D

 

Dây Các Phép

(= Etole)

Tiếng Latinh stola hay tiếng Hy Lạp stolè có nghĩa là áo ngoài. Dây các phép là một loại phẩm phục dành riêng cho những người đã lãnh nhận chức thánh. Ðó là một dải vải dài có hai vạt bằng nhau, màu sắc thay đổi tùy theo phụng vụ, cùng với các phẩm phục tế tự khác. Giám mục và linh mục quàng dây các phép lên cổ, thả song song hai vạt phía trước ngực; còn phó tế mang dây các phép từ vai trái chéo xuống bên phải: ở gần phía cuối, được may dính lại với nhau hay có một sợi dây nối hai vạt, để dây các phép quàng chéo một dải phía trước, một dải phía sau thân mình.

Ban đầu, dây các phép chỉ là một miếng vải dùng để lau miệng, lau mồ hôi hay nước mắt: một loại khăn tay mà người La tinh gọi là orarium, bởi chữ os có nghĩa là miệng. Người Hy Lạp gọi là ôrarion, còn người La tinh không hiểu vì lý do gì mà họ thích dùng chữ stola. Dây các phép được mang ngoài áo trắng dài.

 

Dây Thắt Lưng

(= Cordon)

Một loại dây lưng được bện bằng sợi trắng (hay bằng một chất liệu khác), dùng để giữ ly áo trắng dài. Ðể cử hành hy lễ của Giao Ước mới, các linh mục lấy lại một nghi tiết nào đó đã được quy định cho Dân Israel khi cử hành lễ Vượt Qua đầu tiên: "Các ngươi ăn lễ Vượt Qua, lưng thắt dây" (Xh 12,11). Phụng vụ trần thế là điểm tới tạm thời của Hội Thánh trên hành trình tiến về Ðất Hứa; những giai đoạn ấy, vừa là khởi điểm vừa là đích điểm, vì thế nên thắt lưng nghĩa là giữ tư thế sẵn sàng để nhận ra Chúa như hai lữ khách Emmau khi Người bẻ bánh. Một số áo trắng dài có nhiều đường may không cần dây thắt lưng.

 

Dân Chúa

(= Peuple)

Dân là phía ký kết Giao Ước với Thiên Chúa và cử hành Giao Ước đó, tức là phụng vụ. Trong mọi cuộc cử hành phụng vụ ở địa phương, vị linh mục đại diện Thiên Chúa, còn cộng đoàn tín hữu đại diện cho toàn thể Dân Chúa (xc. Cộng đoàn Phụng vụ, Hội Thánh).

 

Dâng Chúa Vào Ðền Thờ

(= Présentation)

Ngày 2 tháng 2, ngày sau lễ Giáng Sinh, Hội thánh cử hành lễ Dâng Chúa vào Ðền Thờ. Kỷ niệm cuộc gặp gỡ Sứ Giả của Giao Ước (xc. Mk 3,1) và nỗi trông đợi của Israel, được kết tinh nơi Cụ Già Ximêon (Lc 2,22-35), lễ Dâng Chúa vào Ðền Thờ cũng là lễ Ánh sáng, vì cụ già Ximêon chào Ðức Giêsu là Ánh Sáng soi đường cho chư quốc (Lc 2,32). Lễ Nến gồm: phần làm phép nến và rước nến trước thánh lễ, nghi thức này tái diễn cuộc gặp gỡ giao ước giữa Chúa Giêsu và Cụ Già Ximêon, do sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần (xc. Nến; Muôn lạy Chúa).

Việc kỷ niệm Ðức Trinh Nữ Maria dâng mình, được ấn định ngày 21 tháng 11, không dựa vào đoạn văn nào trong các Tin Mừng chính lục, nhưng dựa theo tục truyền Ðức Maria dâng mình vào Ðền Thờ, như được kể trong phần tiền Tin Mừng của Thánh Giacôbê (bản văn bằng tiếng Hy Lạp xuất hiện vào khoảng hậu bán thế kỷ II). Ngoài tục truyền ấy, ngày 21 tháng 11 Hội Thánh cử hành việc Ðức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội không ngừng hiến mình cho Thiên Chúa. Sự hiến dâng này là khuôn mẫu của mọi việc thánh hiến tu sĩ hay linh mục.

Trong thánh lễ, khi chuẩn bị lễ vật, linh mục thi hành hai cử chỉ dâng hiến bánh và rượu, kèm theo lời chúc lành bắt nguồn từ truyền thống Do thái (xc. Lễ vật, tế phẩm). Tuy nhiên, cử chỉ hiến dâng đích thực chính là lúc kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể (xc. Chính nhờ Ðức Kitô).

Tiếng Hy Lạp gọi lễ Dâng Chúa vào Ðền Thờ là hypapante. Ðộng từ hupantam hay hupapantan có nghĩa là tiến lên, gặp gỡ. Trong ngày lễ này, người Ðông Phương nhấn mạnh đến cuộc gặp gỡ giữa cụ già Ximêon và Chúa Giêsu. Hai vị cùng tiến lại với nhau, và như thế biểu lộ một cốt cách của Phụng Vụ, tức là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân Người, để cử hành Giao Ước. Chúng ta không thể gặp gỡ Thiên Chúa nếu Người không đến với chúng ta trước và, qua Thánh Thần, thúc đẩy chúng ta đến với Người (xc. Nến).

 

Dầu

(= Huile)

Trong tiếng La tinh oleum, và élaion trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là dầu được trích từ cây ô-liu (élaia). Dầu luôn làm sáng tươi khuôn mặt (Tv 103,15), là biểu tượng của niềm vui (Tv 44,8). Do tính chất thẩm thấu của dầu, việc xức dầu nhằm chỉ việc Thiên Chúa thánh hiến một người để làm vua, tư tế, ngôn sứ (Xh 29,7; Is 10,1; 16,12-13). Ngay cả đồ vật và nhà cửa cũng được thánh hiến bằng việc xức dầu (St 28,18). Người được xức dầu tuyệt hảo là Ðấng Messia, là Chúa Kitô, là Vua, Thượng tế, và Ngôn sứ. Ngoài việc biểu tượng của niềm vui và vẻ đẹp, dấu chỉ của sự thánh hiến, dầu còn là loại thuốc làm dịu bớt những cơn đau và tăng cường sức mạnh cho các đấu sĩ, làm cho họ dẻo dai và ít chấn thương.

Phụng vụ của Hội thánh đã ưu tiên dùng ba loại dầu, được gọi là dầu thánh: dầu xức cho bệnh nhân, dầu xức cho người dự tòng và dầu thánh. Hai loại đầu được làm phép, còn loại thứ ba được thánh hiến trong lễ Truyền Dầu thứ Năm Tuần Thánh (xc. Các lời nguyện làm phép dầu).

- Dầu Bệnh Nhân trong trường hợp khẩn cấp có thể được linh mục làm phép lúc cử hành, là dấu chỉ khả giác được sử dụng trong bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân để ban ơn trợ lực của Chúa Thánh Thần.

- Dầu Dự Tòng ban sức mạnh Thánh Linh cho những người sắp lãnh bí tích Thánh Tẩy và trở thành những chiến sĩ của Thiên Chúa, bước theo Chúa Kitô và chống lại thần dữ. Dầu này có thể do linh mục làm phép trước khi sử dụng. Khi có lý do quan trọng, có thể bỏ việc xức dầu những người dự tòng trong Bí Tích Thánh Tẩy.

- Dầu Thánh là loại dầu thơm được sử dụng để xức dầu thánh hiến. Trong bí tích Thánh Tẩy, linh mục xức dầu trên đầu thụ nhân sau khi dìm hoặc dội nước. Trong Bí Tích Thêm Sức, xức dầu trên trán lúc ban phép bí tích Thêm Sức. Trong bí tích Truyền Chức, sau khi tấn phong giám mục thì xức dầu trên đỉnh đầu của tân giám mục; hoặc sau khi truyền chức linh mục, thì xức dầu trên lòng bàn tay của tân linh mục; khi thánh hiến nhà thờ và bàn thờ, thì đổ dầu thánh trên mặt bàn thờ và trên những dấu thánh giá được thánh hiến. Trong mỗi trường hợp, việc xức dầu thánh ám chỉ Chúa Thánh Thần ngự xuống. Như dầu xức vào đâu thì thẩm vào đó, Người thấm dần vào trong các hữu thể bằng nhiều cách khác nhau. Dầu thánh cũng giúp Kitô hữu tham dự vào việc xức dầu để làm vua, tư tế và ngôn sứ của Ðức Kitô.

Người ta cũng dùng dầu để đốt đèn, nói lên sự hiện diện của Ðức Kitô trong Thánh Thể đặt trong nhà tạm.

 

Dầu Thánh

(= Chrême)

Tiếng Hy Lạp chrima hay chrisma có nghĩa là thuốc, dầu. Danh từ này bởi động từ Chriô: xức, xoa bóp, bôi. Dầu thánh là loại dầu chính trong các loại dầu được giám mục thánh hiến khi cử hành lễ Dầu vào sáng thứ Năm Tuần Thánh. Dầu này là hợp chất gồm dầu ôliu, thuốc thơm và một số hương liệu khác.

Như những loại thuốc xoa bóp khác nhằm chữa lành bệnh, làm giảm đau và thẩm thấu vào cơ thể làm cho khỏe mạnh, dầu thánh tượng trưng cho sự thấm nhập của Chúa Thánh Thần và các ơn của Người trong tâm hồn tín hữu. Dầu thánh được dùng trong nghi thức của bí tích và phụ tích. Trong bí tích Thánh Tẩy, Dầu được xức trên đầu; trong bí tích Thêm Sức, dầu ghi trên trán dấu ấn của Ðức Kitô. Trong bí tích Truyền chức, vị tân giám mục được xức dầu trên đầu, còn vị tân linh mục được xức dầu trên bàn tay. Dầu thánh này cũng được dùng để xức trong nghi lễ cung hiến thánh đường và bàn thờ (xc. nghi Thức lễ Truyền dầu).

 

Dầu Thánh (Bình Ðựng)

(= Ampoule)

Trong phụng vụ, đó là một cái bình nhỏ dành riêng để đựng dầu thánh (xc. Dầu).

 

Dấu Chỉ

(= Signe)

Trong tiếng La tinh, signum có nghĩa là dấu, ấn dấu. Dấu chỉ là một thực tại hữu hình nào đó, tự nhiên hay qui ước, hướng tới một thực tại khác, hữu hình hay vô hình. Con người chỉ có thể biết và yêu mến tùy theo mức độ lãnh hội qua giác quan những yếu tố cần thiết cho đời sống nội tâm của họ và theo mức độ họ diễn tả đời sống nội tâm đó qua giác quan. Dấu chỉ là trung gian giữa điều thuộc khả giác và điều thuộc tinh thần: mọi "sự in dấu" - đó là ý nghĩa nguyên thủy của "dấu chỉ" - và mọi "sự biểu lộ" đều giả thiết phải có dấu chỉ làm trung gian.

Trong phụng vụ, một thế giới đầy dấu chỉ, việc in dấu tương ứng với tác động của Thiên Chúa tác động đến chúng ta qua Lời của Người, cũng như qua những dấu chỉ hữu hình và có hiệu quả, tức là các bí tích, và trong một mức độ nào đó, cả các phụ tích. Sự biểu lộ tương ứng với thái độ đáp trả của chúng ta hay sự đáp ứng trước tác động của Thiên Chúa, qua lời kinh tiếng hát cử chỉ, là cách biểu lộ khả giác giúp cho mọi phần tử trong cộng đoàn có thể cùng nhau bày tỏ sự ưng thuận của mình trước tác động của Thiên Chúa, Ðấng phù trợ họ (xc. PV, Phần định nghĩa phụng vụ).

Dấu chỉ là trung gian giữa tinh thần và khả giác, vì là yếu tố liên kết con người với nhau, vì con người chỉ có thể thông tin cho nhau qua những yếu tố bên ngoài. Ngoài ra, dấu chỉ còn là trung gian đặc biệt giữa Thiên Chúa và con người, nhất là kể từ biến cố Nhập Thể. Việc canh tân Phụng Vụ sau Công Ðồng Vaticanô II đã nhấn mạnh: "Phải tu chỉnh các bản văn và các nghi lễ, làm sao cho chúng diễn tả rõ ràng hơn những thực tại thánh mà chúng biểu thị, và để Dân Kitô giáo có thể dễ dàng thấu triệt các thực tại ấy càng nhiều càng tốt, cũng như có thể tham dự bằng việc cử hành những nghi lễ ấy một cách trọn vẹn, linh động và cộng đồng" (PV 21). Một trong những mục đích của cuốn Tự Ðiển này là giúp hiểu biết rõ hơn những dấu chỉ thánh để có được một cuộc cử hành trọn vẹn (xc. Biểu Tượng).

 

Di Chúc

(= Testament)

Tiếng La tinh testamentum có nghĩa là: tài liệu xác định dứt khoát những ý định sau hết của một người. Tiếng Hy Lạp "diathèkè" cũng có nghĩa đó. Cả hai dịch từ Hipri "berith", có nghĩa đen là giao kết. Từ giao kết phổ biến hơn, vì nó diễn tả chính xác tính cách song phương trong chương trình của Thiên Chúa: vì thế nó thích hợp hơn với ý nghĩa sâu xa của phụng vụ, tức là cuộc cử hành Giao Ước. Tuy nhiên, cần ghi nhận rằng từ di chúc vừa nói lên sáng kiến của Thiên Chúa trong Giao Ước, vừa nói lên tính cách dứt khoát của Giao Ước đó. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa chưa từng nói lời chung quyết, cũng chưa tỏ lộ ý định cuối cùng của Ngài. Trong Tân Ước, vào thời sau hết, Thiên Chúa phán dạy ta qua Thánh Tử, Người đã đặt làm Ðấng thừa hưởng muôn vật muôn loài (Dt 1,2).

 

Dìm Xuống Nước

(= Immersion)

Tiếng La tinh immergere, ghép chữ in (trong) và mergere (nhận chìm), có nghĩa là dìm một vật gì xuống nước. Khi cử hành bí tích Thánh Tẩy, việc dìm toàn thân hay một phần là dấu chỉ đầu tiên và rõ ràng nhất của việc dìm vào cái chết và phục sinh của Ðức Kitô. Ðể diễn tả rõ hơn ý nghĩa bí tích Thánh Tẩy hoàn toàn đưa ta vào đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi, nghi thức dìm xuống nước được thực hiện ba lần, kèm theo lời cầu khẩn Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần (xc. Thánh tẩy).

 

Dự Tòng

(= Catéchumène)

Tiếng hy Lạp katèkhoumenos có nghĩa là người được nghe vang động một lời bên tai, bởi động từ katèkhein: làm vang động.người dự tòng là người được truyền thụ đức tin Kitô giáo, nhằm chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Nghi thức khai tâm Kitô giáo cho người lớn gồm ba giai đoạn:

(1) Tiếp nhận vào số những thỉnh nguyện viên của bí tích Thánh Tẩy: tuyển chọn lần đầu, trừ tà và từ bỏ ma quỉ lần đầu;

(2) Quyết định của người dự tòng và việc ghi danh; khảo hạch, "trao" Kinh Tin Kính và Kinh Lạy Cha; nghi thức mở tai, trừ tà, chọn tên thánh, xức dầu dự tòng;

(3) Cử hành bí tích Thánh Tẩy, Thêm Sức, Rước Lễ lần đầu...

 

 


Back to Home