hát bài Thánh Ca này, nên xông hương bàn thờ như hy lễ ban chiều (xc. Tv 140,2; Ðèn).

Các đại lễ và các ngày Chúa Nhật bắt đầu từ chiều hôm trước bằng việc cử hành Kinh Chiều I. Thói quen này đã có nơi người Do Thái, họ tính ngày từ chiều hôm trước đến chiều hôm sau. Một vài đại lễ đặc biệt có thánh lễ Vọng, cử hành vào buổi chiều, có hoặc không có Kinh Chiều I.

 

Kinh Ðêm

(= Matines)

Các giờ canh thức đêm, (vigiliae matutinae) trở thành giờ đêm. Về nguồn gốc, tiếng La tinh Matutini hay matutinae hoặc matutina chỉ giờ Kinh Ngợi Khen (Laudes) cử hành vào lúc mặt trời mọc. Những giờ canh thức đêm được hát sớm hơn, lúc trời còn tối. Những giờ kinh này trở thành Kinh Ðêm khi danh từ Laudes (Kinh Ngợi Khen) được ấn định cho giờ Kinh Sáng. Việc canh thức cầu nguyện ban đêm chẳng phải là thái độ tha thiết mong đợi ngày đến sau khi đêm tàn? (xc. Kinh Sách, Vọng Lễ và Canh Thức).

 

Kinh Khấn Xin

(= Embolisme)

Tiếng Hy Lạp embolismos có gốc bởi em-ballein: đặt vào trong, xen vào giữa. từ này chỉ tháng nhuận, thêm vào năm âm lịch theo những khoảng thời gian tương đối đều đặn, để bù vào sự chênh lệch giữa năm âm lịch với năm dương lịch.

Trong phụng vụ, lời nguyện phụ là lời nguyện xen giữa hai lời nguyện khác. Trong thực tế, từ ngữ này chỉ lời nguyện sau Kinh Lạy Cha trong thánh lễ, nhằm triển khai ý nguyện cuối: "Xin cứu chúng con khỏi sự dữ..." Cuối lời nguyện phụ này, cộng đoàn cùng tung hô: "Vì Chúa là vua uy quyền...", lời tung hô này ban đầu tiếp liền với Kinh Lạy Cha.

Các lời nguyện sau đây cũng được gọi là "lời nguyện phụ": các lời nguyện đặc biệt cầu cho người qua đời, được xen vào trong Kinh Tạ Ơn II và III. Cũng vậy, các lời nguyện khai triển kinh Communicantes và Hanc igitur mà trong một vài dịp nào đó, được thêm vào trong Lễ Qui Rôma (Kinh Tạ Ơn I).

 

Kinh Nguyện

(= Prière)

Tiếng La tinh prex hay precatio có nghĩa là van xin, khẩn cầu. Về nghĩa, "công thức cầu nguyện", xin coi mục Lời Nguyện. Phụng vụ chỉ qui định những lời nguyện được đọc khi lời đọc và tinh thần hòa hợp với nhau; tất cả phụng vụ chỉ là một lời cầu nguyện, nghĩa là Hội Thánh hướng về vị Hôn Phu của mình.

Người ta thường có khuynh hướng đối nghịch phụng vụ với việc chiêm niệm, kinh nghuyện cộng đồng và với kinh nguyện cá nhân của người Kitô hữu. Trong tình trạng hiện nay của cuộc sống chúng ta, vì việc cử hành Giao Ước mang tính cách cộng đoàn nên dù có những thời gian thinh lặng, những giới hạn của chúng ta và của người khác không thể là nơi chốn hoặc thời gian gặp gỡ thân mật với Chúa. Trong phụng vụ thiên quốc, hai chiều kích cá nhân và cộng đoàn của việc cầu nguyện đạt đến một sự hòa hợp hoàn hảo. Trong khi chờ đợi, vì chúng ta không đủ sức để đón nhận tất cả sự phong phú của phụng vụ nên việc cử hành phải được chuẩn bị và diễn tiến theo thời gian cầu nguyện cá nhân, nhờ đó những diễn tả và nội dung phong phú của phụng vụ có thể được tiếp nhận hợp với nhịp sống và nhu cầu của mỗi người. Vì tất cả được ban tặng trong phụng vụ nên tất cả đời sống thiêng liêng đều được sắp sẵn ở đó. Tuy nhiên, vì chúng ta chưa đủ khả năng sống hành vi trọn vẹn của phụng vụ, nên điều quan trọng là phải có những cuộc gặp gỡ cá nhân và thân mật của chúng ta với Thiên Chúa để chuẩn bị và hướng về những cuộc gặp gỡ có tính cách sộng đoàn của Giao Ước (xc. Chiêm niệm, sống).

 

Kinh Sách

(= Nocturne)

Tiếng La tinh nocturnus ám chỉ những gì xảy ra ban đêm. Trong ngôn ngữ phụng vụ, giờ Kinh Ðêm là một phần kinh phụng vụ ban đêm (xc. Kinh Sáng, Vọng lễ) được soạn ra cốt yếu dựa vào một số thánh vịnh, bài đọc và xướng đáp. Kinh Thần Vụ của đan sĩ về ban đêm thường gồm hai giờ kinh đêm vào những ngày thường và ba giờ kinh đêm vào những ngày lễ kính và lễ trọng.

 

Kinh Sáng

(= Laudes)

Tiếng La tinh Laudes có nghĩa là ngợi khen. Giờ Kinh Laudes là giờ kinh ban mai, giờ kinh buổi sáng. Gọi là Laudes, vì giờ kinh này mang tính chất ca ngợi, mỗi một ngày mới là một ngày ca ngợi những kỳ công sáng tạo. Thánh vịnh đầu tiên là thánh vịnh ban mai, còn thánh vịnh cuối cùng là thánh vịnh ngợi khen. Về kinh Thần Vụ, luật thánh Biển Ðức đã qui định: yếu tố sau cùng trong việc hát thánh vịnh mỗi ngày là ở ba thánh vịnh cuối của sách thánh vịnh, tức là ba thánh vịnh hoàn toàn có tính cách ca ngợi: đó là Tv 148, 149, 150.Những thánh vịnh này đã góp phần làm cho giờ kinh ban mai được gọi là Kinh Ngợi Khen. Trước một hay nhiều thánh vịnh ca ngợi, người ta hát một bài thánh ca trích từ Cựu Ước. Ðỉnh cao của giờ Kinh Laudes là bài thánh ca Tin Mừng của ông Da-ca-ri-a, tức thánh ca Beneditus (Chúc Tụng). Khi hát thánh ca này, cộng đoàn đứng. Kế tiếp là lời nguyện chuyển cầu mang ý nghĩa hiến dâng và ca ngợi vì một ngày mới bắt đầu. Nếu giờ kinh sáng là giờ kinh đầu tiên trong ngày, thì phải đọc thánh vịnh giáo đầu trước.

 

Kinh Sĩ

(= Chanoine)

Từ ngữ La tinh canonicus xuất phát từ tiếng kânon của Hy Lạp, có nghĩa là lề luật (xc. Lễ Qui). Kinh sĩ là chức sắc trong Hộ Thánh, theo bậc sống được qui luật pháp chế bảo đảm. Ngoài vai trò cố vấn cho giám mục và nhóm các kinh sĩ hội, còn có nhiệm vụ chính yếu là cử hành trọng thể thánh lễ và kinh thần vụ: đây là công việc thiết yếu của Hội Thánh và cần được chu toàn một cách trọn vẹn hơn ở giữa lòng giáo phận.

 

Kinh Tạ Ơn

(= Prière eucharistique)

Ðây là toàn bộ những công thức giữa phần tiến lễ và Kinh Lạy Cha, đây cũng là phần chính của thánh lễ: phần "tạ ơn" hoặc hy tế đúng nghĩa.

Cấu trúc Kinh Tạ Ơn của Kitô giáo có liên hệ với những Kinh Tạ Ơn quan trọng của người Do Thái, chẳng hạn Kinh "Mười Tám Lời Chúc Tụng" (Shemônes-Esré berakoth) và Kinh "Chúc Tụng Ðấng Tạo Hóa" (Birkat Yotser) đều gồm có một lời ngợi khen mở đầu, một lời Sanctus, nhưng lời khẩn cầu gần giống như kinh cầu xin Chúa Thánh Thần (Epiclèse), một lời cầu xin Thiên Chúa nhớ đến (anammèse), những lời chuyển cầu, một hay nhiều vinh tụng ca. Những Kinh Tạ Ơn đầu tiên chúng ta biết được (xc. Didakhê, cuối thế kỷ 1, chứng từ của thánh Giút-ti-nô, quãng năm 150, Tông Truyền của thánh Hy-pô-li-tô quê ở Rôma quãng năm 215, Anaphore của Addai và Nari thế kỷ IV, Sách kinh (Eucologe) của Serapion Thmuis quãng năm 350, và Ðịnh chế các Tông Ðồ quãng năm 380) cho thấy rõ các Kinh Tạ Ơn đó có liên hệ với các kinh nguyện của Do Thái.

Các Kinh Tạ Ơn 2, 3 và 4 trong sách lễ Rôma cho thấy rõ cấu trúc cổ của các Kinh Tạ Ơn xuất phát từ các kinh nguyện Do Thái: lời tiền tụng cũng có các câu đối đáp: kinh Thánh Thánh chí Thánh là một lời ngợi khen ít nhiều nói về sự thánh thiện của Thiên Chúa biểu lộ nơi các công trình Người thực hiện, Epiclèse hoặc lời cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa các lễ phẩm, Anamèses hoặc cầu xin Thiên Chúa nhớ đến, tiếp theo sau lời "Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy", Epiclèse sau truyền phép hoặc cầu xin Chúa Thánh Thần thánh hóa Nhiệm Thể, các lời chuyển cầu, vinh tụng ca kết thúc Per Ipsum, cuối cùng là lời thưa Amen của các tín hữu.

Lễ Qui Rôma hay Kinh Tạ Ơn 1 có cấu trúc riêng và đã được định hình rõ nét từ cuối thế kỷ thứ IV. Trình thuật thành lập Thánh Thể và Anammèse thuộc về trọng tâm của Kinh Tạ Ơn, nhưng một cách chính yếu cũng được điểm bằng những lời chuyển cầu. Cần chú ý đến ba điểm đặc biệt trong Lễ Qui này:

1. Song đối: nhớ đến người còn sống, trước truyền phép, và nhớ đến người đã qua đời sau khi truyền phép, mỗi phần đều có kèm theo một lời cầu nguyện có kể tên các thánh (Kinh Hiệp Thông và Cả Chúng Con Nữa: xem các từ này và bìa xếp),

2. Trái với Ðông Phương có những công thức cố định, Lễ Qui Rôma có nhiều công thức khác nhau: lời tiền tụng, Kinh Hiệp Thông, và Kinh Hanc Igitur tùy theo các mùa phụng vụ,

3. Cuối cùng nói một cách tiêu cực, Kinh Tạ Ơn 1 của sách lễ Rôma không có công thức Epiclèse rõ rệt, cả trước lẫn sau truyền phép: kinh Quam oblationem trước trình thuật thành lập Thánh Thể không đề cập đến Chúa Thánh Thần, nhưng cũng có thể được coi là một lời xin biến đổi các lễ vật, người ta cũng đề nghị nên coi kinh Supplices te rogamus là một epiclèse, một lời cầu xin Chúa Thánh Thần, sau truyền phép, dù không tìm rõ cơ sở để quả quyết như thế. Nhất là cần nhìn nhận rằng khung cảnh của Lễ Qui Rôma khác hẳn khung cảnh của những Kinh Tạ Ơn khác.

Ngoài bốn Kinh Tạ Ơn chính thức trong sách lễ Rôma, ngày nay người ta còn đề nghị một số Kinh Tạ Ơn khác và đã được thẩm quyền trong Hội Thánh cho phép: hai Kinh Tạ Ơn dùng trong dịp hòa giải, ba Kinh Tạ Ơn dùng trong các thánh lễ dùng cho trẻ em, gồm có nhiều lời tung hô, một Kinh Tạ Ơn dùng trong dịp hội họp. Những Kinh Tạ Ơn này có cấu trúc giống như các Kinh Anaphore của Ðông Phương, tức là cấu trúc củ các Kinh Tạ Ơn II, III và IV.

 

Kinh Thương Xót

(= Kyrie)

Lời tung hô bằng tiếng Hy Lạp kyrie eleison (Lạy Chúa, xin dủ thương) có trong bản dịch LXX (bản dịch 70, thế kỷ III trước Công Nguyên); người ta thấy lời tung hô này trong hầu hết các thánh vịnh (4,2; 6,3; 9,14; 25,11. v.v...). Trong Tân Ước, đó là lời thưa với Ðức Giêsu (Mt 15,22; 20,30). Kinh Kyrie eleison xuất hiện trong phụng vụ vào thế kỷ IV, ở Xyria và Palestin: đó là câu đáp của các tín hữu sau các ý nguyện trong kinh nguyện cộng đồng do phó tế xướng lên. Ở Tây Phương, thánh Biển Ðức (đầu thế kỷ VI), trong sách Qui Luật, nói rằng Kyrie là lời khẩn cầu đầu tiên trong kinh cầu đọc ở cuối giờ kinh phụng vụ. Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả (590-604) làm chứng rằng ở Rôma, bắt đầu thánh lễ, các giáo sĩ hay ca đoàn hát kinh Kyrie, sau đó các tín hữu lặp lại, người ta còn thêm lời khẩn cầu song song "Christe eleison" - Ðiều này không có ở Ðông Phương.

Trong thực hành, phụng vụ Rôma hiện nay, sau phần chuẩn bị bằng việc sám hối mở đầu thánh lễ, người ta hát hoặc đọc luân phiên hai lần Kyrie, hai lần Christe, và hai lần Kyrie. Cũng có thể đọc mỗi lời khẩn cầu ba lần, như được qui định trong một số bài Kyrie nhạc Gregorio. Trong cả hai trường hợp, lời khẩn cầu rõ ràng hàm ý kêu cầu Ba Ngôi. Trong các kinh cầu hát nhân dịp lễ cầu mùa, hay trong các nghi thức long trọng (Thánh Tẩy, Truyền Chức, Cung Hiến, Thánh Hiến trinh nữ...) Ba lời khẩn cầu làm thành phần mở đầu kinh nguyện. Cuối giờ Kinh Phụng Vụ, ba lời khẩn cầu được hát một lần, dẫn vào Kinh Lạy Cha và lời nguyện. Kinh Kyrie eleison cũng được dùng làm câu đáp của tín hữu trong kinh nguyện cộng đồng.

 

Kinh Tối

(= Complies)

Giờ Kinh Phụng Vụ cuối cùng, "hoàn tất" một ngày làm việc. Giờ kinh này mang nặng tính cách an bình thư thái và kết thúc bằng một bài ca kính Ðức Trinh Nữ Maria - thường là Kinh Lạy Nữ Vương (Salve Regina) - có kèm theo việc rảy nước thánh.

 

 


Back to Home